Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Y học & đời sống
GIẤC NGỦ DƯỠNG THẦN
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

Việc ngủ nghỉ là một trong những yếu tố quan trọng để bảo dưỡng sức khỏe của người ta. Qua một đêm với một giấc ngủ đầy đủ an lành, khi sáng thức dậy, tâm hồn của chúng ta sẽ cảm thấy tươi tỉnh. Trái lại, việc thiếu ngủ sẽ khiến chúng ta có cảm giác bần thần, khô héo. Nếu thiếu ngủ dài hạn, chúng ta sẽ bị tổn thương trên nhiều khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày. Theo thống kê hiện nay, 1/3 dân Mỹ đang bị đau khổ do chứng bệnh mất ngủ; trong số này, nhiều người có thể vượt qua được chứng bệnh mất ngủ, vì họ biết thích nghi thay đổi cách sống (lifestyle) hàng ngày của họ. Trong trường hợp chứng mất ngủ thường xảy ra, chúng ta nên tham khảo với bác sĩ điều trị.

1- TẠI SAO CHÚNG TA CẦN PHẢI NGỦ?

Mặc dù các nhà khoa học chưa có thể giải đáp hoàn toàn về câu hỏi nêu trên, nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy cơ thể và tâm trí con người cần phải có thời gian để nghỉ ngơi, và hồi phục khí lực sau những sinh hoạt trong ngày. Bởi vì trong lúc ngủ, cơ thể con người đi dưới một chuỗi tiến trình hồi phục, và bảo tồn năng lực. Theo nghiên cứu, có hai loại ngủ: Ngủ với mắt di động (REM sleep: Rapid Eye Movement sleep) và Ngủ với đôi mắt bất động (Non-REM sleep: Non-Rapid Eye Movement sleep).

Trong khi ngủ với mắt di động (REM sleep), hoạt động não bộ gia tăng, việc mơ mộng xảy ra, và sự thông tin được tiến hành để tăng cường trí nhớ và sự hiểu biết.

Trái lại, trong khi ngủ với đôi mắt bất động (Non-REM sleep) gồm có bốn (4) giai tầng: giai tầng 1, 2, và 3 là ngủ nhẹ; trong lúc ngủ nhẹ, chúng ta có thể thức tỉnh một cách tự phát; và giai tầng 4 là ngủ mê say nhất, trong lúc ngủ mê say, chúng ta rất khó thức tỉnh.

Mỗi Non-REM sleep và REM sleep kéo dài khoảng 90 phút. Một chu kỳ của một giấc ngủ trung bình được bắt đầu tạo bởi ba phần tư (3/4) Non-REM sleep, và kết thúc bởi một phần tư (1/4) REM sleep.

2- NHU CẦU CẦN THIẾT CHO GIẤC NGỦ:

Theo sinh lý học, giấc ngủ của con người vận hành theo chu kỳ hàng ngày, do sự điều chỉnh của đồng hồ tự nhiên bên trong cơ thể. Mặc dù người ta có khuynh hướng ngủ nghỉ vào ban đêm, và thức tỉnh trong lúc ban ngày, theo chu kỳ thích nghi với những nhu cầu cá nhân.

Số lượng thời gian của giấc ngủ cần thiết thay đổi theo lớp tuổi con người và tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Thí dụ như: Trẻ mới sinh ra cần ngủ đến 16 tiếng một ngày; người lớn, hầu hết, cần ngủ trung bình từ 7 đến 8 tiếng một đêm. Thông thường, thời lượng cần thiết cho giấc ngủ sẽ bị suy giảm theo đà gia tăng tuổi già của con người. Nhiều người cao niên, ở tuổi 60, chỉ cần 6 tiếng cho giấc ngủ ban đêm, mặc dù họ có thể ngủ thêm ngắn hạn vào lúc ban ngày.

Hầu hết, người ta có thể chịu đựng vượt qua vài đêm thiếu ngủ, hay thức trắng đêm, mà sức khỏe không bị tổn hại. Ngoài ra, vào nhũng lúc con người bị bệnh, hay đang dưỡng bệnh, người ta nhận thấy thời gian ngủ nghỉ cần thiết nhiều hơn lúc sức khỏe bình thường.

3- VIỆC TẠO NÊN GIẤC NGỦ TỐT LÀNH:

Để có một giấc ngủ tốt lành lúc ban đêm, người ta nên có cách sống khỏe mạnh (healthy lifestyle), và tạo được một thói quen hàng ngày trước khi lên giường ngủ.

3.1- Cách Sống Khỏe Mạnh (Healthy Lifestyle):

Cách sống khỏe mạnh bao gồm những việc như: năng tập thể dục, dùng điều độ rượu, cà phê, và tránh hút thuốc lá, là những yếu tố căn bản có thể giúp cho người ta tạo được giấc ngủ tốt lành về đêm.

Việc năng tập thể dục giúp nâng cao cảm giác bình tĩnh về mặt tâm lý, và khỏe mạnh về thể chất; bởi vì chất kích thích tố Endorphins trong não được gia tăng, và việc tập thể dục giúp loại bỏ sự mệt mỏi của cơ thể.

Chất Caffeine và Nicotine là những chất có tác dụng kích thích trên hệ thống thần kinh, và có thể chống lại sự buồn ngủ của con người. Do đó, người ta nên tiết giảm dùng cà phê vào buổi chiều và tối.

Nếu người có thói quen hút thuốc lá, việc từ bỏ hút thuốc lá có thể mang ích lợi cho giấc ngủ nói riêng, và tốt cho sức khỏe nói chung.

Rượu là chất làm giảm đau, chúng ta không nên dùng để giúp cho giấc ngủ, vì giấc ngủ do rượu sẽ không được lành mạnh như giấc ngủ bình thường.

3.2- Thói Quen Trước Khi Đi Ngủ:

Một thói quen cố định trước khi đi ngủ có thể giúp chúng ta dễ thư giãn hơn, để tiến đến một giấc ngủ bình thường. Thói quen của người ta có thể là việc nghe radio, đọc sách, hay tập vài động tác thư giãn cơ thể trước giờ đi ngủ. Ngoài ra, người ta còn có thể ngâm mình trong nước nóng, trong một thời gian ngắn (khoảng từ 15 đến 30 phút) trước khi đi ngủ, hoặc có thể uống một ly sửa nóng trước khi đi ngủ. Đặc biệt, người ta nên tránh làm việc trễ vào buổi tối. Hơn nữa, giường ngủ phải được tiện nghi thoải mái, và phòng ngủ nên có thoáng khí dễ chịu, không quá nóng, hay quá lạnh.

4- NHỮNG TRIỆU CHỨNG MẤT NGỦ:

Bằng cách nào người ta có thể tự biết được mình thực sự đang bị chứng mất ngủ (insomnia)? Sau đây là một số triệu chứng về sự mất ngủ, mà người ta thường nhận thấy như:

- Cảm thấy bần thần, không được tươi tỉnh, sau khi thức dậy.

- Cảm thấy buồn ngủ trong những lúc làm việc, xem ti-vi, đọc sách, hay lái xe,...

- Không thể tập trung tinh thần vào công việc làm, hay việc học.

- Có trở ngại trong việc ghi nhớ những sự việc.

- Thường bị quên (đãng trí) những gì đang làm. Thí dụ, đang đi trên đường phố, người ta quên không biết mình đang muốn đi đâu.

- Thời gian phản ứng của cơ thể bị làm chậm lại, không còn được nhanh nhẹn nữa; đặc biệt lúc chơi thể thao hay lái xe.

- Cần phải có những giấc ngủ ngắn, hầu như vào mỗi ngày.

Những triệu chứng này có thể không xuất hiện tất cả cùng một lúc. Mặc dù, người ta có thể chỉ có một hay hai triệu chứng này, nhưng không thể bảo đảm cho rằng do sự mất ngủ gây ra. Hầu hết, người ta thường không nhận biết rằng họ có vấn đề mất ngủ, bởi vì chứng bệnh mất ngủ được thành hình một cách chậm chạp, từ từ trong nhiều năm. Cho nên, người ta khó mà nhận diện nó.

5- PHÂN LOẠI CHỨNG MẤT NGỦ:

Chứng bệnh mất ngủ (insomnia) là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả những loại mất ngủ. Ngoài ra, chúng ta nên ghi nhớ rằng chứng bệnh mất ngủ (insomnia) chính nó không phải là sự rối loạn về ngủ, mà là một triệu chứng của một vấn đề khác.

Một cách tổng quát, chứng bệnh mất ngủ (insomnia) được tiêu biểu cho đặc tính của một giấc ngủ không yên, hay giấc ngủ bị gián đoạn, hoặc sự bất lực để bắt đầu đi vào giấc ngủ. Nếu người ta bị thức dậy sớm hơn dự định, hay thức dậy với cảm giác bần thần, không thoải mái; đó cũng là những triệu chứng của bệnh mất ngủ. Giấc ngủ rất cần thiết cho sự sống khỏe về tâm thần và thể chất của chúng ta. Do đó, việc hiểu biết về những nguyên nhân mất ngủ không thể thiếu được trong việc điều trị thích đáng chứng bệnh này. Có tám loại chứng mất ngủ sau đây:

5.1- Mất Ngủ Tạm Thời:

Đây là hình thức thông thường nhất của chứng mất ngủ. Đó là sự giao động bất ổn cho giấc ngủ, gây bởi một biến động tạm thời trong cuộc sống. Thí dụ như: sự cố gắng quá sức (stress), cơn mệt mỏi sau một chuyến bay dài, việc thay đổi giờ giấc làm việc, việc ngủ ở chỗ mới, sự đau yếu, hay nỗi lo âu. Ngoài ra, nếu trước đây, người ta vừa mới phải lòng yêu ai, hay vừa xem qua một phim kinh dị, hoặc bị căng thẳng tinh thần vì vừa qua một cuộc phỏng vấn việc làm. Do đó, người ta tạm thời bị mất ngủ. Đó cũng là việc bình thường, việc mất ngủ tạm thời có thể kéo dài từ một, hai ngày, hay hầu hết một tuần lễ.

5.2- Mất Ngủ Ngắn hạn:

Mất ngủ ngắn hạn được định nghĩa như sự ngủ bất ổn và gián đoạn kéo dài từ hai đến ba tuần lễ, do hoàn cảnh sống gây ra; thí dụ như: sự cố gắng quá sức tại nơi làm việc, những vấn đề hôn nhân, ly dị, bệnh nặng hay sự qua đời của thân nhân, hoặc có những nỗi buồn chán khó chịu khác trong cuộc sống. Sau khi vấn đề được giải quyết, người ta hầu hết trở lại với giấc ngủ bình thường. Loại mất ngủ này người ta có thể vượt qua được trong ngắn hạn.

5.3- Mất Ngủ Dài Hạn- Kinh Niên:

Mất ngủ dài hạn (kinh niên) là giấc ngủ bất ổn bị gián đoạn được kéo dài nhiều đêm trong tháng, hầu hết mọi đêm. Hơn nữa, nó có thể kéo dài trong nhiều tháng, hoặc những năm. người ta có thể có tình trạng mất ngủ này quá lâu dài, đến nỗi người ta không còn quan tâm nó như một vấn đề, và xem như là một lối sống của họ. Chứng mất ngũ kinh niên thường do hậu quả của nhiều yếu tố phức tạp về tâm-sinh-lý và thể chất. Ngoài ra, một số thủ phạm ngầm đóng góp vào việc mất ngũ kinh niên thường là những bệnh tật sau đây: bệnh đau nhức phong thấp (arthritis), bệnh trầm cảm (depression), bệnh tim (heart disease), chứng ngừng thở trong giấc ngủ (sleep apnea), chứng buồn ngủ (narcolepsy), bệnh tiểu đường (diabetes), chứng viêm xoang mũi (sinusitis), chứng động kinh (epilepsy), chứng bệnh loạn thần kinh (schizophrenia), và bệnh suyễn (asthma).

Theo thống kê, có hơn 35 triệu người Mỹ bị chứng mất ngũ kinh niên. Để điều trị chứng bệnh này, trước tiên, người bệnh phải gặp bác sĩ để chẩn đoán xem có bất cứ những vấn đề sức khỏe nào khác hiện diện hay không?

5.4- Mất Ngủ Vì Thiếu Rượu:

Việc dùng điều độ một ít rượu có thể tạo ra cảm giác êm dịu, và tốt cho cơ thể. Hàng triệu người tìm thấy rằng việc uống một cốc rượu nhỏ trước khi đi ngủ có thể giúp họ cảm thấy thư giãn, và dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Tuy nhiên, khi dùng quá độ lượng, rượu có thể đưa người ta đến chứng bệnh nghiện rượu, vì rượu tác động như một chất kích thích độc hại, và khiến cho cơ thể phải tùy thuộc vào nó. Với thời gian uống rượu kéo dài, cơ thể quen dần chất rượu, và cần tới một lượng rượu lớn hơn, như với cốc thứ nhì, rồi cốc thứ ba, mới khiến người ta đi vào giấc ngủ. Do đó, khi thiếu rượu, người ta sẽ bị mất ngủ. Đây là một trong những dấu hiệu gây ra sự tác hại của rượu, và đưa đến chứng bệnh nghiện rượu. Cho nên, những người trong tình trạng này nên tham khảo với bác sĩ điều trị.

5.5- Mất Ngủ Vì Môi Sinh:

Điều kiện nơi sinh sống đã tạo nên những yếu tố kích thích. Chính là những lý do khiến cho người ta bị mất ngủ, hay là việc ngủ ngày quá độ cũng khiến người ta không thể ngủ bình thường vào ban đêm. Việc mất ngủ vì những yếu tố môi sinh có thể kể như: sự nóng bức, hơi lạnh, sự ẩm ướt, hay sự ồn ào náo nhiệt,...

5.6- Mất Ngủ Vì Dị Ứng Thức Ăn:

Sự dị ứng thực phẩm thường thể hiện qua những triệu chứng như sau: sự mất ngủ, nhức đầu thường xuyên, sự uể oải hay buồn ngủ ban ngày, cơ thể mệt mỏi, ho suyễn, nổi mụn, đường ruột bị kích thích, đau khớp xương, lo âu, và trầm cảm.

Phần lớn những triệu chứng nói trên thường gây ra bởi những thức ăn như: quả hạch (nuts), sữa, bắp ngô, lúa mì, thực phẩm có nhuộm màu đỏ hay vàng, các loại trứng, các loại sò hến, tôm cua. Ngoài ra, dị ứng còn có thể gây bởi bất cứ những thực phẩm khác. Đối với trẻ thơ, thủ phạm thường là sữa. Trong tình trạng mất ngủ vì dị ứng thức ăn, người ta nên tham khảo với bác sĩ, hay chuyên viên dị ứng, để giúp loại bỏ những thực phẩm nào có tác động làm cho mất ngủ.

5.7- Mất Ngủ Từng Hồi Trong Đêm:

Những bệnh nhân này vẫn rơi vào giấc ngủ một cách dễ dàng như những người bình thường khác. Tuy nhiên, họ không giữ được giấc ngủ lâu dài, liên tục suốt đêm. Họ chỉ ngủ được khoảng 60 hay 90 phút chu kỳ, rồi thức giấc độ 30 phút, và lần lượt, bắt đầu những chu kỳ khác trong suốt đêm. Đa số họ thức giấc mà vẫn không hay biết lý do. Có lẽ, vì sự lay động ngắn nhỏ nào đó, hay do sự trở mình thay đổi vị thế nằm của họ, . . . Việc này có nhiều lý do khác nhau. Cách tốt nhất, để giúp bác sĩ xác định nguyên nhân nào đã tạo ra tình trạng mất ngủ, người ta nên có một sổ nhật ký, để ghi nhận tất cả những gì đã xảy ra cho giấc ngủ hàng đêm của mình.

5.8- Mất Ngủ Vì Khó Bắt Đầu Vào Giấc Ngủ:

Với loại mất ngủ này, người ta không thể nào bắt đầu đi vào giấc ngủ khi họ mong muốn. Tuy nhiên, sau một lúc nằm trên giường khoảng 30 phút hay hơn, người ta mới bắt đầu chợp mắt ngủ được.

Việc điều trị thường liên hệ đến việc tái huấn luyện cơ thể, bằng cách điều chỉnh lại những thói quen trước khi đi ngủ. Thí dụ như: làm một việc lặt vặt trong nhà, tắt đèn nhà bếp, kiểm điểm những cửa khóa trước sau, đọc một chương sách. Lập lại thói quen này mỗi đêm trước khi đi ngủ.

6- NHỮNG RỐI LOẠN THÔNG THƯỜNG GÂY RA MẤT NGỦ:

Ngoài ra, sự mất ngủ còn do bởi một số chứng rối loạn thông thường thuộc về tinh thần và thể chất sau đây:

6.1- Sau Một Chuyến Bay Dài: Người ta có thể bị mất ngủ sau một chuyến bay dài mệt mỏi, qua nhiều vùng có múi giờ khác nhau.

6.2- Sau Giờ Giấc Thay Đổi Ca Làm Việc: Sự mất ngủ có thể xảy ra do sự rối loạn tinh thần, sau việc chuyển đổi giờ giấc nơi làm việc. Thí dụ, từ ngày qua đêm, và ngược lại.

6.3- Do Rối Loạn Đường Tiêu Hóa: Sự mất ngủ do sự rối loạn đường tiêu hóa (thuộc về thực quản, bao tử, và đường ruột) như các chứng: ợ chua, đau bụng, đau ngực, tiêu chảy,...

6.4- Do Cảm Giác Buồn Chán: Sự mất ngủ của con người đôi khi do từ những cảm giác buồn chán, thất vọng, mất sự thích thú trong việc làm, hay sinh hoạt tiêu khiển, rồi dẫn đến chứng trầm cảm.

6.5- Do Ảnh Hưởng Thay Đổi Thời Tiết: Thời tiết thường thay đổi trong năm, Luôn luôn bắt đầu vào mùa thu, và mùa đông, thời tiết thường tác động khiến cho người ta dễ bị trầm cảm, buồn chán, và luôn đưa đến sự mất ngủ. Hoặc sự thay đổi giao thời giữa hai mùa quá nóng sang quá lạnh, và ngược lại cũng làm cho người ta bị mất ngủ về đêm.

6.6- Hội Chứng Đôi Chân Bất An (Restless Legs Syndrome): Đây là một chứng rối loạn thần kinh thuộc vùng tứ chi, nhất là ở đôi chân; người bị chứng đôi chân bất an (Restless Legs Syndrome) tay chân bị kích thích di động một cách không tự kiểm soát được. Họ cảm thấy đôi chân của họ thường không được thoải mái, bất an, và khiến họ không thể ngủ được.

6.7- Chứng Ngáy & Ngừng Thở Lúc Ngủ Đêm (Snoring & Sleep Apnea):

Chứng ngáy trong lúc ngủ là hậu quả do sự lặp đi lặp lại chu kỳ đóng mở của phần trên khí quản; và khi bệnh nhân hít hơi vào, những thành bên trong khí quản co siết lại, cản trở không khí, do đó, hơi thở bị đình hoãn lâu khoảng 20 giây đồng hồ. Chu kỳ này lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt đêm, và gây nên sự mất ngủ cho bệnh nhân.

Theo các nhà khoa học, chứng bệnh này do bởi sự mất quân bình nơi phần não bộ, có nhiệm vụ kiểm soát hơi thở. Hoặc do sự tắc nghẽn của khí quản. Sự tắc nghẽn này có thể do di truyền, hay chất mỡ tích lũy đóng quanh những thành bên trong khí quản.

6.8- Chứng Mộng Du (Somnambulism): Chứng mộng du là chứng rối loạn trong giấc ngủ, khiến cho bệnh nhân thực hiện một số hành động trong lúc đang ngủ như: nói chuyện một mình, ngồi dậy ra khỏi giường ngủ, và đi tới đi lui, hoặc làm những công việc lặt vặt trong nhà,... Khi thức tỉnh, bệnh nhân không còn nhớ rỏ những gì đã làm trong đêm vừa qua. Theo hội y khoa Hoa kỳ, có hơn bốn (4) triệu người Mỹ đang bị chứng bệnh mộng du trong lúc đang ngủ. Chứng mộng du thường gây nên tình trạng nguy hiểm cho bệnh nhân, và cả cho những người sống chung quanh với họ.

PHẦN KẾT CHO GIẤC NGỦ DƯỠNG THẦN:

Trong đời sống, đôi khi, phần đông chúng ta đều mắc phải những thay đổi về giấc ngủ. Những vấn đề thông thường như: sự khó khăn để bắt đầu cho một giấc ngủ, bị thức giấc trong đêm, bị thức dậy quá sớm vào buổi sáng, sự buồn ngủ lúc ban ngày,... Những vấn đề nầy thường do bởi những tình trạng căng thẳng tinh thần (spiritual strains), hay cơ thể cố gắng làm việc quá sức (physical stresses) trong đời sống hàng ngày; hoặc uống nhiều rượu hơn lúc bình thường, cũng như thức đêm để làm việc về khuya,... Nếu thường có những vấn đề mất ngủ xảy ra, chúng ta nên xét lại cách sống của mình, từ trong những sinh hoạt, hay thái độ sống hàng ngày, để tìm ra nguyên nhân khiến bị mất ngủ.

Vào ban đêm, nếu nằm trằn trọc, cảm thấy không thể ngủ được, chúng ta nên đứng dậy, ra khỏi giường, để đi tới đi lui, đọc sách, hay làm những việc lặt vặt trong nhà, cho đến lúc cảm thấy buồn ngủ. Ngoài ra, chúng ta nên tạo thói quen nhất định cho giờ đi ngủ, và giờ thức dậy. Trong trường hợp, có một đêm thao thức không ngủ được, chúng ta nên cố gắng đừng ngủ bù vào ban ngày. Tuy nhiên, nếu cảm thấy quá mệt mỏi, chúng ta có thể dùng một giấc ngủ tạm ngắn, khoảng từ 20 đến 30 phút, để có thể vượt qua sự thay đổi này.

Nếu chứng mất ngủ liên tục xảy ra, chúng ta nên đi thăm bác sĩ để được điều trị; bởi vì nó có thể là triệu chứng của những bệnh như: trầm cảm (depression), bệnh lo âu (anxiety), hay phản ứng phụ gây ra bởi việc dùng thuốc,...

Theo nghiên cứu, chỉ trong hai ngày mất ngủ, người ta có thể bắt đầu có những ảo giác; ngoài ra, sự mất ngủ kéo dài trong nhiều ngày, người ta sẽ có những vấn đề nguy hiểm hơn như: mất hiệu năng ở tế bào não, suy yếu hệ thống miễn nhiễm, nâng cao sự tích lũy chất béo, và gia tăng tiến trình lão hóa con người. Hơn nữa, sự mất ngũ kinh niên có thể làm chết người. Theo viện thăm dò dư luận Gallup, có một phần ba (1/3) dân Mỹ đang mắc chứng bệnh mất ngủ (insomnia). Hơn nữa, những nhà nghiên cứu ước lượng khoảng 5% số người này chịu đi điều trị, và khoảng gần 70% số này chịu khai bệnh với bác sĩ của họ.

Thông thường, tình trạng thiếu ngủ không chỉ tác động làm suy giảm năng suất làm việc của chúng ta, mà nó còn khiến cho khả năng cơ thể trở nên suy yếu, trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm đến từ bên ngoài. Ngoài ra, chứng ngủ ngày quá độ thường khiến cho tinh thần của chúng ta trở nên tiêu cực; thí dụ như: tính tự trọng bị suy giảm, bị chứng trầm cảm, và dễ bị tức giận một cách bất thường,...

Ngoài ra, chứng bệnh mất ngủ (insomnia) thường xảy ra cho những người như: bệnh trầm cảm, người già dùng thuốc trị bệnh, người bị căng thẳng tinh thần. Phái nữ thường dễ mắc chứng bệnh mất ngủ nhiều hơn phái nam. Phụ nữ thường có những thói quen khó ngủ vì nhiều lý do phức tạp khác nhau. Thí dụ như: với bổn phận chăm sóc con trẻ, hay trong lúc mang thai, họ thường bị thiếu ngủ. Hoặc vì chu kỳ kinh nguyệt, hay việc tắt kinh cũng khiến cho họ bị mất ngủ.

Theo y khoa, có trên 40 điều kiện khác nhau đưa đến chứng mất ngủ. Khoảng chừng phân nữa số này là những điều kiện về tâm lý, hay tâm thần như là sự lo âu, trầm cảm, hay căng thẳng quá sức (stress). Những điều kiện sau cùng là những rối loạn trong giấc ngủ như chứng ngưng thở trong lúc ngủ, hay những điều kiện sức khỏe tạo nên sự khó khăn trong lúc ngủ, thí dụ như chứng dị ứng, phong thấp đau nhức, và tác hại của rượu. Ngoài ra, về môi sinh như sống gần đường phố ồn ào náo nhiệt, hay phi trường thường có những tiếng động cơ máy bay, là những nơi gây ra sự mất ngủ. Đồ ăn cũng đóng một vai trò chánh trong việc mất ngủ. Người có sức nặng quá trung bình, hay có đời sống không hoạt động, hoặc ít di chuyển thường có khuynh hướng mất ngủ hơn những người khác.

Nói chung, trong việc bảo vệ sức khỏe, việc ngủ đầy đủ của con người có tầm quan trọng giống như việc ăn uống, và vận động thân thể. Bởi vì, giấc ngủ mang đến nhiều ích lợi cho con người, trong việc nâng cao chức năng tâm thần, phục hồi sự tươi trẻ, và bồi đắp vào những hao mòn hàng ngày của cơ thể.

Do đó, khi có đầy đủ thời gian ngủ nghỉ, chúng ta sẽ có sinh lực để thể hiện một đời sống đầy năng động, phong phú, và hài hòa hơn. Những giấc ngủ say ngon thường mang đến cho chúng ta những mộng mơ. Chính những giấc mơ mộng nầy là những liều thuốc an thần, giúp tẩy sạch những độc hại do sự căng thẳng tinh thần, và mối lo âu mang đến./.

Giáo Sư VŨ ĐỨC, N.D.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh