Theo định-nghĩa, ngôn ngữ là hệ-thống những âm, từ ngữ, những quy-tắc kết-hợp chúng mà một cộng-đồng, một dân-tộc dùng nó để làm phương-tiện giao-tiếp với nhau. Ngôn-ngữ còn là hệ-thống ký-hiệu để diễn-đạt, thông-báo, được nói hay viết thành văn tự. Lời nói phụ thuộc vào chữ viết và ngược lại. Từ lúc ra đời đến lúc phát-triển, ngôn-ngữ đã trải qua nhiều giai-đoạn với bao biến-cố, không biết bao nhiêu cải cách, sửa đổi.
Trong phạm vi bài nầy, người viết chỉ đề cập sơ qua khía cạnh “chữ viết” với vài điểm nhỏ của Anh ngữ và Việt ngữ trong các đề nghị cải cách đã được đưa ra.
1. CHUYỆN NGƯỜI: CẢI CÁCH ANH NGỮ.
Những thập niên gần đây, tiếng Anh là ngôn-ngữ được dùng nhiều nhất trong các giao-dịch có tính cách quốc-tế. Hiện nay, các cuộc hội họp, các văn bản trước đây dùng các ngôn ngữ khác (Pháp ngữ, Tây Ban Nha...) nay đã chuyển sang Anh ngữ. Theo các nhà chuyên môn, trước đây chỉ có hai ngôn ngữ được dùng rộng rãi là Pháp và Anh ngữ tuy rằng số người nói tiếng Anh, Pháp không nhiều hơn vài ngôn ngữ khác; ví như tiếng Quan thoại (Mandarin Chinese) hay tiếng Tây Ban Nha. Theo thống kê của Ethnologue, 3 ngôn ngữ có số người “nói” nhiều nhất là tiếng Quan thoại, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh nhưng loại “chữ viết” được sử dụng rộng rãi nhất lại là Anh ngữ. Cần biết thêm: quốc gia nói nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới là Papua New Guinea với 840 ngôn ngữ, rồi đến Indonesia có 711; Nigeria với 517; đến Ấn Độ (India) có 456 thứ tiếng. Hoa Kỳ vào hạng 5 với 328 thứ tiếng được nói tuy rằng dường như trên đất Mỹ, người có nguồn gốc các dân tộc khác đang sinh sống tại Mỹ dẫn đầu thế giới.
Ngày trước, trong các cuộc hội nghị, hòa-đàm, các văn bản chính-trị quốc-tế … người ta thường dùng Pháp ngữ vì các từ-ngữ của tiếng Pháp có tính chính-xác, mỗi chữ thường chỉ có một nghĩa, các từ ngữ được dùng liên-quan đến chính trị sát nghĩa hơn các ngôn-ngữ khác. Thế thì tại sao sau nầy, người ta dùng Anh ngữ thay thế cho Pháp ngữ hay các ngôn-ngữ khác? Câu trả lời là vì con người ngày nay giao tiếp rộng rãi hơn, việc mua bán, trao đổi thường xuyên hơn, Anh ngữ được nhiều quốc gia xử dụng hơn nên họ tin vào ngoại ngữ mà họ biết hơn là Pháp ngữ tuy rằng chính-phủ Pháp đem hết nỗ-lực trong việc quảng-bá ngôn-ngữ của họ. Theo Tự điển Bách khoa Toàn thư Wikipedia, tên các bộ thường xuyên thay đổi ở Pháp (The names of ministries change often in France), vì thế, có thời Chính phủ Pháp cho lập một Bộ để phụ trách Pháp ngữ: Delegate for Cooperation, Development and the French-Speaking Countries; với Bộ trưởng là bà Brigitte Girardin.
Theo thời-gian, ngôn ngữ nào cũng vậy, mỗi ngày có nhiều chữ mới được đặt ra và cũng có nhiều từ ngữ được xem là cổ ngữ, tử ngữ. Thế rồi trong giao-tiếp, trao đổi, cuộc sống... theo nhu cầu, người ta muốn đơn-giản, dễ-dàng hơn nên có ít nhiều sửa đổi. Do vậy, việc đề xướng cải cách một ngôn ngữ thường xảy ra. Trong Anh ngữ cũng vậy, trước nay đã có nhiều đề nghị cải cách phương-pháp viết và đọc nhưng đã không đi đến kết-quả nào.
Gần đây, một phong-trào vận-động theo chiều hướng vừa nói hoạt-động mạnh. Người chủ trương là ông Richard Lawrence Wade, một công-dân Anh, cư-ngụ tại Oxford, tự cho biết về nghề-nghiệp: làm việc cho truyền-hình, truyền-thanh và quảng-cáo. Ông ta mở một website trên Internet, kêu gọi sự cộng-tác của mọi người để “phá vỡ cái lồng đã nhốt chúng ta như những tù nhân từ cả 250 năm nay” (nguyên văn: To break out of the cage that's been holding us all prisoners for 250 years).
Trên trang web nầy, ngay cái tên của website đã cho thấy quyết tâm sửa đổi cách viết tiếng Anh của ông một cách mãnh-liệt, ông đã dùng chữ cải cách theo ý ông: “Freespeling” (đúng ra là Free spelling), tên của website, “với một chữ l” (with one l). Ông ta còn đánh một đòn tâm-lý khác với người đọc bằng câu: “Believe it or not, only 17% of native English speakers can spell the following six words correctly: Height, necessary, accommodation, seperate, sincerely, business” (Tin hay không là tùy ở quý vị, chỉ có 17% những người nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh có thể đánh vần đúng 6 chữ sau: height, necessary, accommodation, seperate, sincerely, business).
Rồi ông đặt câu hỏi: “Chữ nào trong những chữ trên viết sai?” (which of those is spelt wrong?) và tự trả lời: “Vâng, đúng là chữ separate” (Yes, separate!) để đi đến kết luận bằng lời hô hào: “Phát âm Anh ngữ là một cơn ác mộng đối với nhiều người... chúng ta sẵn sàng bắt đầu thay đổi nó” (English spelling is a nightmare for many people... We have already started to change it!).
Trong website trên, Richard L. Wade nêu những lý do tại sao ông hô-hào cải-cách cùng những gì cần phải làm. Ông cho biết tại Anh có khoảng 7 triệu người không biết đọc hay khả năng ngang với tuổi 11 và tại Mỹ, 44 triệu người chỉ có khả năng đọc ngang với trình-độ học lớp 5 trở xuống. “Khả năng đọc kém có nghĩa lợi tức kém, khó tìm công việc làm và dốt nát (ignorant) hay ngu đần (stupid)”, từ ngữ nguyên văn trong website.
Cũng theo ông, những sưu tầm cho biết Anh ngữ là một trong những ngôn-ngữ khó đọc và viết nhất Âu châu. Ông cho rằng những người dùng Anh ngữ là ngôn ngữ chính rất khó khăn một cách phi lý để học cách phát âm những chữ “lamb, cough, upphlegm hay yacht” huống chi những người dùng Anh ngữ là ngôn ngữ thứ hai, thứ ba. Ông đặt câu hỏi “Tại sao ta không viết “yot” khi ta phát âm đúng như vậy mà viết “yacht”?
Cuộc vận động sửa đổi cách viết, phát âm Anh ngữ của ông Richard Wade nhằm hai điểm chính:
- Thứ nhất, ông kêu gọi mọi người hãy viết theo cách đánh vần của mình đối với những chữ nào thấy khó nhất hay phi lý nhất.
- Thứ hai, trưng cầu ý kiến để chọn cách đánh vần đơn-giản nhất, dễ nhất để sẽ biến thành bộ đánh vần mới tiêu chuẩn trong tương lai.
Ông nêu ra những gợi ý cho việc cải cách như sau:
+ Bỏ những chữ không cần-thiết (trong ngoặc), ví dụ: de(b)t; (k)nee; favo(u)r; ax(e); definit(e).
+ Nếu đánh vần một chữ như âm của nó, nên nhớ rằng khác địa phương, quốc gia có cách đọc khác nhau, có cách phát âm đúng, có sai.
+ Đổi những chữ đôi bằng một, như: fotograf (photograph); sykology (psychology); skool (school).
+ Đọc thế nào viết thế đó, ví dụ: luv (love); tho (though); donut (doughnut), wot (what); foriner (foreigner).
+ Phát âm theo sự nhận thức, dễ hiểu, tiện lợi cho mình.
+ Bỏ dấu (’) (apostroph) ở những chữ mà nghĩa nó rõ ràng, không nhầm lẫn được: dont (don’t); cant (can’t); theyll (they’ll)
+ Không nên sửa đổi cách đọc các danh từ riêng, thí dụ: China, Chicago, Charles,...
Để tiến hành sửa đổi, ông hoạch định một chương-trình để cùng mọi người cải-cách. Ông lập từng đợt bầu (vote) sửa đổi các chữ ông thấy cần phải sửa đổi, mỗi đợt cách nhau một thời gian.
Qua đợt bầu lần đầu, sau khi hô-hào và đưa lên “lưới”, được kết thúc vào 30-6-2002, website nầy đưa ra một số kết quả với tỷ-lệ bách-phân do những người đồng ý và hưởng ứng sự kêu gọi cải cách. Những từ ngữ cải cách đưa ra với kết quả như sau (theo thứ-tự:
Tỷ lệ % - Cách phát âm mới - Cách phát âm tiêu chuẩn):
+ 90.8% -- frend -- friend
+ 62.2% -- hite -- height
+ 58.3% -- axident -- accident
+ 57.5% -- kaos -- chaos
+ 53.7% -- foriner -- foreigner
+ 37.6% -- vew (24.3% vu; 22.9% vue) -- view
+ 36.4% -- biznis (16.4% bizness) -- business
+ 33.4% -- unconshus (14.7% unconsius; 18.5% unconsus) -- unconsious
+ 32.8% -- forti (29.3% fourty; 15% 4ty) -- forty
+ 32.6% -- februari (13.0% febry; 12.7% febrewary) -- February
+ 32.2% -- nesesary (19.7% necessary; 14.7% nesesari) -- necessary
+ 32.1% -- akomodate (26.6 % accommodate) -- accommodate
+ 31.1% -- sinserely (20.7% sinseery) -- sincerely
+ 26.6% -- becoz (16.4% bekoz) -- because
+ 19.3% -- nollege (close %s nolledge, knoledge, nolij, nolej) -- knowledge.
Sau khi kết thúc đợt một, ông Laurence đưa ra một số từ-ngữ cho đợt hai để lấy ý kiến, kết thúc vào ngày 30-11-2002 cũng được công-bố trên website trên. Đợt hai vớiø các chữ sau được đề nghị sửa đổi: Definitely, embarrassment, axcessive, gause, millenium, noticeable, people, photograph, psychology, recommend, said, solution, through, Wednesday, you.
Ông đưa ra các chữ trên rồi lấy ý kiến người bầu ghi cách viết mới của họ. Trong đợt bầu nầy, nhiều chữ được người bầu nêu lên với nhiều cách viết cùng tỷ-lệ bầu chọn. Trong đợt 3, kết thúc vào 30-4-2003, khác hơn hai đợt trước ở chỗ mỗi chữ, ông đưa ra cách viết để người bầu chọn-lựa. Sau đây là các chữ ông đưa ra, con số trong ngoặc là bao nhiêu chữ ông đưa ra gợi ý để chọn lựa, người bầu chọn sẽ lựa chữ nào họ cho là đúng cần phải cải cách: Cough (11), desperate (11), personal (4); seize (8); manoeuvre (11); guarantee (8); conscientious (9); occurred (12) paralleled (7) secretary (11) when (5) success (9).
Sau 3 lần lấy biểu quyết, đến cuối tháng 4-2003, ông Richard đưa ra kết quả của tổng kết các ý kiến, các chữ sau đây (chữ in là chữ ông cho là đã cải cách, chữ trong ngoặc là chữ tiêu-chuẩn): AKOMODATE (accommodate); AXIDENT (accident); BECOZ (because); BIZNIS (business); DEFINITLY (definitely); DESPRIT or DESPRET (desperate); EMBARASMENT (embarrassment); EXESIV (excessive); FEBRUARI (February); FORINER (foreigner); FORTI (forty); FOTOGRAF (photograph); FREND (friend); GAGE (gauge); GUARANTEE (guarantee); HITE (height); KAOS (chaos); KOF or KOFF (cough); KONSHIENSHUSS (conscientious); MANUVER or MANEUVER (manoeuvre); MILENIUM (millennium); NESESARY (necessary); NOLLEGE (knowledge); NOTICABLE or NOTISABL (noticeable); OCCURRED (occurred); PARALELD (paralleled); PARLAMENT or PARLIAMENT (parliament); PEEPLE or PEEPUL (people); PERSONEL (personnel); REKOMEND or RECOMMEND (recommend); SEKRATRY (secretary); SED (said); SEEZ (seize); SHUD (should); SINSERELY (sincerely); SOLUSHON (solution); SUXESS (success); SYKOLOGY (psychology); THRU (through); U (you); UNCONSHUS (unconscious); VEW (view); WENSDAY (Wednesday); WEN (when); YOT (yacht).
Tuy nhiên, ông Richard không nói với những kết quả được bình chọn như vậy rồi sẽ làm gì, những bước kế tiếp sẽ ra sao để có thể “phá vỡ cái lồng” tiếng Anh hiện tại.
Trong website, Richard L. Wade đã dùng rất nhiều chữ mà ông cải cách như: alredy (already), chanj (change), donut (doughnut), Inglish (english), mite (might), rite (write), praktis (practice), 4 (for), fones (phones), peepul (people), liv (live), luv (love), simpul (simple), enuf (enough), tho (though), ritten (written), u (you), yor (your), wot (what).
Thật ra, ý tưởng cải cách Anh ngữ đã nảy sinh rất nhiều lần trong các sắc dân coi Anh ngữ là ngôn ngữ chính. Trước nay đã có nhiều người đứng ra hô-hào nhưng chưa có kết quả. Anh ngữ quả thật là một ngôn ngữ phức tạp do nhiều nguyên-nhân.
Chúng ta biết Anh ngữ (cũng như tất cả mọi ngôn ngữ) đều có lịch-sử thành hình của nó, nhiều từ ngữ phát sinh từ các ngoại ngữ, nhiều từ-ngữ ra đời từ một biến-cố, một giai thoại. Cách phát âm Anh ngữ cũng khá rắc-rối: cùng một chữ nhưng nhiều cách đọc, thí dụ chữ “o”, lúc thì đọc như âm “u” tiếng Việt (trong chữ “to”) lúc thì đọc “ô” (trong chữ “so”); nhiều chữ khác nhau nhưng phát cùng âm,... Như vậy, sửa đổi trong một sớm một chiều là cả một vấn đề nan giải, nếu không thống-nhất sẽ tạo ra nhiều rắc rối mới.
Dĩ nhiên việc hô hào cải-cách của Richard Wade có người ủng-hộ nhưng cũng có người phản đối. Những người thuộc phe ủng-hộ cải cách cho rằng Anh ngữ có quá nhiều rắc-rối, cần đơn giản cho hợp với thời đại hiện tại: cho e-mail, internet, chat; trong giao tiếp (đối thoại), trong giao lưu (văn-chương, văn hóa) cần phải “hiện đại hóa và hợp lý hóa” (modernise and rationalise). Cũng không ít người phản đối việc hô-hào sửa-đổi cách đọc, cách viết Anh ngữ một cách vội-vã. Những người nầy cho rằng: “... việc hô-hào sửa đổi đã có từ lâu rồi, nhiều người đã cổ-xúy sửa đổi rồi nhưng không thể áp dụng được vì nó... sai lầm”.
Ông Howard, một trong những người chống đối, đã viết:
-“Chúng ta không thể đánh vần tiếng Anh vì cái thú thưởng thức đồ cổ của những tay thông thái rởm...”, và “... thay đổi sẽ như một cánh rừng rậm không thể vào được”, hay “... đánh vần tự-do sẽ biến tiếng Anh thành một bầy ngôn-ngữ hỗn tạp và man-rợ,... làm biến dạng Anh ngữ,...”.
Thực tế, khi đọc website nầy, ta thấy nếu có cải cách, chữ mới phải đơn giản hay dễ hơn nhưng có chữ mới như ông Richard nêu lên lại khó hơn chưa cải cách (ví dụ chữ Februwary (February). Ngoài ra, đọc chữ cải cách lại nảy sinh ra chữ khác mà chữ đó lại lẫn lộn với chữ khác [(như chữ U (you) với chữ U (trong mẫu tự cái)] càng làm thêm lộn xộn. Và nếu mỗi người chọn một cách đọc cho riêng mình rồi viết theo cách đọc ấy, và cùng với âm giọng đọc tùy-thuộc vào sắc dân, (ví dụ người gốc Trung Hoa ở Mỹ đọc tiếng Anh các chữ có phụ âm “y” ở cuối chữ thường có âm của dấu huyền tiếng Việt, ví như chữ Capitol đọc là Ca-pi-tồ, chữ Tully đọc là Tu-lỳ, v.v...), thật không dễ cho người khác hiểu được, làm sao người khác hiểu họ muốn nói chữ gì. Hơn nữa, ngôn-ngữ phát sinh dính liền với quá-khứ, lịch-sử, phong-tục, tập quán, văn-học, dân-tộc v.v... Đôi khi một chữ có lịch-sử của chữ đó, sửa đổi là đánh mất cái nguyên-thủy của nó đã đi vào lịch-sử.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không chịu sửa đổi những chỗ khiếm khuyết - trong bất cứ ngôn ngữ nào - để theo kịp đà tiến bộ của loài người và dễ-dàng trong việc sử-dụng các tiến-bộ mới – như dùng cho internet - nhưng sửa đổi phải theo phương pháp, thống nhất cách đọc cách viết, cần phải có một thời gian nhất định... để tránh các vấn nạn xảy ra.
Đối với chúng ta, những người Việt tỵ nạn, chưa thấy ai có ý-kiến gì theo đề xuất của ông Richard một cách cương-quyết. Cải cách để tiến-bộ, để đơn-giản, dễ dàng... à điều cần thiết, là đúng nhưng cũng cần những yếu tố khác quan trọng không kém cần phải thống nhất. Nếu không có yếu-tố thống nhất và đúng-đắn, dễ dàng thì ai nói nấy nghe, ai viết nấy hiểu, chừng đó tiếng Anh sẽ ra thế nào? Chúng ta hãy chờ xem!
2. CHUYỆN TA: CẢI CÁCH VIỆT NGỮ.
Việt-ngữ chúng ta, cũng như các ngôn-ngữ khác, có một lịch-sử với bao biến đổi. Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, dân ta chưa có chữ viết riêng nên dùng chữ Hán đồng thời với văn-chương truyền khẩu. Sau đó chữ Nôm ra đời, được dùng nhưng chưa phổ-quát bởi nhiều lý do. Trước khi nước ta bị người Pháp xâm chiếm, khi đề-cập đến các chữ “quốc văn, quốc ngữ, quốc âm” tức là nói đến chữ Nôm, thứ chữ dùng rộng-rãi trong dân-chúng. Trong thi, thơ văn, ba chữ trên thường thấy trên tên của tác-phẩm, điển hình như: “Thơ quốc ngữ” của Nguyễn Thuyên, “Quốc ngữ ca” của Tả Ao, “Quốc âm thi Tập” của Nguyễn Trãi, “Quốc Văn giáo khoa thư”, “Y Dược quốc ngữ ca”, “Quốc âm ca dao tập”, “Quốc âm diễn thi”, “Quốc âm dụng dược gia truyền”. “Quốc âm phú”...
Khi người Tây phương sang truyền giáo, giáo-sĩ Alexandre de Rhodes (hay Đắc-Lộ, người Pháp gốc Do-Thái, sinh ngày 15-3-1591 tại Comtat Venaissin, tỉnh Avignon, miền Nam nước Pháp, đặt chân lần đầu tiên lên Đà-Nẵng vào tháng 12-1624, rời Việt-Nam ngày 10-12-1645), đã dùng những mẫu tự Latin sáng tạo ra kiểu chữ viết mà sau này gọi là “chữ quốc-ngữ”.
Theo tài-liệu, năm 1533 có giáo sĩ Irigo (I-Ne-Khu) theo đường biển vào giảng đạo Gia-Tô tại Nam-Định. Đến 1596, giáo sĩ Diago Advarte đến Đàng Trong giảng đạo nhưng không lâu rồi bỏ đi, năm 1615, giáo-sĩ Francesco Buzomi lập Giáo Đoàn Đàng Trong (Mission de la Cochinchine) và năm 1627 giáo-sĩ Đắc Lộ lập Giáo Đoàn Đàng Ngoài (Mission de Tokin), hai Giáo Đoàn nầy thuộc dòng Tên. Trung tâm của họ nằm ở Áo Môn (Macao, Trung Hoa), một vùng đất do người Bồ Đào Nha được chính quyền Trung Hoa cho phép cai quản sau khi họ có công dẹp bọn cướp biển thường hay quấy-nhiễu Quảng-Châu. Các nhà truyền giáo Tây phương muốn sang viễn Đông phải nhờ vào các thương thuyền Bồ Đào Nha nên họ có trụ-sở tại đó, họ có lập Viện Thần học “Madre de Dieux” Mẹ Đức Chúa Trời).
Một số tài-liệu lưu lại cho rằng sở-dĩ ông Đắc-Lộ sáng chế ra chữ quốc ngữ chỉ nhằm mục đích truyền giáo vì ông không có thể học, biết hết chữ Hán và chữ Nôm và dân chúng Việt đa số lại không thông hiểu hai loại chữ đó nên khó cho công việc truyền giáo của ông.
Khi “thứ chữ” do ông Đắc-Lộ truyền ra được áp-dụng với nhiều sửa đổi, ba chữ “quốc văn, quốc ngữ, quốc âm” lại đổi nghĩa, nó ám chỉ kiểu chữ mới: đơn-giản, dễ học, dễ nhớ, dễ viết hơn chữ Nôm với nhiều khiếm-khuyết và nghiễm-nhiên trở thành văn tự chính-thống của dân Việt. Nếu so sánh với lúc ban đầu, chữ Việt ngày nay khác nhau xa là do công-trình của rất nhiều người với bao tâm huyết để cho thế hệ con cháu như chúng ta được thừa hưởng.
Tưởng cũng nên biết thêm một ít về chữ quốc-ngữ ở thuở ban-sơ. Câu sau đây được cho là những dòng chữ đầu tiên của chữ quốc-ngữ: "Con gno muon bau tlom laom Hoalaom chian" (Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng?). Hoa Lang là từ ngữ để chỉ người Bồ Đào Nha, sau nầy được xem là tất cả các giáo sĩ truyền giáo người phương Tây. Câu trên có nghĩa là “Có muốn vào đạo Thiên Chúa không?”.
Vì câu trên không rõ nghĩa nên sau đó Linh mục Buzomi sửa lại là "Muon bau dau Christiam chiam?" (Muốn vào đạo Christian chăng?). Một số từ ngữ ban đầu khác như: Anam (An Nam) Ainam (Hải Nam), Quanghia (Quảng-Nghĩa), Quignin (Qui-Nhơn), Chià (Trà), Tuijciam biet (tui chẳng biết), Chiuna (Chúa), Onsaij di lay (Ông Sãi đi lại), Omgne (Ông nghè), Onsaij (Ông Sãi), Fayfó (Hải phố- Hội An), Bôdê (Bồ đề), Ondedoc (Ông Đề Đốc), Nhit la khaun, khaun la nhit (Nhứt là không, không là nhứt).
Trong thời-gian phôi-thai, chữ quốc ngữ đã bị chữ Nôm, chữ Hán “âm thầm” chống lại để khỏi bị đào-thải. Ở giai-đoạn phát-triển, các phong-trào, các cuộc vận-động học chữ quốc-ngữ rộng-rãi trong dân chúng với mục-đích đem lại một phương tiện để mở mang sự giao-tiếp. Lúc đó có nhiều giai-thoại còn lưu-truyền liên-quan đến cuộc vận động học chữ quốc ngữ khi phong trào vận động lên đến cực điểm.
Một trong các giai-thoại là những gia đình giàu-có, khi được chính-quyền chỉ định con cái họ đi học, họ đã “mướn” người khác đi học thế trong khi con cái họ ở nhà theo học những “Tử viết:...”, “chi, hồ, giã, dã”… để “nối gót thánh-hiền” để “tiếp tục cái đạo của thánh hiền” từ những ông đồ họ thuê đến nhà để dạy học.
Tuy nhiên, cho dù hoài vọng về dĩ vãng, về thời vàng son đã qua của giới Hán học, đa số đã đứng về phía chữ quốc-ngữ. Tú Xương với những lời mỉa-mai “vứt bút lông đi dắt bút chì”, Vũ Đình Liên với “Giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu” hoặc những lời than-vãn khác “mười người đi học chín người thôi” hay theo lời Nguyễn Văn Vĩnh, “nước Nam ta sau nầy hay hay dở là cũng ở chữ quốc-ngữ” đã cho ta thấy thế “thắng” của chữ quốc ngữ, mang bản-sắc cho dân tộc mãi đến nay.
Nhưng rồi thời gian không lâu sau đó, chữ quốc ngữ cũng được một số người cổ-xúy là cần phải sửa đổi theo những lập luận của họ. Trong thời Pháp thuộc, một số ý kiến về sửa đổi được đưa ra, có vẻ “hợp lý” và “tiết kiệm”: không đánh dấu sắc (’) trên các chữ đã đọc đúng âm mà không cần dấu, chữ của các vần at, ăt, ât, et, êt, ot, ôt, ơt, uc, ưc, ut, ưt... (chẳng hạn như hát, thắt, mất, cốt, đứt, v.v...; thì chỉ cần viết hat, that, mât, côt, đưt... là đủ). Người tán thành là ông Trương Minh Ký, đã thể hiện trong các bài viết của ông, nhưng cho đến nay, thời gian dài đã qua, vấn đề nầy cũng không thành hiện thực.
Tiếp sau là việc cổ xúy sửa đổi chữ “y” thành “i”. Người chủ xướng mạnh mẽ là ông Nguiễn Ngu Í (tên thật là Nguyễn Hữu Ngu, sinh ngày 20-4-1921 tại Hàm Tân, Bình Thuận, mất tại Sài-Gòn vào tháng 8-1977, còn có các bút hiệu: Trinh Nguiên, Tân Fong Hiệb, Phạm Hoàng Mĩ, Trần Hồng Hường, Lưu Nguiễn, Ngê bá Lí). Ông còn đề xướng việc bỏ chữ “u” trong vần “qu”: qan trọng (quan-trọng); qê-hương (quê-hương); qaí thai (quái thai)...; bỏ chữ “h” trong vần “ngh”: ngê (nghe); ngẹn ngào (nghẹn ngào); ngiên-cứu (nghiên cứu); ngề ngiệp (nghề nghiệp),...
Ông ta cho biết:
-“Vì quá bất bình từ thuở nhỏ về chữ quốc ngữ trải qua gần nửa thế-kỷ mà chưa cải cách, về những chướng tai gai mắt trong cách sử-dụng các âm i, c, g, bất bình thường trái với âm luật Việt ngữ mà ông ta dùng”.
Việc làm nầy đã được một số người hưởng-ứng, trong số đó có học giả Nguyễn Hiến Lê, Trúc-Thiên...
Sau ngày mất nước, tại hải ngoại, cũng có một số người đồng tình, trong đó có một số nhà khoa bảng. Tại quốc nội ngày nay, với thành phần “trí thức cách mạng” đã chịu ảnh hưởng từ vị “lãnh-tụ vĩ-đại” của họ (đã dùng “Đường Kách mệnh, Giải Fóng quân...”), áp dụng những “bước tiến nhảy vọt” nên đẻ ra những quái thai trong văn tự. Ý kiến sửa đổi nầy gặp phải sự chống đối của người Việt hải ngoại. Còn ở trong nước, cho dù bất bình nhưng không ai dám phản đối y kiến “lãnh tụ vĩ-đại”, vì sẽ bị “vào nhà đá hay hui nhị-tì”. Có người cho rằng: “Sự thiếu căn bản về ngữ âm học đã khiến ông (Nguiễn Ngu Í) có lối viết mà tôi cho là lập dị, quái gở,...” và “người đọc luôn luôn thấy nó như bị một hạn chế nào đó”.
Nhà thơ Từ Phong (cư ngụ tại Bắc California, Hoa-Kỳ) khi còn sống đã phản đối mạnh mẽ hơn, với bài thơ có tựa đề: Tội nghiệp “Y”.
Rõ-ràng nhiễu-sự là “y”
Cớ chi ham ngắn, cớ chi sợ dài.
Ngắn, dài, âm một mà hai,
Khi cần ngắn, lúc cần dài khác xa.
Văn-chương chữ nghĩa chi mà
Bỏ dài, chuộng ngắn thế là làm sao?
Thử đem so-sánh xem nào
“Sa-trường TÚY NGỌA” viết sao bây giờ?
Bỏ dài nghe thật lơ-mơ,
“Sa-trường TÚI-NGỌA” bây giờ nghĩa chi?
Tên ông giả thử là “TUY”,
Bỏ dài thay ngắn tức-thì là “TUI”.
Việc chi thay tới thay lui,
Xưa ông “NGU Í” nay thời là ông
Làm hoang-mang cả cộng-đồng,
Khiến cho lớp trẻ chưa thông tiếng mình
Làm sao hiểu được phân-minh
Bỗng dưng ai đó cố-tình đổi-thay.
Ca sĩ “Thanh-Thúy” xưa nay,
Nếu dùng i ngắn, tên này được không?
Sơ sơ góp ý đôi dòng
Xin đừng lập-dị, chẳng thông chút nào
Phát-minh nào có gì cao
Đọc nghe ngớ-ngẩn, trông vào khó coi”.
Với việc bỏ bớt các mẫu tự trong các phụ âm: qu, ngh,... đã bị chống đối với lý-do: “Việt ngữ có rất nhiều nhị âm, có khoảng 24.000 chữ kép, nếu thiếu một chắc sẽ vô nghĩa và tạo việc hiểu sai hoặc nếu nó đủ nghĩa nhưng cần chử thêm để dễ nghe, xuôi tai hơn, đã trở thành thói quen trong khoảng 2.800 từ ngữ”.
Gần đây, cuốn biên khảo "Một Kỉ Niệm Đẹp” I của ông Nguyễn Tấn Hưng đã đưa ra nhiều ý kiến, đề-nghị sửa đổi mới lạ. Đầu tiên, ông đề nghị bỏ dấu hỏi mà chỉ dùng toàn dấu ngã (trong chương "Đón Xuân, đem tâm tình viết tiếng Việt" 2). Ông Hưng đưa ra lý do: “phát âm gần như nhau” và “dấu hỏi không có trong mẫu-tự quốc-tế” (thí dụ: biến đổi --> biến đỗi, thưởng thức --> thưỡng thức). Kế đến, ông Hưng đề xướng thay chữ "đ" (có nét ngang) bằng chữ "d" thường, và thay chữ "d" thường bằng chữ "gi", thí dụ: khó dọc (khó đọc); giễ hiểu (dễ hiểu), v. v...
Ngoài ra, tác giả đưa ra thảo luận: “nên dùng dấu gạch nối cho những tiếng phức vận hay những tiếng ghép, hay là nên viết dính chùm lại các thành phần của những tiếng này?” (thí dụ: "hoảdiệmsơn" (hỏa diệm sơn), "pháthành" (phát hành), v.v...). Đây là một tài-liệu biên-khảo mới, chưa được phổ biến rộng rãi, ít người biết đến nên chưa thấy ý kiến nêu ra (chống đối hay thuận). Theo như thế, “pháthành” có thể đọc “phát hành” hay “phá thành”: 2 từ ngữ có nghĩa khác nhau rất xa.
Riêng về việc thay “y” bằng “i”, xin giới-thiệu một số ý kiến trong một đoạn viết sau đây:
"Sau đây xin mạo muội đề nghị một giải pháp cho những người iêu thay y bằng i. Trước hết xin quan sát một vài nguyên âm đôi như “ươ” trong từ như “hứơng” hay “hưởng”. Ta để ý trước hết vị trí của dấu sắc hay dấu hỏi. Dấu nằm ở đâu? Trên ư hay trên ơ. Nếu trên ư: hướng sẽ đọc ra là hứ-ơng chứ không phải hư-ớng. Hướng có dấu trên ư (hứ-ơng) có vẻ có âm không sâu bằng có dấu trên ơ (hư-ớng) và chỉ sắc hơn hương một chút thôi. Do đó âm hướng thật sự đọc ra hướng hoàn toàn nhờ ở dấu sắc đặt để trên chữ 'ơ' tức nguyên âm đi sau chứ không phải đi trước (ư).
“Tương tự, ta có thể thử các từ dùng nguyên âm đôi như phường thành ra phừ-ơng và phư-ờng, hay thưởng thành ra thử-ơng và thư-ởng, hoặc Phượng ra phự-ơng hay phư-ợng. Ta sẽ thấy ngay có một sự khác biệt nhưng rất ít. Dấu để vào âm sau “đúng” hơn nhưng có đánh sai ra âm trước, cũng không sao, không chết ai! Nhưng phải nhận rằng có... khác.
“Giải pháp để hoá giải cái “âm nạn” “thanh thúi” này trong một ngẫu nhiên nằm trọn trong cách đánh dấu chữ I trong tên Nguiễn Ngu Í. Tức là nếu muốn hoá giải từ THÚY khi dùng I thay cho Y ta PHẢI đánh dấu ngay trên chữ i như trong tên Nguiễn Ngu Í: THANH THÚY nếu muốn thay Y bằng I phải viết ra THANH THU-Í. Tương tự, thủy (nước) sẽ được viết là thu-ỉ. Thùy mỵ -> thuì mị (tức thu-ì mị). Trọng Thủy -> Trọng Thuỉ (tức Trọng Thu-ỉ).
Thế còn những từ như “suy đoán” thì sao? Ngày xưa đi học tiểu học các thầy các cô thường nói Y còn gọi là Y-cà-réc (Y-grecque - Y của tiếng Hy Lạp). Ngày nay ta thường gọi nó là I-dài. Do đó khi có âm Y cuối của một từ không dấu, nếu cần I thay cho Y, ta chỉ dùng 2 chữ i là xong? “Suy đoán” do đó có thể viết theo người “iêu-I” là SUII ĐOÁN (tức Sui-i đoán).
“Tương tự, “tuy nhiên” viết thành “tuii (tui-i) nhiên”; “say sưa” thành “saii sưa”. Tương tự, “Mầy” sẽ trở thành “Mâ-ì” hay “Mâì”. Thành ra lần đầu tiên tiếng Việt có cảnh nguyên âm đôi, mỗi âm lãnh một dấu phía trên! Nghĩa là “a” trong “Mầy” có hai dấu: dấu mũ và dấu huyền. Do cách viết “iêu-I”, “a” chỉ mang dấu mũ và dấu huyền nhường lại cho i đi đàng sau! Thí dụ khác: Sức mấy --> Sức mâí, có vẻ OK như thường.
“Vẫn còn một cái kẹt! Đó là kẹt ở truyền thống văn hoá con người. Kẹt ở từ Yêu viết thành Iêu có lẽ không quan trọng lắm vì có yêu thì cũng có “không yêu” hay “hết yêu” hay trong khi yêu chợt thấy người yêu mình đôi khi cũng như “yêu” như “quỷ”! Tức là YÊU đổi ra IÊU không vi phạm nhiều lắm đến văn hoá cổ truyền vì theo thông thường nó có nghĩa hơi tương đối và luôn luôn có các từ khác thay thế (như THƯƠNG chẳng hạn).
“Nhưng trục trặc ở một từ khác nằm trong cốt lõi của văn hoá Việt Nam: đó là Thầy, một từ hàm chứa ít nhiều tính cách thiêng liêng. Thầy nằm trong trục “quân sư phụ” của hệ thống Khổng Mạnh và cũng là từ gọi người Thân Phụ (Cha) trong một số nhiều gia đình ở ngoài Bắc. (Riêng người viết, người Sài gòn nhưng không hiểu sao đã gọi thân phụ là Thầy cũng như ông đã gọi ông Nội như vậy). Theo mốt “iêu-I” Thầy sẽ trở thành Thâ-ì. Không được, dù đã có một giải pháp cho giới iêu-i, xin mọi người hãy cố gìn giữ lấy Y”. (Trích trong bài viết của ông Nguyên Nguyên, Australia).
Gần đây, trong một trang web có một bài viết có đưa ra một lối cải-cách tiếng Việt khác lạ, xin trích một đoạn như sau:
“Nguyentac: Jảmthiẻu cac zấu, cac chữkep viet lièn vớinhau, những chữ khong cần zấu sac và fat-âm thanh trac nhu sac thì không cần zấu ', hai chữ uo nhu huong thì chỉ cần zấu chữ u thôi, chữ ieu, ien, yeu, yen, uon không cần zấu ^, chữ uu thayvì uu, thế chữ d cho chữ d, chữ f cho ph, chữ j thay cho gi, chữ z cho chữ d, chữ ng thay vì ngh, nhu chữ ngiã.
“Nếu zùng chữ viet mới này chúngta tietkiem duọc 10% jây mực và thờijờ thì nhân lên cho tổng số 80.000.000 triệu nguòi sẽ là con số tietkiẹm dángkể. Jảsử mỗi ngày mỗi nguòi tietkiẹm 6 fut cả viet lẫn dọc, toàn zân tietkiẹm 8.000.000 jờ, mỗi nam X 300 = 2.400.000.000 jờ, mỗi jờ trị já 1$ US thì trịjá tietkiẹm mỗi nam là 2.400.000.000$ US, 10 nam tietkiẹm 24 tỉ mỹkim, một thêkỷ sau là 240 tỉ mỹkim trịjá thìjờ, thậtra còn cao hon muc dó vì lợiituc của nguòi VN trong tuonglai chac chắn sẽ cao hon 1$ US/jờ và zân số sẽ tang lên trên muc 100.000.000. Nếu chịukhó tính thêm giấy, mực, diacứng của máy computer thì chac sẽ nhièu hon. Tôi xin fep trìnhbày rât mong quí vị gop ý.
“Tâtcả cac ngônngữ dều thaydổi theo thờijan. Thízụ tiéng Anh, nếu sosánh tiéng Anh của Chaucer, Shakespere và tiéng Anh hiẹnnay ta sẽ thấy sự thaydổi của ngônngữ trong chỉ vài tram nam qua. Rieng tiéng Anh zùng ở Anh, Bac Mỹ và Uc cung dang khacnhau về vanfạm và ngữvựng. Tiéng Viẹt của Viẹtkièu cung khac nguòi trong nuóc, mièn Bắc khac với Trung và Nam. Vì khi một zântộc cùng ngônngữ tachrời, họ sẽ thaydổi ngônngữ theo thờijan, dầutien là ngữdiẹu, xong dến ngữvựng và vanfạm zo ảnhhuỏng ngônngữ dịafuong hoặc theo sự tiénhoá tựnhien. Cung cókhi vềsau họ không hiểu nhau nữa...”.
Một trường hợp khắc. Trong một tác-phẩm, một tác giả còn đề nghị nhiều thay đổi:
“Dùng “f” thau “ph”, “j” thay “gi”, “z” thay “d”, “d” thay “đ”, “q” thay “qu”, bỏ “h” sau “g (gen: ghen); ng (nge: nghe)”, bỏ hết những vần ngược có “y” (dùng vần ngược có i), “iê” bất biến, không còn “yê” nữa, hậu quả là “y” không còn đứng đầu và giữa chữ nữa. Nếu theo tác giả nầy, không còn yết, yêu mà là iết, iêu, tương tự, sẽ là truiền thuiết (truyền thuyết), xuít xoa (xuýt xoa), huýt còi (huít còi). Tuy nhiên, tác giả không đề cập đến chữ “giặt gỵa”, nếu cải cách sẽ thành “giặt giạ”, chừng đó sẽ có nghĩa gì? Ngoài ra, còn nhiều vấn đề liên-quan đến ngôn-ngữ được tác giả đề cập đến trong tác phẩm nầy”. (Đoạn trích của ông Tân Việt Ngô Văn Tân).
Đọc phần “ý kiến” nầy, chúng ta thấy có rất quá nhiều điều mới lạ lại không theo nguyên-tắc thống-nhất nào cả. Chúng ta chưa bàn đến việc đúng sai, hợp lý hay không, có đi ngược lại tập quán chăng nhưng chắc chắn sẽ gây lắm phiền phức. Ngoài việc ai viết nấy biết, vì chắc gì người đọc có đủ (hay ngang hàng) trình-độ với người viết để hiểu câu nói bình thường huống hồ những câu nói bóng nói gió hay áp dụng cách “chơi chữ”.
Ngoài ra, còn gặp rắc rối trong thi pháp (cho thơ: số chữ, vần, điệu), trong nhạc lý và nhất là các lập-trình cho máy computer để viết tiếng Việt. Điển hình, chữ “nghĩa”, nếu bình thường, khi đánh máy (type) dấu ngã sẽ “tự động nhảy” trên đầu chữ “i”, nếu viết theo ý ông Tân (ngiã), máy sẽ không biết nhảy vào đâu? Tiết kiệm thì giờ đâu không thấy, trước mắt thấy tốn nhiều thì giờ hơn để sửa lại. Điều chắc chắn lá rất khó viết thảo chương cho máy computer khi bỏ dấu cho kiểu chữ nầy vì “bộ nhớ” của máy không thể đi ra ngoài nguyên-tắc đã viết có sẵn mà phải đồng nhất, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, theo thời gian, biết đâu có một “đỉnh cao trí-tuệ”, “nhà thông-thái” thực tài nào đó làm được vì trong khoa học, thiên-văn, y-khoa,...hai chữ “biết đâu” được dùng rất nhiều, và thường xảy ra.
Nói đến chuyện sửa chữ, nếu bỏ qua hành động của các “đỉnh cao trí-tuệ”, bọn “tiến sĩ chuyên tu”, thạc sĩ “tại chức”… cũng là điều thiếu sót. Khi đã chiếm trọn đất nước Việt Nam, ngoài việc áp đặt một thể chế chính-trị phi nhân, tàn độc, một chế độ đã bị loài người vứt bỏ ngay ở đất nước đã sinh ra nó, Hà Nội còn áp đặt một chế độ giáo-dục sặc mùi giáo điều, nhồi sọ, sắt máu. Riêng việc dùng các từ-ngữ không thôi cũng phải tốn nhiều giấy mực mới nói hết. Họ chủ trương “xóa bỏ tàn-tích chế-độ cũ” trong đó có chữ viết bằng những biện luận không thực.
Một trong các ngụy biện là họ cho là chữ miền Nam dùng quá nhiều “từ” Hán-Việt, thế nhưng họ lại đi vào ngay “cái lỗi” mà họ đã gán: họ dùng “lính thủy đánh bộ” thay cho “thủy quân lục chiến”, trong đó, không biết chữ “thủy” có phải là chữ Hán Việt hay không, hỡi các “đỉnh cao trí tuệ loài người”?
Ngoài ra, phải chăng họ cố tình dùng sai nghĩa của từ ngữ, ví dụ: “Đồng chí X sẽ xây dựng với đồng-chí gái Y và đồng chí Y sẽ quản lý đời đồng chí X”; hay “trúng thưởng xổ số” (trúng xổ số thì không thể dùng thưởng, thưởng khi nào làm việc gì đúng, việc hay... mới được thưởng), “trúng tuyển nghĩa vụ quân sự”, “hôm nay trời có khả năng mưa” (câu này, 2 xướng ngôn viên đài truyền thanh T.T. & T.S. tại San Jose, California thường dùng, cùng nhiều từ-ngữ kiểu “trờ ơi đất hỡi” như vậy vì cả hai đều được ăn cơm Việt Cộng nhiều năm trước khi sang Mỹ nên máu bị "thấm nọc độc" của VC nhiều), “bản thân ông X, bản thân tôi...”. Báo Nhân dân có thời vận động sửa lại một số chữ mà họ cho là “miền Nam dùng sai”.
Một trong số các đề nghi là chữ “Cảng” trong "phi cảng", "hải cảng". Họ lý luận: “cảng” là “bến”, mà “bến” thì phải có “sông”, sông thì phải có “nước” [người viết cảm thấy hơi... giống giai thoại cách giải nghĩa chữ “ngọa sơn”: "ngọa" là nằm, nằm phải ngủ, ngủ phải ngáy; "sơn" là núi, núi phải có đèo; rồi :nói lái" hai chữ cuối thành ra nghĩa của chữ “ngọa sơn”]; do vậy, phải đổi những chữ “phi cảng”, “xa cảng”... vì các nơi nầy không có nước. Trước những đề nghị, vận động... để sửa đổi nầy nhưng đâu vