Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
CỘI NGUỒN CỦA BÁ TÁNH
THINH QUANG


Lời nói đầu:
Năm 1930, một người Trung Hoa từ Hạ Môn Sơn thuộc tỉnh Phúc Kiến bên Trung Hoa mang sang cúng cho chùa Phước Kiến Thu Xà hai tấm bản trắc, một bản khắc ghi “bá tánh” - tức họ của thiên hạ toàn loại chữ cổ tự và bản thứ hai khắc một bức tranh vẽ hình ảnh Phục Hi mình rắn, đầu người đứng kế cận là Thần Nông hình người đầu trâu. Bên cạnh là hình ảnh Hoàng Đế họ Hữu Hùng trông hệt như loài gấu... Hai tấm bản trắc này được xem mang tính lịch sử và được treo ngay vào giữa đền thờ. Nhưng tiếc thay trong cuộc chiến 1954-75 vừa rồi, ngôi chùa Phước Kiến cũng như các ngôi chùa khác trong vùng đều bị đổ nát, tất cả các vật thờ cúng trong đó có cả hai tấm bản trắc vô giá kia cũng đều thất lạc!
Thinh Quang.


XÃ HỘI CỔ ĐẠI CỦA NGƯỜI TRUNG HOA CHÚ TRỌNG VỀ TÔNG PHÁP, MÀ NÓ TRẢI QUA NHIỀU GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CÓ LIÊN QUAN MẬT THIẾT VỚI NHIỀU VẤN ĐỀ LỄ CHẾ KHÔNG THỂ THIẾU ĐƯỢC. Vấn đề này từ ngàn xưa đã từng có những cuộc tranh luận của các học giả về tính chất và nội dung của nó. Nhưng cũng oái oăm thay, trong giới học giả đã quên khuấy mất về ý nghĩa thực của tông pháp, nhất là vào thời cận đại lại đánh mất nốt dấu vết cuối cùng của nó. Điều này càng làm cho các sách vở nghiên cứu của tông pháp lẽ ra không bao giờ có thể xảy ra, đưa ra lập luận không được chuẩn xác, khiến cho nhiều người bị hiểu lầm tai hại về ý nghĩa.

Nói về “Tông Pháp” thật ra thật giản dị, nó chỉ là một thứ nguyên tắc quan hệ đến huyết thống, xuất xứ từ thời cổ đại Trung Hoa. Ngay từ buổi đầu đời Chu chỉ thực hiện trong phạm vi kẻ sĩ và đại phu – tầng lớp chiếm đa số trong một giai cấp thượng lưu, hay đúng hơn thuộc về giới trí thức trong xã hội lúc bấy giờ. Nhưng về sau không còn giới hạn trong phạm vi này nữa mà nó hiện diện khắp mọi giới trong dân chúng.

Bản chất của “tông pháp” là hình ảnh cơ bản của một dòng họ. Cơ bản của dòng họ đó là “Thủy Tổ” của một gia tộc. Ví như Lỗ là nước chư hầu phân phong từ thời nhà Chu, được thế tập theo truyền thống lấy con trưởng lập lên làm kế thừa nối ngôi Vua, các con trai tiếp theo, được tôn xưng “biệt tử”. Các biệt tử vốn con Vua được gọi là “Công”, còn gọi là Công Tử. Theo Lễ Ký của Trịnh Huyền chú giải chỉ ra “biệt tử” là “công” tức “công tử”!

Theo nguyên tắc được hoạch định bởi “Biệt Tử” lập nên “Gia”, do vậy, “biệt tử”được xem là “Thủy Tổ” tức thị “Biệt Tử Vi Tổ” của “Gia” này. Cứ như thế mà truyền tử lưu tôn theo nguyên tắc truyền thống con trưởng kế thừa! Các nhà lý học đời Tống như Trương Tái đã lập luận không nên bỏ quên cái gốc để nắm giữ lòng người trong thiên hạ. Muốn vậy phải làm dày phong tục, nhắc nhở về căn nguyên”, làm sáng tỏ thế tộc phổ hệ. Nếu Tông Pháp không lập được thì khó lòng biết được nguồn gốc. Đã không biết nguồn gốc thì làm sao biết được huyết thống với cốt nhục của mình. Vì vậy tông pháp bắt đầu từ bậc thủy tổ của một gia tộc. Sự thừa kế cũa dòng họ từ tinh thần đến vật chất, từ mối dây liên hệ mật thiết của người cùng mang một dòng máu, không thể đổi dời, cho nên mới có câu “đại tông bách thế bất thiên” có nghĩa đại tông (dù) có trăm đời cũng chẳng bao giờ đổi khác được.

Muồn bảo tồn “Tông Pháp” người xưa còn cẩn thận đặt cho dòng giống của Gia mình một cái “TÍNH”. Cái “Tính” đó tức là “HỌ”. Cái “Họ” để bảo vệ cho dòng huyết thống của mình, nếu không thì xã hội sẽ loạn ly, luân thường đạo lý sẽ bị đảo lộn. Từ ngàn xưa đã có ngay ý niệm này khi con người bắt đầu vươn lên từ cuộc cách mạng “lửa”, đốt cái thú tính theo bản năng nguyên thủy để trở thành thực sự “con người”. Nguồn gốc của đời sống xã hội xuất phát từ ngay cuộc “cách mạng sống” này. Tôn ti trật tự của xã hội mới được dựng lên.

Tông Pháp thịnh hành nhất vào thời đại nhà Chu. Sách ghi rằng:

-”Chu vương truyền ngôi cho con trưởng kế thừa” .

Chính thời kỳ này vương triều nhà Chu đang hồi thịnh vượng được trải mỏng ra trong ngoài cương vực của Vương quốc. Theo sử chép thì chế độ tông pháp Tiên Tần mãi đến thời Tần Hán vẫn còn giữ được dấu vết. Từ Hán cho đến Đường cũng cùng theo một nguyên tắc sùng thượng phổ hệ môn phiệt.Tông pháp lập nên với mục đích để cho con người biết được cái nguồn gốc của mình, biết được nguồn gốc tức là biết được dòng máu của mình...luân thường mới không đảo lộn.

Điều mà các nhà khảo cứu đặc biệt quan tâm là ai đã sáng lập ra “Tông Pháp”? Có học giả cho rằng sáng lập tông pháp vào đời nhà Chu, bởi nhà Chu áp dụng chế độ lấy con trưởng làm kẻ kế thừa. Tuy nhiên, qua đời nhà Thương các nhà viết sử ghi chép triều đại này lại thực hiện theo nguyên tắc “huynh chung đệ cập”, có nghĩa hết đời anh thì đến đời em v.v...Và cứ như thế đời đời không dứt.

Trong đời sống của mỗi người chúng ta đều mang cái “TÍNH” bất di dịch! Cái “Tính” đó là “Họ”. Ngưởi Trung Hoa từ ngàn xưa đã đặc biệt chú trọng về nguyên tắc này. Sử chép:

-”Có tính (họ) thì có danh, có tự. Từ xưa nay “Họ” đặt trước, tên, tự đặt phía bên sau”. (Khác với người Tây phương tên trước họ sau).

“Tính, danh, tự đi liền với nhau. Tuy nhiên thời Tiên Tần thuộc chế độ “mẫu hệ” nên con lấy họ mẹ chẳng khác gì dấu hệ của thị tộc, còn có nghĩa dấu hiệu của “bô lạc”. Vì vậy, khi con cái sinh ra chào đời liền mang “tính” mẹ, nên chữ viết về “Họ” lúc ấy đều thêm vào bộ “Nữ”!

Mãi đến ngày nay vẫn chưa ai biết rõ cặn kẽ nguồn gốc của người Trung Hoa, họ xuất hiện thời gian nào, thuộc giống người nào và thật sự nền văn minh của họ có bao nhiêu ngàn năm lịch sử? Nhà biên khảo nổi tiếng Will Durant trong bộ sách The Story of Civilization Our Oriental Heritage đã viết:

-”Quả thật người Trung Hoa có một nền văn minh tối cổ! Có thể vì vậy mà lúc bây giờ họ tự cho mình là cái nôi của vũ trụ!”.

Người ta chỉ biết đất nước Trung Hoa mênh mông rộng lớn như cả một châu, có một nền văn minh hoàn toàn thuần nhất, không pha trộn với bất cứ nền văn hóa nào khác. Tuy nhiên các nhà khảo cổ sau này có đưa ra những mẫu đồ gốm của thời đại nguyên thủy tương tợ như các vật dụng xuất phát từ Mésopotamie và Turkestan – như Will Durant đã ghi chép trong tập khảo cứu The Story of Civilization.

-“Điều mà hầu hết các nhà khảo cổ thắc mắc là chẳng ai biết rõ được dân tộc Trung Hoa xuất phát từ đâu? Đã không biết xuất xứ của dân tộc này từ đâu đến thì cũng khó lòng biết đích thực được cái “Tính” (họ) của người Trung Hoa đầu tiên là gì?”.
(No one knows whence the Chinese came, or what was their race, or how old their civilization is), The Story of Civilization page 641).
Bất cứ một dân tộc nào trên thế giới này đều có Tông, có Tính. Nhất là với xã hội Trung Hoa ngay ở thời cổ đại, đã được xem là một xã hội tông pháp. Người thời bấy giờ từng biết áp dụng chế độ này vì nó là một thứ nguyên tắc có quan hệ mật thiết về vấn đề huyết thống. Chế độ tông pháp được trình bày một cách tỉ mỉ có hệ thống như ở Đại truyện và Tang phục tiểu ký trong Lễ ký nói về sự phân biệt đại tông và tiểu tông, bắt đầu ngay từ nguồn gốc tức ngay từ thủy tổ của một gia tộc.

Trong “Lịch sử văn minh Trung Quốc”, học giả Nguyễn Hiến Lê có trích dịch đoạn:

-”Bộ xương của người Bắc Kinh khai quật được mấy năm trước đây cho ta đoán rằng loài vượn giống người đã có ở Trung Hoa từ thời thượng cổ xa xăm nhất; mặt khác công trình khảo cứu của Andrews đã đưa tới kết luận này là 20.000 năm trước Tây lịch xứ Mông Cổ đã đông dân cư, khí cụ của họ thuộc vào thời Azilien – thời tân thạch khí - ở Châu Âu, rồi khi miền Nam Mông Cổ càng ngày càng khô nóng thành sa mạc Gobi thì giống người đó truyền sang Tây Bá Lợi Á và Trung Hoa”.

Theo Trung Hoa trong một giai thoại được truyền tụng trong sân gian, thì ông tổ đầu tiên của loài người lúc bấy giờ trên thế gian này chỉ có mỗi mình ông Bành Tổ. Ông có tuổi thọ đến cả hai triệu hai trăm hai mươi chín ngàn năm (2.259.000 năm), chứ không là 800 tuổi thọ như câu ca dao ta truyền khẩu:

Xưa ông Bành Tổ sống đời
Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu?


Người ta còn bảo:

-”...Hơi thở của ông Bàn Cổ này biến thành gió, thành mây, tiếng nói của ông vang ầm lên như tiếng sấm, mạch máu của ông trở thành dòng sông, còn thịt là đất, tóc là cỏ cây, xương cốt biến ra kim loại, mồ hôi biến thành nước mưa và...sau cùng là những con sâu bọ bám vào châu thân ông trở thành loài người”.

Giai thoại này cho rằng ông Bành Tổ là ông Tổ của nhân loại và họ Bành chính là họ đầu tiên của con người trên trái đất! Nhưng đó chỉ là một chuyện thần thoại...mà thần thoại không phải là chứng minh.

Nói về “Tính Thị” theo nguyên tắc mới sinh ra đời chỉ có tên mà chưa được có “tự”. Con trai phải đợi sau ngày làm quán lễ hay con gái sau lễ cài trâm, mới được có tên tự, tức tên chữ. Sách có câu: ”Đồng tử vô tự” có nghĩa trẻ con không có tự là có nghĩa như vậy. Mục đích có chuyện này là để đợi đến tuổi thành niên mới có quyền được cha mẹ đặt thêm cho tên tự. Người Trung Hoa sinh con ra đợi tròn một tháng mới đặt “tên” (danh) nhưng chưa có tên chữ (tự), phải đợi cho qua thủ tục “quán lễ”, “kê lễ” mới có thể được đặt thêm tên tự vào, cho rằng nay đã đến ngày lớn khôn.

Như bên trên đã viết: Về Tính tức Họ, khác với các nước Tây phương đặt Họ trước, Tên sau...Ví dụ như Tô Thức: Họ Tô tên Tái tự là Đông Pha, cho ta thấy ông có tính, có danh, tự. Tính, Danh, Tự đi liền với nhau. Tuy vậy, không phải thời nào cũng như nhau, ví như thời Tiên Tần thì phức tạp hơn, đứa con ra đời phải mang họ mẹ vì theo mẫu hệ – dấu hiệu của thị tộc, đánh dấu cho người mang cái tính hiện hữu của mình do từ một thị tộc nào đó sinh ra – chỉ biết có mẹ mà không rõ cha mình là ai. Tính (Họ) của thời đại này đều có thêm bộ “Nữ” một bên, như họ Diêu (Dao), họ Tự, họ Quy, họ Cơ v.v...Tưởng cũng nên biết có một số “Họ” tách ra thành một “Họ” khác, như họ “Châm” tách ra từ họ “Tào”, họ “Thốc” tách ra từ họ “Bành”...

Theo “Quốc Ngữ Trịnh Ngữ” thì Chúc Dung có đến 8 họ. Nhưng vốn thì 6 kể từ họ Kỷ, họ Đổng, họ Bành, họ Vân, họ Tào, họ Mỹ...Thời Tiên Tần, Họ chẳng có bao nhiêu. Đã vậy mà còn có một số tính (họ) bị tiêu diệt trong thời nhà Chu. Có điều đặc biệt thời Tiên Tần “không để họ đứng trước tên” có nghĩa viết tên đứng trước họ, chẳng khác nào như người Tây phương. Về phái nữ cũng vậy. Ví như Y thị tên là Vân họ Cơ. Với phái tính này có mục đích tránh trùng họ lấy nhau, phạm phải tội loạn luân. “Đồng tính bất hôn”, cùng một họ chẳng lấy nhau.

Người Trung Hoa buổi sơ giao thường hỏi thăm “Họ” của nhau cốt để kết thân, nếu trùng họ thì xem như cùng tổ tông, và từ đó lần ra dễ dàng về vai vế thứ bậc qua các chữ lót. Quan niệm về chữ lót đối với người Trung Hoa có tính quan trọng không kém.

Trung Hoa có trên 6.000 họ được ghi nhận, đa phần là “họ đơn” tức họ một chữ, cũng có một ít “họ kép” (hai chữ đi đôi) như họ “Âu Dương”, họ “Tư Đồ” v.v...Người xưa, ngoài sự chú trọng về “Tính” còn đặc biệt chú trọng đến “Thị” bởi “Thị” chỉ về gia tộc. Theo “Tả truyện An công bát niên” đã viết rõ là:

-“Thiên tử thì lập đức; nhân sinh cho tính dâng thịt tế lễ đất, mà đặt cho! Quan mà có công trạng nhiều đời thì có quan tộc...”.

Cứ thế mà áp dụng. Tính tức là họ. Họ thì bất biến. Khác với thị, bởi thị tùy hoàn cảnh của gia tộc mà có thể biến ra. Có điều đặc biệt ta nên lưu ý, vào thời Tiên Tần không phải bất cứ ai cũng có “tính”, có “thị”. Theo luật lệ của thời đại này “tính” đối với những ai có vai vế vị thế nhất định mới có thể có được. Ví như, những ai bị phế truất mất “tính” bởi phạm phải một trọng tội trở nên kẻ thấp hèn trong xã hội, khiến cho tổ tiên, hàng họ bị sỉ nhục.

Theo Trình Dao Điền, một học giả uyên bác của đời Thanh, đã ghi lại khá tỉ mỉ về “Tông Pháp”, như ghi nhận sự khác biệt giữa Đại Tông và Tiểu Tông, bắt nguồn từ thủy tổ của mỗi một gia tộc. Từ đời nhà Chu đã đặt bày ra gia luật, người con trưởng là kẻ kế thừa, ví như Vua cha băng hà thì con trai trưởng của nhà Vua kế vị. Dưới hàng thế dân người cha qua đời thì người con trưởng sẽ phải có nhiệm vụ quán xuyến gia đình, quyền huynh thế phụ...Với hoàng gia các con khác biệt với người anh kế vị (các dòng thứ) gọi là “Biệt Tử”. Những người anh em biệt tử này, vì là con của vua nên được gọi là “Công Tử”.

Nguyên tắc tông pháp nói lên sự quan hệ huyết thống, không thể không có. Đời Chu đưa ra nguyên tắc này là nhằm bảo vệ huyết thống người cùng một dòng giống với nhau. Tiểu tông, đại tông có thể thay đổi sự xa gần mà không thể bỏ đi về tộc tính. “Tiểu tông ngũ thế tắc thiên”, có nghĩa trong năm đời có sự thay đổi về lễ nghi trong gia tộc, ví như đã qua năm đời tuy vẫn còn huyết thống song không còn để tang chế nữa.

Tuy đất đai rộng lớn nhưng người Trung Hoa có xu hướng xuất ngoại, hầu hết vì sinh kế. Hai vùng đất mà họ chú ý đến nhiều là châu Á và các nước châu Mỹ. Tại các quốc gia này có đến 47 họ (tính) được xem là nhiều nhất, đại thể gồm các họ Bạch, Thới, Thái, Trần, Điền, Chu, Phạm, Phương, Phùng, Quan, Quách, Hàn, Hà, Hồng, Hồ, Hoàng (còn gọi là Huỳnh), Kha, Lý, Lâm, Lữ, Liêu, Lư, La, Mai, Âu Dương, Âu Vĩnh, Tiền, Khưu, Thẩm, Tư Đồ, Tô, Tôn, Vương, Văn, Ngô, Tiêu, Hứa, Từ, Nghiêm, Nhan, Dương, Dư , Du, Tăng, Trương, Chân, Đặng, Chung, Châu, Chu, Phan, Trang, Trác, Diệp, Trịnh, Lê, Mã, Thẩm, Vũ, Hồ, Quan, Đỗ...Nguyễn v.v...

Có một số truyền thuyết nói về nguồn gốc của “Họ” gắn với “thị tộc”. Theo Quốc ngữ Trinh ngữ thì sau Chúc Dung có 8 họ, nhưng một số các tài liệu khác lại bảo chỉ vốn có 6 tính, gồm họ Kỷ, họ Đổng, họ Bành, họ Thốc từ họ Bành tách ra, họ Vân, họ Tào, họ Châm từ họ Tào mà ra, họ Mỹ. (Sau đó không bao lâu thêm các họ tách ra như họ Điền đa số tách ra thành họ Trần, họ Thẩm tách rời ra thành họ Diệp. Ngoài 6.000 họ còn lại đến ngày nay có một số “họ” không nhỏ bị tuyệt diệt trong thời nhà Thương, nhà Chu.

Hai họ Trần (Chen) và họ Lâm (Lin) xuất hiện nhiều nhất hầu hết các quốc gia trên thế giới. Có một số người họ Trân đổi sang họ Điền vì lý do trong thời loạn lạc chống lại triều đình. Họ Trần vốn xuất hiện từ 3000 năm vể trước và có nhiều lối phát âm khác nhau như Phước Kiến phát âm họ Trần là “Tan”, người Quảng (Quảng Đông) đọc là “Chan”, người Hokchew (Phước Châu) phát âm là Chin hay Chin...Họ Diệp, cải biến từ họ Thẩm sau đời nhà Đường... Tương truyền trong đám người họ Thẩm khi chạy thoát vào chốn rừng sâu, viên tộc trưởng bèn tuyên bố từ nay toàn thể họ Thẩm cải sang họ Diệp, cũng như những người chạy nạn họ Điền đổi sang thành họ Trần vậy.

Như trên đã ghi Trung Hoa có cả hàng 6000 Họ, mà ta thường quen gọi là bá tính trong thiên hạ. Trong hàng ngàn họ ấy có cả họ “Nguyễn”. Hiện họ Nguyễn ở tại các tỉnh miền Nam Trung Hoa như Phước Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Hong Kong, luôn cả các tỉnh thuộc miền Bắc đất nước này nữa, không phải mới ngày nay mới thấy họ Nguyễn xuất hiện mà họ Nguyễn đã có cùng thời với các họ lớn khác tại Trung Hoa.

Người cùng họ theo Trung Hoa xem cùng một huyết thống. Vì vậy mới có câu “Đồng tính bất hôn”. Cùng một họ tuyệt đối không được cưới hỏi nhau, lỡ lầm lấy phải ắt sinh điều tai hại không ít. Con cái sẽ tật nguyền hoặc ngu đần, chẳng những kém thông minh mà lại còn sinh ra lắm điều bất trắc!

THINH QUANG.

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây

Xem bài trang Biên khảo: click vào đây

Trở về trang chính www.nuiansongtra.net

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh