Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Y học & đời sống
CÁC LOẠI BỆNH TẬT
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

Theo các nhà bệnh lý học, bệnh tật nói chung được chia làm hai (2) loại như: Bệnh truyền nhiễm và bênh không truyền nhiễm:

1- BỆNH TRUYỀN NHIỄM (Infectious Diseases):

Những bệnh truyền nhiễm xảy ra, khi một mầm mống lây bệnh (infectious agent, hay pathogen) có cơ hội xâm nhập vào cơ thể của con người hay sinh vật để phát tác. Trong đó, một số mầm mống lây bệnh (pathogens) gây tổn thương những tế bào (cells), rồi tàn phá những mô tầng (tissues) của cơ thể, và chúng gia tăng sinh sản. Còn một số khác (other pathogens) sinh ra những độc chất để tác hại cơ thể. Ngoài ra, trong một vài trường hợp, sự phản ứng cơ thể để chống lại sự nhiễm trùng có thể gây hư hại cho những mô tầng của chính cơ thể.

Những bệnh truyền nhiễm có thể được quy kết tùy theo loại mầm mống lây bệnh (pathogens) của chúng. Thí dụ: Những Vi Khuẩn (Bacteria) và Siêu Vi Khuẩn (Viruses) là hai loại mầm mống lây bệnh thông thường nhất. Chúng là loại vi sinh vật có một tế bào độc nhất.

Những vi khuẩn được nhận dạng dưới kính hiển vi, và có vô số sống ở khắp mọi nơi. Một số vi khuẩn không gây hại được gọi là “Vi khuẩn Nội Trú” (resident bacteria), chúng sống ở trên da, trong miệng, hay trong ruột của con người, và chúng giúp bảo vệ con người bằng cách giết những vi khuẩn gây bệnh khác. Chúng ít khi gây bệnh nếu chúng không di chuyển đến những cơ quan khác, nơi mà chúng không thường cư trú. Ngoài ra, một số loại vi khuẩn gây bệnh, khi xâm nhập vào cơ thể con người hay sinh vật, chúng sinh sôi nẩy nở, và tiết ra độc chất được gọi là “Enzymes” để tàn phá những tế bào và mô tầng của sinh vật.

Một loại độc hại và nguy hiểm hơn vi khuẩn là Siêu Vi Khuẩn Viruses. Viruses có hình dạng rất nhỏ hơn Vi khuẩn (bacteria). Các nhà khoa học phải dùng kính hiển vi điện tử cực mạnh mới nhận thấy chúng. Chúng gây nên nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người (Chi tiết xin xem bài “Siêu Vi Khuẩn Viruses”).

Ngoài ra, còn có một số bệnh truyền nhiễm khác được gây ra bởi các mầm mống lây bệnh như: Nấm (Fungi), Động vật nguyên sinh (Protozoans), và Giun (Worms). Chúng là loại ký sinh trùng, sống bám nhờ vào việc đục khoét các mô tầng cơ thể, hoặc các chất dinh dưỡng trong đường ruột con người. Chúng gây ra các bệnh truyền nhiễm từ những sự nhiễm độc nhẹ nơi da, cho đến những chứng bệnh nguy hiểm, đe dọa mạng sống con người.

Việc lan truyền bệnh từ người này đến người khác do nhiều cách truyền nhiễm khác nhau. Khi một bệnh truyền nhiễm lây lan cho nhiều người sống trong một cộng đồng, một vùng đất rộng lớn được gọi là “Bệnh Dịch” (Epidemic). Hơn nữa, một bệnh dịch lan truyền nhanh chóng từ một quốc gia này đến quốc gia khác được gọi là “Đại Dịch” (Pandemic). Bệnh truyền nhiễm được lây truyền qua những môi giới bởi con người, bởi thú vật, bởi nước, bởi thực phẩm, và bởi những nguồn vật chất vô sinh khác nhau.

2- BỆNH KHÔNG TRUYỀN NHIỄM:

Những loại bệnh không truyền nhiễm bao gồm vô số những bệnh tật không gây bởi những mầm mống lây bệnh (pathogens). Nói chung gồm có: Những bệnh di truyền, ung thư, bệnh biến chất do sinh hóa (metabolic diseases), rối loạn hệ thống miễn nhiễm (immune system disorders), những bệnh thuộc về môi sinh nghề nghiệp, và những bệnh vì tuổi già.

2.1- Bệnh Di Truyền (Inherited Diseases) có liên hệ đến những khiếm khuyết hư hại trong Genes, mà chúng có thể được truyền qua huyết thống gia tộc, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Về những bệnh di truyền, các nhà khoa học vẫn còn trong vòng nghiên cứu, chưa có sự giải thích rõ ràng.

2.2- Bệnh Ung Thư (Cancer) là một trong những căn bệnh lo sợ thường nhất trên thế giới. Chúng xuất hiện trong cơ thể, khi có bất cứ một loại tế bào nào phát triển bất bình thường, và không thể kiểm soát được. Những tế bào ung thư tiến chiếm, và dần dần tàn phá những mô tầng chung quanh. Hơn nữa, những tế bào ung thư nguyên thủy có thể lan truyền, để gây ra ung thư ở những bộ phận khác trong cơ thể. Theo các nhà khoa học, bệnh ung thư do bởi Genes khiếm khuyết chức năng để kiểm soát việc phân loại và tăng trưởng của tế bào. Đặc biệt, một số người có di truyền từ những genes bất bình thường như thế. Họ có thể, phần lớn sẽ có những bệnh ung thư. Thí dụ như ung thư ngực (breast cancer) hay ung thư ruột (colon cancer). Ngoài ra, hầu hết, những bệnh ung thư không do di truyền; mà vì sau khi sinh, những khiếm khuyết chức năng của genes xãy ra do bởi những chất hóa học (chemicals), chất phóng xạ (radiations), siêu vi khuẩn (viruses), hay những vật chất trong môi sinh. Theo các nhà khoa học, khoảng một phần ba tất cả bệnh ung thư xuất hiện do sự khiếm khuyết hư hại genes, được gây ra từ việc hút thuốc lá.

2.3- Bệnh Do Biến Thể Sinh Hóa (Metabolic Diseases) là kết quả từ những rối loạn trong hệ thống biến thể sinh hóa (metabolism) của cơ thể; vì hệ thống này cần giúp cho cơ thể tự duy trì, nuôi dưỡng, và điều hòa chính nó. Nói cách khác, bệnh này có thể do kết quả của sự thiếu dinh dưỡng (nutrition), hay sự rối loạn của những tuyến nội tiết (endocrine disorders).

2.3.1- Sự Thiếu Dinh Dưỡng:

Thực phẩm cung cấp những chất liệu sống, khi vào cơ thể nó cần được qua một tiến trình tác dụng hóa học biến thể (metabolism). Nếu thực phẩm của người ta thiếu những chất dinh dưỡng như đường (sugars), chất đạm (proteins), chất béo (fats), sinh tố (vitamins), hay chất khoáng (minerals), những bước quan trọng về tác dụng sinh hóa (metabolism) không thể xảy ra, từ đó cơ thể sinh ra bệnh. Thí dụ, trẻ em ăn uống quá ít chất đạm (protein) sẽ sinh ra bệnh kwashiorkor, ốm yếu kém tăng trưởng, vì chất đạm (proteins) là nguồn xây dựng nên những mô tầng cơ thể. Ngay khi ăn quá nhiều một loại thực phẩm, người ta vẫn có thể ăn không đầy đủ những chất dinh dưỡng trong những thực phẩm khác. Tại các nước tiền tiến, người ta thường bị bệnh phì mập, vì ăn uống quá nhiều năng lượng (calories) và quá nhiều chất béo (fats); khiến cho sự tác dụng sinh hóa (metabolism) cơ thể trở nên tệ hại.

2.3.2- Sự Rối Loạn Các Tuyến Nội Tiết (Endocrine Disorders) sinh ra bệnh sinh hóa cho cơ thể, vì những tuyến nội tiết (endocrine glands) có nhiệm vụ tiết ra những kích thích tố (hormones), và các chất hóa học (chemicals) để giúp điều hòa hệ thống tác dụng sinh hóa (metabolism), và có ảnh hưởng trên nhiều phần khác nhau trong cơ thể. Thí dụ, bệnh tiểu đường (diabetes) là loại bệnh sinh hóa (metabolic disease), vì tụy tạng (hay lá lách-pancreas), bị suy yếu, không sinh ra đủ kích thích tố insulin; để giúp các tế bào hữu dụng hóa, và lưu trữ chất đường như một nguồn năng lực. Do đó, các tế bào trong cơ thể dần dần bị hư hại, và chết. Bệnh tiểu đường trầm trọng có thể gây ra sự tàn phế, và sự chết cho con người.

2.4- Bệnh Rối Loạn Hệ Thống Miễn Nhiễm (Immune System Disorders) Hệ thống miễn nhiễm gồm có những tế bào (cells), các phân tử (moleculars), và những mô tầng, chúng cùng làm việc với nhau, để bảo vệ cơ thể chống lại những sự nhiễm trùng, ung thư, và những mầm độc hại xâm nhập vào cơ thể. Hầu hết, những bệnh này do bởi sự khiếm khuyết khả năng nhận diện những mầm độc hại của hệ thống miễn nhiễm. Thí dụ như các bệnh: dị ứng (allergies), suyễn (asthma), cơn sốt do bụi cỏ khô (hay fever), phong ngứa (hives).

2.5- Bệnh Về Nghề Nghiệp Và Môi Sinh (Occupational & Environmental Diseases) là kết quả gây bởi những mầm độc hại trong không khí, nước, hay những vật chất khác nhau.

Những bệnh như thế được gọi là bệnh về nghề nghiệp khi chúng được gây bởi những yếu tố liên hệ đến việc làm, hay nơi làm việc. Thí dụ, những nơi và việc làm có liên hệ đến những hóa chất, hầm mỏ, gây tổn hại đến phổi, và các bộ phận khác trong cơ thể. Bệnh đau nhức Repetitive Strain Injuries (RSI's), vì việc làm diễn trình lập đi lập lại một số động tác tương tư, trong nhiều tháng năm. Ngoài ra, bệnh đau nhức cổ tay được gọi là Carpal Tunnel Syndrome (CTS), từ những nhân viên hàng ngày dùng máy vi tính, đến việc cắt thịt.

Những bệnh về môi sinh có liên hệ đến sự ô nhiễm không khí. Sự ô nhiễm khiến cho không khí trở nên dơ bẩn, có thể kích thích làm ngứa mắt, mũi, và cuống họng. Cũng như những chứng bệnh phổi, suyễn (asthma), sự nhiễm độc nơi cơ thể.

Sự ồn ào của những tiếng động cũng là một ô nhiễm thông thường khác trong đời sống văn minh ngày nay. Việc liên hệ với sự ồn ào lâu dài có thể gây ra sự suy yếu, hay mất thính giác của con người. Ngoài ra, nó còn tạo cho người ta bi bệnh căng thẳng tinh thần (strain).

2.6- Bệnh Liên Hệ Đến Tuổi Già (Diseases associated with aging) do bởi tình trạng suy yếu dần dần của những tế bào (cells), mô tầng (tissues), và những cơ quan trong cơ thể của những người có tuổi. Không ai có thể tránh được những bệnh tật trong suốt đời. Cơ thể con người với thời gian đều bị đau yếu, suy tàn, rồi đi vào cõi chết, trở về với cát bụi. Trong tuổi già, con người thường liên hệ đến những bệnh như: tim mạch (cardiovascular diseases), áp huyết cao (hypertension), chứng đột quỵ hay máu xâm (stroke), chứng công tim (heart attacks), viêm khớp xương (arthritis), và bệnh suy nhược thần kinh (degenerative diseases of the brain),...

VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh