Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
THỨC TRẮNG ĐÊM NAY (Thanh Thản Nhiên)
NAM NGUYỆT

 

Không phải để “chép lại nhật ký của hai đứa mình“… Mà cũng chẳng phải “thức trọn đêm nay để nhớ thương em (hay thương anh) mà Chế-Linh hay Lính-Chê cũng chính ông ta than thở rầu rỉ vì “nhớ người yêu“! Lại càng không phải là đêm “chúa Giáng Sinh ra đời nằm trên máng cỏ nơi máng lừa“ trong hang Bê-Lem thuở xưa để cho mọi người nôn nao, thao thức đi lễ nhà thờ rồi trở về ăn mừng đón Ngài.

 

Thức trắng hay thức trọn ở đây là buổi thức đêm của thợ thầy xắt và phơi thuốc tại làng chuyên nghề trồng thuốc lá. Khi trời đã sáng bửng thì các liếp tre thuốc cũng phải hoàn tất để mang phơi nắng trọn ngày.

 

 

Vườn trồng thuốc lá

 

Mấy muơi năm về trước hay mấy “trăm ngàn đêm góp lại“ tôi cũng chẳng đếm nổi vì buồn khi bị “người dưng khác họ“ bắt dẫn về làng người ta để tập tành trồng thuốc.

 

Trời ơi, tôi đã kêu trời như bộng vì tôi không có “khiếu“ với nghề nầy nên tôi ghét nó. Bởi ghét nên tôi gặp. Tôi giận cá đi chém thớt cho đã nư! Tôi cũng ghét luôn người hút. Nhưng không có cumg sao có cầu. Không người bán lấy đâu mà hút mà ghiền.

 

Chồng tôi là nạn nhân ăn khớp với câu nói dân gian “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng“ là thế. Nhà trồng thuốc, hút bao nhiêu cũng có, chỉ mất công vấn và se thuốc cho đều sau đó là “phê“ ngay, nó chỉ đứng sau lưng món cà phê.

 

Thấy ông chồng mình ưa hai món nầy, tôi canh chừng hai đứa con ổng sát ván sợ “con giống cha nhà có phúc“. Biết vợ không thích nghề rẫy chồng cũng không ép, anh thông cảm nói “ép dầu, ép mỡ ai nở… ép làm“. Tôi cám ơn đáp lại “Không gì quý hơn Độc Lập-Tự Do“ anh nhé! Thế nên, anh biết thân cặm cụi làm lụng một mình.

 

Anh hiểu và thương vợ còn những bổn phận khác trong gia đình nữa. “Nàng chịu theo về vườn sống là hạnh phúc cho mình rồi, đòi hỏi bắt buộc quá, nàng ôm con trở về Sàgòn thì mệt mình“. Anh nghĩ vậy nên cứ im lặng làm không dám than ai nhứt là than cực với vợ con.

 

Anh biết tánh vợ hay “thừa thắng xông lên“ nên luôn chọn cách “im lặng là vàng“. Chiến sĩ ra trận dù chưa thua hay đã thua vẫn luôn nêu dũng khí “bất khuất“. Bây giờ mình nhịn vợ của mình vẫn không có gì… mắc cở. Thôi cho xin hai chữ “bình an“ để chén bát còn nguyên!

 

Chao ôi, làm như vợ anh là sư tử Hà Đông không bằng. Nhịn vợ nhịn chồng tát biển Đông cũng cạn mà! Trước khi về nhà chồng tôi cũng lôi bài học về tam tòng tứ đức trong Gia Huấn ca dạy cho các cô gái rằng thì là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu“... chớ.

 

Chẳng những thế má tôi còn dạy con gái bà “xem má chồng ăn mặc và thích cái gì thì mua về biếu bà“. Tôi dòm bà già chồng mình khi đi đám cưới thích xách “bóp đầm“ kiểu gì, màu gì ngoại trừ xách giõ trầu khi đi đám giỗ. Rồi bà thích khăn mỏ quạ trơn láng hay có bông hoa nhu nhuyển thì tôi sẵn sàng có ngay.

 

Khi đi thăm cha mẹ ruột thì lúc về tôi đều mua quà cáp cho bà già trầu và đám em chồng gọi là hàng đi hàng về. Nhờ thế bà không thấy có gì để… chê dù dâu bà hơi dở về mặt làm “gẫy“ (rẫy).

 

Không ai hiểu chồng bằng vợ, anh lao động vất vả, tôi xót xa phụ giúp nhưng sức tôi có hạn. Đêm đêm nằm dỗ con ngủ sớm cho chồng có đôi lúc thư giãn bên ly cà phê với bè bạn, tôi cứ nhớ nhà. Thân xác ở đây nhưng đầu óc luôn gởi trên Sàigòn. Một bên vai nhớ cha mẹ già đau yếu, em còn nhỏ dại trong lúc nước nhà vừa bị cưỡng chiếm và mọi sinh hoạt bị rối ren xáo trộn. Nửa vai bên kia thương chồng quá vất vả vì lao động.

 

Nhìn chồng tôi một mình làm lụng, lối xóm ai cũng khen tấm tắc. Nào là “chú Thanh ở Sài gòn lâu năm mà giờ đây về làm rẫy giỏi quá trèn!“ hoặc “sao không kêu mợ về để phụ giúp một tay“. Những câu góp ý, phê bình nầy đã lọt vào tai khi tôi có con cháu gái “nằm vùng“ bên chồng thương tôi thuật lại. Tôi nghe sao xốn xang trong lòng.

 

Nhưng trước khi có quyết định lui về quê, tôi thường được chị tôi khuyên mỗi ngày “em về quê với chồng đi, chồng đâu vợ đó. Bỏ một mình dượng ở quê coi chừng hắn có vợ bé nha. Đàn ông dễ sa ngã lắm em ơi!“ Bữa nào chị cũng nhắc và bắt tôi nghe câu nầy.

 

Ngày xưa lúc chúng tôi còn chung mái nhà với cha mẹ, tôi là người làm tấm vách cho chị dựa lưng nếu không muốn nói là “quân sư quạt mo“ bày vẽ lợi hại chuyện tình cảm khi anh nào định “bắn sẻ“ chị mình. Còn bây giờ chính bản thân mình có vấn đề tôi lại lúng túng. Phải rồi đúng như mọi người nói “chuyện nhà thì quáng, chuyện chú bác thì hay“. Ai thử tưởng tượng đi, có một cô nào đó cứ theo bên cạnh phụ anh công việc đồng áng khi vợ anh vắng mặt và rồi anh yếu lòng sa ngã. Máu ghen trong người nổi lên làm tôi choáng váng vì “ớt nào là ớt chẳng cay“.

 

Sau bao đêm suy nghĩ, tôi dứt khoát bỏ công việc trong một xí nghiệp dệt để về. Chồng tôi hồi hương trước để giải quyết ruộng đất. Anh tôn trọng tự do của tôi, không hối thúc ép buộc, sợ tôi về sống ở vườn không “hạp phong thổ“ hoặc không hoà nhập được lối sống thiếu tiện nghi nơi nhà chồng.

 

Lúc trước hai vợ chồng bàn tính, tôi ở lại cùng cha mẹ ruột vừa có đi làm mà gần gủi con. Anh ở quê thỉnh thoảng bay về Saìgòn thăm vợ con cũng tốt rồi. Ba má tôi thì hạn chế lời khuyên vì ông bà cũng thấy khó xử như tôi. Nhưng trong thâm tâm tôi biết má muốn tôi ở lại cùng ông bà nhiều hơn vì sợ tôi làm dâu không nổi nhứt là dâu miệt vườn nữa.

 

Những năm tháng hạnh phúc quá hiếm, quá đẹp, nhưng khi mình gan lỳ, cứng rắn là mất hêt, là con cái cũng khổ. Nghĩ suy bao đêm, khi anh trở lên Saìgòn lần nữa, tôi tuyên bố “buông tay đầu hàng“ không phải đầu hàng chế độ mà là đầu hàng số phận, mặc cho nó đưa đẩy, lênh đênh đến đâu hay đến đó vì “thân gái có tới mười hai bến nước trong nhờ đục chịu“ mà!

 

Thấy tôi đồng ý, anh vui ra mặt và sắp xếp ngày giờ rước tôi về sau khi chúng tôi đã ăn cái tết cuối cùng trên Sàigòn để về vườn tập làm bà mẹ quê như bao người ở đây.

 

“Vườn rau, vườn rau xanh ngát một màu.

Có đàn, có đàn gà con nương náu

mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều

Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu.

 

Để rồi “Bà, bà mẹ quê, chân bước ra đời rồi xa. Bà, bà mẹ quê, từ lúc quê hương xoá nhòa. Nhớ về miền quê mà giọt lệ sa“. Không hiểu sao mỗi khi nghe ai hát bài nầy tôi thấy thấm thía cho mình.

 

Lúc mang bầu đứa con thứ nhì, trước khi sanh tôi đi quan sát “xưởng đẻ“ ở quê nầy xem ra sao. Trở về tôi tự bảo “nhứt định phải đi lên nhà cha mẹ ruột để… đẻ cho hợp vệ sinh“. Đau răng, nhứt răng cũng xin phép chồng lên Sàigòn trám, nhổ chớ không yên tâm nhổ ở quê. Và mình ước thầm mà cũng toại nguyên.

 

Khi tôi lên nhờ nha sĩ quen ở Sàigòn coi như nha sĩ gia đình vì mấy chị em tôi là thân chủ ruột của ông để mình an tâm khi trám nhổ. Lúc xem xét răng xong ông lắc đầu bảo “có bầu không dám nhổ và trám“. Nhờ nán lại thêm một ngày sau khi tôi đi thu gom hàng về quê bán thì thằng cu nhỏ trong bụng chuyển mình đòi ra. May quá tôi bị kẹt lại để nằm ổ một tuần chờ chồng lên dắt về quê.

 

Trở lại nghề trồng thuốc nơi ở làng nầy là chánh, còn thêm những nghề phụ khác nếu người dân có dư đất đai vườn tược. Ai không là điền chủ thì đi làm thuê, làm thợ kiếm sống cũng có ăn dù không dư.

 

Khi gió bấc tháng Mười thổi về, mùa nước nổi cũng dâng cao từ biển hồ đổ xuống nên mọi việc đồng áng đều ngưng. Dân quê có đôi tháng nhàn hạ không phải phơi sương, phơi nắng ngoài đồng. Tuy vậy trong nhà má chồng tôi đã chuẩn bị hạt giống đủ loại, chờ nước vực xuống, khô đồng ráo cỏ thì ươm trồng trong đó có luôn cây thuốc lá.

 

Lúc thì nước tràn bờ khi thì khô cạn, người ta phải canh giờ con nưóc chảy vào mương, vào kinh để vác máy đi tưới hoa mầu. Còn người nội trợ ở nhà thì canh nước vào để chạy máy nước vào bồn, vào lu cho đầy để nấu ăn cũng như ra sông giặt giũ và… rửa chân.

 

Nước rút rồi thì ngoài đồng vui nhộn trở lại, vì tay làm thì hàm mới có nhai. Trước tiên mọi người bầu thuốc (ươm cây non) trong những cụm đất quấn bằng lá chuối xung quanh vuông vức bề cao gấp đôi hộp quệt diêm, ngang dọc độ 6 X 6 cm. Ở quê nhà nào không trồng chuối nên tàu lá chuối rất thích hợp cho công việc nầy vì chẳng tốn tiền mua giấy gói.

 

Tôi tha hồ “vọc“ tay nắn nót thành phẩm cho ông chồng vun bón cây non. Khi cây đã lên mầm người ta mang ra sân vườn tưới cho nó mau tăng trưởng để “hạ thổ“.

 

Thuốc lên cao gần giáp năm người ta bắt đầu ngắt lá một loạt và lần lượt ngắt làm ba lần. Lặt hay ngắt người nhà vườn gọi là “thiến lá“. Giai đoạn đầu là thuốc cái, lá còn thấp ở dưới cọng gần đất cát lấm lem nên lá thuốc xấu. Tiếp nối là thuốc kèo vì ra hai lá trên ngọn, lá thuốc nầy được xếp loại ngon nhứt, màu vàng tươi cũng đẹp mắt. Thiến lần thứ ba là thuốc cổng vì có ba lá.

 

Tới đây lá hết phát triển để chấm dứt số phận. Lúc nầy cây đã vươn cao được 1 mét. Lá lặt xong người ta gom cột lại thành từng bó chờ kêu thợ thầy tới xắt, phơi. Cây thuốc chỉ còn trơ trụi cành, đợi khô hết người ta đốn mang về làm củi. Tôi rất thích chụm củi thuốc vì nó có nhựa cháy mạnh chỉ thua củi thông chút đỉnh thôi.

 

Ba giai đoạn trên đã xong, tới phần việc của thợ xắt, thợ phơi. Còn lo cơm nước họ ăn là “nghề của nàng“. Mùa nầy thợ xăt cũng bận vì nhà nào có trồng thuốc cũng phải chọn ngày để không trùng người khác do thợ xắt không nhiều.

 

Tới ngày xắt thuốc của mình, sáng tôi đi chợ chuẩn bị đồ ăn để nửa đêm gà gáy canh ba phải thức sửa soạn bữa cho họ. Khoảng 11 hoặc 12 giờ khuya thợ chánh, thợ phụ kéo tới. Còn chủ thuốc thì nhắm xem thuốc của mình nhiều, ít và túi tiền ra sao để kêu thợ. Thợ thầy làm việc nói chuyện vang trời ngoài sân, ngoài vườn.

 

Nhà nầy có công có việc không ngủ đã đành, nhà bên cạnh cũng bị thức lây vì ồn nhưng ai nấy thông cảm vì hôm khác họ sẽ “đáp lễ“ lại để mình không ngủ như họ, chẳng sao hết!

 

Chồng tôi lo chuẩn bị những tấm liếp tre để phơi thuốc. Liếp nầy tương tợ liếp đan bằng tre dùng phơi bánh tráng nhưng liếp phơi thuốc phải cứng chắc hơn có chiều dài khoảng 2 thước, bề ngang độ 60cm. Rồi chủ nhân còn phải lo cà phê, nước trà, đãi ăn phải đãi uống chứ!

 

Thuốc đã được dao xắt ngọt lịm, lần luợt tuôn ra. Tới phiên thợ phơi rải trên liếp cho đều tay, không dầy hay mỏng quá. Phần tiếp nối là cần người dậm, đạp thuốc cho nó dẽ khắt xuống tấm liếp tre. Giai đoạn nầy là ưu tiên cho chàng cựu chiến binh bại trận lúc mất nước kiêm chủ nhân đám thuốc ở đây. Ông đã kinh nghiệm hết 9 tháng trong quân trường Thủ Đức, tay chân lúc đó đi đều bước ra sao thì bây giờ dậm, đạp thuốc cũng vậy, còn êm chân là khác, thuốc chớ nào phải sỏi, đá nên đâu nhằm nhò gì.

 

 

Thuốc xắc xong, rải ra liếp trước khi đạp

 

Ở đây bắt buộc phải dùng chân trần và rửa sạch sẽ. Thuốc nó kỵ những ai mang dép hay vớ đạp trên mình nó mất vệ sinh. Thợ xắt độ chừng 5, 6 tiếng là ngừng tay nghỉ giải lao, ăn lót dạ, mặt trời cũng vừa trở mình thức dậy. Nói lót dạ chỉ dành người không làm nhiều, còn bây giờ thợ thức sáng đêm làm cực mà chỉ “lót dạ“ một ly cà phê, một gói xôi là thuốc mình cũng sẽ lót ổ rơm cho gà đẻ thôi. Bữa cơm phải thịnh soạn: ba, bốn món chánh, kèm một, hai món phụ như trái cây, chè hay gì đó tùy đầu bếp siêng và không buồn ngủ.

 

Có món dưa hấu là tôi thích nhứt, không phải tôi thích ăn mà thích dọn cho người ta dùng vì mau và dễ làm, ai cũng ưa, trời nóng ăn dưa tráng miệng đỡ khát hoặc ăn với cơm cũng ngon nhưng với dân miệt vườn, tôi thì không hảo ăn với cơm.

 

Trưa đứng bóng buổi cơm hiệp nhì dọn ra lần nữa khi mọi việc hoàn tất và tạm biệt đám thợ. Lúc nầy chủ nhân chịu trách nhiệm canh chừng thuốc đã phơi. Khoảng vài ngày thuốc khô nhưng cũng tùy theo ngày nắng tốt hoặc không mưa.

 

Vợ chồng tôi phải cùng trở thuốc măt trên xuống mặt dưới và ngó ông trời. Hễ ông buồn buồn muốn mưa là mau bưng chúng vô nhà. Thuốc khô đóng gói thành từng bánh vuông vức có chiều cao, ngang, dọc độ 50cm cất chờ mối lái tới coi. Nếu thuận mua vừa bán là bạn hàng đội ra ghe hay xuồng chở đi.

 

Dân miền Tây làm lụng toàn là đội chớ không gánh như người miền Đông. Thấy gia đình chồng ai nấy đều cắp thúng ra đồng, chiều về đội trên đầu mỗi người một thúng lửng thửng vào nhà. Tôi chịu thua, không gánh cũng không đội vì đau đầu đau vai, chỉ có xách hay quảy trên vai như dân bán chợ trời, chợ đất mà thôi.

 

Bạn hàng đi mua về họ phân phối đi khắp nơi, nhiều nhứt là chở ra Trung vì ngoài nớ đa số ai cũng hút thuốc và ăn trầu nhiều hơn tỉnh khác.

 

Nhìn một người ngồi thong thả vấn và se thuốc xong bật lửa nhả khói và thả hồn theo khói thuốc, không hiểu họ có thông cảm điếu thuốc mình đang “phiêu linh“ có bao công sức trong đó hay không? Cũng như khi nhìn chén cơm mình ăn là biết sự nhọc nhằn của người trồng lúa thế nào.

 

Nghề thuốc của làng nầy bây giờ đã bị “khai tử“ hết rôì, cực quá mà không lời. Thời tiết bốn mùa không giống như xưa cái gì cũng có vô thường của nó. Thuốc nội địa làm chi cũng không bằng thuốc ngoại có nhiều tên, nhiều loại và bao bì họ đóng gói bằng máy đẹp mắt.

 

Thôi thì an ủi cho người làm rẫy vui long: “Ta về ta hút thuốc ta, dù ngon dù dở thuốc nhà vẫn hơn“. Nhưng nó đã dẹp tiệm rồi còn đâu mà an với ủi!

 

Thanh Thản Nhiên

 

*  *  *

 

Xem bài cùng chủ đề: click vào đây

Xem bài cùng tác giả: click vào đây

Xem bài trên trang thơ: click vào đây

Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh