Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Phiếm luận
NĂM THÂN, NÓI CHUYỆN KHỈ.
PHƯƠNG-ĐÌNH

TẢN MẠN VỀ CHUYỆN NĂM THÂN
Phương-Đình

Mới đó mà Xuân Giáp Thân lại đến rồi!

Kể từ mùa Xuân Ất Mão 1975 đến nay, cộng đồng người Việt chúng ta đã tạm dung tại hải ngoại thấm thoắt trải ba mùa Xuân con Khỉ. Đó là các mùa Xuân Canh Thân (1980), Xuân Nhâm Thân (1992) và Xuân Giáp Thân (2004).

Riêng các bạn đã “may mắn” chào đời vào năm Giáp Thân (1944) thì, theo vận niên lục giáp, đến năm nay đã vào khẳm lục tuần. Nhớ lời người xưa: “Ngũ thập nhi tri thiên mạng; lục thập nhi nhĩ thuận”. Nghĩa là: “Đến 50 tuổi thì bạn biết được mệnh trời. Đến tuổi 60 thì lời chê tiếng khen lọt vào tai bạn, bạn đã hiểu ngay, chẳng cần suy nghĩ lung tung, dông dài nữa”. Có lẽ đối với các bạn sinh vào năm Giáp Thân (1944) - mạng Tuyền trung Thủy - nên từ lúc thiếu thời đã phải gánh chịu bao nỗi bất hạnh của đất nước, dân tộc suốt 30 năm (1945-1975) và mãi đến Xuân Giáp Thân nầy lại vẫn lang thang, phiêu linh suốt các nẻo đường hải ngoại, ngẫm lại thân danh, nhìn lại tóc râu đã bạc phếch một màu.

Nhân đây, xin liệt kê các năm Thân theo vận niên lục giáp, thuộc ngũ hành sinh khắc để tiện tra cứu:

Những năm Dương lịch 1872, 1932, 1992, 2052 1884, 1944, 2004, 2064 1896, 1956, 2016, 2076 1908, 1968, 2028, 2088 1920, 1980, 2040, 2100. Năm Âm Lịch: Nhâm Thân, Giáp Thân, Bính Thân, Mậu Thân, Canh Thân. Thuộc ngũ hành sinh-khắc: Kiếm phong Kim, khắc: Phúc đăng Hỏa; Tuyền trung Thủy, khắc: Thiên thượng Hỏa; Sơn hạ Hỏa, khắc: Tích lịch Hỏa; Đại dịch Thổ, khắc: Thiên thượng Thủy; Thạch lựu Mộc, khắc: Bích thượng Thổ.

Năm Thân đứng hàng thứ 9 theo 12 chi, gọi là năm KHỈ.

KHỈ, chữ Hán viết là HẦU ( ), bộ KHUYỂN ( = chó). Người Anh, Mỹ gọi là Monkey; người Pháp gọi là Singe v. v...

KHỈ là động vật có vú, họ Primates (hai chân trước có thể biến thành tay), bộ Anthropoid (dã nhân, vượn người). Khỉ có những cử chỉ giống người, thích bắt chước điệu bộ, hành động của người, nhưng chưa phải là thủy tổ của loài người. Khỉ tính khí bất thường, ưa nhảy nhót đu chuyền từ các bụi cây, thích ở dọc các sườn núi cao gần suối, kết từng bầy để tự vệ, mưu sinh hay phá hoại mùa màng tại các thung lũng, sườn núi.

Cùng với giống khỉ còn có giống vượn (..viên) cũng thuộc bộ Anthropoid (dã nhân) giống người hơn khỉ, thường ở trên các sườn núi cao dọc thung lũng, triền suối và cất tiếng kêu để gọi bầy. Người Anh, Mỹ, Pháp gọi là gibbon. Vượn và khỉ, người Hoa thường gọi chung là viên hầu (…).

Ngoài khỉ, vượn còn có giống Đười Ươi, người Hoa gọi là Tinh Tinh (...), Anh Mỹ gọi là Chimpanzee. Đây là loại Hầu cao hơn một thước, sắc đỏ hung hung, giống hình người, tay dài chấm đất, chân sau ngắn. Giống Đười ươi lớn gọi là đại tinh tinh.

Sách An Nam Chí chép:

-“Đười ươi ở trong hang núi, đi không theo đường nhất định. Muốn bắt đười ươi, người ta đem rượu và một số giày dép buộc liền với nhau để ở đất. Đười ươi trông thấy liền hô lên rồi chúng bỏ đấy mà đi. Liền sau đó, gọi nhau trở lại uống rượu và đi giày; vì quá say nên vướng phải dây nên cả đàn đều bị bắt. Ăn thịt đười ươi có thể nhịn ăn ngũ cốc được”.

Thành ngữ Việt Nam có những câu nói về KHỈ, như: Con khỉ mốc; đồ khỉ Bình nin (miền núi giữa hai quận Sơn Tịnh và Bình Sơn liền với hai quận Trà Bồng, Sơn Hà); đồ khỉ Hố Cả (thuộc thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, quận Nghĩa Hành, Quảng Ngãi); nuôi khỉ dòm nhà; khỉ ho cò gáy; ôi, khỉ ôi là khỉ!; Tuổi Thân con khỉ ở lùm...

Trong “Tự Điển Điển Cố Trung Quốc”, có nhiều từ, thành ngữ/ câu nói về Khỉ, Vượn, Tinh tinh như:

- Hầu tử: chỉ người hay đại ngôn, khoác lác, lên mặt khỉ!

- Hầu tôn vương: Vua khỉ. Chỉ người hay dựa thế lên mặt hống hách trong làng xóm ở Trung quốc thời xưa (ý chế nhạo)

- Hồ tôn vương (chữ Hồ gồm bộ khuyển+ chữ Hồ: Cổ nguyệt): nghĩa giống như Hầu tôn vương trên.

- Thọ đảo hồ tôn tán: khi cây lớn ngã thì lũ khỉ chạy tán loạn (khi một ông kẹ bị sụm, mất quyền, thì lũ nhóc đàn em lủi thủi trốn tránh xa rời ngay)

- Tâm viên ý mã: Lòng vượn, ý ngựa. Tâm viên bất định. Ý mã tứ trì: Ý nói thần khí tán loạn hiển lộ ra bên ngoài, cần đợi đến lúc tâm hồn ổn định lại.

* * *
Riêng trong lĩnh vực thi văn, sấm ký, truyền thuyết... chỉ kể riêng ở Việt Nam và Trung quốc, các từ Viên, Hầu, Thân đã được nêu ra khá nhiều.

Thi hào Nguyễn Du (1765-1820), qua 131 bài thơ trong Bắc Hành Tạp Lục làm trong thời gian đi sứ Trung Hoa (1813-1814) cũng đã ghi lại tiếng Vượn trong bài “Vọng Quan Âm Miếu” (Trông lên miếu Quan Âm):

Đình văn xứ xứ tăng miên định,
Lạc nhật son sơn viên khiếu ai.

(Nhà sư nằm ngủ bên mây,
Trên non tiếng vượn tối ngày kêu than)

Và bài “Tam Giang khẩu đường dạ bạc” (Đêm đậu thuyền ở cửa sôngTam Giang)

Viên đề thụ diếu nhược vô lộ
Khuyển phệ lâm chung tri hữu nhân.


(Vượn kêu cây rậm dường không lối,
Chó sửa rừng sâu biết có người).
(Phạm Khắc Khoan và Ngô Ngọc Can dịch).

Giờ xin trở lại 4 câu sấm ký của cụ Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), đó là 4 câu thất ngôn tuyệt cú đã một thời (và còn lai rai) hấp dẫn, lôi cuốn các bậc “túc nho”:

Long vĩ xà đầu khổ chiến tranh,
Can qua xứ xứ khởi đao binh.
Mã đề Dương cước anh hùng tận,
Thân Dậu niên lai kiến thái bình.


Trong Đặc San QUẢNG NGÃI xuân Quý Mùi vừa qua, Phương Đình cũng đã hơi “rông rài” lạm bàn về 2 câu 3 - 4 để gọi là góp thêm một tí tạch đùng trong dịp đón Xuân. Sang Xuân Giáp Thân, thân mời quý lão hữu gần xa vừa lục, thất tuần, cái tuổi “nhĩ thuận” và “tùng tâm sở dục” góp thêm lời / ý để tăng hào khí trong buổi đầu Xuân Giáp Thân bên trà dư tửu hậu (?) vậy.

Phương Đình bỗng ngùi nhớ lại nhà thơ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Vỹ (1912-1971) quán xã Phổ Phong, quận Đức phổ về phía cực Nam miền núi Ấn sông Trà. Một chiến sĩ kiên cường trên trường văn trận bút suốt 40 năm đã bị bức tử trên chặng đường từ Mỹ Tho về Sài Gòn ở tuổi sáu mươi, cái tuổi mà ở Anh vẫn còn ăm ắp hoài bão, vẫn chưa già!

Chắc hẳn một số trong chúng ta vốn còn giữ được cốt cách kiêu hùng của người dân xứ Quảng, đến nay vẫn còn nhớ lại 8 câu thơ sau đây trong toàn thi phẩm thất ngôn liên vận 54 câu “gởi Trương Tửu” của Nguyễn Vỹ với khí thế hiên ngang, đầy phẫn nộ trước thân phận hẩm hiu của bọn nhà báo, nhà văn/ thơ, đã ngang tàng trực diện trước hiện thực nhầy nhụa đầy phi lý lúc bấy giờ:

. . . . . . .
Chứ như bây giờ là trò chơi
Làm báo làm bung chán mớ đời!
Anh đi che tàn một lũ ngốc,
Triết lý con tườu, văn chương cóc! (1)
Còn tôi bưng thúng theo Đàn Bà (2)
Ra chợ bán văn ngày tháng qua!
Cho nên tôi buồn không biết mấy,
Đời còn nhố nhăng ta chịu vậy!

. . . . .

