Lời mở đầu: Bài này tôi viết khoảng năm 2006, cách nay 15 năm với vài ý tản mạn về tiếng nói Nam bộ. Có thể một số từ trong bài nay đã được giải thích rõ về nguồn gốc, ý nghĩa khác với hiểu biết của tôi lúc đó. Đưa lên đọc giải sầu. (PCL).
- Sao lâu nay ông lặn mất tiêu vậy? Đi đâu?
- Quanh quẩn Sài Gòn thôi. Lóng rày tụi cò ke lục chốt nó quậy quá, làm ăn ẩu xị nhưng nhanh hơn mình nên mình thua. Nhiều khi giận nứt bong bóng nhưng không làm gì được.
- Cỡ như ông nai rịa rí rang vậy mà ngán tụi nó hả?
- Mình là dân tư chanh, tụi nó cũng đâu vừa. Nhưng thôi, chấp nó làm gì. Làm ăn kiểu Xấm xi xấm xải như đám xây lố cố đó cũng có ngày dảnh sủi. Anh đừng để ý, tụi mình vô đây uống miếng nước.
- Tui một ly xây chừng.
- Ê bồi, một xây chừng với một xây cá nại…
Đừng tưởng đây là kiểu đối thoại xưa lắc, từ thời Gia Định báo. Người ta vẫn có thể nghe những từ trên trong một quán cà phê đâu đó ở Sài Gòn - Chơ Lớn - Gia Định, ở chợ Cầu Ông Lãnh giữa những người xa quê đã lâu mới về nước chơi.
Hoặc từ người miệt vườn, hoặc ở Bạc Liêu Rạch Giá, lên Cần Thơ mua máy bơm nước, ngồi quán uống cà phê sữa, ăn hủ tíu bánh mì xíu mại. Những phương ngữ tưởng đã chết đi từ lâu, bừng bừng sống lại gợi nhớ thời khẩn hoang, thời Bình Xuyên quậy tưng bừng ở sòng bạc Đại Thế Giới, thời dưới sông Cá Chốt trên bờ Triều Châu ở Bạc Liêu, sống chung, ăn tết chung với người Tiều, Quảng Đông, Khờ me, Chà và Maní…
Cách nói không bao giờ các học giả coi là chính thống, nhưng lần hồi thành ngôn ngữ văn chương, được đưa vào tự điển và là một cách nói đầy sức sống.
Nhiều từ xuất phát từ ngôn ngữ nước ngoài, do cộng đồng người thiểu số sống chung với người Việt, buôn bán qua lại, lấy vợ gả chồng qua lại, tìm một cách nói dễ hiểu với nhau mà thành.
Trở lại màn đối thoại trên, có thể có người hiểu được nhưng dù sao cũng phải cắt nghĩa đoạn thăm hỏi giữa hai anh chàng Nam kỳ này.
Trong đó “lóng rày” nghĩa là dạo này. “Cò ke lục chốt”, còn gọi “Chà ke lục chốt” chỉ người hèn hạ, mạt rệp, bọn nhóc, lính lác. “Ẩu xị” có khi là ba xí ba tú, chỉ làm ăn huỵch hoạch không đâu ra đâu. Giận nứt bong bóng đơn giản là giận muốn bể… bàng quang. Cơn giận căng như bàng quang đầy cứng đến nỗi muốn bục ra. Còn “Nai Rịa Rí Rang” là một từ thú vị, trong đó, mỗi từ nói lên một địa danh ở Nam kỳ. Nai là Đồng Nai, Rịa là Bà Rịa, Rí là Phan Rí (thuộc Bình Thuận), Rang là Phan Rang (thuộc Ninh Thuận).
Đây là thành ngữ khá xưa, hiếm người dùng còn chăng là ông già bà cả, chỉ người lịch duyệt, từng trải, đã từng đến Đồng Nai, Bà Rịa ăn gạo ngon, từng đến Phan Rí, Phan Rang ăn cá tươi.
Trường hợp “dân tư chanh” mới thú vị, thật ra đó là từ dân tứ chiếng, nhưng khi ông Aubaret, một ông Tây viết báo cáo về dân giang hồ tứ chiếng, do viết theo cách đọc của mình nên thành Dân tư chanh. Từ này lọt ra ngoài và dân chúng xài luôn, xem như một ẩn ngữ nói về dân giang hồ (trường hợp này giống từ Đa Kao là một vùng đất thuộc quận 1.
Hồi xưa, dân gọi đây là Đất Hộ nhưng khi người Pháp viết lên trên bản đồ, viết theo cách đọc lơ lớ của mình là Đa Kao, nay chết tên luôn). “Xấm xi xấm xải” là làm ăn xớn xác không xem trước xem sau. “Xây lố cố” là biến âm của cụm từ xây lũ cố từ tiếng Hán là Tiểu lão ca có nghĩa là lũ trẻ nhỏ, con nít. “Dảnh sủi” có nghĩa là chết, không rõ là tiếng Quảng Đông hay Triều Châu. “Xây chừng” là cà phê không sữa. Trong khi đó, “xây cá nại” là tách cà phê sữa nhỏ.
Thời trước, sách báo không nhiều bằng bây giờ và người bình dân làm ăn củi lục chắc khó có điều kiện đọc sách nên ý kiến các học giả bảo vệ trong sáng tiếng Việt chắc khó mà tới tai họ. Và thế là ngôn ngữ tiếp tục… phát triển.
Bây giờ, vào quán cà phê thuộc loại thời thượng nhất ở Sài Gòn với các bạn trẻ, một tiếng gọi bạc xỉu là có ngay một ly sữa nóng có pha chút cà phê. Và trong quán nhậu bình dân, gọi “tẩy” là có ngay cái ly bỏ sẵn đá lạnh, chỉ đợi rót bia vào.
Ở miền Nam, thật thú vị khi có thành ngữ dùng trong cuộc sống hàng ngày có tên hai cô nghệ sĩ cải lương. Một bài báo khi nói về chuyện VFF phân trần sau vụ đội tuyển bóng đá Việt Nam thua Indonesia cách nay mấy năm, tác giả bài báo viết: “Còn thanh minh thanh nga gì nữa…”.
Thanh minh thì ai cũng biết là giải thích cho rõ điều bị hiểu sai, hiểu lầm. Nhưng Thanh Minh - Thanh Nga là tên đoàn cải lương nổi tiếng ở miền Nam những năm 60, trong đó, nghệ sĩ Thanh Nga đóng vai chính. Qua thời gian, cụm từ này mang dùm ý nghĩa của từ thanh minh, làm đậm đà câu thoại và vào văn… viết.
Còn từ “mút mùa lệ thủy”? Người ta dùng từ “mút mùa” để chỉ điều gì đến cùng, không bỏ dở. Có người cho rằng từ “lệ thủy” chính là chỉ nghệ sĩ Lệ Thủy nổi danh ở Sài Gòn với làn hơi vọng cổ dài và da diết, đến nỗi người ta cảm thấy không có từ nào xứng đáng để nhấn cho ý mút mùa bằng tên của nghệ sĩ này.
Có một từ lóng đơn giản nhưng thú vị là từ chỉ chiếc xe đạp: xế điếc. Nó xuất hiện sau khi người ta dùng từ “xế nổ” để chỉ xe gắn máy và đương nhiên xe không nổ thì thành… điếc. Thông minh và ý nhị!
Một trường hợp thú vị khác. Khi xem kịch do người Việt ở xa đất nước diễn, có màn đối thoại sau:
- Ông có thấy tui giống tiên nữ không?
- Cái gì, bà mà giống tiên nữ. Bà ném về quỷ sứ thì có!
Trong một đoạn văn miêu tả ở một truyện ngắn của Hồ Trường An: "Nhà tôi ở bên cầu Mỹ Thuận, ném về phía Vĩnh Long, ném về miệt vườn…”.
Đương nhiên ai cũng nhận ra “ném về” không có nghĩa là quăng về hay vứt, chọi về phía nào đó mà có nghĩa là “thiên về”. Một từ cổ mà những người Việt xa xứ đã lâu còn giữ và dùng.
Một bạn ở Hà Nội bảo rằng khi phim “Mùa len trâu” nổi lên, nhiều người ngoài đó không hiểu từ này cho dù đã có nhiều phương ngữ Nam bộ dần dà thành phổ biến ngoài đó. Có anh bạn nói về chuyện “quan hệ” với người nước ngoài bằng từ “trả thù dân tộc”. Nhưng chắc anh và nhiều người dùng từ này không biết đó chính là câu cung khai của tướng cướp Điền Khắc Kim ở Sài Gòn với cảnh sát về tội làm bậy phụ nữ ngoại quốc trước năm 1975.
Phương ngữ Nam bộ như một hành lang ngôn ngữ chạy dọc theo dòng ngôn ngữ chính thống, chuẩn mực như người ta hay nói. Nó có sức sống riêng, khi nào người ta còn cảm thấy cần thiết như thứ ẩn ngữ, để không phải nói trực tiếp, động chạm thẳng đến đối tượng và tạo một cảm giác, một ấn tượng thú vị, khôi hài, đậm đà, làm duyên dáng thêm câu chuyện.
Thỉnh thoảng có một số từ lạ xuất hiện, được dùng một thời gian rồi lại mất đi. Dù có học về ngôn ngữ học, tôi không giỏi môn này nên chỉ xin nêu ra những hiện tượng mình biết.
PHẠM CÔNG LUẬN
Trích sách “Những lối về ấu thơ”. TG: Đặng Nguyễn Đông Vy - Phạm Công Luận. Công ty sách Phương Nam 2012.
Phạm Công Luận sinh năm 1961 tại Sài Gòn. Hiện làm việc tại báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò, cơ quan đại diện tại TP.HCM. Ngoài hai cuốn Sài Gòn - Chuyện đời của phố, anh còn là tác giả của một số cuốn sách được độc giả trẻ mến mộ như Trên đường rong ruổi, Lạc giữa nhân gian, Những lối về ấu thơ, 2011; Nếu biết trăm năm là hữu hạn, 2011 (bút danh Phạm Lữ Ân, viết cùng người bạn đời của anh - chị Đặng Nguyễn Đông Vy).
* * *
"Những Lối Về Ấu Thơ"
Những Lối Về Ấu Thơ là tập hợp với 35 tản văn đầy thi vị, hồn hiên và nhẹ nhàng – đó là những khoảnh khắc đưa lối ta về với ấu thơ…
Không ai trong chúng ta không có một tuổi thơ. Bạn cũng có và tôi cũng có nhưng khác ở chỗ đó chính là lối dẫn về tuổi thơ của mỗi người.
Những Lối Về Ấu Thơ của Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy mở cho ta nhiều lối về đầy thân quen, gần gũi: Hương vị Tết với bánh tét truyền thống, thịt kho hột vịt thơm lừng, hình ảnh của lũ trẻ xúm xít nhận tiền lì xì, và cũng thể là nỗi buồn trẻ thơ khi “ông bán bánh mì” lúc nào cũng cắt miếng thịt to, chả to và cả lát ớt cũng to không còn bán trước cổng trường nữa…
Comments:
Được xếp hạng 4 5 sao
Nguyễn Hân – Tháng Ba 9, 2019
Thú thật, tôi mua quyển sách này là vì thích cái bìa sách.
Màu sắc đơn giản, nhẹ nhàng, hình ảnh của Sài Gòn xưa khiến tôi bị quyến rũ ngay từ cái nhìn đầu tiên…
Và sau đó, tôi càng bị cuốn theo từng trang sách bởi đúng như tên của tác phẩm “Những lối về ấu thơ”, mỗi trang sách dẫn tôi về cái thời mà mình từng trải qua hay thậm chí là chưa bao giờ được nếm trải mà chỉ được nghe ông bà cha mẹ kể lại.
Đọc Những lối về ấu thơ nhắc nhớ cho tôi mùi hương nồng nàn của củ kiệu ngày Tết, mùi lá gói bánh thơm phưng phức. Nhắc nhớ cho tôi về những tháng năm được lặt lá mai cùng ông Nội, nhắc cho tôi nhớ về những cái Tết nghèo mà hạnh phúc của ngày xưa…
Có những thứ hôm nay đã không còn như xưa nữa rồi, cũng có những người thân hôm nay đã đi xa về với trời. Và trong cuộc sống hối hả bộn bề, có khi ta vô tình quên bẳng đi những kỷ niệm đẹp của một thời thơ ngây….
Nhưng không sao, bạn cứ hãy đọc Những lối về ấu thơ đi… chắc hẳn bạn sẽ được sống lại với cảm giác của ngày xưa…
Một cảm giác nhẹ nhàng, giản dị nhưng mãi mãi đọng lại trong ký ức mỗi con người
Được xếp hạng 3 5 sao
Trần Thị Tuyết Hạnh – Tháng Ba 9, 2019
Tôi đọc cuốn sách này sau cuốn “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, trong đó có một câu, đại khái rằng nếu bạn không hạnh phúc khi nghĩ về tuổi thơ của mình thì bạn sẽ không hạnh phúc với bất cứ điều gì. Và cuốn sách này là minh chứng.
Họ đã có những ngày tháng ấu thơ thật sống động. Tôi cũng thế. Họ thích những món quà vặt, ngày xưa bị bố mẹ cấm ăn, bây giờ lại cấm con họ ăn, nhưng họ biết họ vẫn thích. Hương vị của quê hương, hay những con phố ký ức. Tôi sinh ra ở thành phố và trong thời hiện đại, tôi khó có thể hiểu những kỷ niệm đơn sơ của họ, tuy nhiên, tôi vẫn có trong mình những ngày ấu thơ nhiều màu sắc như thế.
Nếu bạn đang mệt mỏi giữa dòng đời bon chen, hãy tìm đọc cuốn sách này. Như tôi đã làm, khi thấy trân trọng hơn từng khoảnh khắc mà tôi đang sống, bởi nó sẽ là những ký ức quý giá và đẹp đẽ của tôi trong tương lai.
Được xếp hạng 4 5 sao
Nguyễn Thảo Vân – Tháng Ba 9, 2019
Đây là một cuốn tản văn tuy nhẹ nhàng nhưng đầy những xúc cảm. Những mẩu chuyện nhỏ nhắc cho ta về những kí ức của một thời đã xa. Hai tác giả, hai phong cách viết tuy khác nhau, và những kỉ niệm về miền đất mình sinh ra và lớn lên không hề có điểm tương đồng nhưng đó chính là điểm nhấn khiến cho người đọc cảm nhận rõ nét về những kỉ niệm của tuổi thơ, dù ở đô thị hay vùng quê nghèo. Tuy không Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng tôi rất yêu thích cuốn sách này. Mộ phần vì đây là những kỉ niệm ấu thơ mà dường như ai cũng đã từng một lần trải qua như trốn cha mẹ đi mua quà vặt, hay những buổi lễ trung thu rước đèn. Bìa sách trình bày đẹp, minh họa sinh động. Đây là cuốn sách rất đáng để gối đầu giường của mọi người,
Được xếp hạng 3 5 sao
Mai Như Ngọc – Tháng Ba 9, 2019
Tôi cũng là một người Sài Gòn yêu cái chợt nắng chợt mưa, yêu từng ngóc ngách trong con hẻm có phần chật hẹp và ninh ních những nhà của thành phố này. Vì thế tôi cũng yêu “Những lối về tuổi thơ” như một lẽ tất nhiên bởi cuốn tản văn bình dị này đưa tôi dạt về những ngày Sài Gòn còn xưa cũ nhưng đầy ắp tình người, mộc mạc chân chất tấm lòng nhưng cũng ồn ào thanh âm phố thị. Vừa đọc vừa nhớ, nhớ miên man và da diết như được sống lại tuổi thơ một lần nữa.
Tôi thực sự yêu thích cuốn sách này…
Được xếp hạng 4 5 sao
Lý Diệp – Tháng Ba 9, 2019
Dù đây không phải là những kí ức ấu thơ trong mình, nhưng đọc nó vẫn cảm thấy gần gũi, ấm áp như chính tuổi thơ tôi được tràn về. Đọc nó mình thấy tác giả nữ cảm xúc dạt dào, viết tình cảm, sâu sắc, thấm thía hơn, còn tác giả nam lại nghiêng về những hiểu biết sâu rộng của mình, tuy rằng mình sẽ có thêm 1 lượng kiến thức nhưng đôi khi hơi có vẻ “tham” khi đưa quá nhiều làm cho câu chuyện mất vẻ hồi ức, hoài niệm như chính cái vẻ nó cần có. Nhưng không sao, tất cả đều hòa quyện tốt, đọc xong mình chỉ muốn chạy ngay về quê và được ôm lấy ông ngoại mình ngay lập tức
* * *
Xem bài cùng chủ đề nầy: click vào đây
Xem bài trên trang Văn học: click vào đây
Xem bài trên trang Biên khảo: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com