Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 19, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
XÂY DỰNG HẠNH PHÚC HÔN NHÂN
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

XÂY DỰNG HẠNH PHÚC HÔN NHÂN.
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.

1- KHÁI NIỆM HẠNH PHÚC HÔN NHÂN:

Trong cuộc sống, người đời ai ai cũng muốn được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là cái gì cao xa, rộng lớn. Phần đông, người ta không dễ tìm được nó một cách hoàn toàn và giữ nó lâu dài, mà không trải qua những khó nhọc đắng cay của cuộc đời. Hơn nữa, trong việc xây dựng hạnh phúc, người ta không bao giờ tìm được sự hoàn tất.Trái lại, hạnh phúc phải được xây dựng trong sự thăng tiến không ngừng, từ ngày này qua ngày khác; từ năm này đến những năm kế tiếp,... Do đó, để thăng tiến hạnh phúc, chúng ta phải sống thích ứng không ngừng trên nhiều khía cạnh khác nhau về tinh thần lẩn thể chất. Thí dụ, những vấn đề với việc học tập, việc làm sinh sống, việc hôn nhân lứa đôi,... Nếu không, chúng ta sẽ mất nó.

Riêng về hôn nhân, khi chúng ta nói rằng một cuộc hôn nhân có kết quả tốt, phải chăng chúng ta muốn nói rằng chồng và vợ tiếp tục để yêu nhau? Rằng họ không có nhiều mối bất hòa? Rằng họ có những tiện nghi trong cuộc sống vật chất? Rằng họ đã có hai hay ba đứa con ngoan tốt? Rằng họ không có lần nào dự định ly dị? Hoặc có bao nhiêu sự việc này liên quan đến họ? Nếu như thế, chúng ta đã nhìn hôn nhân dưới những khía cạnh giới hạn của nó.

Theo nghĩa rộng, hôn nhân nam nữ có thể được gọi là một hôn nhân tốt, vì đời sống hài hòa của họ có nhiều thành đạt về tinh thần lẫn vật chất. Trong đó hạnh phúc hôn nhân của họ được thể hiện qua nhiều cách khác nhau.Thí dụ; họ sống vui vẻ trong đời sống cá nhân và gia đình; họ tương hợp trên nhiều phương diện; họ tạo được những hòa giải trong sự khác biệt cá tính, và thích nghi với những hoàn cảnh khó khăn, để chung sống hòa thuận với nhau,... Hơn nữa, một đôi nam nữ, dù bắt đầu, chung sống tương hợp đến mức độ nào đi nữa, hôn nhân sẽ còn đòi hỏi ở họ rất nhiều sự việc cần thiết khác, nếu họ muốn xây dựng hạnh phúc hôn nhân trong cuộc sống lâu dài.

Theo các nhà tâm lý học, hôn nhân là một tiến trình không ngừng của việc cùng sống hòa thuận với nhau, và thử thách liên tục của đôi nam nữ, để giữ và trau dồi hạnh phúc; mà hạnh phúc có thể là một trong những niềm vui sâu sắc nhất của hôn nhân nam nữ. Vì vậy, hôn nhân không thể có sự thụ động tiêu cực, nhưng nó đòi hỏi sự năng động tích cực ở đôi nam nữ, để cùng nhau phát huy tính trưởng thành, và hòa giải những cá tính khác biệt, nhằm đạt đến một cuộc sống hài hòa với nhau. Trong vấn đề này, có nhiều lý do khác nhau như sau:

Lý Do 1- Thái độ thay đổi theo hoàn cảnh:

Thái độ của con người không chỉ được xác định bởi cá tính, mà còn chịu sự chi phối của hoàn cảnh sống. Do đó, thái độ của vợ và chồng trong hoàn cảnh hôn nhân thường trở nên khác biệt với thái độ của họ trong hoàn cảnh lúc còn tìm hiểu nhau. Việc này không phải họ thay đổi, nhưng hoàn cảnh đời sống của họ đang thay đổi, và đang mang họ cùng với nó. Vì vậy, mỗi người vợ và chồng sẽ phải tạo ra sự thay đổi thái độ, để thích nghi cho nhau trong hoàn cảnh mới, mà họ không được biết trước khi hôn nhân.

Lý Do 2- Cần sự hòa giải giữa vợ chồng:

Khi hai người cùng chung sống với nhau, chắc chắn có một số sự việc bất đồng. Nếu chỉ vì họ là những cá nhân cố chấp luôn luôn giữ ý kiến của riêng mình, mà không quan tâm đến ý kiến của người khác. Như thế, họ sẽ gây tổn thương đến lòng tự ái của nhau. Do đó, cả hai vợ chồng cần phải nhân nhượng với nhau, để cùng đi đến sự hòa giải, khi có những sự việc bất đồng trong đời sống hôn nhân.

Lý Do 3- Vai trò vợ chồng ngày nay không được rõ ràng:

Ngày xưa, người chồng là cột trụ gia đình, và lo làm việc kiếm tiền bên ngoài để nuôi gia đình. Trong khi, người vợ giữ vai trò nội trợ, quán xuyến những công việc trong nhà. Ngày nay, mẫu sống gia đình có nhiều thay đổi, vì mối liên hệ gia đình vợ chồng có nhiều tính chất dân chủ hơn. Vì vậy, vai trò vợ chồng trong gia đình ngày nay không được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, người ta đã có những cách khác nhau để giải quyết những vấn đề gia đình của riêng họ. Đây sẽ là việc đòi hỏi sự hợp tác, và nhiều cố gắng giữa vợ chồng, để cùng nhau chia xẻ những trách nhiệm gia đình, kể cả về tài chánh.

Lý Do 4- Sự liên hệ hôn nhân ngày nay có nhiều nhu cầu hơn xưa:

Ngày nay, mối liên hệ hôn nhân là nguồn chính để thỏa mãn nhiều nhu cầu cần thiết nhất của đôi nam nữ. Thí dụ, nhu cầu về cảm giác được yêu thích, tình bằng hữu, ý thức an toàn, lòng tự ái về giá trị, sự quan tâm cho nhau về tinh thần lẩn vật chất,... Ngoài ra, việc quan trọng của hai vợ chồng là tiếp tục sống hài hòa với nhau, không chỉ vì sự hy sinh cho riêng họ, mà còn cho sức khỏe tinh thần của con trẻ trong gia đình. Nói cách khác, hôn nhân ngày nay đòi hỏi nhiều nhu cầu cần thiết, bởi vì, người ta ý thức được tầm quan trọng của nó. Cho nên, qua sự hiểu biết, sự trưởng thành về tâm lý, và sự tự nguyện, người ta đã tạo nên những sự điều chỉnh hợp lý hơn trong đời sống hôn nhân.

2- BẰNG CÁCH NÀO ĐỂ ĐẠT ĐẾN HẠNH PHÚC HÔN NHÂN?

Nhằm trả lời câu hỏi “Bằng cách nào để đạt đến hạnh phúc hôn nhân?”, sau đây là một số gợi ý căn bản để những người bạn trẻ tham khảo, và linh động phát kiến thêm, tùy theo hoàn cảnh, và tâm lý riêng của mỗi cá nhân:

2.1- Bằng Việc Nuôi Dưỡng Tình Yêu:

Người ta không nên cho rằng tình yêu có thể tự chính nó chăm sóc. Trái lại, tình yêu cần được đôi nam nữ nuôi dưỡng bằng những đặc tính như: lòng thân ái, sự cảm kích, sự ca tụng, sự chiều chuộng với nhau,... nhằm để giữ cho nó luôn được rực sáng với thời gian. Ngoài ra, sự lịch sự nhã nhặn, và sự quan tâm sẽ luôn luôn giữ được tình cảm tốt đẹp giữa hai người. Nhưng nhiều cặp hôn nhân thường để sự thân tình làm giảm bớt giá trị của nó. Cũng như, những cữ chỉ yêu dấu, và những lời tình tứ thú vị cho nhau trong lúc ban đầu, thường bị quên lãng trong gia đình hôn nhân. Về thể chất, sự sạch sẽ cá nhân và sự chăm sóc hình dạng bên ngoài là những yếu tố thêm phần hấp dẫn, và giúp cho mối liên hệ tình cảm giữa hai người được mặn nồng hơn.

2.2- Bằng Việc Xác Định Để Hoàn Thành Hôn Nhân:

Tại Hoa kỳ, có rất nhiều cặp vợ chồng ly dị. Bởi vì nhiều bạn trẻ bước vào hôn nhân với ý tưởng ngấm ngầm rằng, nếu hôn nhân không thuận chiều, họ có thể chia tay. Đây là một quan điểm nguy hiểm. Nếu hai người đã biết chắc là họ không hoàn toàn tương hợp, họ nên chia tay ngay từ lúc chưa bước vào hôn nhân. Bởi vì, sự ly dị rất hiếm khi đưa đến giải pháp thật sự đối với những vấn đề của cả hai phía.

Mặc dù người ta không thể nào hy vọng có một hạnh phúc hoàn hảo trong bất cứ việc gì, nhưng rất thường với thái độ quyết tâm và kiên nhẫn người ta dễ tiến tới thành công hơn. Hôn nhân cũng không ngoại lệ: “Tôi sẽ hoàn thành hôn nhân của tôi một cách tốt đẹp trong tất cả khả năng của tôi có thể làm được.” Khi họ xác định như thế, họ sẽ kiên trì với những cố gắng xứng đáng, trí thông minh, lòng nhiệt huyết, lòng tự nguyện nhân nhượng hòa giải với nhau, và nếu cần họ sẽ hy sinh, để có thể giải quyết bất cứ vấn đề nào có thể xảy ra trong đời sống hôn nhân của họ.

2.3- Bằng Việc Sống Thực Tế:

Người ta không nên đòi hỏi người hôn phối luôn luôn có thể đồng ý, hay luôn luôn chú ý, hoặc luôn luôn ngọt ngào tự nhiên với nhau. Bởi vì sự tốt nhất của những người chồng hay những người vợ chỉ là những con người, và con người thì luôn luôn có thể lầm lỗi. Đây là một thực tê; vì vậy, chúng ta nên nhớ rằng tinh thần thực tế vô cùng quan trọng trong mối liên hệ thân mật hôn nhân. Trong đời sống vợ chồng, một số nhận thức thực tế sau đây, những người bạn trẻ nên ghi nhớ:

- Nên ý thức rằng cao điểm tình tứ ngọt ngào ở những ngày mới yêu nhau không thể nào tiếp tục vô hạn định.

- Nên ý thức rằng sự tương hợp hoàn toàn giữa vợ chồng không bao giờ có được.

- Nên ý thức rằng đừng có hy vọng thay đổi những cá tính của người bạn đời, nhằm cải tạo họ trở thành một người khác để hoàn toàn theo ý của mình.

- Nên ý thức rằng hôn nhân không phải là cơ hội thoát khỏi những công việc vất vả thông lệ hàng ngày.

2.4- Bằng Việc Tự Cải Thiện Chính Mình:

Người vợ hay chồng dù có tốt đến mức nào đi nữa, nhưng đôi khi họ cũng có những điều sai trái, bởi vì nhân vô thập toàn. Điều quan trọng là người ta biết tự kiểm điểm nhận ra việc lầm lỗi của mình, để rồi tự cải thiện chính mình, và tạo cho mối liên hệ vợ chồng được hài hòa hơn.

2.5- Bằng Việc Cải Thiện Sự Sai Lầm Của Người Bạn Đời:

Thông thường, ngay như những vợ chồng trong những hôn nhân tốt nhất, trong một số phạm vi nào đó, họ cũng không tránh khỏi, mỗi người đều phải có một số tính chất không làm vui lòng người kia, hoặc một số hành vi hay thói quen của người này có tính mâu thuẫn với những ước nguyện của người kia. Do đó, việc cố gắng giúp người bạn đời cải thiện sự sai lầm là điều cần thiết, nhằm để bảo vệ sự hòa thuận và tình yêu trong gia đình. Đây là một việc làm rất khó khăn, và đầy tế nhị; vì nó còn tùy thuộc vào nhiều quan điểm khác nhau của mỗi người, và nhất là việc đụng chạm vào lòng tự ái cá nhân, một trở ngại lớn mà bản ngã con người thường khó vượt qua. Tuy nhiên, người ta có thể thành công trong một số đề nghị như sau:

- Trước khi nêu vấn đề, nên chọn đúng vào lúc thích hợp để bắt đầu; nghĩa là trong lúc họ đang ở tâm trạng vui vẻ, lạc quan; tránh lúc họ đang buồn giận. Bắt đầu nêu vấn đề, nên tập trung nói về những ưu điểm, hoặc những tính chất tốt của họ, để làm vui lòng họ.

- Trong khi nêu vấn đề, người vợ hay chồng nên có thái độ ôn hòa, lời nói nhã nhặn êm dịu để diễn tả ý tưởng, nêu lên sự sai lầm của họ, và yêu cầu họ cải thiện điều sai trái. Nếu cần, nên giải thích thêm để sự việc được sáng tỏ, và hai người có thể thảo luận trong tinh thần xây dựng. Điều quan trọng là tránh việc cãi lộn với nhau.

- Sau cùng, nếu sự việc không được cải thiện, người ta nên kiên nhẫn chờ một dịp tốt khác; trong khi chờ đợi, người ta cần phải học tập sự chịu đựng ôn hòa; và nên luôn nhìn vào những ưu điểm của người bạn đời hơn là những điều sai trái. Như thế người ta sẽ có được cảm giác dễ chịu hơn.

2.6- Giải Quyết Những Vấn Đề Trong Cách Khôn Ngoan Và Hợp Lý:

Giống như bất cứ phương diện nào khác trong đời sống, hôn nhân cũng có những vấn đề phải đối diện và được giải quyết. Những người có kinh nghiệm thường cố gắng tiên liệu và đề phòng trước những vấn đề có thể xảy ra. vì vậy, họ luôn luôn sẽ có những giải pháp khôn ngoan và hợp lý hơn, mỗi khi đối diện với những khó khăn.

2.6.1- Những mâu thuẫn trong hôn nhân, nên được giải quyết càng sớm càng tốt:

Thí dụ, vợ chồng nên sớm có sự hòa giải về những mâu thuẫn trong các sự việc như: tiết kiệm và tiêu xài tiền bạc, việc nuôi dưỡng con trẻ, những sinh hoạt xã giao, giới luật về tôn giáo, việc phân chia những trách nhiệm trong gia đình, cũng như những việc khác sẽ góp phần vô hạn vào cuộc sống hòa thuận gia đình.

2.6.2- Nên giải quyết mâu thuẫn một cách hợp lý:

Sự mâu thuẫn có nghĩa là sự xung khắc trong những ước vọng, và dĩ nhiên một số mâu thuẫn không thể tránh khỏi trong hôn nhân. Vì không bao giờ có hai người cùng có những ý tưởng giống hệt nhau trên mọi sự việc. Do đó, để giải quyết những mâu thuẫn, vợ chồng nên có những qui tắc chung về cách xử sự trong gia đình, và nên vui lòng trao đổi những khác biệt giữa những quan điểm của nhau. Như thế sẽ có những lợi điểm như sau:

- Mỗi người đều có cơ hội quan tâm trong việc cùng nhau đi đến một quyết định sau cùng.

- Mỗi người đều có cơ hội chú ý đến những ý tưởng riêng của người kia.

- Có cơ hội hiểu biết lẫn nhau.

- Những cuộc đàm luận với nhau thường đưa đến sự hòa giải không được biết trước.

Mỗi gia đình nên cố gắng tạo ra một số quy tắc mà tất cả mọi người trong gia đình đều chấp nhận. Ngoài ra, sự thương lượng đồng ý giữa vợ chồng cũng là việc cần thiết để giải quyết những mâu thuẫn với nhau. Thí dụ, người chồng nhường cho người vợ phần này, người vợ sẽ nhường cho người chồng phần khác. Sự nhân nhường cho nhau nên có tính độ lượng và không bị ngăn cách về sau. Đôi khi, người chồng hay người vợ sẽ tự nhận thấy rằng họ có thể từ bỏ ước vọng của ho, mà không bị phiền phức quá nhiều, và họ sẽ làm thế.

2.6.3- Nên kiên nhẫn và can đảm trong những lần gặp khó khăn:

Những khó khăn về bệnh tật, tài chánh, việc làm, thân thuộc bên vợ hoặc chồng, và ngay như những phiền phức nhỏ trong việc nhà, tất cả có thể làm cho người ta bị mệt mỏi trầm trọng. Điều hợp lý nên ghi nhớ rằng tất cả những gia đình cũng như những cá nhân cần phải chịu đựng và vượt qua những loại thử thách này. Nhưng một số khó khăn có thể trở nên tệ hại hơn do cách xử sự không hợp lý của vợ chồng gây ra. Nếu người vợ và chồng là những người đảm đang và có tinh thần cương quyết, họ sẽ giúp cho gia đình và sự việc trở nên tốt lành hơn.

3- NHỮNG VẤN ĐỀ NÀO THƯỜNG GÂY TRỞ NGẠI TRONG HÔN NHÂN:

Theo nghiên cứu về đời sống hôn nhân, việc xử lý tiền bạc dường như là vấn đề chánh yếu nhất trong hầu hết những gia đình hôn nhân. Ngoài ra, còn có những vấn đề khác như: việc làm của người vợ, bao nhiêu đứa con để có và cách nuôi dưỡng chúng ra sao, mối liên hệ thân thuộc của hai bên vợ chồng, việc gì phải làm khi tình cảm vợ chồng bị suy yếu, việc cờ bạc rượu chè hư hỏng,... Sự hiểu biết trước về những nguy cơ này là việc tốt, và có thể giúp người ta có thể chuẩn bị, tránh khỏi ngỡ ngàng khi sự việc xảy ra.

3.1- Việc Xử Lý Tiền Bạc:

Trước tiên, đồng tiền là huyết mạch, nó đóng một vai trò quan trọng đối với gia đình. Thí dụ, khi không có đủ tiền để trả tiền nhà, thực phẩm, hóa đơn bác sĩ,... Lập tức, người ta bị lâm vào tình trạng bất an và lo âu; và tình thế này cũng sinh ra mối bất hòa cho những sự việc khác. Do đó, những khó khăn về tài chánh được kể là nguyên nhân của sự ly dị, và luôn luôn đứng hàng đầu trong những danh sách nghiên cứu về mâu thuẫn hôn nhân. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, lợi tức thu hoạch của gia đình cũng không phải là yếu tố để đo lường mức độ hạnh phúc hôn nhân. Cũng như, không có bằng chứng nào cho thấy một cặp vợ chồng khi có nhiều tiền hơn họ sẽ có nhiều hạnh phúc hơn; hay khi họ có ít tiền hơn thì hạnh phúc của họ sẽ bi suy giảm hơn.

Mặt khác, khi chồng không làm nhiều tiền như vợ mong muốn, hay khi một người tiêu tiền một cách lãng phí hơn là thận trọng, hoặc khi có sự bất đồng về việc chi tiêu tiền cho gia đình về một việc nào đó. Sau đó, giữa vợ chồng sẽ có nhu cầu bàn cãi, để tìm ra phương cách chấp nhận hỗ tương về thực tế tài chánh, mà sự sống gia đình phải tùy thuộc vào lợi tức tốt nhất có thể có được.

3.2- Công Ăn Việc Làm Của Người Vợ:

Càng ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ đi làm việc sau khi họ kết hôn. Những nguyên nhân chính là để có thêm lợi tức gia đình, hay để cung cấp cho đời sống xa hoa mà lợi tức của một người không thể trang trải nổi.

Người nữ kết hôn có nên đi làm việc hay không? Đây là một câu hỏi phải được trả lời trong sự soi sáng của mỗi vị thế cá nhân. Sau đây là một số gợi ý, tuy nhiên trong việc trả lời câu hỏi này còn tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh cá nhân:

3.2.1- Nếu người nữ đi làm việc sau khi kết hôn, họ sẽ không có đủ thời gian để làm việc nhà như nếu họ là người nội trợ toàn thời gian. Hoặc họ phải có sự trợ giúp của người khác để làm việc trong nhà, hoặc nếu không, người chồng phải trợ giúp, hay người chồng phải ít nhiều bắt buộc hoàn thành một số việc nhà. Bởi vì việc nội trợ là việc làm truyền thống của người nữ, mà nhiều người nam nghĩ như thế. Ngay như nếu người nữ làm việc bên ngoài suốt ngày, trách nhiệm chánh của họ vẫn còn phải chăm sóc việc nhà. Đây là một việc mà người nữ luôn luôn không thể làm được. Bởi vì người nữ không thể có thời gian, và cũng không đủ sức lực để làm cả hai việc trong ngày như thế.

3.2.2- Làm việc nhà cũng là một nghề nội trợ quan trọng và ưng ý của người nữ: Việc phát triển những kỹ năng làm việc nhà như: cách thức chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn đầy dinh dưỡng, việc giữ gìn nhà ở được sạch sẽ và ngăn nắp, việc quản lý đồng tiền và vận dụng những vật sở hữu trong nhà, việc tổ chức tiếp đãi bà con thân hữu,... Tất cả được hoàn thành là việc cần đổ mồ hôi công sức và tốn nhiều thời gian, nhưng hầu hết người nữ vẫn cảm thấy vui lòng trong vai trò nội trợ, để góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình.

Ngoài ra, một số những người nữ còn dành thời gian và năng lực của họ, để tự phát triển thêm trong những lãnh vực khác. Thí dụ như: việc tham gia vào những mối giao tế láng giềng, nhà thờ hay chùa chiềng, cộng đồng xã hội,... Hơn nữa, họ còn có thể phát triển những năng khiếu về âm nhạc, hội họa, hay viết văn. Bởi vì họ tìm thấy những sở thích riêng sẽ tạo cho đời sống của họ thêm phần thú vị và xứng đáng. Đến khi họ có con nhỏ, nhất là trong những năm đầu, dĩ nhiên, họ sẽ cần nhiều thời gian hơn.

3.2.3- Có một số phụ nữ không thích làm việc nhà. Dù cho thế nào đi nữa, nam nữ nên hỗ tương nghĩ ra những giải pháp đối với vấn đề này, trước khi họ thành hôn.

3.2.4- Con trẻ cần có người mẹ chăm sóc tại nhà:

Khi người nữ có con trẻ, họ nên ý thức rằng trách nhiệm nuôi dưỡng con trẻ đòi hỏi người mẹ có nhiều trí thông minh, tinh thần sáng tạo, và tính chất nghệ thuật, cũng giống như hầu hết những việc làm khác trong đời sống của con người.

Nếu vì cần tiền sinh sống khẩn cấp, người nữ có con nhỏ cần phải đi làm việc. Trường hợp đặc biệt này, người ta có thể chấp nhận được. Ngoài ra, nếu người nữ đi làm với đồng lương không cao, và tài chánh gia đình vẫn không tiến triển khả quan; trong khi họ phải chi tiêu thêm cho những việc may mặc, di chuyển, ăn trưa bên ngoài, tổn phí giặt ủi quần áo,... Nếu như thế, họ cần phải xét lại; Và việc ở nhà chăm sóc con trẻ có thể là việc làm hữu ích hơn.

3.3- Việc Nuôi Dưỡng Con Trẻ:

Hầu hết những cặp thành hôn đều muốn có con, và nếu họ có những đứa con, họ cảm thấy không chỉ hôn nhân của họ được phong phú hơn vì những đứa con, mà còn chính họ trở nên trưởng thành và người lớn hơn đối với con trẻ của họ. Con trẻ có thể gây cho họ nhiều nỗi lo âu phiền muộn, nhưng chúng cũng giúp cho đời sống hôn nhân của họ nhiều điều thú vị. Những bậc làm cha mẹ đã từng dõi theo những thay đổi của con nhỏ, từ lúc sơ sinh, lúc tập đi, tập nói, đến lúc hai tuổi, là cả tiến trình đầy thích thú, mặc dù đã làm cho họ bị nhiều mệt mỏi.

Việc chăm sóc và hướng dẫn con trẻ có thể giúp chúng ta có nhiều tình thương mến hơn đối với con cháu, nhiều kiên nhẫn và kinh nghiệm hơn; cũng như, chúng giúp chúng ta cảm nhận được sự quan trọng và quí giá của cuộc đời. Hầu hết những bậc cha mẹ đều cảm thấy rằng những con trẻ tạo nên sự sống thần kỳ hơn là họ đã có lần mơ tưởng.

Việc nuôi dưỡng con trẻ là việc quan trọng nhất mà tất cả bậc cha mẹ đều đồng ý, mặc dù có sự khác biệt trong cách nuôi dưỡng của riêng mỗi người.Thí dụ, những sự khác biệt tùy theo mỗi người như: Có người cảm thấy họ hiểu biết nhiều về nhu cầu những gì con họ cần.Có một số việc cần phải nghiêm khắc hơn, còn những việc khác cần sự độ lượng hơn.Một số cha mẹ không đồng ý về việc áp dụng hình phạt đối với con trẻ.Việc hạn chế con trẻ xem chuyên hình TV, giờ ngủ nghỉ của con trẻ, và việc dinh dưỡng ăn uống của trẻ,... Những sự bất đồng ý không chỉ tạo ra sự mâu thuẫn giữa cha mẹ, mà còn gây ra ấn tượng rất xấu cho con trẻ. Do đó, sự đồng ý kiến giữa cha mẹ trong việc nuôi dưỡng con trẻ vô cùng quan trọng và rất cần thiết.

Theo tâm lý giáo dục, để con trẻ được phát triển lành mạnh, cha mẹ nên có tính kiên định đồng nhất và sự tín nhiệm trong việc nuôi dưỡng, và đối xử với con trẻ.

3.4- Mối Liên Hệ Với Những Thân Tộc:

Mối liên hệ của người ta đối với những thân tộc của họ, dĩ nhiên, tùy theo họ và những thân tộc thuộc vào loại người nào. Hầu hết những người vợ hay chồng thường đối xử với cha mẹ, anh chị em của người phối ngẫu trong mối liên hệ vui vẻ đầm ấm.Đôi khi, không may, vì những lý do như: sự can thiệp vào chuyện người khác, lòng ganh tị, hay cãi nhau, xâm phạm lẫn nhau,... những thân tộc gây ra những trở ngại, và tạo cho đời sống vợ chồng có nhiều khó khăn.

Nếu một cá nhân không có tính độc lập về nhà ở, và sự sống còn tùy thuộc vào cha mẹ, do đó, người hôn phối sẽ còn phải bị ảnh hưởng trực tiếp với cha mẹ của họ. Đây là một dấu hiệu của một cá nhân chưa trưởng thành. Sự kiện này không chỉ ngăn cản họ có cơ hội trở nên người lớn, mà chắc chắn, hầu hết sẽ gây ra sự va chạm với người hôn phối của họ.

Một trở ngại khác của hôn nhân trong mối liên hệ với những thân tộc.Đây là một việc cư xử không khôn ngoan của những người lớn tuổi như: cha mẹ, cô dì, chú bác,... Họ tưởng rằng họ có quyền làm chủ trong đời sống vợ chồng của con cháu; vì vậy, họ toàn quyền quyết định, và bắt buộc con cháu phải làm theo ý riêng của họ. Khi tình cảnh không thể tránh được. Vợ chồng nên cùng nhau cố gắng vận dụng tài khéo léo xử lý, lòng kiên nhẫn chịu đựng, và tính trưởng thành để vượt qua trở ngại; cũng như nên giữ cho đời sống hôn nhân được vui vẻ, và tránh mối bất hòa, cùng sự cai đắng do tình thế gây nên.

Mặc dù hầu hết những mối liên hệ với những thân tộc thường là vui vẻ. Tuy nhiên, người ta nên nhìn nhận những thực tế không thể tránh khỏi như sau:

- Cha mẹ đã nhiều năm khó nhọc để nuôi dưỡng cho con lớn khôn, và luôn luôn thương yêu con trẻ trong thời gian lâu dài.

- Đối với bậc làm cha mẹ, thật là khó khăn cho họ, trong việc xem người con dâu hay con rể giống như con ruột của họ.

- Theo tâm lý học, mọi người ai cũng có “Bản ngã”. Thông thường, “Cái Tôi” của mình luôn luôn to lớn và quan trọng hơn “Cái Tôi” của người khác, cho nên dễ sinh ra tính ích kỷ và lòng tự ái. Từ đó, khi chạm vào thực tế, hầu hết những cha mẹ có thể cảm thấy khó chịu, khi nhìn biết con mình chăm lo cho “Người Lạ Nào Đó” (con dâu, con rể) hơn là lo cho họ. Đây là một thực tế, tâm trạng chung của con người, người ta nên thông cảm cho bậc làm cha mẹ.

Hơn nữa, những người cha mẹ, anh chị em, thường dùng đặc quyền gia đình để ảnh hưởng người thân của họ. Thí dụ, họ có thể phê bình một cách tự do, áp đặt những lời khuyên của họ, đòi hỏi những đặc ân riêng cho họ, giãi bày tâm sự của họ,... nếu họ còn tiếp tục như thế, họ có thể tạo thêm trở ngại cho vợ chồng.

Sau cùng, cô dâu hay chú rể có thể có một số tiêu chuẩn và thói quen khác biệt với những thân tộc đôi bên, mà có thể gây nên sự hiểu lầm với nhau. Do đó, người vợ hay chồng nên vận dụng một ít khéo léo và hiểu biết, để giải tỏa những khác biệt này với những thân thuộc riêng bên mình.

3.5- Sự Suy Giảm Tình Cảm Vợ Chồng:

Có lẽ nhu cầu lớn nhất trong hôn nhân là tình cảm mặn nồng giữa vợ chồng trong suốt cuộc đời. Nếu hôn nhân được xây dựng trên tình yêu thực sự và sự tương hợp, hôn nhân sẽ được lâu bền hơn. Tuy nhiên, để hạnh phúc hôn nhân được trọn vẹn, cả hai vợ chồng nên cố gắng tránh những cạm bẫy như sau:

3.5.1-.Tránh tự làm giảm giá trị bản chất:

Những người vợ và chồng, sau khi họ đã chiến thắng với nhau trong hôn nhân, đôi khi cảm thấy rằng họ đã hoàn thành mục đích của họ, và lãng quên những thói quen và tiêu chuẩn đã có lần giúp họ trở nên hấp dẫn và khả ái. Họ nên nhớ rằng họ đang sống trong mối liên hệ thân mật của con người. Và rằng họ nên cố gắng tận khả năng để sống vui vẻ, và lịch sự trong đời sống. Ngoài ra, để tránh việc tự làm giảm giá trị bản chất của mình, họ nên cố gắng giữ ngoại hình được tươm tất, sạch sẽ, và thái độ ân cần, lịch sự đối với người bạn đời.

3.5.2- Tránh việc hay la rầy và cãi nhau:

Thông thường, mọi người đều thích được nghe những lời khen ngợi, và không thích bị la rầy và cãi nhau. Phần đông, người vợ (thường hơn là chồng) có thể dùng nhiều lời lẽ để sửa sai hay phê bình người chồng. Trong việc bảo vệ hạnh phúc hôn nhân, vợ chồng nên cố gắng nói nhiều cho nhau những lời khen ngợi, cũng như những kỷ niệm tốt đẹp giữa hai người, và cố gắng tối thiểu hóa những lời la rầy cãi nhau càng nhiều càng tốt.

3.5.3- Tránh sự suy giảm trong những quan tâm hỗ tương:

Trong hôn nhân, sự quan tâm hỗ tương giữa vợ chồng là điều tốt, nhằm thắt chặt tình thân ái của nhau. Người này thể hiện sự quan tâm đến những sở thích riêng của người kia, nhằm nói lên sự tôn trọng cá tính riêng biệt của nhau trong đời sống chung giữa hai người.

Ngoài ra, nhằm kết buộc cả hai lại với nhau trong đời sống hôn nhân, vợ và chồng còn phải có những quan tâm thông thường khác. Thí dụ, người chồng nên quan tâm trong việc giúp vợ làm một số việc trong nhà, sau những giờ làm việc kiếm tiền cho gia đình sinh sống; cả hai nên quan tâm lo chăm sóc con trẻ; người chồng nên dành thời gian để quan tâm con trẻ như: vui chơi với chúng, giúp chúng ăn uống tấm rửa,...

Hơn nữa, cả hai nên cố gắng tạo ra một số sở thích bình thường khác, mà cả hai cùng quan tâm đến.Thí dụ, cùng nhau thường đi chùa hay nhà thờ trong những ngày lễ; cùng nhau giao hảo với những gia đình thân hữu của vợ và chồng; cùng nhau có một số giải trí bình thường,... Tất cả sẽ giúp kết buộc cả hai lại với nhau, và cho họ những cảm giác sống hợp tác trong đời sống chung đồng nhất của hai người.

3.5.4- Tránh việc quên lãng với nhau trong khi chỉ lo cho con trẻ:

Vợ chồng nên tránh việc quên lãng với nhau trong khi chỉ lo cho con trẻ. Phần đông người vợ, đôi khi, gây ra lỗi lầm, trong việc chỉ cho tất cả thời gian và tình cảm vào việc chăm lo con trẻ, và thật sự quên lãng bổn phận đối với người chồng của họ. Phần đông, người chồng là trụ cột gia đình, lo kiếm tiền nuôi gia đình, Vì vậy, không vì lý do nào mà hình ảnh người chồng có thể bị lãng quên trong mối liên hệ hôn nhân. Tương tự như thế với người vợ. Do đó, cả hai vợ chồng nên luôn luôn chu toàn bổn phận cho nhau, mặc dù vẫn có thời gian và tình cảm lo cho con trẻ của họ.

3.5.5- Tránh tinh thần ích kỷ và háo thắng đối với người bạn đời:

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy cạnh tranh, và đặt nặng trên đời sống văn hóa cầu tiến của con người hiện nay. Cho nên, hầu hết người ta cố gắng tranh thắng để được tốt hơn đối với người khác. Không may, thái độ sống này tạo ảnh hưởng bất lợi trong hôn nhân. Nó đưa đến những mối bất hòa, và sự suy giảm tình yêu giữa vợ chồng. Do đó, trong đời sống hôn nhân, cả hai vợ chồng nên có tinh thần rộng lượng với nhau, và để làm vui lòng với nhau, mỗi người nên cố gắng thực hiện việc nhân nhượng, và nên cho nhiều hơn nhận.

4- Nói Chung Về Việc Xây Dựng Hạnh Phúc Hôn Nhân:

Theo các nhà tâm lý học, mỗi cá nhân cần có nhu cầu để yêu và được yêu; cũng như mong cầu có sự an toàn, và cảm giác tốt đẹp về đời sống. Do đó, hôn nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc mưu cầu hạnh phúc của nam nữ.

Trong tinh thần tích cực lạc quan, hôn nhân là một tổ hợp cao quí của con người, và là mối liên hệ sống chung tốt đẹp giữa nam nữ. Bởi vì hôn nhân được xây dựng trên căn bản của loại tình yêu rung động bởi con tim nhiệt thành, và nó cũng được nuôi dưỡng bởi tình yêu chân tình của con tim.

Trong việc xây dựng hôn nhân, để tiến đến một hôn nhân tốt đẹp, nam nữ sẽ phải khắc phục nhiều trở ngại, và cùng chia xẻ những trách nhiệm lớn rộng hơn, trong tinh thần hợp tác thật sự của hai người. Do đó, một hôn nhân tốt đẹp có thể giúp cho đôi nam nữ cùng chia xẻ hạnh phúc với nhau, trong đời sống gắn bó vợ chồng. Dù sao đi nữa, hôn nhân tốt đẹp vẫn luôn luôn là một nguồn hạnh phúc vô tận trong đời sống con người./.

VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh