(The Weakness of Xi Jinping)
By Cai Xia (Thái Hà)
Nguyễn Thị Kim Phụng dịch
Foreign Affairs
September, October 2022 Issue
Thói tự cao và chứng hoang tưởng đã đe dọa tương lai của Trung Cộng như thế nào?
Áp phích của ông Tập tại Thượng Hải, tháng 3/2016. Ảnh: Aly / Reuters
Không lâu trước đây, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình từng cực kỳ thành công. Ông củng cố quyền lực của mình trong Đảng Cộng sản Trung Cộng (ĐCSTC), đưa bản thân lên ngang hàng với nhà lãnh đạo biểu tượng của đảng, Mao Trạch Đông, và loại bỏ giới hạn đối với nhiệm kỳ chủ tịch nước, cho phép ông trở thành lãnh đạo trọn đời. Trong nước, ông khoe khoang mình đã có bước tiến vượt bậc trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; còn ở nước ngoài, ông tuyên bố đã nâng uy tín quốc tế của đất nước lên tầm cao mới. Đối với nhiều người Trung Cộng, chiến thuật lãnh đạo cứng rắn (strongman) của Tập là cái giá có thể chấp nhận được để phục hưng đất nước.
Bên ngoài, Tập vẫn cực kỳ tự tin. Trong một bài phát biểu vào tháng 01/2021, ông tuyên bố Trung Cộng là “bất khả chiến bại”. Nhưng đằng sau hậu trường, quyền lực của ông đang bị nghi ngờ chưa từng thấy. Bằng cách loại bỏ truyền thống cai trị tập thể lâu đời của Trung Cộng, và tạo ra một sự sùng bái cá nhân gợi nhớ đến thời Mao, Tập đã khiến những thành viên khác trong đảng nổi giận. Trong khi đó, một loạt sai lầm chính sách đã khiến những người ủng hộ ông thất vọng. Việc đảo ngược các cải cách kinh tế và phản ứng thiếu sót của Tập đối với đại dịch COVID-19 đã khiến hình ảnh anh hùng của ông vụn vỡ trong mắt người dân. Sự phẫn nộ đang ngấm ngầm gia tăng trong giới tinh hoa ĐCSTC.
Từ lâu, tôi đã được ngồi hàng ghế đầu để quan sát cuộc chiến chốn thâm cung của ĐCSTC. Trong 15 năm giảng dạy tại Trường Đảng Trung ương, tôi đã giúp đào tạo hàng nghìn quan chức cấp cao của đảng phục vụ trong bộ máy hành chính Trung Cộng. Suốt quãng thời gian đó, tôi cũng cố vấn cho dàn lãnh đạo cao nhất về việc xây dựng đảng, và đã tiếp tục làm như vậy sau khi nghỉ hưu vào năm 2012. Năm 2020, sau khi công khai chỉ trích Tập, tôi bị khai trừ khỏi đảng, bị tước hết các quyền lợi hưu trí, và bị cảnh báo rằng bản thân sẽ không còn được an toàn. Giờ đây, tôi đang sống lưu vong ở Mỹ, nhưng vẫn còn giữ liên lạc với nhiều người ở Trung Cộng.
Tại đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào mùa Thu năm nay, Tập dự kiến sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 5 năm. Dù sự khó chịu ngày càng tăng trong giới tinh hoa đảng có nghĩa là việc tái đắc cử của ông sẽ gây tranh cãi, nhiều khả năng ông vẫn sẽ thành công. Nhưng thành công đó sẽ mang theo nhiều sóng gió. Phấn chấn trước nhiệm kỳ bổ sung chưa từng có tiền lệ, Tập có lẽ sẽ tiếp tục siết chặt sự kiểm soát trong nước, đồng thời nâng cao tham vọng của mình trên trường quốc tế. Khi sự cai trị của Tập trở nên cực đoan hơn, cuộc tranh đấu nội bộ và sự phẫn nộ mà ông đã gợi ra sẽ chỉ càng thêm mạnh mẽ. Sự cạnh tranh giữa các phe phái khác nhau trong đảng sẽ trở nên khốc liệt, phức tạp, và tàn bạo hơn bao giờ hết.
Đến lúc ấy, Trung Cộng có thể sẽ rơi vào một vòng tròn luẩn quẩn, trong đó Tập phản ứng trước những gì ông cho là mối đe dọa bằng các hành động táo bạo hơn, các hành động này đến lượt chúng lại tạo ra nhiều phản kháng hơn. Luẩn quẩn chỉ nghe những ý kiến thuận chiều, và tuyệt vọng chứng minh mình đúng, ông hoàn toàn có thể đi đến những quyết định thảm họa, chẳng hạn như tấn công Đài Loan. Tập cũng có thể phá hỏng điều mà Trung Cộng đã gầy dựng suốt 4 thập niên qua: danh tiếng về khả năng lãnh đạo ổn định và có năng lực. Mà thực ra, điều đó đã xảy ra rồi.
MAFIA TRUNG CỘNG
Xét trên nhiều khía cạnh, ĐCSTC hầu như không thay đổi kể từ khi họ lên nắm quyền vào năm 1949. Tương tự như trước đây, đảng vẫn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối trên toàn bộ Trung Cộng, cai trị quân đội, cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp bù nhìn. Các cấp bậc trong đảng đều phải báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đất nước. Bao gồm từ năm đến chín thành viên của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ do Tổng bí thư, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Cộng, đứng đầu. Kể từ năm 2012, người đó là Tập Cận Bình.
Chi tiết về cách thức hoạt động của Ủy ban Thường vụ là một bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng ai cũng biết rằng nhiều quyết định đã được đưa ra bằng cách chuyền tay các tài liệu liên quan đến các vấn đề chính sách lớn, và các ủy viên sẽ lần lượt bổ sung thêm ý kiến. Những tài liệu đó thường được viết bởi các nhà lãnh đạo đứng đầu các bộ hoặc các cơ quan khác của đảng, cũng như chuyên gia từ các trường đại học và viện chính sách hàng đầu. Nếu đề xuất của một cá nhân đến được tay của các Ủy viên Thường vụ, nó sẽ là vinh dự cho cả cơ quan của người đó. Khi tôi còn là giáo sư, Trường Đảng Trung ương đặt ra yêu cầu phải nộp các đề xuất như vậy mỗi tháng một lần. Các tác giả có đề xuất được trình lên Ủy ban Thường vụ sẽ nhận tiền thưởng tương đương khoảng 1.500 đô la – cao hơn cả tiền lương hàng tháng của một giáo sư.
Ngoài ra, có một đặc điểm khác của đảng cũng không thay đổi: tầm quan trọng của các quan hệ cá nhân. Để được thăng tiến trong hệ thống cấp bậc của đảng, các mối liên hệ cá nhân, bao gồm danh tiếng và truyền thống đảng viên của gia đình, cũng quan trọng như năng lực và ý thức hệ.
Điều đó chắc chắn đúng với trường hợp của Tập. Trái ngược với nội dung tuyên truyền của Trung Cộng và đánh giá của nhiều nhà phân tích phương Tây, rằng ông ta đã vươn lên nhờ tài năng của mình, sự thật là hoàn toàn ngược lại. Tập được lợi rất nhiều từ các mối quan hệ của cha mình, Tập Trọng Huân, một lãnh đạo ĐCSTC với uy tín cách mạng rất lớn, người từng giữ chức bộ trưởng tuyên truyền một thời gian ngắn dưới thời Mao. Khi Tập Cận Bình còn là bí thư huyện ủy ở tỉnh Hà Bắc vào đầu những năm 1980, mẹ ông đã viết một bức thư gửi cho bí thư tỉnh ủy, đề nghị ông giúp Tập thăng tiến. Nhưng vị quan chức này, Cao Dương (Gao Yang), sau đó đã tiết lộ nội dung của bức thư tại một cuộc họp của thường vụ tỉnh ủy. Hành động đó khiến gia đình Tập xấu hổ, vì lá thư đã vi phạm chiến dịch mới của ĐCSTC – cấm nhờ vả giúp đỡ. (Tập chắc chắn đã không quên chuyện này, vào năm 2009, khi Cao qua đời, ông thẳng thừng từ chối đến dự đám tang, theo đó phá vỡ thông lệ, dù cả hai đều từng là hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.) Một vụ bê bối kiểu này có thể hủy hoại sự nghiệp của một cán bộ bình thường, nhưng các mối quan hệ của Tập đã giúp ông: cha của bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến là phụ tá thân tín của Tập Trọng Huân, và hai bên gia đình đã sắp xếp để đưa ông về tỉnh này.
Nhưng Tập Cận Bình vẫn tiếp tục thấp bại. Năm 1988, sau khi để mất chức phó thị trưởng trong một cuộc bầu cử địa phương, ông được thăng chức bí thư quận ủy. Tuy nhiên, khi đó, Tập đã cảm thấy chán nản với sự nghiệp tầm trung của mình. Trong ĐCSTC, việc chuyển từ cấp quận huyện lên cấp tỉnh là cả quãng đường dài, và suốt nhiều năm, ông đã không thể vượt qua nó. Nhưng một lần nữa, liên hệ gia đình đã trở nên có ích. Năm 1992, sau khi mẹ của Tập viết đơn cầu xin tân Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến, Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin), con trai bà đã được chuyển đến đây. Kể từ thời điểm đó, sự nghiệp của Tập Cận Bình đã bắt đầu khởi sắc.
Tất cả các cán bộ cấp thấp đều biết rõ, để có thể thăng tiến trong ĐCSTQ, người ta phải tìm được một người nâng đỡ ở cấp cao hơn. Trong trường hợp của Tập, chuyện này khá dễ dàng, vì nhiều nhà lãnh đạo đảng rất tôn trọng cha ông. Người nâng đỡ đầu tiên và quan trọng nhất của ông là Cảnh Biểu (Geng Biao), một quan chức ngoại giao và quân sự hàng đầu, từng làm việc cho cha của Tập. Năm 1979, Cảnh đưa Tập về làm thư ký cho mình. Việc có người cố vấn từ giai đoạn đầu trong sự nghiệp sẽ để lại tác động lớn đến hàng chục năm. Mỗi quan chức cấp cao đều có “ê-kíp” của riêng mình, hay nhóm người mà họ bảo trợ, mà trên thực tế chính là các phe phái trong đảng. Thật vậy, các cuộc tranh luận được cho là về ý thức hệ và chính sách trong nội bộ ĐCSTC có bản chất ít phức tạp hơn nhiều: chúng là các cuộc tranh giành quyền lực giữa các ê-kíp khác nhau. Một hệ thống như vậy tạo ra một mạng lưới của lòng trung thành cá nhân. Nếu vị cố vấn thất sủng, thì kẻ mà ông ta bảo trợ cũng kể như “mồ côi.”
Đối với người ngoài, sẽ hữu ích hơn nếu xem ĐCSTC giống như một tổ chức mafia thay vì một đảng chính trị. Người đứng đầu đảng là bố già, kế đến là các ông trùm dưới, hay Ủy ban Thường vụ. Những người đàn ông này sẽ chia nhau quyền lực, mỗi người chịu trách nhiệm về một số lĩnh vực nhất định – chính sách đối ngoại, kinh tế, nhân sự, chống tham nhũng, … Họ cũng được coi là quân sư cho bố già, tư vấn cho ông về các lĩnh vực chuyên trách của họ. Tiếp đến là 18 thành viên còn lại của Bộ Chính trị, những người sẽ kế nhiệm các ủy viên thường vụ. Họ có thể được coi là tay chân của mafia, thực hiện mệnh lệnh của Tập nhằm loại bỏ những gì ông cho là mối đe dọa, với hy vọng sẽ tiếp tục được bố già trọng dụng. Với vị thế của mình, họ được phép làm giàu chừng nào còn chấp nhận được, chiếm đoạt đất đai và các cơ sở kinh doanh mà không bị trừng phạt. Và cũng giống như mafia, đảng này sử dụng đủ thứ công cụ để đạt được thứ mình muốn: hối lộ, tống tiền, thậm chí là bạo lực.
CHIA SẺ LÀ QUAN TÂM
Dù sức mạnh của quan hệ cá nhân và tính linh hoạt của các quy tắc chính thức vẫn giữ nguyên kể từ khi Trung Hoa Cộng sản được thành lập, nhưng có một điều đã dần thay đổi: mức độ tập trung quyền lực vào tay một người duy nhất. Từ giữa những năm 1960 trở đi, Mao nắm quyền kiểm soát tuyệt đối và là người có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn đề, dù ông thể hiện quyền lực của mình không quá thường xuyên và về mặt chính thức vẫn ngang hàng với các lãnh đạo còn lại. Nhưng khi Đặng Tiểu Bình trở thành nhà lãnh đạo thực tế của Trung Cộng vào năm 1978, ông đã xoá bỏ chế độ độc tài suốt đời của Mao.
Đặng giới hạn thời gian nắm quyền của chủ tịch nước Trung Cộng xuống còn tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm và thiết lập một hình thức lãnh đạo tập thể, cho phép các quan chức khác – đầu tiên là Hồ Diệu Bang và sau đó là Triệu Tử Dương – giữ chức vụ Tổng Bí thư đảng, ngay cả khi ông vẫn nắm quyền thực chất phía sau. Năm 1987, ĐCSTC quyết định cải cách quy trình lựa chọn các thành viên của Ban chấp hành Trung ương, cơ quan giám sát trên danh nghĩa của đảng, đồng thời là cơ quan mà từ đó các ủy viên Bộ Chính trị được lựa chọn. Lần đầu tiên trong lịch sử, đảng đề xuất nhiều ứng viên hơn số ghế – không hẳn là một cuộc bầu cử dân chủ, nhưng dù sao cũng là một bước đi đúng hướng. Ngay cả ứng viên được Đặng Tiểu Bình ủng hộ cũng không chắc sẽ thành công: ví dụ, Đặng Lực Quần (Deng Liqun), một người theo chủ nghĩa Mao, vốn được Đặng Tiểu Bình hứa hẹn thăng chức vào Bộ Chính trị, đã không đạt đủ số phiếu và buộc phải giã từ sự nghiệp chính trị. (Điều đáng chú ý là khi Ban chấp hành Trung ương đảng tổ chức bầu cử năm 1997, Tập suýt chút nữa đã không được chọn. Ông có ít phiếu nhất trong số những người có tên trong danh sách, phản ánh sự chán ghét của đảng đối với các “Thái tử Đảng,” hậu duệ của các lãnh đạo đảng cấp cao, những người đã thăng tiến nhờ quan hệ gia đình hơn là thực lực.
Để tránh lặp lại Cách mạng Văn hóa thảm khốc, khi sự tuyên truyền của chủ nghĩa Mao đạt đến đỉnh điểm, Đặng cũng tìm cách ngăn cản bất kỳ nhà lãnh đạo nào tìm kiếm sự sùng bái cá nhân. Năm 1978, một sinh viên trường Đảng Trung ương là bạn thân của tôi đã nhìn thấy trong chuyến đi đến một trang trại chăn nuôi heo ở ngoại ô Bắc Kinh, những món đồ mà Hoa Quốc Phong đã sử dụng trong một chuyến thị sát – một ấm nước nóng, một tách trà – được trưng bày trong tủ kính, như thể một ngôi đền tôn giáo. Bạn tôi đã viết thư cho Hoa để chỉ trích sự sùng bái cá nhân, và ông đã cho dẹp bỏ những món đồ trưng bày. Năm 1982, các nhà lãnh đạo Trung Cộng đã đi xa đến mức ghi vào điều lệ đảng một lệnh cấm sùng bái cá nhân, mà họ coi là đặc biệt nguy hiểm.
Đặng chỉ chịu chia sẻ quyền lực đến mức ấy, và ông đã liên tiếp loại bỏ Hồ và Triệu khi hai người này tỏ ra quá tự do về mặt chính trị. Nhưng người kế nhiệm Đặng, Giang Trạch Dân, đã tiến hành cải cách chính trị sâu rộng hơn. Ông cho thể chế hóa nhóm cố vấn của mình, để họ hoạt động nhiều hơn với tư cách là một văn phòng điều hành. Ông tìm kiếm lời khuyên từ tất cả các thành viên của Ủy ban Thường vụ, mà đến thời điểm đó đã ra quyết định dựa trên đa số phiếu, và ông cũng cho lưu hành rộng rãi các dự thảo phát biểu. Giang cũng khiến các cuộc bầu cử Ban chấp hành Trung ương có tính cạnh tranh hơn một chút, bằng cách tăng tỷ lệ ứng viên so với số ghế. Ngay cả các Thái tử Đảng, trong đó gồm một người con trai của Đặng, cũng có thể thất bại trong cuộc bầu cử.
Khi Hồ Cẩm Đào lên kế nhiệm Giang Trạch Dân vào năm 2002, Trung Cộng đã tiếp tục tiến xa hơn trên con đường lãnh đạo tập thể. Hồ cai trị với sự đồng thuận của chín thành viên Ủy ban Thường vụ, một nhóm được gọi là “cửu long trị thuỷ.” Cách tiếp cận theo chủ nghĩa quân bình này cũng có những hạn chế. Mỗi thành viên của Ủy ban Thường vụ đều có thể phủ quyết bất kỳ quyết định nào, dẫn đến suy nghĩ rằng Hồ một nhà lãnh đạo yếu không thể vượt qua bế tắc. Trong gần 10 năm, các cuộc cải cách kinh tế bắt đầu dưới thời Đặng đã bị đình trệ. Tuy nhiên, cũng có những ưu điểm nhất định, vì yêu cầu đồng thuận đã ngăn cản những quyết định bất cẩn. Chẳng hạn, khi dịch SARS bùng phát ở Trung Cộng trong năm đầu tiên ông lên nắm quyền, Hồ đã hành động thận trọng, sa thải Bộ trưởng Y tế Trung Cộng vì đã che đậy mức độ bùng dịch và khuyến khích các quan chức báo cáo số lượng ca nhiễm một cách trung thực.
Hồ cũng cố gắng áp dụng giới hạn nhiệm kỳ một cách rộng rãi hơn. Dù bị phản đối khi cố gắng thiết lập giới hạn nhiệm kỳ cho các thành viên của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng ông đã có thể thiết lập giới hạn nhiệm kỳ cho các cấp từ tỉnh trưởng trở xuống. Hơn nữa, Hồ còn thiết lập một quy trình chưa từng có tiền lệ, theo đó thành viên của Bộ Chính trị trước tiên sẽ được lựa chọn bằng một cuộc bỏ phiếu của các thành viên cấp cao trong đảng.
Trớ trêu thay, chính nhờ hệ thống bán dân chủ này mà Tập đã vươn lên đỉnh cao quyền lực. Năm 2007, tại một cuộc họp mở rộng của Ban chấp hành Trung ương, khoảng 400 lãnh đạo cao nhất của ĐCSTC đã tập trung tại Bắc Kinh để bỏ phiếu đề cử các quan chức cấp bộ từ một danh sách 200 người, vào Bộ Chính trị gồm 25 thành viên. Tập đã nhận được nhiều phiếu bầu nhất. Tôi cho rằng yếu tố quyết định không phải là kinh nghiệm Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang hay Bí thư Thành ủy Thượng Hải của ông, mà là sự tôn trọng của những người tham gia bỏ phiếu dành cho cha ông, cùng với sự tán thành (và áp lực từ) một số đảng viên lão thành chủ chốt. Trong cuộc bỏ phiếu đề cử tương tự diễn ra 5 năm sau đó, Tập tiếp tục nhận được nhiều phiếu bầu nhất, và nhờ sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm, ông đã đặt chân lên đỉnh của kim tự tháp quyền lực. Sau đó, ông nhanh chóng bắt tay vào việc lật ngược tiến trình phát triển lãnh đạo tập thể đã diễn ra hàng chục năm qua.
ĐẢNG MỘT NGƯỜI?
Khi Tập lên nắm quyền, nhiều người ở phương Tây đã ca ngợi ông là Mikhail Gorbachev của Trung Cộng. Một số người mơ tưởng rằng, giống như nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Tập sẽ thực hiện những cải cách triệt để, giải phóng sự kìm kẹp của nhà nước đối với nền kinh tế và dân chủ hóa hệ thống chính trị. Tất nhiên, điều đó hóa ra chỉ là một suy nghĩ viển vông. Thay vào đó, Tập, một học trò nhiệt thành của chủ nghĩa Mao, đồng thời cũng mong muốn để lại dấu ấn cá nhân trong lịch sử, đã nỗ lực để thiết lập quyền lực tuyệt đối của mình. Vì những cải cách trước đây không thực sự thiết lập cơ chế kiểm soát và đối trọng lên nhà lãnh đạo đảng, nên ông đã thành công. Giờ đây, cũng như dưới thời Mao, Trung Cộng là nơi một người nắm trọn quyền hành.
Một phần trong kế hoạch củng cố quyền lực của Tập là giải quyết vấn đề mà ông cho là khủng hoảng ý thức hệ. Ông nói, Internet là một mối đe dọa sống còn đối với ĐCSTC, khiến đảng này mất quyền kiểm soát tâm trí của mọi người. Vì vậy, Tập đã thẳng tay đàn áp các blogger và các nhà hoạt động trực tuyến, kiểm duyệt những nội dung bất đồng chính kiến, và củng cố “vạn lý hỏa thành” của Trung Cộng nhằm hạn chế truy cập vào các trang web nước ngoài. Kết quả là, xã hội dân sự non trẻ đã bị bóp nghẹt và dư luận trong vai trò người giám sát Tập đã bị tiêu diệt.
Một động thái khác của Tập là phát động chiến dịch chống tham nhũng, gọi nó là sứ mệnh cứu đảng khỏi sự tự hủy diệt. Vì tham nhũng là dịch bệnh phổ biến ở Trung Cộng, gần như mọi quan chức đều có thể là mục tiêu, Tập đã sử dụng chiến dịch này như một cuộc thanh trừng chính trị. Dữ liệu chính thức cho thấy từ tháng 12/2012 đến tháng 06/2021, ĐCSTC đã điều tra 393 cán bộ lãnh đạo trên cấp tỉnh, các quan chức thường được nhắm cho các vị trí cao nhất, cũng như 631.000 cán bộ trong nhiều cơ quan, những người thực hiện chính sách của đảng tại cấp cơ sở. Cuộc thanh trừng đã bắt giữ một số quan chức quyền lực nhất mà Tập cho là mối đe dọa, bao gồm Chu Vĩnh Khang, cựu thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và người đứng đầu bộ máy an ninh Trung Cộng, và Tôn Chính Tài, một ủy viên Bộ Chính trị mà nhiều người coi là đối thủ và là người có khả năng kế nhiệm của Tập.
Tượng bán thân của Tập, tỉnh Giang Tây, Trung Cộng, tháng 06/2019 © Jason Lee / Reuters
Đáng chú ý là những người giúp Tập thăng tiến đã không hề hấn gì. Giả Khánh Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến vào những năm 1990 và cuối cùng trở thành thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, là người có công giúp Tập thăng tiến trong sự nghiệp. Dù có lý do để tin rằng ông ta và gia đình cực kỳ tham nhũng – Hồ sơ Panama, kho tài liệu bị rò rỉ từ một công ty luật, tiết lộ rằng cháu gái và con rể của Giả sở hữu một số công ty bí mật ở nước ngoài – nhưng đến nay họ vẫn chưa bị chiến dịch chống tham nhũng của Tập sờ gáy.
Tập không hề nhẹ tay. Theo tôi được biết từ một người trong đảng, mà tôi không thể nêu tên vì sợ sẽ đẩy ông vào rắc rối, hồi năm 2014, người của Tập đã đến gặp một quan chức cấp cao từng công khai chỉ trích Tập và đe dọa sẽ điều tra tham nhũng nếu ông này không dừng lại. (Ông đành phải im lặng.) Khi theo đuổi mục tiêu, cấp dưới của Tập thường gây áp lực lên các thành viên gia đình và trợ lý của các quan chức. Vương Mân (Wang Min), Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, người mà tôi biết rõ từ những ngày còn là học viên tại Trường Đảng Trung ương, đã bị bắt vào năm 2016 dựa trên những lời khai từ tài xế của ông. Người này nói rằng khi ở trong xe, Vương đã phàn nàn với một người đi cùng về việc không được thăng chức. Vương bị kết án tù chung thân, một trong những cáo buộc là chống lại sự lãnh đạo của Tập.
Sau khi loại bỏ các đối thủ khỏi các vị trí chủ chốt, Tập đã cài người của mình vào. Phe của Tập trong đảng được gọi là “Chi Giang Tân Quân” (Zhījiāng Xīnjūn) bao gồm các cựu cấp dưới trong thời gian ông làm tỉnh trưởng ở Phúc Kiến và Chiết Giang, thậm chí cả những người bạn thời đại học và trung học. Kể từ khi lên nắm quyền, Tập đã nhanh chóng thăng chức cho tay chân thân tín của mình, thường là vượt quá năng lực của họ. Người bạn cùng phòng của ông từ những ngày còn học tại Đại học Thanh Hoa, Trần Hi (Chen Xi), được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTC, một vị trí đi kèm với một ghế trong Bộ Chính trị và quyền quyết định ai sẽ có thể thăng cấp. Tuy nhiên, Trần hoàn toàn không có kinh nghiệm liên quan: năm người tiền nhiệm trực tiếp của ông đều từng đảm nhiệm các vị trí đảng vụ địa phương, trong khi ông dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình tại Đại học Thanh Hoa.
Tập đã đảo ngược một cải cách lớn khác: “tách biệt giữa đảng và nhà nước,” tức nỗ lực nhằm giảm mức độ mà các cán bộ đảng với động lực ý thức hệ can thiệp vào các quyết định kỹ thuật và quản lý trong các cơ quan chính phủ. Trong nỗ lực chuyên nghiệp hóa bộ máy hành chính, Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm đã cố gắng, với mức độ thành công khác nhau, để tách chính phủ khỏi sự can thiệp của ĐCSTC. Tập đã phá hoại tất cả khi thiết lập khoảng 40 ủy ban riêng của đảng, có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chính phủ. Chẳng hạn, không giống như những người tiền nhiệm, ông có đội ngũ riêng để xử lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông, bỏ qua Bộ Ngoại giao và Cục Hải dương Nhà nước.
Những ủy ban này đã tước bỏ phần lớn quyền lực khỏi tay người đứng đầu chính phủ Trung Cộng, Thủ tướng Lý Khắc Cường, và biến vị trí từng là lãnh đạo đồng cấp trở thành phụ tá. Có thể nhận ra sự thay đổi này trong cách Lý thể hiện bản thân mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Trong khi hai người tiền nhiệm trực tiếp của ông, Chu Dung Cơ và Ôn Gia Bảo, lần lượt đứng ngang hàng với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Lý lại giữ khoảng cách với Tập, như để nhấn mạnh sự chênh lệch quyền lực. Hơn nữa, trong quá khứ, truyền thông chính thức và truyền thông nhà nước thường đề cập đến “hệ thống Giang - Chu” và “hệ thống Hồ - Ôn”, nhưng ngày nay hầu như chẳng ai nói đến “hệ thống Tập - Lý.” Từ lâu đã có sự đối kháng giữa đảng và chính phủ ở Trung Cộng – mà người trong cuộc gọi là đấu tranh giữa “khu Nam” và “khu Bắc” của Trung Nam Hải, vốn là nơi đặt trụ sở của hai cơ quan. Nhưng khi nhấn mạnh rằng tất cả mọi người phải coi ông là người có quyền lực cao nhất, Tập đã làm căng thẳng thêm trầm trọng.
Tập cũng đã thay đổi động lực trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Lần đầu tiên trong lịch sử ĐCSTC, tất cả các thành viên Bộ Chính trị, kể cả những người trong Ủy ban Thường vụ, đều phải báo cáo trực tiếp với Tổng Bí thư bằng cách gửi báo cáo định kỳ cho Tập, người sẽ tự đánh giá kết quả làm việc của họ. Đã qua rồi cái thời mà tình đồng chí thân thiết và gần như bình đẳng tồn tại giữa các ủy viên Thường vụ. Như một cựu quan chức ở Bắc Kinh nói với tôi, một trong bảy thành viên của ủy ban – Vương Kỳ Sơn, phó chủ tịch nước và là đồng minh lâu năm của Tập – từng phàn nàn với bạn bè rằng quan hệ giữa Tập và các Ủy viên Thường vụ còn lại là quan hệ giữa một hoàng đế và các bá quan.
Thay đổi trơ trẽn nhất mà Tập thực hiện là xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước Trung Cộng. Giống như mọi nhà lãnh đạo tối cao từ thời Giang Trạch Dân trở đi, Tập kiêm nhiệm ba chức vụ: Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Dù giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm chỉ áp dụng cho chức vụ đầu tiên trong số ba chức vụ kể trên, nhưng bắt đầu từ Hồ Cẩm Đào, người ta hiểu rằng giới hạn này cũng phải áp dụng cho hai chức vụ còn lại, để một người có thể cùng lúc giữ cả ba chức vụ.
Nhưng vào năm 2018, theo chỉ thị của Tập, cơ quan lập pháp của Trung Quốc đã sửa đổi hiến pháp để loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước. Lời biện minh cho hành động ấy thật nực cười. Mục tiêu được người ta công bố là để làm cho nhiệm kỳ của chủ tịch nước tương ứng với các chức vụ trong đảng và quân đội, dù rõ ràng cải cách phải đi theo chiều ngược lại: áp dụng giới hạn nhiệm kỳ cho cả chức tổng bí thư đảng và chủ tịch quân ủy.
Tiếp đến là sự sùng bái cá nhân. Dù lệnh cấm sùng bái cá nhân vẫn còn trong điều lệ đảng, Tập và các cấp phó đã đòi hỏi một mức độ trung thành và ngưỡng mộ dành cho lãnh đạo chưa từng thấy kể từ thời Mao. Bắt đầu từ năm 2016, khi ông được tuyên bố là “lãnh tụ hạt nhân” của đảng (một danh xưng chưa từng được trao cho người tiền nhiệm của ông, Hồ Cẩm Đào), Tập Cận Bình đã luôn đứng trước các thành viên Ủy ban Thường vụ trong các bức chân dung chính thức. Chân dung của ông được treo khắp nơi, theo phong cách giống như Mao, trong các văn phòng chính phủ, trường học, địa điểm tôn giáo và nhà riêng. Theo Radio France Internationale, cấp dưới của Tập đã đề xuất đổi tên Đại học Thanh Hoa, trường cũ của ông, đồng thời là một trường đại học hàng đầu Trung Cộng, thành Đại học Tập Cận Bình. Họ thậm chí còn tranh cãi về việc có nên treo ảnh của ông bên cạnh ảnh của Mao ở Quảng trường Thiên An Môn hay không. Dù cả hai ý tưởng đều không đi đến đâu, nhưng Tập đã cố gắng đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ đảng hồi năm 2017 — cùng Mao trở thành hai lãnh đạo duy nhất có hệ tư tưởng của riêng mình được thêm vào điều lệ đảng khi còn đương chức — và trong hiến pháp nhà nước một năm sau đó. Trong một bài viết dài đăng năm 2017 trên trang Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông nhà nước, một nhà tuyên truyền đã dành cho Tập bảy danh hiệu mới theo kiểu Bắc Triều Tiên, thứ sẽ khiến những người tiền nhiệm thời hậu Mao của ông ta phải đỏ mặt: “nhà lãnh đạo đột phá,” “người cán bộ siêng năng làm việc vì hạnh phúc của nhân dân,” “kiến trúc sư trưởng của tiến trình hiện đại hóa trong kỷ nguyên mới,” …
Trong nội bộ đảng, phe của Tập đang thực hiện một chiến dịch quyết liệt, yêu cầu ông phải được tiếp tục nắm quyền để hoàn thành điều ông đã khởi xướng: “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Nỗ lực của họ ngày càng mạnh mẽ, nhưng thông điệp của họ lại được đơn giản hóa. Tháng 4 vừa qua, các quan chức đảng ở Quảng Tây đề xuất khẩu hiệu mới: “mãi mãi ủng hộ lãnh tụ, bảo vệ lãnh tụ, và đi theo lãnh tụ.” Tựa như “hồng bảo thư” của Mao, họ cũng phát hành một bộ sưu tập các câu danh ngôn của Tập trong một cuốn sách bỏ túi và khuyến khích người dân ghi nhớ nội dung của nó. Tập dường như đang tự định vị mình không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của đảng mà còn là một hoàng đế thời hiện đại.
VỊ HOÀNG ĐẾ KHÔNG QUẦN ÁO
Hệ thống chính trị càng tập trung vào một lãnh đạo duy nhất thì càng phải lưu tâm đến những thiếu sót và tính cách khác thường của nhà lãnh đạo đó. Trong trường hợp của Tập, nhà lãnh đạo là người không thích bị chỉ trích, cố chấp và độc tài.
Tính cách này đã hiện rõ ngay từ trước khi ông nhậm chức chủ tịch nước. Năm 2008, Tập trở thành Hiệu trưởng của Trường Đảng Trung ương, nơi tôi giảng dạy. Một năm sau đó, trong một cuộc họp cấp khoa, hiệu phó nhà trường đã chuyển lời đe dọa của Tập tới các giảng viên, rằng ông sẽ “không bao giờ cho phép họ vừa ăn từ bát cơm của đảng, vừa cố gắng đập vỡ nồi cơm của đảng” – nghĩa là nhận lương từ chính phủ trong khi vẫn âm thầm chỉ trích hệ thống. Tức giận trước quan điểm ngớ ngẩn của Tập rằng ĐCSTC mới là người đóng góp cho ngân sách nhà nước, chứ không phải những người dân đóng thuế, từ chỗ ngồi của mình, tôi đã hỏi vặn lại thật to, “Thế còn đảng ăn từ bát cơm của ai? Đảng ăn từ bát cơm của dân nhưng ngày nào cũng đập nồi cơm của họ.” Đã không ai báo cáo tôi, vì các đồng nghiệp cũng đồng ý với tôi.
Khi chính thức nắm quyền, Tập tỏ rõ rằng mình không có hứng thú lắng nghe những lời chỉ trích. Ông không sử dụng các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ và Bộ Chính trị như những cơ hội để thảo luận kỹ càng về chính sách, mà là cơ hội cho những cuộc độc thoại kéo dài hàng giờ đồng hồ. Theo số liệu chính thức, từ tháng 11/2012 đến tháng 02/2022, ông đã tổ chức 80 “buổi học tập thể”, trong đó ông trình bày dài dòng về các chủ đề định sẵn trước Bộ Chính trị. Ông cũng từ chối bất kỳ lời đề nghị nào từ cấp dưới mà ông cho là sẽ khiến bản thân trông xấu đi. Theo một người bạn cũ của Vương Kỳ Sơn, người từng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tập, nghĩa là một thành viên trong vòng tròn thân tín của chủ tịch, Vương từng đề xuất rằng “quy định tám điểm” của Tập, một danh sách các yêu cầu đối với đảng viên, phải được trở thành yêu cầu chính thức của đảng. Nhưng ngay cả hành động mang tính nịnh hót này cũng bị Tập coi là một sự sỉ nhục vì nó nghe như không phải ông là người đề xuất, và ông đã quở trách Vương ngay tại chỗ.
Tập Cập Bình cũng là một nhà quản lý vi mô. Như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, ông làm việc như một “chủ tịch của mọi thứ.” Chẳng hạn, trong năm 2014, ông đã 17 lần ban hành chỉ thị về bảo vệ môi trường – một mức độ can thiệp đáng kể, nếu xét đến khối lượng công việc khổng lồ của ông. Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào đều nhận ra rằng việc quản lý một quốc gia rộng lớn như Trung Cộng đòi hỏi phải tính đến sự phức tạp của từng địa phương. Họ nhấn mạnh rằng cán bộ thuộc tất cả các cấp nên nhận chỉ thị từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhưng phải biết điều chỉnh chúng trong các tình huống cụ thể khi cần thiết. Sự linh hoạt như vậy là rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, vì nó trao cho giới chức địa phương cơ hội đổi mới. Tuy nhiên, Tập nhấn mạnh rằng các chỉ thị của ông phải được tuân theo đúng từng chữ một. Theo tôi được biết, một bí thư huyện uỷ vào năm 2014 đã cố gắng tạo ra một ngoại lệ đối với các quy định mới của chính quyền trung ương về tiệc chiêu đãi, vì địa phương ông thường xuyên phải đón tiếp các đoàn đại biểu của các nhà đầu tư nước ngoài. Khi Tập hay tin về cố gắng đổi mới này, ông đã rất tức giận, cáo buộc vị quan chức trên đã “nói xấu chính sách của Ban Chấp hành Trung ương” – một cáo buộc vô cùng nghiêm trọng, và sau vụ việc này, nó đã được chính thức đưa vào các quy định kỷ luật của đảng và người vi phạm sẽ bị trừng phạt bằng cách khai trừ khỏi đảng.
Kể từ thời Mao, ĐCSTC từng có một truyền thống lâu đời, theo đó các cán bộ có thể viết thư đề xuất và thậm chí là thư chỉ trích cho lãnh đạo cao nhất, nhưng những người dám thử điều này với Tập ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông đã bị dạy cho một bài học. Khoảng năm 2017, Lưu Á Châu (Liu Yazhou), một tướng trong Quân đội Giải phóng Nhân dân và là con rể của cựu chủ tịch nước Lý Tiên Niệm, đã viết thư cho Tập, khuyến nghị rằng Trung Cộng nên đảo ngược chính sách ở Tân Cương và ngừng giam giữ người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Ông đã bị cảnh báo không được phép nói xấu các chính sách của Tập. Việc Tập từ chối chấp nhận những lời khuyên kiểu này đã loại bỏ một phương pháp tự sửa sai quan trọng.
Tại sao, khác với những người tiền nhiệm của mình, Tập lại kiên quyết không nghe theo lời khuyên của người khác? Tôi nghi ngờ một phần nguyên nhân là ông ta có phức cảm tự ti, khi biết rằng trình độ của mình kém hơn so với các lãnh đạo cấp cao khác trong ĐCSTC. Dù theo học ngành kỹ thuật hóa học tại Đại học Thanh Hoa, Tập được nhận vào theo diện “công – nông -binh”, một loại sinh viên được nhận vào những năm 1970 dựa trên độ tin cậy chính trị và lý lịch giai cấp, chứ không phải thành tích học tập. Ngược lại, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã vượt qua kỳ thi đại học có tính cạnh tranh cực cao. Năm 2002, khi còn là cán bộ cấp tỉnh, Tập đã nhận bằng tiến sĩ về lý thuyết Mác-xít, cũng tại trường Thanh Hoa, nhưng như nhà báo người Anh Michael Sheridan đã chỉ ra, luận văn của Tập có rất nhiều đoạn bị nghi ngờ là đạo văn. Theo kinh nghiệm của tôi từ thời còn ở Trường Đảng Trung ương, các quan chức cấp cao thường giao bài vở ở trường cho trợ lý giải quyết, trong khi các giáo sư của họ nhắm mắt làm ngơ. Thật vậy, vào thời điểm mà ông được cho là phải hoàn thành luận văn của mình, Tập đang giữ chức Tỉnh trưởng Phúc Kiến – cực kỳ bận rộn.
SAI LẦM NỐI TIẾP SAI LẦM
Trong bất kỳ hệ thống chính trị nào, quyền lực không được kiểm soát cũng đều nguy hiểm. Khi xa rời thực tế và thoát khỏi sự ràng buộc của đồng thuận, một nhà lãnh đạo có thể hành động hấp tấp, triển khai các chính sách thiếu khôn ngoan, không được lòng dân, hoặc cả hai. Do đó, chẳng ngạc nhiên khi phong cách cai trị biết tuốt của Tập đã dẫn đến nhiều quyết định tai hại. Điểm chung là người ta không thể xác định được tác động thực tế của các chỉ thị của ông.
Trước tiên là các chính sách đối ngoại. Đi ngược lại với chủ trương “ẩn mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, Tập đã quyết định trực tiếp thách thức Mỹ và theo đuổi một trật tự thế giới lấy Trung Cộng làm trung tâm. Đó là lý do tại sao ông ta đã có những hành vi mạo hiểm và gây hấn ở nước ngoài, quân sự hóa Biển Đông, đe dọa Đài Loan, và khuyến khích các nhà ngoại giao của mình áp dụng phong cách “ngoại giao chiến lang” hung hăng hơn. Tập cũng thành lập một liên minh trên thực tế với Tổng thống Nga Vladimir Putin, khiến Trung Cộng càng xa lánh cộng đồng quốc tế. Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông đã tạo ra làn sóng phản kháng ngày càng tăng khi các quốc gia mệt mỏi vì nợ nần và tham nhũng phát xuất từ chương trình này.
Các chính sách kinh tế của Tập cũng phản tác dụng theo cách tương tự. Cải cách thị trường là một trong những thành tựu tiêu biểu của ĐCSTC, giúp hàng trăm triệu người Trung Cộng thoát khỏi đói nghèo. Nhưng khi Tập lên nắm quyền, ông coi khu vực tư nhân là mối đe dọa đối với quyền lực của mình, và đã cho hồi sinh nền kinh tế kế hoạch thời Mao. Ông củng cố các công ty nhà nước và thành lập các chi bộ đảng trong khu vực tư nhân để chỉ đạo cách thức hoạt động của các doanh nghiệp. Dưới chiêu bài chống tham nhũng và thực thi luật chống độc quyền, ông ta đã cướp tài sản của nhiều công ty tư nhân và doanh nhân. Trong vài năm qua, một số công ty năng động nhất của Trung Cộng, bao gồm Tập đoàn Bảo hiểm Anbang và Tập đoàn HNA, đã buộc phải giao quyền kiểm soát công việc kinh doanh cho nhà nước. Những cái tên khác, chẳng hạn như Tập đoàn Tencent và gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, đã bị ép phải khuất phục bằng sự kết hợp của các quy định mới, các vụ điều tra và xử phạt. Năm 2020, Tôn Đại Ngọ (Sun Dawu), vị tỷ phú là chủ sở hữu một tập đoàn nông nghiệp, người từng công khai chỉ trích Tập vì hành vi đàn áp các luật sư nhân quyền, đã bị bắt giam với các cáo buộc sai sự thật và sớm phải nhận bản án 18 năm tù. Tập đoàn của ông đã bị bán rẻ cho một công ty nhà nước được thành lập vội vàng, trong một cuộc đấu giá có dàn xếp, với cái giá chỉ bằng một phần nhỏ giá trị thực của nó.
Như dự đoán, Trung Cộng đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và hầu hết các nhà phân tích tin rằng tăng trưởng sẽ còn chậm hơn nữa trong những năm tới. Dù có nhiều nguyên nhân lý giải tình trạng này – bao gồm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Cộng, chiến tranh Ukraine, và đại dịch Covid-19 – vấn đề cơ bản là sự can thiệp của ĐCSTC vào nền kinh tế. Chính phủ liên tục can thiệp vào khu vực tư nhân để đạt được các mục tiêu chính trị, đây vốn là một liều thuốc độc đối với năng suất. Nhiều doanh nhân Trung Quốc sống trong nỗi sợ hãi rằng công ty của họ sẽ bị tịch thu, hoặc bản thân họ sẽ bị giam giữ, vốn không phải là kiểu tư duy sẽ khuyến khích đổi mới. Vào tháng 4, khi triển vọng tăng trưởng của Trung Cộng xấu đi, Tập đã chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị để tiết lộ giải pháp mà ông cho là sẽ khắc phục tình trạng tồi tệ của nền kinh tế: kết hợp hoàn thuế, giảm phí, đầu tư cơ sở hạ tầng và nới lỏng tiền tệ. Nhưng vì không có đề xuất nào trong số này giải quyết được vấn đề gốc rễ là sự can thiệp quá mức của nhà nước vào nền kinh tế, nên chúng chắc chắn sẽ thất bại.
Không có lĩnh vực nào mà mong muốn kiểm soát của Tập lại gây ra thảm họa nhiều hơn là phản ứng của ông với đại dịch Covid-19. Khi bệnh dịch bùng phát lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán vào tháng 12/2019, Tập đã bưng bít thông tin về căn bệnh nhằm giữ gìn hình ảnh của một Trung Cộng hưng thịnh. Trong khi đó, các quan chức địa phương rơi vào thế bị động. Một tháng sau, với tư cách là thị trưởng Vũ Hán, Chu Tiên Vượng (Zhou Xianwang), đã thừa nhận trên truyền hình nhà nước, mà không có sự chấp thuận của cấp trên, rằng ông đã không thể công khai về sự bùng phát dịch bệnh. Khi tám chuyên gia y tế dũng cảm lên tiếng về việc này, chính quyền ra lệnh giam giữ và bịt miệng họ. Một trong tám người sau đó tiết lộ rằng anh đã bị buộc phải ký tên vào một bản thú tội sai.
Một nhân viên y tế đóng rào chắn vào khu dân cư trong đợt phong toả Covid-19 ở Thượng Hải, tháng 05/2022 © Aly Song/ Reuters
Xu hướng quản lý vi mô của Tập cũng đã cản trở việc ứng phó với đại dịch. Thay vì để các nhân viên y tế của chính phủ soạn thảo nội dung chi tiết chính sách, Tập nhấn mạnh rằng mình sẽ tự điều phối các nỗ lực của Trung Cộng. Sau này, Tập khoe khoang rằng ông đã “đích thân chỉ huy, lập kế hoạch phản ứng, giám sát tình hình chung, hành động quyết đoán và vạch ra con đường phía trước.” Dù khẳng định này là đúng sự thật, nhưng nó không mang lại hiệu quả tốt đẹp. Trên thực tế, sự can thiệp của ông đã gây nhiều bối rối và thụ động, khi các quan chức y tế địa phương nhận hàng loạt thông điệp trái chiều từ Bắc Kinh và từ chối hành động. Theo một nguồn tin trong Quốc vụ viện (cơ quan hành chính cao nhất của Trung Cộng), Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề xuất kích hoạt một chu trình ứng phó khẩn cấp vào đầu tháng 01/2020, nhưng Tập từ chối phê duyệt vì sợ sẽ làm hỏng các lễ kỷ niệm Tết Nguyên Đán của Trung Cộng.
Khi biến thể Omicron lan rộng ở Thượng Hải vào tháng 02/2022, Tập lại chọn một phản ứng khó hiểu. Chi tiết về quá trình ra quyết định đã được một người làm việc tại Quốc vụ viện gửi cho tôi. Trong một cuộc họp trực tuyến của khoảng 60 chuyên gia về đại dịch được tổ chức ngay sau khi Omicron bùng phát, mọi người đều đồng ý rằng nếu Thượng Hải chỉ đơn giản tuân theo các hướng dẫn y tế chính thức mới nhất, nới lỏng các yêu cầu kiểm dịch, thì cuộc sống trong thành phố có thể diễn ra ít nhiều như bình thường. Nhiều quan chức đảng và nhân viên y tế của thành phố đã ủng hộ cách tiếp cận này. Nhưng khi Tập nghe về điều đó, ông đã nổi giận. Từ chối lắng nghe các chuyên gia, ông khăng khăng thực thi chính sách “zero-covid” của mình. Hàng chục triệu cư dân Thượng Hải bị cấm ra khỏi nhà, kể cả là để mua hàng tạp hóa hoặc đi cấp cứu. Một số người đã chết ngay trước cổng bệnh viện, số khác nhảy lầu tự tử từ các tòa nhà chung cư của họ.
Và như vậy, một thành phố hiện đại, thịnh vượng đã hoá thành một thảm họa nhân đạo, với hàng loạt người chết đói và những đứa trẻ bị chia cắt khỏi cha mẹ của chúng. Một nhà lãnh đạo cởi mở hơn, hoặc chịu sự kiểm tra chặt chẽ hơn, hẳn đã không thực hiện một chính sách hà khắc như vậy, hoặc chí ít sẽ cố gắng sửa chữa đường lối khi những bấp cập và sự chống đối trở nên rõ ràng. Nhưng với Tập, điều chỉnh chính sách là một sự thừa nhận sai lầm không thể tưởng tượng được.
PHẢN ỨNG CỦA CÁC PHE PHÁI
Ban lãnh đạo của ĐCSTQ chưa bao giờ là một khối thống nhất. Như Mao đã từng nói, “Có những đảng bên ngoài đảng, và có những phe phái bên trong đảng của chúng ta, luôn là như vậy.” Các phe phái này về cơ bản dựa trên quan hệ cá nhân, và họ có xu hướng tự dàn xếp theo một phổ liên tục từ tả sang hữu. Nói cách khác, dù chính trị Trung Cộng chủ yếu theo chủ nghĩa cá nhân, nhưng vẫn có những khác biệt thực sự về đường lối chính sách quốc gia, và mỗi “ê-kíp” sẽ thường liên kết bản thân với những ý tưởng của người đứng đầu.
Cánh tả là những người vẫn cam kết theo chủ nghĩa Mác chính thống. Họ thống trị đảng trước thời Đặng Tiểu Bình, và chủ trương tiếp tục đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng. Tiêu biểu là phe của Mao Trạch Đông, Trần Vân (nhân vật thứ hai dưới thời Đặng), Bạc Hy Lai (một cựu ủy viên Bộ Chính trị đã bị bỏ tù trước khi Tập nắm quyền) và Tập Cận Bình. Ở cấp cơ sở, cánh tả còn bao gồm một đội ngũ nhỏ, không có quyền lực chính trị, là các sinh viên Mác-xít và các công nhân bị sa thải do cải cách của Đặng.
Phe trung dung chủ yếu là các hậu duệ chính trị của Đặng Tiểu Bình. Bởi vì hầu hết các cán bộ ngày nay đều được đào tạo dưới quyền ông, đây là phe thống trị bộ máy hành chính của ĐCSTC. Nhóm này ủng hộ các cải cách kinh tế toàn diện và cải cách chính trị hạn chế, tất cả đều với mục tiêu đảm bảo sự cầm quyền vĩnh viễn của đảng. Ngoài ra, phe trung dung còn có người của hai quan chức hàng đầu đã nghỉ hưu, Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng (cựu phó chủ tịch nước), cùng một nhóm khác là Đoàn phái, gồm những người ủng hộ cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường.
Cuối cùng là cánh hữu, mà đối với trường hợp Trung Cộng, được hiểu là những người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ nền kinh tế thị trường và một hình thức nhẹ nhàng hơn của chủ nghĩa chuyên chế (hoặc thậm chí, trong một số trường hợp, là ủng hộ nền dân chủ lập hiến). Tôi thuộc về phe này, cũng là phe yếu thế nhất. Nó bao gồm những người ủng hộ Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, hai lãnh đạo đảng dưới thời Đặng. Nó cũng bao gồm cả Ôn Gia Bảo, người từng là thủ tướng của Trung Cộng trong giai đoạn 2003-2013 và đến nay vẫn có ảnh hưởng. Khi được hỏi về việc thúc đẩy cải cách chính trị trong một cuộc phỏng vấn năm 2010, Ôn trả lời “Tôi sẽ không nhượng bộ cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình.”
Tập Cận Bình đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng từ cả ba phe phái. Dù ban đầu họ ủng hộ các chính sách của ông, nhưng giờ đây, cánh tả cho rằng Tập chưa đi đủ xa trong việc phục hồi các chính sách của Mao, một số thậm chí còn bất mãn sau khi ông ta đàn áp phong trào lao động. Phe trung dung thì ôm hận vì Tập đã hủy hoại các cải cách kinh tế. Còn cánh hữu lại hoàn toàn im lặng, vì Tập đã loại bỏ ngay cả những cuộc tranh luận chính trị nhỏ nhất.
Có thể cảm nhận những chia rẽ này trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Một trong các ủy viên, Hàn Chính, được nhiều người coi là thành viên của phe Giang Trạch Dân. Lý Khắc Cường đặc biệt tỏ ra xa cách với Tập, và sự xung khắc giữa các quan chức đang dần được hé lộ trước công chúng. Lý từ lâu đã âm thầm phản đối chính sách zero-covid của Tập, nhấn mạnh sự cần thiết phải mở cửa các công ty và bảo vệ nền kinh tế. Vào tháng 5, sau khi Lý nói với 100.000 cán bộ đảng tại một hội nghị trực tuyến rằng nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ hơn dự kiến, các đồng minh của Tập đã tiến hành một cuộc phản công. Trên Tân Hoa Xã, họ bảo vệ ông bằng cách lập luận, “Triển vọng phát triển kinh tế của Trung Cộng chắc chắn sẽ tươi sáng hơn.” Như một biểu tượng cho sự phản kháng của họ đối với chính sách covid của Tập, Lý và các cấp dưới của ông đã từ chối đeo khẩu trang. Hồi tháng 4, trong một bài phát biểu ở thành phố Nam Xương, người ta đã nhìn thấy các phụ tá của Lý yêu cầu những người tham dự tháo khẩu trang. Cho đến nay, Lý vẫn nhân nhượng trước thái độ kiêu ngạo của Tập, luôn miễn cưỡng phục tùng khi cần thiết. Nhưng ông có thể sẽ sớm đạt đến ngưỡng chịu đựng của mình.
Sự phẫn nộ đang từ giới tinh hoa tràn dần xuống các cấp thấp hơn trong bộ máy hành chính. Vào đầu nhiệm kỳ của Tập, khi ông bắt đầu xáo trộn quyền lực, nhiều thành viên của bộ máy đã cảm thấy bất bình và vỡ mộng. Nhưng họ chỉ phản kháng thụ động, thể hiện qua việc không hành động. Cán bộ địa phương xin nghỉ ốm liên tục hoặc viện đủ loại lý do để ngăn cản các sáng kiến chống tham nhũng của Tập. Cuối năm 2021, ủy ban kỷ luật của ĐCSTC thông báo rằng trong 10 tháng đầu năm, họ đã phát hiện ra 247.000 trường hợp “thực hiện không hiệu quả các chỉ thị quan trọng của Tập Cận Bình và của Ban chấp hành Trung ương.” Tuy nhiên, kể từ đợt phong tỏa Thượng Hải, sự phản kháng đã trở nên công khai hơn. Trên mạng xã hội, nhiều quan chức địa phương công khai chỉ trích chính sách zero-Covid. Vào tháng 4, các thành viên Hội đồng Khu phố Tam Lâm, Thượng Hải, đã đồng loạt từ chức, phàn nàn trong một bức thư ngỏ rằng họ đã bị cấm cửa trong văn phòng suốt 24 ngày, không hề được gặp mặt gia đình.
Điều đáng lo ngại hơn nữa đối với Tập là sự bất mãn của giới tinh hoa đang ngày càng lan rộng ra công chúng. Trong một nhà nước độc tài, việc đo lường chính xác dư luận là không thể, nhưng các biện pháp Covid khắc nghiệt của Tập có lẽ đã khiến ông đánh mất thiện cảm của hầu hết người dân Trung Cộng. Một trường hợp bất đồng chính kiến đã nổi lên vào tháng 02/2020, khi ông trùm bất động sản Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) gọi chủ tịch nước là “thằng hề” vì đã không biết cách ứng phó với đại dịch. (Chỉ sau một ngày xét xử, Nhậm đã bị kết án 18 năm tù.) Các nền tảng mạng xã hội Trung Cộng tràn ngập các video trong đó dân thường cầu xin Tập chấm dứt chính sách zero-covid của mình. Sang tháng 5, một nhóm tự xưng là “Ủy ban Tự cứu Tự trị Thượng Hải” đã phát hành một tuyên ngôn trực tuyến có tiêu đề “Đừng làm nô lệ – hãy tự cứu lấy mình.” Bản tuyên ngôn kêu gọi cư dân thành phố chống lại lệnh phong tỏa và thành lập các cơ quan tự quản để giúp đỡ lẫn nhau. Trên mạng xã hội, một số người Trung Cộng đã mỉa mai rằng kế hoạch hiệu quả nhất để chống lại đại dịch là triệu tập Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 càng sớm càng tốt để ngăn Tập tiếp tục nắm quyền.
Trong khi đó, bất chấp những tuyên bố của Tập về việc xóa đói giảm nghèo, hầu hết người dân Trung Cộng vẫn đang chật vật kiếm sống. Như Lý Khắc Cường đã tiết lộ vào năm 2020, 600 triệu người ở Trung Cộng – khoảng 40% dân số – chỉ kiếm được khoảng 140 đô la một tháng. Theo dữ liệu thu thập bởi South China Morning Post, một tờ báo của Hong Kong, khoảng 4,4 triệu công ty nhỏ đã đóng cửa từ tháng 1 đến tháng 11/2021, gấp hơn ba lần số công ty mới thành lập trong cùng kỳ. Đối mặt với khủng hoảng tài chính, các chính quyền địa phương đã buộc phải cắt giảm lương của công chức – đôi khi lên tới 50%, bao gồm cả tiền lương cho giáo viên. Nhiều khả năng, họ sẽ lại dùng những cách thức mới để cướp bóc của cải từ khu vực tư nhân và từ các công dân bình thường, theo đó tiếp tục gây ra nhiều khốn khó kinh tế. Sau 40 năm mở cửa, phần lớn người dân Trung Cộng không muốn quay lại thời Mao. Trong giới tinh hoa của ĐCSTC, nhiều người phẫn nộ với việc Tập đã phá vỡ sự phân bổ quyền lực truyền thống, và cho rằng các chính sách liều lĩnh của ông ta đang gây nguy hiểm cho tương lai của đảng. Kết quả là lần đầu tiên kể từ sau cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, nhà lãnh đạo Trung Cộng không chỉ đối mặt với bất đồng nội bộ, mà còn phải đối mặt với phản ứng dữ dội của dân chúng và nguy cơ bất ổn xã hội thực sự.
THÊM 5 NĂM NỮA?
Nuôi lòng oán giận là một chuyện, nhưng hành động theo nó lại là chuyện khác. Các thành viên cấp cao của đảng biết rằng mình luôn có thể bị buộc tội tham nhũng, vì vậy họ có rất ít động cơ để chống lại Tập. Giám sát công nghệ cao bị lạm dụng đến mức giới tinh hoa trong đảng, bao gồm cả các nhà lãnh đạo quốc gia đã nghỉ hưu, không còn dám giao tiếp với nhau bên ngoài các sự kiện chính thức, kể cả là về những vấn đề vặt vãnh. Về phần mình, công chúng tiếp tục giữ im lặng, bị kiềm chế bởi kiểm duyệt, giám sát, và nỗi sợ sẽ bị bắt giam. Đó là lý do tại sao những người chống đối Tập lại tập trung vào con đường hợp pháp duy nhất để loại bỏ ông: từ chối không trao cho ông nhiệm kỳ lãnh đạo đảng lần thứ ba tại đại hội toàn quốc sắp tới.
Có lẽ vì cảm nhận được sự thất vọng ngày càng tăng, Tập đã làm đủ mọi cách để xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho mình. Tất nhiên, lá phiếu quan trọng nhất là của các thành viên Ủy ban Thường vụ, những người có tiếng nói sau cùng nặng ký nhất để quyết định liệu ông có còn tại vị hay không, một phần là do họ kiểm soát các thành viên của cơ quan lập pháp Trung Cộng. Tập có lẽ đã làm mọi việc có thể để đảm bảo sự ủng hộ của các thành viên Ủy ban Thường vụ, từ hứa hẹn rằng họ sẽ tiếp tục nắm quyền đến cam kết không điều tra gia đình họ.
Quân đội cũng quan trọng không kém, vì việc từ chối nhiệm kỳ thứ ba của Tập có thể sẽ cần sự ủng hộ của các tướng lĩnh. Các nhà tuyên truyền thường xuyên nhắc nhở người Trung Cộng rằng “đảng nắm trong tay ngọn súng,” nhưng các nhà lãnh đạo nước này nhận ra rằng, trên thực tế, súng luôn chĩa vào người đứng đầu đảng. Dù trong những năm qua, Tập đã âm thầm thay thế các tướng lĩnh Trung Cộng bằng người của mình, nhưng luận điệu của các quan chức quân đội vẫn thường xuyên dao động giữa việc nhấn mạnh lòng trung thành cá nhân đối với Tập, và lòng trung thành thể chế đối với Quân ủy Trung ương, cơ quan giám sát họ, vốn cũng do Tập đứng đầu.
Trong một dấu hiệu ngầm cho thấy sự phản đối trong quân đội, tháng 12 năm ngoái, một vài người quen ở Trung Cộng cho tôi biết rằng Lưu Á Châu, quan chức quân đội mà Tập đã khiển trách vì chỉ trích chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ – đã biến mất cùng với em trai của mình, cũng là một vị tướng. Nhà của cả hai anh em đã bị đột kích. Tin tức này đã gây ra một làn sóng chấn động trong quân đội, vì với tư cách là con rể của một cựu chủ tịch nước, Lưu là người “không ai có thể chạm tới.” Nhưng bằng cách giam giữ ông và em trai, Tập đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ nhất của mình đối với các Thái tử khác, cũng như các quan chức hàng đầu của Quân đội Giải phóng Nhân dân, rằng họ nên biết điều mà tuân phục.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng xếp hàng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, tháng 11/2012 © Carlos Barria / Reuters
Tập cũng đã tăng tốc chiến dịch “chống tham nhũng” của mình. Trong nửa đầu năm 2022, chính phủ đã trừng phạt 21 cán bộ cấp tỉnh trở lên và 1.237 cán bộ cấp huyện và sở. Đã có sự tập trung rõ rệt vào các cơ quan an ninh và tình báo. Hồi tháng 1, truyền hình nhà nước Trung Quốc cho phát sóng lời thú tội của Tôn Lập Quân, từng là một quan chức an ninh cấp cao, người đã bị buộc tội tham nhũng và hiện đang đối mặt với viễn cảnh bị xử tử. Theo cơ quan kỷ luật cao nhất của đảng, tội lỗi của ông là đã “lập bè phái để nắm quyền kiểm soát một số bộ phận quan trọng,” “nuôi dưỡng tham vọng chính trị quá đà,” và có “phẩm chất chính trị xấu xa”. Sang tháng 3, Phó Chính Hoa, người từng là thứ trưởng bộ công an và cũng là sếp của Tôn, đã bị buộc tội tham nhũng, cách chức và khai trừ khỏi ĐCSTC. Thông điệp rất rõ ràng: hãy vâng lệnh, nếu không sẽ bị hạ bệ.
Để tăng thêm các lớp bảo vệ bổ sung nhằm đạt được nhiệm kỳ thứ ba, Tập còn đưa ra một lời đe dọa ngầm đối với các đảng viên đã nghỉ hưu. Những cán bộ lão thành từ lâu đã nắm giữ ảnh hưởng to lớn trong nền chính trị Trung Quốc; chẳng hạn, chính nhóm tinh hoa đã nghỉ hưu đã buộc Triệu Tử Dương phải ra đi vào năm 1989. Trong tháng 1, Tập đã nhắm thẳng vào nhóm lão thành này, tuyên bố rằng chính phủ sẽ “dọn sạch bọn tham nhũng có hệ thống và loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn” bằng cách điều tra hồi tố đời tư của các cán bộ trong vòng 20 năm qua. Và vào tháng 5, đảng đã siết chặt chủ trương đối với các cán bộ hưu trí, khuyến cáo họ “không được công khai thảo luận các chủ trương chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, không phát tán những nhận xét tiêu cực về chính trị, không tham gia hoạt động của các tổ chức xã hội bất hợp pháp, không sử dụng ảnh hưởng từ chức vụ, quyền hạn cũ của mình để tìm kiếm lợi ích cho mình và cho người khác, đồng thời kiên quyết phản đối, chống mọi kiểu tư duy sai trái.”
Tập cũng đã tìm cách đảm bảo sự ủng hộ của 2.300 đại biểu ĐCSTC được mời tham dự Đại hội Toàn quốc, 2/3 trong số đó là các quan chức cấp cao trên khắp đất nước và 1/3 còn lại là các thành viên bình thường làm việc ở cấp cơ sở. Các đại biểu đã được sàng lọc cẩn thận trên tiêu chí lòng trung thành của họ đối với Tập. Để ngăn chặn bất kỳ sự kiện bất ngờ nào tại đại hội, lệnh cấm “hoạt động phi tổ chức” không cho phép những người này được trao đổi bên ngoài các cuộc họp chính thức của các đoàn đại biểu cấp tỉnh của họ, hạn chế khả năng họ kết hợp cùng chống lại một chính sách hoặc nhà lãnh đạo cụ thể.
Trong những tháng trước thềm đại hội, cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTC có thể sẽ ngày càng dữ dội. Tập có thể ra lệnh bắt giữ và tổ chức nhiều phiên tòa xét xử các quan chức cấp cao hơn, trong khi những người chỉ trích ông có thể làm rò rỉ thêm thông tin và lan truyền nhiều tin đồn hơn. Trái ngược với quan điểm phổ biến trong giới phân tích phương Tây, Tập có thể vẫn chưa nắm chắc trong tay nhiệm kỳ thứ ba. Các đối thủ lớn mạnh của Tập có thể thành công trong việc buộc ông rời nhiệm sở, miễn là họ thuyết phục đủ số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ rằng ông đã mất đi sự ủng hộ của các cấp trong đảng, hoặc thuyết phục các cán bộ lão thành can thiệp. Thêm nữa, luôn có khả năng một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc tình trạng bất ổn xã hội lan rộng có thể khiến những đồng minh bền chặt quay sang chống lại ông ta. Bất chấp tất cả, kịch bản khả thi nhất vào mùa thu này là Tập, sau khi thao túng quá trình bỏ phiếu và đe dọa các đối thủ của mình, sẽ đắc cử nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba và cùng với đó là quyền tiếp tục làm người đứng đầu đảng và quân đội. Và thế là, cuộc cải cách chính trị có ý nghĩa duy nhất được thực hiện kể từ thời Đặng Tiểu Bình sẽ tan thành mây khói.
NHỮNG NƯỚC CỜ KẾ TIẾP
Sau đó là gì? Tập chắc chắn sẽ biến chiến thắng của mình thành bàn đạp để làm bất cứ điều gì ông ấy muốn, nhằm đạt được mục tiêu của đảng là phục hưng dân tộc Trung Hoa. Tham vọng của ông sẽ lại lên một tầm cao mới. Trong một nỗ lực vô ích để tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế mà không trao quyền cho khu vực tư nhân, Tập sẽ củng cố các chính sách kinh tế nhà nước của mình. Để duy trì quyền lực, ông sẽ tiếp tục loại bỏ các đối thủ tiềm tàng từ sớm, đồng thời thắt chặt kiểm soát xã hội, khiến Trung Cộng ngày càng trở nên giống Triều Tiên. Ông thậm chí có thể tìm cách nắm quyền sau nhiệm kỳ thứ ba. Một Tập Cận Bình trở nên táo bạo có thể đẩy nhanh quá trình quân sự hóa các khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông và cố gắng cưỡng chiếm Đài Loan. Trong lúc tiếp tục hành trình đưa Trung Cộng trở thành nước thống trị, ông sẽ khiến đất nước ngày càng trở nên cô lập với phần còn lại của thế giới.
Nhưng không có động thái nào trong số này có thể làm cho sự bất mãn trong đảng biến mất. Việc Tập Cận Bình giành được nhiệm kỳ thứ ba sẽ không xoa dịu những người trong ĐCSTC phẫn nộ với việc ông tích lũy quyền lực và xây dựng sự sùng bái cá nhân, nó cũng không giải quyết được vấn đề về tính chính danh của ông trước người dân. Trên thực tế, những động thái mà ông có thể thực hiện trong nhiệm kỳ thứ ba sẽ làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh, bất ổn xã hội, và khủng hoảng kinh tế, làm trầm trọng thêm những bất bình hiện có. Ngay cả ở Trung Cộng, người ta cũng cần nhiều hơn sức mạnh và sự đe dọa để có thể duy trì quyền lực; khả năng làm việc hiệu quả vẫn giữ vai trò quan trọng. Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình giành được quyền lực nhờ vào thành tích – Mao bằng cách giải phóng Trung Cộng khỏi Quốc Dân Đảng, và Đặng bằng cách mở cửa và thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhưng Tập không có những thành công cụ thể như vậy. Ông không có nhiều chỗ cho sai lầm.
Theo tôi, cách khả thi duy nhất để thay đổi thực trạng này, cũng là cách đáng sợ nhất và chết chóc nhất: một thất bại nhục nhã trong một cuộc chiến. Nếu Tập tấn công Đài Loan, mục tiêu khả dĩ nhất của ông ta, thì rất có thể cuộc chiến sẽ không diễn ra như kế hoạch, và Đài Loan, với sự giúp đỡ của Mỹ, sẽ có thể chống lại cuộc xâm lược và gây thiệt hại nghiêm trọng cho đại lục. Trong trường hợp đó, giới tinh hoa và quần chúng sẽ từ bỏ Tập, mở đường cho sự sụp đổ không chỉ của cá nhân ông mà có lẽ là sự sụp đổ của ĐCSTC như chúng ta đã biết. Để hiểu rõ hơn, chúng ta có thể sẽ phải quay trở lại thế kỷ 18, khi Hoàng đế Càn Long thất bại trong nhiệm vụ mở rộng bờ cõi Trung Hoa sang Trung Á, Miến Điện, và Việt Nam. Đúng như dự đoán, Trung Cộng đã phải chịu một tổn thất nặng nề trong Chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất, tạo tiền đề cho sự sụp đổ của triều đại Mãn Thanh và khởi đầu một thời kỳ biến động chính trị kéo dài. Triều đại của một hoàng đế không phải lúc nào cũng kéo dài vô tận.
Thái Hà.
Nguyễn Thị Kim Phụng dịch
Thái Hà là cựu Giáo sư tại Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Cộng từ năm 1998 đến năm 2012.
THE WEAKNESS OF XI JINPING
By Cai Xia
Foreign Affairs
September/October 2022 Issue
How Hubris and Paranoia Threaten China’s Future
Posters of Xi in Shanghai, March 2016. Aly Song/ Reuters
Not long ago, Chinese President Xi Jinping was marching on a high: he consolidated power within the party, put his official position on a par with Mao, the party's iconic leader, removed the term limit of the presidency, and could lead China for the rest of his life. Domestically, he boasts that he has made great strides in reducing poverty; Abroad, he claims to have elevated China's international prestige to new heights. For many Chinese, Xi's strongman strategy may be an acceptable price if it is for the sake of national rejuvenation.
On the face of it, Mr. Xi remains confident. In his January 2021 speech, he declared China "invincible." But behind the scenes, his power has been questioned like never before. Mr. Xi's abandonment of China's longstanding tradition of collective leadership and the creation of a personality cult reminiscent of Mao Zedong have angered many party insiders. At the same time, a series of policy mistakes have disappointed even his supporters. Xi Jinping's perverse approach to economic reforms and his inability to respond to the coronavirus pandemic have destroyed his heroic image in the minds of ordinary people. Privately, discontent among the CCP elite is on the rise.
I had the opportunity to observe the CCP's court infighting up close and personal for a long time. During my 15 years teaching at the Central Party School, I helped train thousands of senior CCP cadres who served in China's bureaucracy. During my time as a teacher, I advised the CCP's top leadership on party building and continued to do so after retiring in 2012. In 2020, after I criticized Xi Jinping, I was expelled from the party, deprived of pension benefits, and warned that my safety was at stake and in danger. I am now in exile in the United States, but still maintain many of my ties with China.
At the 20th Party Congress this fall, Mr. Xi is expected to be given a third five-year term. While some party elites are increasingly unhappy with Mr. Xi means that his bid for re-election will not be entirely uncontroversial, Mr. Xi is likely to succeed, and that success will lead to more turmoil in the future. Encouraged by an unprecedented extra term, Mr. Xi is likely to tighten his grip further at home and elevate his ambitions internationally. As Xi's way of ruling becomes more extreme, the infighting and resentment he has sparked will only grow stronger. Competition among factions within the party will be fiercer, more complex and more brutal than ever before.
By then, China could be caught in a vicious circle: that Xi would take bolder action to respond to perceived threats, which would lead to more counterattacks. Trapped in this vicious circle desperately seeking redemption, he may even adopt catastrophic desperate advice such as attacking Taiwan. Mr. Xi is likely to ruin what China has achieved over the past 40 years – a good international reputation for stable leadership. In fact, he has already done so.
CHINESE MAFIA
In many ways, the CCP has barely changed since it seized power in 1949. As always, the party exercises absolute control over China, including command of the military, control of the executive branch, and rubber-stamped legislatures. Further, organizations at all levels within the party are accountable to the Politburo Standing Committee, China's highest decision-making body. The Politburo Standing Committee is made up of five to nine Politburo members and is led by the general secretary of the party, the supreme leader of China. Since 2012, this person has been Xi Jinping.
Details of how the Standing Committee operates are kept strictly confidential, yet it is well known that many decisions are made by circulating "circles" in reporting materials dealing with major policy issues, and the Standing Committee members write comments in the blank spaces of these "documents." These "documents" are usually written by the "top leaders" of ministries and other party and government organs, as well as experts from leading universities and think tanks. The "document" is circulated among the Standing Committee members, which is the honor of the author of the document and the "political achievement" of his unit. During my tenure as a teacher, the Central Party School asked us to report such written materials every month. If the reported materials were allowed to be circulated among the Standing Committees, the authors were rewarded with a prize equivalent to 10,000 yuan – more than a month's salary for professors at the time.
Another constant feature of the CCP system is that connections are crucial. If a person is to be promoted within the party, his personal relationships, including his family reputation and factions within the party, are often as important as his abilities and ideological performance.
There is no doubt that the same is true of Xi's career. While public opinion in China and many Western analysts believe that Xi rose on talent, the opposite is true. Mr. Xi benefited greatly from the connections of his father, Xi Zhongxun, a Communist Party leader with impeccable revolutionary credentials who briefly served as propaganda minister during Mao's time. In the early 1980s, when Mr. Xi was serving as county party secretary in northern Hebei Province, his mother wrote a letter to Gao Yang, the party secretary of Hebei Province, asking him to take care of Mr. Xi's career. However, Gao Yang eventually disclosed the contents of the letter at a meeting of the Standing Committee of the Provincial Party Committee. The letter's revelation embarrassed the Xi family because it violated the CCP's new institutional rules against cadres seeking privileges. (Xi Jinping will never forget this: Gao Yang died in 2009, and he directly refused to attend Gao Yang's funeral; Given that both men had served as presidents of the Central Party School, the move was contrary to convention. Such a scandal of seeking special help might ruin the careers of other ordinary cadres, but Mr. Xi's connections saved him: The father of the secretary of the Fujian provincial party committee had always been a close friend of Mr. Xi's father, so the two families arranged a rare transfer to reassign Mr. Xi to Fujian.
Bust of Xi Jinping, Jiangxi Province, China, June 2019. Jason Lee /
There, Mr. Xi's career remains uncertain. In 1988, in a local election, Xi was unsuccessful in running for executive vice mayor, after which he was promoted to party secretary of a region. However, Xi Jinping's mediocre performance there has led to a sluggish career. In the CCP officialdom, from the prefectural and departmental levels to the provincial and ministerial levels is a major "pass" that Xi has been unable to cross for many years. But once again, family relationships intervened. In 1992, after Xi's mother pleaded with Jia Qinglin, the new secretary of the Fujian provincial party committee, Xi was transferred to the provincial capital. Since then, his career has taken off.
Lower-level cadres all know that in order to climb the ladder of the CCP's official field, they must find a boss to support them. This is fairly easy for Mr. Xi because many party leaders have great respect for his father. Mr. Xi's earliest and most important mentor, Geng Biao, was a former high-ranking diplomat and military general who worked for Mr. Xi's father. In 1979, he made the young Xi Jinping his secretary. Xi Jinping needed this kind of care early in his political career, and it has had a knock-on effect over the decades. Each of the CCP's top officials has its own "lineages," which insiders call the "Enbun" group ("XXX" line), which is equivalent to the de facto faction within the CCP. In fact, the disputes within the CCP that are expressed as ideological and policy debates are often not complicated, and in the end they are nothing more than power struggles between various "genealogies." Such a system leads to intricate and intricate relationships of personal allegiance. If someone's "patron" loses power, the result means that he has become an orphan in the official arena.
Outsiders find it helpful to think of the CCP more as a mafia than a political party. The party's supreme leader is the gang boss, and below it sits the gang brothers, the so-called Standing Committee, which routinely divides power, with each person responsible for his or her own territory — foreign policy, economics, personnel, anti-corruption, and so on. They should also serve the boss as advisors to the gang boss, advising the boss on their respective areas of responsibility. Beyond the Standing Committee, there are 18 other Politburo members who can be seen as gang leaders who are responsible for carrying out Mr. Xi's directives and eliminating threats in an attempt to win the favor of the boss. Their position implies privilege, that is, to enrich themselves as they see fit, confiscate property, and annex businesses without penalty. Like the mafia, the CCP is accustomed to using unceremonious and direct means to get what it wants: bribery, extortion, and even violence.
SHARING IS A BLESSING
Although the power based on personal relationships and the formal rules of flexibility have remained unchanged since the founding of communist China, one thing has changed over time: the extent to which power is concentrated in one person. From the mid-1960s onwards, Mao Zedong had absolute control and final decision over all matters, even if Mao exercised it only occasionally, even if Mao was officially only at the top of the list of equal leaders. And when Deng Xiaoping became China's de facto leader in 1978, he cut out Mao's personal lifelong dictatorship.
Deng Xiaoping limited China's president to two five-year terms and established a model of collective leadership in which other officials — first Hu Yaobang and then Zhao Ziyang — became general secretary of the party, even though he wielded power behind the scenes. In 1987, the CCP decided to reform the selection process for members of the Central Committee of the Communist Party of China, nominally the Party's oversight and the body from which to select members of the Politburo. For the first time, the Communist Party has proposed that the number of candidates should exceed the number of elected seats – not a democratic election, but a step in the right direction. Even with Deng's support, there is no guarantee of success; For example, Deng Xiaoping promised to promote the Maoist thinker Deng Liqun to the Politburo, but the latter was forced out of political life because he did not receive enough votes. (Notably, in the 1997 Central Committee election, Mr. Xi narrowly passed, winning the fewest votes among all elected alternate members of the Central Committee, reflecting the party's widespread aversion to "princelings," in which the children of the CCP's top cadres rose to power through nepotism.)
In search of a recurrence of the disastrous Cultural Revolution in China, when Maoist propaganda reached its zenith — Deng Xiaoping also tried to prevent the formation of a cult of personality for any leader. Back in 1978, an official studying at the Central Party School, a close friend of my family, noticed that the items used by Hua Guofeng during his inspection of the Beijing suburb of Beijing during a visit to the pig farm organized by the school were displayed in a glass cabinet as if it were a religious altar. My friend wrote to Hua Guofeng criticizing the cult of personality, and Hua removed the display. In 1982, the CCP leadership even included a clause in the party constitution prohibiting the cult of personality, which they saw as a unique danger.
Deng Xiaoping's willingness to decentralize power only ends there; When Hu Yaobang and Zhao Ziyang were considered too liberal politically, Deng ousted them one after another. However, Deng's successor, Jiang Zemin, further deepened political reforms. Jiang institutionalized his team of advisers to make it more like an administrative office. He consulted all members of the Standing Committee, made a decision with a majority of votes, and widely distributed the speech (for comments). Jiang also made the Central Committee elections more competitive by increasing the ratio of candidates to elected seats, so much so that even princelings, including one of Deng Xiaoping's sons, would lose.
In 2002, after Hu Jintao succeeded Jiang Zemin, China moved further toward collective leadership. Hu Jintao governs with the "unanimous consent" of the nine members of the Standing Committee, which is known to be known as "Kowloon Water Control". But there are also disadvantages to this "egalitarian" approach. As long as one member disagrees, the Standing Committee cannot make any decisions, which reinforces the impression that Hu Jintao, as a weak leader, cannot overcome the impasse. For nearly a decade, the economic reforms that Deng Xiaoping initiated came to a standstill. But there are advantages, as unanimity is required, thus preventing rash decision-making. For example, in Hu Jintao's first year in office, when SARS broke out in China, Hu cautiously handled the SARS epidemic, removed the health minister who covered up the epidemic, and encouraged cadres to truthfully report the SARS infection.
Hu Jintao also tried to expand the use of term limits. Despite the resistance Hu Jintao faced in his attempts to establish a term system for the Politburo and its Standing Committee, he did manage to establish a term of office below the provincial and ministerial levels, including the provincial and ministerial levels. More successfully, Mr. Hu established an unprecedented process: Politburo members were first elected by a vote of high-ranking members of the Communist Party.
Ironically, it is through this quasi-democratic system that Xi Jinping has risen to the pinnacle of power. In 2007, at an enlarged meeting of the Central Committee, more than 400 senior CCP leaders gathered in Beijing to vote to recommend 25 members of the Politburo from a list of 200 ministerial-level officials. Xi Jinping received the most votes. I suspect that the decisive factor is not Xi's achievements as the secretary of the Zhejiang Provincial Party Committee and the secretary of the Shanghai Municipal Party Committee, but the respect of voters for his father and the support and pressure from the party's abdicated old leaders. In a similar poll five years later, Xi received the most votes; With the unanimity of outgoing leaders, Xi was promoted to the top of the power pyramid. He quickly set out to undo the progress the CCP had made in collective leadership for decades.
LONELY PARTIES
When Xi Jinping came to power, many in the West praised him as China's Gorbachev. Some even believe that, like the ultimate leader of the Soviet Union, Xi Jinping would carry out radical reforms, lift the state's control over the economy, and democratize the political system. Of course, it turned out to be an illusion. On the contrary, Xi Jinping, a loyal student of Mao Zedong, aspired to leave his mark on history like Mao, and set about establishing his absolute power. It is precisely because previous reforms failed to provide a real check and balance to party leaders that Xi has succeeded. Now, just like in the Mao Zedong era, China is once again playing a one-man show.
One step in Xi Jinping's consolidation of power is to address what he calls an ideological crisis. Xi Jinping said that the Internet poses an existential threat to the CCP and has caused the CCP to lose control of the people's minds. So Mr. Xi's crackdown on bloggers and online activists, censoring dissent, and strengthening China's "Great Firewall" and restricting access to foreign websites have resulted in stifling a nascent civil society and eliminating public opinion that can check Mr. Xi.
Another step he took was to launch an anti-corruption campaign that he called a mission to save the party from self-destruction. Because corruption is so common in China, almost every official is a potential target, which allows Xi Jinping to use the campaign for political purges. Official data show that from December 2012 to June 2021, the CCP investigated and punished 393 cadres at or above the provincial and ministerial levels; These cadres are often cultivated and promoted as party and state leaders; In addition, 631,000 division-level cadres responsible for implementing the Party's policies at the grass-roots level were punished. During the crackdown, some of Mr. Xi's most powerful officials seen as a threat were arrested, including Zhou Yongkang, a former Politburo Standing Committee member and head of China's security apparatus, and Sun Zhengcai, a Politburo member seen as Mr. Xi's rival and potential successor.
Notably, those who helped Xi rise went untouched, such as Jia Qinglin, the secretary of the Fujian provincial party committee in the 1990s and eventually became a member of the Standing Committee, who played an important role in Xi's rise to power. Despite reason to believe that Mr. Jia and his family are extremely corrupt — the Panama Papers leaked from a law firm revealed that Mr. Jia's granddaughter and son-in-law own several secret offshore companies — the family has survived Mr. Xi's anti-corruption campaign.
Xi's strategy is not subtle. I learned from an insider within the party that around 2014, Xi's men visited a senior official who had publicly criticized Mr. Xi and threatened him with a corruption investigation if he did not stop. (He shut up.) Xi's subordinates often put pressure on officials' families and aides as they hunt down the targets of their political purges. Wang Min, the former secretary of the Liaoning Provincial Party Committee whom I met when I was a doctoral student at the Central Party School, was arrested in 2016 based on the confession of his driver; The confession said Wang had complained to another passenger in the car that the promotion had been ignored. Wang was later sentenced to life imprisonment, one of the charges of resisting Mr. Xi's leadership.
Shanghai Closes the barrier to a residential area during COVID-19 lockdown, May 2022 - Aly Song
Once he has pushed his opponent out of important posts, Xi Jinping has installed his own people. Xi Jinping's faction in the party is known as the "Zhijiang New Army" (Zhejiang Gang). The group is made up of Xi's subordinates during his tenure as leader of Fujian and Zhejiang provinces, and includes Xi's college classmates and former middle school friends. Since taking power, Mr. Xi has rapidly promoted his followers, often beyond their competence. His roommate at Tsinghua University, Chen Xi, was appointed head of the Communist Party's Organization Department, a position that must be held concurrently by a member of the Politburo and has the power to decide on the promotion of cadres. Chen Xi, however, has no qualifications at all: all five of his predecessors have experience in local party affairs, and his career has been almost limited to Tsinghua University.
Another major reform that Mr. Xi canceled was the "separation of party and government," which aims to weaken the power of cadres in the party affairs system, which emphasizes ideological control, and reduce their interference in technocratic and managerial decisions in government agencies. To professionalize the bureaucracy, Deng Xiaoping and his successors tried to free government administration from excessive interference in the party system, and made varying degrees of progress. Xi Jinping reversed the car and set up about 40 temporary "groups" that overrode government agencies and directly intervened in the affairs of government functions. Unlike his predecessors, for example, Xi has his own team to handle the South China Sea, bypassing the Foreign Ministry and the State Oceanic Administration.
The role of these "groups" was to take away most of the power from Premier Li Keqiang, the head of the Chinese government, and to reduce Lee's partner status to the level of an assistant. This change can be seen in Lee's demeanor in public. Li's two predecessors, Zhu Rongji and Wen Jiabao, stood side by side with Jiang Hu, and Li knew that keeping his distance from Xi seemed to emphasize the difference in their respective powers. In addition, in the past, official communications and official media mentioned the "Jiangzhu system" and the "Hu-Wen system", but today almost no one talks about the "Xi Li system". In China, there has long been a contradiction between the party and the government – what insiders call the "South Courtyard" and "North Courtyard" dispute in Zhongnanhai; Zhongnanhai is the seat of the CPC Central Committee and the State Council. Xi's insistence that everyone he sees as the supreme authority has exacerbated the tension.
Xi Jinping has also changed the way the Standing Committee operates. For the first time in the history of the Communist Party, every Politburo member, even a member of the Standing Committee, must report to the Party Central Committee by regularly submitting reports to Xi Jinping, and Xi personally comments on their performance. The friendship and equality between the former Standing Committee members are gone. A former official in Beijing told me that Wang Qishan, one of the seven members of the Standing Committee — a longtime ally of the country's vice president and Xi — had complained to friends that Xi's relationship with other members of the Standing Committee was already a "monarch-vassal relationship."
The most brazen change is that Xi Jinping has lifted the term limit of China's president. Like every supreme leader since Jiang Zemin, Xi Jinping has held three positions at the same time: President of China, General Secretary of the CPC Central Committee, and Chairman of the Central Military Commission. While the two-five-year term limit applies only to the first of the three positions, there has been a consensus since Hu that two five-year terms also apply to the other two positions, making it possible for one person to hold three positions at the same time.
But in 2018, at Mr. Xi's request, China's legislature amended its constitution to abolish the presidential term system. And the reason is ridiculous: the official blatant claim is to align the presidency with the party and army positions, although the obvious reform should be to increase the term limit for the other two positions.
Let's look at the cult of personality. Although the party constitution still explicitly states that "a cult of personality is prohibited," Mr. Xi and his deputies have demanded a high level of loyalty and admiration for the supreme leader that has not been seen since Mao. Since 2016, since Mr. Xi has been called the party's "leadership core" (a title that Hu Jintao did not have), Mr. Xi has ranked ahead of other members of the Standing Committee in official figures. Xi's portraits follow Mao's example and hang them everywhere in government offices, schools, religious sites and homes. According to France Radio International, Xi's subordinates proposed to change the name of Tsinghua University, Xi's alma mater and China's top university, to Xi Jinping University. They even advocated that the portrait of Xi Jinping be hung on Tiananmen Square alongside Mao's. Despite the failure of both proposals, in 2017 Mr. Xi managed to enshrine Mr. Xi Thought in the party's constitution, becoming the only leader after Mao Zedong to enshrine his ideology in the party's constitution during his term and the constitution the following year. In 2017, the official Xinhua News Agency published a lengthy article giving Mr. Xi seven new North Korean-style titles, leaving Xi's predecessors with no place to look at themselves: "pioneering leaders," "hard-working workers who benefit the people," and "chief architects of modernization in the new era."
Within the party, Xi Jiajun is waging a vigorous campaign to support Xi's continued rise to power to complete the so-called "great rejuvenation of the Chinese nation" he has begun. Along with their strong deeds, their information is constantly simplified. In April, the Guangxi regional party secretary put forward a new slogan: "Always support the leader, defend the leader, and follow the leader." Imitating Mao Zedong's "Little Red Book", they also issued a collection of pocket idiomatic quotations, requiring the public to recite the contents of the idioms. Xi Jinping seems to want to be not only a great leader of the party, but also a modern emperor.
THE EMPEROR WORE NO CLOTHES
In general, the more a political system is centered on a leader, the more important the flaws and characteristics of that leader become. In the case of Xi Jinping, this leader is vain, stubborn, and authoritarian.
In fact, these qualities of Xi were already exposed before he took power. In 2008, Xi Jinping became the president of the Central Party School, where I was teaching. At a faculty meeting the following year, the second-in-command of the Central Party School conveyed Mr. Xi's threat to teachers: "Never allow anyone to eat Communist Party meals and smash the Communist Party's pot" — meaning taking government salaries while privately criticizing its system. I was outraged by Mr. Xi's absurd notions that the Communist Party, not the Chinese taxpayers, fed the country, and I retorted from my seat. I shouted, "Whose meal does the Communist Party eat?" The Communist Party eats the people's food and smashes their pots every day. "No one reported me, and my fellow teachers agreed with me.
Once Xi is in power, he can no longer tolerate criticism. Xi Jinping is accustomed to not discussing policy formulation at Standing Committee and Politburo meetings, but often making lengthy speeches. According to official data, between November 2012 and February 2022, Xi convened 80 "collective learnings" of the Politburo to give lengthy speeches on specific topics of "learning" at the meeting. He rejected any suggestions from his subordinates that he thought would embarrass him, and according to friends of Wang Qishan (Wang was a member of the inner circle and was a member of the Standing Committee of the Communist Party of China when Xi was first in office), Wang Qishan had suggested that Xi rename the "Eight Provisions" demanded by the party to the formal party system. But even if it was a rather flattering suggestion, it was considered by Xi to be some kind of offense, because it was not his own idea, so Xi reprimanded Wang on the spot.
Not only that, but Xi Jinping is also a trivial manager. As many analysts have pointed out, he plays a role of "in charge of everything." In 2014, for example, he issued 17 directives on environmental issues — a modest intervention that showed clear paranoia. Deng, Jiang, and Hu all recognized that managing a country as vast as China must take into account the complexities of local affairs. They stressed: Cadres at all levels should obey the instructions of the party Central Committee, but they should also make adjustments according to actual conditions. This flexibility is crucial for economic development because it provides room for local officials to innovate. But Mr. Xi insisted that his instructions be implemented verbatim. What I do know is that in 2014, a county party secretary tried to formulate specific implementation rules for the central government's "eight regulations" based on the actual situation, because "investment promotion" requires guests to dinner. However, when Xi learned of the innovative attempt, he was furious, accusing the county party secretary of "arbitrarily deliberating on the party Central Committee" — a serious accusation that was later written into the party's disciplinary regulations and could be expelled from the party if the circumstances were serious.
The CCP has a long tradition dating back to the Mao period that cadres can write letters to top leaders with advice and even criticism. Shortly after Mr. Xi took office, however, those who tried to do so learned the negative lesson. Around 2017, Liu Yaya, a general in the Chinese's Liberation Army and son-in-law of a former president, wrote to Mr. Xi proposing to adjust Xinjiang policies to stop detaining Uighur minorities. He was warned not to argue about Xi Jinping's policies again. Xi Jinping's refusal to accept the advice of others has eliminated an important channel for self-correction.
Why is Xi Jinping, unlike his predecessors, so repulsive to other people's suggestions? I think part of the reason may be that Xi has an inferiority complex. Compared with other senior CCP leaders, Xi knows he has a low level of education. Despite studying chemical engineering at Tsinghua University, Xi was one of the "workers, peasants, and soldiers," the students who were admitted to universities in the 1970s based on their political reliability, class origin, rather than academic achievements. By contrast, both Jiang Zemin and Hu Jintao were admitted to universities through highly competitive exams. In 2002, when Mr. Xi was a provincial cadre, he earned a Ph.D. in Marxist theory from Tsinghua University, but as British journalist Michael Sheridan has demonstrated, Xi's papers are rife with alleged plagiarism. As far as I was known during my time at the Central Party School, senior officials often assigned schoolwork to secretaries to complete, while their professors turned a blind eye to it. In fact, Mr. Xi was supposed to have completed his thesis himself, but he was busy with his work as governor of Fujian Province.
MR. ERROR
Unfettered power is dangerous in any political system. Divorced from reality and free from the shackles of collective opinion, leaders act rashly and implement policies that are often unwise, unpopular, or both. Not surprisingly, Xi's "everything" style of rule has led him to make many disastrous decisions. The common denominator is the inability to grasp the practical consequences of the directive.
Let's look at foreign policy first: Xi Jinping rejected Deng Xiaoping's "Tao Guang Yang obscure" and decided to directly challenge the United States and pursue a China-centered world order. That's why he has engaged in adventurous and aggressive behavior toward the outside world, including militarizing the South China Sea, threatening Taiwan, and encouraging his diplomats to adopt a rough foreign policy style known as "wolf warrior" diplomacy. Xi Jinping has forged a de facto alliance with Russian President Vladimir Putin, further alienating China's ties with the international community. As countries tire of the debt and corruption associated with it, Xi Jinping's Belt and Road Initiative faces growing resistance.
Similarly, Xi Jinping's economic policies have backfired. The launch of market-oriented reforms is one of the CCP's signature achievements, lifting hundreds of millions of Chinese out of poverty. After Xi Jinping came to power, however, he saw the private economy as a threat to his rule and restored the planned economy of the Mao Zedong era. He strengthened state-owned enterprises and established party organizations in private enterprises to guide their operations. Under the guise of fighting corruption and enforcing antitrust laws, he plundered the assets of private companies and private entrepreneurs. Over the past few years, some of China's most dynamic companies, including Anbang Insurance Group and HNA Group, have been effectively forced to hand over control of their operations to the state. Other companies, such as Tencent Group and e-commerce giant Alibaba, have been forced to succumb to a combination of new regulations, investigations and fines. In 2020, billionaire Sun Dawu, the owner of the Dawu Agricultural and Animal Husbandry Group, was falsely accused and arrested for publicly criticizing Xi Jinping's crackdown on human rights lawyers, and was quickly sentenced to 18 years in prison. His business was sold in a sham auction to a hastily formed state-owned enterprise for a fraction of the real value of the original business.
As expected, China's economic growth has slowed, and analysts mostly believe that growth will be slower in the coming years. While multiple factors are at play – including U.S. sanctions on Chinese tech companies, the war in Ukraine and the coronavirus pandemic – the fundamental problem is CCP's economic intervention. The government's constant meddling in private enterprises to achieve political goals has long proven to be the poison of productivity. Many Chinese entrepreneurs live in fear of confiscating their businesses and detaining themselves, and have little to no longer consider investing in innovation. In April, as China's economic growth prospects deteriorated, Xi presided over a Politburo meeting to unveil his remedies for China's economic woes, including a combination of tax rebates, fee cuts, infrastructure investment, and monetary easing. But precisely because these initiatives do not solve the fundamental problem of excessive state intervention in the economy, they are doomed to failure.
Members of the Standing Committee of China's Political Bureau gather at the Great Hall of the People in Beijing, November 2012
As far as Xi Jinping's desire for control is concerned, nothing is more catastrophic than his response to the coronavirus. When the disease first spread in Wuhan in December 2019, Mr. Xi hid information from the public in order to preserve the image of a prosperous China. Meanwhile, local officials were paralyzed. As Wuhan Mayor Zhou Xianwang admitted on state television a month later, he could not publicly disclose the outbreak without the approval of his superiors. When eight brave health workers blew the whistle (exposing) the outbreak, the government detained them and forced them to be silent. One of the eight later revealed that he was forced to sign a false confession.
Moreover, Xi's penchant for trivial management has greatly hampered the response to the COVID-19 pandemic. Rather than leaving it to the government's health team to work out the details of policy implementation, Mr. Xi insisted that he personally coordinate actions across China. Later, Xi Jinping boasted of "personally commanding, planning and responding, taking charge of the overall situation, acting decisively, and pointing out the way forward." If this is true, then the result would not be better. In fact, his intervention led to a series of confusions and inaction; Local health officials received chaotic messages from Beijing and refused to take action. I have heard from sources at the State Council, China's highest administrative authority, that Premier Li Keqiang proposed to activate an emergency response mechanism in early January 2020, but Xi Jinping refused to approve it for fear of hampering preparations for the ongoing Spring Festival celebrations.
In February 2022, when the Omikron virus variant was raging in Shanghai, Xi Jinping once again chose an inexplicable response. I learned some details of the decision-making process from a person at the State Department: Shortly after the outbreak in Shanghai, an online meeting was held with about 60 epidemiologists. Participants agreed that if Shanghai strictly follows the newly published official guidelines, including easing quarantine requirements, life in the city can go largely as usual. Many officials in Shanghai's party and government and health systems support this approach. However, Xi was furious. He refused to listen to experts and insisted on enforcing his "zero-clear" policy. Tens of millions of residents of Shanghai are forbidden to go out, not even to buy food and seek life-saving medical services. Some people died in front of the hospital, and some jumped from apartment buildings to their deaths.
In this way, the modern prosperous city of Shanghai became a humanitarian disaster, with people starving and babies and parents torn apart. Such harsh policies seem unlikely if leaders were more open to influential opinions or more forcefully balanced policies; Or once the costs and grievances become apparent, at least it will change course. But for Mr. Xi, reclaiming his life is like admitting a mistake, which is impossible.
ACTING FORCES AND REACTION FORCES
The CCP leadership has never been monolithic. As Mao Zedong said, "There are parties outside the party and factions within the party, and this has always been the case." "Personal relationships are the main organizing principle of these factions, and these factional groups tend to rank themselves on a left-to-right lineage. In other words, while Chinese politics is largely presented as a faction of individualization, there are indeed differences in the direction of state policy, and each faction tends to associate itself with the ideas of its ancestors.
On the left (left) of the genealogy are those who are committed to orthodox Marxism; The left, which preceded the Deng era, advocated the continuation of class struggle and violent revolution; The left now includes many sub-factions named after Mao, as well as the late Chen Yun (the second most powerful leader at the time of Deng Xiaoping), Bo Xilai (a former Politburo member who was marginalized and imprisoned before Xi Jinping came to power), and Xi Jinping himself. At the grassroots level, the left also includes a small number of politically powerless Marxist university students, as well as workers laid off by Deng Xiaoping's reforms.
The middle of the genealogy (centrists) is dominated by the political descendants of Deng Xiaoping. Because most of today's cadres were trained during the Deng Dynasty, the centrists are the factions that dominate the CCP's bureaucracy. The centrists support comprehensive economic reforms and limited political reforms, all in an effort to ensure the party's permanent rule. The centrists also include the group of retired Jiang Zemin and Zeng Qinghong (former vice presidents), as well as a group called the "Tuanpai" group, which is made up of former Communist Party leader Hu Jintao and supporters of current Premier Li Keqiang.
Finally, there is the right wing on the right side of the lineage. In the Middle Chinese, the right refers to liberals who advocate a market economy and moderate authoritarianism (and even constitutional democracy). I belong to this camp, the weakest of the three. The right included followers of Hu Yaobang and Zhao Ziyang, the CCP leader under Deng Xiaoping. Perhaps the right, too, includes Wen Jiabao, who served as China's premier from 2003 to 2013, and Wen remains influential to this day. In a 2010 interview in which he was asked about political reform, Mr. Wen replied, "I will not give in until the last day of my life".
Xi Jinping faces growing opposition from the three left-center-right factions mentioned above. The left, while initially supporting his policies, now see him as insufficient to revive Mao's policies, some of whom were disillusioned with him after he suppressed the labor movement. The centrists are unhappy that Xi Jinping has reversed the wheel of economic reform. The right has been silenced entirely, with Mr. Xi banning even the slightest political debate.
Factions are evident in the Politburo Standing Committee. Among them, Han Zheng, a member of the Standing Committee, is widely regarded as a member of the Jiang faction. In particular, Mr. Li appears to be at odds with Mr. Xi, while quarrels between officials are entering the public eye. Mr. Li has long quietly resisted Mr. Xi's zero-zero policy, stressing the need for companies to reopen and protect economic development. In May, Mr. Li told 100,000 cadres at an online meeting that the economy was worse than expected, and Mr. Xi's allies fought back. They defended Xi through Xinhua, saying that "China's economic development prospects will certainly be brighter." As a symbol of resistance to Xi Jinping's epidemic policy, Li and his entourage refused to wear masks. During a speech by Li Keqiang in Nanchang in April, Li's aides asked attendees to remove their masks. Up to now, Li Keqiang has been tolerating Xi's imperiousness and has been forced to acquiesce in Xi's continued zeroing policy. Perhaps, he will soon reach the critical point of forbearance.
In the bureaucracy, the indignation of the elite is spreading downwards. In Mr. Xi's early days, many in the bureaucracy grew increasingly dissatisfied and disappointed as he unfolded a "reshuffle" of power. But their resistance is passive, manifesting itself as inaction. Many local cadres are on sick leave or find excuses to delay Xi's anti-corruption campaign. At the end of 2021, the Central Commission for Discipline Inspection of the Communist Party of China announced that from January to October of that year, a total of 247,000 cases of "weak implementation of the spirit of Xi Jinping and the central government's important instructions" were investigated and handled. During the lockdown in Shanghai, the resistance became more open. On social media, local officials have publicly criticized the zeroing policy. In April, members of the Sanlin neighborhood committee in Shanghai resigned en masse and complained in an open letter that they had been locked up in their offices for 24 days and unable to meet their families.
Mr. Xi is particularly disturbed by the fact that elite discontent is spreading to the public. In an authoritarian country, it is impossible to accurately measure public opinion, but Mr. Xi's harsh zeroing measures are likely to cause most Chinese to lose their good feelings for Xi. As early as February 2020, real estate tycoon Ren Zhiqiang voiced dissent, calling Xi a "clown" who has failed to cope with the epidemic. (After a one-day trial, Ren was sentenced to 18 years in prison.) Chinese social media platforms are filled with videos of ordinary people pleading with Mr. Xi to end the zero-zero policy. In May, a group calling itself the Shanghai Self-Help Autonomous Committee posted a manifesto online titled "Don't Be a Slave – Self-Help." The document calls on Shanghai residents to fight the lockdown and form autonomous institutions to help each other. On social media, some Chinese have ironically suggested that the most effective way to fight the epidemic is to convene the 20th National Congress as soon as possible to prevent Xi Jinping from continuing to be in power.
Despite Mr. Xi's claim to have eradicated poverty, most Chinese are struggling to make ends meet. As Li Keqiang revealed in 2020, 600 million people in China, or about 40 percent of its population, still have a monthly income of barely 1,000 yuan. According to data obtained by Hong Kong's South China Morning Post, about 4.4 million small businesses went out of business between January and November 2021, more than three times the number of newly registered companies over the same period. In the face of the financial crisis, local governments were forced to cut government wages, including teachers' salaries, by as much as 50 percent. Local governments are likely to find new ways to plunder wealth from private enterprises and ordinary citizens, thereby creating more economic misery.
After 40 years of opening up, most Chinese don't want to go back to Mao. Within the CCP elite, many are unhappy with Mr. Xi's breaking with traditional rules of power distribution and believe his reckless policies are jeopardizing the party's future. As a result, for the first time since the 1989 Tiananmen Square protests, China's leaders have faced not only internal dissent but also popular backlash and the real risk of social unrest.
FIVE MORE YEARS?
It's one thing to be dissatisfied, it's quite another to resort to action. Top CCP officials know they will be accused of corruption, so they dare not go against Mr. Xi. And high-tech surveillance is thought to be so pervasive that party elites, including retired state leaders, are afraid to interact with each other outside of official activities, even on a day-to-day basis. As far as the public is concerned, they remain silent because of censorship, surveillance, and fear of arrest. That's why Mr. Xi's opponents are focused on the legal way to get him out: rejecting him for a third term at the upcoming 20th Party Congress.
Perhaps sensing a growing sense of disappointment, Mr. Xi did everything he could to make the competitive environment work in his favor. Of course, the most important voters were his fellow members of the Standing Committee, who ultimately had the most say in Xi's departure, in part because of their control over members of China's legislature. Mr. Xi is likely to have done his best to secure the support of members of the Standing Committee, from promising them to remain in power to not investigating their families.
Almost as important is the military, as rejecting Mr. Xi's re-election may require the support of generals. Propaganda personnel often emphasize that "the party commands the gun," but China's leaders know that in fact it is always "the gun that holds the party." Although Mr. Xi has systematically promoted his own people over the years to enrich the ranks of generals, the rhetoric of military generals shows that they vacillate between their personal loyalty to Xi Jinping and their loyalty to the party's Central Military Commission as an institution. (Xi Jinping holds military power).
There are indications that there are still opponents among army generals. Last December, I learned from several contacts in China that General Liu Yaya, who had been blamed by Xi Jinping for criticizing Xi's Uighur policies, had simultaneously "disappeared" with his brother, who was also a general, and that their houses had been searched. The news caused a stir in the military, as Liu, the son-in-law of the former president, was generally considered untouchable. By detaining the Liu brothers, Mr. Xi has issued the strongest warning to the princelings and top military leaders to date: They must take sides.
Moreover, Mr. Xi has stepped up a superficial anti-corruption campaign. In the first half of 2022, a total of 21 cadres at or above the provincial and ministerial levels (including provincial and ministerial levels) and 1237 cadres at the departmental and bureau levels were investigated and punished. Among them, China's Ministry of Public Security and Ministry of State Security have been receiving special attention. In January, Chinese state television broadcast a confession by Sun Lijun, a former vice minister of public security of China accused of corruption and facing the possibility of execution. According to the Central Discipline Inspection Commission of the Communist Party of China, Sun's crimes were "ganging up to control key departments," "extremely inflated political ambitions," and "extremely bad political quality." In March, Sun Lijun's superior, Fu Zhenghua, a member of the Communist Party of China and China's attorney general, was also charged with embezzlement, removed from office and expelled from the party. The signal is clear: either be loyal or fall.
Mr. Xi has made a veiled threat to retired CCP cadres to further ensure he can be re-elected for a third term. For a long time, CCP bigwigs have had enormous influence in Chinese politics. For example, in 1989, it was the abdicated tycoon who pulled Zhao Ziyang off his horse. In January, Mr. Xi pointed to the group, announcing that the government would "clean up systemic corruption and eliminate hidden dangers" by "investigating work in various places for 20 years." In May, the CCP tightened its guiding principles for retired cadres, warning them that they "must not openly discuss the major policies of the Party Central Committee, must not spread negative political remarks, must not participate in the activities of illegal social organizations, must not use their original authority, status and influence to seek benefits for themselves and others, and resolutely oppose and resist all kinds of erroneous ideas." ”
Further, Mr. Xi has worked to secure the support of the 2,300 delegates to the 20th National Congress of the Communist Party of China, two-thirds of whom are senior officials everywhere and one-third of whom are ordinary party members working at the grassroots level. Based on their loyalty to Xi Jinping, the delegates were carefully screened. In order to prevent accidents at the General Assembly, a ban on "unorganized activities" was introduced, which prohibited delegates from colliding outside the formal group meetings of provincial delegations and limited their ability to organize against specific policies and leaders.
In the months leading up to the 20th Party Congress, the CCP's internal strife is likely to intensify. Mr. Xi could order the arrest of more senior officials and more trials, while Xi's critics leak more information and spread more rumors. Contrary to the general speculation of Western analysts, Xi's third term is not yet settled. A growing number of anti-Xi activists can succeed in ousting him as long as they can persuade the majority of the Standing Committee; Xi has lost the support of grassroots CCP members; Or they can persuade the party bosses to intervene. Once the economic crisis and social unrest intensify, even the staunchest allies will rise up against Xi. It cannot be said that this possibility is completely absent. Still, the most likely outcome this fall would be for Xi to get his third term in the party by manipulating procedures and intimidating opponents, and thus being re-elected as the leader of the state and the military. In this way, the only meaningful political reform since Deng Xiaoping came to power will be wiped out.
UNRESTRICTED HABITS
And then what? There is no doubt that Mr. Xi will see his victory as some kind of mandate that he can do whatever he wants to achieve the CCP's stated goal of revitalizing China. His ambitions will rise to new heights. When efforts to revitalize the economy fail to revive the economy by suppressing private enterprises, Mr. Xi will redouble his policy of centralizing the economy. To assert power, Xi will continue to preemptively eliminate any potential competitors, tighten social control, and make China more and more like North Korea. Xi will even try to stay in power after his third term. The emboldened Mr. Xi is likely to accelerate militarization in disputed areas of the South China Sea and try to forcibly take over Taiwan. As Xi Jinping continues to pursue China's dominance, he will also further isolate China from the world.
But none of these moves will allow discontent within the party to magically disappear. Even a second term will not reduce the CCP's opposition to Xi's expansion of power and the cult of personality, let alone the worsening legitimacy of Xi in the eyes of the public. Indeed, Mr. Xi's possible moves during his third term are likely to increase the risk of war, social unrest and economic crisis, further exacerbating existing discontent. Even in China, where power alone by force and intimidation is not feasible, performance remains important. Both Mao and Deng won authority through their achievements—Mao defeated the Kuomintang and liberated China, and Deng opened up China and started economic prosperity. By contrast, Mr. Xi has no commendable victory and no room for error.
In my opinion, the only viable way for China to change Xi's course is the most terrible and deadly: to lose humiliating in war. If Mr. Xi attacks Taiwan, his preferred target, the war may not go as planned, and Taiwan, with the help of the United States, will be able to resist an invasion and wreak havoc on Chinese mainland. In that case, the elite and the masses would abandon Mr. Xi, paving the way not only for Xi's personal downfall, but perhaps even for the collapse of the CCP. Tracing historical precedents, the failure of the Qianlong Emperor in the 18th century to extend the empire to Central Asia, Burma, and Vietnam, China's crushing defeat in the Sino-Japanese Sino-Japanese War laid the foundation for the fall of the Qing Dynasty and triggered a long period of political turmoil. Emperors are not always permanent.
Cai Xia.
Cai Xia was a professor at the Party School of the Central Committee of the Communist Party of China from 1998 to 2012.
* * *
Xem bài liên hệ cùng chủ đề, click vào đây
Xem trang Kiến thức, Tài liệu, click vào đây
Related story, please click here
More in English topic, please click here
Về trang chính: www.nuiansongtra.net