Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
THIẾT KẾ TÀI CHÁNH HỒI HƯU
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

Việc thiết lập kế hoạch tài chánh tương lai của người đang làm việc là một việc làm rất cần thiết, cho những ai muốn tiết kiệm tiền, nhằm để sinh sống an toàn và thoải mái trong lúc tuổi về hưu.

Vào 1900, việc về hưu không phải là đề tài nóng bỏng đối với mọi người. Bởi vì, hầu hết, các chủ nhân xí nghiệp không phải để dành ngân quỹ trợ cấp hưu bổng cho các công nhân của mình. Chính phủ liên bang Hoa Kỳ cũng chưa có dự luật về trợ cấp An Sinh Xã Hội (Social Security Benefits) cho dân chúng. Vào lúc bấy giờ, tuổi thọ của dân Mỹ chỉ hy vọng sống trung bình vào khoảng tuổi 50.

Tuy nhiên, gần một thế kỷ sau đó, đời sống dân Mỹ có nhiều đổi thay. Hơn một triệu người về hưu mỗi năm, vào tuổi trung bình 62, và họ hy vọng sống cho đến tuổi 85. Theo thống kê ước lượng, hiện nay có khoảng trên một triệu người ở tuổi hơn 40 có thể hy vọng sống đến tuổi 100, hay cao hơn. Theo Sở An Sinh Xã Hội (Social Security Administration), vào 2006, có khoảng ba mươi sáu (36) triệu người Mỹ cao niên từ 65 tuổi trở lên; và theo ước lượng của Social Security Trustees' Annual Report to the Congress, vào năm 2041, số dân Mỹ cao niên, từ tuổi 65 trở lên, sẽ tăng lên gấp đôi (khoảng 72 triệu).

Do đó, trong xã hội Hoa Kỳ, việc chuẩn bị tiết kiệm tài chánh cho tương lai là việc rất cần thiết, cho những ai đang làm việc, và mong muốn có một đời sống tài chánh an toàn, thoải mái trong lúc tuổi về hưu.

1- TUỔI VỀ HƯU NÀO THÍCH HỢP VỚI BẠN?

Phần đông, người dân Mỹ thường có khuynh hướng về hưu vào khoảng tuổi 60 - 65. Thật ra ở Hoa Kỳ, tuổi về hưu là tuổi tương đối linh động, Không bắt buộc phải ở một tuổi nhất định nào. Nhiều nhân viên công chức có thể về hưu, sau khi họ có 20 năm thâm niên công vụ, trong lúc tuổi của họ mới khoảng 40 hơn. Tuy nhiên, có số người vẫn tiếp tục làm việc đến khoảng 80, họ mới nghĩ đến việc về hưu. Nhiều người về hưu vào ngày đầu tiên họ có đủ điều kiện nhất định. Có những người nghĩ việc làm nầy, để lãnh tiền hưu bổng; đồng thời, họ sẽ làm một việc gì khác, để có thêm lợi tức cho họ. Ngoài ra, cũng có những trường hợp không may, vì hoàn cảnh bắt buộc, một số người phải rời bỏ việc làm một cách không vui lòng, để về hưu sớm hơn họ mong muốn, . . .

Đối với bạn, bạn có nghĩ tuổi nào thích hợp cho bạn để về hưu chưa? Dù sao đi nữa, mọi người rồi cũng đến lúc phải về hưu. Cho nên, trong lúc tuổi còn đang làm việc, việc dự trù tài chánh tương lai đóng một vai trò quan trọng cho cuộc sống hồi hưu về sau. Việc dự trù tài chánh tương lai thường có ba yếu tố chánh yếu như sau:

-Sự bảo toàn cho tài chánh của bạn,
-Có đầy đủ tiền để chăm sóc sức khỏe cho bạn, và
–Tiền trợ cấp cho người thừa kế của bạn.

2- KẾ HOẠCH TÀI CHÁNH CÀNG SỚM CÀNG TỐT:

Việc dự trù tài chánh cho tương lai của bạn là một việc làm khôn ngoan. Do đó, bạn nên bắt đầu ngay lúc mới có việc làm đầu tiên. Có nghĩa là khi bạn có thể bắt đầu tiết kiệm tiền vào Trương Mục Hưu Bổng Cá Nhân (Individual Retirement Account / IRA).

Mặc dù bạn có thể còn có nhiều lý do cần tiền khác, để chi tiêu, hoặc đầu tư ngắn hạn (thí dụ như: việc cần mua một xe hơi, hay nhà đất), nhưng bạn nên sớm nghĩ về những mục tiêu đầu tư dài hạn. Được như thế, tài chánh và những thân nhân sống phụ thuộc vào bạn sẽ được an toàn hơn.

Qua những tài liệu học tập, hay những chuyên viên tài chánh chuyên nghiệp, bạn có thể tìm hiểu, càng sớm càng tốt, về những phương cách đầu tư có lợi cho tương lai của bạn, kể cả những lợi thế để tiết kiệm được phần nào trên sự chịu thuế lợi tức của bạn.

3- BẮT ĐẦU TIẾT KIỆM TIỀN Ở KHOẢNG TUỔI 20’s:

Nếu có thể được, bạn nên bắt đầu càng sớm càng tốt, để thành lập quỹ tiết kiệm tài chánh tương lai, qua hai chương trình như sau:

31. A Voluntary Tax-Deferred Retirement Plan: Tiền đóng góp, vào chương trình nầy, là một phần tiền trích ra từ số lợi tức hàng tháng của bạn, sẽ được đình hoãn việc trả thuế hàng năm, cho đến khi nào bạn về hưu.

32. Investment Account: Trương Mục Đầu Tư với quỹ đầu tư chung (Mutual Fund), ngân hàng (Bank), hay công ty trung gian (Brokerage Firm).

Trong lúc bạn còn phải đối diện với những chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày, đồng thời, bạn sớm bắt đầu tiết kiệm đầu tư vẫn là một lợi thế rất tốt, không nên bỏ qua. Lý tưởng nhất là tiết kiệm vào khoảng 10% trích từ số lợi tức hay tiền lương chưa trừ thuế (pretax income) hàng tháng của bạn.

Nếu bạn dùng một phần tiền lương của bạn, để đóng góp vào chương trình hưu bổng do chủ nhân bảo trợ (Employer Sponsored Retirement Plan), lợi tức hàng năm dùng để tính thuế của bạn (your taxable income) sẽ được giảm thấp xuống. Đây có nghĩa là bạn đang làm một việc tiết kiệm thuế (tax saving), một phần thưởng xứng đáng cho việc làm hợp lý của bạn.

Ngoài ra, mặc dù bạn có thể tiết kiệm bằng cách để dành những quí kim châu báu, hay những tài vật dễ đổi ra tiền mặt, nhưng việc đầu tư tốt nhất vẫn là việc tham dự vào những quỷ đầu tư chung cổ phần (stock mutual funds).

4- TIẾT KIỆM Ở KHOẢNG TUỔI 30’s VÀ 40’s:

Trong giai đoạn tuổi này, người ta làm việc cật lực kiếm ra tiền, để đối phó với nhiều áp lực chi tiêu như: việc mua nhà, cấp dưỡng cho gia đình thân nhân, hay dự trù chi phí đại học tương lai cho con trẻ, hoặc chuẩn bị những đầu tư dài hạn. Đối với số tiền tiết kiệm đầu tư, người ta nên chia ra làm hai phần, để đầu tư vào hai mục tiêu riêng biệt khác nhau như: dài hạn (long-term), và ngắn hạn (short-term).

Theo các nhà tài chánh chuyên môn, những đầu tư ngắn hạn (short-term) nên nhắm vào những sự việc linh động (liquid), hay những tài vật dễ đổi ra tiền mặt (cash). Trái lại, những đầu tư dài hạn (long-term) nên nhắm vào những đầu tư cổ phần chung (stock mutual funds). Hơn nữa, chúng ta nên nhớ rằng những đầu tư dài hạn (long-term) vẫn tốt hơn, vì còn có lợi về phương diện tài chánh sau đây:

41. Được tiết kiệm thuế (tax saving) vì tham dự vào chương trình khấu trừ lương bổng (a salary reduction plan).

42. Có tín dụng dễ hơn cho việc cầm cố vay nợ (mortgage), nếu có tài sản đầu tư (investment assets).

43. Khi cần, có thể mượn nợ từ một số đầu tư hưu bổng (retirement investments), mà không bị chịu thuế và lệ phí tiền phạt.

5- TIẾT KIỆM Ở KHOẢNG TUỔI 40’s Và 50’s:

Trong khoảng tuổi nầy, người ta thường làm ra tiền nhiều hơn lúc trước, nhưng việc chi tiêu cũng gia tăng không kém. Trong lúc nầy, những mục tiêu đầu tư dài hạn có thể bị ảnh hưởng suy giảm, vì những lý do như: chi phí đại học cho con trẻ, chi phí cao cho những sở thích riêng tư, hay chi tiêu cho việc sửa chữa nhà cửa, hoặc việc dọn vào một căn nhà lớn hơn.

Mặc khác, nếu người ta đã tạo được một thói quen tốt trong việc đầu tư (như việc tham dự vào chương trình khấu trừ lương bổng hàng tháng, và góp tiền vào quỹ đầu tư cổ phần chung/ stock mutual funds), những mục tiêu đầu tư dài hạn sẽ dễ có những nhịp bước tiến đều đặng hơn.

Ngoài ra, người ta cũng có thể tìm thấy những nhu cầu chi tiêu dần dần được giảm thiểu như: các món nợ vay mượn được trả dứt; việc nuôi dưỡng con trẻ không còn nữa, vì chúng đã trưởng thành; hay việc được thừa hưởng những tài sản do cha mẹ để lại. Như thế có nghĩa là người ta ở tuổi nầy có thể bắt đầu có thêm nhiều tiền, để đóng góp vào những trương mục đầu tư dài hạn hơn như: chương trình đầu tư khấu trừ lương bổng tự nguyện, quỹ đầu tư chung, hay những quỹ trái phiếu (bond funds), và chứng chỉ ký thác định kỳ của ngân hàng (CDs).

6- TIẾT KIỆM Ở KHOẢNG TUỔI 60s:

Khi nào bạn thật sự bắt đầu nghĩ đến việc về hưu, bạn phải chắc chắn rằng bạn sẽ có đủ số tiền hàng tháng, để sống thoải mái trong lúc về hưu. Nếu bạn có tiền trợ cấp hưu bổng, và lợi tức đầu tư, bạn sẽ có quyền linh động hồi hưu bất cứ lúc nào bạn muốn.

Sau khi hồi hưu, nhiều người hy vọng đời sống của mình có thể sống kéo dài từ 20 đến 30 năm. Cho nên, khi bạn bắt đầu nhận số lợi tức, từ các chương trình tiết kiệm hưu bổng của bạn, bạn có thể dùng số tiền này để tiếp tục sinh lợi bằng cách mở ra những trương mục đầu tư mới khác. Hoặc, khi bạn có một số tiền lãnh ra sau khi mãn hạn, từ những trái phiếu (bonds), hay từ những tài sản có lợi tức cố định khác như CDs, bạn có thể dùng số vốn nầy để tái đầu tư, khi bạn nhận thấy có cơ hội tốt đưa đến.

Tuy nhiên, tùy theo những điều kiện và thời hạn luật định, bạn có thể bị bắt buộc để rút tiền ra khỏi những trương mục hưu bổng của bạn. Ngoài ra, còn có những trường hợp bạn cần tiền để chi phi y tế cho sức khỏe, hay cần có một số tiền để dành cho người thừa kế của bạn. Do đó, trong việc đầu tư, ít nhất bạn phải quan tâm đến những điểm sau đây:

61. Việc thay đổi đầu tư, nhằm vào những đầu tư nào có sinh lời nhiều hơn, và ít có nguy hiểm hơn; trong trường hợp thị trường tài chánh bất ngờ có khuynh hướng đi xuống.

62. Việc di chuyển những lợi tức hưu bổng vào vị thế đình hoãn thuế (tax-deferred status).

63. Việc lập ra một kế hoạch tài sản, nhằm để phân tán vốn của bạn ra thành nhiều tài sản khác nhau, theo sự mong muốn của bạn.

7- DỰ TRÙ CUỘC SỐNG TƯƠNG LAI:

Để có một cuộc sống an toàn, và thoải mái trong tuổi về hưu, bạn phải có tinh thần thực tế, và tính toán chuẩn bị trước số tiền bao nhiêu, bạn cần phải có để trả cho những hóa đơn chi phí bắt buộc hàng tháng, và những mục cần thiết khác, trong cuộc sống của bạn.

Mặc dù bạn đang có sức khỏe lành mạnh, và một nơi sống an toàn, là những điều kiện tốt, nhưng cái gì bạn thực sự cần đến khi bạn về hưu?...Đó là đồng tiền, có phải không bạn?!!!...

Tiền để trả cho những hóa đơn chi phí cần thiết, và những việc khác mà bạn muốn làm,... Một nguyên tắc đơn giản để tính chi phí dự trù cho tuổi về hưu như: Bạn sẽ cần đến khoảng 70% đến 80% của lợi tức hiện có hàng tháng trước khi bạn về hưu; hoặc hơn, khi bạn có thêm chi tiêu về các sở thích (hobbies) hay đi du lịch.

Sau đây là thí dụ cho công thức dự trù (Lợi Tức Hiện Tại X 80% = Nhu Cầu Dự Trù Sau Khi Hưu). Nếu lợi tức chưa trừ thuế (gross income) trong khi bạn đang làm việc là $6,000 một tháng (có nghĩa là $72,000 một năm = $6,000 X 12 tháng). Do đó, bạn có thể sẽ cần số tiền dự trù hàng tháng là $4,800 (= $6,000 X 80%), hoặc $57,600 một năm (= $4,800 X 12 tháng), sau khi bạn về hưu.

8- SỰ THAY ĐỔI CÁC NHU CẦU CHI TIÊU:

Bạn có thể tin chắc rằng một số nhu cầu chi tiêu của bạn sẽ được giảm bớt sau khi về hưu, nhưng một số nhu cầu chi tiêu khác sẽ được gia tăng. Trong việc dự trù tương lai tài chánh, bạn cũng nên tiên liệu những sự thay đổi này.

81. Nhu Cầu Chi Tiêu Nào Sẽ Giảm Bớt?

- Vào lúc về hưu, có lẽ bạn đã trả dứt món nợ mua nhà.

- Nếu bạn không thuộc vào lứa tuổi cha già con muộn, có lẽ bạn đã hoàn tất việc chi phí học vấn cho các con của bạn.

- Nếu bạn có đi làm việc thêm, có lẽ bạn sẽ ít tốn phí cho việc du hành từ ngày này qua ngày nọ, với những bữa ăn ở bên ngoài.

Ngoài ra, bạn chỉ cần một chiếc xe di chuyển, và ít tốn kém hơn về quần áo may mặc, cũng như tiền giặt ủi.

82. Nhu Cầu Chi Tiêu Nào Sẽ Gia Tăng?

- Chi phí bảo trì nhà ở, và tiền thuế nhà đất hàng năm có khuynh hướng gia tăng với thời gian. Nếu bạn không di chuyển đến nhà ở nhỏ hơn, hay đến tiểu bang có thuế nhà đất thấp hơn.

- Nếu bạn ở nhà thường xuyên, ít đi ra ngoài, chi phí hàng tháng về điện nước gas của nhà bạn sẽ gia tăng.

- Tiền bảo hiểm nhà ở và xe có khuynh hướng gia tăng với thời gian.

- Chi phí y tế, kể cả giá bảo hiểm sức khỏe thường gia tăng, so với chi phí trước ngày về hưu. Những chi phí này sẽ tiếp tục gia tăng, vì những chủ nhân xí nghiệp giảm thiểu những mục bảo hiểm cho nhân công nói chung, và cho những nhân công hồi hưu nói riêng.

Thí dụ, một người về hưu trung bình tổn phí mất $500. tiền thuốc một năm, mà nhiều chương trình bảo hiểm không chịu trách nhiệm số tiền thuốc nầy.

9- SỰ LẠM PHÁT ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIÁ SINH HOẠT:

Sự lạm phát là một yếu tố khác khiến bạn phải quan tâm đến khi dự trù ngân khoản cho việc sống hưu. Nếu bạn đang sống hưu trong tháng sáu này, thí dụ bạn cần 80% nhu cầu chi phí của tháng năm. Nhưng đến tháng sáu năm tới, bạn có thể cần nhiều tiền hơn để trả cho những vật dụng và dịch vụ cùng giống như tháng sáu năm vừa qua. Như thế, bởi vì sự lạm phát của đồng tiền. Nó tạo nên sự gia tăng dần dần trong giá sinh hoạt. Kể từ năm 1923, sự lạm phát đã có mức trung bình là 3% tại Hoa Kỳ, và có chiều hướng gia tăng trong đầu thập niên 1990s. Có lần, nó tiến đến 13.5% vào năm 1980, và giữ mức trung bình 6% trong suốt thập niên 1980s.

Do đó, nếu bạn đang dự trù hồi hưu với cuộc sống kéo dài 20 năm, bạn nên dự trù lợi tức của năm thứ 20 phải gấp đôi lợi tức của năm đầu tiên. Nếu bạn không thể tiếp tục làm việc kiếm thêm tiền, bạn phải giải quyết vấn đề nầy như thế nào?... Cách chắc chắn nhất bằng cách lãnh tiền lời ở những việc đầu tư của bạn, với một tỷ lệ vượt lên đỉnh cao hơn, so với tỷ lệ lạm phát.

KẾT LUẬN VỀ VIỆC CHUẨN BỊ VỀ HƯU:

Để thiết kế và bảo toàn tương lai tài chánh, chúng ta cần phải có một số vốn hiểu biết căn bản về chiến lược tài chánh. Những kiến thức nầy chúng ta không thể có đầy đủ từ một nguồn tin đơn lẻ, mà chúng ta có thể tìm hiểu qua nhiều nguồn tin khác nhau như: chủ nhân nơi làm việc, người cố vấn chuyên môn về hưu trí, văn phòng an sinh xã hội, nhà băng, luật sư, người cố vấn thiết kế tài vụ,...

Nếu chúng ta cần người cố vấn thiết kế tài vụ (a financial plan adviser), chúng ta nên tìm đến người chỉ nhận thù lao trên căn bản lệ phí tham khảo, chứ không phải là người nhận thù lao bằng tiền huê hồng (earning commissions) trên những sản phẩm tài vụ, do chúng ta mua hay đầu tư. Bởi vì việc trả tiền huê hồng có thể gây ra nhiều áp lực cho chúng ta (đôi khi quá tế nhị, và phiền phức), và sẽ làm giàu cho họ. Trong trường hợp, nếu không có câu trả lời dứt khoát về tiền thù lao; tốt nhất, chúng ta nên đi tìm một nơi khác.

Ngoài ra, chúng ta còn cần phải lưu ý đến những ảnh hưởng tiêu cực và tích cực cho tương lai tài chánh như sau:

* Những Ảnh Hưởng Tiêu Cực:

- Sự Lạm Phát (Inflation) sẽ ăn mòn giá trị đồng tiền trong mãi lực, vì giá cả của hàng hóa có chiều hướng đi lên. Trong khi lợi tức (tiền lương) của người ta không tăng tiến theo kịp đà lạm phát.

- Chi Phí Y Tế (healthcare cost) được gia tăng cao và nhanh hơn lạm phát một cách tổng quát.

- Thuế Bất Động Sản (real estate taxes) có thể tác động làm giảm bớt giá trị tài sản, mà chúng ta đã tích lũy để dành cho người thừa kế chúng ta.

- Tiền Phạt Khi Rút Tiền Trước Hạn Kỳ (withdrawal penalties): Chúng ta phải trả tiền phạt, nếu chúng ta rút ra một số tiền nhỏ từ trương mục hưu cá nhân (IRA) trước hạn tuổi ấn định về hưu.

- Thuế Lợi Tức (income taxes) có thể ở mức cao, sau khi chúng ta về hưu.

- Thuế Địa Phương (local taxes) của một số thành phố có thể cao hơn các thành phố khác.

* Những Ảnh Hưởng Tích Cực:

Sau đây là một số tài vụ căn bản gây ảnh hưởng tích cực, có lợi cho tương lai tài chánh của người ta:

- Trợ Cấp Hưu Bổng Từ Chủ Nhân Xí Nghiệp (employer pension): Trợ cấp này có thể giúp người ta có được thêm một phần lợi tức sau khi về hưu.

- Chương Trình Tiết Kiệm Hưu Trí (retirement savings plan): Ngoài việc giúp người ta để dành tiền cho tương lai về hưu, chương trình này còn có lợi thế giúp người ta trì hoãn việc trả thuế cho số tiền đóng góp vào chương trình này. Cũng có nghĩa là người ta có cơ hội đầu tư được hoãn thuế.

- Trợ Cấp An Sinh Xã Hội (Social security benefits), và Trợ Cấp Y Tế (Medicare benefits): Trên lợi tức hàng năm, người làm việc phải trích ra một khoảng tiền để đóng góp vào hai ngân quỹ này. Khi đến tuổi về hưu luật định, họ sẽ được quyền hưởng tiền trợ cấp an sinh xã hội, và chăm sóc y tế do chính phủ liên bang đài thọ.

- Bảo Hiểm Y Tế (Health Insurance): Ngoài ra, người làm việc còn có thể mua bảo hiểm y tế, qua các hợp đồng của những hãng bảo hiểm tư nhân, để được chăm sóc sức khỏe tương lai, và được tiết kiệm khỏi phải trả những khoảng tổn phí to lớn về y tế, do những tai nạn bất ngờ đưa đến.

- Thiết Lập Di Chúc và Ủy Nhiệm Thư (Wills and Living Trusts): Với những giấy tờ này được thiết lập lúc còn sống; người sở hữu chủ tài sản, sau khi qua đời, sẽ giúp cho những người thừa kế bảo toàn được giá trị tài sản trong tương lai, do việc thuế vụ ảnh hưởng đến.

Tờ di chúc (Wills) là bản tường trình sở nguyện của người sở hữu chủ, để nói ra những gì sẽ xảy ra theo ý muốn của họ, đối với những sự việc và vật thuộc quyền sở hữu của họ, sau khi họ qua đời.

Trong khi tờ ủy nhiệm thư (Living Trust) là một tài liệu văn tự được thiết lập bởi người sở hữu chủ, để ủy thác những tài sản cho người thừa kế. Ngoài ra, nó còn là một lợi khí có nhiều mục đích khác như:
- Người ủy thác được toàn quyền quản trị tài sản của người sở hữu chủ;
- được quyền phân chia tài sản đến những người được thừa hưởng, sau khi người sở hữu chủ đã qua đời; và
- tiết kiệm được tiền thuế trên những di sản.

Sau cùng, nơi nào người ta sẽ cư ngụ sau khi về hưu? Tùy theo hoàn cảnh và sở thích riêng tư, mỗi người đều có quyền lựa chọn nơi sinh sống thích hợp riêng cho mình, sau khi về hưu. Tuy nhiên, trước khi quyết định, tốt nhất, người ta nên tính toán, cân nhắc cẩn thận, giữa yếu tố tài chánh và những yếu tố khác đáng lưu ý như:

- Tổn phí nhà ở hàng năm gồm có những nhu cầu và tổn phí tu bổ, kể cả khoảng tiền trả nợ cho căn nhà (mortgage), thuế nhà đất, chi phí cho những tiện nghi (utilities) về điện, nước, gas,...

- Giá sinh hoạt nơi cư ngụ, kể cả giá mua thực phẩm, chi phí cho phương tiện di chuyển, và giải trí,...

- Sự thuận tiện về y tế, kể cả việc gần nơi bệnh viện, văn phòng bác sĩ, và nhà bán thuốc.

- Khoảng cách xa gần đối với nơi cư ngụ của những thân nhân gia đình, và bạn bè.

Tại Hoa Kỳ, người Mỹ khi về hưu, phần đông thường lưu lại, không chỉ trong cùng cộng đồng nơi họ đã có đời sống làm việc, mà còn tại căn nhà hay apartment nơi họ đang sinh sống. Tuy nhiên, có số người khác quyết định di chuyển đến nơi cư ngụ mới khác, hầu hết cách xa quanh đường bán kính độ 30 dặm (miles). Ngoài ra, cũng có những người sống di chuyển xa hơn, đến những tiểu bang khác tại Hoa Kỳ, hoặc sống ở ngoại quốc.

Mặc dù bạn là người đang làm việc trên đất Mỹ, chưa đến tuổi về hưu, nhưng bạn đã có sự chuẩn bị cho tương lai về hưu. Như thế vẫn là việc làm khôn ngoan, tốt nhất cho bạn. Nếu bạn chưa chuẩn bị. Không sao, vẫn còn chưa muộn. Bạn nên bắt đầu ngay, càng sớm càng tốt. Rất có ích lợi cho tương lai của bạn. Chúc bạn được nhiều may mắn, và thành công./.

VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh