(Nhân việc văn sĩ Văn Biển về Trời)
Tôi từ quen biết đến quý trọng rồi trở thành thân tình với nhà văn Văn Biển, qua người bạn, Phạm Văn Sung, cháu gọi ông bằng chú ruột, lần đầu tiên tôi gặp Sung để thành bạn bè, khi chúng tôi cùng học trung học. Thời gian sau, trong chiến tranh, chúng tôi mất liên lạc một thời gian, tuy cả hai vẫn ở trong nước. Đến khi gặp lại bạn, gặp cả nhà văn, ông từ miền bắc về lại quê hương sau thời gian “tập kết” 1954.
Lần gặp đó, và vài lần tiếp theo, tôi cảm nhận nhà văn là người rất vui tính và cở mở; đôi khi còn khôi hài trẻ trung chuyện sinh lý, mặc dù lúc nầy ông dã luống tuổi. Dù vậy, khi giao tiếp, tôi vẫn cẩn thận và ý tứ, vì tôi chỉ là bạn cùng trang lứa với cháu ông, nhỏ thua ông đến mười tuổi. Hơn nữa, hai mươi năm ông ở miền bắc, tôi sống trong nam lại là lính Cộng hòa.
Với thân thế của ông, lúc bấy giờ, không riêng tôi, nếu ai tiếp xúc cũng phải kỹ lưỡng thế thôi. Tôi gọi ông bằng chú, xưng cháu như bạn, ông vui vẻ, không có ý kiến gì. Đó là giao ước không riêng tôi với Sung mà còn với hai người bạn khác nữa, hiện định cư nước ngoài; có chung tình trạng và hoàn cảnh trong thời loạn, lúc may mắn gặp lại, tự bằng lòng kết nghĩa thâm tình, xem người thân của bạn như của mình, để giữ gắn bó, nuôi dưỡng kỷ niệm thời học trò.
Những trao đổi với ông khi đối diện, cũng như trong điện thoại hoặc qua thư điện tử về sau, thường thuộc lãnh vực văn chương, văn học dân tộc, vì bết ông là nhà văn, học cao biết nhiều. Cùng với tìm hiểu qua bạn, rõ thêm ông rất trung thực và thẳng thắn, đối lại ông ghi nhận chân tình của tôi.
Trong một lần ghé thăm ông, trước lúc từ giã, tôi gởi tặng ông 2 bài viết in sẵn nhan đề “TẢN MẠN VỀ NỖI SỢ” & “THƠ NGẬM NGÙI VÀ TÁC GIẢ”.
“Tản mạn về nỗi sợ”, tôi nhắc lại nhận định của nhà văn Liên Xô Alekxandr Isayevich Solzhenitsyn, trong tác phẩm “Tầng đầu địa ngục”. “Thơ ngậm ngùi và tác giả”, tôi đề cập đến thi sĩ Huy Cận ở hai thời kỳ, thời làm thơ và thời làm chính trị. Xem xong, ông bảo tham luân trung thực, sâu sắc nhưng viết có hơi táo bạo.
Lần đầu tiên ông đọc các bài viết của tôi, không hiểu ông muốn biết thêm về tôi hay có chút đồng cảm nào đó; qua điện thoại, ông thường trao đổi hơn trước. Phần tôi, tin tưởng và quý trọng ông tăng lên, nhất là sau khi đọc tập thơ “TỰ CHÁY” ông tặng.
Dịp nấy, cũng là lần đầu tiên trong tôi bớt ngần ngại, tôi kể cho ông, ngoài tham luận, phản biện, tôi còn thực hiện một số truyện ngắn, truyện dài dưới dạng tình cảm, phản ảnh hiện thực xã hội đã qua và đang sống. Ông chúc mừng và muốn được đọc những tác phẩm đó.
Lần lượt tôi gởi ông một ít qua mail hoặc in ra giấy mỗi khi có điều kiện; tuy nhiên cũng hạn chế vì tôn trọng thời khóa biểu làm việc của ông, như ông thường nói có ngày ông phải làm đến hơn mười hai tiếng đồng hồ vì nhận thấy quỹ thời gian sống đã cạn.
Đến lúc nầy, ông thường nhắc tôi không nên gọi bằng chú nữa, mà xưng hô anh em cho thêm thân tình. Kể chuyện nầy, tôi nhớ đến trường hợp nhà văn Đỗ Trường trong một bài viết.
Biết ông bận, tôi chỉ gởi ông những bài hoặc truyện ngắn tôi ưng ý và phù hợp suy nghĩ của ông, còn đa phần thường trao đổi nội dung qua điện thoại Messenger hoặc Viber mỗi khi biết ông có thời gian rảnh.
Mùa hè năm 2015, một hôm ông điện thoại cho biết ông muốn in một cuốn sách, nhưng tác phẩm của ông chắc chắn trong nước không thể thực hiện được, nếu tôi biết nơi nào khác, chỉ giúp ông. Sẵn tôi vừa có thời gian sang Hoa Kỳ dài ngày (sáu tháng), biết được nước người việc in sách không phải xin phép, tôi mách cho ông ba cơ sở: một, nhà xuất bản Amazon, hai, Tiếng quê hương, và ba, Việtbook, đề nghị ông liên lạc xem sao, ông rất vui. Liền đó, ông ngỏ ý muốn tôi xem trước bản thảo. Thế là cũng trong ngày, ông gởi liền “QUE DIÊM THỨ 8” rất đồ sộ.
Một tuần lễ sau đọc xong, thể theo gợi ý của ông, tôi gởi ông trong email đề nghị nên bỏ những chi tiết người ta đã viết ra rồi, vì lúc nầy, sách của các tác giả Tô Hải, Huy Đức và Trần Đĩnh… đã thành phổ thông, trong nước nhiều người đọc được. Ngoài ra, với văn tài của ông, tưởng dù ai cũng không tư cách nào chỉnh sửa.
Riêng tôi, thật lòng, sau khi đọc kỹ bản thảo tôi mới hoàn toàn hiểu ông và không còn e dè. Còn nếu phải nhận xét, tôi nghĩ, ông có phần giống cố thi sỹ Bùi Giáng, khi dịch sách, nhất là sách triết hay truyện mang màu sắc triết, phần đầu là dịch, đến phần sau gần như của nhà thơ.
Một số bài của Văn Biển mang tính cách “nói về rận”, vì ông có thể xem người từng trong chăn. Ở đoạn đầu, ông úp mở, đến gần cuối, đôi khi ông viết hẳn hay ám chỉ hẳn tên nhân vật ông muốn nói đến.
Kết quả, QUE DIÊM THỨ TÁM nhà Vietbook Hoa Kỳ thực hiện miễn phí (theo ông) cho ông, và hứa sẽ gởi về lần đầu 17 cuốn. Khi nhà xuất bản báo tin chấp nhận, ông rất vui, điện thoại báo tôi ngay, còn cho biết khi sách về đên, tôi sẽ là một trong vài người được ưu tiên tặng.
Sách về, qua Bưu điện, ông gởi liền cho Đào Tiến Thi Hà Đông – Hà Nội ba cuốn, trong đó đề tặng Trần Kỳ Trung, Hội An, Quảng Nam một, tôi một. Mất công Thi phải gởi ngược vào cho tôi và Trung.
Nhắc đến tính thích trẻ trung và ý chí của ông, mới đây thôi, đầu tháng sáu vừa qua, được biết ông cố để hoàn thành bản thảo “BUỒN VUI THẾ SỰ”, theo ông nếu hoàn tất có khi đến vài ngàn trang giấy. Trong khi được biết ông cũng vừa về từ bệnh viện, tôi gởi tin nhắn “cụ ơi, nghỉ bớt đi thôi, sức khỏe xuống lắm rồi”. Ông trả lời “Sao nay bạn tăng mình lên đến chức cụ. Cao quá vậy. Hay bạn đồng lõa với thần chết!”.
Khi hiểu rõ về ông, nhận thấy ông trong sáng đến như tinh khiết, từ suy nghĩ đến cách sống. Năm 2019, tôi nhờ anh bạn họa sĩ vẽ bức tranh Hoa sen, tranh sơn dầu, gởi tặng ông. Ông cảm ơn và nhắc lại cố gắng tạo cơ hội gặp nhau, ông vẫn để dành chai rượu lâu năm cho ngày hội ngộ.
Đọc “QUE DIÊM THỨ 8”, ở đoạn đầu, còn biết thêm ông có những người bạn tuyệt vời. Số là sách ông đã thuận in từ lâu (cũng ở nước ngoài); khi làm bìa xong, đột nhiên ông bảo dừng không lý do. Những người bạn chỉ còn biết ngẩn ngơ với thắc mắc “Hay là ông sợ sách in ra những con chữ của ông sẽ gặp tai nạn”.
Riêng tôi, qua ông và sách, tôi có thêm những người bạn rất quý mến; một Đỗ Trường thủy chung và thẳng thắn, Đào Tiến Thi trung thực và nhiệt tình, Trần Kỳ Trung tài ba và sâu sắc.
Vừa rồi, sau khi nhà văn Văn Biển nhắm mắt xuôi tay về với cát bụi, đọc bài “VĨNH BIỆT VĂN BIỂN NHÀ VIẾT KỊCH LỚN CỦA ĐẤT NƯỚC”, tác giả nhà báo Lưu Trọng Văn sưu tầm, càng quý trọng ông thêm. Nhân đây, xin cảm ơn nhà báo đã phổ biến những thông tin quý giá về ông.
Sự ra đi của nhà văn Văn Biển khiến liên tưởng đến nhận định của báo chí cũng như các học giả trước kia về thi sĩ Đinh Hùng, khi nhà thơ không còn ngao du trên “ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ” ở tuổi 47 (1967).
Đinh Hùng vốn người nhỏ nhắn, nhưng trong thơ văn, ông có những ý tưởng và sáng tạo to lớn khác thường, khiến các vị cho rằng tài năng vượt cao hơn vóc dáng.
Nhà văn Văn Biển cũng vậy, cũng nhỏ nhắn, ốm yếu, nhưng ông có những hoài bảo lớn và hơn nhiều người, nhất là da diết hiện thực những ước mơ luôn cháy bỏng.
Giờ thì nhà văn VĂN BIỂN không còn nữa, chú chín PHẠM VĂN BIỂN không còn nữa. Bạn tôi lắng nỗi tiếc thương trong tin nhắn “thế là hết, từ nay con đường đến với ông sẽ không còn dấu chân chúng mình!”
Trên đây chỉ vài kỷ niệm trong rất nhiều kỷ niêm tôi có với ông, một người từ xa lạ để rồi thân thương và kính trọng. Nhắc lại nơi đây, xin được là nén hương tưởng nhớ và nguyện cầu linh hồn ông thanh thản cõi vĩnh hằng.
Xuân Thới
Sài Gòn 14/9/2022.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click tại đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.com