1. Mở đầu.
Nếu nói đến những phức-tạp (complexities) cùng những rắc-rối đặc-biệt của cuộc Chiến-tranh Lạnh, các sử gia của thế-kỷ 20 ắt phải nghĩ đến các công-tác tình-báo của hai khối Thế-giới Tự-do và Cộng-sản. Nếu nói đến các công tác tình-báo đã mang lại kết-quả hữu-hiệu nhất, người ta không thể không kể đến nhóm phi-công thuộc “Phân đội Do-thám bí-mật 10-10” (Secret 10-10 Reconnaissance Detachment), hay “Thiếu phụ đen” (Black lady), hay “Long nữ” (Dragon lady) hoặc “Điệp-vụ U-2” (vì họ xử dụng do-thám-cơ U-2) của Mỹ, một phương-tiện quân-sự được kể là tối tân vào bậc nhất thời bấy giờ - theo lời của các chuyên gia quân sự Anh khi đề cập đến chiếc U2 - để do-thám nước Nga, đã mang lại nhiều thành công đáng kể.
Trong bài nầy, chúng ta theo dõi cái “phương tiện do thám tối tân” đó trong các phi vụ do thám và từ đó đã mở cho cuộc chiến “do thám” đi đến ngõ quanh mới: dùng máy móc (phi cơ, máy móc) thay cho con người (các điệp viên), mở đầu cho thời đại “do thám bằng kỹ thuật” sau nầy. Có thể nói trong lịch sử của CIA, chưa có thành công nào vượt qua được công tác nầy, tiếc thay, nó không thể kéo dài như Ngũ Giác Đài mong muốn tuy rằng từ sau chuyến bay đầu tiên vào ngày 01-8-1955 đến nay các phi cơ nầy vẫn chưa được phép nghỉ hưu và cho dù nó bị lộ.
2. Lịch sử “Phân đội Tình báo 10-10”.
Phân đội bí-mật này do Cơ-Quan Tình-Báo Trung-Ương Hoa Kỳ (Central Intelligence Agency, CIA) tổ-chức và điều-hành. Ngoài các căn cứ ở chính quốc ra, một trong các “căn-cứ ngoại biên” của đơn-vị nầy trú tại Incirlik Air Base, đóng trên một đồng bằng quạnh-hiu gần thành-phố Adana thuộc lãnh-thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong gần bốn năm trời, phân-đội tình-báo này đã thu-thập được hàng tấn tin-tức bằng phim ảnh và hàng ngàn trang tài liệu in từ các băng từ ghi âm, bằng Radar và máy móc tình báo trong nhiều chuyến bay do-thám xuyên qua không-phận thuộc nội-địa Nga, nước Cộng-sản đầu-sỏ. Theo như dự trù của Hoa Kỳ, chương-trình nầy sẽ hoạt động lâu dài và rộng lớn nữa, thế nhưng các kế-hoạch hoạt-động trên không-phận Nga đã không thể kéo dài, chính quyền Hoa-Kỳ đành bỏ dở vì bị bại-lộ, sẽ đề cập ở phần sau.
Do thám cơ U-2 đang cất cánh
Từ các tin-tức mà phân-đội này thu-thập đã giúp cho Hoa-Kỳ có những biện-pháp hữu-hiệu để đối-phó với Nga-sô và khối Cộng-sản trong suốt cuộc Chiến-tranh lạnh vừa qua, đã ít nhiều góp phần vào các chiến-thắng của Hoa-Kỳ và đồng-minh hoặc ít ra cũng giúp cho Hoa-Kỳ biết trước để ngăn-chận các bành-trướng quân-sự của khối Cộng-sản. Nhân-loại tránh được thảm-họa chiến-tranh mà chủ thuyết bá quyền, muốn nhuộm đỏ nhân-loại của Cộng-sản đang theo đuổi, một chủ thuyết tàn độc, là thảm họa của nhân loại trong thế kỷ trước và còn kéo dài đến tiền bán thế kỷ nầy phần lớn nhờ vào các thành quả về quân sự. Đến thập kỷ 90 của thế-kỷ 20, chủ-nghĩa Cộng-sản đã sụp đổ ngay từ nước chủ-chốt nầy sau nhiều thập niên họ đi tìm “thiên-đường” phần nào cũng do các tin-tức tình-báo mà Hoa-Kỳ thu-thập được.
Các phi-vụ của Phân-đội này đã phát-giác và báo cáo về tổng-hành-dinh của CIA rất nhiều căn-cứ có chứa phi-đạn, nhiều phi-trường quân-sự, nhiều trại đóng quân, kho tàng và nhiều công-binh-xưởng của Nga-sô trong nội-đia nước Nga một cách chính-xác vào thời-kỳ đó. Từ ở cao độ 70.000ft (21,3 km), các máy ảnh cực mạnh gắn trên phi-cơ U-2 có thể chụp chính-xác đến độ thấy rõ người dưới đất đang di-chuyển bằng xe đạp hay xe gắn máy. Còn các máy vô-tuyến trên phi-cơ có thể tìm ra các căn-cứ Radar của Nga dù được ngụy-trang kín-đáo cách mấy đi nữa và những máy quay phim ghi nhận bằng dấu hiệu có thể khám-phá được mọi hệ-thống phòng-không của Nga trong một vùng bán-kính đã được định trước trong máy ảnh.
Gần như chưa bao giờ có một điệp-vụ nào lại có thể thu-thập nhiều tin-tức chính-xác, sống-động và thành-công như công-tác của Phân đội Tình báo này của CIA. Các tin-tức này đã giúp cơ-quan CIA biết hầu-hết các hoạt-động của Nga-sô, giúp cho chính-quyền Mỹ có những biện-pháp hữu-hiệu để đối-phó kịp thời trong tình-thế đối đầu lúc đó cũng như hoạch-định những kế-hoạch lâu dài. Điệp vụ U-2 sẽ còn hoạt-động lâu dài nếu không có biến cố xảy ra khiến CIA phải chấm dứt chương-trình này, đó là phi-vụ của phi công Powers, máy bay bị rớt xuống đất Nga và Powers bị bắt.
Khi chiếc U-2 bị rớt trên đất Nga, phía Mỹ có phản ứng “như một đứa bé ăn trộm kẹo bị bắt quả tang” khiến vai-trò lãnh-đạo của Mỹ trên thế-giới bị ảnh-hưởng không ít. Thoạt đầu, chính-phủ Mỹ bịa ra một chuyện vu-vơ để chạy tội sau vài ngày ngần-ngừ, bàn tính. Nhưng rồi sau đó Tổng-thống Hoa-Kỳ lúc đó là Dwight David Eisenhower đã quyết-định “xác-nhận trước dư-luận thế-giới là Mỹ đã có do-thám Nga qua vụ U-2”. Sự kinh-ngạc đến độ đau lòng ở các đồng-minh của Mỹ không phải là lời thú tội trái ngược với nguyên-tắc sơ-đẳng của ngành gián-điệp ấy, mà là lời xác-nhận đó cho rằng “Nước Mỹ có quyền làm như thế và sẽ tiếp-tục việc do-thám này” (US had a right to do such things and implied that the flights would continue), nếu xét thấy cần.
Có người cho rằng, “Đồng ý trong sự hiểu ngầm rằng một nước có quyền tự bảo-vệ bằng cách do-thám nước khác với tất cả các phương-tiện mình có nhưng một vị nguyên-thủ quốc-gia như Tổng-Thống Mỹ thì không nên tự thú như thế trước công luận”. Người ta suy luận rằng có lẽ đây là lúc “Cái cung-cách lễ-phép giữa hai đối thủ đang gầm gừ đã hết, chả cần dùng liên-lạc ngoại-giao để dò-dẫm nhau nữa”! Tuy nhiên, cũng có bình luận khác ngược lại, cho rằng “Đó là cung cách của những con diều hâu của đảng Cộng Hòa, mà con diều hâu đó từng là chiến binh thực thụ, từng vào sinh ra tử, dám nói thẳng vào mặt kẻ thù vì quyền lợi của quốc gia mới là tối thượng” thì đó là điều có thể làm trước kẻ thù chính.
Trong biến cố (incident) U-2, lời thú nhận của Tổng-thống Eisenhower đã làm tan vỡ hội-nghị thượng-đỉnh Paris ngày 14-5-1960 sau đó và đưa đến việc Thủ Tướng Nga Nikita Sergeyevich Khrushchev (có bản viết Khrouchtchev) hủy-bỏ lời mời Tổng-thống Mỹ đến thăm Nga-sô, đồng-thời gieo một sự lo ngại to lớn cho cả thế-giới là chiến tranh hạt nhân Nga - Mỹ sẽ xảy ra, một loại chiến-tranh mà mọi người cho rằng sẽ tàn khốc gấp bội nếu so với Thế chiến thứ hai và đó là việc mà không ai muốn bởi nếu không bị thảm họa trực tiếp thì vẫn bị di lụy.
Dù sao đi nữa, các chuyến bay của điệp-vụ U-2 vẫn là một trong các thành-quả tốt đẹp nhất của CIA nói riêng và chính-quyền Mỹ nói chung trong các công-tác tình-báo mà họ đã thực-hiện từ trước đến khi đó. Trước khi bí-mật của vụ U-2 bị phơi bày, các tay tổ gián-điệp của Anh, Pháp… đã tỏ ý “ghen-tỵ” về cái phương-tiện do-thám đắt giá này của Mỹ khi Anh, Pháp còn là đồng-minh của Mỹ để chống lại khối Đỏ. Một chuyên-gia Anh đã nói với giám-đốc CIA lúc đó là ông Allen Dulles như sau:
-“Chúng tôi không bao giờ có nổi cái phương-tiện do-thám này. Những phi-vụ của U-2 quả là một công-tác tình-báo dựa trên sự sản-xuất hàng loạt” (We’ll never be able to match that one. Those flights were intelligence work on a mass production basis).
3. Vài nét về phi cơ U-2:
Sau khi Nga phóng thành-công phi-thuyền Sputnik (1957), người Mỹ cảm thấy bị “lép vế” về các hoạt động trong không gian và cảm thấy lo sợ sẽ bị đối phương tấn-công. Năm 1959, Fidel Castro liên hiệp với Nga trong muu toan đặt các hỏa-tiễn trên đất Cuba nhắm vào nước Mỹ. Cũng trong năm này, Thủ Tướng Nga Nikita Khrushchev thăm nước Mỹ và yêu-cầu Mỹ rút khỏi Tây Bá-Linh. Một chương-trình dự trù, vào tháng 5-1960 sẽ bàn bạc về vấn đề Bá-Linh cùng vũ-khí hạt-nhân. Trong chương-trình nầy, Tổng Thống Mỹ Eisenhower đưa ra đề nghị “mở ngỏ không phận” (open skies) cho các máy bay thám-thính bay trên không phận mọi quốc gia để chắc-chắn rằng không ai “chuẩn-bị chiến-tranh”. Dĩ-nhiên Nikita Khrushchev bất đồng nhưng cho dù Nga từ-chối, phía Mỹ vẫn cứ tiến hành.
U-2 đang tung cánh trên không trung
Lịch-sử của “Phân-đội Tình-báo 10-10” bắt đầu từ năm 1953 khi hãng chế-tạo phi-cơ Lockheed Martin Aeronautical Systems Company ở Burbank, California của Hoa-Kỳ yêu-cầu các kỹ-sư Mỹ nghiên-cứu để chế-tạo một loại phi-cơ bay xa hơn, cao hơn loại chiến-đấu cơ F-104 Starfighter đã có thời đó. Tháng 3 năm 1953, kỹ-sư William Lamar lập đồ-án cho chương-trình, đến cuối năm hoàn-tất để đến ngày 18-5-1954 giao lại cho ông John Seaberg xem xét lại. Tháng 11 cùng năm, giám-đốc CIA là Allen Dulles diện kiến Tổng-thống Eisenhower, ký nhận số tiền $35 triệu USD để đặt 20 chiếc U-2 đầu. Đây là một số tiền đáng kể vào thời bấy giờ.
Ngày 2-12-1954, một toán gồm 12 kỹ-sư dưới sự điều hành của Kỹ-sư hàng-không Kelly Johnson đảm-nhận việc vẽ kiểu. Họ đã dốc tâm nghiên-cứu và đã hoàn-thành việc sáng-chế ra chiếc máy bay U-2. Đây là loại máy bay thám-thính cao độ (high-altitude reconnaissance) có thể lượn (tắt máy nhưng phi cơ vẫn bay), gắn động-cơ phản-lực; đôi cánh rất nhẹ mặc-dù trọng-lượng của đôi cánh xem như là của cả máy bay có chở đầy-đủ nhiên-liệu. Để cho khi bay được cân bằng, mỗi đầu cánh có gắn thêm một bánh xe hạ cánh. Ngày 15-7-1955, chiếc U-2A đầu tiên hoàn tất và Tony Le Vier là Kỹ-sư phi công của Lockheed là người bay thử đầu tiên vào ngày 01 tháng 8 năm 1958. Sơ lược biên niên sử của thế hệ U-2 như sau: U-2A là kiểu đầu tiên của thế-hệ U-2, Tháng 3-1960 ra đời kiểu U-2D, ngày 2-3-1964 kiểu U-2G ra đời, tháng 12 cùng năm là kiểu U-2F. Kiểu mới nhất là U-2S.
Máy bay U-2S có động cơ General Electric F-118-101 với lực đẩy 19,000 lbf (84.5kN); chiều dài 63 feet (19.2m); chiều cao 16 ft. (4.88m); sải cánh (từ đầu bên này sang đầu bên kia cánh) 103 ft (31.4m); diện tích: 1,000 ft² (92.9m²); tốc độ bay thường: 373 knots (429 mph = 690 km/h); tốc độ tối đa: 434 knots (500 mph=805 km/h); tầm bay: 5,566 nautical miles (dặm hàng hải = 6,405 mi = 10,300 km); trọng lượng rỗng: 14,300lbs (6,760 kg); trọng tải tối đa lúc cất cánh là 40,000 pounds (18,100 kg); có thể bay xa hơn 7,000 dặm (chưa tính lúc tắt máy để lượn cho đỡ tốn nhiên-liệu); có thể bay cao hơn 85,000 ft. (25,900 m); thời gian bay: 12 giờ; một phi công duy nhất (2 phi-công cho loại phi cơ huấn luyện). Chiếc phi-cơ U-2 đầu tiên xuất xưởng vào tháng 8-1955, kiểu U-2R xuất xưởng năm 1967, kiểu U-2S xuất xưởng tháng 10-1994. Chiếc U-2 TR-1A gắn động-cơ turbo phản-lực J75-PW-13B với sức đẩy là 17,000 lbs (75.6 kN); dài 63ft. (19.2 m); sải cánh 103 ft. (31.4 m); cao 16 ft. (4.8 m); trọng-tải: căn-bản 13,071 lbs (5,929 kg), tối-đa 40,000 lbs (18,144 kg); vận-tốc tối đa: 430 dặm/ giờ. Chiếc U-2 C có sải cánh 80 ft. (24.4 m); dài 50 ft. (15.2 m); cao 15 ft.
4. Hoạt động.
Khi công việc chế-tạo hoàn-thành, chiếc U-2 là hiện thân cho một loại phi-cơ đặc-biệt với những đặc-tính kỹ-thuật hoàn-hảo. U-2 có thể bay đến cao-độ 70.000 feet, một độ cao lý-tưởng tuyệt đối, tính tới vào lúc nầy, bay liên tục trong 12 giờ, có thể tắt máy để lượn đi một khoảng-cách xa độ 6 ngàn cây-số để tiết-kiệm nhiên-liệu cho đủ khoảng-cách mà công-tác đòi-hỏi, một kỹ thuật không phải là chuyện bình thường nếu so với trình độ kỹ thuật thời đó. Trước khi cất cánh, phi-công phải nghỉ-ngơi ít nhất một giờ rưỡi cho thoải-mái, để thở oxy cho quen với 12 giờ bay liên-tiếp trên thượng-tầng khí-quyển, nơi có áp-suất không-khí thay đổi nhiều so với hạ tầng khí-quyển nên cần phải thở bằng oxy liên tục. Trong khi đang bay, phi-công không thể ăn uống gì được vì mũ bay được gắn liền với cổ bằng một vòng li-e. Vì thế, sau mỗi phi vụ, phi-công rất mệt-mỏi và đói khát.
U-2 được chế-tạo để xử-dụng cho nhiều nhiệm-vụ. Với những máy móc tối-tân trang-bị, máy-bay U-2 có thể được sử-dụng trong các phi-vụ quan-sát đạn-đạo của các phi-đạn hay dùng trong các phi-vụ nghiên-cứu không-gian hoặc theo-dõi, tìm kiếm các vệ-tinh nhân-tạo khi vệ-tinh trở về trái đất. Nó còn được sử-dụng để xác-định các hoạt-động vô-tuyến, để quan-sát các sự hỗn-loạn khí-tượng, để vẽ bản-đồ và để huấn-luyện các phi-công mới, là một loại phi cơ đa năng.
Khi máy bay bị hư hay vì một lý-do gì buộc phải hạ cánh, trên phi-cơ có trang-bị một bộ-phận làm nổ tung phi-cơ theo lệnh của phi-công để giữ bí-mật. Phá-hủy được phi-cơ thì dù địch có bắt được phi-công cũng không tìm hiểu gì được nhiệm-vụ của loại phi-cơ này. U-2 là niềm hãnh-diện của công ty sản xuất, của Bộ Không-quân và chính-phủ Mỹ. Khi thấy các tính năng và công-hiệu của U-2, cơ-quan CIA chú-ý đến nó ngay vì đó là một phương-tiện lý-tưởng để hoạt-động gián-điệp bởi U-2 bay cao, bay xa và trang-bị các dụng-cụ do-thám tối-tân nhất thời đó mà chỉ có Không-quân Hoa-Kỳ mới có đủ khả năng tài chính cho chi phí to lớn như vậy.
Phi-đội 10-10 của CIA bắt đầu thành-lập từ năm 1956 khi nhận thấy kế hoạch do thám Nga là một “nhiệm vụ thiết yếu”. Sau đó, một nhóm 8 phi-công Mỹ được gởi tới Căn-cứ Không-quân Incirlik Air Base ở Thổ Nhĩ-Kỳ. Các phi-công lẫn gia-quyến của họ được sống trong những chiếc xe nhà (roulotte) được mang từ Mỹ sang, đặt ở phía Tây căn-cứ này. Họ sống ở đó thật bí-mật suốt 4 năm liền, không hề giao-thiệp với bất cứ ai trong căn-cứ Incirlik cũng như ở ngoài để giữ kín hành tung. Mọi nhu-cầu cho cuộc sống của họ được cung-cấp thật đầy-đủ, được gởi từ Mỹ sang hay các tổ chức tiếp liệu của quân đội Mỹ cung cấp.
Theo lý-thuyết thì họ hiện cộng-tác với Cơ-quan Quản-trị Hàng-không và Không-gian Hoa-Kỳ (NASA) trong những nhiệm-vụ khảo-cứu trên thượng-tầng không-khí. Trên sổ sách, họ là những nhân-viên của hãng Lockheed Martin Aeronautical Systems Company, được biệt-phái sang giúp cho cơ-quan NASA. Thực-tế, họ là những nhân-viên của CIA. Về lương bổng, mỗi người lãnh $2,500 USD một tháng vào thời đó, một số tiền không nhỏ.
“Thiếu phụ đen” U-2C, loại phi cơ sau đó rơi trên đất Nga.
Thật ra, chính-quyền Nga đã biết “có các phi-vụ do-thám của những chiếc U-2” sơn màu xanh thẫm và họ đã từng phản-kháng việc xâm-nhập có tính-toán của những chiếc U-2 này nhưng chưa có bằng cớ xác-quyết vì không biết đích-xác cách hoạt-động nên các phản kháng chỉ có tính cách chung chung. Người Nga đặt cho U-2 tên là “Thiếu phụ đen” (Black lady) hay “nữ gián-điệp đen” vì máy bay sơn màu đen. Trong tập-san Hàng-không Nga-sô vào những năm 1958-1959, Nga-sô đã nhiều lần phản-kháng nhưng phía Mỹ vẫn làm ngơ trước những lời tố-cáo không có bằng chứng này của phía Nga và người Nga không làm gì được, chỉ dùng cách “đấu võ…mồm” cho đỡ…tức.
5. Chuyến bay định mệnh.
Vào ngày 27-4-1960, một phi-cơ vận-tải quân-sự chở nhân-viên của phân-đội 10-10 từ Incirlik Air Base, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) đến căn-cứ Không-quân Mỹ ở Peshawar thuộc Hồi quốc. Đã có nhiều máy bay U-2 đậu sẵn ở đấy. Sau 4 ngày chờ-đợi thời-tiết thuận tiện, ngày 1-5-1960 họ được lệnh cất cánh. Sáng hôm đó, Francis Gary Powers, một phi-công trẻ nhận được lệnh cất cánh một chiếc U-2C từ Peshawar để đến phi-trường Bodo thuộc lãnh-thổ Na-Uy cách nơi đó 5,300 cây-số. Anh ta phải bay ở cao độ 24,000 thước vượt qua biển Aral, rồi lần lượt qua Sverdlovsk, Kirovk, Arkhangelsk và Mourmansk, tất cả đều thuộc lãnh-thổ Nga. Powers từng phục-vụ tại Bodo vào năm 1958 nên anh ta rất rõ về phi-trường này. Trên chuyến bay định-mệnh này, Powers đã phải hạ cánh chiếc U-2 trên đất Nga-sô và anh ta đã bị chính-quyền Nga bắt giữ.
Khi bị bắt, phi-công Francis Gary Powers khai báo cho nhà cầm quyền Nga về việc thượng cấp chuẩn bị cho chuyến bay của anh ta như sau:
-“Xếp tôi có đưa cho tôi một tấm bản-đồ có ghi rõ lộ-trình phải theo. Đường bay này có đi qua một vài phi-trường của Nga và ông ta hỏi tôi là có cần ghi rõ vào không. Tôi bằng lòng ghi vào và sau đó ông ta chỉ cho tôi một giàn phóng phi-đạn của Nga, đồng thời còn bảo tôi phải quan-sát thêm những vị-trí đáng nghi-ngờ khác. Ông dặn tôi rất kỹ-lưỡng là phải bay đúng lộ-trình và phải sử-dụng mọi dụng-cụ do-thám trên phi-cơ mỗi khi bay qua những vị-trí đã định trước”.
Dụng-cụ trên phi-cơ gồm có máy ảnh cực mạnh, máy ghi nhận luồng sóng điện và những máy ghi âm điện-tử do CIA trang-bị cho U-2 để thu-lượm những tin-tức khi bay qua lãnh-thổ Nga. Powers còn khai thêm:
-“Viên Đại-tá của CIA còn bảo tôi là trong trường-hợp bất-trắc, tôi có thể sử-dụng tiền Nga và những đồng vàng có trong túi trên phi-cơ. Ông ta có đưa cho tôi một đồng Đô-la bằng bạc bên trong có đựng một cái ống nhỏ. Ông bảo tôi không có gì nguy-hiểm khi bay với U-2 vì không có loại phi-đạn nào của Nga có thể bắn cao đến 24 ngàn thước cả. Tuy-nhiên, vạn nhất nếu phải hạ cánh thì nên sử-dụng ống thuốc độc nhỏ dấu trong đồng đô-la để tự-tử còn hơn là để bị bắt và rồi sẽ bị tra-tấn”.
Powers còn được trang-bị một súng lục có ống hãm thanh với 200 viên đạn, một dao găm, một cần câu cá, một ca-nô cao-su, một bản-đồ đường-sá nước Nga, dụng-cụ để nhóm lửa và báo-hiệu, đèn pin, 2 địa-bàn, một cái cưa, lương khô, $7.500 Rúp, một ít tiền vàng, nhẫn vàng, vài cái đồng-hồ đeo tay dùng để hối-lộ cho dân chúng Nga nếu khi máy bay phải hạ cánh bất-đắc-dĩ xuống đất Nga và nếu bị dân Nga bắt.
Khi bình-minh ngày 1-5-1960 vừa ló dạng ở thủ-đô Moscow, lúc các phu kiều-lộ đang quét dọn đường chuẩn-bị cho ngày diễn binh hàng năm của Nga để ăn mừng và kỷ-niệm ngày thành-công của Cộng-sản là lúc Power bắt đầu lọt vào không-phận của Nga-sô. Cùng lúc đó, tại Bộ Ngoại-giao Hoa-kỳ ở Hoa-Thịnh-Đốn còn là đêm 30-4-1960, các viên chức Bộ này còn đang họp để chuẩn-bị cho kỳ họp thượng-đỉnh Nga-Mỹ ở Paris sẽ nhóm họp trong vòng nửa tháng nữa, cuộc họp mà đã chờ đợi từ 5 năm trước đó. Lúc đó, Tổng-thống Mỹ Eisenhower cùng gia-quyến đang về nghỉ cuối tuần tại vùng Gettysburg.
6. Phản ứng của Nga, Mỹ.
Khi máy bay rời khỏi Peshawar, Powers bay ở cao độ 68,000 ft., vượt qua Afghanistan rồi vào không-phận Nga. Từ đó, Powers cho các máy móc do-thám hoạt-động như được chỉ-thị trước. Phần Powers, khi máy bay anh bắt đầu vào không-phận Nga, hệ-thống điện-báo của Mỹ phát-giác ra là các Radar Nga đã khám-phá ra chiếc U-2 khi vượt biên-giới. Đang bay, khi qua Sverdlovsk, một nơi cách căn-cứ xuất phát tại Thổ-Nhĩ-Kỳ 1,200 dặm Anh, đột nhiên Powers báo tin là động-cơ của chiếc U-2 bị trục-trặc khiến phi-cơ mất dần cao độ và anh định chờ cho chiếc U-2 xuống thấp một chút nữa sẽ coi lại máy-móc. Khi cao độ phi-cơ xuống còn 40.000 ft. thì đột-ngột mọi liên-lạc với Powers bị cắt đứt. Khi đó, phi cơ vào không phận gần Aramil, thuộc Sverdlovsk Oblast, Liên bang Sô Viết.
Lý-do việc chiếc U-2 hạ cánh, cho đến nay, hơn nhiều năm đi qua, vẫn còn là điều bí-mật. Phía Nga, lúc thì cho là U-2 bị phòng-không bắn rớt, khi thì cho là chiến đấu cơ Nga bắn hạ, phía Mỹ thì cho là phi-cơ bị trục-trặc máy-móc. Điều chắc-chắn là chỉ có phía Mỹ biết nguyên nhân mà mãi đến nay, hồ sơ nầy vẫn chưa được phép giải mã, theo nguyên tắc cố hữu của CIA: không đưa ra bất cứ lời giải thích, tuyên bố nào, với bất cứ chuyện gì, vấn đề nào liên quan đến họ. Phi công còn sống và trở về, chắc chắn họ biết nguyên nhân chính xác. Trạm chỉ huy Mỹ đã liên-lạc với Powers trước đó và họ đã nghe được mọi việc qua hệ thống liên lạc giữa máy bay với trạm truyền tin dưới đất, ngay cả việc nếu có các chiến-đấu-cơ Nga đang săn đuổi Powers đi nữa.
Phi công Francis Gary Powers với trang bị phi hành
Nhờ hệ-thống nghe trộm của CIA và quân đội Mỹ, các gián-điệp Mỹ vẫn thường theo-dõi các cuộc điện-đàm của các phi-cơ Nga thuồng xuyên. Nếu có việc Powers bị các phi-cơ Nga săn-đuổi thì các gián-điệp của Mỹ cũng biết, ngay cả nếu Nga không muốn công bố việc nầy ra cho truyền thông thì trong nội bộ họ cũng có các báo cáo hay tường trình cho các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, tình báo Mỹ không nghe được gì. Việc Nga tuyên-bố họ “bắn hạ” chiếc U-2 cũng chỉ là lời tuyên-bố suông vì không một bằng cớ khả tín nào được họ đưa ra, ngay cả trong phiên tòa xử Powers hay cho báo chí, mà “bằng chứng” là luôn luôn phương tiện “tuyên truyền hữu hiệu nhất” mà chế độ công sản thường áp dụng. Đến lúc nầy, lý do chiếc U-2 rơi trên đất Nga vẫn còn là bí mật mà các phương truyền thông hiện tại (trên báo chí, internet, tài liệu quân sự lưu trữ…) ghi là “shot down” (bắn hạ) mà không nói rõ là bằng cách nào.
Tuyên bố của Nga không đứng vững bởi nhiều chứng cớ hiển nhiên.
Thứ nhất, vũ khí được Nga cho là “hiện đại” nhất của họ lúc đó là “hỏa tiễn địa đối không SAM-2” (Surface-to-Air Missile, SAM; hay Ground-To-Air Missile, GTAM), được nghiên cứu chế tạo vào cuối thập niên 40, trang bị cho quân đội Nga vào giữa thập niên 50. Tầm bắn cao nhất của SAM-2 lúc bấy giờ vẫn không thể đạt tới độ cao của U-2 bay. Sau nhiều lần nâng cấp, độ cao cuối cùng của SAM-2 chỉ từ 33,000 ft đến 49,000 feet [10,000m đến 15,000m). Cho nên, dù SAM-2 đã được trang bị cho lực lượng phòng không Nga, nó cũng không có thể bắn hạ U-2. Còn chiến đấu cơ của Nga, tuyệt nhiên không thể bay cao đến như cao độ của U-2.
Để tuyên truyền tính “ưu việt xã hội chủ nghĩa” của mình, trong một tài liệu do Nga phổ biến với nội dung: “Sau khi phát hiện U-2 liên tục trinh sát các căn cứ quân sự của mình, dự đoán U-2 còn tiếp tục xâm nhập nữa, nên Nga quyết tâm tìm cách ngăn chặn các cuộc thâm nhập. Bộ phận hiển thị độ cao trên chiếc máy bay của Powers đã bị điệp viên của Liên Xô gắn thiết bị đặc biệt gây ra sự sai lệch về chỉ số trên chiếc đồng hồ đo độ cao” (sic), đó là lý do làm cho Powers nhầm cao độ đang bay nên bị SAM-2 bắn hạ”. Lối giải thích của Nga như thế đó. Ai có thể tin vào việc một loại phi cơ do thám tối tân nhất, rất đắt tiền, mới nhất, đang thực thi một sứ mệnh bí mật và quan trong nhất lại để cho điệp viên địch dễ dàng gắn thiết bị làm cho máy móc trên phi cơ sai lệch?
Đây quả là trò tuyên truyền lố bịch, láo khoét, ấu trĩ, lối giải thích mị dân đến độ khôi hài của Cộng sản. Đây là “trò hề tuyên truyền”, giống như Việt Cộng tuyên truyền dạo sau ngày 30-4-1975: “Phi công anh hùng của ta (miền Bắc VC) bay lên mây rồi tắt máy phi cơ trên mây, đợi máy bay Mỹ ngoài hạm bay vào rồi nổ máy phi cơ, bay xuống bắn hạ phi cơ Mỹ” (sic). Quả là những lối tuyên truyền ngu xuẩn, từ nước “thầy” đầu sỏ đến nước “trò” chư hầu, chỉ rập một khuôn. Chỉ có những người điên, kẻ không có lý trí mới tin như thế; riêng những tên Việt Cộng dốt nát và mù quáng thì không kể.
Thứ hai, việc Nga tuyên bố U-2 bị SAM-2 bắn rơi lại mâu thuẩn với lời kể của viên phi công và những tang vật chứng cớ trong phiên xử Francis Powers và sau đó Nga trưng bày trong triển lãm. Theo cuốn “Central Intelligence Agency” của Andrew Tully, sau nầy Powers kể lại, “Anh ta bỗng thấy “một tia chớp màu vàng cam” (an orange flash), thế là chiếc U-2 mất cao độ, hạ thấp dần nhưng máy bay vẫn còn nguyên vẹn chứ không bị cháy hay nổ tung. Francis Powers cố hết sức mà chiếc ghế vẫn không bung ra, anh ta phải cạy cockpit, cởi dây belt ghế rồi nhảy ra ngoài. Dù mở, anh ta tiếp đất an-toàn còn chiếc U-2 đâm xuống cánh đồng gần Sverdlovsk”. Nếu bị SAM bắn hạ nó phải nổ tung tan tành mới phải, làm sao Nga thu nhặt được động cơ nguyên vẹn như họ đã trưng bày trong triển lãm, làm sao gom góp đầy đủ các trang cụ của phi công được họ đem ra làm bằng chứng trong phiên xử được?
Chuyên gia quân sự cho rằng nếu chiếc U-2 bay ở cao độ hoạt động là 68.000 ft. thì Nga chẳng thể biết được. Với khả năng quân sự của Nga và khối Cộng vào thời ấy thì cao độ nầy vượt quá giới hạn của họ kiểm soát được. Nếu có việc Powers bị bắn hạ là lúc phi cơ bị buộc phải hạ cao độ do nguyên nhân khác mà thôi. Giới hữu-trách Mỹ cho rằng chỉ khi hạ xuống dưới cao độ bình thường U-2 bay, Powers mới đụng phải các chiến-đấu cơ của Nga và lúc đó bị bắn hạ, trong khu-vực Sverdlovsk Oblast. Từ lúc qua khỏi Sverdlovsk là lúc Powers gọi máy báo phi cơ mất cao độ trở đi, họ không biết số-phận của Powers ra sao.
a. Phản ứng của Nga.
Sau khi bắt được Powers, lãnh đạo cao cấp phía Nga ở Moscow đã “khoác lác” loan-báo:
-“Đó là một vi-phạm trắng-trợn không-phận Nga với mục-đích khiêu-khích và bất-hảo nên chính-phủ Nga đã ra lệnh bắn hạ chiếc phi-cơ Mỹ này”.
Chính-quyền Nga còn cho biết thêm phi-cơ của Powers bị bắn hạ bằng một phi-đạn phòng-không của Nga ở cao-độ 24 ngàn thước vào lúc 08:53 AM ngày 1-5-1960. Đây là một tuyên-bố láo-khoét vì vào thời đó, Nga chưa có loại hỏa-tiễn nào bắn cao được như vậy. Hơn nữa, chính tên CS đầu sỏ Nikita Khrushchev còn không biết tin phi công Powers bị bắt thì ai ra lệnh bắn hạ?
Sau nầy Powers kể lại, khi máy bạy hạ cao độ còn 15.000 mét, anh ta bỗng thấy “một tia chớp màu vàng cam” (an orange flash), thế là chiếc U-2 mất cao độ, hạ thấp dần nhưng máy bay vẫn còn nguyên vẹn chứ không bị cháy hay nổ tung. Francis Gary Powers cố hết sức mà chiếc ghế vẫn không bung ra, anh ta phải cạy cockpit, cởi dây belt ghế rồi nhảy ra ngoài. Dù mở, anh ta nhảy an-toàn xuống đất còn chiếc U-2 đâm xuống cánh đồng gần Sverdlovsk, cách Moscow 1.500 cây-số. Theo phía Nga, Powers bị 4 người dân bắt giữ, họ tước vũ-khí của Powers và dẫn anh ta đến đồn cảnh-sát gần đó.
U-2 trở về Incirlik Air Base (Thổ Nhĩ Kỳ) sau một phi vụ
Lúc chiếc U-2 đâm xuống đất cách biên-giới Nga 2 ngàn cây-số là lúc dân Moscow đang tập-trung tại Quảng-trường Đỏ để xem Hồng-quân Nga diễn binh. Thủ-Tướng Nikita Khrushchev và các viên chức cao-cấp Nga lần-lượt bước lên khán-đài danh-dự. Theo ông Joe Michaels, phóng-viên đài NBC của Mỹ có mặt ở đó để lấy tin buổi lễ nầy, sau này kể lại như sau:
-“Vào khoảng 10:45 AM, một chuyện lạ đã xảy ra: Thống-chế Vershinine, Tư-lệnh Không-lực Nga hấp-tấp bước lên khán-đài với vẻ mặt khích-động dữ-dội. Ông ta đi vòng phía sau, đến cạnh và ghé vào tai Thủ-Tướng Nikita Khrushchev thì-thầm mấy câu. Tôi không được nghe nói gì nhưng biết chắc là ông ta báo tin về vụ chiếc phi-cơ U-2”.
b. Phản ứng của chính quyền Mỹ.
Tin về chiếc U-2 chuyển về CIA và các cơ-quan khác của Mỹ có lẽ chậm hơn, vào lúc quá trưa. Theo chương-trình thì chiếc U-2 của Powers phải đến phi-trường Bodo lúc 7 giờ sáng giờ Hoa-Thịnh-Đốn. Khi không thấy Powers đến, căn-cứ Bodo mới báo cho Hoa-Kỳ, nghĩa là cho Allen Dulles, giám-đốc CIA và Thomas Gates, Bộ-trưởng Quốc-phòng Mỹ biết. Thứ-trưởng Quốc-phòng Mỹ Douglas Dillon cùng Giám-đốc NASA cũng được cho biết vụ này trong khi Tổng-trưởng Quốc-phòng Mỹ đang công-du ở ngoại-quốc.
Đêm 1-5, các đại-diện những cơ-quan tình-báo, Bộ Ngoại-giao, Bộ Quốc-phòng, Hội đồng An-Ninh Quốc-gia phối-hợp nhau để bàn các biện-pháp đối-phó với vụ này. Họ đồng ý là “Mỹ sẽ thừa-nhận chiếc U-2 nhưng không thổ-lộ điều gì về nhiệm-vụ của loại phi-cơ này”. Quyết-định này được thông-báo với các cấp, mọi cơ-quan chính-phủ có liên-hệ, kể cả với căn-cứ Incirlik ở Thổ-Nhĩ-Kỳ.
Thế rồi đến ngày 3-5, trong cuộc họp của NATO (North Atlantic Treaty Organization, Minh Ước Bắc Đại-Tây Dương, tiếng Pháp là OTAN) ở Istambul, có Bộ-trưởng Ngoại-giao Mỹ là ông Herter tham-dự, giám-đốc hãng Thông-tấn UPI nhận được cú điện-thoại cho biết một phi-cơ của Hoa-kỳ đặt tại căn-cứ Incirlik đã bị mất-tích ở phía Đông Thổ-Nhĩ-Kỳ. Vị giám-đốc UPI này có điện-thoại lại cho căn-cứ Incirlik thì nơi đây trả lời là có một phi-cơ bị mất tích sau khi bị trục-trặc máy trên không-phận biên-giới Iran. UPI chuyển tin này về New York, ở đó nhận được vào lúc 08:00 AM ngày 3-5. Bản tin khá quan-trọng vì máy bay bị mất-tích, theo tin tức thông-báo, ở sát biên-giới Nga. Các báo-chí tại Mỹ khai-thác tin này rất kỹ. Một tờ báo đăng một bản tin như sau:
-“Một phi-cơ một động-cơ đã bị mất-tích ngày hôm nay ở vùng núi-non hiểm-trở ở Đông Nam Thổ-Nhĩ-Kỳ, gần biên-giới Nga. Phi-cơ này cùng với một phi-cơ bạn cất cánh từ Incirlik gần Adana để thi-hành một phi-vụ khí-tượng nhưng rồi không trở về căn-cứ. Viên phi-công báo cho phi-công bạn biết là mình bị trục-trặc hệ-thống dẫn khí Oxy, sau đó mất liên-lạc luôn. Ba phi-cơ C-54 ở căn-cứ Wheelus thuộc Lybie được lệnh đã thi-hành các phi-vụ tìm kiếm chiếc phi-cơ này”.
c. Dư luận và báo chí Mỹ nói gì?
Thật ra, chỉ có tờ Washington Post và tờ Times Herald đăng trên trang nhất mà thôi còn các báo khác đăng ở trang trong. Họ dành cho các tin nóng-bỏng hơn, đó là các tin: Tổng-thống Eisenhower ăn sáng với một nhóm nghị-sĩ Cộng-hòa rồi ký một thỏa-ước cung-cấp lúa mì cho Ấn-Độ, buổi chiều ông ta đi đánh golf, trong khi đó ở Paris thì đang sửa-soạn lại điện Élysée để chuẩn-bị cho kỳ họp thượng-đỉnh Nga - Mỹ sắp tới.
Mãi đến ngày 5-5, con cáo già Nikita Khrouchtchev mới tung vụ U-2 ra ánh-sáng trong cuộc họp ba ngày của Hội-đồng Tối-cao Xô-viết, một tổ-chức quyền-lực cao nhất của Nga ở điện Cẩm-Linh. Theo thường lệ, ông ta đọc bài diễn-văn khai-mạc đề-cập đến các việc thay-đổi trong chính-quyền, các sắc thuế, lương-bổng, vật-giá,... Ông kéo dài bài diễn-văn lê-thê đến 3 tiếng đồng-hồ rồi đột-nhiên ông đề-cập đến vụ chiếc U-2. Ban đầu, ông nói bình-thường rồi to dần, to dần, đến độ chửi rũa. Nikita Khrouchtchev tố-cáo “Mỹ cho phi-cơ do-thám lãnh-thổ Nga” nhưng không nói phi-cơ bị hạ ở đâu và viên phi-công hiện giờ ra sao cùng những chi-tiết khác. Ông ta cảnh-cáo các quốc-gia đã cho Mỹ đặt căn-cứ không-quân và còn thêm rằng ông sẽ cực-lực phản-kháng vụ này với Mỹ và với Liên-Hiệp-Quốc.
Tại Hoa-Thịnh-Đốn, người Mỹ vội-vã trả lời ngay nhưng không được khéo lắm. Vì chênh-lệch múi giờ nên lời tố-cáo của Thủ Tướng Nga Nikita Khrouchtchev được gởi đến Tòa Bạch-Ốc đúng vào lúc phiên họp thường-lệ của Hội-đồng An-ninh Quốc-gia. Khi cuộc họp kết-thúc, T.T. Dwight David Eisenhower yêu-cầu Hội-đồng bàn kỹ lại vấn-đề U-2. Cuối cùng, ủy-ban quyết-định sẽ hành-động theo dự-trù trước đó với việc Hoa-Kỳ chưa biết số-phận của viên phi-công ra sao. Không một ai trong cuộc họp nghĩ đến hậu-quả của dự tính này một khi Powers còn sống và bị bắt. Bởi thế, lời giải-thích của phía Mỹ thật là gượng-gạo. Bình-luận gia quân-sự của tờ Saint Louis Post-Dispatch viết:
-“Câu chuyện dựng lên thật vụng-về, ngu-xuẩn. Người ta không thể ngờ chính-phủ lại dùng một câu chuyện như vậy để giải-thích cho người Nga. Giới hữu-trách phải chấp-nhận việc đã xảy ra nhưng cũng có thể không đi vào chi-tiết quá, đồng-thời lờ đi vài chi-tiết quan-trọng với lý-do là đang mở một cuộc điều-tra”.
Dụng cụ của phi công U-2 được Nga triển lãm sau cuộc họp báo.
Nhưng rồi chính-phủ Hoa-kỳ vẫn cố duy-trì sự sai lầm của mình. Vào trưa 5-5, tùy-viên báo-chí Bộ Ngoại-giao đưa ra một bản tin như sau:
-“Bộ Ngoại-giao vừa được NASA cho biết là ngày 3-5, một phi-cơ kiểu U-2 không võ-trang chuyên dùng cho các phi-vụ quan-sát khí-tượng, đặt căn-cứ ở Adana đã ghi nhận mất-tích hôm 1-5. Phi-cơ này do một phi-công dân-sự điều-khiển. Phi-công này cho biết là hệ-thống dẫn khí Oxy bị hỏng trước khi phi-cơ mất liên-lạc với căn-cứ. Thủ-tướng Nikita Khrouchtchev đã tuyên-bố là một phi-cơ Hoa-Kỳ bị bắn hạ trên đất Nga cũng vào ngày ấy. Bởi thế, có thể là vì hỏng hệ-thống dẫn khí Oxy nên viên phi-công bị ngất không thể điều-khiển phi-cơ và vô-tình xâm-phạm vào không-phận Xô-Viết. Hoa-Kỳ đang tiếp-xúc với chính-phủ Nga về vụ này và đang điều-tra về số mạng của viên phi-công”.
Vị tùy-viên này còn cho biết là NASA có nhiều chi-tiết hơn về vụ này nhưng thật ra NASA chẳng biết gì cả. Cuối cùng, một bản tuyên-bố của chính-phủ Hoa-Kỳ được phát đi vào lúc 01:30 PM. Bản tuyên-bố này có rất nhiều chi-tiết về chương-trình bay của chiếc U-2, dĩ-nhiên là: “chương-trình bay để quan-sát khí-tượng và phi-công là nhân-viên của hãng Lockheed được hãng này cho NASA mượn, là NASA có độ 10 chiếc U-2 đặt căn-cứ trên nhiều quốc-gia từ Anh đến Okinawa, là U-2 được trang-bị nhiều máy-móc đặc-biệt để quan-sát các vụ xáo-trộn trong khí-quyển và các đám mây v.v…”.
Bị báo-chí chất-vấn, các nhân-viên NASA thú-nhận là U-2 có nhiều máy-móc chụp hình “nhưng không phải để chụp hình do-thám mà để chụp hình các đám mây”. Ông này cho biết phi-cơ mang huy-hiệu của NASA và sơn màu xanh thẫm như các phi-cơ của Không-quân, Hải-quân. Khi được các phóng-viên hỏi về lý-lịch viên phi-công, người này từ-chối trả lời và khuyên các ký-giả nên hỏi các giới-chức cao-cấp của hãng Lockheed là hơn.
Từ khi biết tin chiếc máy bay bị bắn hạ, CIA cố tìm cách khai-thác ở Moscow tin-tức về Powers nhưng vô-hiệu. Vào trưa 5-5, Đại-sứ Mỹ ở Nga là Thompson gởi về Bộ Ngoại-giao bản tin điện mật-mã cho biết đến lúc đó ông ta vẫn chưa biết tin-tức của Powers. Tin này làm cho các giới-chức Mỹ ở Hoa-Thịnh-Đốn kinh-hoàng và lo ngại nhiều. Hôm sau, trong buổi họp báo, tùy-viên báo-chí Bộ Ngoại-giao lại càng sa lầy hơn nữa. Khi bị báo-chí gặn hỏi, vị tùy-viên này trả lời:
-“Thật là vô lý khi các ông cho rằng chúng tôi bịa ra một câu chuyện để chối tội. Không bao giờ Hoa-kỳ lại cố-tình tìm cách vi-phạm không-phận Nga, tôi lặp lại rõ-ràng là: không bao giờ!”.
Trong khi đó, TT Eisenhower cố tìm cách tỏ ra không dính-dáng gì đến vụ này dù là ông ta cũng có đôi lời quan-trọng liên-quan đến nội-vụ. Trong cuộc đi thăm phòng triển-lãm, khi các ký-giả hỏi là “ông thấy cần phải đi Nga hay không”, ông đã úp mở trả lời: “Có thể”. Ông tỏ ra vẻ thản-nhiên khi lên trực-thăng về chỗ nghỉ cuối tuần để chơi golf. Bộ-trưởng Ngoại-giao Christian A. Herter từ ngoại-quốc trở về cũng làm ra vẻ vụ U-2 không quan-trọng đối với Mỹ nhưng thật ra rất lo-lắng. Ông Herter gặp TT Eisenhower hai hôm sau đó.
Nikita Khrouchtchev đến xem triển lãm các tang vật khi U-2 bị rơi
Khi Tổng-thống Hoa-Kỳ ra vẻ không quan tâm đến vụ U-2 nầy nhưng con cáo già Nikita Sergeyevich Khrushchev thì quyết tâm “ăn thua đủ”. Trước Hội-đồng Xô-viết Tối-cao ở điện Cẩm-Linh, ông ta cho trình-bày các hình-ảnh lấy được trong chiếc U-2 chứng tỏ rằng phi-vụ của U-2 hoàn-toàn cho công-tác gián-điệp. Ông cho biết Powers còn sống và đã thú-nhận tội-lỗi. Cuối cùng, ông ta tuyên-bố:
-“Khi người Mỹ biết Powers còn sống, họ sẽ đổi thái-độ, chúng ta chờ-đợi sự thay-đổi đó”.
Sáng hôm sau, Eisenhower lại đi đánh golf và tùy-viên báo-chí Tòa Bạch-ốc James Campbell Hagerty phải đứng ra trả-lời các câu hỏi của báo-chí. Vị này chỉ nói quanh-co về các cuộc nổ thí-nghiệm nguyên-tử, về phương-pháp nổ ngầm dưới đất... Cuối cùng ông mới cho biết là mình đã báo-cáo lên Tổng-thống lời tố-cáo của Nga và ông ta không nói thêm gì. Ông còn cho biết bộ Ngoại-giao sẽ lo liệu tất cả về vụ này.
Trong khi đó, các viên chức Bộ Ngoại-giao họp bàn để trả lời cho Nikita Khrushchev. Tùy-viên Báo chí James Hagerty cho ký-giả biết Bộ-trưởng Herter đệ trình Tổng-thống một điệp văn. Vào lúc 06:00 PM ngày Thứ Bảy thì Bộ Ngoại-giao thông-báo cho báo-chí biết. Trong bức điệp văn, giới hữu-trách Mỹ thú nhận là mình nói dối trong lần trước, và nói thêm:
-“Theo lệnh của Tổng-thống, một cuộc điều-tra đã được mở ra và cho thấy rằng những giới chức ở Hoa-Thịnh-Đốn không bao giờ chấp-thuận những phi-vụ thám-thính như lời tố-cáo của Khrushchev. Tuy nhiên, muốn tìm biết các bí-mật giấu kín sau bức màn sắt, có thể người ta đã dùng các phi-vụ do-thám phi-cơ U-2 không võ-trang và do các phi-công dân-sự điều-khiển”.
Đây là lần đầu tiên trong lịch-sử thế-giới một quốc-gia đã thú-nhận hành-động gián-điệp của mình. Sau đó, các giới chức Mỹ lại công-khai nhận lãnh trách-nhiệm. Vào ngày 11-5, TT Eisenhower đã gánh nhận trách-nhiệm trong các chuyến bay do-thám, kể cả chuyến bay U-2 của Powers trong một buổi họp báo. Ông nói:
-“Vì nền an-ninh chung của thế-giới, chúng ta bó-buộc phải làm như vậy. Từ khi tham chính, tôi đã ra lệnh cho các viên giám-đốc các cơ-quan tình-báo phải dùng đủ mọi phương-tiện sẵn có để do-thám địch-tình hầu tránh cho thế-giới tự-do một cuộc tấn-công bất-ngờ”.
Giám-đốc CIA là Allen Dules, đã đề-nghị với TT Mỹ là “ông tự hy-sinh sự-nghiệp và danh-dự của mình, sẽ nhận lãnh hết trách-nhiệm về vụ này để cứu-vớt danh-dự cho Tổng-thống Hoa-Kỳ” nhưng TT Eisenhower từ-chối. Được sự khuyến-khích của một viên chức cao-cấp trong Bộ Ngoại-giao, TT Eisenhower đích-thân nhận hết trách-nhiệm với hy-vọng cứu sống được Powers một khi đã chứng tỏ Powers chỉ là người thừa-hành lệnh của Tổng-thống Mỹ.
Đây là một điểm son cho ông. Ông James Campbell Hagerty là người nổi tiếng rất khôn ngoan về chính trị và biết hướng-dẫn dư-luận, đã khuyên Tổng-thống đừng nhận trách-nhiệm, nhưng vô ích. Vì vậy, ông đã hết lòng giúp-đỡ cho Tổng-thống sau khi Tổng-thống tự thú. James Hagerty đã lý-luận với báo-chí để bênh-vực cho Eisenhower như sau:
-“Thí-dụ các bạn là điệp viên còn tôi là chính-phủ. Khi các bạn bị bắt, tôi có thể chối cãi là chưa bao giờ biết, chưa bao giờ nghe nói về các bạn. Nhưng nếu các bạn bị bắt cùng với chiếc U-2, thử hỏi lời chối-cãi của tôi có vững được không?”.
Thượng-nghị-sĩ đảng Dân-Chủ là Fulbright, Chủ-tịch Ủy-ban Thượng-nghị-viện phụ-trách điều-tra vụ U-2 thì tuyên-bố:
-“Tổng-thống không cần phải xác-nhận hay chối-cãi gì cả. Tổng-thống phải giữ im-lặng về vụ này, và nếu có người chịu trách-nhiệm, đó là Giám-đốc Cơ-quan Tình-báo chứ không phải là Tổng-thống, người biểu-tượng cho chế-độ và quốc-thể của nhân-dân Hoa-Kỳ”.
Riêng về giám-đốc CIA là Allen Dulles, không phải duy-nhất bị Nga xỉ-vả mà còn bị cả người Mỹ kịch-liệt chỉ-trích nữa, nhất là báo giới, một hệ thống “đánh hội đồng”. Trong tờ Des Moines Register and Tribune đã đăng như sau:
-“Giả sử người Nga coi chiếc U-2 như là cuộc xâm-lấn có tính-cách khiêu-chiến và họ chỉ cần bấm cái nút là cả thế-giới thành hỏa ngục. Lúc đó, liệu ngành gián-điệp, phản gián-điệp và mọi trò ngu-xuẩn khác của người Mỹ còn có ích gì trong cái thế-giới đổ nát và chết-chóc không?”.
Trong việc thú-nhận do-thám của phi-vụ U-2, cũng có nhiều bất-đồng ý-kiến. Ông Hagerty thì tuyên-bố:
-“Khi có một lực-lượng hùng mạnh lúc nào cũng đe-dọa ở cạnh ta, chúng ta phải dùng mọi phương-tiện do-thám để tìm-hiểu xem lúc nào lực-lượng ấy có thể tấn-công chúng ta”.
Thượng Nghị-sĩ James William Fulbright - người đảng Dân Chủ, luôn đối lập mọi quan điểm với đảng Cộng hòa - không chấp-nhận lời giải-thích ấy và cho rằng người Nga cũng không chấp-nhận. Theo ông thì:
-“Việc nhận do-thám là những hành-động tất-yếu không đủ để hợp-lý-hóa việc làm ấy. Hơn nữa, Tổng-thống đề-cập việc làm ấy là một quyền-hạn chứ không phải vì cần-thiết. Người Nga chỉ chấp-nhận việc do-thám là một hành-động cần-thiết vì họ cũng có và hiểu là cần phải do-thám trong một vài lãnh-vực nào đó”.
Phi công Powers (ngồi, góc phải) tại phiên tòa xét xử ông ở Mạc Tư Khoa.
7. Hậu quả của vụ U-2.
Lời tự thú của Eisenhower khiến cho Nikita Khrushchev ở vào một tình-trạng khó xử bởi vì chính Tổng-thống Mỹ đã tự cho mình có quyền xâm-phạm vào lãnh-thổ Nga. Một vấn-đề khác nữa được đặt ra là có còn các chuyến bay U-2 như vậy nữa không? Trong suốt tuần-lễ trước ngày dự-trù cho cuộc hội-nghị thượng-đỉnh Paris, vấn-đề này được dư-luận chú-ý nhiều hơn. Tờ New York Times cho biết:
-“TT Eisenhower đã ra lệnh hủy-bỏ mọi phi-vụ nào có xâm-phạm đến không-phận Nga, dù gần hay xa”.
Thế nhưng ngay ngày hôm đó, ông Hagerty đính-chính ngay tin này. Người ta có cảm-tưởng là các phi-vụ này vẫn còn tiếp-tục dù rằng chính-phủ Mỹ đã tuyên-bố là không muốn dính-líu thêm về các vụ tương-tự.
Dù sao đi nữa thì dư-luận cũng đã làm tình-trạng đối đầu thêm căng-thẳng trước ngày khai-mạc hội-nghị thượng-đỉnh Paris, cuộc họp mặt “4 ông bự” (big four). Tên trùm đỏ Nikita S.Khrushchev đã để lộ sự tức-giận dữ-dội làm rung-động cả thế-giới. Khi dự triển-lãm các dư-vật của chiếc U-2 được trưng-bày ở Công-trường Gorki (Nga), ban đầu ông đã tỏ ra vui-vẻ nhưng khi các phóng-viên đến phỏng-vấn, ông đã tỏ vẻ giận-dữ khi đề-cập đến “sự đe-dọa của người Mỹ sẽ tiếp-tục các chuyến bay do-thám”. Càng lúc càng giận-dữ, ông ta tuyên-bố hủy-bỏ lời mời T.T. Eisenhower đến viếng Nga vào tháng sau. Ông cho rằng:
-“Vụ U-2 sẽ làm cho dân Nga không thể dành cảm-tình cho vị nguyên-thủ quốc-gia Mỹ được”.
Từ lời tuyên-bố này, người ta nghĩ ngay đến hội-nghị thượng-đỉnh Paris sắp đến khó mà thành-tựu được nhưng phía Hoa-kỳ vẫn chuẩn bị. Khi T.T. Mỹ sắp bay qua Paris, tờ New York Times đã tóm-lược tình-hình như sau:
-“Cái thảm-kịch về chiếc phi-cơ do-thám, dù rằng Tổng-thống và các cộng-sự viên đã cố tìm cách làm giảm bớt nguy-hại nhưng cũng không tránh được bao nhiêu. Ông muốn làm cho tình-hình giảm bớt nhưng lại tăng thêm, ông muốn cho đồng-minh của mình tin-tưởng hơn nhưng lại làm cho họ thất-vọng hơn. Sự hy-sinh của ông chỉ đem lại những lời dối-trá và sự rối-loạn trong chính-phủ. Tất cả những đức tính của ông như: thận-trọng, kiên-nhẫn, tài chỉ-huy, sự khôn-khéo về quân-sự, ngay cả sự may-mắn cũng chẳng giúp gì cho ông trong lúc ông cần đến”.
Hình ảnh cơ sở quân sự của Nga U-2 chụp được
Trước khi lên đường phó hội dự-trù khai mạc vào ngày 16-5-1960 tại Paris, CIA đã báo cho ông biết là có thể “Nikita Sergeyevich Khrushchev sẽ sử-dụng hội-nghị như một phương-tiện tuyên-truyền chống lại Mỹ” nhưng Tổng-thống biết làm sao hơn. Ngay trong buổi hội-nghị sơ-bộ đầu tiên, Nikita Sergeyevich Khrushchev đã gay-gắt lên án TT Eisenhower rồi rời phòng họp, sau đó bỏ luôn hội-đàm. Trước khi trở về Nga, ông còn chủ-tọa một cuộc họp-báo với toàn những lời chửi-rủa và đập bàn ầm-ỉ. Không ai đoán trước được ý-định của Nikita Sergeyevich Khrushchev nhưng sau nầy, theo CIA thì rất có thể cơn giận-dữ của ông ta chỉ bộc-lộ vào phút chót.
Ở Moscow, người ta không thấy một dấu-hiệu nào chứng-tỏ có âm-mưu phá vỡ hội-nghị cả, người ta nghĩ là Nga sẽ lợi-dung hội-nghị để tuyên-truyền mà thôi. Dù sao đi nữa, phía Mỹ đã có dự-trù trước mọi thái-độ cần-thiết để đối-phó khi Khrushchev muốn phá vỡ hội-nghị hay thật tâm muốn thương-thuyết ngay từ khi Tổng-thống Mỹ tự thú-nhận phi-vụ do-thám U-2. Đến giờ phút này, mọi trách nhiệm về vụ U-2 đều quy về chính-phủ Mỹ chứ ít chỉ trích CIA hơn. Một trong các mũi dùi chỉa vào CIA là:
-“Tại sao CIA cho các phi-vụ U-2 bay trong khi hội-nghị thượng-đỉnh sắp nhóm họp, nghĩa là nếu bị bắt sẽ làm hỏng cả cuộc họp?”.
Đại diện của CIA trả lời:
-“Chúng ta phải tùy-thuộc vào thời-tiết vì vùng này thường có mây che, phải thực-hiện ngay khi thời-tiết tốt. Ngoài ra, người Nga đã biết trước các phi-vụ của U-2 từ lâu chứ không phải đến khi Powers bị bắt”.
Ngày 2-6-1960, Bộ-trưởng Quốc-phòng Thomas S. Gates trình-bày trước Ủy-ban Ngoại-giao Thượng-viện Mỹ các kết-quả mà các phi-vụ U-2 thu-lượm được một cách đầy-đủ. Các tin-tức này tối cần cho các chiến-lược gia trong Bộ Tham-mưu Quân-lực Hoa-kỳ. Tướng Lyman Lemnitzer, Tham-mưu Trưởng cho biết:
-“Việc hủy-bỏ các phi-vụ U-2 sẽ gây ra một lỗ trống quan-trọng, điều cần thiết là phải có một phương-tiện do-thám khác cũng hữu-hiệu như vậy để thay-thế”.
Tổng-thống Mỹ tuyên-bố tuyên-bố là chính-phủ đang hoàn-thành một hệ-thống do-thám khác, không cần đến vai-trò của các phi-cơ. Ông đã ám-chỉ đến hai vệ-tinh nhân-tạo Midas II và Samos, một dùng để khám-phá ra các phi-đạn và một dùng vào việc chụp ảnh. Ngũ-Giác Đài cũng không dấu-diếm gì khi tuyên-bố:
-“Mọi tiềm-lực chiến-tranh của Nga-sô đều đã bị các ống ảnh trên phi-cơ U-2 thu-nhận tất cả”.
Lời tuyên-bố này đã cho thấy thành-quả to lớn của các phi-vụ U-2 như thế nào rồi. Rồi đến Bộ-trưởng Thomas S. Gates, ông cũng công-nhận các thành-quả của U-2. Ông đã tuyên-bố trước Ủy-ban Quân vụ Thượng-viện:
-“Chúng ta cần phải nhớ đến bài học Trân-Châu Cảng và đến cái thời mà người Mỹ không mở mắt nhìn ra ngoài”.
Tổng-thống Eisenhower cũng đã tuyên-bố một ý tương-tự:
-“Không một lúc nào sự do-thám lại bỏ lơi bởi vì Hoa-Kỳ đã rút được khinh-nghiệm qua vụ Trân-Châu cảng là sự thương-thuyết chỉ là một sự che-đậy sự sửa-soạn chiến-tranh”.
Dĩ-nhiên, con cáo già Khrushchev tìm cách làm giảm bớt các thành-quả do phân-đội U-2 đã thu-lượm được. Ông tuyên-bố trong cuộc Đại-hội Kỳ 3 của Đảng Cộng-sản Lỗ-Ma-Ni ở Bucarest vào ngày 21-6-1960 như sau:
-“Những phi-cơ U-2 chẳng khám-phá ra được chuyện gì quan-trọng và phi-cơ chỉ bay qua những vùng không đáng kể”.
Lời nói của tên trùm đỏ này không đứng vững vì vào tháng 8-1960, người ta đọc thấy bản cung-từ của phi-công Powers như sau:
-“Công-tố viện nhận thấy có 5 nút bấm để điều-khiển các dụng-cụ do-thám trên phi-cơ và các dụng-cụ này đã hoạt-động rất hoàn-hảo khi phi-cơ bay qua các khu kỹ-nghệ lớn và các khu-vực phòng-thủ của Nga”.
Bản cung-từ còn cho biết là những dấu hiệu ghi trong máy ghi điện-tử của phi-cơ “Chính là những dấu hiệu của các đài Radar ở dưới đất phát ra theo hệ-thống phòng-thủ của Quân-lực Sô-viết”. Công-tố viện còn buộc tội thêm:
-“Powers đã chụp hình rất nhiều trung-tâm phòng-thủ của ta, đồng-thời ghi-nhận những tín-hiệu của các đài Radar truyền đi. Các cuộn phim tịch-thu được trên phi-cơ cho thấy hắn đã chụp hình nhiều căn-cứ kỹ-nghệ và quân-sự, cơ xưởng, kho dự-trữ dầu-hỏa, đường giao-thông, cầu-cống, đường hỏa-xa, nhà ga, đường dây điện cao-thế, phi-trường v.v...”.
Theo các quan tòa của Nga trong phiên xử: “Các bức hình chụp rất chính-xác và rõ-ràng”. Như thế, các phi-vụ của U-2 mang lại rất nhiều kết-quả cho CIA nói riêng và cho Hoa-Kỳ và phe đồng-minh nói chung.
Nhờ cánh dài nên U-2 có thể “lượn” thật xa
mà không cần nổ máy để tiết kiệm xăng.
Sau vụ U-2 bị bắn rơi, người Nga đòi hỏi chính quyền Mỹ phải chính-thức xin lỗi nhưng chính phủ Mỹ chỉ nhận là có cho phi cơ U-2 thám-thính Nga nhưng không chịu đưa ra lời xin lỗi mà chỉ cho ngưng các chuyến bay thám-thính mà thôi. Hành động im lặng nầy đã làm cho phía Nga vô cùng tức giận những chẳng làm gì được Mỹ ngoài những lời tuyên bố suông cho hả bực tức.
Riêng tại Mỹ, có nhiều phản-ứng khác nhau. Trước tiên, một số đồng tình trong cách xử trí cùng việc nhận mọi trách-nhiệm trong cương vị Tổng-thống của Roosevelt. Một số khác đều là người thuộc đảng Dân Chủ tỏ ra giận dữ với TT Eisenhower trước những giải-quyết sự việc, và rồi người Mỹ trở nên hung-hăng (aggressive) hơn. Do vậy, khi John F. Kennedy đưa ra lời hứa lúc tranh cử là sẽ “mạnh tay với Cộng-sản hơn” (much tougher on communism), dân Mỹ đã bầu cho ông ta và ông đã đắc cử. Tuy nhiên, khi ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất, ông ta để lộ sự thật là một người dốt về chính trị, kém cõi về quân sự qua biến cố đổ bộ Cuba, vụ Nga đặt giàn hỏa tiễn tại Cuba, vụ đảo chính ông Ngô Đình Diệm tại Nam Việt Nam đã làm cho tiền đồn chống Cộng tại Đông Nam Á tan vỡ từ đó.
Các chuyến bay vượt qua lãnh-thổ Nga bao-la mà các phi-công U-2 gọi là những chuyến “đi dạo thường-xuyên” đã làm cho CIA có thể tự-hào và mãn-nguyện với những thành-quả họ đã thu-lượm được. Chỉ tiếc là sau mới có 4 năm hoạt-động, người Nga đã bắt được một chiếc U-2 lại làm cho chương-trình này phải bị gián-đoạn, chưa đáp-ứng được hoàn-toàn sự mong muốn của Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc với một chương-trình tốn kém và được họ dự-trù sẽ mang lại những thành-quả lâu dài hơn.
Vào tháng 1/2003, một chiếc U-2 rơi tại Hàn Quốc và phi công đã sống sót vì kịp nhảy dù ra nhưng 4 người dân trên mặt đất bị thương. Vào ngày 21/6/2005, một chiếc U-2 đã rơi tại Tây Nam Á khi đang trên đường về căn cứ sau khi thực hiện nhiệm vụ tại Afghanistan, khiến phi công thiệt mạng. Phát ngôn viên quân đội Mỹ không cho biết lý do và địa điểm phi cơ rớt.
8. Người ta nói gì về điệp vụ U-2 rơi ở Nga?
Triết-lý của nghề gián-điệp coi như được đúc-kết bởi ý-kiến của hai nhân-vật cao-cấp trong chính-quyền Hoa-Kỳ khi nội-vụ đã lắng chìm vào quá-khứ. Tại Hoa-Thịnh-Đốn, khi phóng viên đài NBC là Ray Scherer phỏng-vấn Tùy-viên báo-chí Tòa Bạch-ốc, ông James Campbell Hagerty, về bài học thu-lượm được sau vụ U-2, ông ta nói:
-“Đáng lý đừng để địch bắt được mình” (Don’t get caught).
Bộ-trưởng quốc-phòng Mỹ Thomas Gates, nhân-vật thứ hai khi được hỏi, đã trả lời:
-“Tốt hơn là đừng để một tai-nạn như thế xảy ra” (Not to have accidents).
Lối trả lời của những tay lãnh-đạo “nhà nghề” như thế đó!
Về phía Nga, vào năm 2000, ông Sergei Nikitich Khrushchev (1) - một Tiến sĩ Không gian Nga, con trai của tên trùm Cộng sản Nga, Thủ Tướng Nikita Khrushchev, hiện nay là công dân Hoa Kỳ - đã viết về “chuyện xưa” trong đó có đề cập sơ qua về biến cố U-2 mà cha của ông gặp phải. Dĩ nhiên ông không thể nói những chuyện không hay về cha mình trong cách giải quyết sự việc. Ông mô tả cách viên phi công Sukhoi Su-9 của Nga, Igor Mentyukov cố gắng để đánh chặn chiếc U-2, nhưng đã thất bại. Cao độ tối đa của loại phi cơ Sukhoi Su-9 chỉ 55,000 feet (16,800m) trong lúc đó chiếc U-2C của Powers bay cao 65,000 feet (19,800m).
Còn Mikhail Voronov, kiểm soát viên pin của hỏa tiễn chống máy bay cho biết có 3 hỏa tiễn SA-2 được bắn đi nhưng chỉ có một hỏa tiễn đốt cháy nhưng nổ tung trong không trung phía sau chiếc U-2, quả hỏa tiễn thứ hai bắn trúng một phi cơ Nga bay theo chiếc U-2 chiếc nhưng đủ gần để dội lắc máy bay. Ông Sergei Nikitich Khrushchev còn viết, theo Powers, một hỏa tiễn phát nổ phía sau chiếc U-2 và sau đó U-2 của ông bắt đầu giảm xuống. Powers nhảy dù an toàn và đã cố gắng trốn tránh để có thể nhận được sự giúp đỡ nhưng không thành và ông đã bị bắt.
Tưởng cũng cần biết thêm, trong cuộc chiến-tranh Việt-Nam, ngày 14-2-1964, 4 chiếc U-2 của Không lực Mỹ có ghé phi-trường Biên-Hòa nhưng sau đó rút đi vì không cần thiết. Và vào tháng 3-1965, Đại-úy Charle Wu Tse Shi bay U-2 thám thính xuyên Hoa lục, không lực Trung Cộng cho 2 phi cơ Mig 21 bay theo bắn 2 trái hỏa-tiễn nhưng không trúng đích vì quá tầm bay của hỏa-tiễn lẫn phi-cơ Mig.
9. “Nạn nhân” của điệp vụ U-2 thì sao?
Người đã “để cho địch bắt” và “để tai-nạn xảy ra” tức là phi-công Francis Gary Powers đã bị chính-quyền Nga kết án 10 năm tù: 3 năm cấm-cố (imprisonment) và 7 năm khổ sai (hard labor) trong một phiên xử vào tháng 10-1960 mặc dù ông đang bị thương. Sinh ngày 17-8-1929 tại Burdine, Kentuckey, là cựu-chiến-binh trong cuộc chiến tranh Cao-Ly, vào làm việc cho CIA năm 1960, sau khi bị Nga bắn rơi, ông ta trở thành một điệp-viên bị loại bỏ nhưng CIA vẫn còn rất nhiều người khác đang hoạt-động, ngay cả những điệp-viên còn ẩn-núp trong bóng tối ở Điện Cẩm-Linh.
Trở về Mỹ năm 1962 sau 1 năm 9 tháng 9 ngày trong trại tù của Nga sau khi hai phía Nga, Mỹ thỏa-thuận trao đổi Powers bằng một điệp-viên của Nga, Đại-Tá Rudolph Ivanovich Abel bị Mỹ bắt tại Hoa Kỳ trước đó và cũng đang bị chính-quyền Mỹ bỏ tù. Powers trở lại nhiệm-vụ của mình và sau này trở thành một huấn-luyện-viên cho phi-công lái máy-bay U-2. Năm 1968, Powers viết hồi-ký, kể lại chi-tiết sự-kiện trên. Cuốn hồi-ký sau đó được Hollywood viết thành kịch bản cho phim truyền-hình.
Đến tháng 11-1976, Powers trở thành phóng-viên truyền-hình cho hãng KNBC ở Los Angeles, chuyên đưa tin trực-tiếp từ phi-cơ về cho tổng đài, trong các chương-trình về: khí-tượng, giao-thông, cảnh-sát truy-nã tội phạm, xe hơi chạy nhanh v.v... Ông ta tử thương vào ngày 01-8-1977 tại Nam California trong một tai nạn máy bay khi đang thi-hành nhiệm-vụ, lúc mới 46 tuổi. Thi hài ông được chôn ở Lô 11 tại Nghĩa-trang Quốc-gia Arlington trước những đóng góp của ông cho nước Mỹ cho dù ông “đã để một tai-nạn như thế xảy ra” như lời vị bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Bia mộ Powers tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington
10. Những cải tiến chiếc U-2
Tuy ra đời vào giữa thế kỷ trước nhưng mãi đến nay, Hoa Kỳ vẫn còn sử dụng U-2 vì tính hiệu dụng của nó bởi nó vẫn là một trong những tài sản giá trị nhất của Mỹ còn sót lại sau thời Chiến tranh Lạnh. Khi loại do thám cơ không người lái Global Hawk ra đời, có lúc, các nhà quân sự cao cấp của Mỹ dự tính thay thế U-2 bằng loại phi cơ nầy nhưng rồi họ đổi ý, cải tiến lại động cơ, đi lại các đường dây, lắp đặt buồng lái mới với hệ thống điện tử tiên tiến nhất, ngốn tới $1.7 tỷ USD trong những năm đầu của thập kỷ 1990. Các cảm biến của U-2 mới tân trang trên U-2 có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện về thời tiết, một đặc tính không có ở các bất cứ loại phi cơ nào. Những dữ liệu mà phi cơ này thu lượm được truyền qua vệ tinh bằng một phương thức gần như là trực tiếp với thời gian tính, thẳng tới các trạm chỉ huy hay tới các sĩ quan, binh sĩ ở mặt đất.
Hiện nay, việc thu thập tin tức từ Bắc Hàn (và phía Đông Hoa lục) chủ yếu dựa vào U-2 bởi chỉ có nó mới thu thập được những tin tức hữu dụng và chính xác nhất. Thời gian qua, U-2 có nhiều cải tiến cho phù hợp với từng “mặt trận” mà nó được sử dụng. Chẳng hạn các phi vụ do thám Bắc Hàn, trong mấy chục năm qua, U-2 vẫn là "mắt thần" đáng tin cậy nhất của Mỹ để theo dõi mọi hoạt động của quốc gia “cứng đầu” nhất trên thế giới nầy.
Khác với các vệ tinh, U-2 có thể bay vòng bên bên trên mục tiêu cho đến khi làm xong nhiệm vụ. Để tránh bị phát giác, theo dõi hay bắn hạ, U-2 có thể bay cao đến 70.000 feet, gấp đôi độ cao của một máy bay chở khách thông thường, giúp nó gần như không thể bị ngăn chặn hoặc theo dõi, đồng thời vẫn có thể quan sát một khu vực rộng hơn so với bay ở tầm thấp hơn.
Để giúp chiếc U-2 nhẹ hơn để bay cao hơn, khi máy bay cất cánh, hai bánh xe được lắp vào phần cánh để giữ thăng bằng cho phi cơ sẽ tự động tách khỏi máy bay. Vì vậy, khi đáp, máy bay chỉ còn có hai cặp bánh ở dọc phần thân máy bay. Thông thường, khi đáp ở phi đạo trên đất, phi cơ tiếp đất bằng bánh xe rồi phi công cho phi cơ chạy một quãng để giảm tốc đến khi phi cơ ngừng hẳn.
Trong trường hợp U-2 không có bánh xe ở cánh như vừa nói, khi gần đáp xuống mặt đất, U-2 cần có các "phi công mặt đất" giúp phi công chính. Người ta thấy những chiếc xe Pontiac G8 màu trắng có đèn chớp nháy sáng trên mui xe chạy dọc phi đạo với tốc độ thật cao (hơn 200 km/giờ=125 MPH), để bắt kịp pha hạ cánh, hướng dẫn cho các phi công.
Các "phi công mặt đất" nầy chạy xe theo sau sát phi cơ để ước tính khoảng cách giữa đường băng và chiếc máy bay rồi báo cho phi công của U-2 bằng máy bộ đàm (walkie talkie). Họ đếm ngược "10, 9, 8,…, 4, 3, 2, 1" cho tới khi chiếc máy bay ngừng hoạt động ở khoảng cách nhỏ hơn 1m so với mặt phi đạo. Khi đó, chiếc U-2 xem như “rơi” xuống phi đạo.
Thông thường, nếu có trường hợp máy bay bị hư hệ thống bánh xe - sau khi xếp lại để bay - không mở ra được để đáp, khi đó, máy bay phải đáp bằng “bụng” sau khi phi đạo đã được rải hay phun những hóa chất làm trơn và ngăn phát hỏa do ma sát, hai bên với những chiếc xe cứu hỏa chạy dọc theo sẵn sàng cho công tác phòng tai. U-2 thì không.
Sau khi được lắp đặt các sensors cực mạnh, U-2 trở thành loại máy bay thám thính được cần đến nhất cho mọi chiến trường mà quân Mỹ và đồng minh Mỹ tham chiến. Ngoài nhiệm vụ dò tìm, săn lùng các phi đạn của đối phương, giờ đây U-2 còn dùng để dò tìm bom mìn đặt bên vệ đường, ngay cả khi đang ở độ cao tối đa (85,000 ft.=25,900m), các sensors của nó cũng có thể nhận biết được một xáo trộn nhỏ trong đất cát nếu chỗ đất đó mới được đào xới (để đặt mình bẫy) rồi lấp lại và ngụy trang như không bị đào xới, nhờ vậy tránh được mìn bẫy gây tử vong cho binh sĩ.
Chiếc U-2 đáp xuống phi đạo của căn cứ không quân
Osan, Nam Hàn. Phía xa là một chiếc Pontiac G8 có
nhiệm vụ hướng dẫn phi công hạ cánh. Ảnh: AP
Điển hình, trong cuộc hành quân Moshtarak (thành phố Marjah, Helmand Province, Afghanistan), U-2 khám phá được gần 150 mìn chôn ở vệ đường và bãi đáp trực thăng, nhờ vậy Thủy Quân Lục Chiến Mỹ phá hủy được hết trước khi tiến quân vào. Các sĩ quan TQLC cho biết, họ lệ thuộc vào các không ảnh chụp từ U-2 bằng máy chụp bằng phim (loại xưa) có độ phân giải cao nên có thể thấy được dấu chân của phiến quân, trong khi máy ảnh kỹ thuật số mới hơn, nhưng không rõ nét bằng.
Một lợi thế nữa khi U-2 bay ở cao độ như đã nói ở trên, trước đây chỉ có lợi thế tránh được phi đạn phòng không hay phi cơ địch bắn hạ, nay có thể thu thập được những tín hiệu của các cuộc điện đàm của đối phương, mà bình thường hay bị núi che, không dò ra được từ mặt đất. Theo lời Trung Tá Brown, “U-2 thu thập đủ dữ kiện để bộ chỉ huy biết và quyết định sẽ làm gì: gửi máy bay không người lái Predator hay Reaper đến, để thu hình ảnh bằng video hoặc tấn công bằng hỏa tiễn hay gởi oanh tạc cơ đến phá hủy mục tiêu.
Một khi cả U-2 lẫn máy bay không người lái cùng hoạt động trên cùng một khu vực, kết quả sẽ rất khả quan”. Trung Tá Jason M. Brown, chỉ huy một phi đội tình báo chuyên hoạch định sứ mệnh và phân tích dữ kiện nhận xét, “Như thể đã từng bay suốt nhiều năm, U-2 nay lại trở nên loại phi cơ ưu việt, nó có thể thực hiện được những gì mà không có thứ nào có thể làm được”.
Nhóm nghiên cứu Skunk Works (Chồn hôi) (2), một chi nhánh của Lockheed Martin, bản doanh ở Palmdale, California, nơi đã chế ra chiếc U-2 nổi danh (nơi đây còn chế ra các “siêu phi cơ” khác như SR-71 Black Bird, F-117 Nighthawk, F-22 Raptor) cam đoan họ sẽ “hiện đại hoá” U-2 cho hoạt động thêm một số năm nữa (có thể đến năm 2050), quan trọng là nâng cấp radar, thay động cơ… Nhóm này còn có đề án kết hợp U-2 với máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk của Northrop Grumman, với tên gọi là RQ-X hoặc UQ-2. Tuy nhiên Không lực Mỹ cho hay còn quá sớm để nói đến chương trình U-2 bay mà không có phi công điều khiển như các loại phi cơ không người lái nhỏ như hiện nay.
Một điều quan trọng khác, đó là “Các cảm biến của U-2 cho hình ảnh rõ ràng và sắc nét hơn thiết bị tương tự của Global Hawk”, Tướng Không quân Mỹ Larry Spencer nói. Ông còn cho biết thêm: "Sẽ rất tốn kém nếu muốn trang bị cho Global Hawk những khả năng tốt như U-2".
Không lực Mỹ hiện có tổng cộng 31 chiếc U-2 đang hoạt động, ngoài các căn cứ ở nội địa, nó còn được đóng tại đảo Síp (Địa Trung Hải), và Tây Nam châu Á, với vai trò chủ yếu nhất là do thám Triều Tiên và Trung Cộng. Không quân Mỹ dự trù cho U-2 về hưu vào năm 2025. Trước đây, Không quân Mỹ dùng Lockheed SR-71 "Blackbird" (còn gọi là Joe Davies Heritage Airpark), một loại máy bay do thám có tốc độ cao, có nhiệm vụ gần giống U-2, được đưa vào hoạt động từ 1966 nhưng đến năm 1999 cho nó về hưu bởi nhiều lý do.
Theo ông Scott Winstead, trưởng dự án U-2 của Tập đoàn Lockheed Martin cho rằng “Việc duy trì U-2 có phi công lái được xem là 1 đòn răn đe, bởi lẽ việc bắn rơi chiếc máy bay trinh sát có phi công nhưng không có vũ trang này sẽ được phía Mỹ xem là hành động gây chiến”. Vì vậy việc sử dụng U-2 thường được xem là một tín hiệu về chính trị cho dù nhiệm vụ chính của chúng là “nhìn trộm, nghe lén, chụp (hình) ẩu”.
11. Chuyện liên quan đến Thủ Tướng Nikita Khrushchev
Trước khi đi vào kết luận, để thay đổi không khí, tưởng cũng cần nên biết vài chi tiết liên quan đến lời hăm “chôn vùi” phương Tây của tên trùm Cộng sản Nikita Sergeyevich Khrushchev mà chúng ta thường nghe đến nhưng không nhiều người biết tường tận. Có nhiều người biết rằng câu “Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông” (We will bury you) là lời của Nikita Khrushchev - Thủ tướng Nga - hăm dọa phương Tây bằng vũ khí hạt nhân.
Sự hiểu lầm “chết người” nầy ngay thời đó được báo chí đăng tràn ngập, gây ra nỗi ám ảnh “bị Nga tấn công hạt nhân” trong tâm trí mọi người ở cả 2 phe, làm băng giá thêm quan hệ giữa khối Cộng và Âu Mỹ bởi lúc đó Nga có kho vũ khí hạt nhân to lớn, lại nằm trong tay của các tay Cộng đầu sỏ hung hăng, hiếu chiến, luôn muốn nhuộm đỏ thế giới, tuy rằng Khrushchev có tư tưởng cởi mở hơn nhưng các “đồng chí” của ông ta thì hiếu thắng, hung hăng, có tư tưởng chống phương Tây mãnh liệt, cứ nghĩ Nga có vũ khí hạt nhân thì không còn sợ ai.
Sự thật, trong cuộc tiếp tân ở Sứ quán Ba Lan tại Mạc Tư Khoa vào ngày 18-11-1956, trước rất nhiều vị Đại sứ phương Tây, Thủ tướng Khrushchev có nói bằng tiếng Nga câu nói gần sát với nội dung “Bất kể các ông có thích hay không thì lịch sử vẫn đứng về phía chúng tôi. Chúng tôi sẽ đào hố cho các ông” (Whether you like it or not, history is on our side. We will dig you in). Tiếc thay, người thông dịch riêng (personal interpreter) của Khrushchev là Viktor Sukhodrev lại chuyển ngữ (transliterated) sang Anh ngữ là “we will bury you” (tiếng Nga: "Мы вас похороним!") và đã làm dấy lên nỗi lo ngại lớn ngay lúc đó và nhiều năm sau nầy.
Lý thuyết Karl Marx cho rằng “Chủ nghĩa cộng sản sẽ tồn tại lâu hơn chủ nghĩa tư bản”, hầu hết các tên Cộng sản đều “thuộc lòng” kinh điển của “tổ sư” và Khrushchev là một nên ông ta lấy một ý trong “Tư Bản luận”: “Do đó, hơn hết, những gì mà giai cấp tư bản làm sẽ là tự đào mồ chôn mình” (What the bourgeoisie therefore produces, above all, are its own grave-diggers) ra để nói trong dịp nầy. Tuy nhiên ông ta dùng những lời lẽ không thích hợp cùng với cử chỉ thiếu nhã nhặn trong một bối cảnh mà cử tọa là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, trong thế đối đầu giữa hai khối đang ở thời kỳ gay go nhất, thành ra là lời “hăm dọa”. Chính tai các vị Đại sứ Tây phương nghe từ miệng của tên trùm Cộng sản thì không thể sai chạy được, khi tin nầy được báo chí loan ra làm cho mọi người tin tưởng tuyệt đối lời hăm dọa nầy nên sự lo lắng của họ “có cơ sở”, là đúng.
Viktor Sukhodrev (trái), thông dịch viên riêng của Khrushchev khi ở Los Angeles
Để biện minh cho việc nầy, trong lần tuyên bố tại Tiệp Khắc (Yugoslavia) vào ngày 24-8-1963, Khrushchev nói: “Tôi từng nói “Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông”, và tôi đã gặp rắc rối to. Tất nhiên là chúng tôi sẽ không dùng xẻng chôn xác các ông. Chính tầng lớp lao động của các ông [̉ở các nước tư bản] sẽ chôn vùi các ông” (I once said, “We will bury you”, and I got into trouble with it. Of course we will not bury you with a shovel. Your own working class will bury you). Dĩ nhiên phần thiệt thuộc về ông cho dù ông ta có bao nhiêu cơ hội “giải độc” cũng không ăn nhằm gì.
Cũng chính câu nói nầy đã giúp người Mỹ lấy đó làm nguyên cớ để “triệt hạ” ông ta trong chuyến Mỹ du gần 3 năm sau đó của tay trùm Cộng sản hung hăng. Theo chương trình, ngày 15-9-1959, Khrushchev đến Mỹ thăm viếng để rồi sẽ tham dự cuộc họp tay đôi với TT Mỹ Eisenhower vào 10 ngày sau đó. Muốn biết cái “phồn vinh giả tạo” (từ ngữ… xã nghĩa) của “đế quốc Mỹ” thế nào nên Khrushchev muốn thăm Trung tâm điện ảnh Hollywood và Trung tâm giải trí Disneyland, vì thế cuộc thăm viếng được sắp xếp trước giữa 2 phía.
Theo chương trình, vào ngày 19-9, vợ chồng ông ta cùng bầu đoàn đến thăm hãng phim 20th Century Fox ở Hollywood. Ở đây, ông ta được đưa tới thăm sàn quay bộ phim đang quay là “Can-Can”. Mọi chuyện ở đó diễn ra bình thường như một tour thăm viếng phim trường thường lệ từng có.
Chuyện rắc rối xảy ra khi Giám đốc hãng phim 20th Century Fox là ông Spyros Skouras, một người chống Cộng cực đoan (ardent anticommunist) gặp mặt Khrushchev tại Tòa thị chính Los Angeles trong một cuộc tiếp tân sau đó. Cờ đã đến tay, Skouras, đã “chọc tức” (irritated) Khrushchev bằng cách đề cập tới tuyên bố “chôn vùi chủ nghĩa tư bản” của Khrushchev từng nói năm nào. Skouras nói: “Los Angeles không đặc biệt quan tâm tới việc “chôn vùi” bất cứ ai, nhưng sẵn sàng đáp trả nếu bị thách thức” (Los Angeles was not particularly interested in “burying” anyone, but would meet the challenge if posed).
Chân dung Spyros Panagiotis Skouras
Bị khiêu khích, cơn nóng tính khét tiếng (famous temper) của Khrushchev lập tức bùng lên. Ông cáo buộc rằng phát biểu của ông Skouras là một phần của chiến dịch nhằm “vặn vẹo” (heckle) ông, kế hoạch (của Mỹ) là chọc tức ông, “chà xát” sức mạnh của Mỹ lên mặt ông, khiến ông “run rẩy đầu gối” (“rub” America’s strength in his face, and make him “a little shaky in the knees”). Đáp trả chất vấn của Spyros Skouras, Khrushchev - vẫn với thói côn đồ hiếu chiến - nói: “Nếu các ông muốn tiếp tục chạy đua vũ trang, tốt thôi. Chúng tôi chấp thuận thách thức đó. Sản xuất hỏa tiễn hả – chúng đang trên dây chuyền sản xuất. Đây là vấn đề quan trọng nhất. Vấn đề về sự sống hay cái chết, thưa quý ông quý bà. Vấn đề về chiến tranh và hòa bình” (If you want to go on with the arms race, very well. We accept that challenge. As for the output of rockets - well, they are on the assembly line. This is a most serious question. It is one of life or death, ladies and gentlemen. One of war and peace).
Cơn thịnh nộ của ông ta lại tăng lên khi biết ông ta “không được phép tới thăm khu giải trí Disneyland” như ông mong muốn. Cơn bực tức sau cuộc tranh cãi với Skouras vẫn còn nên khi nghe tin nầy, cơn giận của Khrushchev bùng nổ (exploded) đến tột độ: “Tôi nói là tôi rất muốn tới thăm Disneyland. Nhưng rồi họ nói là họ không thể bảo đảm an toàn cho tôi. Thế thì tôi phải làm gì? Tự-tử chắc? Cái gì vậy? Ở đó có dịch tả hay sao? Hay là đám du-côn đã chiếm lấy chỗ đó và có thể tiêu diệt tôi rồi?” (And I say, I would very much like to go and see Disneyland. But then, we cannot guarantee your security, they say. Then what must I do? Commit suicide? What is it? Is there an epidemic of cholera there or something? Or have gangsters taken hold of the place that can destroy me?).
Dù có tranh cãi, hăm dọa hay với cơn giận dữ ấu trĩ (childish outburst) bùng phát, ông ta vẫn không được phép thăm Disneyland như lời phía Mỹ đã đưa ra. Nikita Sergeyevich Khrushchev bèn quyết định rời Los Angeles ngay vào sáng hôm sau. Tỷ số trận đấu là 1-0 nghiêng về phía người Mỹ, một đòn đau “nhớ đời” cho tên cáo già hung hăng (aggressive). Kết quả của “màn đấu” đã đi vào lịch sử, trở thành một huyền thoại trong các đối thoại chính trị của lịch sử cận đại. Sau đó, nhà lãnh đạo Xô viết tiếp tục chuyến đi của mình ở vài nơi tại California mà không gặp thêm rắc rối nào nữa và trở về Hoa Thịnh Đốn cho cuộc gặp với Tổng Thống Eisenhower diễn ra vào ngày 25 tháng 9 năm 1959.
Lịch sử ghi nhận trong các yếu nhân thế giới cận đại, Nikita Khrushchev được kể là người nóng nảy nhất, vui buồn bất chợt, hay có những cử chỉ khiếm nhã và nhiều phát ngôn thô lỗ nhất, đã từng “làm khổ” nhiều thông dịch viên khi làm nhiệm vụ của họ mà sự kiện “We will bury you” như đã nói ở trên là một.
Lời kết.
Điệp vụ U-2 xem như kết thúc năm 1960 với phi vụ Powers trên vùng trời đối thủ Nga nhưng ảnh-hưởng của nó còn lâu dài, cả về chính-trị lẫn quân-sự. Các phi-cơ U-2 được tiếp-tục cải-tiến để dùng vào nhiều việc cần thiết cho quân lực Mỹ. Trong các cuộc chiến gần đây (Kosovo, Afghanistan, Iraq 1, 2) cùng các phi-vụ thường xuyên khác, thám-thính cơ U-2 cũng đã cung-cấp nhiều tin-tức tình-báo hữu-hiệu, góp phần mang lại chiến-thắng nhanh chóng cho lực-lượng Liên quân để tiêu-diệt bọn khủng-bố quốc-tế tuy rằng nó đã “lớn tuổi”. Ngày nay, thế hệ “đàn em” của U-2 là các loại máy bay không người lái. Ngoài việc đảm nhiệm mọi nhiệm vụ của U-2, các loại máy bay nầy có thể xạ kích vào mục tiêu khi được các trung tâm hành quân chỉ thị.
Trong mai hậu, thế giới sẽ điêu-linh hơn nhiều do nhiều nước hung hăng hiếu chiến thủ đắc những loại vũ khí mới được ứng dụng từ các phát minh, phát kiến của khoa-học, tạo cho bộ mặt chiến tranh sẽ khủng-khiếp hơn. Nhân loại luôn vẫn mong mỏi sống trong hòa-bình, tự do no ấm, nhưng ước vọng nầy trước đây đã bị chủ nghĩa Cộng Sản độc tài và ngày nay, ngoài chủ nghĩa Cộng sản ra còn có các thế lực Hồi giáo quá khích kịch-liệt ngăn trở, với những hành động côn đồ, tàn ác. Do vậy, các phương tiện phục vụ cho chiến tranh đôi khi cũng cần thiết để tiêu diệt những thành phần bất hảo ấy để nhân loại duy trì hòa bình. Khi mà “đạo đức thắng tội ác, tình thương thắng oán thù” thì thế giới sẽ sống trong hòa bình, nhân loại đâu cần các phương tiện giết người nữa, khi đó, cho dẫu các phương tiện có tối tân mấy chăng nữa cũng bị loại bỏ. Thiết nghĩ đó cũng là điều mong ước cao cả chính đáng nhất của nhân loại vậy!
Lê Chánh Thiêm.
2008, có nhật tu.
Tài-liệu tham-khảo:
- “Central Intelligence Agency”, book, by Andrew Tully.
- The Black Lady - Breaking Defense
- The 10-10 Reconnaissance Detachment.
- Lockheed Martin Aircraift Corporation
- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
- Tài-liệu tổng-hợp.
(1) Sergei Nikitich Khrushchev sinh ngày 02-7-1935, là một Tiến sĩ Không gian Nga, con trai của cố Thủ Tướng Nikita Sergeyevich Khrushchev. Vào ngày 12-7-1999, ông ta cùng vợ, bà Valentina đã giơ tay tuyên thệ trung thành với Hoa Kỳ, trở thành công dân nhập tịch (naturalized citizens) sau khi đã vượt qua cuộc sát hạch của Sở Di Trú Mỹ trong thủ tục nhập cảnh trước đó. Hiện nay ông là một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Watson tại Đại học Brown ở Providence, Rhode Island.
(2) Chính phủ Mỹ có ý định chế tạo một chiếc máy bay có thể hoạt động ở độ cao 70,000 ft có thể vượt quá tầm với của các máy bay chiến đấu, hỏa tiễn và thậm chí là cả radar của Nga là đối thủ chính với Mỹ vào lúc đó, nó sẽ dễ dàng thực hiện các chuyến "bay qua" để xâm nhập vào không phận của một quốc gia để chụp ảnh từ trên không. Dưới mã hiệu "Aquatone", Không quân trao các hợp đồng nghiên cứu cho Bell Aircraft, Martin Aircraft, và Fairchild Engine and Airplane để nghiên cứu những đề xuất cho chiếc máy bay trinh sát mới.
Các quan chức tại Lockheed Aircraft Corporation nghe về dự án nầy nên yêu cầu kỹ sư hàng không Clarence "Kelly" Johnson thực hiện một bản thiết kế. Johnson là một nhà thiết kế tài năng, chịu trách nhiệm về chiếc P-38 Lightning đã bắn hạ Đô Đốc Yamamoto, và P-80, ông cũng nổi tiếng về việc hoàn thành những dự án trước thời hạn, làm việc trong một phòng riêng biệt của công ty được gọi đùa là Skunk Works (Xưởng chồn hôi). Chiếc U-2 ra đời từ xưởng nầy.
Bài nầy được đăng lần đầu vào lúc 09:40:33 PM, Oct 20, 2007.
* * *
Xem bài cùng chủ đề, click vào đây
Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem bài ở trang Kiến thức, tài liệu, click vào đây
Trở về trang chính, http.www.nuiansongtra.com