Bệnh tật là sự rối loạn của cơ thể hay tâm trí của con người. Tất cả những bệnh tật đều có ảnh hưởng đến hầu hết những hình thái sống của con người; kể cả những loài động vật, thực vật, và những sinh vật có một tế bào đơn độc (one-celled organisms). Trong con người và những động vật khác, những bệnh tật là nguyên nhân chính yếu gây ra sự đau khổ, sự ốm yếu tàn tật và sự chết. Trong thực vật, những bệnh tật gây nên sự tàn phá mùa màng, vườn cây, và làm giãm bớt sự thu hoạch trong việc trồng trọt.
Trong bài này, chúng ta chỉ tìm hiểu về bệnh tật của con người.
1- BỆNH TẬT VÀ SỨC KHỎE CON NGƯỜI:
Theo bệnh lý học, những bệnh tật có thể xảy ra cho con người qua những sự đau yếu bất ngờ, những tàn phế bất lực dài hạn, hay hậu quả không thể tránh được của tuổi già. Trong đời sống, tất cả mọi người, ít nhiều, đều đã trải qua những lúc bệnh tật. Tuy nhiên, giữa những cá nhân, hầu hết những bệnh tật có thể có tính chất cá biệt khác nhau. Sự khác biệt này do nhiều yếu tố khác nhau như: tuổi già, môi trường sống, di truyền tính, điều kiện xã hội, sự cố gắng quá sức lực trong đời sống, tình trạng sức khỏe chung của mỗi cá nhân,...
Hơn nữa, theo di truyền học, Genes (tạm gọi: chất căn nguyên di truyền) là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sức khỏe. Genes là những chất hướng dẫn hóa học trong các sinh vật. Chúng kiểm soát cách sống sinh lý mà các sinh vật cần để tăng trưởng, và thực hiện chức năng. Mỗi tế bào con người chứa đựng khoảng từ năm chục ngàn (50,000) đến một trăm ngàn (100,000) genes. Những hướng dẫn căn nguyên di truyền của genes quá phức tạp, đến nỗi chúng có thể sinh ra nhiều lầm lỗi. Những lầm lỗi này có thể đưa đến những bệnh tật.
Về sức khỏe, thái độ sống cá nhân trong đời sống hàng ngày cũng đóng một vai trò quan trọng trong bệnh tật. Bởi vì, con người có thể có những lựa chọn về cách sống, để giúp bảo vệ sức khỏe của mình. Thí dụ như: không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên, ăn uống hợp phép dinh dưỡng. Cũng như, một số yếu tố khác trong đời sống còn có thể ảnh hưởng gây cho con người trở nên đau yếu. Thí dụ như: sự cố gắng quá sức (stress), sự buồn chán (depression), và những tình trạng cảm xúc khác,... Hơn nữa, tùy theo cách thức và mức độ cảm nhận của mỗi người khác nhau, mà bệnh tật có thể trở nên trầm trọng, hay được thuyên giảm nhanh chóng.
Ngoài ra, trong đời sống quần chúng, sự cải thiện tốt hơn về những tiêu chuẩn, và điều kiện vệ sinh đóng một vai trò quan trọng, để giúp cho con người tránh được một số bệnh tật.
Theo các nhà nhân chủng, tùy theo trình độ văn hóa của mỗi dân tộc, những quan niệm về sức khỏe và bệnh hoạn cũng có những khác biệt. Thí dụ: Trong những quốc gia tiền tiến, những người bị đau yếu, vì cảm lạnh hay những bệnh nhẹ khác, họ không phải đi làm việc hoặc đi học. Họ được nghỉ dưỡng bệnh tại nhà, với sự chăm sóc điều trị của bác sĩ. Trái lại, trong các nước chậm tiến, những người bệnh vẫn phải tiếp tục làm việc bình thường, vì họ phải đáp ứng những nhu cầu cần thiết khác trong đời sống hàng ngày; nếu sự đau yếu không khiến họ bị bất lực hoàn toàn.
Theo Tổ chức Sức khỏe Thế giới (World Health Organization) vào giữa thập niên 1900’s, hầu hết tuổi thọ con người không sống quá năm mươi (50). Nhưng càng về sau, tuổi thọ con người trên thế giới càng được gia tăng; đối với các nước tiền tiến, tuổi thọ trung bình có thể tiến đến tuổi tám mươi lăm (85). Tuổi thọ gia tăng đã mang đến cho con người một vấn nạn mới. Đó là những bệnh tật của tuổi già. Trong nhiều quốc gia, hiện nay, hầu hết sự chết và tàn phế bất lực của con người thường do những chứng bệnh như: viêm khớp xương (arthritis), ung thư (cancer), tim mạch (heart disease), giảm chất xương (osteoporosis).
2- BỆNH TẬT TRONG LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI:
Theo các nhà khoa học, những bệnh tật đã xuất hiện từ khi có sự sống của các loài sinh vật. Bằng chứng qua những nghiên cứu, về những xác ướp người Ai Cập, có hai ngàn năm (2,000.) trước đây, các nhà khoa học đã tìm thấy sự hiện diện của nhiều bệnh tật trong những xác ướp này, giống như những bệnh tật gây ra ở con người hiện nay. Tuy nhiên, những bệnh tật cũng có nhiều thay đổi qua thời gian.
Trong lịch sử loài người, những bệnh truyền nhiễm như: bệnh dịch, đậu mùa, và viêm phổi, là những nguyên nhân chính gây nên sự chết và bất lực cho con người. Trong vài trường hợp, những bệnh tật này đã gây ảnh hưởng đến quá trình diễn biến lịch sử. Thí dụ như: nhiều sử gia nghĩ rằng vào thập niên 1500’s, để được dễ dàng hơn trong việc chiếm đất châu Mỹ, những người thám hiểm gốc Tây Ban Nha đã du nhập bệnh đậu mùa, như là một vũ khí đã sát hại một số lớn thổ dân Mỹ da đỏ.
Vào 1796, Edward Jenner, y sĩ người Anh, khám phá ra thuốc chủng đầu tiên để chống lại bệnh đầu mùa, để khởi đầu một tiến bộ quan trọng trong việc chống lại những bệnh truyền nhiễm.
Vào thập niên 1800’s, những bác sĩ y khoa mới bắt đầu ý thức đến tầm quan trọng của tính chất sạch sẽ, và chất khử trùng, trong việc ngăn ngừa sự lây bệnh.
Vào thế chiến thứ hai (1939 – 1945), việc phổ biến dùng những thuốc kháng sinh (antibiotics) là một tiến bộ quan trọng khác trong lịch sử chống những bệnh truyền nhiễm. Những năm sau đó, thuốc kháng sinh (antibiotics) được người ta xem như loại thuốc thần diệu, vì hiệu quả cứu mạng của nó đối với những bệnh truyền nhiễm độc hại nhất của con người.
Vào năm 1980, theo tổ chức sức khỏe thế giới (World Health Organization), bệnh đậu mùa không còn là một bệnh đe dọa trầm trọng của con người. Nhưng những bệnh truyền nhiễm khác vẫn tiếp tục sinh ra những vấn đề cho con người. Trong một số trường hợp, một số siêu vi khuẩn truyền bệnh đã có khả năng chống lại hiệu quả của thuốc kháng sinh. Do đó, chúng có thể tái hồi phục mối đe dọa cho sức khỏe thế giới.
Dù sao đi nữa, những thuốc chủng ngừa, chất khử trùng, và những thuốc kháng sinh đã chứng tỏ hiệu quả và đã giúp cứu mạng con người vượt qua những bệnh truyền nhiễm; vì vậy, kỳ vọng tuổi thọ con người cũng được gia tăng.
Vào cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học đã khám phá thêm một số bệnh chứng mới. Thí dụ như: Một loại siêu vi khuẩn “Rota-Virus” được khám phá trước tiên vào đầu thập niên 1970’s, là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh tiêu chảy (diarrhea) cho trẻ em trên thế giới. Ngoài ra, còn có những bệnh mới khác như: loại bệnh viêm phổi (pneumonia) gọi là “Legionnaires’ disease” và “Lyme disease” do sự truyền nhiễm của những con bọ.
Những thay đổi trong cách sống của con người thời đại cũng đã ảnh hưởng đến những mẫu loại bệnh tật thế giới. Thí dụ, hiện nay, việc du hành cao tốc quốc tế là phương tiện giúp cho việc truyền nhiễm bệnh tật nhanh chóng, và nhiều hơn lúc xưa. Bằng chứng là bệnh AIDS, một loại bệnh hiện đại đã được các bác sĩ khám phá đầu tiên tại Hoa Kỳ, vào đầu thập niên 1980’s. Sau đó, bệnh AIDS đã trở nên một bệnh dịch truyền nhiễm nhanh chóng, và lan rộng trên khắp thế giới.
Từ xưa đến nay, các nhà khoa học trên thế giới đã không ngừng nghiên cứu, để tìm hiểu cách thức thay đổi của những bệnh chứng, và những thay đổi của chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ngoài ra, họ còn nghiên cứu những mô hình về những sự nhiễm bệnh, những thay đổi về dân số, và đời sống xã hội con người. Từ đó, họ đã khám phá ra những sự hiểu biết mới vào trong những vấn đề như: vai trò của Genes, sự ảnh hưởng của môi trường, những hậu quả của tuổi già. Với những cố gắng nghiên cứu không ngừng về bệnh tật, các nhà khoa học hy vọng rằng những khám phá hữu ích trong quá khứ sẽ là những động cơ thúc đẩy giúp họ đạt được những thành công tiến bộ hơn trong tương lai.
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.