Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 05, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Hải Quân - Thế Giới
THIẾT-GIÁP HẠM “CÓ HUÔNG” SCHARNHORST
LÊ CHÁNH THIÊM
Các bài liên quan:
    ĐẠI CHIẾN HẠM YAMATO: TUYỆT VỌNG VÀ BI HÙNG (Phi Hồ)
    THIẾT GIÁP HẠM LỚN NHẤT CHƯA TỪNG CÓ ĐƯỢC GỬI ĐI TRONG MỘT CUỘC CHẠY ĐUA TỰ SÁT CHỐNG LẠI QUÂN ĐỘI HOA KỲ
    ĐÁNH CHÌM THIẾT GIÁP HẠM YAMATO TRONG THẾ CHIẾN 2 MỘT BIỂU TƯỢNG CHO CUỘC CHIẾN ĐIÊN CUỒNG CỦA NHẬT.
    THIẾT GIÁP HẠM MISSOURI VÀ KHÚC KHẢI HOÀN CA CỦA HẢI QUÂN MỸ
    THIẾT GIÁP HẠM YAMATO: BẢN BI HÙNG CA CỦA HẢI QUÂN NHẬT BẢN

 

1. Mở đầu.

 

Chiếc Tuần dương Thiết giáp hạm (armored cruiser) Scharnhorst (1) là một chiến hạm nổi tiếng thuộc Hải-Quân Đức-Quốc Xã. Cùng với chiếc Gneisenau, được Hải quân Đức gọi là thiết giáp hạm (Schlachtschiff) nhưng Hải quân Hoàng gia Anh lại xếp nó vào hạng tuần dương hạm, còn Hải quân Hoa Kỳ xem chúng như những thiết giáp hạm. Scharnhorst được đóng sau Hòa ước Versailles năm 1919, là hòa ước chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914–1918) giữa nước Đức và các quốc gia thuộc “phe Hiệp Ước”. Hòa ước được soạn thảo bởi Georges Clemenceau, Thủ tướng nước Pháp - cùng với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh – là ba nước thắng trận, áp đặt những điều khoản khắt khe lên nước Đức bại trận.


 

Chân dung Gerhard Johann David von Scharnhorst, người được lấy

tên để đặt cho chiếc tuần dương hạm "nổi tiếng" của Đức Quốc xã.

 

Sau khi chế độ Đức Quốc xã được thành lập với sự lãnh đạo của Adolf Hitler, hòa ước nầy đã bị Hitler đơn phương xóa bỏ vào thập niên 1930, đến năm 1935 Đức bắt đầu đóng 2 chiếc tàu nầy. Các con tàu được đặt tên theo những nhà cải cách quân đội người Phổ vào thế kỷ 19, là Gerhard von Scharnhorst và August von Gneisenau. Đây là loại chiến-hạm tối-tân, là niềm tự-hào của chính-quyền Hitler với hy-vọng mang lại chiến-thắng khi giao chiến, để phô-trương sức mạnh quân-sự của Đức và cũng để răn đe đối-phương, một đòn “chiến tranh tâm lý”. Lịch-sử chiếc tàu này cho thấy ngoài việc nó nổi danh với hỏa lực mạnh, khả năng tham chiến cao, vận tốc lớn, nó còn mang tiếng là “vật có huông”, vật xui-xẻo, mang đến nhiều tai-vạ hơn là đem lại kết quả như Bá-Linh mong muốn.

 

Mười lăm thế-kỷ trước Thiên Chúa giáng-sinh, một triết-nhân Ấn-độ đã nói: “Người nào tin vào chúc lành, cũng sẽ tin vào chúc dữ”. Nói một cách khác, nếu có một quyền lực vô hình nào đó thì có thể dùng nó để xây-dựng hay phá-hoại tùy theo mục-đích người vận-hành: nếu sử dụng nó được thì có thể cầu mong được và nếu chúc lành ứng nghiệm thì chúc dữ hay lời nguyền cũng có hiệu-quả. Khoa-học hiện-đại thì lại không tin như vậy, họ cho đó là dị-đoan, mê-tín. Gần đây, trước các khám-phá về tâm-sinh-lý, các nhà khoa-học đã phải công-nhận sức mạnh từ sự tập-trung tư-tưởng hòa lẫn với tình-yêu hay căm ghét mãnh-liệt có thể truyền ảnh-hưởng tốt hay xấu cho một vật, giống như thanh sắt phản-ứng với thanh nam-châm. Trong đề tài nầy, mời độc-giả theo-dõi câu chuyện “có huông” của chiếc Scharnhorst sau đây.

 

2. Lịch sử của tên Scharnhorst.

 

Trước thế chiến thứ nhất, Hải quân Đức đã có chiếc tuần dương hạm bọc thép (armored cruiser) cũng mang tên Scharnhorst, đó là chiếc SMS Scharnhorst “1” (tạm gọi là số 1 còn chiếc tàu mà chủ đề bài nầy đề cập đến là chiếc số 2), được khởi công đóng từ năm 1905, đến năm 1907 gia nhập vào hạm đội Đức, vận tốc 22.7 knots (42 km/h) được phân về Hải đội Đông Á Đức Quốc, là soái hạm của Đô đốc Maximilian von Spee. Scharnhorst được đánh giá là con tàu được huấn luyện tốt, nhận những giải thưởng về thành tích thực hành tác xạ. Vào ngày 1 tháng 12 năm 1914 Scharnhorst bắn chìm chiếc Good Hope của Hải quân Hoàng Gia Anh ngoài khơi Coronel thuộc Chí Lợi (Chile). Trong trận chiến quần đảo Falkland ở Á Căn Đình với Hải quân Hoàng Gia Anh, SMS Scharnhorst (1) bị các chiến hạm Anh bắn chìm vào lúc 13:20 PM ngày 8-12-1914.

 

 

Chiếc SMS Scharnhorst (số 1)

 

Scharnhorst “2” là “tàu chiến chủ lực” được chế tạo cho Hải quân Đức quốc Xã (Kriegsmarine) sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, là chiếc đầu tiên trong lớp (class) Scharnhorst, chiếc “chị em” kia là Gneisenau. Nó được đóng tại xưởng Kriegsmarinewerft tại Wilhelmshaven, được đặt lườn vào ngày 15-6-1935, hạ thủy vào ngày 3-10-1936. Nhập vào hải quân Đức vào tháng 01-1939, tàu được trang bị 9 súng 28 cm C/34 trên 3 pháo tháp 3 nòng, (đã có kế hoạch để thay thế hệ thống súng này bằng 6 khẩu 38 cm (15 inc) SK C/34 trong pháp tháp đôi.

 

Sơ lược những thống kê về đặc tính, kỹ thuật: Kiểu: Thiết giáp hạm, tuần dương hạm; dài: 226 m (741 ft 6 in); sườn ngang: 30 m (98 ft 5 in); trọng tải choán nước: 32.100 tấn (tàu trống)/38.100 tấn (trang bị đầy đủ tối đa); mớn nước: 9,69 m (31 ft 9 in); động cơ đẩy: 3 × turbine hơi nước, hộp số Germania/Brown, Boveri & Co.; 12 × nồi hơi Wagner;  3 × trục; chân vịt đường kính 4,8 m (15 ft 9 inch); công suất 151.893 mã lực (113 MW); tốc độ: 57,4 km/h (31 knot). Tầm xa hoạt động: 13.000 km ở tốc độ 35 km/h; 7.100 hải lý ở tốc độ 19 knot; mang theo 5.080 tấn dầu; thủy thủ đoàn: 1.669 (56 sĩ quan, 1613 thủy thủ). Vũ khí: 9 × pháo 28 cm/54,5 (11 inc) SK C/34; 12 × pháo 15 cm/55 (5,9 inch) SK C/28; 14 × pháo 10,5 cm/65 (4,1 inch) SK C/33; 16 × pháo 3,7 cm/L83 (1,5 inch) SK C/30; 10 (sau 16) × pháo 2 cm/65 (0,79 inch) C/30 hoặc C/38; 6 ống phóng ngư lôi 533 mm; Bọc giáp: đai giáp chính: 350 mm (13,78 inch); sàn tàu dày 95 mm (3,74 inch).

 

 

Tuần dương hạm SMS Scharnhorst

 

Tuần dương hạm bọc thép Scharnhorst và chiếc Gneisenau đã hoạt động cùng với nhau trong hầu hết giai đoạn đầu của Thế chiến hai, với những đợt xâm nhập vào Đại Tây Dương đánh phá tàu bè thương mại của Anh. Cả hai chiếc đã tham gia Chiến dịch Weserübung xâm chiếm Na Uy. Trong khi hoạt động ngoài khơi bờ biển Na Uy, chúng đã đối đầu với tuần dương hạm HMS Renown. Trong chiến dịch nầy, Scharnhorst đã lập được một kỷ lục, đến nay vẫn chưa bị phá: phát hải pháo bắn trúng xa nhất trong suốt lịch sử hải quân khi nó đánh chìm chiếc HMS Glorious. HMS Glorious là một HKMH của Hải quân Hoàng gia Anh. Ban đầu Glorious được chế tạo như một "tàu tuần dương hạng nhẹ” loại lớn tại xưởng đóng tàu Harland and Wolff. Glorious đã tham gia hoạt động trong Thế chiến thứ nhất, rồi sau đó được cải biến thành một HKMH. Trong giai đoạn đầu của Thế chiến thứ hai, khi đang giúp triệt thoái binh sĩ đồng minh khỏi Na Uy, Glorious bị các tàu chiến Đức tấn công và đánh chìm vào ngày 8-6-1940 với tổn thất nhân mạng lên đến trên 1.200 người.

 

Vào vài năm cuối của Thế chiến thứ hai, hải quân Đức còn lại không còn bao nhiêu tàu chiến trong khi chiến thắng đang đứng dần về phe đồng minh. Tại Á châu, quân Nhật nhận thất bại từ trận nầy đến trận kia, Phi châu thì Đức cũng bị đánh bật khỏi nhiều nơi họ chiếm đóng. Về phần biển cả vùng Bắc Âu, hải quân Hoàng gia Anh đang thắng thế. Trong một chiến dịch tại vùng Nort Cape, chiếc Scharnhorst lừng danh đã bị hải quân Anh đánh chìm, kết thúc lịch sử một “chiến hạm có huông” của nó.

 

3. Các điều “huông” của chiếc Scharnhorst.

 

Chiếc Scharnhorst “có huông” là chiếc thứ hai, thuộc lớp thiết giáp hạm Scharnhorst (Scharnhorst class) gồm hai chiếc Scharnhorst và Gneisenau. Scharnhorst được hạ thủy trước nên nó được xem là chiếc dẫn đầu của lớp, tuy nhiên đôi khi còn được gọi là lớp Gneisenau vì Gneisenau được đặt lườn và đưa ra hoạt động sớm hơn. Cả 2 chiếc được đặt lườn vào năm 1935, hạ thủy vào cuối năm 1936, được đưa ra hoạt động cùng hạm đội Đức vào đầu năm 1939.

 

Tuần dương hạm Scharnhorst, một chiến hạm được chế-tạo theo nhu-cầu chiến-tranh dành cho Hải-quân Đức. Đây là một chiến hạm được kể vào hạng tối-tân thời bấy giờ. Tuy nó có vận-tốc nhanh, có khả-năng tác-chiến khá cao, dàn đại-bác tầm bắn xa khá mạnh, được trang-bị các thiết-bị điện-tử tối-tân khiến nó có thể tìm ra địch-thủ nhanh hơn trước khi nó bị phát-giác nhưng không được giới Hải-quân Đức ưa thích lắm vì tiếng đồn “có huông”. Không ai muốn phục-vụ trên chiếc tàu này, ai cũng buồn khi thấy tên mình có trong danh-sách thủy-thủ đoàn, ngay cả cấp sĩ-quan. Họ phải phục vụ trên tàu vì phải tuân lệnh thượng cấp chứ không có một người nào ưa thích cả.

 

 

Chiếc SMS Scharnhorst (số 2)

 

Lịch sử cho thấy, khi đang còn ở xưởng chế-tạo, chiếc tàu này đã để lộ “bản-chất phá hại” của mình rồi. Lúc đóng mới được một nửa, khi còn đang nằm trên giá đỡ trong cầu tàu, nó bị trượt khỏi giá, nghiêng sang một phía, đè chết 63 người và làm 110 người khác bị trọng thương khi họ đang làm việc gần đó. Ngay sau tai nạn này, nó đươc mang danh “vật có huông” ngay nên không một nhân viên nào của hãng đóng tàu - quân nhân cũng như dân chính - muốn làm việc cạnh nó. Việc dựng nó dậy là cả một vấn-đề gay-go mà cơ-xưởng phải đảm-trách. Tất cả các toán thợ phải bị “sung công”, nghĩa là bị cấp trên bắt-buộc. Phải mất ba tháng nó mới được vét sạch-sẽ bùn để công-việc đóng tàu được tiếp-tục. Và rồi sau cùng cũng hoàn-tất việc đóng tàu, chờ ngày hạ thủy để đưa vào sử-dụng.

 

Vào lúc này, chiến cuộc đang gần đến thời-kỳ quyết-liệt, người Đức đang vận dụng sức mạnh quân-sự của mình trên các mặt trận. Scharnhorst là một chiến-hạm tối-tân nên việc hạ thủy nó là một cơ-hội tuyệt vời cho Đức Quốc xã chứng-tỏ sức mạnh và ưu-thế của vũ-khí Đức hòng uy-hiếp tinh-thần các nước Đồng-minh, các nước chưa tham chiến, các nước trung-lập và nhất là các kẻ thù của Đức. Theo chương-trình dự trù, để cho buổi lễ hạ thủy được long-trọng, ba nhân-vật chính của chính-quyền Đức là Hitler (2), Hermann Göring (3) và Himmler (4) sẽ đến chủ-tọa buổi lễ hạ thủy. Đương nhiên có các Tướng Tá cao-cấp trong Quân-lực cũng như Hải-quân Đức sẽ tháp tùng. Nhưng chiếc chiến hạm này - “niềm kiêu-hãnh của nhà độc-tài Hitler và tập-đoàn Đức Quốc Xã” - đã không chờ đợi ông ta và đám tùy-tùng: ngay trong đêm trước, nó đã “tự ý hạ thủy” không cần ai trợ giúp. Trên đường từ giá đỡ để tuột xuống nước, chiến hạm này đã đè bẹp mấy chiếc xà-lan đậu gần nó, gây ra nhiều thiệt-hại to lớn khác. Dĩ nhiên buổi lễ hạ thủy không xảy ra, không có tiếng champainge nổ vang như trong các lễ hạ thủy tàu thường lệ, các quan chức liên quan bị Hitler khiển trách nặng nề.

 

4. Tham chiến ban đầu.

 

Trận tham chiến đầu tiên của Scharnhorst là trận hải chiến (naval warfare) ở Danzig. Trận vịnh Danzig diễn ra vào ngày 01-9-1939, lúc bắt đầu cuộc xâm lược Ba Lan của Đức, khi tàu chiến của Hải quân Ba Lan bị máy bay Luftwaffe của Đức tấn công ở vịnh Gdańsk (lúc đó là vịnh Danzig). Đó là trận hải chiến đầu tiên trong Thế chiến II. Sau trận nầy, trên mặt-trận tuyên-truyền, chính phủ Đức đã chiếu đi chiếu lại cho khắp thế-giới thấy hình-ảnh các khẩu đại-bác của chiến-hạm nầy nghiền nát hải-cảng Danzig. Tuy nhiên, họ dấu nhẹm vài việc “xui xẻo” đã xảy ra trên chiến hạm: một pháo-tháp trên tàu nổ tung làm chết 9 quân-nhân, và trong một pháo tháp khác, hệ-thống điều-hòa không-khí bị hỏng khiến cho 12 người chết. Các biến-cố này không thể dấu các nhân-viên trên chiến hạm, và dĩ-nhiên được “chuyền tai” trong quân-đội Đức, bắt đầu từ trong hải quân truyền ra.

 

 

Dàn đại bác trên pháo tháp của SMS Scharnhorst

 

Tiếp đến, trong trận phong-tỏa hải-cảng Oslo, Na-Uy, tuần dương thiết giáp hạm Scharnhorst bị hư hại đến 12 chỗ nên Bộ chỉ-huy Đức ra lệnh cho “chị em sinh đôi” Gneisenau kéo nó về bến để sửa-chữa. Trên chuyến kéo về này thật gay-go vì ban ngày đoàn tàu phải đậu lại để tránh các oanh-tạc cơ, tuần-tiễu cơ của Đồng-minh, phải di-chuyển ban đêm là chính. Bao gian khổ rồi cũng qua đi, nó cũng về đến cửa biển Cuxhaven của sông Elbe. Tai đây nó đã nhận chìm chiếc tàu khách lớn nhất thế-giới là chiếc Brement khi hai chiếc đụng nhau. Người ta không hiểu tại sao hệ-thống radar siêu-hạng của nó không phát-giác ra chiếc tàu khách nói trên, đến khi các giám-lộ viên báo-cáo cho đài chỉ-huy biết được thì đã quá trễ. Người ta còn tự hỏi tại sao chiếc tàu kia cũng không thấy nó, tài liệu không ghi lại chiếc tàu dân sự kia có đánh đèn báo hiệu cho nó biết hay không.

 

Về đến ụ của cơ xưởng chờ sửa-chữa, nó được nghỉ ở đó rất lâu vì ít ai muốn nó trở lại chiến trường để gieo thêm tai-vạ cho những quân nhân trên nó và chiến hạm bạn. Nhưng vì nhu-cầu chiến cuộc nên lệnh phải sửa-chữa lại nó ban ra cho cơ xưởng. Khi sửa-chữa xong và nó hoạt-động trở lại thì cuộc chiến gần tàn, khi mà Hitler gần như hết thời, Đức quốc Xã sắp thua trên khắp các mặt trận. Lúc tái tham chiến, khi đó, lực-lượng Hải-quân Đức đã tan tành, chiếc chiến-hạm nổi danh là chiếc Bismark đã bị đánh chìm, chỉ còn có nó hoạt-động được cho dù nó mang danh có huông.

 

5. Đưa Scharnhorst đến Na Uy:

 

Vào đầu năm 1943, Đức quyết định đưa chiếc Scharnhorst cùng với Prinz Eugen và nhiều khu trục hạm khác đến Na Uy nhưng sau 2 lần kế hoạch bị hủy bỏ vì hải quân Đức nhận được báo cáo về các hoạt động tích cực của Không quân Hoàng gia Anh sẽ cản trở kế hoạch. Lần cố gắng thứ ba vào tháng 2 lại bị hủy bỏ khi Scharnhorst bị mắc cạn đang khi cố gắng tránh va chạm với một tàu ngầm U-boat. Vào ngày 8-3-1943, Scharnhorst cùng 4 khu trục hạm rời Gdynia rồi đến Na Uy. Scharnhorst cùng Tirpitz - một thiết giáp hạm thuộc lớp Bismarck – cùng tuần dương hạm hạng nặng Lützow hoạt động tại Na Uy để đánh phá các đoàn tàu vận tải của đồng minh. Các tàu nổi Đức đặt căn cứ tại Na Uy là mối đe dọa thường trực cho các đoàn tàu vận tải của đồng minh. Sự có mặt của hạm đội hiện hữu Đức đã buộc đồng minh phải duy trì một lực lượng hải quân khá mạnh trong vùng biển nầy. Hải quân Hoàng gia Anh đảm trách nhiệm vụ đối đầu với hải quân Đức trên vùng biển Bắc Âu. Số phận đưa đẩy nó gặp phải hạm đội của Anh, và trong một trận chiến, “cuộc đời” nó được kết thúc trên mặt đại dương giá lạnh của vùng Bắc Âu.

 

6. Trận North Cape, hải chiến cuối cùng của Scharnhorst:

 

Vào ngày 20-12-1943, chiếc Scharnhorst được lệnh đánh chặn đoàn convoy vận tải mang ám số JW55B của Đồng-minh đi tiếp tế cho Nga Sô. Nó hoạt động phối hợp với 5 khu trục hạm. Thiết giáp hạm Tirpitz bị hư hại trong một cuộc không kích của Anh vào tháng 9, còn chiếc Lützow đang được sửa chữa định kỳ. Ngày 25-12-1943, vị trí của đoàn tàu vận tải JW55B được xác định. Đúng 19:00 giờ, Scharnhorst rời hải cảng, dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Erich Bey. Không may cho Đức, hạm đội Anh giải được các bộ mật mã của Hải quân Đức nên họ biết rõ ý định của Phó ĐĐ Erich Bey. Người Anh đưa ra phương án tác chiến với 3 chiến hạm: khu trục hạm hỏa tiễn dẫn đường Type 42 là chiếc HMS Sheffield, tuần dương hạm hạng nhẹ HMS Belfast và chiếc tuần dương hạm hạng nặng County-class là chiếc HMS Norfolk được bố trí để đánh chiếc Scharnhorst. Còn Đô Đốc Bruce Fraser trên thiết giáp hạm HMS Duke of York, chiếc thứ tư, ở cách đó 270 hải lý, đang tiến đến để chặn đường rút lui của Scharnhorst.

 

 

Thiết giáp hạm HMS Duke of York, dẫn dầu các chiếc Nelson, Renown,

Formidable & Argonaut trong thời kỳ chiếm đóng Bắc Phi thuộc Pháp

 

Ngày 26-12-1943, HMS Belfast bắt được tín hiệu của Scharnhorst trên màn hình radar của mình vào lúc 08:40 phút. Lúc 09:20, các giám lộ trên HMS Sheffield trông thấy Scharnhorst ở khoảng cách với nó 11.000 m (12.000 yds). Không lâu sau đó, tuần dương hạm HMS Belfast bắn đạn pháo sáng để chiếu rõ mục tiêu, và rồi tuần dương hạm Norfolk khai hỏa các khẩu hải pháo 20,3 cm (8 inch) của nó. Trong vòng 20 phút nó đã bắn trúng Scharnhorst 2 phát, phát thứ hai đã phá hủy bộ radar Seetakt phía trước của Scharnhorst. Đến 10:00 giờ, Scharnhorst sử dụng lợi thế nhanh hơn tàu Anh về tốc độ 4–6 knot, bứt ra khỏi cuộc chiến để tiếp tục truy tìm đoàn tàu vận tải.

 

Đến 12:00 giờ, HMS Belfast lại phát giác ra Scharnhorst, và 20 phút sau, Scharnhorst lại nằm trong tầm đạn của nó. Lần này, Scharnhorst may mắn hơn trong các loạt đạn pháo. Đến 12:23 phút, tuần dương hạm Norfolk bị bắn trúng 2 phát đạn pháo 28,3 cm: một phát vô hiệu hóa một tháp pháo và phát kia làm thủng lườn tàu một lỗ lớn và làm hỏng radar. Ngoài ra, các phát đạn bắn suýt trúng đã tung cơn mưa mảnh đạn lên chiếc khu trục hạm Sheffield. Đến 12:41 phút, một lần nữa Scharnhorst lại tăng vận tốc và bứt ra khỏi cuộc chiến. Tuy vậy các chiến hạm Anh vẫn tiếp tục theo dõi và báo cáo vị trí của nó cho Đô đốc Fraser trên chiếc Duke of York.

 

Đến 13:15 phút, Đô đốc Erich Bey của Đức quyết định hủy bỏ cuộc truy tìm đoàn convoy và quay trở về hải cảng. Ngay trước 17:00 giờ, các tàu chiến Anh lại đến gần Scharnhorst. Tuần dương hạm HMS Belfast một lần nữa lại chiếu rọi mục tiêu bằng đạn pháo sáng, trong khi Duke of York khai hỏa với dàn pháo chính của nó. Một phát bắn trúng từ chiếc Duke of York đã vô hiệu hóa tháp pháo "A". Đến 18:00 giờ, một phát bắn khác đã xuyên thủng phần trên của đai giáp, gây hư hại đáng kể cho phòng động cơ. Phát bắn trúng nầy đã tạm thời làm giảm tốc độ của Scharnhorst xuống còn 8 kn (15 km/h; 9,2 mph), cho dù việc sửa chữa nhanh cho phép nó lại di chuyển ở tốc độ 22 kn (41 km/h; 25 mph).

 

Để đáp trả, hải pháo 28 cm từ chiếc Scharnhorst đã bắn trúng cột antenna của Duke of York, vô hiệu hóa bộ radar dò tìm mặt biển. Việc không có radar buộc Duke of York phải ngừng bắn lúc 18:24 phút, sau khi đã bắn trúng Scharnhorst ít nhất 13 lần. Những phát bắn trúng từ chiếc Duke of York đã loại khỏi vòng chiến hầu hết dàn vũ khí của Scharnhorst. Đô đốc Bruce Fraser ra lệnh cho các khu trục hạm của ông tiến đến gần để phóng ngư lôi vào nó. Scharnhorst trúng ít nhất 4 quả ngư lôi phóng từ các chiếc HMS Scorpion và HNoMS Stord (là khu trục hạm lớp S). Các cú đánh trúng đã gây ngập nước lan rộng và làm giảm tốc độ con tàu xuống còn 12 kn (22 km/h; 14 mph). Duke of York sau đó tiến đến gần ở khoảng cách 9.100 m (10.000 yds) để nã đạn xuống con tàu.

 

Vào lúc đó, chỉ còn tháp pháo C của Scharnhorst còn hoạt động, các pháo thủ Đức còn sống sót chuyển đạn từ các tháp pháo bị vô hiệu A và B sang tháp pháo C. Do bị tràn thêm nhiều nước, tốc độ của Scharnhorst tiếp tục giảm còn 5 kn (9,3 km/h; 5,8 mph). Đến 19:25 phút, tuần dương hạm hạng nhẹ HMS Jamaica phóng 3 ngư lôi, rồi được “ăn đạn” với 6 quả từ chiếc Belfast. Nhiều khu trục hạm cũng tiến đến gần và phóng ngư lôi. Trong màn khói và sương mù, không thể biết rõ có bao nhiêu quả đã trúng đích và tiếp tục hủy hoại con tàu. Scharnhorst bị nghiêng nặng, đến 19:45 phút, con tàu lật sang mạn phải và chìm trong khi chân vịt của nó còn tiếp tục quay. Nó chìm ở tọa độ 72°16′0″N 28°41′0″E. Trong thủy thủ đoàn 1.968 sĩ quan và thủy thủ, chỉ còn 36 người sống sót. Phó Đô đốc Erich Bey đã đi vào lòng đại dương cùng với con tàu của mình.

 

7. Lời kết:

 

Lời người xưa có nói “Mãnh hổ nan địch quần hồ”, đã đúng trong trường hợp nầy. Con cọp dữ Scharnhorst làm sao có thể chống đỡ trước sức tấn công dũng mãnh nhưng được phối hợp nhịp nhàng của đàn cáo khôn ngoan, một trận chiến không cân sức. Scharnhorst là một chiến hạm tối tân, với những tính năng hơn hẳn tàu chiến của các nước khác nhưng những người vận hành nó lại theo đuổi một chủ thuyết tàn bạo nên đã nhận một kết cuộc thảm hại. Những quân nhân phục vụ trên chiếc chiến-hạm nổi danh này cũng như một số người đã góp công trong việc chế-tạo ra nó đã cùng chung số phận với chiến hạm “có huông” nổi tiếng nầy. Tên nó được nhắc lại như một giai-thoại, dù là giai-thoại không mấy vui.

 

Lê Chánh Thiêm.

California, 2001, có sửa đổi.    

 

Chú thích:

 

(1) Tướng Gerhard Johann David von Scharnhorst sinh ngày 12-11-1755 tại Bordenau; mất ngày 28-6-1813 tại Prague, Czech Republic; là một danh tướng gốc Hanoverian phục vụ trong quân đội của Đức từ 1778 đến 1813. Là Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Phổ, ông được chú ý vì các lý thuyết quân sự, những cải cách của ông đối với quân đội Phổ, và sự lãnh đạo của ông trong Chiến tranh Napoléon. Scharnhorst hạn chế việc sử dụng các hình phạt thể xác, thiết lập sự thăng tiến cho công trạng, bãi bỏ việc tuyển sinh người nước ngoài, bắt đầu tổ chức quân đội dự bị, tổ chức và đơn giản hóa việc quản lý quân sự. Tên của ông được đặt cho: một chiếc tuần dương hạm bọc thép (armored cruiser) SMS Scharnhorst trong Thế Chiến 1, và đặt tên cho chiếc Tuần dương thiết giáp hạm nói trong bài nầy, tên 1 trường học tại Hildesheim, tên 1 thành phố thuộc Dortmund.

 

(2) Adolf Hitler, sinh ngày 20-4-1889, chết ngày 30-4-1945, là người Đức gốc Áo, Chủ tịch Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei, viết tắt NSDAP) từ năm 1921, Thủ tướng Đức từ năm 1933, là "Lãnh tụ và Thủ tướng Đế chế" (Führer und Reichskanzler) kiêm nguyên thủ quốc gia nắm quyền Đế quốc Đức kể từ năm 1934. Hitler thiết lập chế độ độc quyền quốc gia xã hội chủ nghĩa Đệ Tam Đế chế, cấm chỉ tất cả các đảng đối lập và giết hại các đối thủ. Hitler đã gây ra Chiến tranh thế giới thứ 2, thúc đẩy một cách có hệ thống quá trình tước đoạt quyền lợi và sát hại khoảng 6 triệu người Do Thái châu Âu cùng một số nhóm chủng tộc, tôn giáo, chính trị khác, được gọi là cuộc Đại đồ sát dân Do Thái (Holocaust). (Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia).

 

(3) Hermann Wilhelm Göring (hay Goering); sinh: 12-01-1893, Chết: 15-10-1946) là một chính trị gia người Đức, chỉ huy quân sự và thành viên hàng đầu của Đảng Quốc xã (NSDAP). Từng là một phi công chiến đấu xuất sắc trong thế chiến thứ nhất, ông đã được nhận huân chương cao quý "Blauer Max". Göring là sĩ quan chỉ huy cuối cùng của Jagdgeschwader 1, phi đội chiến đấu từng đặt dưới sự chỉ huy của Manfred von Richthofen, người được mệnh danh là "Red Baron" (Nam tước Đỏ). Göring là một thành viên của Đảng Quốc xã từ những ngày đầu tiên và ông từng bị thương vào năm 1923 trong một cuộc đảo chính thất bại được biết đến với tên gọi Đảo chính nhà hàng bia. Ông dần trở nên nghiện morphine sau khi chữa trị những vết thương bằng loại thuốc này.

 

Sau khi giúp Adolf Hitler lên năm quyền vào năm 1933, ông trở thành nhân vật quyền lực số hai tại Đức. Cùng năm 1933, ông thành lập nên Gestapo (Cảnh sát Mật) và sau đó đã trao quyền chỉ huy tổ chức này cho Heinrich Himmler. Vào năm 1935, Göring được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh của Luftwaffe (không quân), chức vụ được ông nắm giữ cho đến những ngày cuối cùng của thế chiến thứ II.

 

Đến năm 1940, Göring ở trên đỉnh cao quyền lực và tầm ảnh hưởng; với tư cách bộ trưởng phụ trách Kế hoạch 4 năm, ông chịu trách nhiệm phần lớn về sự vận hành của nền kinh tế Đức trong giai đoạn hình thành nên thế chiến II. Hitler đã thăng ông lên đến Reichsmarschall (Thống chế Đế chế), một cấp bậc cao hơn mọi sĩ quan chỉ huy của Wehrmacht khác. Năm 1941 Hitler chỉ định ông làm người kế nhiệm đồng thời làm phụ tá trong mọi chức vụ của mình.

 

Vị thế của Göring đối với Hitler đã giảm sút đáng kể từ năm 1942, khi mà Luftwaffe không thể hoàn thành những cam kết và nỗ lực chiến tranh của Đức Quốc xã bị chặn lại trên mọi mặt trận. Göring đã rút lui phần lớn khỏi hoạt động chính trị và quân sự, thay vào đó ông tập trung vào việc thu thập tài sản và tác phẩm nghệ thuật, đa phần là tịch thu từ những nạn nhân người Do Thái của vụ diệt chủng Holocaust. Vào ngày 22-4-1945 sau khi được biết Hitler có ý định tự sát, Göring đã gửi một bức điện cho Hitler yêu cầu được phép nắm quyền kiểm soát Đế chế.

 

Nhận định đó như là một hành động phản quốc, Hitler đã tước bỏ tất cả mọi chức vụ của Göring, trục xuất ông ra khỏi đảng và ra lệnh bắt giữ. Sau thế chiến thứ II, Göring bị kết án phạm phải tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người tại tòa án Nuremberg. Ông bị tuyên án tử hình bằng treo cổ, nhưng đã tự sát bằng cách nuốt một viên xyanua trong đêm trước khi bản án được thi hành. (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

 

(4) Heinrich Luitpold Himmler; sinh ngày 7-10-1900 – chết ngày 23-5-1945) là Reichsführer (Thống chế SS) của Schutzstaffel (Đội cận vệ; SS), và là một thành viên hàng đầu trong Đảng Quốc xã (NSDAP) của Đức. Lãnh tụ Đức Quốc xã Adolf Hitler từng bổ nhiệm ông làm chỉ huy quân sự và sau đó là Tư lệnh Quân đội và Toàn quyền cai trị toàn bộ Đế chế Thứ ba trong một thời gian ngắn. Himmler là một trong số những nhân vật quyền lực nhất của Đức Quốc xã và là một trong những người có vai trò quan trọng nhất phải chịu trách nhiệm chính cho cuộc diệt chủng Holocaust.

 

Với tư cách là một thành viên của tiểu đoàn dự bị trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Himmler không phải phục vụ cho quân đội. Ông từng học nông học tại trường đại học trước khi gia nhập Đảng Quốc xã vào năm 1923 và lực lượng SS vào năm 1925. Năm 1929, ông được Hitler bổ nhiệm làm Reichsführer-SS (Thống chế SS). Trong 16 năm tiếp theo, ông đã phát triển lực lượng SS từ chỉ một tiểu đoàn 290 người thành một lực lượng bán quân sự hùng mạnh quy mô một triệu người; đồng thời theo lệnh Hitler thành lập và chỉ huy hoạt động của các trại tập trung.

 

Himmler được biết đến là người có kỹ năng tổ chức tốt và rất có năng lực trong việc lựa chọn cấp dưới, một ví dụ là trường hợp Reinhard Heydrich năm 1931. Kể từ năm 1943, ông đồng thời đảm nhiệm chức Chỉ huy trưởng Cảnh sát Đức và Bộ trưởng Nội vụ, giám sát toàn bộ lực lượng an ninh và cảnh sát trong và ngoài, bao gồm cả Gestapo (Lực lượng Cảnh sát Bí mật, hay Mật vụ).

 

Thay mặt Hitler, Himmler thành lập lực lượng Einsatzgruppen và cho xây dựng các trại hủy diệt. Là cố vấn và giám sát của các trại tập trung, Himmler đã chỉ đạo việc sát hại khoảng sáu triệu người Do Thái, 200.000 đến 500.000 người Di-gan, và nhiều nạn nhân khác. Tổng số thường dân bị giết dưới chế độ phát xít ước tính trong khoảng từ 11 đến 14 triệu người. Hầu hết trong đó là công dân các nước Do Thái, Ba Lan và Nga Xô. Vào giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới thứ hai, Hitler giao cho Himmler chức chỉ huy Cụm tập đoàn quân Thượng sông Rhine và Cụm tập đoàn quân sông Wisla.

 

Thất bại với các nhiệm vụ được giao, Hitler đã thay thế các chức vụ trên của ông ta. Sau khi nhận ra nước Đức sẽ thất bại trong cuộc chiến, Himmler cố gắng mở các cuộc đàm phán hòa bình với Đồng Minh phương Tây không lâu trước khi chiến tranh kết thúc và Hitler không hề biết đến điều này. Khi nghe được thông tin trên, Hitler tước bỏ tất cả mọi chức vụ của Himmler vào tháng 4-1945 và ra lệnh bắt giữ. Himmler nỗ lực chạy trốn nhưng đã bị lính Anh phát hiện. Ông tự sát vào ngày 23-5-1945, dưới sự giam giữ của quân Anh. (Theo Wikipedia).

 

(5) HMS Duke of York là một thiết giáp hạm thuộc lớp King George V của Hải quân Hoàng gia Anh, được chế tạo vào lúc Chiến tranh Thế giới thứ hai sắp nổ ra, và kịp hoàn tất để tham gia một số hoạt động trong cuộc chiến này, mà đáng kể nhất là việc loại khỏi vòng chiến chiếc tàu chiến-tuần dương Đức Scharnhorst vào tháng 12 năm 1943. Sau khi chiến tranh kết thúc, Duke of York tiếp tục phục vụ cho đến năm 1949 khi nó ngừng hoạt động, và bị tháo dỡ vào năm 1957.

 

Vào cuối tháng 12 năm 1943, Duke of York nằm trong thành phần của Hạm đội Nhà Anh Quốc, hộ tống các đoàn tàu vận tải đi lại giữa Anh Quốc và Liên Xô. Các tàu nổi Đức đặt căn cứ tại Na Uy là mối đe dọa thường trực cho cạc đoàn tàu vận tải này, và sự có mặt của hạm đội hiện hữu Đức đã buộc phải duy trì một lực lượng hải quân mạnh trong vùng biển nhà Anh Quốc.

 

Trong chuyến tiếp vận của đoàn tàu vận tải JW55B, Scharnhorst rời căn cứ lên đường để đối đầu. Trong trận chiến diễn ra sau đó, Duke of York bắn trúng Scharnhorst làm nó bị chìm trong Trận chiến North Cape. Sau khi chiếc Scharnhorst bị đánh chìm và việc Đức rút hầu hết các tàu chiến hạng nặng khỏi Na Uy, nhu cầu duy trì một lực lượng tàu chiến tại vùng biển này không còn. Sau đó, Duke of York sang Viễn Đông để gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương Anh, rồi tham gia vào cuộc chiếm đóng Okinawa. Nó là soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương Anh vào lúc Nhật đầu hàng. (Theo Wikipedia)

 

Tài liệu tham khảo:

 

- Google.com; Ask.com; Yahoo.com.

- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

- Tài liệu tổng hợp.

 

Bài nầy được đăng lần đầu vào lúc  07:41:45 PM, Jul 11, 2006

 

*  *  *

 

Xem bài liên hệ với đề tài, click vào đây

Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang HQ thế giới, click vào đây

Xem trang Kiến thức tài liệu, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh