Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
TẾT CỔ-TRUYỀN VIỆT-NAM
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

Tại Việt Nam, ngày xưa, phần lớn người dân đều lấy việc ruộng vườn làm nghề sống căn bản hàng ngày. Thời tiết, bốn mùa trong năm là yếu tố rất quan trọng, đã ảnh hưởng trực tiếp lên công việc ruộng lúa, vườn rau, cây trái. Vì thế, cách sinh hoạt, và phong tục tập quán của dân làng cũng phải tùy thuộc vào thiên thời địa lợi.

Hàng năm, sau những vụ mùa cực nhọc, với thời tiết cho phép, người dân biết lợi dụng khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi, và bồi dưỡng qua các sinh hoạt vui chơi, giao tế, tín ngưỡng, để thắt chặt thêm tình đoàn kết tương thân tương ái trong xã thôn. Từ đó, các cổ tục đã xuất hiện, và có những ngày lễ tết trong năm như sau:

1- Tết Nguyên-Đán vào ngày mồng một tháng giêng Âm lịch.
2- Tết Thượng-Nguyên vào ngày rằm tháng giêng Âm lịch.
3- Tết Hàn-Thực vào ngày mồng hai tháng ba Âm lịch.
4- Tết Thanh-Minh (Lễ Tảo Mộ) vào mồng ba tháng ba Âm lịch.
5- Tết Đoan-Ngọ (Đoan Dương, Chính Dương) vào mồng 5/5 Âm lịch.
6- Tết Trung-Nguyên (Lễ Cô Hồn và Ma Quỉ) vào 15/07 Âm lịch.
7- Tết Trung-Thu (Lễ Thưởng Nguyệt, Nhi Đồng), 15/08 Âm lịch.
8- Tết Trùng-Cửu vào mồng chín tháng chín (09/09) Âm lịch.
9- Tết Hạ-Nguyên vào rằm tháng mười (15/10) Âm lịch.
10- Tết Đông-Chí vào rằm tháng mười một (15/11) Âm lịch.
11- Tết Ông Táo (Lễ Đưa Ông Táo về Trời) vào ngày 23/12 Âm lịch.

Về sau, vì hoàn cảnh xã hội biến đổi, một số lễ tết kém quan trọng, dần dần, đã bị lãng quên; và lễ tết được thu hẹp lại với một số lễ tết chính yếu. Trong số đó, đặc biệt nhất là Tết Nguyên-Đán, một lễ tết trọng đại trong phong tục cổ truyền, mà mọi người Việt không bao giờ xao lãng. Cho nên, từ xưa đến nay, cứ đến ngày mồng một tháng giêng âm lịch, mọi người Việt dù ở bất cứ nơi nào đều nô nức, rạo rực đón mừng Tết Nguyên-Đán; giống như ngày Tết Nguyên-Đán là một nhựa sống xuân cần thiết, để tái tạo chất sinh động tươi mát cho mọi người, sau một năm dài cực nhọc.

I- TẾT NGUYÊN-ĐÁN LÀ GÌ?

Theo Việt Nam Tự Điển, “TẾT” có nghĩa là những ngày cúng, ngày lễ nhất định trong năm. Ngoài ra, TẾT còn là tiếng được phát âm nôm na từ tiếng “TIẾT” của Hán tự, trong thành ngữ “Tứ Thời Bát Tiết” để chỉ trong một năm, thiên nhiên có bốn mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông), lại được chia ra làm tám “TIẾT” (như Lập Xuân, Xuân Phân, Lập Hạ, Hạ Chí, Lập Thu, Thu Phân, Lập Đông, Đông Chí).

Theo Hán Việt Tự Điển, “NGUYÊN-ĐÁN” là ngày đầu năm (mồng một tháng giêng âm lịch). Do đó, “TẾT NGUYÊN-ĐÁN” được hiểu như một Tiết Lễ ăn mừng ngày đầu tiên của một năm và để chào đón một năm mới đến.

Nói một cách khác, “TẾT NGUYÊN-ĐÁN” là lễ kỷ niệm tái đánh dấu một sự khởi đầu cho một chu kỳ thời gian mới của mười hai (12) tháng liên tiếp, để mọi người, mọi vật có dịp hưởng mùa xuân mới, và ghi nhớ ý niệm tuổi thọ của mình theo tháng năm.


Ngoài ra, có vô số thi sĩ đã ca tụng ý nghĩa mùa xuân; trong đó, thi sĩ Đinh Hùng trong phần dẫn nhập của bài “Tâm Tình Cuối Năm” có viết:

“Từng cơn mưa lạnh đến dần,
Đời chưa trang điểm, mà xuân đã về.”


Hoặc thi sĩ Nguyễn Bính với “Xuân Về”:

“Đã thấy xuân về với gió Đông,
Với trên màu má gái chưa chồng.”
“Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm,
Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trông.”
. . . . . . . . .
”Thong thả, nhân gian nghỉ việc đồng,
Lúa thì con gái mướt như nhung”.

“Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng,
Ngao ngát hương bay, bướm vẽ vòng.”


II- NGUỒN GỐC NGÀY TẾT:

Theo sử sách Trung Hoa, Âm lịch của Đông phương được khởi đầu từ đời nhà Hạ, vua Hạ cho làm ra lịch với mười hai (12) tên của mười hai (12) chi (như Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, và Hợi), để đặt tên thứ tự cho mười hai (12) tháng trong năm. Tháng giêng được khởi đầu mang tên Dần. Do đó, thời đó, dân Trung Hoa và các nước Á-Châu đã có lệ ăn tết vào ngày đầu tiên của tháng Dần (tháng ba âm lịch ngày nay).

Đến đời nhà Ân, nhà vua cho sửa đổi để lập ra lịch mới, với tháng Sửu (tháng hai âm lịch ngày nay) được chọn làm tháng đầu tiên trong năm.

Đến đời nhà Chu, vua Chu Công đã tham khảo với đức Khổng Tử, để thay đổi và chọn tháng Tý (tháng giêng âm lịch ngày nay) làm tháng khởi đầu cho một năm.

Khi vua Tần Thủy Hoàng lên ngôi, Âm lịch lại được thay đổi, tháng Hợi (tháng mười hai âm lịch ngày nay) được chọn làm tháng khởi đầu cho một năm.

Vào đời vua Hán Vũ-Đế, Âm lịch lại được sửa lại, tháng Dần (tháng ba âm lịch ngày nay) làm tháng đầu năm như lúc thời nhà Hạ.

Mãi về sau, người ta mới trở lại tháng Tý (tháng giêng âm lịch ngày nay) làm tháng khởi đầu của một năm như lúc thời nhà Chu, do đức Khổng Tử chủ xướng.

Tại Việt Nam, trước đời nhà Lý - Trần, dân Việt có tục ăn tết vào ngày đầu tiên của tháng Dần (tháng ba âm lịch ngày nay) làm tháng khởi đầu cho một năm. Về sau, tháng Tý (tháng giêng âm lịch ngày nay) lại được chọn làm tháng khởi đầu cho một năm, để ăn như ngày nay.

Thuở xưa, dân Việt ở nhiều địa phương đã có tục ăn Tết Nguyên-Đán cho suốt cả tháng giêng:

“Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà”.


Hoặc là:

“Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”.


Về sau, vì hoàn cảnh chiến loạn của đất nước, đời sống người Việt phải trải qua nhiều nổi khó khăn. Cho nên, thời gian vui xuân cho Tết Nguyên-Đán phải thu ngắn lại trong ba ngày đầu năm như:

“Mồng một tụ hợp chơi nhà,
Mồng hai chơi ngỏ, mồng ba chơi đình”.


- Mồng một “Chơi Nhà” có nghĩa lo việc lễ cúng bái gia tiên trong nhà. Con cháu tụ hợp lại vào ngày mồng một, để làm lễ mừng tuổi thọ của ông bà, cha mẹ. Đồng thời, mọi người trong gia quyến tụ hợp ăn uống vui chơi.

- Mồng hai “Chơi Ngõ”, sau khi xong việc trong nhà, người ta bắt đầu xuất hành ra khỏi nhà vào ngày mồng hai, để đi thăm viếng, mừng tuổi bà con, bạn bè, lối xóm.

- Mồng ba “Chơi Đình”, sau việc thăm viếng riêng tư đã xong, người ta mới hội họp cộng đồng với nhau trước sân đình làng, vào ngày mồng ba, để tổ chức những cuộc vui chơi tập thể, hoặc để hàn huyên tâm sự những chuyện có liên quan hàng xóm với nhau, nhằm mục đích nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trong dịp xuân về.

III- CHUẨN BỊ TẾT NGUYÊN-ĐÁN:

A- Phiên Chợ Tết:

Thông thường, người ta đi chợ vào những ngày cuối năm, để mua sắm chuẩn bị cho những ngày lễ Tết Nguyên-Đán. Những phiên chợ tết được nhóm hợp vào những ngày trong tuần lễ sau cùng (hạ tuần) của tháng chạp (12) âm lịch. Trong bài thơ diễn tả cảnh phiên chợ Đồng, thi sĩ Nguyễn Khuyến có ghi:

“Tháng chạp, hai mươi bốn chợ Đồng.
Năm nay chợ hợp có đông không?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
“Dăm ba ngày nửa tin xuân lại.
Pháo trúc nhà ai? Một tiếng đùng,..“


Ngoài ra, cũng có những nơi chợ tết được nhóm hợp sớm hơn, bắt đầu từ ngày rằm tháng chạp (15/12) âm lịch. Trong những ngày chợ tết, đường sá xe cộ, người qua lại dập dìu, người mua kẻ bán rất đông đảo đã tạo nên cảnh chợ tết ồn ào náo nhiệt. Trong khung cảnh chợ tết người ta còn thấy:

“Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông đồ già.
Bày mực tàu, giấy đỏ,
Bên phố đông người qua...”


Mọi người mua sắm những món ăn thức uống, và các vật dụng trang trí trong nhà, để chuẩn bị dùng trong những ngày tết vui chơi. Những người bán đều muốn bán cho hết sạch những hàng hóa của mình, ngoài việc kiếm được tiền lời, họ còn tin rằng công việc mua bán của họ, vào năm tới sẽ được hanh thông, mua may bán đắt. Sau cùng, các phiên chợ tết đều được chấm dứt vào chiều ngày ba mươi tháng chạp (30/12) âm lịch, để mọi người trở về nhà lo việc cúng bái rước tổ tiên về nhà ăn tết với con cháu (theo cổ truyền, người ta tin rằng linh hồn của ông bà cha mẹ sẽ về sum hợp gia đình với con cháu trong ba ngày tết).

B- VIẾNG MỘ, CÚNG RƯỚC TỔ TIÊN:

Giống như các dân Á-Châu khác, người Việt Nam rất tôn trọng “Đạo Hiếu” đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình. Cho nên, việc thờ phượng tổ tiên (gia tiên) được xem trọng, nhằm thể hiện tinh thần “Uống Nước Nhớ Nguồn” của mọi người trong gia tộc; cũng như, bổn phận làm con phải luôn luôn làm tròn hiếu đạo với cha mẹ như:

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ HIẾU, mới là Đạo Con”.


Do đó, trước khi chuẩn bị ăn tết, những ngày cuối năm từ hai mươi (20) đến hai mươi sáu (26) tháng chạp (12) âm lịch, người ta phải hoàn tất việc thăm viếng, cúng kiếng mồ mả của tổ tiên. Việc con cháu mang cuốc xẻng để sửa sang, tu bổ mồ mả của tổ tiên; rồi tiếp đó, bày hương đèn, hoa quả, lễ vật (như: bánh mứt, xôi gà,...) để cúng bái mộ phần. Đó là việc làm không thể thiếu vào cuối năm đối với mọi nhà:

“Sống vì mồ mả,
Không ai sống vì cả bát cơm”.


Thông thường, ở ngay chính giữa nhà của mỗi gia đình, hầu hết, đều có đặt một bàn thờ gia tiên, với nhang khói để thờ phượng tổ tiên, ông bà. Hàng năm, sau trưa ngày ba mươi tháng chạp (30/12) âm lịch, mọi người đều phải tụ hợp về nhà, lo việc cúng bái gia tiên, với ý niệm rước hương hồn tổ tiên về nhà ăn tết, và sum hợp cùng con cháu. Trên bàn thờ gia tiên, luôn luôn được trưng bày nhang đèn, rượu nước, trầu cau, hoa quả, trà bánh,... để cúng tổ tiên trông suốt ba ngày tết. Mỗi ngày, gia chủ phải cúng gia tiên hai lần, vào buổi sáng, và buổi chiều. Đến sáng mồng bốn, gia chủ làm lễ cúng bái tiễn đưa tổ tiên về cõi âm.

Trên bàn thờ gia tiên, trong suốt những ngày tết, người ta thường dùng các hoa quả làm lễ vật trưng bày, thờ cúng tổ tiên. Vì ngoài màu sắc vui mắt của bông trái, người ta còn muốn diễn tả tính chất tinh khiết nơi bàn thờ gia tiên. Ở miền Nam Việt Nam, phần đông người ta dùng các loại bông như: Vạn Thọ, Cúc, Anh Đào,...Cùng với những mâm đầy các loại trái cây như: Dưa Hấu với vỏ dưa màu xanh hoặc vàng, điểm thêm mảnh giấy vuông hồng, đỏ rực rỡ, xen lẫn các trái: Mãng Cầu, Dừa Tươi, Đu Đủ, Xoài...Vì tên của bốn loại trái cây nầy được ghép thứ tự như “CẦU, DỪA, ĐỦ, XOÀI”, gia chủ ngầm ước mong trong năm mới “Cầu Vừa Đủ Xài” (nhiều địa phương phát âm các tiếng: “Vừa” thành “Dừa”, và “Xoài” thành “Xài”).

C- CÚNG TIỄN ÔNG TÁO VỀ TRỜI (TẾT ÔNG TÁO):

Vào chiều ngày hai mươi ba tháng chạp (23/12) âm lịch, mỗi nhà đều phải bày mâm bàn lễ vật, có những trái cây, thức uống, đồ ăn, rượu thịt, heo, gà, vịt... cúng tiễn đưa Ông Táo (Thổ Công) về chầu trời, để trình báo lên Ông Trời (Ngọc Hoàng Thượng Đế) tất cả những việc xảy ra ở trần gian trong năm qua. Sau bảy (7) ngày, tức là sau khi cúng giao thừa đầu năm, người ta phải làm lễ cúng rước Ông Táo trở về lại trong nhà.

Ông Táo hay Thổ Công là ông thần giữ nhà bếp của mỗi gia đình. Thuở xưa, trong việc nấu bếp, người ta dùng đến lò lửa (hỏa lò) mà người ta quen gọi là “Ông Bếp”, được tạo bằng đất sét pha trộn lẫn trấu. Mỗi năm, người ta có lệ phải thay “Ông Bếp” mới một lần. Theo tín ngưỡng, người trong nhà rất coi trọng “Ông Bếp” bằng đất sét nầy; vì đó là biểu tượng cho vị “Thần Bếp”, rất linh thiêng, giúp cho mọi nhà trong việc nấu ăn. Ông thần bếp còn biết được mọi việc xảy ra ở trong nhà, và ông còn có quyền năng mang đến cho người trong nhà những sự việc may mắn hay rủi ro, bình an hay khốn khổ.

Sự Tích Ông Táo:

Theo truyền thuyết, thuở xưa, có hai vợ chồng dứt tình bỏ nhau, vì quá nghèo khổ. Sau đó, người vợ tái giá với một người đàn ông khác giàu có. Một hôm, bà đang đứng cúng bái, đốt giấy tiền vàng mã ở ngoài sân; bỗng nhiên, nhận diện ra người ăn xin đang tiến tới trước mặt bà, chính là người chồng cũ. Bà động lòng thương cảm, mới đem cơm gạo, và tiền bạc ra cho người chồng cũ. Người chồng sau giàu có nhìn thấy như thế, mà nghi ngờ lòng trung thành của vợ. Bà vợ cảm thấy xấu hổ, không tự chủ được, mà đâm đầu vào đống lửa đang cháy mà chết. Người chồng cũ (người ăn xin) thấy thế quá đau lòng, vội nhảy vào lửa chết cháy theo vợ cũ. Người chồng sau nhìn thấy hai người chết cháy như thế, và rất ân hận thương tiếc, nên cũng nhảy vào đống lửa chết cháy theo hai người.

Thế là cả ba đều chết cháy trong đống lửa đỏ. Ông Trời (Ngọc Hoàng Thượng Đế) thấy cả ba có tình nghĩa, nên phong cho ba (3) linh hồn của họ cùng chung với nhau làm “Thần Bếp”, để cai quản nhà bếp của mọi nhà trên thế gian nầy. Do đó, những “Ông Bếp” hay “Ông Lò” đều được người xưa chế tạo ra bằng đất sét, luôn luôn chỉ có ba chân như ba cái sừng. Có lẻ, tục thờ cúng Ông Táo chỉ là biểu tượng tín ngưỡng của tục thờ “Thần Lửa” thời xa xưa chăng?

Theo tục lệ nầy, khi cúng tiễn đưa Ông Táo về trời, người ta thường mua hai chiếc mũ (nón) cho hai ông, và một mũ cho bà; kèm theo có ba (3) con cá chép, thay cho ba con rồng để Ông Táo cởi bay về chầu trời (vì cá chép sẽ hóa ra rồng bay).

D- TỤC TRỒNG CÂY NÊU:

Để chuẩn bị ăn tết, vào hạ tuần tháng chạp (12) âm lịch (sau ngày 23 đến trước giờ giao thừa đêm 30/12 âm lịch), ở trước sân đình, và mỗi nhà, dân làng đều chuẩn bị trồng lên một cây nêu, có mắc vào lá phướn hoặc lá dừa, cùng với chiếc khánh bằng sành lủng lẳng chạm vào nhau, mà phát nên những âm thanh trong trẻo, vui tai. Người ta thường dùng một cây tre dài để làm thành cây nêu; với niềm tin tưởng của dân làng, cây nêu là cây có thể trừ khử ma quỉ, khiến cho ma quỉ không dám đến khuấy phá trong năm mới:

“Cú kêu ba tiếng cú kêu
Trông mau đến tết, dựng nêu ăn chè”.


- Sự Tích Cây Nêu:
Theo tục truyền, ngày xưa, ma quỉ đến chiếm cứ đất đai của con người. Hàng năm, sau mỗi vụ mùa màng, người ta phải nạp hoa màu cho ma quỉ. Phật thấy thế mới ra tay giúp đỡ cho con người.

Đầu tiên, Phật bảo người ta trồng lúa, và dùng phần gốc của cây lúa sau khi gặt, để mang nạp cho ma quỉ, vì khi gặt lúa người ta đã cắt lấy phần trên để lấy gié lúa. Do đó, ma quỉ bị lừa không có lúa.

Năm sau, ma quỉ đòi lấy ngọn (phần trên). Phật bảo người ta trồng khoai. Rồi người ta lấy củ ở phần dưới gốc, còn ngọn là dây lá khoai (phần trên) dành mang cho ma quỉ.

Năm thứ ba, ma quỉ đã có kinh nghiệm, và đòi lấy phần gốc lẫn ngọn. Phật bảo người ta trồng ngô (bắp), để lấy phần giữa có trái, và mang cả gốc và ngọn cây ngô cho ma quỉ. Lần nầy ma quỉ lại thua trí con người, rồi nổi giận đòi lấy lại hết các ruộng đất.

Phật thấy thế, liền bảo người ta mang một gánh ngô (bắp) đến trao đổi với ma quỉ, để nhận lấy mảnh ruộng đất vừa bằng bóng mát của chiếc áo cà sa của Phật. Ma quỉ ưng thuận, vì thấy chiếc áo cà sa cũng nhỏ.

Phật bảo người ta trồng một cây tre, rồi Phật móc chiếc áo cà sa lên trên ngọn tre để làm phép. Phật khiến cho cây tre cao vút mãi lên gần tận mặt trời. Thế là bóng mát của chiếc áo cà sa che lấp gần hết ruộng đất của ma quỉ. Ma quỉ phải lui dần để nhường ruộng đất lại cho người ta. Rồi dần dần, không còn đất để sống, ma quỉ đành phải bỏ chạy ra biển Đông, để lại ruộng đất phì nhiêu cho con người; và ma quỉ chỉ xin mỗi năm đến ngày tết cho chúng được trở về đất liền, để thăm viếng mồ mả tổ tiên của chúng.

Vì vậy, Phật dạy dân làng dùng cây tre để trồng trước nhà, để biểu tượng cho cây nêu giữ đất, và dùng vôi bột trắng rắc vẽ xuống đất thành hình cung tên, ở trước cổng nhà để trừ khử ma quỉ, chúng tránh xa không dám đến khuấy phá...”

IV- CỔ TỤC TRONG BA NGÀY TẾT:

A- Lễ cúng Giao-thừa (Lễ Trừ Tịch)

Theo Hán Việt Tự Điển, “GIAO” có nghĩa là trao lại, “THỪA” là tiếp nhận. Do đó, “GIAO THỪA” có thể hiểu là từ những cái cũ giao lại cho những cái mới tiếp nhận; hoặc có thể nói “Lễ Cúng Giao Thừa” là một lễ cúng trời đất để đánh dấu sự chuyển trao lại từ một năm cũ cho năm mới. Lễ nầy được cúng tại mỗi nhà, đình, chùa, và miếu ở trong làng. Lễ Giao Thừa người ta còn gọi là “Lễ Trừ Tịch”.

“TRỪ TỊCH” là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt qua năm mới. Giờ phút “Trừ Tịch” nằm vào khoảng giữa giờ Hợi (là mười hai giờ khuya) đêm ba mươi (30) tháng chạp (12) âm lịch (nếu tháng thiếu là đêm hai mươi chín (29) tháng chạp) năm trước và giờ Tý (một giờ sáng sớm) của ngày mồng một tháng giêng năm mới. Trong khoảng thời gian nầy, gia chủ của mỗi nhà đều sẵn sàng bàn hương án, lễ vật, bông trái, nhang đèn, để cúng lễ giao thừa, đúng vào một giờ sáng (giờ Tý) năm mới, để “Tống Cựu Nghinh Tân”.

Trong đêm cúng lễ giao thừa, mọi người từ mọi nơi, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, không hẹn nhau, đều đua nhau đốt pháo, gây nên nhiều tiếng nổ đì đùng không dứt. Thật là vui nhộn trong giờ phút đón chào chúa xuân. Ngoài ra, cũng có một số người đã chơi đốt pháo vào chiều ba mươi. Tiếng pháo nổ xa gần vẫn tiếp tục kéo dài trong ba ngày tết. Ngoài việc làm tăng phần không khí vui nhộn, tiếng pháo còn có ý nghĩa để trừ khử ma quỉ, trong ba ngày tết. Thật là:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh”.


B- Tục hái Lộc, hương Lộc:

Trong đêm ba mươi tết, từ thành thị đến thôn quê, sau khi cúng lễ lễ giao thừa trong nhà xong, người ta có tục lệ đi lễ đình, chùa, hoặc miếu để cầu trời phật, thánh thần, phù hộ một năm mới có nhiều may mắn; do đó, người ta đã có tục hái lộc và hương lộc như sau:

- Tục Hái Lộc:

Theo cổ tục hái lộc, người ta tin rằng trong đêm trừ tịch (30/12 âm lịch) sau khi xong lễ đình, chùa, miếu; người ta thuận tay thường hái một cành cây, hoặc cành hoa, để mang về nhà và cài vào cánh cửa, hoặc có người cắm vào bình bông, trên bàn thờ gia tiên. Cành hoa hay cành cây nầy được gọi là “Cành Lộc”. Tục hái lộc là có ý muốn xin phúc lộc, được ban từ trời đất, phật, thánh thần. Cành lộc còn có thể là cành đa, cành đề, cành si, mà những cây cổ thụ nầy thường sống lâu bền trước sân đình chùa miếu trong làng.

- Tục Hương Lộc:

Sau khi lễ đình chùa trở về, thay vì hái cành lộc, có nhiều người xin lộc bằng cách đốt một nắm hương (nhang), để lễ bái trước bàn thờ phật, thánh thần, rồi mang hương nầy về nhà để cắm lên bàn thờ gia tiên, hoặc bàn thờ thổ công. Việc lấy lửa từ các nơi thờ phượng mang về nhà, người ta ước muốn xin được lộc từ phật, thánh thần, phù hộ may mắn, phát đạt trong năm. Nếu trong lúc đi đường, nắm hương gặp gió làm hương bốc cháy bừng lên; đó là điềm tốt lành cho suốt năm mới.

C- Tục xông đất (Xông Nhà):

Xông đất hay còn gọi là xông nhà, tức là người đầu tiên bước vào một căn nhà trong ngày đầu năm mới (ngày mồng một tháng giêng). Theo cổ tục người Việt, người đầu tiên bước vào một căn nhà, trong ngày đầu năm, sẽ mang lại những điều “Hên”, vui vẻ, may mắn, hoặc “Xui” buồn rầu, bất hạnh, không tốt cho gia chủ, trong suốt năm mới.

Vì vậy, gia chủ thường có khuynh hướng nhờ đến một người, trong thân bằng quyến thuộc, có tướng số tốt, vui vẻ, dễ tính, để sáng sớm đầu năm ngày mồng một tết đến xông nhà (xông đất). Hoặc chính người trong nhà, có tướng số tốt, tự xông đất lấy cho nhà mình. Bằng cách, trước giờ giao thừa, người đó nên đi ra khỏi nhà để làm lễ đình chùa, hái lộc; rồi chờ đến sau giờ giao thừa (tức là đã qua năm mới), người đó mới trở về nhà (phải là người đầu tiên bước vào nhà mình), để tự xông đất cho nhà mình, với một cành lộc may mắn trên tay.

Thông thường, người đến xông đất (xông nhà) có thể tự tay đốt một bánh pháo nổ, để mừng gia chủ. Nếu người nhà tự xông đất lấy, chính người đó cũng nên đốt một bánh pháo, để đón lấy sự may mắn đầu năm. Tiếng pháo nổ vang rền có ý nghĩa khử trừ ma quỉ, cũng như xác pháo đỏ hồng thắm tượng trưng cho nhiều điều tốt lành, vui mừng của năm mới.

D- Tục chúc Tết, mừng tuổi:

Trong ba ngày tết, một trong những tục lệ phổ thông nhất là tục chúc tết và mừng tuổi đầu năm. Đối với mọi người, dù giàu sang hoặc nghèo hèn, ai ai cũng mong ước cho mình, và những người chung quanh, đều có được nhiều may mắn, thắng lợi trong năm mới. Ngoài xã hội, việc chúc tết vào đầu năm mới thể hiện được cách xã giao tốt đẹp, đối với bạn bè và những người quen xa gần. Trong gia đình, việc chúc tết và mừng tuổi giữa những người thân tộc lẫn nhau, cũng là dịp tốt để nâng cao tình thân ái.

Theo cổ tục Việt Nam, vào sáng ngày mồng một tết, tất cả con cháu trong gia đình tụ hợp lại, để long trọng chúc tết ông bà, cha mẹ, và các bậc trưởng thượng trong thân tộc. Sau đó, con cháu mỗi người đều được bao tiền đỏ (tiền mừng tuổi lì-xì) và lời chúc tết đáp lại từ ông bà, cha mẹ.

Thông thường, những lời chúc tụng trong ngày tết đều mang những ý nghĩa tổng quát như: Phước, Lộc, Thọ, An Khang, Phú Quý, Thịnh Vượng, Phát Tài, May Mắn, Hạnh Phúc, Khang Ninh,...

Thuở xưa, vào chiều ngày ba mươi tháng chạp (30/12) âm lịch, mặc dù, chưa đến ngày tết, các trẻ em, hợp nhau lại từng nhóm, đi đến từng nhà chúc tết gia chủ, trên tay các em có ôm một ống tre để đựng tiền thưởng từ gia chủ, sau khi cùng nhau hát bài chúc tết gia chủ như sau:

“Súc sắc súc sẻ
Nhà nào nhà nầy
Còn đèn còn lửa
Mở cửa tôi vào,
Bước lên giường cao,
Thấy đôi rồng ấp.
Bước xuống giường thấp,
Thấy đôi rồng chầu
Bước ra nhà sau,
Thấy nhà ngói lợp
Voi ông còn buộc,
Ngựa ông còn nằm.
Ông sống một trăm,
Linh năm tuổi lẻ.
Vợ ông sinh đẻ,
Những con tốt lành,
Những con như tranh,
Những con như rối.
Tôi ngồi xó tối. Tôi đối một câu.


Đối rằng:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh”.


E- Khai bút đầu năm:

Tục khai bút đầu năm được áp dụng đối với kẻ sĩ nói chung như: những văn nhân, thi sĩ, những người trí thức...

Thuở xưa, vào ngày mồng một tết, kẻ sĩ nói chung đều khai bút bằng cách viết ra một bài thơ, hoặc câu đối, để nói lên cảm xúc của mình vào đầu năm. Những bài văn khai bút thường được viết lên trên loại giấy hoa tiên, quí đẹp, dùng để dành kỷ niệm, hoặc chuyền tay cho khách đầu năm cùng đọc, ngâm nga tán thưởng về những cảm xúc, ước vọng may mắn, hoài bão cùng tâm sự mà người viết muốn gởi gắm vào đó. Những bài văn thơ hay đẹp thường được đăng vào sách báo; cũng như những câu đối có ý nghĩa hay thường được dán lên ở trong nhà vào dịp tết. Thí dụ như sau:

“Tân niên khai bút, bút khai hoa,
Bút lông, chân ngôn, tịch khí tà“.


F- Gánh nước đầu năm:

Từ thành thị đến thôn quê, vào ngày mồng một tết, những người gánh nước mướn, từ các giếng vào các nhà trong làng, thường được lợi lớn do các gia chủ thưởng tiền, gấp năm, gấp mười hơn ngày thường. Vì người ta tin rằng đầu năm có người gánh nước vào nhà là điều tốt lành quanh năm, và tiền của sẽ vô nhà như nước.

Do đó, mặc dù trong nhà không thiếu nước dùng, các gia chủ cũng niềm nở tiếp nhận để người gánh nước đổ nước vào các chum, vại, và lu chứa nước. Sau khi nhận tiền thưởng, người gánh nước có lời chúc tết gia chủ năm mới được phát tài, và may mắn.

Ngoài ra, vào ngày ba mươi tháng chạp (30/12), có nhiều gia chủ đi tìm người gánh nước mướn, để căn dặn nhớ gánh nước vào nhà mình trước nhất, vì gia chủ muốn cái lộc may mắn đầu tiên sẽ được đổ vào nhà mình trước tiên.

G- Tục kiêng cữ, giông:

Theo cổ tục trong ba ngày tết, người ta có những điều kiêng cữ, tránh không làm những việc như:

- Tránh quét rác ra khỏi nhà trong ba ngày tết, vì người ta quan niệm: Quét rác ra khỏi nhà, cũng như vứt bỏ tiền bạc ra ngoài, trong năm mới gia chủ sẽ bị hao tài tốn của. Nếu trong nhà có rác dơ bẩn, người trong nhà chỉ nên quét gom góp lại vào một góc cạnh nhà, và phải chờ cho đến hết ngày tết mới được hốt rác đem bỏ.

- Tránh đòi nợ trong ba ngày tết, vì vậy, chủ nợ và con nợ phải thanh toán những món nợ vào cuối năm. Nếu chưa kịp thanh toán hết các món nợ, người chủ nợ nên biết điều kiêng cữ nầy, mà tránh không làm phiền con nợ, và mọi việc đòi nợ phải chờ đợi đến sau ngày tết.

- Tránh ăn mặc quần áo toàn trắng, vì màu trắng là màu tang tóc; người ta lo ngại điềm chẳng lành, có liên hệ đến sự chết chóc sẽ mang đến cho gia tộc trong năm mới.

- Tránh những nơi vui xuân quá đáng, đối với những người đang chịu tang trong thời gian gần tết.

“GIÔNG” là những điều không may mắn bị gặp phải trong những ngày giờ đầu năm. Theo cổ tục, người ta tin rằng khi gặp “Giông” vào đầu năm thì trong suốt năm sẽ thường bị những điều không may, bất hạnh đeo đuổi bên mình. Do đó, mọi người nên tránh xa những việc làm không vui vẻ cho nhau. Từ cữ chỉ đến ngôn từ, nên tránh những lời tranh cãi, chưởi bới tục tằn với nhau. Trong việc cư xữ, người ta nên thận trọng để làm tốt đẹp, và vui lòng lẫn nhau.

Tóm lại, Tết Nguyên Đán là một lễ tết trọng đại cổ truyền của người Việt Nam. Lễ kỷ niệm ăn mừng đầu năm để tái đánh dấu một sự khởi đầu chu kỳ thời gian của mười hai (12) tháng liên tiếp. Ngày mồng một tháng giêng (01/01) âm lịch là ngày đầu năm mới. Theo cổ tục, Lễ Tết Nguyên Đán được người Việt ăn mừng trong suốt ba ngày: “Mồng một tụ họp chơi nhà, Mồng hai chơi ngỏ, mồng ba chơi đình”. Thuở xưa, có nhiều địa phương ăn tết nguyên đán suốt cả tháng giêng: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Hoặc có nơi ăn tết suốt cả ba tháng: “Tháng giêng ăn tết ở nhà, Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”.

Thông lệ vào những ngày cuối năm, để chuẩn bị ăn tết, theo cổ tục Việt Nam, mọi người đều phải lo quét dọn sạch sẽ nhà cửa được tươm tất, rồi tham dự các phiên chợ tết cuối năm để mua sắm đồ ăn thức uống, đồ gia dụng để sẵn sàng hưởng dụng trong ba ngày tết. Sau đó, người ta không quên việc thăm viếng tu bổ các mộ phần của tổ tiên, và thân tộc. Trong nhà làm lễ cúng rước linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ về ăn tết với gia đình. Rồi cúng tiễn đưa ông táo về trời. Trước sân nhà hay đình, người ta trồng lên một cây nêu với ngọn phướn hay lá dừa, cùng với chiếc khánh sành lủng lẳng để khử trừ ma quỉ trong năm mới.

Theo cổ tục trong ba ngày tết, người ta còn phải cúng lễ giao thừa (lễ trừ tịch), thực hiện các tục lệ hái lộc hay hương lộc đầu năm, tục xông đất (xông nhà), chúc tết và mừng tuổi với những lời chúc tụng có ý nghĩa về: Phước, Lộc, Thọ, Phú Quý, An Khang, Thịnh Vượng, Phát Tài, May Mắn, Hạnh Phúc, Khang Ninh,... Giới trí thức vào ngày mồng một có tục khai bút, viết lên bài thơ, câu đối để nói lên niềm cảm xúc đầu năm của mình.

Ngoài ra, tục gánh nước vào nhà đầu năm được gia chủ tin rằng tiền của sẽ vào nhà nhiều như nước trong năm mới. Còn có tục kiêng cữ đầu năm về những việc như: tránh quét nhà hốt bỏ rác, tránh đòi nợ, tránh mặc quần áo toàn màu trắng, và tránh nơi vui xuân quá đáng đối với những người đang chịu tang trong thời gian gần tết.

Thuở xưa, ngoài các tục lệ cổ truyền nêu trên, người ta còn tổ chức nhiều hội xuân để vui chơi giải trí, và nêu cao tinh thần đoàn kết xã thôn như: thi bơi thuyền, kéo co, đánh phết,... Để khuyến khích tinh thần thượng võ của các vị anh hùng dân tộc như: Thi đấu vật, thi đấu trung bình tiên, cờ lao tập trận, diễn trận giết giặc Ân của Phù Đổng Thiên Vương.

Hoặc những trò vui chơi khác như: chơi tổ tôm, đánh bài chòi, hát quan họ, đò đưa, trai gái đánh đu... Tùy theo địa phương, còn có nhiều trò chơi vui xuân khác. Dần dần, vì thời đại và hoàn cảnh xã hội biến đổi, các tục lệ trong ba ngày tết đã có nhiều linh động, tiết giảm, tùy thuộc vào hoàn cảnh sống gia đình, và quan niệm của dân địa phương.

VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.



Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh