Câu chuyện bất đầu khoảng mười mấy năm trước khi tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ ra đời.
Có một ni cô đang tu hành tại cổ am nọ, bỗng một ngày có chàng thanh niên đi ngang qua phải lòng và bày tỏ mong cô hoàn tục, cùng y gá nghĩa trăm năm. Để chứng thực mối tình thâm trọng, chàng đã tự cạo đầu xuất gia thành một hòa thượng, hiệu là Bất Giới với thành ý nếu vì hai người yêu nhau Phật tổ có trách phạt thì phạt cả hai, không để cho một mình nàng gánh chịu. Tấm lòng thành đó đã chinh phục được trái tim ni cô giã từ cửa Phật trở lại hồng trần.
Hai người kết duyên chồng vợ và sinh hạ một cô con gái.
Một hôm chàng trông thấy nữ hiệp xinh đẹp kiếm phái Hoa Sơn Ninh Trung Tắc (tức là sư mẫu Lệnh Hồ Xung sau này) đi ngang qua, nên có vài lời trao đổi, không dụng ý gì cả, nhưng không ngờ đã đụng đến lòng ghen tuông như núi của vợ. Nàng không nói một câu, bỏ ra đi biền biệt khiến ông hòa thượng Bất giới phải ôm con chân trời góc biển tìm kiếm.
Ông lang thang đến núi Hằng Sơn và có cơ duyên gặp các sư thái nhận cô con gái làm đệ tử đặt pháp danh là Nghi Lâm.
Người vợ có máu ghen khủng khiếp ấy biết con mình đang ở Hằng Sơn nên sau đó đã hóa trang làm một bà già vừa câm vừa điếc, ở lại phái Hằng Sơn lo việc tạp dịch, gọi là Á Bà Bà để sớm hôm được gần gũi con.
Tiểu ni cô Nghi Lâm lớn lên, không hề biết mẹ mình là ai, chỉ biết sư phụ và các sư tỷ muội chung quanh, tâm hồn ngây thơ trong trắng, hoàn toàn không hay bà tạp dịch câm điếc Á bà bà hằng ngày gặp gỡ chính là mẹ ruột mình.
Mười mấy năm sau, giang hồ nổi sóng
Võ lâm lúc đó ngoài hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang đứng đầu, kế đến là năm kiếm phái khác là Hoa Sơn, Thái Sơn, Hằng Sơn, Hành Sơn, và Tung Sơn. Phái Tung Sơn ỷ thế mạnh nhất nên chưởng môn Tả Lãnh Thiền âm mưu kết hợp năm môn phái thành một Ngũ nhạc kiếm phái do y thống lẫnh, đủ mạnh để thành thế chia ba chân vạc cùng Thiếu Lâm và Võ Đang.
Trong dịp Ngũ nhạc kiếm phái đến dự lễ gác kiếm quy ẩn của sư thúc phái Hành Sơn Lưu Chính Phong, đệ tử Hằng Sơn Nghi Lâm bị tên đại đạo hái hoa Điền Bá Quang bắt cóc toan bề cưỡng bức, may nhờ đệ tử phái Hoa Sơn Lệnh Hồ Xung bắt gặp và ra tay cứu giúp.
Tuy là đại đệ tử kiếm phái Hoa Sơn, Lệnh Hồ Xung vẫn chưa phải đối thủ của Điền Bá Quang, nhưng nhờ lòng dũng cảm và nhiều mưu kế thông minh, cuối cùng chàng đã cứu được ni cô Nghi Lâm khỏi tay tên đại đạo.
Lãng tử Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ sau nhờ gặp sư tổ Phong Thanh Dương được ông truyền dạy đường Độc Cô Cửu Kiếm lấy vô chiêu thắng hữu chiêu, đánh bại Tịch Tà kiếm pháp của tên ngụy quân tử Nhạc Bất Quần, phá tan mọi âm mưu hiểm độc của y, bảo vệ công lý và chính nghĩa cho võ lâm, nhưng đó là chuyện khác.
Đây nói về Nghi Lâm sư muội,
Nàng ni cô ngây thơ thanh khiết đó lần đầu tiên trong đời xuống núi đã gặp ngay vấn nạn với tên đại đạo hái hoa may nhờ Lệnh Hồ Xung giải cứu. Nghi Lâm tuy là một người xuất gia, nhưng dù sao cũng là cô gái mới lớn lên lần đầu tiên tiếp xúc với thế giới bên ngoài và gặp ngay một người vì mình mà bị tên đại đạo đánh cho tơi tả làm sao tránh khỏi lòng cảm động và ngưỡng mộ vị Lênh Hồ đại ca anh dũng, thông minh quyền biến đó. Và lòng ngưỡng mộ chẳng mấy chốc biến thành tình yêu nồng thắm.
Ông Kim Dung một lần nữa, đã dùng quyền tác giả của mình đặt cô Nghi Lâm vào một tình thế khó xử. Nàng biết mình là người cửa Phật, nhưng từ đây trái tim đã khắc ghi thêm hình bóng của Lênh Hồ đại ca. Nỗi niềm biết tỏ cùng ai?
Có câu người gỡ dây chuông phải là người buộc dây.
Ông Kim Dung tạo ra ngang trái nhưng đã giải quyết ổn thỏa như trongThần Điêu Đại Hiệp khi tác hợp cho hai người: sư phụ Tiểu Long Nữ và đệ tử Dương Qúa vượt qua được hàng rào luân lý, thành đôi uyên ương tuyệt mỹ. Nhưng ở đây, Nghi Lâm với Lệnh Hồ Xung thì không thể, bởi vì tình yêu của Nghi Lâm là đơn phương, và ông Kim Dung không thể để một bóng hình nào khác hơn vào traí tim Lệnh Hồ Xung đã hoàn toàn trao trọn cho Doanh Doanh.
Ông cũng không muốn đắc tội với Phật tổ lần nữa nếu để cho Nghi Lâm chiếm được trái tim Lệnh Hồ Xung và hoàn tục kết hôn cùng chàng, như mẹ của nàng đã hoàn tục.
Không thể kết hợp, nhưng ông đã cho nàng một cơ hội thỏ lộ tâm tình.
Tiểu ni cô Nghi Lâm tâm sự chồng chất bèn tìm đến một người duy nhất trên đời có thể ngồi nghe nàng giải bày đó là bà tạp dịch Á bà bà vừa câm và điếc. Nàng nói không cần bà phải nghe, và nhất là sẽ không nói gì lại hết.
Tuy nhiên Nghi Lâm không biết Á bà bà hôm nay đã là một người khác, chính là người trong mộng Lênh Hồ Xung hóa trang để đột nhập về Hằng Sơn. Cho nên bao nhiêu nỗi niềm thương yêu trìu mến với Lệnh Hồ Xung tưởng sẽ đi vào hư vô, thực ra đã được Lệnh Hồ Xung nghe trọn vẹn.
Tuyệt vời!
Ông Kim Dung đã xếp đặt câu chuyện để cho tình yêu của Nghi Lâm không thành mối tình câm nín. Nàng đã thổ lộ tâm tình với người mình yêu, dù không biết đó chính là chàng. Có lẽ đó là cách tác giả Kim Dung tạ tội với nhân vật của mình.
Truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ kết thúc. Những tên gian hùng như Nhạc Bất Quần, Tả Lãnh Thiền, Đông Phương Bất Bại đều bị tiêu diệt. Ngay cả Nhậm Ngã Hành cũng tự diệt. Không còn ai gây sóng gió, thiên hạ thái bình.
Từ nay đôi tình nhân Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh như chim liền cánh, bên nhau hạnh phúc. Chắc họ sẽ không còn nhớ đến nàng ni cô si tình Nghi Lâm sư muội đêm đêm một mình trên núi Hằng Sơn, trong câu kinh tiếng kệ đều gởi lời chúc lành đến Lệnh Hồ đại ca và Nhậm tiểu thư, để rồi...
"Chuông khuya dẫn mối sầu về
Giọt buồn ai để rơi nhòe trang kinh"
Có bao nhiêu giọt lụy tình phải rơi xuống trang kinh cho đến khi Phật pháp hoàn toàn hóa giải được mối tình trong lòng của Nghi Lâm sư muội với Lệnh Hồ đại ca?
ThaiNC
(facebook ThaiNC)
* * *
Xem bài cùng một chủ đề: click vào đây
Xem trang Kiến thức, tài liệu: click vào đây
Xem bài trang Tạp văn tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net