Nhân dịp trường THPT Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi tổ chức Lễ Kỷ Niệm 65 năm ngày thành lập trường, xin ghi lại hai bài thơ về ngôi trường thân yêu mà tôi đã theo học bảy năm thời Trung học.
Ký ức và cảnh quan thời vào trường:
Tôi sinh năm 1945 tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa hành, vì sự khó khăn trong cuộc chiến dai dẳng chống Thực dân Pháp nên thời đại chúng tôi việc trẻ em đến trường không chuẩn mực về tuổi tác: kẻ đi học trễ, người đúng tuổi, thiếu tuổi thì dường như không có. Sinh năm 1945 mà đến 1955 tôi mới đến trường và vào lớp Năm (lớp Một ngày nay).
Mùa hè Năm 1960, sau khi tốt nghiệp Tiểu học (lớp Nhất), tôi lên Tỉnh (Thị xã Quảng Ngãi) thi vào lớp Đệ Thất trường Trung học Trần Quốc Tuấn, ngôi trường công lập cấp Hai, Ba duy nhất và danh giá của tỉnh Quảng Ngãi thời bấy giờ. May mắn tôi đã trúng tuyển và trở thành học sinh lớp thấp nhất (Đệ thất) của trường niên khoá 60-61.
Mùa Thu năm 1960, từ một miền quê hẻo lánh xa xôi, tôi khăn gói ra thị thành trọ học. Thị xã Quảng Ngãi lúc bấy giờ vừa trải qua cuộc chiến tranh chưa kịp hồi sinh nên còn hoang vắng, đó đây còn sót lại những hố bom, rau muống, lục bình mọc lên xanh ngắt, đêm về ểnh ương, ếch nhái tấu nhạc râm ran.
Trường Trần Quốc Tuấn nằm phía đông quốc lộ Quang Trung, được thành lập cách đó (1960) 5 năm (1955), nhưng vẫn mái tôn, vách đất, mầm trĩ, quét vôi, thấp lè tè.
Trường gồm 3 dãy hình chữ U, đáy chữ U hướng ra quốc lộ, là hướng Tây, đáy chữ U có khoảng trống ở giữa dùng làm khán đài trong những buổi chào cờ, diễn thuyết, văn nghệ...
Phía Nam giáp trường Nam Tiểu học, phía Bắc giáp con đường nhỏ là lối ra vào bên hông dành cho xe đạp, đường nhỏ này giáp những đám ruộng mía. Phía Đông trường là cánh đồng lúa, trong mùa gieo trồng, lúa mạ xanh non chạy tít về chân trời đông!
Thời kỳ bấy giờ, trường Trần Quốc Tuấn được xếp vào tốp danh giá, bề thế của các trường Miền Trung. Là cậu bé miền quê lên tỉnh, tôi cảm thấy nhút nhát, rụt rè và choáng ngợp trước cái qui mô về cơ sở, phòng lớp, về tổng số học sinh, về hội đồng giáo sư (cách gọi thời bấy giờ) và về cả cách ăn mặc đẹp đẽ thanh lịch của Thầy,nCô cùng toàn thể học sinh nhà trường.
Lên Đệ Thất (cấp Hai), có nhiều môn học mới: Anh văn, Hán văn, Lý, Hoá...
Ngày một ngày hai tôi đã thích nghi với cuộc sống xa nhà, với môi trường học tập mới và thoáng chốc bảy năm đằng đẳng thoáng qua mau... và tôi đã ra trường với mảnh bằng Tú Tài Toàn phần ban B Toán - Lý - Hoá.
Hồi tưởng về cái thời trẻ trung, khi mình là một học sinh của ngôi trường thân yêu Trần Quốc Tuấn, cõi lòng dâng lên một nỗi niềm trân quý, tiếc thương về quãng đời vàng son mà mình được trải qua trong kiếp con người!
Nhân kỷ niệm 65 ngày thành lập trường (1955-2020), xin ghi lại hai bài thơ của cá nhân về ngôi trường vô vàn yêu quý Trần Quốc Tuấn!
Bài 1:
TRƯỜNG TRẦN QUỐC TUẤN: KHUNG TRỜI ĐẸP VÀ THƠ, THÁNG NGÀY MỘNG MƠ
(Bài đã đăng trong tập Kỷ yếu 60 năm thành lập trường).
Trường Trần Quốc của ta ơi!
Mãi đứng hiên ngang giữa đất trời
Thiên Bút phê Vân ngàn năm đó
Trà Giang xuôi chảy biển ngàn khơi.
Đã tự lâu rồi năm lại năm,
Trường xưa xinh xắn vẫn im nằm,
Đón chào trai trẻ muôn phương đến,
Trí thức thầy trao rút ruột tằm.
Rút ruột thầy trao kiến thức hay
Cố công rèn luyện suốt đêm ngày
Ngày mai muôn nẻo phương trời lạ
Thỏa sức đàn chim sải cánh bay!
Thuở ấy một thời tôi đến đây
Trường uy nghiêm quá, dáng tôi gầy
Đôi chân nhỏ bé run run sợ
Thưa gửi Thầy, Cô những phút giây!
Tỏa mát sân trường một bóng cây (*)
Sần sùi gai góc lá rơi đầy
Chứng nhân cho đổi thay thời cuộc
Cho cả người xa mái trường này.
Những buổi mai hồng, nắng sáng trong
Sân trường tương phản sắc màu nhau:
Trắng phau áo trắng bên màu cỏ
Xanh biếc, chờ nghe khúc nhạc hùng.
Những môn học lạ với đời tôi:
Hán tự từ Tàu lại đến đây
Thầy đồ nghiêm nghị, thước cầm tay:
“Huyết do tâm xuất, hựu hồi tâm trung”
Rồi môn Anh ngữ cũng lạ lùng:
“Good morning lúc đến sau cùng good bye“.
Còn bao môn nữa, những Cô Thầy
Thơ Kiều, Thơ Mới giảng bình hay
Ru hồn thơ trẻ bay lơ lửng
Quên cả không gian, cả tháng ngày!
Tháng ngày thầm lặng lướt qua mau
Tuyết sương giờ điểm bạc mái đầu
Bao kỷ niệm vàng in đậm mãi
Bóng hình xưa tìm lại nơi đâu!
Ghi chú:
(*) giữa sân trường có cây dầu lại lớn.
Bài 2:
TÂM SỰ NGÔI TRƯỜNG 65 NĂM TUỔI.
(Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập trường)
Sáu lăm năm tuổi ngẫm lại đời
Lao khổ liên hồi chẳng nghỉ ngơi
Đón đưa đàn trẻ từ đâu lại
Học hỏi, đùa vui trải mấy thời.
Tôi mang tên họ vị anh hùng
Ba lần đánh bại giặc Nguyên Mông
Ôi Trần Quốc Tuấn oai hùng quá
Rạng rỡ non sông, giống Lạc Hồng.
Thuở ấy thân tôi thấp lè tè
Mái tôn, vách đất cốt bằng tre
Quanh tôi thoáng rộng và hoang vắng
Hạ đến u buồn khúc nhạc ve.
Mỗi năm người học lại thêm đông,
Hình vóc tôi trông chẳng thỏa lòng
Bao thầy cô giáo cùng bọn trẻ
Nên chỉnh trang hoài tốn sức công.
Công sức bao lần người bỏ ra
Thân tôi từng bước được thăng hoa
Tường xây kiên cố, lầu cao vợi
Phòng ốc thêm nhiều, ánh điện pha.
Sân trường từng buổi sáng Thứ Hai
Hàng hàng trắng xoá gái cùng trai
Chào cờ xong lắng nghe lời dạy:
“Học giỏi, làm chăm luyện Đức tài“!
Tài Đức bao người tôi sản sinh
Công thành, danh toại được hiển vinh
Điểm tô đất mẹ thêm Hồng thắm
Bạn cũ, Thầy xưa trọng nghĩa tình!
Đã sáu lăm mùa hoa Phượng bay
Sáu lăm lần tiễn biệt chia tay
Chứng nhân cho cảnh chia lìa ấy
Tôi cũng ngậm ngùi, mắt thoảng cay.
Sáu lăm năm chẵn thoáng qua mau
Lớp trước xa trường đến lớp sau
Riêng tôi vẫn bóng hình cô lẻ
Nhìn khoảng trời xanh ngát một màu!
Quận 7 Sài Gòn ngày 4-7-2020
Nguyễn Thái Ất, bút hiệu Chu Thiên Tử.
Học sinh TQT niên khoá 1960-1967.
Chu Thiên Tử, 2020, 75 tuổi
Xem bài cùng tác giả, click vào đây
QN, Đất nước Con người, click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com