Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 12, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
SỰ TRỞ LẠI CỦA SIÊU CƯỜNG KINH TẾ MỸ
Webmaster

 

(The Comeback Nation)

By Ruchir Sharma

The Foreign Affairs

May/June 2020 issue

 

Uy thế kinh tế của Mỹ nhiều lần chứng minh những người theo chủ nghĩa Declinist cho rằng Mỹ đang rơi vào suy thoái đã sai lầm (U.S. Economic Supremacy Has Repeatedly Proved Declinists Wrong).

 

 

 

Giao dịch viên tại Sở giao dịch chứng khoán New York

ở New York, tháng 3-2020. Brendan McDermid / Reuters.

 

Đầu những năm 2020, người ta khó có thể tìm thấy bất kỳ thành viên nào trong bộ máy chính sách đối ngoại của Mỹ không tin rằng Mỹ đang suy thoái và tốc độ suy giảm ảnh hưởng của nước này đang gia tăng dưới thời một vị tổng thống dường như đang say sưa với việc tấn công cả đồng minh lẫn kẻ thù của Mỹ. Nội dung cuộc tranh luận này không phải là về thực tế tình trạng suy thoái của Mỹ mà về cách Mỹ xử lý ra sao khi vị thế của họ đang ngày càng suy yếu.

 

Những người cho rằng Mỹ đang suy thoái mặc định cho rằng tỉ trọng của Mỹ trong sản lượng kinh tế toàn cầu đã và đang giảm trong nhiều thập kỷ và Mỹ hoặc là đã đánh mất vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới của mình vào tay Trung Cộng, hoặc nhất định sẽ đánh mất vị thế đó trong 10 – 15 năm tới. Các giả định này đã dẫn tới những khuyến nghị về việc điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của Mỹ cho phù hợp với sức mạnh đang ngày càng suy yếu của Washington: Chấp nhận mất đi ưu thế, thích nghi với những khu vực ảnh hưởng do Trung Cộng và Nga lãnh đạo, và nỗ lực tránh các cuộc chiến có thể xảy ra giữa một đế chế đang suy tàn như Mỹ và một nước đang trỗi dậy như Trung Cộng.

 

Tuy nhiên, nếu Mỹ không rơi vào suy thoái kinh tế thì sao? Bằng cách này hay cách khác, trong thập kỷ qua, thái độ bi quan đối với sức mạnh kinh tế và tài chính của Mỹ đã xuất hiện rộng khắp và trở nên phổ biến. Trong những năm 2010, Mỹ không chỉ quay trở lại là một siêu cường kinh tế mà còn đạt được những đỉnh cao mới với tư cách là một đế chế tài chính, được thúc đẩy bởi dân số tương đối trẻ, chính sách mở cửa đối với nhập cư, và đầu tư đổ vào Thung lũng Silicon. Giờ đây, do dịch COVID-19, nước này đang phải đối mặt với những thách thức mới về kinh tế. Tuy nhiên, không nước nào được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với dịch bệnh này, và không có lý do gì để tin rằng thời kỳ suy thoái này sẽ làm thay đổi vị thế của Mỹ trong các nền kinh tế thế giới.

 

Vào năm 2010, chẳng ai kỳ vọng về sự quay trở lại của Mỹ. Mỹ vừa trải qua thập kỷ tăng trưởng kinh tế yếu nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai và nền kinh tế đã chạm đáy trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vốn bắt đầu bằng cuộc khủng hoảng nợ thế chấp ở nước này rồi nhanh chóng lan ra toàn thế giới. Các nhà bình luận cho rằng Mỹ đã đánh mất toàn bộ uy tín của một mô hình kinh tế và dự báo nước này sẽ suy thoái hơn nữa, đặc biệt là so với Trung Cộng và các nền kinh tế đang nổi lên khác. Thay vào đó, những năm 2010 hóa ra lại la2 thập kỷ vàng đối với đất nước khởi nguồn của cuộc khủng hoảng tài chính, và nó lại không thực sự tốt đẹp với phần còn lại của thế giới.

 

Một thập kỷ vàng

 

Theo các số liệu thống kê, ít nhất là từ những năm 1850, lần đầu tiên Mỹ đã có một thập kỷ liên tục không phải trải qua một cuộc suy thoái nào. Mặc dù ban đầu nhiều người Mỹ cảm thấy thất vọng, nhưng tốc độ phục hồi của Mỹ nhanh hơn đáng kể so với các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển khác. Trái ngược với nhiều dự báo cho rằng Mỹ đang suy thoái – năm 2010, một ngân hàng toàn cầu lớn dự báo rằng Trung Cộng sẽ bắt ịp Mỹ vào năm 2020 – trên thực tế, trong những năm 2010, Mỹ đã gia tăng tỉ trọng của mình trong GDP toàn cầu từ 23% lên 25%.

 

Những năm 2020 mở màn với cú sốc bất ngờ đến từ một đại dịch toàn cầu. Các nhà kinh tế đang hạ thấp mức dự báo tăng trưởng của các nước trên toàn thế giới, và giai đoạn phát triển kinh tế kéo dài kỷ lục của Mỹ đang có nguy cơ đột ngột dừng lại. Tuy nhiên, hầu như không có bằng chứng nào cho thấy tình trạng suy thoái này sẽ gây tổn hại nặng nề cho Mỹ. Vào thời điểm tôi viết bài này, thị trường chứng khoán Mỹ chịu tổn thất ít hơn so với hầu hết các thị trường chứng khoán khác, và các nhà đầu tư đã giúp đồng USD tăng giá vì nó là đồng tiền an toàn.

 

Giờ đây, Mỹ đang phải đối mặt với một rào cản tồn tại dai dẳng hơn: sự hỗn loạn mang tính tuần hoàn của nền kinh tế toàn cầu. Trước đây, Mỹ từng có những thập kỷ vàng. Họ đã trở nên thịnh vượng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng trong những năm 1960, rồi dần suy yếu trong thời kỳ khó khăn của những năm 1970. Mỹ phát triển bùng nổ trở lại với sự xuất hiện của Thung lũng Silicon vào những năm 1990, để rồi lại suy thoái sau khi vỡ bong bóng dot-com (sự sụp đổ của thị trường cổ phiếu của các công ty công nghệ) vào năm 2000. Bài học lịch sử là: những năm 2010 tốt đẹp đối với Mỹ khiến cho những năm 2020 ít có khả năng sẽ tốt đẹp như vậy

 

Chu kỳ 10 năm thăng trầm này xuất hiện ở tất cả các nước chứ không chỉ ở riêng Mỹ. Để lập luận cho sự suy thoái kinh niên của Mỹ, các nhà phân tích thường lựa chọn phương pháp tính theo ngang giá sức mua (PPP), nhằm mục đích so sánh mức sống mà người dân có khả năng chi trả được ở đất nước họ. Vấn đề của phương pháp PPP là nó phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái theo lý thuyết do các học giả tính toán. Một thước đo sức mạnh kinh tế chính xác hơn là GDP danh nghĩa tính bằng USD, dựa trên tỷ giá hối đoái thực trên các thị trường toàn cầu.

 

Mỹ nổi lên từ Chiến tranh thế giới thứ hai, chiếm tỉ trọng đáng kể trong sản lượng toàn cầu – khoảng hơn 40%. Dựa trên PPP, các tính toán chỉ ra rằng tỉ trọng của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu đã giảm dần kể từ đó, xuống mức thấp hơn Trung Cộng vòa giữa những năm 2010, và hiện nay chỉ ở mức 15%. Mặt khác, thước đo bằng GDP danh nghĩa cho thấy năm 1980, phần đóng góp của Mỹ đã giảm xuống còn 25% rồi dao động lên xuống trong những thập kỷ tiếp theo. Năm 2020, tỉ trọng của nước này đã tăng trở lại mức 25% – mức bằng năm 1980.

 

Tóm lại, về cơ bản, tỉ trọng của Mỹ trong sức mạnh kinh tế toàn cầu đã duy trì ở mức ổn định trong 4 thập kỷ. Trong giai đoạn này, tỉ trọng của Liên minh châu Âu (EU) giảm từ 35% xuống còn 21%. Tỉ trọng của Nhật giảm từ 10% xuống còn 6% và tỉ trọng của Nga giảm từ 3% xuống còn 2%. Trong khi đó, tỉ trọng của Trung Cộng tăng mạnh trong giai đoạn này, từ 2% lên 16%. Do đó, đúng là trong khi Trung Cộng trỗi dậy, các nước lớn khác lại suy thoái. Tuy nhiên, Mỹ không nằm trong số đó.

 

Sự chi phối của đồng USD

 

Từ những năm 2010, Mỹ cũng nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết với tư cách là một siêu cường tài chính, với việc sở hữu thị trường chứng khoán và trái phiếu được săn đón nhất thế giới và một đồng tiền có sức chi phối. Nhờ thành tích xuất sắc của các công ty công nghệ của Mỹ, giá trị thị trường chứng khoán của nước này đã tăng 250% trong những năm 2010, gấp 4 lần thành tích trung bình của các thị trường chứng khoán quốc gia khác. Các thị trường hoạt động kém hiệu quả nhất là ở châu Âu, và đặc biệt là các thị trường mới nổi. Họ đã trải qua thập kỷ có thu nhập kém nhất kể từ những năm 1930. Trong thập kỷ này, thị trường chứng khoán Trung Cộng chỉ tăng 70% – mức tương đối thấp đối với một thị trường mới nổi

