Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 01, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Hải Quân - VNCH
NGƯỜI THỦY THỦ GIANG ĐOÀN 21 & 33 XUNG PHONG (Nguyễn Văn Ơn)
Webmaster

 

 

 

Huy hiệu GĐ 21 XP & GĐ 33 XP

 

Theo sử gia Bill Laurie (1) thì QLVNCH đã có sự thay đổi đáng kể về quân số cũng như khả năng tác chiến vào những ngày Tết-Mậu-Thân 1968 cho đến ngày Quốc hận 30 tháng 4 năm 1975. Mặc dầu chiến tranh VN đưọc cả thế giới lần đầu tiên gọi là cuộc chiến trên truyền hình (The first televised war), nhưng giới truyền thông thường làm ngơ trước các thành tích đáng kể của QLVNCH – một binh chế có trên một triệu quân – khiến cho dân chúng Hoa-Kỳ cách xa bán đảo Đông-Dương gần nửa trái đất, không thể nào biết được việc gì đã xảy ra tại nơi đó. Hậu quả của sự làm ngơ thiếu công bằng này làm cho sách sử không có đủ chứng liệu thật sự nhằm lưu lại cho hậu thế.

 

Laurie cũng nhìn nhận, ngoài việc một số hảng thông tấn chạy theo lợi nhuận quá đáng cũng còn có không ít ký giả mang cái nhìn thiên kiến rõ rệt (Media of bias), vì sợ mất lòng CSBV nên không dám đề cao tinh thần chiến đấu của QLVNCH, điểm mạnh tích cực của Quân đội miền Nam lúc bấy giờ. Laurie còn nhắc lại rằng học giả uyên bác hàng đầu về chiến tranh VN tại Mỹ là Douglas Pike, trong quyển History of Vietnamese Communism 1925-1976 Hower Institution Press 1978, cũng đi đến kết luận là CSBV và con đẻ Việt-Cộng của họ đã bị QLVNCH đánh đại bại trong hai chiến dịch lớn Tết-Mậu-Thân và Hè-Đỏ-Lửa tại miền Nam; lý do là chiến thuật và tinh thần quân tranh của Quân đội miền Nam vượt trội hơn bất kỳ một Sư đoàn tinh nhuệ nào của miền Bắc.

 

Bất bình trước những lời buộc tội vô căn cứ của một số đông ký giả chưa hề đặt chân đến chiến tuyến như David Halberstam chẳng hạn – người thắng nửa giải Pulitzer 1964 – thường đổ riệt cho QLVNCH là không đủ sức đánh nhau, nên sử gia Laurie quyết định tổ chức cuộc hội luận” Nghĩ lại và tái thẩm định QLVNCH sau 30 năm – RVNAF: Reflection and Reassessment after 30 years”, tại đại học Texas Tech vảo tháng 3/2006 và cho ông Nguyễn-Tiến-Việt dịch bài thuyết trình này ra Việt ngữ nhằm phổ biến rộng rãi trên các nhật báo cùng tuần san địa phương.

 

Cần nói thêm là trong thời gian phục vụ tại VN, Thiếu tá Laurie đã bỏ ra thật nhiều công sức sát cách thường xuyên với quân binh chủng thuộc Vùng 4 Chiến-Thuật đang hành quân để được tận mắt mục kích chiến trường. Dựa vào quá trình này, trong khi thuyết trình, Laurie thỉnh thoảng kể lại câu chuyện bên lề, trích từ Nhật ký công tác Mỏ-Vẹt (Parot’s Beak Border Diary) bên cạnh, đưa ra những thí dụ cụ thể để thu hút thêm sự chú ý của cử tọa. Trong đó có kế hoạch đặt máy báo động điện tử (Remote Electronic Detection Devices: ADSID Sensor) (2) vùng phía bắc kinh Lagrange do Laurie thực hiện đã cứu đến hàng trăm sinh mạng quân nhân QLVNCH và gia đình họ trong Căn cứ Hải quân Tuyên-Nhơn kể cả Chi khu Tuyên-Nhơn sát nách, khi Đoàn đặc nhiệm 232 Việt-Cộng/CSBV do tướng Lê-Đức-Anh chỉ huy (3) tấn công tàn bạo vào đây hai lần, hồi đầu năm 1975.

 

 

LCM Monitor.

 

Nhờ hệ thống Sensor tầm xa báo động sớm mà HQ/Thiếu tá Lê-Anh-Tuấn, Chỉ huy trưởng Giang đoàn 43 Ngăn-Chận trú đóng nơi này mới có quyết định áp dụng chiến thuật phòng thủ thích hợp nhất, đánh hai trận phòng ngự tuyệt vời bẻ gãy mưu đồ của đoàn 232 định san bằng căn cứ này (3). Cũng qua buổi hội luận, người ta được biết thêm sử gia Laurie là một diễn giả nói và viết khá rành tiếng Việt; riêng người sưu tập sử liệu hết sức xiển dương văn phong sống động của ông ta khi tường thuật lại cuộc chạm súng trong sông mà hoạt cảnh tác chiến không thua gì những phim chiến tranh trên màn bạc.

 

Từ xưa đến nay, ai cũng biết rằng đối tượng được sách sử ca ngợi hầu hết là cấp tướng, tá đang cầm quân; hiếm thấy ai hoài công đề cao khả năng và tinh thần chiến đấu của người thủy thủ trên chiến đĩnh. Mặc dầu không cùng một màu áo và cũng không thường xuyên sinh hoạt trên tàu, nhưng nhờ có cái nhìn tinh tế chính xác, nên Laurie ghi lại những điều thật tâm đắc với người thủy thủ Nước-Ngọt. Thiển nghĩ, nghe được một sử gia đề cập đến Quân chủng mình thì còn thú vị nào bằng. Do vậy, phần câu chuyện bên lề của thuyết trình viên trở thành đắt địa và đáng được chuyển ngữ để cựu Hải quân chúng ta có dịp ôn lại kỷ niệm một thời tung hoành. làm chủ sông nước:

 

“Gần cuối năm 1971, tôi (Bill Laurie) đi theo toán giang đĩnh thuộc Liên giang đoàn 21 & 33 Xung-Phong (Chỉ huy trưởng là HQ/Trung tá Lê-Thành-Uyển) vượt sông Vàm-Cỏ-Tây, nhập Đồng-Tháp-Mười (Plain of the Reeds) nhằm kiện toàn mạng lưới tình báo J2 (Electronic Surveillance) vùng Mộc-Hóa và Mỏ-Vẹt có mật khu 367 Việt-Cộng thuộc tỉnh Kiến-Tường. Đoàn giang đĩnh gồm sáu chiếc dưới sự điều động của HQ/Trung úy Tân, phải qua đêm tại căn cứ Tuyên-Nhơn nằm trên bờ Nam con kinh Lagrange để cập nhật hóa tin tức tình báo từ cuộc hành quân Giant Slingshot đang khai diễn.

 

Sáng sớm hôm sau, lúc thủy triều lên, chúng tôi tiếp tục xuôi thủy trình về thị xã Mộc-Hóa. Trên con kinh hẹp té số 12 um tùm cỏ lác và lau sậy mộc hoang cao hơn đầu người, đoàn chiến đĩnh theo đội hình tác chiến hàng dọc với 2 FOM + 1 MONITOR COMBAT +3 LCVP thận trọng giang hành độ 4 gút (7,5 cây số/giờ). Khoảng 10 giờ sáng, đoàn tàu chúng tôi lọt vào ổ phục kích của Đại đội B thuộc Tiểu đoàn 263 Chủ lực miền Đồng-Tháp, khi còn cách Mộc-Hóa chừng 10 cây số.

 

Tiếng Thượng liên RPD và Tiểu liên AK.47 của địch từ tả ngạn kinh 12 nổ dữ dội và liên tục vào đoàn tàu. Ngay đợt khai hỏa đầu tiên của địch, tất cả vũ khí cộng đồng trên các chiến đĩnh đều tức tốc hướng về mục tiêu, đồng loạt nổ râm ran đáp ứng lại rất ngon lành; bởi vì thủy thủ đoàn trên mọi chiến đĩnh đang trong tình trạng “nhiệm sở tác chiến” và sẵn sàng giao tranh.

 

 

Các chiến đĩnh tham dự cuộc hành quân trên sông

 

Cũng áo giáp, nón sắt hai lớp, súng cá nhân M.16, tôi có mặt tại vị trí ứng chiến được chỉ định trước của mình là pháo tháp đại bác 20 ly Oerlykon, sau lái chiếc MONITOR COMBAT. Tại đây, tôi được chứng kiến cách đánh giặc gan lì, dày dạn của anh Hạ sĩ Trọng pháo, xạ thủ vũ khí này.

 

Bàn tay chuyên nghiệp của anh cho nổ giòn giã từng loạt ba viên một – loại đạn đun đun, đầu chạm nổ – đốn ngã sát rạt lùn cây, bụi sậy dọc bờ kinh. Người xạ thủ với thao tác rất điêu luyện: tì chặt hai càng pháo lên vai, vừa xoay trở súng thật nhanh nhẹn quanh bán kính 180 độ theo đường ngắm, vừa bắn khốc liệt vào các mục tiêu.

 

Để khống chế hỏa lực đối phương từ các giao thông hào, anh nã không ngừng nghỉ hết 4 nồi đạn mà không bị một trở ngại tác xạ nào. Trong khi đó, về phía trước mũi, đứng xõng lưng bên cạnh pháo tháp đôi 40 ly Bofors và Đại liên 50, Trung úy Tân, trưởng toán giang đĩnh đang chỉ điểm mục tiêu tác xạ cho từng chiếc, đồng thời chỉ huy tổng thể đội hình tác chiến qua máy truyền tin PRC.25, bất chấp đạn địch rào rào bay tới. Cây Bofors và Đại liên 50 luân phiên phát quang bờ kinh cả cây số.

 

Đụng trận trong sông lúc thủy triều lên, lần đầu tiên tôi mới thấy rõ sự lợi hại của Đại bác 40 ly. Nhờ mực nước sông dâng cao chiến đĩnh làm cho pháo tháp cao hơn bờ, xạ trường không còn bị bờ kinh che khuất nữa, nên Bofors thuận tiện trực xạ diệt gọn đối phương đang ẩn núp dưới các hầm hố đã đào sẵn.

 

Với 30 phút chạm súng ngắn ngủi, hỏa lực áp đảo của đoàn tàu chiến đĩnh đã đè bẹp tiếng Thượng liên RPD và sau đó chỉ còn tiếng Tiểu liên AK.47 của địch rời rạc rồi im bặt: Việt-Cộng chém vè về hướng có cây cối rậm rạp vùng Tân-Thiết. Tôi ước lượng, ít nhất là 40 địch quân bị loại khỏi vòng chiến. Nếu có đơn vị Bộ binh Tùng đĩnh đi theo trong chuyến này, chắc hẳn chúng tôi sẽ thu được một mớ chiến lợi phẩm khi được lệnh đổ bộ lên bờ kinh. Đổi lại, chỉ có một Đoàn viên bị trúng đạn nơi bắp chân, liền đó được trực thăng tải thương về Long-An.

 

Thành thật mà nói, tôi học hỏi được rất nhiều thứ từ cuộc phục kích này, nhiều hơn những gì mà tôi học hỏi tại Georgia, nhất là tinh thần chiến đấu dũng cảm, sự phản ứng kịp thời và có kỷ luật của Sĩ quan cũng như Đoàn viên Hải quân trong sông.

 

 

 

Tiểu giáp đĩnh Fom tuần tiễu trên sông

 

Cần nói thêm, hầu hết thủy thủ VNCH đều là thành phần tình nguyện nhập ngũ; ngoài mộng hải hồ của ngưới trai trẻ, họ còn có chung quan niệm chiến đấu bảo vệ chính nghĩa Tự-Do là một nhiệm vụ cao quý. Vì vậy, lúc xông pha lửa đạn, họ thị tử như qui và xem cơ thể mình như kim cương bất hoại…

 

Thông thường, Hải quân VNCH rất tự tin vào hỏa lực vượt trội cơ hữu của mình, ít khi họ chịu yêu cầu phi pháo yểm trợ; lần này cũng vậy, Trung úy Tân chỉ yêu cầu tôi làm một việc trong vai trò cố vấn là khẩn cấp gọi trực thăng tản thương mà thôi. (giống như nhận định của Đại tá…).

 

Trên thực tế, khả năng tác chiến của Hải quân nói riêng và QLVNCH nói chung phải liệt vào bực thầy. Tôi không chủ quan hay đơn độc nhận định như vậy đâu. Thiếu gì cố vấn Mỹ tại mặt trận cũng nhận xét là binh sĩ VNCH giàu kinh nghiệm tác chiến và tinh thần đánh trận cao độ của họ rất đáng được ca ngợi”.

 

Trong phần kết thúc bài thuyết trình, sử gia Laurie mạnh mẽ bênh vực việc làm của QLVNCH trong quá khứ, đồng thời ông đã qui trách nặng nề cho Chính phủ Mỹ là đã quá thô bạo can thiệp vào chính tình Việt-Nam, như ép buộc Tổng thống Thiệu phải ký Hiệp Định Paris (đúng với tài liệu giải mật của Washington tháng 06/2009); nhất là việc cắt giảm viện trợ, tạo gánh nặng trầm kha cho VNCH khiến binh sĩ miền Nam không thể nào vượt thắng được: “… Đúng là một đồng minh bất xứng, ngu dốt và gây rối một cách đáng kinh ngạc, dưới hình thức cái gọi là Chính phủ Hoa-Kỳ…”- Bill Laurie. RVNAF 1968-1975, March 18 2006 Texas Tech, trang 18 (chữ Việt trong câu này là của sử gia Laurie viết).

 

Nguyễn Văn Ơn

Dòng Sông Cũ

February 28, 2019

 

Chú Thích

 

(1) Sử gia quân đội Bill Laurie là một người khiêm cung – có trình độ đại học nhưng lại không thích đánh giá cao bản thân – nên hiếm người biết được tiểu sử của ông. Đại khái, người ta chỉ biết “Thiếu tá ghét showing-off” này đã học qua các khóa Sĩ quan Lục quân (Fort Benning Georgia), Tình báo chiến lược Đông-Nam-Á (Ft.Halabird, Maryland), Ngôn ngữ Việt và Hán-Việt (Ft.Bliss, Texas), rồi sang VN phục vụ hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ 1, đảm nhận Trưởng lưới tình báo biên giới Việt-Miên MACV.J2 từ tháng 1/1970 đến tháng 8/1971; nhiệm kỳ 2, Trung tá Laurie đồng nhiệm với Đại tá William Legro tại cơ quan DAO từ tháng 3/1974 đến ngày 30/04/1075. Nhờ biết thông thạo tiếng Việt, Laurie dễ dàng được BTL/V4 Chiến-Thuật chấp thuận cho đi theo những đơn vị VNCH đang hành quân trong vùng đồng bằng sông Cửu-Long như Địa phương quân, Sư đoàn Bộ binh, Biệt động quân và Hải quân sông ngòi để hoàn thành nhiệm vụ nói trên. Sau năm tốt nghiệp PhD. Quân sử, Laurie tổ chức cuộc hội luận “The Republic of VN Armed Forces 1968-1975: Reflection and Reassessments after 30 years” vào tháng 3/2006 tại Đại học Texas Tech. Laurie đặc biệt nhấn mạnh đến mục tiêu đề ra, khi giới thiệu quyển Whitewash/Blackwash: Myths of the VN war (Thanh minh/Bôi lọ: Chuyện hoang đường về chiến tranh VN). Ông ta khẳng định là bản thân mình lúc này đã hội đủ thời gian cũng như tư cách để dàn trải tư duy vào quyển sách khiêm nhượng này. Đây là quyển sách gạn lọc ra các sự thật về chiến tranh VN nhằm giúp cho những ai quan tâm đến – nhất là quí vị sử gia – có được chứng liệu đầy thuyết phục ngõ hầu mạnh mẽ bác bỏ huyền thoại và đồng thời quyết tâm tu chính lại mọi trang sử sai lầm trong quá khứ. Chính những trang sử thiếu công bằng này đã làm đau khổ hàng vạn cựu chiến binh QLVNCH đang lưu vong trên khắp thế giới và ảnh hưởng sâu đậm đến con cháu họ mai sau.

 

(2) Khoảng đầu tháng 4/1975, sau hai trận tấn công khốc liệt của đoàn 232 Việt-Cộng/CSBV (đêm 06/12/1974 và đêm 26/03/1975) vào căn cứ Hải quân Truyên-Nhơn, Trung tá Lê-Tấn-Triệu, Trưởng phòng 7/BTTM nhận xét Căn cứ tác chiến này bẻ gãy được ý đồ của địch bằng hệ thống trinh sát điện tử Sensor SID (Hà-Nội gọi là Cây-Nhiệt-Đới) mà Thiếu tá Bill Laurie đã thiết kế cho phi cơ rải xuống vùng phía Bắc căn cứ từ cuối năm 1971. Nhờ đó Liên đoàn đặc nhiệm Hải quân đồn trú nơi này giải đoán chính xác đường lối điều quân của địch, qua sự hổ trợ của toán Tác chiến Điện tử do Phòng 7/BTTM huấn luyện, nên đánh bại Trung đoàn Z.15 và Liên đoàn chủ lực địa phương địch (có 1 đại đội Đặc công Biệt động). Còn Lực lượng đặc nhiệm 212 (Tuần-Thám) đưa ra nhận định là HQ/Thiếu tá Lê-Anh-Tuấn, không những biết cải tiến hệ thống phòng thủ đơn vị mà còn vận dụng chiến thuật phòng ngự thật hữu hiệu, làm cho đối phương có quân số đông gấp bốn lần cũng bị đại bại.

 

(3) Đoàn 232 được CSBV thành lập tháng 2/1975, tương đương với cấp Quân đoàn gồm Sư đoàn 2, 5 và 9 Bộ binh cùng với lữ đoàn Pháo binh 232 và Trung đoàn 25 Công binh. Tư lệnh đầu tiên là tướng CSBV Lê-Đức-Anh (Sáu-Nam) và Chính ủy là tướng Trần-Văn-Phác (Tám-Trần). Sau hai trận tấn công vào căn cứ Hải quân Tuyên-Nhơn đều đại bại, Hà-Nội ra lệnh cho tướng CSBV Nguyễn-Minh-Châu (Năm-Ngà) thay thế tướng Anh để chuẩn bị đánh chiếm thành phố Sài-Gòn qua ngã Chợ-Lớn.

 

Nguồn: https://dongsongcu.wordpress.com/2020/12/01/nguoi-thuy-thu-giang-doan-2133-xung-phong-nguyen-van-on-2/

 

*  *  *

 

Xem bài liên hệ với đề tài nầy, click vào đây 
Xem trang “Hải Quân VNCH”, click tại đây 
Xem trang “Hải Quân Thế giới”, click tại đây

Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh