Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
CHIẾC XE "CÓ HUÔNG" CỦA CÔNG-TƯỚC FRANZ FERDINAND.
LÊ CHÁNH THIÊM
Các bài liên quan:
    CHIẾC XE HƠI CỦA JAMES DEAN

 

 

Chiếc xe "có huông" đã gây ra bao tai ương cho nhiều người

 

Trên đời không thiếu những chuyện kỳ-diệu, huyền-bí, khó tin nhưng lại có thật. Ngoài những chuyện ma quái, kinh-dị đến chuyện linh-thiêng hay tâm-linh huyền-bí còn có những đồ vật đem lại nhiều điều dữ cho chủ-nhân hay người sử dụng nó. Việc tin hay không tin vào các điều có tính huyền-bí là tùy mỗi người.

Một triết-nhân Ấn-độ đã nói: Người nào tin vào chúc lành cũng sẽ tin vào chúc dữ”.

Nói cách khác, nếu có một quyền lực siêu hình nào đó thì có thể dùng nó để xây-dựng hay phá-hoại tùy theo mục-đích người vận-hành và nếu chúc lành ứng nghiệm thì chúc dữ hay lời nguyền rủa cũng có hiệu-quả.

 

 

Chân dung Công Tước nước Áo, Franz Ferdinand


Các nhà khoa-học ngày nay lại không tin như vậy. Họ cho đó là dị-đoan, mê-tín, chuyện không có căn-cứ. Gần đây, trước các khám-phá về tâm-lý, các nhà khoa-học đã phần nào công-nhận sức mạnh tập-trung tư-tưởng hòa lẫn với tình-yêu hay căm ghét mãnh-liệt có thể truyền ảnh-hưởng tốt hay xấu cho một vật giống như thanh sắt phản-ứng với thanh nam-châm.

Ngay cả phía y khoa, tuy không chính thức nhưng một vài trường hợp họ cũng cho là đức tin có thể làm thuyên giảm tật bệnh đồng thời với việc dùng thuốc men. Người ta đã ghi lại các sự kiện kỳ bí liên-quan đến những vật nổi tiếng như: chiếc ngư thuyền ma quái Charles Haskell, chiếc xe hơi của tài tử James Dean, chiếc chiến hạm Đức quốc Scharnhorst v.v...

Dưới đây là trường hơp vật có huông tiêu-biểu, đã châm ngòi cho cuộc chiến-tranh thế giới: chiếc xe của Công-tước nước Áo, Franz Ferdinand.

Công-tước Áo quốc Franz Ferdinand là chủ nhân của một chiếc xe hơi mà sau khi ông chết, chiếc xe đó đi vào lịch-sử đặc-biệt. Công-tước Franz đang lái xe này khi chở vợ ông ta trên chiếc xe thì bị ám-sát chết ở Sarajevo vào tháng 6 năm 1914. Cái chết của vị Công-Tước này đã châm ngòi cho Thế chiến thứ nhất, đã tạo ra không biết bao nhiêu tang-thương cho nhân-loại. Đó là người chủ đầu tiên của chiếc xe hơi màu đỏ mà về sau người ta cho nó là chiếc xe có huông nguy-hiểm nhất.

Một tuần-lễ sau khi xảy ra vụ mưu sát này, vị tướng chỉ-huy Quân-đoàn 5 của quân-đội Áo là Tướng Oskar Potiorek đến đóng tại dinh-thự của Đô-trưởng Sarajevo, nơi có chiếc xe màu đỏ đang đậu. Ông ta sử-dụng chiếc xe này trong 21 ngày thì đội quân do ông chỉ-huy bị thảm bại ở Sarajevo, quân đoàn này tan rã, hậu-quả là ông bị tước mất quyền chỉ-huy. Trở về thủ-đô Vienne, ông ta sống trong sự cùng khổ, sự hổ thẹn vì việc bị mất quyền tước, rồi thì ông bị điên và cuối cùng ông ta chết trong một trại tế-bần.

Một viên Tướng chỉ-huy đã từng phục-vụ dưới trướng của Tướng Potiorek là chủ nhân thứ ba của chiếc xe này. Sau 9 ngày làm chủ chiếc xe, một hôm, khi ông đang lái trên con đường ở một vùng thôn quê thì một tai-nạn xảy ra. Chiếc xe do ông lái cán chết hai nông-dân người Croatia, xe đâm sầm vào thân một cây to bên vệ đường làm cho viên tướng chủ nhân chiếc xe này thiệt-mạng còn chiếc xe thì bị hư hại nặng nề. Người ta không rõ nguyên-do và không ai chứng-kiến tại-nạn xảy ra như thế nào.
 

 

Vợ chồng Công Tước Franz Ferdinand và 2 con.


Sau tai nạn nầy, chiếc xe được đem về sửa-chữa lại để xử-dụng. Đến gần cuối cuộc chiến-tranh thế-giới lần thứ nhất thì một người lãnh-đạo Yougoslavia làm chủ chiếc xe này. Xử dụng chiếc xe trong 4 tháng, ông đã gặp phải 4 tai-nạn khi đang lái xe, và trong một tai-nạn cuối cùng nhưng nặng nhất, ông ta bị mất cánh tay phải.

Tức giận vì bị tai-nạn đến tàn phế và vì tai tiếng của nó, ông ta ra lệnh thuộc-hạ phá-hủy chiếc xe. Thế nhưng có người khuyên ông nên bán chiếc xe lại cho bác-sĩ Srik, người bị lôi-cuốn bởi ý tưởng được làm chủ chiếc xe có một lịch-sử như vậy. Bác-sĩ Srik cho người dọ hỏi mua chiếc xe vì tính ông ưa những việc dị kỳ và không tin điều mà ông ta cho là “nhảm”. Vị Bác-sĩ này nói:

-“Không người nào có lý-trí lại tin vào chuyện chiếc xe có huông”.

Ông Srik còn cho rằng:

-“Tiếng xấu của nó chẳng qua là vì một loạt những trường-hợp bi-thảm có sự trùng hợp”.

Sáu tháng đầu tiên ông Srik xử-dụng chiếc xe không có chuyện gì xảy ra, người ta tưởng rằng lời nói của Bác-sĩ Srik là đúng. Nhưng rồi sau đó không lâu người ta tìm thấy xác vị Bác-sĩ ương ngạnh này và chiếc xe nằm bên một vệ đường. Chiếc xe bị lật và hư hại nhẹ, bên cạnh là xác Bác-sĩ chủ nhân. Ông bị chiếc xe đè chết khi nó lộn vòng trước khi lật ngữa. Không người nào chứng kiến tai-nạn xảy ra để thấy được phút cuối cùng trước khi lìa đời của một con người ương ngạnh.

Xe lại được đem bán cho một vị chủ một tiệm kim-hoàn giàu có. Sau khi sửa chữa lại, người chủ mới này xử-dụng chiếc xe trong vòng một năm không xảy ra chuyện gì cả. Một ngày kia, người chủ tiệm kim hoàn này lại tự-tử với một lý-do không được xác-nhận. Người ta không thấy điều gì lạ xảy ra cho người chủ hay gia-đình, ngay cả trong công việc làm ăn. Ông ta cũng không mắc phải bệnh tâm-thần, công việc kinh doanh thì đang hồi phát đạt.

 


Công Tước Franz Ferdinand tại Sarajevo năm 1914.


Đến bây giờ, tai tiếng về chiếc xe này lan ra khắp nơi. Nhiều người e sợ nó đến độ có người không dám đi ngang qua nó, huống chi nói đến việc làm chủ nó. Thế nhưng cũng có người lớn gan, đó là một vị Bác-sĩ. Ông ta mua lại chiếc xe lịch-sử này sửa-chữa và dùng nó. Trong một thời-gian xử dụng, nó không gây ra bất cứ một tai-hại nào cho vị Bác-sĩ này cả.

Tuy nhiên, trước khi chiếc xe nổi tiếng này có thể gây tác-hại cho chính mình, ông ta buộc phải đem chiếc xe sang tay ngay cho một người khác. Ông ta thấy rất nhiều bệnh nhân thân-chủ của ông lo-lắng về tai tiếng và lời nguyền của chiếc xe, họ đã và đang dần dần không đến khám bệnh với ông nữa mà không có lời giải-thích nào với ông. Như vậy, nó gây thiệt-hại về mặt tài-chánh cho chủ nhân và vị Bác-sĩ nầy đã phải bán nó trước khi gây tác-hại cho mình trên mặt thể-xác.

Chủ nhân mới chiếc xe nầy là một tay đua xe người Thụy-sĩ. Sau khi tu sửa để có thể tham dự cuộc đua, tay đua nầy lái thử nó và không thấy gì khác lạ. Và trong một cuộc đua mang tên Dolomite, chính người chủ xe lái nó, chiếc xe này vọt ra khỏi đường đua, văng vào một bức tường bằng đá bên đường, tài-xế chủ xe văng ra khỏi xe, đập vào tường đá và bị chết ngay lập tức.

Tuy bị mang tai tiếng, chiếc xe này vẫn có người muốn làm chủ. Nó được một người chủ trại tại Sarajevo rất giàu-có mua lại, sửa-chữa hoàn-hảo, sử-dung ngon lành trong vài tháng. Một sáng nọ, chủ nhân khởi-động máy nhưng máy xe không nổ, ông ta bèn nhờ một người lái xe đi ngang qua kéo nó về thành-phố để sửa chữa. Trong lúc họ đang chuẩn-bị cho việc kéo xe đi thì máy xe lại nổ, chiếc xe tự vọt tới phía trước, kéo đứt dây kéo, lao xuống đường và lật tại một khúc quanh gắt, vị chủ trại này “về với ông bà” vì khi đó ông đang ở trên xe.

Chiếc xe hư hại nặng nhưng được một chủ garage tên là Tibor Hirshfeld mua nó lại, mang về sửa-chữa, sơn lại màu xanh lam và lái đi đây đi đó. Một hôm, ông ta và 6 người bạn cùng đi trên chiếc xe này để đến dự một đám cưới của người quen thân, khi xe đang chạy ngon trớn, ông ta đâm vào một chiếc xe khác. Tai-nạn xảy ra làm cho ông ta và 4 người bạn khác của ông ta trên xe tử vong.

Cuối cùng, vì những tai-nạn gây ra do bởi chiếc xe này, dù trực-tiếp hay gián-tiếp, người ta đành phải tin nó là vật nguy-hiểm. Trước nhiều bằng-chứng hiển-nhiên và được ý-kiến của nhiều viên-chức, chính-phủ Áo quốc quyết-định đem chiếc xe này về sửa-chữa lại và đưa vào Bảo-tàng viện tại thủ-đô Vienne. Họ nghĩ chiếc xe này trước tiên là của Công-tước Franz Fernand, như vậy nó có liên-hệ đến Áo quốc và cũng vì nó mà vị Công tước của họ tử thương, mọi người muốn nó ở yên một chỗ là hơn, không muốn để nó làm hại người khác, những người không tin cái “huông” của nó.

 


Chiếc xe hơi "có huông" thường gây tai vạ được trưng bày tại Vienne.

 

Tưởng là vào đó là nơi nó sẽ không còn gây tai-họa cho một ai nữa vì nó đã giết chết tổng-cọng 14 người, nó cũng dính-líu đến nguyên-nhân bùng-nổ cuộc thế-chiến với hàng triệu người chết; nhưng không, nó vẫn còn gây tai-họa cuối cùng: một trái bom của quân đội Đồng-minh rơi trúng Viện-bảo tàng, chiếc xe tan-tành, giải-tỏa lời nguyền của chiếc xe này. Nó kéo theo một bảo-tàng viện tan nát cùng với nó.

Đây là chiếc xe gây nhiều tai-họa nhất từ trước tới nay trong lịch-sử của xe hơi và cũng là một trong các vật có huông với nhiều tai tiếng nhất.

Lê Chánh Thiêm. 

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Kiến thức, tài liệu, click tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com

 

Uploaded lần đầu: June 12, 01:23AM, có sửa chữa



 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh