1. ĐẠI CƯƠNG.
Khi thời đại văn minh đến lúc phát triển như ngày nay, con người đã có những phát-minh, phát kiến vượt bực để thỏa mãn nhu-cầu của con người. Một trong các nhu cầu của thời đại là việc giao tiếp. Khi internet phát triển, nhu cầu giao tiếp được mở mang đã mang lại lắm lợi ích nhưng cũng đem lại nhiều khó khăn do một số “phát sinh” mới, chẳng hạn như nhờ internet, bọn tội phạm dễ liên lạc, cấu kết với nhau để cùng hành động, tạo nhiều khó khăn cho chính quyền. Ngoài ra
Chúng ta biết rằng bọn tin tặc có thể xâm nhập vào bất cứ máy computer, hệ thống máy chủ của ngân hàng, hãng xưởng, hệ thống điều hành các cộng trình của tư nhân hay chính phủ (như giao thông, điện, nước, thương mại v.v…) nào để đánh cắp dữ liệu hay phá rối sự hoạt động, để gây khó khăn cho nơi nào là chủ quản của hệ thống đó. Do vậy, tất cả các chính quyền, hãng xưởng, cơ quan của quân đội, dân sự v.v… đều có biện pháp để bảo vệ hệ thống máy chủ của mình, để phản công hay vá lại những chỗ sơ hở để tránh chúng lọt vào được hệ thống của mình sau nầy nữa.
Sau khi bị “hack” (bị tấn công phá rối hay đánh cắp dữ liệu của khách hàng hay của hãng), hãng phải sửa chữa lại, rất tốn kém và mất thì giờ. Để đối phó với “tin tặc”, tất cả các cơ quan công hay tư của Hoa Kỳ chú tâm với chuyện ngăn ngừa sự xâm nhập của tin tặc vì họ cho rằng “phòng bịnh hơn chữa bịnh”. Trong tiểu luận nầy, chúng ta xem sơ qua vài lập trình mà Hoa Kỳ áp dụng để theo dõi, copy, giải mã … các tin tức cần thiết mà họ ghi nhận được qua internet, đó là Canovoire và Magic Lantern, MonsterMind và 1 cơ quan bề thế, đó là hệ thống Echelon, một cơ quan do thám chuyên nghiệp bề thế nhất thế giới.
2. SOFTWARE CARNIVORE.
Để theo dõi các liên lạc qua phương tiện internet, các chuyên viên Mỹ đã nghĩ ra và thiết kế các thiết bị giúp chính quyền Mỹ theo dõi mọi biến động của các “thành phần xấu”. Một trong các phát minh nhằm đáp ứng nhu cầu của chính quyền, đó là nhu-liệu mang tên Carnivore.
Carnivore, sau đổi tên thành DCS1000, là một hệ thống được thực hiện bởi Cục Điều tra Liên bang (FBI), được thiết kế để giám sát email và liên lạc điện tử. Nó đã sử dụng một trình thám thính gói có thể tùy chỉnh có thể giám sát tất cả lưu lượng truy cập Internet của người dùng internet. Carnivore được thực hiện vào tháng 10-1997. Đến năm 2005, nó đã được thay thế bằng phần mềm thương mại cải tiến.
Carnivore là tên của một nhu liệu điện toán để gắn vào các máy chủ của các công-ty Internet. Đây là một nhu liệu giúp cho các cơ quan an ninh của Hoa Kỳ (NSA, FBI, CIA, cảnh-sát, ...) có thể kiểm-soát email, người ta gọi nôm-na là “máy nghe lén” trong tất cả mọi máy computer đang xử dụng khi đang vào internet. Đây là một nhu-liệu tinh-vi với tầm hoạt-động mạnh: chỉ trong 1 giây đồng hồ, software nầy có thể đọc hàng triệu E-mail trên internet để tìm bắt kẻ gian, theo dõi kẻ tình nghi hay muốn biết những gì họ cần, liên lạc với nhau mà nhân viên chính phủ Mỹ chỉ cần theo dõi bằng computer mà khỏi phải gài máy, gắn dây, theo dõi… các tội phạm.
Thất ra, nhu-liệu này đã được các chuyên gia kỹ thuật của Mỹ phát minh ra từ lâu nhưng các cơ-quan an-ninh Mỹ không được phép sử dụng vì luật “bảo-vệ đời tư” của người dân Hoa Kỳ. Sau biến-cố 9-11, một luật mới được Tổng Thống Mỹ George W. Bush ký và ban-hành sau khi được các nhà làm luật biểu-quyết thuận, cho phép các cơ-quan an-ninh xử dụng.
Sau khi xảy ra không-tặc tại New York và Washington DC vài giờ đồng-hồ, nhân viên FBI đã đến các công-ty Internet (như AOL, Prodigy, MSNBC,...) tại Hoa-Kỳ để đặt các nhu-liệu này vào máy của các công-ty này để FBI có thể truy tìm tông-tích, theo-dõi hoạt-động của bọn tội-phạm khi chúng dùng máy computer để liên-lạc với nhau mà không dùng điện thoại vì sợ bị các cơ-quan an ninh phát-giác. Việc làm cấp bách nầy chỉ nhằm đối phó với bọn khủng bố ngay sau khi các chuyến bay bị chúng cướp để làm phương-tiện khủng bố, bởi vì không ai biết bọn chúng sẽ còn làm gì sau các hành động nầy. Do đó, chính quyền Bush cho rằng nếu áp dụng được phương thức theo dõi nào hay cách đó hầu có thể ngăn chận thảm họa cho nhân loại.
Theo kết quả điều tra, trước khi biến-cố 9-11 xảy ra, bọn khủng-bố đã dùng e-mail để liên-lạc, trao đổi tin-tức, lệnh lạc với nhau mà không bị phát-giác vì luật chưa cho phép viên chức chính quyền theo-dõi, nghe lén các thông-tin của dân chúng. Nhu liệu nầy không cần “cài đặt” vào máy cá nhân mà chỉ cần cài vào máy chính của công ty internet chủ quản. Khi một máy computer cá-nhân nào mở lên và vào internet là hệ-thống nầy tự-động “load” vào máy cá-nhân rồi. Người chủ máy không biết là mình đang bị theo-dõi. Khi đã “nằm” trong máy computer rồi thì không thể “lấy” nó ra được, trừ khi không xử dụng máy computer nầy nữa để vào internet hay cho nó vào thùng rác.
Dĩ nhiên những phương-tiện như vậy đã và đang cũng như sẽ gặp phải sự chống đối kịch-liệt của các nhà bảo vệ nhân quyền “mị dân” và một số dân biểu "hoạt đầu chính-trị" ở Mỹ. Thế nhưng vì nhu cầu cho việc bảo vệ an ninh quốc gia nên chính phủ không đếm xỉa gì đến các tiếng nói lạc lõng nầy.
3. MAGIC LANTERN
Chính quyền Mỹ áp dụng công nghệ tên Magic Lantern (Cây đèn thần), một hậu thân của Carnivore. Đây là software ghi nhật ký gõ phím được thực hiện bởi Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI). Magic Lantern lần đầu tiên được thông báo bởi Bob Sullivan của MSNBC vào ngày 20-11-2001 và bởi Ted Bridis của Associated Press.
Đây là tên một solfware được chuyên viên về computer của Hoa Kỳ sáng chế để “gởi” vào máy computer bằng kỹ thuật đặc-biệt. Là sản-phẩm dành cho các cơ-quan an-ninh Mỹ, đặc-biệt là Cục An-Ninh Quốc-Gia (National Security Agency, NSA), Cục Điều tra Liên bang (FBI), CIA, Cảnh sát… để các cơ-quan an-ninh nầy nghe trộm đàm thoại, theo-dõi E-mail, fax, telegraph... của bất kỳ ai họ cần theo dõi. Đây là một phần trong dự án "Hiệp sĩ không gian mạng" (Cyber Knight) của FBI, một chương-trình thông tin hữu hiệu thuộc lĩnh-vực khoa-học công-nghệ tiên-tiến của Hoa-Kỳ.
Trong những trường hợp khẩn cấp hay cần thiết, các cơ quan an ninh muốn biết, muốn theo-dõi nội dung một số cuộc đàm thoại liên-quan đến những biến-cố. Tất nhiên, họ không muốn bị phát hiện để tránh trường hợp bọn tội phạm cảnh giác vì biết bị nghe trộm. Với công nghệ “Cây đèn thần” nầy, các nhân viên điều tra được phép bí mật lắp đặt một solfware nghe trộm qua Internet tại các máy chủ của các cơ-quan chủ-quản internet. FBI gởi software Magic Lantern đến các servers internet. Khi người sử dụng internet mở computer vào internet, nó sẽ bí mật cài một con ngựa Trojan trên máy tính của nghi phạm. Ngựa Trojan được kích hoạt và software bắt đầu làm phận sự của nó, nhất là khi nghi phạm sử dụng mã hóa PGP, thường được sử dụng để tăng tính bảo mật của các tin nhắn email được gửi. Khi được kích hoạt, ngựa trojan sẽ ghi lại mật khẩu PGP, cho phép FBI giải mã thông tin liên lạc của nghi phạm.
Solfware đặc-biệt nầy sẽ thu lại tất cả những ký tự được gõ vào máy tính cá nhân (computer) của người xử dụng máy để liên-lạc với nhau qua hệ-thống internet. Trong cuộc khủng-bố ngày 11-9-2001, bọn khủng-bố dùng Internet liên-lạc với nhau, qua mặt các nhân viên an ninh nghe lén qua hệ thống điện thoại. Đây là nhược điểm về công nghệ giám sát trước đây của chính quyền Mỹ và cũng do bởi luật pháp Mỹ chi phối. Với kỹ thuật cũ, đòi hỏi các thanh tra phải vào tận nhà đối tượng và bí mật gắn thiết bị với một máy tính mới có thể thu thập thông tin cần thiết. Công nghệ Magic Lantern khắc phục nhược điểm trên.
Với công nghệ mới này, FBI chỉ cần gửi đến người sử dụng - những đối tượng họ cần nghe trộm - một file đính kèm email, để đối tượng tự tải "cây đèn" xuống máy computer mà họ không hay biết gì, khi đối tượng mở máy, công-nghệ nầy tự-động gởi vào máy computer của họ. Từ đó, mọi hoạt động của đối tượng bằng computer (xử dụng fax bằng computer, chat, email,...) đều bị phát giác. Điều nầy mang lại hiệu quả tuyệt đối cho cơ quan an ninh Mỹ nếu các kẻ tình nghi xử dụng hệ thống internet liên lạc với nhau để thi-hành tội phạm như bọn khủng bố trong vụ 11 tháng 9 vừa qua.
Hiện nay, các chuyên viên kỹ thuật của Mỹ đã và đang nghiên cứu nhiều phương thức tinh vi hơn nữa để theo dõi “mọi người”. Một điều cần biết là không chỉ các chuyên viên kỹ thuật mà tất cả các trường Đại học Mỹ đều vào cuộc. Chính quyền Mỹ đã và đang phải “rót tiền” cho các trung tâm thí nghiệm của chính phủ, các trường đại học, các cơ sở tư nhân để họ nghiên cứu các dự án. Khi thành công, họ “bán” lại các dự án mà họ phát minh ra được cho chính phủ. Có thể đã có vài phương thức mới nhưng có thể chưa được phổ biến hay chỉ phổ biến hạn chế trong nội bộ. Chúng ta sẽ chờ xem.
4. PROGRAM MONSTERMIND.
Cục An-Ninh Quốc-Gia (National Security Agency, NSA) (Xem bài chi tiết về NSA tại đây: http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=1169), là một tổ-chức mật-mã tình-báo bí mật của chính-phủ Mỹ, được thành lập vào ngày 4-11-1952 dưới thời Tổng-Thống Harry S. Truman. NSA là nơi quy tụ nhiều “nhà toán học” và “chuyên viên điện tử” lớn nhất nước Mỹ và cũng là lớn nhất thế-giới nếu kể về số-lượng cũng như tỷ-lệ của hai loại chuyên viên nói trên so với tổng số nhân viên. NSA hoạt động âm-thầm, lặng lẽ, với nhiệm vụ: “Nghe trộm” tất cả tin tức, giải mã, phân tích, tổng hợp các nguồn tin liên hệ với nhau hầu tìm ra tin tức cần thiết, biết tin cần, quan trọng để báo cho các giới chức liên hệ xử dụng, trong mục-đích tối-hậu là “bảo-vệ sự an-ninh và tự-do cho nước Mỹ”. Ngoài ra, NSA còn phải tạo ra các hệ-thống mật-mã để chống lại các hệ-thống nghe trộm của các nước khác muốn ăn cắp tin từ các cơ-quan công quyền, quân-sự, kinh-tế… của cả nước Mỹ, kể cả các công ty tư nhân.
Sơ đồ màu chịu sự giám sát của NSA:
NSA là cơ quan tình báo mật mã nên chắc chắn bọn hackers của các nước thù địch như Nga, Tàu, Iran, Bắc Hàn, các nước Cộng sản và ngay cả các nước “đồng minh chí cốt” đều muốn xâm nhập để đánh cắp các dữ liệu cần thiết, để đánh phá hay ít nhất để ngăn cản hoạt động. Vì thế biện pháp ngăn ngừa là điều họ đặt lên hàng đầu.
NSA sử dụng một chương trình (program) với mã hiệu có tên “MonsterMind”, một lập trình “tự động” (automated) (*) theo dõi nguồn của cuộc tấn công mạng và cũng “tự động” giáng đòn trả đũa. Mặc dù các chương trình tương tự đã tồn tại trong nhiều thập kỷ trước đó trong các cơ quan quan-trọng của Mỹ, các cơ quan công quyền hay tư nhân, về quân sự, tình báo, kinh tế, chính trị,…, MonsterMind độc đáo ở chỗ nó có khả năng trả đũa tự chủ (retaliate autonomously), mà không có bất kỳ con người nào nhắc nhở (prompting) thúc giục làm như vậy.
Program MonsterMind được cài trong hệ thống máy chủ của NSA. Khi có “người lạ” xâm nhập vào hệ thống máy chủ, xâm nhập các vùng cấm, các topic nhạy cảm v.v… lập trình nầy tự động “thức dậy”, bắt tay vào nhiệm vụ, “tự động trả đũa” như một “phản xạ tự nhiên”; giống như cơ thể con người, ví dụ cặp mắt tự động nháy hay nhắm lại khi bất thần có người đưa tay chĩa gần sát vào mắt hay vật gì sắp vào mắt. MonsterMind có một lựa chọ (option) theo dõi các mẫu lưu lượng truy cập (traffic patterns) bất thường có biểu hiện một cuộc tấn công, bao gồm sử dụng thuật toán (algorithms) để kiểm soát siêu dữ liệu (metadata). Khi phát giác và nhận dạng được kẻ gian, nó sẽ tự động chặn lưu lượng truy cập vào hệ thống máy chủ.
Bí mật nầy vẫn là một bí mật nếu không bị tiết lộ từ một cựu nhà thầu (contractor) của NSA là Edward Snowden. Năm 2013, Edward Joseph Snowden - sinh năm 1983, người được thuê bởi một nhà thầu NSA, Booz Allen Hamilton, sau khi làm việc trước đó với hang Dell và CIA - tố giác người Mỹ thực thi nhiều chương trình giám sát toàn cầu, nhiều chương trình do NSA và Five Eyes Intelligence Alliance với sự hợp tác của các công ty viễn thông và chính phủ châu Âu, sau khi anh ta đào thoát khỏi Hoa Kỳ. Vào ngày 20-5-2013, Snowden bay tới Hồng Kông sau khi rời một cơ sở của NSA ở Hawaii. Vào đầu tháng 6, anh ta tiết lộ nhiều tài liệu của NSA được phân loại cho các nhà báo Glenn Greenwald, Laura Poitras và Ewen MacAskill, sau đó, một số tài liệu trên xuất hiện trên tờ The Guardian, Der Spiegel, The Washington Post, New York Times.
Ngày 23-6-2013, anh ta bay tới Moscow tại sân bay Sheremetyevo, và anh đã phải ở lại ở nhà ga sân bay trong hơn một tháng vì không có hộ chiếu. Sau đó Nga cấp cho Snowden quyền tị nạn với thị thực cư trú ban đầu trong 1 năm, được gia hạn, cho phép anh ở lại Nga ít nhất cho đến năm 2020. Đầu năm 2016, anh trở thành chủ tịch của Freedom of the Press Foundation, một tổ chức có trụ sở tại San Francisco, mục đích là bảo vệ các nhà báo khỏi bị hack và khỏi bị giám sát của chính phủ. Trong cuộc phỏng vấn với Amy Goodman trên Democracy Now vào ngày 26-9-2019, Snowden nói rằng anh ta coi mình là "người thổi còi" (whistler) trái ngược với "người tiết lộ" (leaker) khi anh ta coi "một leaker chỉ phân phối thông tin vì lợi ích cá nhân".
Edward Snowden đã tiết lộ program MonsterMind trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Wired. Khi tin tức về program nầy bộ ra bị chống đối từ các tổ chức đòi hỏi nhân quyền, các tổ chức mị dân, các đảng phái chống chính quyền. Họ cho rằng việc “tự động” sẽ tiềm ẩn thực tế là khiến cả những nước vô tội cũng sẽ bị ảnh hưởng chung mà họ “không cần” đề cập đến chuyện tại sao họ bị tác hại do MonsterMind. Các cuộc “tấn công mạng” thường được thực hiện với máy chủ đặt tại nước thứ ba, họ cho rằng nước này có thể có những tổn thất vì đòn trả đũa mà nguyên nhân chỉ vì các hackers chứ không phải người dân cả nước đó. Đây chỉ là hành động với chủ ý để mị dân chứ không thực tế là họ “thương dân” nước đó. Họ không cần biết thiệt hại gây ra bởi hacker từ máy chủ tại nước bị trả đũa.
5. HỆ THỐNG THÔNG-TIN GIÁN-ĐIỆP TOÀN CẦU ECHELON.
(Trích) Trong lịch-sử chiến-tranh, từ trước đến nay, chiến-thắng nhiều lúc lại tùy-thuộc vào những tin-tức thu-lượm được về đối phương ngoài các yếu-tố khác như tài chỉ huy, vũ-khí, địa-thế trận địa, thiên thời, địa lợi, nhân hòa, v.v... Những tin tức này cho biết mọi tình-trạng (chiến-thuật chiến-lược, quân số, vũ-khí, tiếp-liệu...) của phe bên kia để có biện-pháp đối phó ngõ hầu tìm ra chiến thắng.
Hệ thống vệ tinh của Echelon bao vùng trên không toàn cầu
Trong thời đại ngày nay, khi văn-minh nhân-loại đã đến độ khá cao, các phương-tiện phục-vụ cho chiến-tranh lại càng mang lại lợi thế cho đội quân nào có khả-năng áp-dụng khoa-học kỹ-thuật. Một trong các phương-tiện được Hoa-Kỳ đặt lên hàng đầu là “hệ-thống gián-điệp”. Trước đây, giống như mọi nước, người Mỹ gởi những điệp viên ra khắp nơi để thu lượm tin-tức. Thời gian sau nầy, một phương-thức khác được áp-dụng, đó là thiết-lập các thiết-bị nghe lén. Một trong các dụng-cụ do-thám nầy là hệ-thống nghe lén mang tên “Echelon”.
Hệ-thống Echelon là mạng lưới nghe lén bí-mật có khả năng kiểm-soát toàn thể hệ-thống thông-tin toàn cầu. Đây là một hệ-thống nghe lén to lớn, cùng một lúc có thể theo dõi tất cả các hệ-thống thông-tin như điện-thoại, cellular phone, máy Fax, hệ-thống điện báo telegram hay bất cứ phương-tiện truyền tin hữu-tuyến hoặc vô-tuyến nào.
Echelon được thành lập do sáng kiến của Hoa kỳ, hiện nay đã trở thành một “con quái vật tình báo” phi pháp. Hoa kỳ sử dụng các tin tức do Echelon thu thập được, thông báo cho các cơ-quan liên-hệ của chính phủ Hoa kỳ để các cơ quan hữu quan vạch ra các kế hoạch đối phó. Ngoài việc “ăn cắp” tin tức đối phương, 5 quốc gia thành viên chủ quản hệ thống nầy cũng dùng Echelon quan sát lẫn nhau để chiếm thế thượng phong. Các chức vụ quan trọng của Echelon, trong cũng như ngoài nước Mỹ, đa số đều do người Mỹ nắm giữ.
Hệ thống radar của Echelon tại Menwith Hill, North Yorkshire, England.
Công tâm mà nói, những hoạt động như vậy vi phạm công ước quốc tế, là một tội ác nếu xét theo lương tâm hay luật pháp. Hệ thống nghe lén này được coi là một chiến dịch tình báo lâu dài, quy-mô và hữu-hiệu nhất trên thế giới từ trước đến nay. Đây là một tổ-hợp gồm có Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zeland, được thành-lập căn-cứ vào Hiệp-ước “Hợp-tác Thu-thập Thông-tin Điện-tử” (được viết tắt là UKUSA) ký-kết vào năm 1948.
Echelon có khả năng ghi lại trên 2 triệu cuộc điện-đàm trong 1 phút tức mỗi ngày có thể theo dõi 3 tỷ cuộc điện-đàm. Các hệ-thống vệ-tinh, các căn-cứ trên mặt đất và các máy tính cực mạnh của hệ-thống Echelon đã ghi lại tất cả thông-tin (99,99%) bất kể truyền đi bằng phương-tiện nào, từ nơi nào (trên đất liền, trên tàu ngầm, tàu thủy, phi-cơ, hỏa tiển, phi thuyền...). Từ những trạm vệ tinh được đặt trên lãnh thổ của năm quốc gia thành viên, tất cả những cú điện thoại, những điện thư, email, và những cuộc trò chuyện qua mạng internet trên thế giới đều bị nghe lén, bị ghi chú và phân tích. Họ dùng một bộ mã hóa dưới dạng các bí số, các mật ngữ, các bảng mã hay các tên gọi để ghi lại và sau đó sàng lọc các tin tức được chuyển qua tất cả các vệ tinh truyền thông đang hoạt động.
Căn-cứ chính để kiểm-soát toàn bộ hệ-thống nầy nằm ở Morwenstow thuộc nước Anh. Tại Mỹ có hai căn-cứ: một ở Sugar Grove thuộc Virginia và một ở Yakima, 250 km về phía Tây Nam Seattle, tiểu bang Washington. Ngoài ra, còn một căn-cứ khác ở New Zeland; một nằm ở Geraldton để phụ-trách vùng Ấn-Độ dương. Để hỗ-trợ cho 5 trạm nói trên là một hệ-thống vệ-tinh gián-điệp mang tên Cơn lốc (Vortex) mà cơ-quan Hàng-không Không-gian NASA phóng lên không-gian từ thập niên 1980. Đặc-biệt là 3 vệ-tinh gián-điệp thuộc thế-hệ mới nhất vừa được phóng lên đầu thập niên 90, đủ sức phủ sóng lên toàn thế-giới. Mạng lưới do-thám viễn-thông này ghi trộm tất cả các thông-tin truyền-tải qua những vệ-tinh địa-tĩnh Intelstat do các công-ty điện-thoại trên thế-giới xử-dụng. (Hết trích) (Xem tiếp tại đây: http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=226)
Hệ thống radar của Echelon tại Misawa Air Base, Nhật.
V. LỜI KẾT
Nhiều cơ quan trực-thuộc Chính phủ Hoa Kỳ gần đây thường xuyên bị hackers tấn công từ nước ngoài. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc tin tặc thuộc quân đội Trung Cộng - một quốc gia gian xảo, hung hăng, hiếu chiến - đã tấn công vào các hãng Mỹ và vài cơ quan do người Mỹ làm chủ. Trong tương lại gần, một cuộc chiến tranh “không tiếng súng” rất khốc liệt không kém bom đạn hỏa tiễn, phi cơ tàu chiến, với phương tiện chiến đấu là các bàn phím (keyboard), các cú “hít” con chuột của máy computer, đó là chiến tranh mạng” (cyber warefare). Đây là một “nan đề” chủ chốt của hầu hết các quốc gia, nhất là các quốc gia có nguy cơ phải sử dụng chiến tranh để giải quyết các mâu thuẫn mà không thể dùng những hội nghị, hòa đàm, thương thuyết v.v… Chính vì nguy cơ của một cuộc chiến tranh không khoan nhựng như vậy nên việc ghi nhận những tin tức là việc tối cần thiết của bất cứ quốc gia nào. Quân lực Mỹ là đội quân đầu tiên thành lập “Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng” (The United States Cyber Command, USCYBERCOM), do lệnh của Bô Quốc Phòng Mỹ chỉ thị cho “Bộ Tư Lệnh Chiến Lược Mỹ” (The United States Strategic Command, USSTRATCOM) thi hành. USCYBERCOM có nhiệm vụ thống nhất các hoạt động không gian mạng, tăng cường khả năng không gian mạng, tích hợp và củng cố chuyên môn mạng của BQP. Điều nầy cho thấy việc chính phủ Mỹ chuẩn bị cho chiến tranh và USCYBERCOM là nhu cầu cấp thiết mới nhất. Theo đà tiến bộ về tin học như hiện nay, chắc chắn cuộc chiến trên mạng sẽ vô cùng gay go, ác liệt khó lường trước được.
Lê Chánh Thiêm.
Updated: Tháng 3-2020
* * *
Xem bài liên hệ với đề tài: click vào đây
Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Kiến thức, tài liệu: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com