 

Đến năm 2019, Mỹ chiếm 56% số vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu, tăng từ 42% trong năm 2010. So với các nước khác, trước khi chịu tác động của dịch COVID-19, giá trị thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức cao nhất trong vòng 100 năm qua và duy trì vị trí dẫn đầu lịch sử này trong giai đoạn thị trường ban đầu sụp đổ sau đó. Những năm 2010 đã chứng kiến sự trỗi dậy của một “nền kinh tế siêu sao” toàn cầu, mà ở đó các tập đoàn lớn ngày càng chi phối các công ty nhỏ, chiếm độc quyền thị phần và các dòng đầu tư. Và những siêu sao lớn mạnh nhất đó thuộc về Mỹ. Từ việc sở hữu 3 công ty lớn nhất vào năm 2010, hiện nay 7/10 công ty lớn nhất thế giới tính theo tổng giá trị thị trường chứng khoán là của Mỹ.

 

Các thị trường toàn cầu phản ánh tư duy tập thể của hàng triệu nhà đầu tư, và giá cả thị trường quyết định cách họ ước tính sức mạnh tương đối của các nền kinh tế và công ty hàng đầu thế giới. Nếu các thị trường biết nói, thì chúng sẽ chẳng bao giờ hát khúc ca “Sự suy thoái của Mỹ”.

 

Giá trị đồng USD cũng đứng đầu thế giới vào những năm 2010. Khi các cá nhân và công ty mua tài sản từ nước ngoài, họ sử dụng USD ngày càng nhiều. Loại tiền tệ này chiếm 75% số tiền vay của họ, tăng từ mức 60% trước khi cuộc khủng hoảng năm 2008 xảy ra. Mặc dù cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ Mỹ, nhưng hiện nay, các ngân hàng Mỹ chi phối nền tài chính toàn cầu nhiều hơn so với 10 năm trước – một phần vì những khó khăn liên quan đến nợ thậm chí còn đeo bám các ngân hàng ở Trung Cộng, Nhật và EU dai dẳng hơn.

 

Gần 90% giao dịch tài chính toàn cầu được thực hiện thông qua các ngân hàng sử dụng USD, cho dù không có sự tham gia của phía Mỹ. Khi Nam Hàn bán điện thoại cho Brazil, nhìn chung, họ yêu cầu được thanh toán bằng USD, vì người bán hàng ở khắp mọi nơi muốn giữ loại tiền pháp định được ưa chuộng này. Hiện nay, tỉ trọng các nước sử dụng USD làm đồng tiền dự trữ – để định giá và ổn định giá trị tiền tệ của chính nước mình – đã tăng từ 30% vào năm 1950 lên 60%. Các nước này cùng nhau chiếm 60% GDP toàn cầu. Trung Cộng là một trong số đó.

 

Và vì Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) kiểm soát nguồn cung USD, nên hơn bao giờ hết, họ hiện đã trở thành ngân hàng trung ương của thế giới. Khi FED thay đổi lãi suất, tất cả các ngân hàng trung ương khác (kể cả Ngân hàng nhân dân Trung Cộng) đối mặt với sức ép cũng phải thay đổi lãi suất theo hướng tương tự, hoặc dòng vốn ra sẽ trở nên bất ổn. USD cũng là loại tiền tệ mà các nước khác rất muốn giữ trong ngân hàng dự trữ của mình.

 

Vị thế đồng tiền dự trữ này là một đặc quyền của đế chế kể từ khi Bồ Đào Nha là cường quốc thống trị thế giới, bắt đầu vào giữa thế kỷ 15. Một nước có loại tiền tệ được toàn cầu mong muốn sở hữu trong thời gian liên tục – thường được mua dưới dạng trái phiếu chính phủ – có thể vay tiền từ nước ngoài với mức lãi suất thấp hơn. Đó là lý do giải thích tại sao Valéry Giscard d’Estaing, Tổng thống Pháp trong giai đoạn 1974 – 1981, từng gọi đồng USD quyền năng là “đặc quyền vượt mức” của Mỹ. Nó giúp người Mỹ có thể vay tiền để mua nhà và ô tô, và cho phép Wasington chịu được mức thâm hụt mà nếu không thì họ không thể gánh vác nổi.

 

Việc sở hữu một đồng tiền không thể thiếu cũng trao cho Mỹ ảnh hưởng đòn bẩy địa chính trị khổng lồ. Năm 2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Iran sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền tiền nhiệm của ông, cùng các nước lớn khác, đã đàm phán với nước Cộng hòa Hồi giáo này, cuối cùng, các chính phủ châu Âu đã miễn cưỡng quyết định họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm theo Mỹ, vì họ không thể liều lĩnh để mất quyền tiếp cận các ngân hàng của Mỹ. Khi Mỹ và EU trừng phạt Nga vì nước này xâm lược Ukraine vào năm 2014, Điện Kremlin đã quay trở lại hướng nội và từ bỏ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để ưu tiên tiết kiệm tiền bạc nhằm giảm khả năng dễ bị tổn thương trước các chủ nợ nước ngoài và mối đe dọa từ các biện pháp trừng phạt. Với tất cả hành động hung hăng của mình trên thế giới, hiện nay, Nga tăng trưởng với tốc độ bằng một nừa so với Mỹ và dần mất đi vị thế cường quốc kinh tế toàn cầu.

 

Không có gì ngạc nhiên khi các đối thủ muốn nếm thử hương vị sức mạnh mà đồng USD mang đến cho Mỹ. Tuy nhiên, tham vọng của châu Âu về việc đồng euro có vị thế đồng tiền dự trữ đã bị cản trở bởi nhiều nước nghi ngờ về một đồng tiền mới chỉ tồn tại 20 năm và chịu ảnh hưởng nặng nề của các cuộc khủng hoảng tài chính liên tiếp. Trung Cộng cũng có những hy vọng tương tự đối với đồng NDT và vào đầu những năm 2010, họ đã thực hiện các bước đi nhằm khiến đồng tiền này dễ chuyển đổi và trao đổi hơn. Sau đó, vào năm 2015, hàng triệu người Trung Cộng đã vội vã gửi tiền ra nước ngoài qua cánh cửa để ngỏ này. Phải đối mặt với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Thượng Hải và một cuộc khủng hoảng nợ đang xảy ra, họ bắt đầu gửi đồng NDT sang những nơi trú ẩn an toàn ở nước ngoài, với số lượng tương đương hàng trăm tỷ USD trong 1 tháng. Để ứng phó, giới chức trách đã áp đặt các biện pháp kiểm soát về vốn mà hiện nay vẫn còn hiệu lực, trì hoãn vô thời hạn niềm hy vọng về việc thách thức ưu thế của đồng USD.

 

Điều mà phần còn lại của thế giới mong muốn ở một đồng tiền dự trữ là một thị trường lớn, có tính thanh khoản mà ở đó mọi người được tự do mua bán mà không sợ chính phủ sẽ đột ngột thay đổi quy định. Giờ đây, họ nhận thấy chỉ có đồng USD mới là đồng tiền an toàn, và do đó cho đến nay USD được định giá cao hơn hầu hết các loại tiền tệ khác trong cú sốc COVID-19. Giới tinh hao toàn cầu có thể không tin tưởng Tổng thống Mỹ đương nhiệm, nhưng họ tin vào các thể chế của Mỹ, đó là lý do giải thích tại sao Mỹ đã nổi lên từ những năm 2010 như một đế chế tài chính không có đối thủ.

 

Đừng tuyệt vọng

 

Nhận thức về sự suy thoái của Mỹ được củng cố bởi nhiều học giả và chính trị gia, cho rằng những thập kỷ gần đây chỉ tốt đẹp đối với các tập đoàn và người giàu. Họ chỉ ra dữ liệu cho thấy tiền lương của Mỹ bị đình trệ kể từ những năm 1970 và Mỹ là nước giàu duy nhất có tuổi thọ trung bình giảm trong những năm gần đây, nguyên nhân đến từ “các loại bệnh do tuyệt vọng” – tự tử, rượu, lạm dụng thuốc giảm đau. Trong mùa bầu cử tổng thống sơ bộ năm 2020, một trong những đường lối đặc trưng của ứng cử viên đứng đầu đảng Dân chủ, cựu Phó tổng thống Joe Biden, là cho rằng tầng lớp trung lưu đang bị chèn ép.

 

Chắc chắn nhiều người Mỹ sẽ tiếp tục phải vật lộn. Tuy nhiên, khi mức tăng tiền lương và thu nhập được khôi phục vào giữa những năm 2010, thì suy rộng ra, tinh thần của người Mỹ cũng phấn chấn trở lại. Theo các cuộc khảo sát hàng tháng về người tiêu dùng Mỹ của Đại học Michigan, niềm tin của người tiêu dùng thuộc 3 nhóm cao, trung bình và thấp trong thang thu nhập đã tăng ngang nhau.

 

Dĩ nhiên, tâm trạng vui vẻ này đang biến mất khi dịch COVID-19 diễn ra. Tuy nhiên, khi Mỹ đưa tin về các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên của nước này hồi giữa tháng 1/2020, niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ đạt mức cao nhất mọi thời đại kể từ khi bắt đầu các cuộc khảo sát về những chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ gần 5 thập kỷ trước. Niềm tin của người tiêu dùng mới chỉ đạt mức cao như vậy 2 lần trước đây, trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế bùng nổ vào những năm 1960 và 1990. Khảo sát của Đại học Michigan kết hợp những câu hỏi về các điều kiện hiện nay và tương lai, về cảm tíac thỏa mãn của người Mỹ so với 1 năm trước và kỳ vọng của họ về 1 năm tới kể từ bây giờ.

 

Kể từ lần đầu tiên Viện Gallup khảo sát ý kiến của người Mỹ về việc liệu họ có thỏa mãn với lối sống của mình hay không vào năm 1979, đai đa số đều trả lời “có”. Tuy nhiên vào tháng 1/2020, tỷ lệ này đã đạt mức cao kỷ lục là 90%. Cũng trong tháng đó, 3/5 người Mỹ trả lời khảo sát nói giờ đây họ cảm thấy tốt hơn 4 năm trước, tỷ lệ cao nhất kể từ khi Viện Gallup đặt câu hỏi này trong những năm bầu cử tổng thống kể từ năm 1992.

 

Mặc dù các dữ liệu cho thấy tiền lương được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm kể từ những năm 1970, như nhiều nhà bình luận chỉ ra, nhưng nó cũng có thể cho thấy tiền lương tăng hay giảm tùy thuộc vào việc lựa chọn ngày bắt đầu khảo sát hoặc một phép đo lạm phát khác nhau. Phương pháp và kết quả khảo sát thường được lựa chọn để ủng hộ một lập trường chính trị. Tuy nhiên, rõ ràng là trong những năm 2010, lương theo tuần và theo giờ đều tăng. Và các biện pháp tính thu nhập cá nhân và hộ gia đình rộng hơn, trong đó có dữ liệu thống kê, cho thấy cả những bước thành quả trong dài hạn lẫn bước nhảy vọt đáng chú ý trong những năm 2010.

 

Mặc dù tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng, nhưng nguyên nhân là vì mức tăng thu nhập chủ yếu được phân bổ cho số người Mỹ giàu nhất, chứ không phải vì thu nhập của tầng lớp trung lưu và người nghèo không tăng. Theo Cục thống kê Mỹ, năm 2018, thu nhập họ gia đình bình quân được chỉnh theo lạm phát là $63.000 USD, tăng khoảng $15.000 USD so với đầu những năm 1970 và 7000 USD so với năm 2013. Con số này tiếp tục gia tăng trong năm 2019, một năm thuận lợi đối với công ăn việc làm của người Mỹ, và có thể giải thích lý do tại sao vào đầu năm 2020 vẫn có những dấu hiệu cho thấy người dân có thái độ lạc quan.

 

Thậm chí cả những người tin vào sự suy yếu của tầng lớp trung lưu cũng không đánh đồng điều này với tình trạng suy thoái rộng lớn hơn của Mỹ – vì hiện cuộc tranh luận tương tự về vấn đề tầng lớp trung lưu mất việc làm và tiền lương cũng đang diễn ra trên toàn thế giới, từ Ấn Độ, Nhật Bản, cho đến các nước EU. Và tầng lớp trung lưu ở các nước này cũng đang gặp khó khăn vì một lý do giống nhau, đó là sự xuất hiện của các nhà xuất khẩu giá rẻ và cạnh tranh hơn, đầu tiên là từ Trung Cộng, sau đó là từ các đối thủ như Bangladesh và Việt Nam, đe dọa công ăn việc làm trong ngành chế tạo của tầng lớp trung lưu ở những nơi khác.

 

Trong một thời đại đa cực, người Mỹ có xu hướng nhìn nhận tình hình kinh tế thực tế thông qua một lăng kính thiên lệch. Các ứng cử viên tổng thống đến từ đảng Dân chủ tập trung vào chủ để suy thoái và trì trệ, mà xét theo tâm trạng của người dân, thì hứa hẹn sẽ là một điều khó có sức thuyết phục. Nỗi sợ hãi đối với COVID-19 sẽ định hình lại cuộc thảo luận về bầu cử tổng thống năm 2020, nhưng một lần nữa, chưa có bằng chứng nào cho thấy dịch bệnh này sẽ khiến nền kinh tế hay niềm tin vào nền kinh tế Mỹ giảm sút hơn so với các nước lớn khác. Giờ đây, câu hỏi là liệu nền kinh tế Mỹ có thống trị những năm 2020 như cách họ đã làm vào những năm 2010, bất kể COVID-19 có xuất hiện hay không?

 

Rủi ro lớn

 

Những nước chi phối nền kinh tế và các thị trường toàn cầu trong một thập kỷ hiếm khi nào tiếp tục giữ vai trò này trong thập kỷ tiếp theo. Những nước này càng phát triển, thì nhà lãnh đạo của họ lại càng tự mãn. Họ mất đi kỷ luật, bỏ qua cải cách, đẩy đất nước rơi vào cảnh nợ nần và những khoản thâm hụt, và khiến nền kinh tế rơi vào hỗn loạn. Chu kỳ 10 năm này đã hạ gục mọi ngôi sao kinh tế của kỷ nguyên hậu chiến, trong đó có Mỹ, với việc trước đây nước này đã hai lần rơi vào khủng hoảng. Nền kinh tế Mỹ giữ vai trò chi phối vào những năm 1960 nhưng đã chao đảo trong thập kỷ tiếp theo. Trong những năm 1970, giá dầu tăng cao đã khiến một số nhà phân tích tình báo Mỹ dự báo rằng Liên Xô đang trong quá trình trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng nền kinh tế nước này đã sụp đổ trong thập kỷ kế tiếp. Những năm 1980 là “sự trỗi dậy của Nhật Bản”, nhưng nền kinh tế Nhật Bản đã sụp đổ khi bong bóng thị trường vỡ vào năm 1989. Những năm 1990, một thập kỷ khác của Mỹ, đã kết thúc với sự sụp đổ của Thung lũng Silicon. Vấn đề giờ đây Mỹ phải đối mặt là quá trình phát triển kinh tế của họ đã kéo dài gần 11 năm, khoảng thời gian lâu nhất kể từ năm 1850, và mọi giai đoạn hưng thịnh rốt cuộc đều tạo ra tình trạng dư thừa, báo trước cho sự suy tàn của chính nó.

 

Trong tất cả những đề cập về nỗi tuyệt vọng của Mỹ, rủi ro lớn hơn là thái độ tự mãn khi phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng lớn từ nợ nần, thâm hụt và vấn đề nhân khẩu học. Tiềm năng tăng trưởng của mọi nền kinh tế đều tùy thuộc vào dân số và năng suất. Mỹ cho rằng họ có lợi thế lớn về năng suất, nhờ các quy định tương đối linh hoạt và nền văn hóa đổi mới được nuôi dưỡng ở các trường đại học giành cho giới tinh hoa và ở Thung lũng Silicon. Quả thật, trong những năm gần đây, năng suất của Mỹ đã được đẩy mạnh nhờ đầu tư vào công nghệ, nhưng lợi thế quan trọng hơn của nước này là tỷ lệ tăng dân số tương đối cao, từ số trẻ em mới sinh và người nhập cư, chứ không phải từ Stanford và Google.

 

Trong những năm 1990, năng suất của Mỹ đã tăng nhanh hơn đáng kể so với Nhật Bản và châu Âu, nhưng họ đã bắt đầu mất đi vị trí dẫn đầu đó trong thập kỷ tiếp theo. Trong khi đó, lợi thế về nhân khẩu học của Mỹ gia tăng. Ở Nhật Bản và EU, sau khi bước sang thiên niên kỷ mới, số người ở độ tuổi lao động bắt đầu giảm bớt. Tuy nhiên, nhóm này tiếp tục tăng ở Mỹ. Nếu dân số Mỹ tăng chậm như Nhật Bản trong những thập kỷ gần đây, thì hiện nay, tỉ trọng của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu sẽ là 17% chứ không phải 25%.

 

Tuy nhiên, giờ đây, chính trị đang đe dọa lợi thế này. Trong giai đoạn hậu chiến, khoảng 2/3 mức tăng dân số của Mỹ là nhờ tỷ lệ sinh tương đối cao. Phần còn lại là nhờ Mỹ tương đối cởi mở trong việc tiếp nhận người nhập cư. Cánh cửa đó bắt đầu khép lại dưới thời Trump. Kể từ năm 2016, số lượng người nhập cư hợp pháp đến Mỹ đã giảm, với tốc độ trung bình 43.000 người/năm.

 

Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách Mỹ trở nên tự mãn trước vấn đề nợ và thâm hụt. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ phát triển nhanh hơn phần còn lại của thế giới các nước phát triển, và họ đã mở rộng vai trò lãnh đạo của mình khi Trump thông qua chính sách cắt giảm thuế và các quy định. Tuy nhiên, việc cắt giảm thuế mà không giảm chi tiêu đã làm tăng thâm hụt ngân sách của Mỹ, hiện đang ở mức gần 5% GDP, mức cao nhất từ trước đến nay trừ trường hợp sau một cuộc suy thoái hay chiến tranh. Giờ đây, những người có tiếng nói ở cả hai đảng đều lập luận rằng khoản thâm hụt này không còn đe dọa tăng trưởng – mục đích của đảng Cộng hòa là nhằm duy trì mức thuế thấp, còn đảng Dân chủ muốn bảo vệ mức chi tiêu công cao.

 

Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Mỹ hành động quyết đoán hơn các nước giàu có khác trong việc cắt giảm nợ, nhưng quyết tâm của họ đã giảm trong những năm gần đây, do FED tung ra vô số đợt cắt giảm lãi suất nhằm duy trì khả năng phục hồi kinh tế. Sự thay đổi lớn nhất kể từ năm 2008 là giờ đây, khoản nợ lớn và rủi ro nhất tập trung vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứ không phải khoản vay của ngân hàng dành cho các chủ nhà.

 

Hiện nay, 16% công ty đại chúng Mỹ là những “xác sống”, nghĩa là họ hầu như chỉ thu được số lợi nhuận ít ỏi đủ để trả lãi suất nợ và chỉ tồn tại được nhờ việc có thêm những khoản nợ mới. Mức lãi suất thấp kỷ lục của FED là nhằm mục đích kích thích đầu tư vào các công ty sản xuất, nhưng phần lớn số tiền đó lại hỗ trợ những “xác sống” hoặc chảy về thị trường chứng khoán, hiện có giá trị lớn hơn 80% so với nền kinh tế Mỹ, cao hơn nhiều so với những mức đã đạt được trong thời kỳ thị trường sôi động quá mức vào những năm 1920 và cuối những năm 1990. Sự xuất hiện của những bong bóng này thứ nhất có thể dẫn đến Đại khủng hoảng và thứ hai là một cuộc suy thoái. Nếu cú sốc COVID-19 dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính khốc liệt, thì những tập đoàn đang gặp khó khăn, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới, sẽ vỡ nợ. Trung Cộng, Nhật Bản và châu Âu cũng có đầy rẫy những công ty “xác sống”.

 

Sau cùng, mức nợ ngày càng tăng có thể đe dọa thể chế tài chính Mỹ. Năm 1985, Mỹ nợ phần còn lại của thế giới 104 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP – một con số không đáng kể. Kể từ đó, khoản nợ này đã tăng lên gần 10.000 tỷ USD, chiếm 50% GDP, ngưỡng thường đẩy các quốc gia rơi vào một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Các đế chế đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ của mình khi nước ngoài mất lòng tin vào khả năng trả nợ của đế quốc đó.

 

Trước Mỹ, có 5 nước từng sở hữu đồng tiền dự trữ: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp và Anh. Trung bình mỗi nước sở hữu vai trò dẫn đầu này trong 94 năm. Hiện nay, USD đã giữ vị thế đồng tiền dự trữ trong 100 năm. Một lý do giải thích tại sao USD có khả năng vượt qua thời kỳ suy thoái mà thậm chí là do đại dịch COVID-19 gây ra là vì không có nước nào sở hữu một loại tiền tệ có khả năng này, nhưng các đối thủ mới đang xuất hiện để lấp đầy chỗ trống, trong đó có vàng và tiền ảo. Facebook đang tìm cách phát hành tiền số Libra. Chỉ vì hiện nay USD là đồng tiền không thể thiếu không có nghĩa điều đó sẽ kéo dài mãi mãi.

 

Mỹ không suy thoái

 

Nếu nền kinh tế Mỹ suy sụp trong những năm 2020, liệu điều đó có đồng nghĩa rằng những người cho rằng Mỹ đang suy thoái đã đúng ngay từ đầu? Vượt mốc thời gian 5 – 10 năm tới, không có dự đoán nào chính xác hơn ngoài một sự phỏng đoán ngẫu nhiên, vì có quá nhiều điều có thể thay đổi trong khoảng thời gian đó, khi các chu kỳ kinh tế, chính trị và công nghệ thay đổi. Quãng đường dài là một câu chuyện bí ẩn.

 

Hầu hết các câu chuyện cho rằng Mỹ đang suy thoái đều đi đến hồi kết là Mỹ đánh mất vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tay Trung Cộng. Câu chuyện này thường được diễn đạt bằng thực tế lịch sử không thể chối cãi, viện dẫn quy mô dân số lớn của Trung Cộng, những vinh quang trong quá khứ của triều đại phong kiến, thậm chí cả thực tế rằng Trung Cộng vào thế kỷ 16 chiếm 25% nền kinh tế toàn cầu – như thể là thành tích trong quá khứ xa xôi đảm bảo cho những kết quả trong tương lai.

 

Những người có quan điểm cho rằng Mỹ đang suy thoái thường cường điệu hóa khả năng Trung Cộng có thể sớm bắt kịp Mỹ bằng việc cho rằng Trung Cộng có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao quá mức như họ tuyên bố đến vô hạn mà không bao giờ phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính hay suy thoái. Để ủng hộ lập luận này, hãy giả sử suy luận này là đúng. Nếu trong tương lai, Trung Cộng và Mỹ duy trì tỷ lệ tăng trưởng GDp trên danh nghĩa như mức báo cáo chính thức của họ trong năm 2019 – lần lượt là 6% và 4% – thì Trung Cộng sẽ không thể bắt kịp Mỹ cho đến khoảng năm 2050.

 

Và vì tất cả các nền kinh tế đang phát triển đều giảm tốc khi họ trở nên chín muồi và giàu có hơn, nền kinh tế Trung Cộng có khả năng sẽ giảm tốc hơn so với mức nước này đã trải qua trong thập kỷ qua. Nếu tăng trưởng gảim tốc 1 điểm phần trăm, Trung Cộng sẽ không thể bắt kịp Mỹ cho đến năm 2090, và thậm chí tốc độ này cũng sẽ khó có thể duy trì. Hàn Quốc và Đài Loan, hai ví dụ phát triển kinh tế thành công nhất trong lịch sử, đã phát triển nhanh chóng trong 5 thập kỷ, rồi suy giảm mạnh. Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong 4 thập kỷ. Hơn nữa, Hàn Quốc và Đài Loan phát triển bùng nổ trong những năm kỳ diệu hậu chiến, khi tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy vượt mức trên toàn thế giới nhờ thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh và siêu toàn cầu hóa. Giờ đây, thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh đã kết thúc. Tăng trưởng thương mại trì trệ, tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc trên toàn thế giới. Và tất cả những cơn gió ngược này đang gây tổn thất nặng nề cho Trung Cộng hơn là Mỹ.

 

Hơn nữa, giờ đây nợ của Trung Cộng lên tới gần 270% GDP (con số này ở Mỹ là 250%), và một nước có thu nhập thấp như Trung Cộng càng khó có thể phát triển hơn với khoản nợ lớn như vậy. Các công ty “xác sống” chiếm 10% số nợ doanh nghiệp ở Trung Cộng, do đó, không giống như năm 2008, khi nợ ở mức thấp hơn nhiều, giờ đây, Trung Cộng vô cùng dễ bị tổn thương trước một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hơn nữa, Mỹ là nước dày dạn kinh nghiệm với việc đã vượt qua 12 cuộc suy thoái và một cuộc Đại khủng hoảng trong thế kỷ qua. Trung Cộng chưa trải qua một cuộc suy thoái nào kể từ khi kinh tế nước này bắt đầu phát triển bùng nổ 4 thập kỷ trước, và hiện nay, lãnh đạo nước này phản ứng với bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự suy thoái bằng việc để nền kinh tế gánh thêm nợ nần.

 

Động lực quan trọng nhất của mọi nền kinh tế là nhóm dân số trong độ tuổi lao động, nhóm này vẫn đang gia tăng ở Mỹ, nhưng bắt đầu giảm bớt ở Trung Cộng từ 5 năm trước. Trong lịch sử, khi lực lượng lao động ở các nước thu hẹp lại, họ gần như không có cơ hội duy trì tốc độ tăng trường kinh tế nhanh chóng thậm chí là trong 1 thập kỷ. Tuy nhiên, những người lao động cho rằng Mỹ đang suy thoái giả định rằng sự trỗi dậy của Trung Cộng có thể tiếp tục vô hạn định. Nhiều khả năng cao là gần như không có người Mỹ nào hiện nay sẽ sống được đến lúc chứng kiến Mỹ tụt xuống vị trí thứ hai.

 

Các chuyên gia về vấn đề đối ngoại có thể đã đúng khi lập luận rằng Mỹ nên hiện đại hó chiến lược toàn cầu của mình, khôi phục mối quan hệ với các đồng minh truyền thống và đối tác thương mại then chốt, quay trở lại tham gia các thỏa thuận quốc tế, và giúp tái thiết các trụ cột về thể chế của trật tự hậu chiến. Tuy nhiên, lập luận này thường không có nghĩa đây là các động thái khôn ngoan, mà vì chúng là việc làm cần thiết để điều chỉnh chính sách của Mỹ cho phù hợp với thực tế rằng ảnh hưởng về kinh tế của Mỹ đang suy giảm.

 

Tuy nhiên, đó không phải là thực tế. Mỹ không suy thoái. Họ là đất nước hồi sinh trong những năm 2020. Và nếu các chuyên gia không xác định đúng vị trí xuất phát của Mỹ, thì họ có thể đã sai lầm về đích đến của nước này.

 

Ruchir Sharma

 

Ruchir Sharma là Giám đốc chiến lược toàn cầu tại Morgan Stanley Investment Management và là tác giả của cuốn sách Mười quy tắc của các quốc gia thành công. (Theo The Foreign Affairs).

 

*  *  *

 

Xem bài nầy bằng Anh ngữ: click vào đây

Xem trang Kiến thức, Tài liệu: click vào đây

Xem bài trên trang Anh ngữ: click vào đây

Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh