Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 05, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
CUỘC CHIẾN NGÔN TỪ (Ly Pham)
Webmaster

 

Trong một bài gần đây, bác Bùi Kiến Quốc có nhắc đến phim Underground (Tầng Ngầm) của Serbia công chiếu năm 1995 kể về cuộc sống dưới thời XHCN của khối Xô-Viết. Trong phim đó có một cảnh, một chàng trai sinh ra và lớn lên dưới tầng hầm đã kinh ngạc thốt lên “Ôi, mặt trời đẹp quá!” khi lần đầu tiên cậu nhìn thấy mặt trăng. Người cha buồn rầu nói “Đó là mặt trăng, không phải mặt trời, con trai ạ”.

 

Người cha mặc dù bị giam cầm hàng chục năm dưới Tầng Ngầm nhưng vẫn còn phân biệt được đâu là mặt trăng và đâu là mặt trời vì ông đã từng biết. Nhưng người con đã sinh ra và lớn lên dưới tầng hầm thì không, đơn giản vì chưa bao giờ nhìn thấy.

 

Cái đáng nói hơn là ngày nay trong một số trường hợp người ta dùng từ “mặt trời” để chỉ cái trước đây từng được gọi là “mặt trăng”, và làm thế để làm gì?

 

Ai từng học ngôn ngữ học cũng đều biết rằng ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu quy ước, thông qua cái vỏ âm thanh (hay chữ viết) để diễn đạt các ý niệm. Những quy ước đó có thể thay đổi theo thời gian, cho nên có những từ xưa kia có nghĩa khác với ngày nay. Ví dụ như “khốn nạn” trước kia có nghĩa là “khốn khổ”/ “đau khổ”. Vì thế Nguyễn Văn Vĩnh ngày xưa đã dịch “Les Miserables” của Victor Hugo thành “Những kẻ khốn nạn” [nghĩa là cùng khổ tới mức thảm hại, đáng thương]. Ngày nay từ này đã mang một nghĩa khác, là “tư cách không ra gì”, “xử sự hèn mạt, ti tiện, không còn giữ được chút nhân cách nào cả, đáng khinh bỉ, nguyền rủa”.

 

Đây là sự biến đổi tự nhiên và không gây ra hệ quả nào đáng ngại, vì ngày nay nghe tới từ “khốn nạn” ai cũng hiểu từ này có nghĩa gì, cho nên không gây ra hiểu lầm hay định kiến nào cả.

 

Nhưng không phải lúc nào ngôn ngữ cũng biến đổi theo lối tự nhiên như thế. Trái lại, đã có nhiều từ bị biến đổi một cách cố ý, với một động cơ thao túng rất rõ ràng.

 

Chúng ta có một ví dụ khá ấn tượng trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “1984” của George Owell. Đã đọc cuốn này, khó ai quên cái khẩu hiệu của Bộ Sự Thật: “Chiến tranh là hoà bình - Tự do là Nô lệ - Dốt nát là sức mạnh”. Đây là một cách dùng từ có dụng ý lộng giả thành chân, trộn lẫn đúng sai, nhằm xoá nhoà, phá huỷ nhận thức của con người về thực tại khách quan, theo đúng nguyên tắc nói láo đến lần thứ 100 thì phần lớn người ta sẽ tin đó là sự thật.

 

Trong thực tế chúng ta có thể thấy nhiều trường hợp không rõ ràng trắng đen như vậy, mà có thể là pha trộn giữa sự cố ý và những chuyển biến của lịch sử ở nhiều mức độ khác nhau. Liberal và conservative có thể là một ví dụ.

 

Liberal vs Conservative (“Tự do” và “bảo thủ”)

 

Liberal có cùng nguồn gốc với “liberty” vốn có nghĩa là “tự do”, hay là “người theo chủ nghĩa tự do”. Từ điển hiện nay định nghĩa liberal có hai ý nghĩa khác nhau: (1) là người ủng hộ những chính sách tiến bộ và thúc đẩy phúc lợi xã hội, hay nói các khác, người tin rằng chính phủ phải có vai trò chủ động trong việc hỗ trợ cho những thay đổi về chính trị và xã hội; (2) người ủng hộ một triết lý xã hội và chính trị thúc đẩy quyền của cá nhân, tự do dân sự, dân chủ, và tự do kinh doanh.

 

Liberal khởi nguyên từ tiếng Latin “liber” (nghĩa là “tự do”), còn liberty nghĩa là “trạng thái được tự do”. Liber trong tiếng Latin dùng như tính từ để miêu tả một người “độc lập”, “tự do”, tương phản với servus nghĩa là “nô lệ”, “đầy tớ”. Từ này đã du nhập vào Anh ngữ thông qua tiếng Pháp vào thế kỷ 14, và bắt đầu được dùng trong các cụm từ như “liberal education”, “liberal arts” để chỉ khái niệm “giáo dục khai phóng”, hay là các bộ môn giúp thành hình một tư duy cởi mở và tự do [1].

 

Ý nghĩa của từ này tiếp tục dịch chuyển. Đến thế kỷ 18, người ta dùng liberal để diễn đạt ý niệm “không khắt khe, không nghiêm khắc hay chặt chẽ”. Bắt đầu từ thế kỷ 19, từ này, cùng với từ “conservative” mới bắt đầu được định hình như là tên gọi cho các đảng chính trị, khi hai tác giả người Anh là Whigs và Tories lần đầu dùng nó cho mục đích nói trên. Liberal được dùng phổ biến như tên gọi cho các đảng chính trị ở một số nước, dù nó không hoàn toàn giống như cách hiểu ở Mỹ [2].

 

Ở Mỹ, từ này đã từng có liên đới với cả Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ, và hiện nay thì đã trở nên chỉ còn gắn với Đảng Dân chủ, và chỉ là cái nhãn, tức mang tính chất quy ước. Ngày nay nó được dùng để chỉ những người tin rằng vai trò và bổn phận của chính phủ là hành động nhằm đạt tới công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người. Đây là một ý thức hệ nhấn mạnh nhu cầu về một chính phủ có thể giải quyết được mọi vấn đề của người dân, thông qua công cụ thuế để tái phân phối của cải xã hội nhằm tạo ra công bằng và phúc lợi.

 

Một nhà nước như vậy đương nhiên phải mở rộng quy mô và can thiệp vào mọi vấn đề. Dân gian gọi đó là “nanny state” tức là “chính quyền vú em”, một chính quyền coi người dân như những đứa trẻ cần được chăm sóc và chỉ bảo đâu là tốt xấu đúng sai.

 

Tất cả chúng ta đều biết rằng quy mô/vai trò/chức năng/quyền lực của chính quyền lớn chừng nào thì tự do cá nhân bị thu hẹp lại, nhỏ đi chừng ấy. Ở hình thức cực đoan nhất, chúng ta có chính quyền toàn trị, chính là một chính quyền can thiệp vào toàn bộ mọi nhân tố, hoạt động của đời sống và người dân không còn một chút tự do nào nữa.

 

Quan niệm đó hoàn toàn trái ngược với ý nghĩa của từ “tự do” theo nghĩa từ nguyên của từ này. Vì thế, nếu nói rằng từ này đã bị cưỡng đoạt thì cũng không phải là sai. Nếu chúng ta dịch liberals là “những người theo chủ nghĩa tự do” thì cũng không khác gì chúng ta đang dùng từ “mặt trời” để chỉ cái trước kia vốn được gọi là mặt trăng, hay là dùng chữ “hoà bình” để gọi cái từng có tên là “chiến tranh” vậy!

 

Có lẽ chữ "tự do" mâu thuẫn quá hiển nhiên với ý thức hệ của cánh tả, lại bao gồm rất ít ý niệm về sự tiến hóa và thăng tiến, cho nên dần dần, từ "cấp tiến” (progressive) bắt đầu được sử dụng để thay thế. Hơn nữa,"cấp tiến" ám chỉ một nhà hoạt động, không phải một hệ tư tưởng trung lập – nó gợi ra hình ảnh một nhà hoạt động luôn đưa đất nước đi theo hướng được cho là đúng đắn hơn, tiến bộ hơn, tốt hơn, đẹp đẽ hơn [3]. Thật mới thuyết phục làm sao!

 

Trong lúc đó, hệ tư tưởng khác với liberal được gọi là conservative, nghĩa từ nguyên là “bảo thủ”. Conservative có nghĩa “(i) không muốn thay đổi/ đổi mới, hoặc (ii) nắm giữ, duy trì, bảo toàn các giá trị truyền thống”. Trong tiếng Mỹ và trong chính trị, nó hàm nghĩa là bảo tồn chủ nghĩa tự do truyền thống thời lập quốc.

 

Những người theo ý thức hệ/ tư tưởng conservative tin vào trách nhiệm cá nhân, chủ trương hạn chế quyền lực chính quyền, thúc đẩy thị trường tự do, các giá trị truyền thống Mỹ và tự do cá nhân. Họ ủng hộ hệ thống quốc phòng mạnh mẽ, tin rằng chính quyền cần bảo đảm mức độ tự do cần thiết cho công dân để họ có thể sáng tạo và theo đuổi những mục tiêu của mỗi người. Chính sách dựa trên tư tưởng conservative là trao quyền và tạo điều kiện cho cá nhân để họ có thể giải quyết vấn đề theo cách tốt nhất.

 

Như vậy cốt lõi của conservative chính là tự do chân chính của cá nhân và trách nhiệm với xã hội. Tuy nhiên, trong tiếng Việt thì conservative [= bảo thủ] có sắc thái rất tiêu cực. Nó ám chỉ những người thủ cựu, cứng nhắc, giáo điều, thậm chí ngu xuẩn, kẻ cả, không biết lắng nghe, không muốn thay đổi, không chịu tiến bộ, khư khư ôm lấy những thứ đã lỗi thời.

 

Vì thế, trên mặt trận từ ngữ, chỉ xét riêng cái tên gọi thì những người theo tư tưởng conservative đã đủ thua trắng! Đã có rất nhiều người hiểu sai về tư tưởng liberal/conservative và có thiện cảm/ác cảm với nó do ấn tượng từ ngữ nói trên, nhất là người Việt.

 

Vậy nên dịch conservative là gì trong văn cảnh chính trị? Dùng từ “bảo hiến” là chính xác nhất, vì những giá trị mà họ muốn bảo toàn chính là những giá trị truyền thống đã được minh định trong Hiến pháp Mỹ thời lập quốc. Dùng từ này tuy đúng bản chất nhưng lại có chỗ khó xử lý. Trong văn cảnh bên ngoài nước Mỹ, thì conservative với nghĩa một hệ tư tưởng khó mà gọi là "bảo hiến" được, ví dụ như nước Anh hay một số nơi khác không có hiến pháp thành văn, hoặc nếu có thì cũng có thể hiến pháp đó không minh định những giá trị cơ bản của hệ tư tưởng này như trường hợp nước Mỹ.

 

Vậy thì, trong trường hợp cả hai từ liberal và conservative đều không phản ánh đúng sự vật mà nó được dùng để đặt tên, ngược lại còn gây ra hiểu lầm và định kiến, thì tốt nhất không nên dùng các từ đó mà nên gọi vắn tắt là “cánh tả”, “cánh hữu” như vẫn thường được dùng ngày càng phổ biến hơn ở Mỹ: left-wing vs right-wing. Hai từ này có nguồn gốc lịch sử từ vị trí chỗ ngồi trong Quốc hội Pháp bắt đầu từ năm 1789 sau Cách mạng Pháp của hai nhóm chính trị gia tiêu biểu cho hai ý thức hệ nhấn mạnh vào những giá trị và cách tiếp cận khác nhau. Nó không chứa đựng một định kiến nào, và để hiểu thế nào là quan điểm của mỗi bên thì người ta phải đọc nghiêm túc chứ không thể chỉ phỏng đoán hay suy diễn.

 

Một số ví dụ khác

 

Một số trường hợp khác đã được nhà sử học Victor Davis Hanson nêu ra trong một bài báo trên Washington Times [3] là từ "biến đổi khí hậu" đã được dùng để thay thế cho "sự nóng lên toàn cầu”. Ông viết: “Hiện tượng nóng lên toàn cầu từng là nỗi lo về việc tăng nhiệt quá nhiều. Nó có ý nghĩa là lượng khí thải carbon do con người tạo ra đã làm hành tinh nóng lên đến mức sự sống như chúng ta biết sẽ sớm bị hủy diệt nếu không có những thay đổi triệt để trong lối sống của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong 30 năm qua, những đợt lạnh kỷ lục, lượng tuyết dày đặc và những trận mưa kinh hoàng đã xảy ra rất phổ biến. Làm thế nào để biến cái hình tròn đó trở thành hình vuông đây?” Giải pháp chính là thay đổi tên gọi nhằm tạo ra một “thực tế khác” phù hợp với kế hoạch hành động của những người muốn can thiệp vào những “hiện tượng” đó (dĩ nhiên là bằng những nguồn tiền khổng lồ từ người đóng thuế).

 

Hai trường hợp khác được ông nêu ra là “chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH” (Affirmative Action) đã được thay thế bằng từ “Đa dạng” (Diversity), “người nhập cư bất hợp pháp” (Illegal immigrant) được thay thế bằng “người nhập cư chưa có giấy tờ” (undocumented immigrant), rõ ràng là nhằm thay đổi thực tế bằng cách dùng những từ có ý nghĩa khác để thay thế.

 

Hanson cho rằng “Việc tái tạo từ vựng thường có thể hiệu quả còn hơn bất kỳ phong trào phản đối xã hội nào”, “Những thay đổi căn bản trong từ vựng thường là sự thừa nhận rằng thực tế đó không được hoan nghênh hoặc không thể nào biện minh nổi” – tất nhiên ông đang nói về những thay đổi cố ý.

 

Ly Pham

 

Tham khảo

 

[1] https://www.dictionary.com/e/leftright/

[2] https://www.merriam-webster.com/.../liberal-meaning...

[3] https://m.washingtontimes.com/.../how-radical-changes-in.../

 

*  *  *

 

mmmmm

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh