Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
BÂY GIỜ CÒN AI?
TRẦN QUẢNG Á

NỬA THẾ KỶ TRÊN VĂN ĐÀN VIỆT NAM
BÂY GIỜ CÒN AI? VÀ AI SẼ CÒN LƯU TÊN TUỔI?

Trần Quảng Á.

Báo chương còn dở nước cờ,
Bọn mình cho đến bây giờ còn ai?


Là hai câu trích từ bài song thất lục bát (*) do thi sĩ Hà Thượng Nhân cảm tác đề tặng nhà văn, nhà báo Thinh Quang vào dịp xuân Bính Tuất vừa qua. Bài thơ nguyên chỉ là tâm sự riêng gởi người bạn già tri kỷ, thật đã gợi lên nỗi ưu tư cho giới cầm bút và cả những người nay đang sống xa quê nhà mà vẫn nặng lòng với văn hóa văn học Việt Nam. Còn ai ở vào lớp tuổi như hai vị ấy nay vẫn chưa buông bút? Và những tên tuổi nào từng là thành viên trong văn giới Miền Nam thời 1955-1975, có người đã cầm bút từ hơn mười năm trước đó, rồi vẫn gắn bó với nghề văn nghiệp báo Việt ngữ ở hải ngoại suốt ba mươi năm qua, đáng được lưu danh trong văn học nước nhà?

Nhà văn nhà báo được biết danh khi có công trình được độc giả tiếp nhận, nổi danh khi có cống hiến được ưa chuộng, và được vinh danh khi sự nghiệp văn bút của họ có giá trị vững bền. Những tác giả được lưu danh, một phần rất quan trọng nhờ sự giới thiệu – như một hình thức tuyên dương – qua các mục điểm sách hoặc phê bình tác phẩm trong các báo, tạp chí và nhất là trong các công trình biên khảo quy mô và cẩn trọng của giới phê bình văn học. Tuyên dương có hiệu quả khả quan – như tuyên truyền trên chính trường hoặc quảng cáo tiếp thị trên thương trường. Thật vậy, hầu hết các thi văn sĩ tiền chiến và tác phẩm của họ vẫn tồn tại trong văn học Việt Nam, chủ yếu là qua sự giới thiệu trong hai tác phẩm Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan và Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh & Hoài Chân được coi là hai công trình biên khảo văn học tiên phong kề từ thời đầu thế kỷ XX. Các tác giả được giới thiệu và cả soạn giả cũng được lưu danh qua hai bộ sách này nhờ nội dung thẩm định khách quan và phong phú cả phẩm lẫn lượng, là những ưu điểm mà tất cả các tác phẩm cùng thể loại được lần lượt xuất bản về sau không thể sánh được, dù do cá nhân hay tập thể biên soạn. Thực trạng này, không chỉ đáng tiếc cho những tên tuổi đã có những cống hiến giá trị trong hơn nửa thế kỷ qua mà còn di hại đến tiền đồ văn học Việt Nam, đã và vẫn còn là hiện tượng tiêu cực do những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

Kể từ thời Nhà Văn Hiện Đại và Thi Nhân Việt Nam đã hơn sáu mươi năm, số lượng tác giả với các tác phẩm góp mặt trên Văn đàn Việt Nam nói chung đã tăng gấp bội tất nhiên không thể trọn vẹn đến được với mọi người đọc kể cả với giới nghiên cứu và phê bình văn học, lại luôn luôn bị hạn chế bởi cảnh lưu hành vì chiến tranh và vì cách ngăn Nam-Bắc rồi trong nước-ngoài nước. Tuy nhiên, nguyên do chính đã tạo nên sự bất toàn cho văn học là chính sách "chỉ đạo văn hóa". Nhiều nhà văn nhà báo có tên tuổi lớn đã bị bức hại: Phạm Quỳnh, Khái Hưng, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Mạnh Côn...Nhiều văn thi sĩ khác đã bị trù dập, ngược đãi: Phan Khôi, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Vũ Hoàng Chương...Nhiều người khác phải vào trại chỉnh huấn và phủ nhận những tác phẩm từng giúp họ họ nổi danh: Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quang Dũng...để rồi cuối đời phải Sám Hối (Chế Lan Viên) hoặc thú nhận: “Tôi còn sống vì tôi biết sợ” (Nguyễn Tuân). Trong bối cảnh mà người cầm bút bị coi là tội phạm, được hiểu như vậy vì đã bị trói từ năm 1955 ở miền Bắc đến cuối thập niện 80 trên cả nước, qua sự tự thú của chính quyền khi tuyên bố “cởi trói văn nghệ” nhưng dây buộc rõ ràng vẫn còn đó, tất nhiên những tên tuổi của nền văn học hai mươi năm ở miền Nam như Võ Phiến, Doãn Quốc Sĩ, Mai Thảo v.v…chỉ có trong danh sách "biệt kích văn nghệ" thay vì được ghi vào văn học sử. Và như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi hàng trăm nhân vật văn học – kể cả xưa và nay – đã không được nêu tên và tác phẩm trong phần tác giả Việt Nam trong bộ sách Từ Điển Văn Học bộ mới (dày 2370 trang khổ lớn do 106 người viết, nhà xuất bản Thế Giới phát hành trong nước, năm 2004). Quá nửa số tác giả được giới thiệu trong bộ sách ấy thuộc về "nền văn học đỉnh cao thời đại(!)", lần lượt được xếp hàng sau lưng Trần Dân Tiên (đã viết “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”) và Tố Hữu (lưu danh nhờ những câu thơ như “Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin (!)”, “Nhìn mặt trời lên nhớ bác Mao”).

Văn tài xưa và nay mà Việt Nam vẫn là bản địa tồn tại và phát triển, như vậy có thể cùng chịu số phận như những danh nhân và anh hùng dân tộc từng được đặt tên trên những đường phố nay cũng bị thay bằng những tên "liệt sĩ cách mạng(!) như Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Trỗi (!). Kho tàng văn học Việt Nam với nhiều di sản quý giá có thể sẽ bị tiêu vong như di tích hoàng thành Thăng Long thời Lý Trần – được phát hiện dưới lòng đất Hà Nội vài năm trước – đang có nguy cơ bị vùi lấp lại để dành mặt bằng xây nhà quốc hội xã hội chủ nghĩa, cũng như vô số đình chùa và thánh thất đã bị chiếm dụng làm các cơ quan chính quyền. Thật vậy, chủ nghĩa xã hội hai mươi năm ở miền Bắc đã xóa đi những giá trị Vang Bóng Một Thời (Nguyễn Tuân), đã làm tối tăm Con Đường Sáng (Hoàng Đạo), đã khai tử Nửa Chừng Xuân (Khái Hưng), đã hành hạ Hổ Nhớ Rừng (Thế Lữ), đã làm lòa Đôi Mắt Người Sơn Tây (Quang Dũng), đã làm câm Tiếng Thu (Lưu Trọng Lư), đã vùi chôn Điêu Tàn (Chế Lan Viên), đã cướp món quà Giao Lại Tuổi Thơ (Xuân Diệu), đã làm úa tàn Màu Tím Hoa Sim (Hữu Loan), đã cấm chỉ Ngậm Ngùi (Huy Cận), đã buộc phải quên Lời Mẹ Dặn (Phùng Quán)... Thảm trạng văn học có thật ấy được xác nhận một cách gián tiếp bởi các văn thi sĩ khi vào miền Nam sau năm 1975, biểu hiện bằng sự sửng sốt của chính các tác giả, khi thấy các tác phẩm tâm huyết một thời của họ vẫn còn sống được ngưỡng mộ và lưu truyền rộng khắp. Hiện trạng ngày nay sau ba mươi năm còn bi đát hơn nữa: vô số công trình giá trị của văn giới, đã góp phần tạo nên thành quả to lớn cho văn học Việt Nam thời kỳ đầu phát triển chữ quốc ngữ, do bị cấm truyền bá qua nửa thế kỷ nên hầu hết không được các thế hệ độc giả kể cả thành phần gọi là trí thức ở miền Bắc nay dưới sáu mươi tuổi biết đến. Có thể tin chắc như thế vì, mặc dù cũng đã có một số tác giả và tác phẩm tiền chiến chẳng đặng đừng được giới thiệu nhưng quá muộn, trong bộ sách Từ Điển Văn Học phát hành mới đây (nguyên đã không được nhắc đến trong bộ sách cùng tên – bộ cũ), ngay cả nhóm Tự Lực Văn Đoàn nay lại được biết đến như một đoàn ca cải lương mà Nhất Linh là một trong những kép hát(!), qua câu trả lời của một giảng viên trường Đại học Sư phạm Thái Bình có sự góp ý của một đồng nghiệp được giới thiệu là “rất giỏi văn học” khác, trong cuộc thi vấn đáp có thưởng “Ai sẽ là Triệu phú” được tổ chức ở Hà Nôi chốn ngàn năm văn vật (cuộc thi này – nhái theo show Who Wants To Be Millionaire trên truyền hình Mỹ - được phát hình trên đài VT3 Hà Nội ngày 9-1-07 và cũng được đưa lên internet).

Như vậy, thật là may mắn đã có một thời hai mươi năm ở miền Nam, nơi mà hầu hết các giá trị văn hóa truyền thống được trân trọng bảo tồn, đã có một dòng văn học phát triển phong phú cả phẩm lẫn lượng lại phóng khoáng và sinh động. Dòng văn học ấy, rất may mắn cũng được nối dài ra hải ngoại, vẫn từng bước khẳng định bản sắc và giá trị qua ba mươi năm kể từ khi nhiều người Việt phải rời nước ra đi sau biến cố lịch sử năm 1975. May mắn, chỉ là một cách nói khách quan mà nền văn học Việt Nam là chủ thể, thật ra chính là thành quả chung của mọi thành phần người Việt ở miền Nam thời trước và ở hải ngoại qua thời gian, mà công đầu phải ghi cho giới nhà văn nhà báo.Thành quả này đã khả quan hơn khi có sự hưởng ứng của nhiều người cầm bút chân chính trong nước từ những năm gần đây.

Tất nhiên, công cuộc phục hồi những di sản văn học đã bị tổn thất qua nhiều chục năm còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Trách nhiệm này đang đè nặng lên văn giới, nhất là các nhà văn nhà báo ở hải ngoại vẫn có thuận lợi về sáng tác và xuất bản, nhưng cũng đang đối mặt với một số vấn đề đáng quan ngại. Rất nhiều công trình văn học giá trị chưa được truyền bá về trong nước là môi trường chính của Việt ngữ, trong khi lượng độc giả ở hải ngoại ngày càng giảm vì lớp người Việt lớn tuổi vắng dần và thế hệ trẻ lại thiếu khả năng tiếp nhận quốc ngữ. Thực tế này có thể nhận ra khi nhiều tác phẩm văn học công phu chỉ được phát hành với số ấn bản rất thấp, và nhiều tạp chí chuyên đề được nhiều cây bút tên tuổi cộng tác đã phải đình bản vì thu nhập không đủ trang trải chi phí.

Lợi tức từ tác quyền và nhuận bút, nếu có, chắc chắn không nuôi nổi người cầm bút, ngay cả các tác tác giả hoặc dịch giả có các công trình đồ sộ như Võ Phiến (Văn Học Miền Nam Tổng Quan) và Hồ Văn Đồng (Le Livre Noir de Communisme) phải sống nhờ các nghề khác hoặc hưởng quỹ an sinh xã hội.

Tuy nhiên vẫn có nhiều công trình văn học được tiếp tục biên soạn, xuất bản và lưu hành do những người cầm bút vì nghiệp hơn vì nghề, và nhiều tuyển tập chuyên đề hoặc tạp chí được phát hành đặc biệt giới thiệu các tác phẩm văn học và vinh danh các văn thi sĩ qua các thời đại, như đã thực hiện trên tạp chí Văn Nghệ, nguyệt san Khởi Hành, hoặc trên các tuần san qua các mục Mở Cửa Kho Tàng Văn Chương hay Đốt Lò Hương Cũ v.v… Ngoài ra còn có những buổi “ra mắt sách” được các nhóm văn hữu hoặc hội đoàn tổ chức. Nhưng đáng tiếc, còn khá nhiều tên tuổi từng có sự nghiệp viết văn làm báo lâu dài hiện sinh sống tại nhiều nước ở hải ngoại kể cả ở Hoa Kỳ vẫn chưa được giới thiệu và vinh danh xứng với những cống hiến gần như trọn đời của họ. Đây là một thực trạng đáng quan tâm vì, dù không phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa, văn đàn Việt ngữ ở hải ngoại ít nhiều cũng bị chi phối bởi định kiến cá nhân hoặc quan điểm văn nghệ chính thống, thường vẫn được dành chỗ cho những người mặc áo thụng vái nhau đáp lễ.

Tất cả những hiện tượng tiêu cực do khách quan và chủ quan nói trên đã cùng góp phần tạo nên sự bất toàn cho văn học Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua – thậm chí đã không xảy ra vào thời kỳ trước đó khi Tây học thay thế Nho học, khi bút chì và bút sắt thay thế bút lông và quốc ngữ thay thế chữ Hán – và đã cản trở công trình phục hồi, bảo tồn và phát huy nền văn học truyền thống dân tộc. Như vậy, dù chỉ được – thật ra là tự trang bị bằng bút và giấy, trách nhiệm của văn giới không phải là nhỏ. Và nỗi ưu tư ấy, như thể hiện qua tâm trạng của nhà thơ Hà Thượng Nhân:

Báo chương còn dở nước cờ

Nỗi niềm của lão thi sĩ dễ khiến gợi nhớ đến hào khí của tráng sĩ Đặng Dung ngày xưa:

Quốc thù vị phục đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long tuyền đái nguyệt ma.


Nước cờ còn dang dở, nhiều người đã nằm xuống mà không an giấc, nhiều người nay bạc trắng mái đầu mà chưa gác bút:

Báo chương còn dở nước cờ,
Bọn mình cho đến bây giờ còn ai?


Bây giờ còn ai? Những người nào, đã có thân phận riêng của người cầm bút, ngay từ thời Trần Tế Xương “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, thời Nguyễn Vỹ “còn tôi bưng thúng theo đàn bà, ra chợ bán văn ngày tháng qua”, thời Phùng Quán “giấy bút tôi ai cướp giật đi, tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá” và phải “vịn câu thơ mà đúng dậy”. Và những người cầm bút nào, cũng mang thân phận chung như mọi người Việt, trải qua những thăng trầm vận nước, những dâu biển thời thế, ly tan dân tộc, tang tóc chiến tranh, nghiệt ngã lao tù, oan trái kiếp người...

Gắn bó với nghề văn nghiệp báo suốt đời qua trăm bề khổ nạn, chắc chắn là sự chọn lựa hiếm thấy ở các xứ sở khác; và hẳn chỉ ở Việt Nam mới có – dù không nhiều – những người cầm bút như mang lấy nghiệp vào thân, chấp nhận làm kiếp tằm đến thác vẫn còn vương tơ làm đẹp cho đời và làm giàu cho văn hóa văn học nước nhà. Những người có thể gọi là kẻ sĩ cầm bút này rất xứng đáng được lưu danh trong văn học Việt Nam.

Công trình vinh danh những kẻ sĩ cầm bút đã và vẫn được thực hiện. Nhóm văn hữu Văn Đàn Đồng Tâm đã phát hành tuyển tập – như lời đáp cho câu hỏi BÂY GIỜ CÒN AI? – do nhiều người viết để giới thiệu giáo sư nhà văn Doãn Quốc Sĩ. Và tuyển tập tiếp theo Vinh Danh Nhà Văn Nhà Báo Thinh Quang, hiện đang mở ra trong tay quý vị.

California, tháng 4-2007
TRẦN QUẢNG Á.

(*) Bài thơ “Bọn Mình Cho Đến Bây Giờ Còn Ai” đã được đăng trên bán nguyệt san Thằng Mõ và Giai phẩm xuân Bính Tuất của Hội Ái Hữu Quảng Ngãi miền Bắc California:

BỌN MÌNH CHO ĐẾN BÂY GIỜ CÒN AI?
Hà Thượng Nhân.

"Gửi nhà thơ Thinh Quang".

Nghe họ nói: năm rồi gặp nạn,
Vào nhà thương mỗi hạn vài ngày.
Tuổi già nghĩ đến mà cay,
Văn chương cũng chẳng thoát tay ông trời.

Tưởng ngày tháng rong chơi viết lách,
Ngoài tám mươi còn sách, còn thơ.
Báo chương còn dở nước cờ,
Bọn mình cho đến bây giờ còn ai?

Thế mới biết ông dai thật đấy,
Nợ gió trăng bút giấy còn nhiều.
Được thư mừng biết bao nhiêu,
Sẵn thư cũng thử viết liều ít câu.

Nào có sợ mái đầu đã bạc
Chỉ sợ tình phiêu lạc nổi trôi.
Cuối năm lại cuối năm rồi?
Thời gian chớp mắt ta ngồi với ta.

Lại câu chuyện thiết tha đất nước,
Lại vần thi hí hước ngày nào.
Trăm năm thoảng giấc chiêm bao,
Quay ra tri kỷ, quay vào tri âm.

Bạn ơi bạn! Chữ tâm có một,
Vì lẽ nào dại dột coi khinh?
Ô hay! Cốt nhục, nòi tình,
Xưa nay lại chẳng chúng mình đó ư?

Nhờ hai chữ di cư tị nạn,
Mà sang đây còn bạn, còn tôi.
Cầm thư bổi hổi, bồi hồi,
Giá cùng cạn chén cùng ngồi bên nhau.

Chuyện thời thế trước sau đã lỡ,
Chuyện văn chương chẳng nỡ nào quên.
Vậy là xắn áo đứng lên,
Chúng mình còn lại những tên lính già.

Lúc cuối năm giá mà gặp được,
Thì chúng mình lội ngược thời gian.
Nghĩ câu trúc chẻ ngói tan,
Chuyện này để mặc họ bàn với nhau.

Ta đọc lại những câu thi cổ,
Mừng cũng chưa xấu hổ về mình.
Gửi nhau một chút chân tình,
Chúc nhau mạnh khỏe, nhục vinh cũng ừ!


HÀ THƯỢNG NHÂN.



Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh