Trường Nguyễn Tri Phương, Huế (trước là trường Việt Anh) tại đây tôi là học trò của ông thầy Cao Cự Phúc trắng trẻo thư sinh, kính cận và tóc đen chải láng. Về nhà thì Phúc gọi tôi bằng chú, vì liên hệ họ hàng bên ngoại. Đáng lý phải gọi bằng ôn, như gọi anh tôi. Nhưng vì tôi còn nhỏ nên gọi là chú.
Về thưởng ngoạn nghệ thuật, cũng như nhiều người ái mộ, tôi rất thích các nhạc phẩm trở thành tuyệt tác về lời ca và cung điệu của Hoàng Nguyên cho Đà Lạt. "Ai lên Xứ Hoa Đào", "Bài Thơ Hoa Đào". Viết cho Huế, cho tình Huế, cho một tình mơ dang dở, vương vấn khôn khây với tà áo tím thướt tha. "Tà Áo Tím".
Khoảng trước năm 1954. Từ kháng chiến trở về, Phúc dạy văn cho chúng tôi ở các lớp đệ nhất cấp Trường Nguyễn Tri Phương. Không lâu thì Phúc bị chính quyền bắt giữ vì có liên hệ đến Phòng trào hoà bình của nhóm Võ Đình Cường, Tôn Thất Dương Kỵ...
Cùng bị lưu giữ còn có nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, thầy dạy nhạc rất được học trò yêu thích. Tôi có đến Nha Công An Huế, cũng không xa trường bao nhiêu, để thăm. Phòng lưu giữ Phúc nằm trên lầu hai của toà nhà. Phòng rộng thoáng mát, có bàn viết và giường nằm. Cũng không thấy có lính canh gác hay theo dõi. Như vậy chính quyền chỉ lưu giữ chứ không phải bắt giam.
Sau đó không lâu Phúc được thả. Vào lúc đó, thời gian cận kề ngày ngưng chiến với Hiệp Định Geneve 1954, tinh thần kháng chiến chống Pháp của các tầng lớp yêu nước dâng cao. Cho nên thầy Việt văn Cao Cự Phúc được học trò ngưỡng mộ khi được biết, ông chính là Hoàng Nguyên, tác giả của bài ca "Anh Đi Mai Về", qua giọng hát của đôi song ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết, đang nổi tiếng ở Huế.
Sau thầy Nguyễn Hữu Ba với "Lửa Rừng Đêm", Hoàng Nguyên là vị thầy nhạc sĩ của trường. Cả hai đều được học trò quý trọng và mến yêu vì tài năng, vì phong cách nghệ sĩ thân tình.
Từ Huế, Phúc lên dạy học ở Đà Lạt. Thời gian Phúc ở Đà Lạt tôi có ghé thăm một lần, lúc đó Phúc thuê căn phòng đầu đường Phan Đình Phùng dốc cao. Gần nhà sách Thiên Nhiên của gia đình chị Lê Tất Điều. Nhà sách nổi tiếng với những người rất đẹp thấp thoáng sau quầy.
Cạnh đó là nhà của người đẹp trường đầm, với nốt ruồi duyên dáng Tôn Nữ H. Đỗ Kim Bảng, một nhạc sĩ mà ai là học sinh ở Huế đều biết ca khúc "Mùa Thi" của anh, cũng lên Đà lạt và thuê nhà vùng đó. Hoàng Nguyên trở thành khách ăn cơm tháng của anh chị Bảng.
Khi Phúc về Saigòn học sư phạm 1961, thì gia đình chúng tôi ở đường Cao Thắng, bên cạnh anh chị Nguyễn Sĩ Tế. Tôi ở với anh chị Lữ Hồ. Phúc thường ghé ăn cơm chiều.
Một buổi tối chờ cơm, Phúc cầm món đồ chơi bàn phiếm piano nhỏ của đứa cháu con anh Lữ Hồ, gõ tới gõ lui miệng lẩm bẩm. Cười, vui bất chợt. "Chú nghe câu hát này thế nào?". Nói xong Phúc gõ phiếm và hát say sưa.
"... Đường nào lên Thiên thai, đường nào lên thiên tai... Ấy đường qua ngõ mắt thơ ngây..., đưa hồn anh lạc vào tận tim ai..."
Những câu hát chiều hôm đó là một sáng tạo kỳ thú cho đoạn kết của nhạc phẩm "Đường nào lên Thiên thai" được xuất bản sau đó.
Thời gian này, tôi có người chị con ông bác ở Tây về, cần người dạy kèm để thi Tú Tài Việt. Anh tôi giới thiệu để Phúc dạy kèm văn chương Việt, Anh. Kèm toán, lý, hoá có anh Lê Quang Vịnh và tôi, là thằng em.
Một sự tình cờ, hai ông thầy này đều trước sau bị tù Côn Đảo. Một ông, thay vì lãnh án tử hình về cõi thiên đường, thì giờ này còn sống ở Huế cũng trong thiên đường, thiên đường XHCN! Hoàng Nguyên, với những ngày tù gánh thêm cho mình một nghiệp tình đắng cay và bạc mệnh khi chưa bước vào tuổi ngũ thập để “Tri thiên mệnh”!
Khi Hoàng Nguyên động viên phục vụ trong ngành Quân cụ, gia đình anh Lữ Hồ đã dọn về đường Nguyễn Huỳnh Đức. Phúc ở một ngôi nhà thuê trong đường Trương Minh Giảng. Không xa nhà của danh sư sơn mài Nguyễn Gia Trí. Nhà khang trang, nhưng chiều đến thì mùi bùn của kinh Nhiêu Lộc xông lên nồng nặc.
Thời gian này, Trúc Phương nhạc sĩ bắt đầu nỗi danh với những nhạc phẩm Bolero viết về đời lính, thường theo Phúc đến chơi. Bên cạnh Hoàng Nguyên, phong nhã trắng trẻo, Trúc Phương đen sậm, khó mà biết được đó cũng là một nghệ sĩ tài năng, một người Nam hiền lành, chân chất và dễ thương.
Mến mộ tài năng, Đại tá nhạc sĩ Anh Việt Trần văn Trọng can thiệp để thiếu úy Cao Cự Phúc về phục vụ trong ban tài chánh Cục Quân Cụ. Vào giai đoạn này, Hoàng Nguyên đã được đông đảo hâm mộ. Thành công về sáng tác và nổi tiếng về Chương trình ca nhạc truyền hình Hương Thời Gian.
Tôi tránh không nói về các cuộc tình và các nhạc phẩm của Hoàng Nguyên, đã có quá nhiều người nói đến.
Năm 1973. Thời gian này gia đình anh Lữ Hồ về ở đường Chi Lăng. Gần ngã tư Phú Nhuận. Phiá bên kia đường là Cư Xá Chu Mạnh Trinh. Hoàng Nguyên cùng vợ con ở đó. Là láng giềng với gia đình Phạm Duy, Nguyễn Mạnh Côn (tác giả Mối Tình Màu Hoa Đào, chết trong trại tù CS sau 75), Dân biểu Hà Như Hy... Căn nhà Hoàng Nguyên thuê ở là của đôi uyên ương Hoàng Trọng Hàn - Xuân Lan.
Lúc này tôi cũng đã bị động viên và đồn trú tại Căn Cứ 49, trên đỉnh Núi Nhỏ, Vũng Tàu.
Mỗi tháng Thiếu uý Cao Cự Phúc cùng nhân viên đem lương ra phát cho quân nhân trực thuộc tại Vũng Tàu. Ngày 21 tháng 8 năm 1973, trên đường Saigòn - Vũng Tàu, khoảng gần Quán Chim, nơi Việt Cộng thường đắp mô và phục kích, chính tại đây tài xế xe Jeep của Phúc lạc tay lái đâm nhào xuống ruộng. Tất cả văng ra ngoài.
Tuy có thương tích nhưng tất cả đều thoát nạn. Riêng Hoàng Nguyên, bị cái bánh xe xơ cua đằng sau xe sút vít, lăng ngay qua ngực, gãy xương sườn. Xương gãy đâm nát phổi gây tử vong.
Không thể giải thích được cái chết vô lý đến như vậy. Năm đó Hoàng Nguyên vừa qua tuổi bốn mươi. Hoàng Nguyên tuổi Kỷ Tỵ 1930, nhưng giấy khai sinh ghi là 3-1-1932.
Di ảnh Nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Đại Úy QLVNCH Cao Cự Phúc.
(Hình của gia đình cung cấp)
Tang lễ cử hành tại tư gia, Cư Xá Chu Mạnh Trinh. Hàng đêm tôi thường lặng lẽ có mặt. Xúc động khi nghe các ca nhạc sĩ bạn bè và đàn em, đêm đêm quá nửa khuya, khi phòng trà và vũ trường đóng cửa, trở về tụ họp, chơi các nhạc phẩm của Hoàng Nguyên để thương tiếc một tài hoa đoản mệnh.
Gia đình có xin với vợ Hoàng Nguyên để cho cháu con trai đích tôn với người tình trước, được ôm ảnh cha trong ngày tiễn đưa. Lời đề nghị này không được chấp thuận. Đám tang đi bộ từ nhà đến nghiã trang Mạc Đỉnh Chi.
Một ngày trời nắng đẹp. Đông người đưa tiễn. Đến nghĩa trang, khi hạ huyệt, tiếng kèn saxo hoà với lời hát chan đầy nước mắt, nghẹn ngào.
"Khóc mà chi yêu thương qua rồi. Than mà chi có ngăn được xót xa...".
“Thế là hết, nước trôi qua cầu. Đã chìm sâu những tháng ngày đắm mê..."
Những lời ca uất nghẹn "Cho người tình lỡ", Hoàng Nguyên đã viết như lời vĩnh biệt cho chính mình.
Mọi người đã khóc. Và tôi cũng đã khóc. Khóc tiễn một người thầy của những năm tháng tươi đẹp dưới mái trường xưa. Khóc tiễn một người cháu lớn tuổi. Và khóc tiếc một tài năng âm nhạc, mà những bản tình ca dù đau thương nức nở, hay lãng mạn trữ tình, cũng làm cho đời đáng nhớ, đáng sống và đáng yêu hơn.
Viết thêm.
Bài này viết riêng cho mấy bạn bè Huế rất thân. Nhưng rồi có nhiều người thư hỏi: Có thật "Tà Áo Tím" là bản nhạc tình viết cho chị Hoàng Thị Dạ Thảo? Xin thưa. Chỉ đúng một phần. Dạ Thảo là một tình yêu rất nhẹ mà lãng mạn, buồn vương thương nhớ. Thực và hư như khói sương, da diết như sắc tím của áo ai.
Cảm hứng đa tình nghệ sĩ đã rung động Hoàng Nguyên viết nên ca khúc của tình yêu rất tím, rất Huế. Bài ca viết khi đã xa Huế, người xưa cũng đã yên bề. Một hoài niệm dĩ vãng không chỉ riêng cho hình bóng Dạ Thảo mà cho tất cả chúng ta. Những người đã, đang buâng khuâng nhớ về một tà áo tím thoáng bay trên khung cầu lỡ nhịp.
Cũng thật lạ và thật hiếm, chị Dạ Thảo lại là một ảo ảnh mà Lê Trọng Nguyễn chỉ thoáng nhìn trong không gian khuê các của Cung An Định Huế, gợi nhớ tha thiết đến người yêu đầu cách xa, để trong phút chốc đã cảm hứng sáng tác ca khúc tuyệt vời bất hủ "Nắng chiều".
Có thể nói, Dạ Thảo là hình tượng hay ảo ảnh, nhưng hồn Huế và sắc Huế mới thật là gợi hứng nghệ thuật cho hai nhạc phẩm tuyệt tác. “Nắng chiều” và “Tà Áo Tím”.
Ninh Hạ
Chicago, Thanksgiving 2015
* * *
Xem bài cùng chủ đề, click vào đây
Nghe thêm trên trang Nhạc, click vào đây
Trở về Homepage www.nuiansongtra.com