Trong nền văn học xưa dù là dân gian hay bác học, một thể loại văn học được quan tâm đó là câu đối. Từ xưa người Việt rất giỏi đối đáp và rất thích luận bàn về câu đối. Có một câu đối nổi tiếng trong lịch sử mà ngày xưa được thầy dạy giảng văn kể mà đến bây giờ gần nửa thế kỷ sau vẫn còn nhớ về giai thoại này.
“Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai? (Đặng Trần Thường)
Thế Chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!” (Ngô Thì Nhậm)
Hai câu đối này trứ danh bởi vế ra mang nghĩa thách thức cả về nội dung lẫn hình thức với 4 chữ “ai” nhiều nghĩa, và vế đối đã hiên ngang trả lời với 4 chữ “thế”chan chát không một chút do dự, nhún mình. Người ra câu đối là Đặng Trần Thường, thuộc phe thắng cuộc; người đối lại là Ngô Thì Nhậm, thuộc phe chiến bại. Nhưng vì đâu nên nỗi?
Đó là giai đoạn giữa triều Tây Sơn và triều Nguyễn sau này. Và hai câu đối này của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm, cả hai đều là những kẽ sĩ Bắc Hà nổi tiếng thời đó.
Ngô Thì Nhậm (1746–1803) - từ năm 1848 trở đi đổi gọi là Ngô Thời Nhiệm vì kiêng húy của vua Tự Đức là Nhậm và Thì – vốn thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc của đất Bắc, con của Ngô Thì Sĩ, quê làng Tả Thanh Oai, nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội. Vốn thông minh, học giỏi nên năm 21 tuổi đỗ giải nguyên (thủ khoa hương cống, 1768), rồi tiến sĩ (1775), và ra làm quan vào đời chúa Trịnh Sâm (1763–1782) đến chức Đốc đồng trấn Kinh Bắc, sau qua Thái Nguyên.
Năm 1788, vâng lệnh Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, Vũ Văn Nhậm (rể Nguyễn Nhạc) đem quân ra Bắc, diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, đuổi vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc. Cũng trong năm đó, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, giết Vũ Văn Nhậm, thu lại binh quyền, trực tiếp cai trị Bắc hà và kêu gọi các cựu thần nhà Lê ra hợp tác. Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Lượng, Ngô Thì Nhậm… là ba trong số những người hưởng ứng lời kêu gọi của tân triều.
Vốn đã nghe tiếng Ngô Thì Nhậm nên khi được ông này ra hợp tác, Bắc Bình Vương rất lấy làm mừng, coi Ngô Thì Nhậm như là của trời dành cho. Ngô Thì Nhậm được phong ngay làm Tả Thị lang bộ Lại và chỉ một thời gian sau đó, thăng làm Thượng thư bộ Lại rồi Thượng thư bộ Binh.
Khi Bắc Bình Vương về lại Phú Xuân thì Ngô Thì Nhậm là một trong những người được tin cậy giao nhiệm vụ hợp tác với Đại Tư Mã Ngô Văn Sở, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Nội hầu Phan Văn Lân lo việc cai trị Bắc hà.
Quả thật, Ngô Thì Nhậm đã không phụ lòng tin tưởng của Bắc Bình Vương. Khi quân Thanh ồ ạt xâm lăng Việt Nam dưới chiêu bài “phù Lê”, chính Ngô Thì Nhậm đã đưa ra kế hoạch bỏ ngỏ Thăng Long, rút đại quân về giữ đèo Tam Điệp để bảo toàn lực lượng trong khi chờ viện binh từ Phú Xuân ra.
Rồi sau khi đại thắng quân Thanh, cũng chính nhờ ngòi bút tài ba của Ngô Thì Nhậm qua những văn thư ngoại giao khôn khéo mà tránh được can qua có thể tiếp diễn giữa hai nước, biến nỗi tức giận thua trận của vua Thanh bị tan biến và trở nên hòa khí!
Khi vua Quang Trung băng hà (1792) thì Ngô Thì Nhậm không còn được tín nhiệm như trước nữa nên cáo lão về hưu.
Đặng Trần Thường (1759–1813) người huyện Chương Đức, trấn Sơn Nam (nay thuộc Chương Mỹ, Hà Nội) cũng thuộc con nhà dòng dõi, đậu Sinh đồ (Tú tài) cuối đời Lê, có quen biết với Ngô Thì Nhậm từ hồi ở huyện Thanh Oai. Vốn học rộng và tự biết mình có tài nhưng chưa được ai biết đến nên khi thấy Ngô Thì Nhậm ra cộng tác với Tây Sơn và được trọng dụng thì ông tìm đến gặp Nhậm để nhờ tiến cử.
Ngô Thì Nhậm thấy thái độ khúm núm nhờ vả của Đặng Trần Thường làm mất phong độ kẻ sĩ, Ngô Thì Nhậm đã nói rằng:
“Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác”.
Đặng Trần Thường căm giận và nói với người nhà rằng: "Ta sẽ phải giết tên giặc ấy".
Đặng Trần Thường trong lòng nuôi chí phục thù, bỏ trốn vào Nam theo Nguyễn Phúc Ánh.
Nhờ Nguyễn Ánh biết tài và tin cậy nên từ đó Đặng Trần Thường ra sức bày mưu hiến kế để đem lại chiến thắng cho quân Nguyễn Ánh. Ngay trong năm đầu tiên (1794) ở miền Nam, ông đã được đi theo đạo quân do Nguyễn Ánh chỉ huy, giữ việc tham mưu, ra giải vây thành Diên Khánh cứu được Thái tử Cảnh.
Với thành tích này, Đặng Trần Thường được thăng làm Hữu Tham tri bộ Lại (chỉ đứng sau Tả Tham tri và Thượng thư). Từ đó, ông thường được phái theo các đạo quân lớn của các tướng kỳ cựu như Tôn Thất Hội, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, khi thì giữ vai tham mưu, khi thì giữ chức phó tướng, chỉ huy một cánh quân, phối hợp chiến đấu, lập được nhiều công trạng.
Năm 1802, Nguyễn Ánh tiến quân ra Bắc, chấm dứt nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, lên ngôi vua hiệu là Gia Long. Chức Tổng trấn Bắc Thành được lập ra, giao cho Nguyễn Văn Thành trông coi việc cai trị và trị an miền Bắc (gồm 11 trấn) với sự giúp đỡ của ba cơ quan lớn là Tào Binh, Tào Hộ và Tào Hình. Đặng Trần Thường coi Tào Binh. Năm 1809, ông được thăng Thượng thư bộ Binh nhưng vẫn coi Tào Binh, mùa đông năm 1810 được triệu về Kinh.
Trở lại, vào mùa Xuân năm 1803, sau khi nhà Tây Sơn mất theo lệnh của Nguyễn Ánh các văn quan, võ tướng từng theo Tây Sơn bị bắt giải về Thăng Long để bị xử phạt ở Văn Miếu. ba cựu Thượng thư của triều Tây Sơn là Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan, sau một thời gian trốn tránh đã ra đầu thú vì nghe có lệnh tha. Cả ba được giải về Kinh.
Đặng Trần Thường nhân dịp này, dâng sớ, nói: “Bọn Nhậm là bề tôi nhà Lê, nỡ cam tâm thờ giặc Tây Sơn, đặt lời dối trá để lừa bịp nước Thanh, hãm đồng loại vào con đường bất nghĩa… Thực là người có tội trong danh giáo, nếu không giết đi, lấy gì để răn bảo người sau”.
Vua giao vụ việc cho các quan nghị tội. Nguyễn Văn Thành nói rằng tội của bọn Nhậm thật quá đáng chết nhưng vì đã có chiếu chỉ tha tội cho người ra đầu thú, nên nếu bây giờ giết đi, hóa ra nhà vua thất tín. Vì vậy, triều đình quyết định chỉ đem ba người ra trước Văn Miếu Thăng Long đánh đòn rồi tha về.
Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó lại là Đặng Trần Thường.
Nhớ lại câu chuyện xưa kia, Đặng Trần Thường đắc ý ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm:
- Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai?
Thật là giọng điệu của người đang đắc chí, tự phụ. Giờ này Đặng Trần Thường là công hầu, khanh tướng; còn Ngô Thì Nhậm chỉ là kẻ tội phạm sắp bị đưa ra xét xử. Chữ "ai" trong câu đối trên chắc hẳn là ông Đặng muốn ám chỉ kẻ thất thế giờ này là ông Ngô.
Ngô Thì Nhậm khảng khái điềm nhiên đáp:
- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!
Thời Xuân thu, Trung Hoa chia thành nhiều nước nhỏ tranh giành ngôi bá thanh toán lẫn nhau. Đến thời Chiến quốc lại phân thành mười nước đánh nhau triền miên, dân tình khốn khổ; người gặp thời bỗng chốc thăng vương tướng, người thất thế phải nát thân danh là chuyện thường tình! Câu đối thật chỉnh từng chữ, giọng điệu ung dung của kẻ từng trải, ý nghĩa lại thâm trầm.
Đặng Trần Thường tuy trong lòng cũng cảm phục nhưng ỷ thế mình là người chiến thắng bắt Ngô Thì Nhậm phải sửa “thế thời phải thế“ thành "thế đành theo thế". Ngô Thì Nhậm không nghe theo sửa ý câu đối trên nên bị Đặng Trần Thường tức giận sai quân dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông.
Sau trận đòn về nhà, Ngô Thì Nhậm bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ, biết mình không qua khỏi, trước khi qua đời ông có làm bài thơ gửi cho Đặng Trần Thường như sau:
Ai tai Đặng Trần Thường
Chân như yến xử đường
Vị Ương cung cố sự
Diệc nhĩ thị thu trường
Tạm dịch:
Thương thay Đặng Trần Thường
Tổ yến nhà xử đường
Vị Ương cung chuyện cũ
Tránh sao kiếp tai ương?
Ý nói mỉa mai thân phận Đặng Trần Thường rồi cũng giống như Hàn Tín giúp Lưu Bang xưa kia thắng Hạng Vũ. Lưu Bang thu phục thiên hạ lên ngôi báu rồi quay ra giết hại các đại thần giúp mình làm nên nghiệp lớn ở cung Vị Ương. Kết cục của ngươi rồi cũng thế đó.
Khi Nguyễn Văn Thành thôi giữ chức tổng trấn Bắc thành (1810) và giao lại cho Nguyễn Huỳnh Đức thì Đặng Trần Thường cũng về Phú Xuân làm Binh bộ thượng thư. Lê Chất, phụ tá cho Nguyễn Huỳnh Đức.
Khi Lê Chất được phong tước quận công và chức hậu quân bình Tây tướng quân, Đặng Trần Thường dè bỉu: "Chất mà bình Tây thì ai bình Chất? Chất mà được quận công thì ta nên mười quận công". Lê Chất nghe được rất căm phẩn và để ý dò xét Đặng Trần Thường.
Lê Chất phát giác ra rằng khi còn trấn nhậm ở Bắc thành, Đặng Trần Thường đã thông đồng với Nguyễn Gia Cát (tham tri bộ Lễ) bí mật làm giả mạo sắc phong cho Hoàng Ngũ Phúc (một địch thủ của Nguyễn Ánh) làm phúc thần. Đặng Trần Thường phải viết sớ nhận tội, vua Gia Long ra lệnh bắt giam cả hai, sau lại tha.
Lê Chất tiếp tục báo cáo về kinh thêm nhiều tội của Đặng Trần Thường như: ức chiếm đầm ao, ẩn giấu thuế lệ dinh điền rồi đề nghị án tử hình. Đặng Trần Thường lại bị bắt giam. Trong ngục, phẩn chí Đặng Trần Thường uống rượu say, làm bài "Hàn vương tôn phú" ví mình như Hàn Tín và ngầm trách vua Gia Long!
Quả nhiên sau này bài thơ ứng nghiệm câu "trong trần ai, ai dễ biết ai!", Đặng Trần Thường bị Gia Long xử tội giảo, thắt cổ chết, và bị tịch biên gia sản vào năm 1816 .
Oái oăm thay, vế đối "ai dễ biết ai" Đặng Trần Thường thốt ra, vô tình như một tiếng kêu than về sự bí ẩn của kiếp người. Đặng Trần Thường có chắc là vẫn mãi công hầu khanh tướng đến cuối đời không?
Nhân tiện cũng nói thêm có hai câu đối khác tuy ít “nổi tiếng” hơn so với hai câu vừa đề cập trên, nhưng cũng khá hay do nghệ thuật sử dụng ẩn ý.
Đó là câu giữa Hà Tôn Quyền và Nguyễn Công Trứ.
Hà Tôn Quyền được vua ban chức cao song thực chất lại chẳng có tài cán gì. Khi Hà Tôn Quyền còn tại chức Nguyễn Công Trứ vẫn chỉ là một vị quan tép riu. Nhân một lần đến nhà Hà Tôn Quyền chúc thọ, Hà Tôn Quyền vốn đã rất ghét Nguyễn Công Trứ cho nên nhân dịp này lão muốn cho cụ Trứ nhà ta một vố đau. Lão nói "bọn trẻ nhà tôi hay đọc câu này mà tôi nghĩ chẳng biết nên đối lại thế nào Không biết ông Trứ có cao kiến gì chăng?
- Quân tử ố kỳ văn chi trứ
(Đây là một câu trong sách Trung dung, có nghĩa là người quân tử rất ghét loại văn chương hoa mỹ. Song thực chất lão muốn nhấn vào 4 chữ “quân tử ố… trứ” - quân tử ghét ông Trứ).
Lão đâu ngờ khi cụ Trứ vừa nghe thấy câu này biết ngay lão muốn xỏ xiên mình liền đối lại ngay.
- Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền.
Nghe xong lão Quyền thấy xấu hổ và rất phục cụ Trứ, lẳng lặng bỏ qua. Cái hay của câu này là, cụ Trứ dùng ngay câu trong sách Trung Dung để đối lại câu trong sách Trung Dung, vả lại trong câu đó cũng có nghĩa là “thánh nhân bất đắc dĩ lắm mới dùng ông Quyền” chẳng phải là đau lắm sao?
Thời hiện đại có lão quốc sư làm cả cặp câu đối luôn, chắc khi dễ dân chúng kém hiểu biết về cách chơi đối chữ nên khi có tân tể tướng đến thăm, lão quốc sư tăng luôn cả hai câu đối “Tàu – Ta lộn tùng phèo”, không hiểu do nịnh quá hóa lú nên thiên hạ một thời gian cũng phiếm đàm khá nhiều; đó là câu đối “tân thời” sau đây:
"Tể tướng giáng trần, chí tráng tâm hùng Xuân mãi mãi;
Anh hùng nhập thế, dân an quốc thái Phúc vô biên"
Thôi cái chuyện “Tể tướng giáng trần, anh hùng nhập thế…” gì đó tôi không có thời gian luận bàn, chỉ nhắc lại chuyện xưa còn chuyện nay thì thiên hạ luận vậy …
Hoài Nguyễn
04/9/2016
* * *
Xem bài liên hệ với đề tài : click vào đây
Xem bài trên trang Biên khảo: click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com