Chỉ điểm qua thi văn Trung quốc thời Thịnh Đường (713-765) và Trung Đường (766-836), đã có một số bài thơ nổi danh về VIÊN (vượn). Trước tiên, xin giới thiệu bài “Thu Giang Tống Khách” (Sông Thu tiễn khách) của Bạch Cư Dị:

Thu hồng thứ đệ quá,
Ai viên triêu tịch văn.
Thị nhật cô chu khách,
Thử địa diệc ly quần...


(Nhạn thu lần lượt bay qua,
Thảm thương tiếng vượn hôm đà lại mai.
Ngày ngày một chiếc thuyền ai,
Nước non nầy cũng chia phôi cách đàn...)
(Tản Đà dịch)

Nhân nói về Bạch Cư Dị (772-846), tưởng không thể không nhắc sơ qua Tỳ Bà Hành, bài ca trường thiên theo thể thất ngôn cổ phong (86 câu, 616 chữ) viết vào năm Nguyên Hòa thứ 11 khi ông bị biếm ra làm Tư Mã quận Cửu Giang sang năm thứ hai. Mùa Thu năm ấy nhân tiễn khách ở bến sông Bồn vào giữa đêm trăng vằng vặc, nghe trong thuyền có tiếng đàn tỳ bà dìu dặt hệt tiếng đàn của danh kỹ đất Trường An. Khúc đàn dạo lên vừa lâm ly, ai oán như ẩn chứa một tâm sự u uất rồi đột nhiên rộn ràng, chuyển biến linh động gợi lên những hình ảnh dồn dập, chập chờn dưới ánh trăng Thu. Qua hai lần tiếng đàn bỗng nhiên im bặt, và qua lời trần tình về thân phận hẩm hiu của người kỹ nữ, nhất là qua ngón đàn tuyệt diệu, gần như đâu đây có điểm tương đồng, tương ứng về tâm trạng cô đơn của khách tài hoa từ lâu phải đành náu nương nơi cùng tịch. Đó là:

Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân,
Tương phùng hà tất tằng tương thức.
Ngã tòng khứ niên từ đế kinh,
Trích cư ngọa bệnh Tầm Dương thành...


(Cùng một lứa bên trời lận đận,
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau.
Từ xa kinh khuyết bấy lâu,
Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai...)
(Phan Huy Vịnh dịch)

Vừa lắng nghe mấy khúc tỳ bà, càng đau cho thân phận của người kỹ nữ, ông càng cảm nhận thêm thân thế, định mệnh của khách tài hoa ấy chính là mình trong những ngày bị biếm trích tại chốn thâm sơn cùng cốc này cho đến bao giờ!

Trụ cận Bồn Thành địa đê thấp,
Hoàng lô khổ trúc nhiễu trạch sinh.
Kỳ gian đản mộ văn hà vật?
Đỗ quyên đề huyết, viên ai minh!


(Song Bồn gần chốn cát lầm,
Lau vàng trúc võ nảy mầm quanh hiên.
Tiếng chi đó nghe liền sớm tối?
Cuốc kêu sầu, vượn nói nỉ non!)
(Phan Huy Vịnh dịch)

Đến khi khúc đàn vưà dứt thì: (chao ôi!)

... Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi.
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh!


(Mãn tọa trường văn giai yểm khấp.
Tọa trung khấp hạ thùy tối đa ?
Giang Châu Tư Mã thanh sam thấp!)
(Bạch Cư Dị)

Vừa “ngâm nga” mấy câu cuối của Tỳ Bà Hành - mà bản dịch của Phan Huy Vịnh đã được phổ cập khá lâu trong làng trống quân, hát nói ở miền Bắc, nhất là Hà Nội, vào những năm dưới thời Pháp thuộc - khiến ta bỗng nhớ 4 câu cuối trong bài “Long Thành cầm giả ca” (Bài ca người gảy đàn đất Long Thành) của thi hào Nguyễn Du làm khi khởi hành đi sứ sang Tàu (1813). Nhân bữa tiệc tiễn hành tại dinh Tuyên Phủ trước khi sứ bộ lên đường, tác giả gặp lại người kỹ nữ gảy đàn (cô Cầm) cách nay đã 20 năm kể từ lần sơ ngộ tại Giám hồ dưới triều Tây Sơn (khoảng 1793-1794). Xin đọc lại bốn câu ấy:

... Nam hà quy lai đầu tận bạch,
Quái để giai nhân nhan sắc suy.
Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng,
Khả liên đối diện bất tương tri!


(Nam về đầu bạc ngẫm ta
Trách gì hương phấn bông hoa chẳng tàn!
Trừng trừng đôi mắt mơ màng,
Quen mà hóa lạ!... nghĩ càng thêm thương!)
(Hoàng Tạo dịch)

Ôi! Tự cổ chí kim, khách tài hoa đã vướng chịu bao nhiêu là khổ lụy! ...

Và tiếp theo,

VƯƠNG XƯƠNG LINH (690-756?) trong bài “Vạn Tuế lâu” tả cảnh Vạn Tuế lâu ở phía nam thành Trấn Giang trên sông Trường Giang, tỉnh Giang Tô, Trung quốc, đã xúc cảm trước cảnh chiều Thu với từng đàn vượn khỉ nhảy múa trên các núi đồi trơ trọi:

Viên dứu hà tằng ly mộ lĩnh,
Lô tư không tự phiếm hàn châu.


(Núi chiều vượn khỉ yên vui,
Bãi kia chim cốc tới lui từng bầy)

CAO THÍCH (701-725) trong bài “Tống Lý Thiếu Phủ biếm Giáp Trung, Vương Thiếu Phủ biếm Trường Sa” với 2 câu:

Vu Giáp đề viên sổ hàng lệ,
Hành Dương quy nhạn kỷ phong thư.


(Kẽm Vu tiếng vượn lệ rơi,
Hành Dương chim nhạn đem vài phong thư)

ĐỖ PHỦ (712-770) có bài thất ngôn luật “Đăng cao” (Leo núi) mở đầu bằng hai câu:

Phong cấp, thiên cao, viên khiếu ai,
Chư thanh, sa bạch, điểu phi hồi.


Đây là một trong những tuyệt tác của Đỗ Thiếu Lăng, xin chép luôn 6 câu tiếp với bản dịch của Tản Đà để mời quý bạn tùy nghi thưởng lãm:

Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ,
Bất tận trường giang cổn cổn lai.
Vạn lý bi thu thường tác khách,
Bách niên đa bệnh độc đăng đài.
Gian nan khổ hận phồn sương mấn,
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi.


Tản Đà dịch:

Gió mạn, trời cao, vượn rúc sầu,
Bến trong, cát trắng, lượn đàn âu.
Rào rào lá rụng, cây ai đếm,
Cuồn cuộn sông dài, nước chảy đâu?
Muôn dặm quê người thu não cảnh,
Một thân già yếu bước lên lầu.
Khó khăn ngao ngán bao là nỗi,
Rượu uống không ngon, chóng bạc đầu.

- LÝ THƯƠNG ẨN (812-858) với bài “Trù Bút dịch” (Trạm Trù Bút) là nơi Vũ Hầu thường đóng quân để trù hoạch việc đánh Ngụy, với hai câu đầu có chữ Viên:

Viên điểu do nghi úy giản thư,
Phong vân trường vị hộ trừ tư.


(Vượn, chim còn sợ lệnh nghiêm,
Gió mây vẫn cứ ngày đêm hộ trì)
(Trần Trọng Kim dịch)

- MÃ ĐỚI (815- ?) với bài “Sở Giang hoài cổ” (Thơ hoài cổ làm trên sông Sở) có Viên đề đầu 2 câu Thực:

Viên đề Động đình thụ
Nhân tại mộc lan chu.


(Động đình vượn hót trên cây,
Thuyền lan chở khách, người ngây nỗi lòng)

Giờ xin chuyển qua một vài truyền thuyết cố sự về Vượn (Viên) để cống hiến quý bạn khi độc hay đối ẩm trước chung trà, ly rượu mừng Xuân.

Xin mở đầu bằng tập thơ “LÂM TUYỀN KỲ NGỘ” (hay truyện BẠCH VIÊN - TÔN CÁC) là một tập thơ Đường luật gồm 150 bài không lưu tên tác giả và theo ông Hoàng Xuân Hãn thì ít ra cũng vào đời Lê hay Mạc.

Theo Lâm Tuyền Kỳ Ngộ thì Bạch Viên là một nàng tiên ở cung Quảng Hàn bị đày xuống trần làm con vượn trắng biết nói. Bạch Viên đến tu ở chùa Phi Lai với thầy Huyền Trang. Được vài năm hết hạn đày, Bạch Viên bỏ chùa và biến thành người con gái đẹp hóa phép dựng lâu đài ở Thạch Tuyền. Gặp Tôn Các là thư sinh hỏng thi lạc đường về ngang qua đó, được Bạch Viên dẫn vào quán trọ. Rồi thành vợ chồng, sinh được hai con. Bạn cũ Tôn Các là Nhàn Vân nhân ngang qua, sinh nghi, bèn cho Tôn Các một thanh gươm thần để thử xem Bạch Viên có phải là quỷ hay không. Bạch Viên bị yểm phải bỏ nhà ra đi nhưng vì thương nhớ chồng con lại trở về. Ít lâu sau, nàng đưa chồng về Kinh thi Hội. Bạch Viên nói rõ nàng đã hết hạn ở trần và từ giã để về cõi tiên. Tôn Các thi đậu Trạng nguyên, đưa các con về thăm cha mẹ ở Quảng Xuyên rồi tới Kinh nhậm chức. Ở cùng tiên, Bạch Viên thương nhớ chồng con không nguôi nên được Trời Phật thương tình cho trở lại trần gian để một nhà sum họp. Chuyện xưa thường có hậu rất tốt! (Theo Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên).

Theo sách “Ấu Học Quỳnh Lâm” thì đây là một truyền kỳ cố sự từ đời Đường. Truyện thuật vắn tắt: “Trong khi Tôn Các cùng vợ là Viên thị vãn cảnh chùa Hiệp Sơn (nay ở tỉnh Hà Nam, Trung quốc) bỗng nhiên Viên thị biến thành con vượn nhỏ lông trắng trèo lên một cây thông già rồi biến mất. Nguyên lai Viên thị chính là con vượn trắng do một lão tăng ở chùa nuôi mà hóa thân thành vợ Tôn Các”.

Tiếp theo là chuyện “Tề Thiên Đại Thánh” trong truyện Tây Du Ký:

Tề Thiên Đại Thánh tên Tôn Ngộ Không, một con vượn thọ khí âm dương mà thành hình. Nó ở núi Hoa Sơn, động Thủy Liêm, tu hành đắc đạo, đại náo thiên cung. Thường đội mão tản thiên, mặc quần da cọp, đi giày đạp vân, lưng cột gân cọp, mắt lửa tròng vàng, tay cầm thiết bảng. Nhờ tu ngàn năm nên thần thông quảng đại, biến hóa vô cùng, biết sai khiến ma quỷ, náo loạn thiên cung địa phủ, sau vâng lệnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát theo thầy Huyền Trang sang Tây Trúc thỉnh kinh Tam Tạng (theo cụ Hương Giang Thái Văn Kiểm).

Đọc Tam Quốc Chí của Ngô Thừa Ân (triều Minh) hồi thứ 14 có đề mục “Tâm viên quy chánh, lục tặc vô tung” ta sẽ rõ hơn về Tề Thiên Đại Thánh, Tôn Ngộ Không, Tôn Hành Giả ...

Sau hết là chuyện “Tô Vũ mục dương và Hồ phụ” tức là chuyện Tô Vũ bị chúa Hung Nô (Thuyền Vu) đày ra Bắc Hải chăn dê đực suốt 19 năm mà vẫn giữ nguyên tiết tháo và lòng trung trực với Hán Triều. Trong thời gian bị đày ải ở đất Bắc, Tô Vũ có làm bạn với con vượn người (sử gọi là Hồ phụ. Chữ Hồ ở đây chính nghĩa là con vượn như trong từ Hồ tôn vương, đồng âm dị nghĩa/ dạng với chữ Hồ: con chồn (hồ ly).

Mười chín năm sau, Thuyền Vu muốn xin cầu hòa với nhà Hán. Tô Vũ được đạo quân Hung Nô hộ tống về nước. Lúc chia tay, Hồ phụ vô cùng quyến luyến và đem con trả lại cho Tô Vũ...

Nữ sĩ Ngô Chi Lan (1460-1497) đời vua Lê Thánh Tông, qua thi phẩm “Tô Vũ từ Hồ phụ” đã cực tả tâm trạng Tô Vũ và Hồ phụ trong giờ phút “vĩnh biệt” này:

Ngập ngừng nâng chén ly bôi,
Nghĩ mình muôn dặm, thương người năm canh.
Nhớ duyên kỳ ngộ ba sanh,
Trăm năm xin gửi chút tình lại đây...
Ngọn sứ tiết lung lay chín bệ,
Nặng chữ trung nên nhẹ chữ tình riêng.
Ngỡ ngàng khi quảy gánh buộc yên,
Rượu một chén, lụy đôi hàng lã chã.
Trách bà Nguyệt ông Tơ sao khuấy khỏa,
Đem duyên em mà vấn chạ xích thằng.
Phỏng xưa kia vương lấy chàng Lăng,
Tình sum hiệp chiếu chăn càng mãi mãi
Hay là cá nước chẳng ưa màu phấn đại,
Đem duyên em mà buộc lại chàng Tô,
Xui nên kẻ Hán người Hồ
Lạnh lẽo đêm thu màn phỉ thúy.


Có câu rằng:

Đỗ quyên đề đoạn vân thiên lý,
Ô thước sào hàng nguyệt nhứt chi.
Dứt nhân duyên mà để lại biên thùy,
Cho nặng gánh chung tình ra thế thế.
Dầu Hồ lễ có cam lời hải thệ,
Tội thông thiên biết để cho ai.
Còn non còn nước còn dài!

(Theo tài liệu của cụ Hương Giang Thái Văn Kiểm)

Nhân đây, người viết sực nhớ lại một số năm Thân xuôi dòng sử Việt qua “lớp sóng phế hưng coi đã rộn...”. Xin ghi lại vắn tắt dưới đây:

* MẬU THÂN (1788): Ngày 25 tháng 11 âm lịch, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ sai đắp đàn ở núi Bàn Sơn; Vương làm lễ lên ngôi Hoàng đế, truyền hịch đi các nơi, rồi thống lãnh 10 vạn đại quân và 100 thớt voi trận ra Bắc, đánh một trận thư hùng phá tan 20 vạn quân Tàu và vào thẳng thành Thăng Long đúng sáng mùng 5 Tết, khí thế kinh thiên động địa làm rúng động cả triều đại Mãn Thanh.

* GIÁP THÂN (1884): ngày 13 tháng 5 Giáp Thân (tức 16-6-1884) Hòa ước Patenôtre ký giữa Patenôtre (tên công sứ Pháp tại Bắc Kinh nhận lệnh Paris) cùng Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan. Hòa ước 19 khoản này thay thế Hòa ước Harmand ký ngày 23-7 Quý Mùi (1883) trao trọn thực quyền ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ của nước Việt Nam về tay chính phủ Pháp. Triều đình Huế chỉ còn hư vị mà thôi.

* GIÁP THÂN (1944): Sau vụ Trân Châu Cảng 7-12-1941, lực lượng phát xít Nhật do Tojo làm Tổng Tư Lệnh đã hoành hành gây chiến tranh khắp Thái Bình Dương, đẩy mạnh chương trình Đại Đông Á. Hải phận Việt Nam chịu ảnh hưởng bom đạn nặng nề. Riêng tại miền Bắc, quân đội Nhật bắt đầu trấn áp và qua vụ cưỡng bách phải bỏ lúa, hoa màu để trồng đay phục vụ chiến tranh của Nhật đã khiến trên 2 triệu đồng bào tử vong vì nạn đói khủng khiếp...

* BÍNH THÂN (1956) Đáng ghi nhớ nhất là vụ Nhân Văn - Giai Phẩm ở miền Bắc kể từ đầu năm 1956 trở đi. “Quần chúng văn nghệ” miền Bắc đã lợi dụng phong trào sửa sai trong cải cách ruộng đất, trò hề “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” rập theo kiểu Trung cộng, đã dũng cảm đứng lên, tranh thủ làm chủ được tình thế. Tháng Giêng năm 1956, Giai Phẩm Mùa Xuân tập I phát hành liên tục và đến 15-9-1956, Nhân Văn số 1 và những số tiếp theo đã ồ ạt tung ra trên thị trường chữ nghĩa. Đồng thời, các tờ Thời Mới, Đất Mới, Trăm Hoa...cũng được quần chúng văn nghệ nhiệt liệt hoan nghênh.

Phải kể vai trò trụ cột, hướng đạo nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm của cụ Phan Khôi tuy tuổi đã thất tuần, thuộc phái cựu học, song ý lực còn quá kiên cường. Trong Giai Phẩm Mùa Thu (tập I, 29-8-1956), bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” của cụ đã như một luồng sấm sét đột phá để cảnh cáo sự sai lầm, độc đoán của những tay lãnh đạo văn nghệ Mác xít ở miền Bắc. Tiếp đó, Cụ đảm nhiệm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Nhân Văn. Trong “quỹ đạo” của Nhân Văn - Giai Phẩm cần kể thêm một số các nhà văn lớp trẻ như Trần Dần, Phùng Quán, Tạ Hữu Thiện, Bùi Quang Đoài, Trần Lê Văn, Phùng Cung và lớp đứng tuổi như Văn Cao, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Chu Ngọc, Như Mai, Sỹ Ngọc ...

* MẬU THÂN (1968): Kể Tết Mậu Thân tính từ ngày 30 tháng Chạp năm Đinh Mùi (tức 29-1-1968) đến mùng 3 Tết Mậu Thân (tức 1-2-1968).

Ngày nay, sau 36 năm, nhắc đến “Vụ Tết Mậu Thân 1968” trong mưu đồ Tổng công kích tiến chiếm toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa của Cộng sản miền Bắc và lực lượng Giải phóng miền Nam, đã được ghi rõ trong bộ Quân Sử của Việt Nam Cộng Hòa.

Riêng tại Cố đô Huế, Cộng sản đã chiếm cổ thành và vùng phụ cận trong 25 ngày đêm, bắt giữ trên 3 ngàn người hầu hết là thường dân, quân nhân, công chức, giáo chức, đảng phái, đoàn thể tôn giáo... Chỉ cần nhớ lại các hố chôn người tập thể và sự hoang tàn của thành phố Huế cùng với một số lớn đô thị, nông thôn miền Trung đã là cảnh tượng kinh hoàng đeo đuổi người dân miền Trung mãi đến bây giờ.

LAI RAI ĐOẠN CUỐI:

Đến đây, sực nhớ lại một đoạn hát hố có chữ NĂM THÂN mà từ thuở ấu thơ Phương Đình đã được nghe ở quê mình khi còn là cậu học sinh lớp Dự Bị trường làng đang gắng học hành hy vọng cuối niên học sẽ giật lấy mảnh bằng Sơ học Yếu lược.

Thời xa xưa ấy - có thể kể từ 1930-1945 - các miền quê ở huyện Nghĩa Hành còn tương đối yên bình, nhất là vào những đêm trăng sáng giữa Xuân sang cuối Hạ. Vào dịp đó, những trang nam thanh nữ tú trong vùng, để chuẩn bị cho các vụ mùa “trên đồng cạn (thổ) dưới đồng sâu (điền)”, đã có cơ hội gặp gỡ nhau trên các sân nhà hay các đám đất thoáng rộng dọc bờ sông hoặc giữa cánh đồng ruộng khô đất vừa bừa xong chờ đập nhỏ để gieo lúa, bắp hoặc trồng tiả đậu, mè, dưa, bí v.v...

Có những “chàng trai gốc rạ” rủ nhau đi từng tốp nhỏ, áo quần bảnh bao, thắt lưng hỏa hoàng, đầu chải láng ra vẻ kẻng trai, ăn nói dịu dàng, dí dỏm khác hẳn vẻ lam lũ ban ngày, “phiêu du” từ làng này qua xóm khác để tìm gặp các tiểu thư “yểu điệu thục nữ” dưới cảnh trí đầy gió mát trăng thanh.

Tâm hồn bình dị, chơn chất, họ tìm đến nhau để lấp bớt chút trống vắng tâm hồn ở lứa tuổi thanh niên ăm ắp mộng lứa đôi qua những câu hò điệu hát trong các đêm đập đất, giã gạo, xắt củ lang củ mì, lảy bắp, tát nước gàu dai... Từ những câu hát huê tình, câu hò nhân ngãi, hò đối đáp... theo nhịp hố, hò ơi... (gọi chung là Hát Hố) thường là sự mời gọi thiết tha bước sang nhịp cầu giao cảm, những mối thâm tình “yêu nhau vì sắc, trọng nhau vì tài”, dìu họ dần đi vào đoạn đường “tình sử”.

Quê tôi là làng (village) Hiệp Phổ, đất rộng dân đông thuộc miền Đông-Bắc huyện/quận Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Thuở ấy, dưới thời thuộc Pháp, thiên hạ đồn rằng: “Dân Nghĩa Hành lướng cường(!), cứng đầu, nặng óc địa phương nhất tỉnh!”. Điều ấy đúng? sai? Rồi sẽ biết!

Dưới đây, xin lai rai một số bài hát hố giữa một đêm đập đất dọn gieo lúa bắp trong một đêm trăng sáng Rằm tháng hai ở làng tôi.

... Mở đầu, anh Nam nhập cuộc, hát Huê tình:

(Hố... ơ) Lạ lùng tui mới tới đây,
Xem trăng chưa tỏ, nhìn mây chưa tường.
Mở lời (tui) chào hết quý nương,
Quý nương các chị, (còn) khách qua đường là tui (Hò ... ơ)


Gặp người đồng điệu, sau vài câu huê tình lả lướt, cô Nữ liền vào đề ngay:

(Hố... ơ) Đèo nào cao bằng đèo Eo Gió (3)
Cỏ nào xanh bằng cỏ Hố Cua (4)
Bao giờ cho đến gió mùa,
Trèo đèo vượt suối dám đua bạn cùng (Hò... ơ...)


Anh Nam bắt giọng, hát tiếp:

(Hố... ơ ) Nhớ ai như nhớ Nghĩa Hành,
Nhớ phiên Tam Bảo (5) không đành không đi (Hò... ơ... ơi!...)


Cô Nữ đã nhều lần theo mẹ đi Chợ Chùa, liền ứng đáp:

(Hố... ơ!) Ăn chanh chíp miệng chua chua,
Anh đưa em đến Chợ Chùa (6) xa xa
Mảng lo cha yếu mẹ già
Đặt lưng xuống chiếu gà đà sang canh (Hò...ơ... hò).


Vừa dứt câu hò trên, một cô gái khác liền vào cuộc, hát tiếp:

(Hố... ơ!) Bước xuống ghe nan chèo sang Bến Thóc (7)
Vừa chèo vừa khóc, kêu: Bớ anh ơi!
Bây giờ duyên mãn, tình ôi,
Để cho kẻ khác (họ) đứng ngồi với anh (hò... ơ ...hò).


Từ đầu hôm đến giờ, cô Ba Nguyệt vừa cầm chắc chiếc vồ nhịp nhàng đập đất cùng với chị em, vừa theo giọng hát càng lúc càng đậm đà, tha thiết, lòng cô bỗng xốn xang khi gặp ánh mắt đa tình của “cố nhân” vừa đến trễ. Anh Bảy Tình cùng vơi ba bạn từ thôn Xuân Vinh băng sông Hiệp Phổ vừa đến, thì mấy chị em liền to nhỏ, xì xầm. Vừa đối diện Bảy Tình, cô Ba Nguyệt đã vào cuộc ngay. Xướng:

(Hò hố... hò ơi!)
Em chờ anh như bướm chờ hoa,
Chờ cho nguyệt tỏ, chờ qua con trăng rằm.
Thiếp chờ chàng đã mãn sáu năm
Cháng không thư đi, tin lại, cho nên tằm xa dâu (hò... ơ... i)


Tạm dừng một lát để lấy lại phong độ, cô Nguyệt lại tiếp. Đoạn này cô cố ý “xổ nho lộn xộn” và bắt đầu có phần gay cấn (nhất là cô lại nèo cả “Năm Thân” nữa nên càng thú vị làm sao!)

(Hố...ơi...) Em chờ anh năm Thìn, năm Tỵ
Năm Tý, năm Thân bước qua năm Dần là sáu năm dư.
Chờ anh đã mãn tháng tư,
Anh không bước tới, em ừ nơi xa.
Mời anh mười sáu qua nhà,
Ăn trầu, uống rượu (để) nơi xa em kết nguyền.
Cây cao bóng ngả nghiêng triền,
Để anh về hỏi vợ, đừng (có) phiền mà hư thân (hò... à ơi!).


Cả đám đập đất nam nữ trên dưới vài mươi người đang chờ đợi tay hò kiệt xuất Bảy Tình “dốc bầu kinh sử” ra sao để kịp ứng xử trước nan đề này. Thì anh Bảy từ tốn đáp ứng ngay:

(Hò hố ... hò hơi!...)
Em chờ “qua” năm Thìn, năm Tỵ,
Năm Tý, năm Thân, năm Mẹo, năm Dần đà sáu năm nay.
Em chờ “qua”, “qua” chả có hay
Đến bây giờ mới đặng, mặt mày (qua) buồn thiu.
Phất phơ gió tạt cánh diều,
Buổi nam mai ta trông bạn, buổi nồm chiều mình tương tư (hò... ơi!).


Nghỉ tìm hứng một lát, Bảy Tình hát tiếp:

(Hố... hò ơi!) Phải chi em nói tận từ,
Thì qua bước tới tháng tư đã rồi.
Bởi vì em ăn nói lôi thôi,
Để nơi xa họ bước tới (rồi lại) ngậm ngùi xuýt xoa.
Em dù mời “qua” mười sáu qua nhà,
Mất lòng “qua” chịu (chớ) qua nhà thì không.
“Qua” nguyền cùng em (dù) nước mắt chảy thành sông,
Buổi tiền duyên chẳng đặng vợ (với) chồng thì thôi (Hò ơ... à ơi!).


Không khí thân vui xem có phần gay cấn, thì cô Năm Thương --bạn thân của cô Ba Nguyệt -- liền đổi “âm giai”, xen vào một khúc Huê tình:

(Hố...hò ơi!) Em thương anh trầu hết lá lươn,
Cau hết nửa vườn, cha mẹ nào hay.
Dầu mà cha với mẹ có hay,
Nhứt đánh nhì đày hai lẽ mà thôi.
Gươm vàng để đó anh ơi,
Chết thì chịu chết (chớ) lìa đôi không lìa (hò... hố hò... ơi).


Không ai ngờ câu hát huê tình này càng thấm thiá gợi lại được ưu tư, xúc động giữa cặp tình nhân Bảy Tình - Ba Nguyệt. Và, sau một lát tạm giải lao với một nong chè đường ngọt do bà Thông Hai khoản đãi giữa khoảng đất vừa đập nhỏ dọc ven sông đầy trăng thanh gió mát, qua hương vị ngọt ngào, giọng cười tiếng nói thân ái, hồn nhiên, tình thế tưởng chừng đã đột biến, xoay chiều. Và cuộc vui lại tiếp nối thâu đêm suốt sáng!...

... Đó cũng là chứng tích của “một thời để yêu và một thời để sống” qua một vài hình ảnh, hoài niệm êm đẹp, tươi mát, dịu hiền còn in đậm dấu trong vòm trời kỷ niệm về mảnh quê nghèo nơi xứ Quảng mến yêu nhân dịp Xuân Giáp Thân này vậy.

* * *

Phương Đình xin tạm biệt quý bạn hữu xa gần với lời cầu chúc một Mùa Xuân và một năm Giáp Thân gặp nhiều may mắn, thân tâm thường an lạc, vạn sự cát tường.

Riêng các lão hữu đồng canh, thân kính chúc quý cụ luôn chánh niệm, thường xuyên suy nghiệm về nhân sinh triết học, lẽ dịch biến ở đời để được sống lâu thêm, như đã có “tiền nhân” gợi ý:

Sống lâu, lâu để làm gì nhỉ?

- Lâu để mà xem cuộc chuyển vần!

Manchester, New Hampshire.
Mạnh Xuân, Giáp Thân, 2004

PHƯƠNG ĐÌNH

Chú thích:

(1) Hồi bấy giờ Trương Tửu viết giúp báo Ích Hữu của Lê Văn Trương, Nguyễn Vỹ giúp báo Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Thảo (theo Thi nhân Việt Nam, trang 10)

(2) Triết lý con tườu: Triết lý cái con khỉ! (Triết lý đồ khỉ khô!)

(3) Đèo Eo Gió: nằm trên tỉnh lộ cách Chợ Chùa (quận lỵ Nghĩa Hành) phía nam độ 3 km trên đường đi Minh Long.

(4) Hố Cua: nằm ở sườn núi thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, Nghĩa Hành.

(5) Tam Bảo: Chợ phiên Tam Bảo tọa lạc tại thôn Kim Thành Hạ, dọc bờ sông phía tây thôn An Sơn, xã Hành Dũng, quận Nghĩa Hành.

(6) Chợ Chùa: Chợ Chùa thuộc thôn Phú Vinh, nằm dọc tỉnh lộ đi Minh Long, ở phía bắc quận lỵ Nghĩa Hành độ 1 km.

Bến Thóc: Bến đò giữa xã Đức Hiệp (Mộ Đức) và xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành).



Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh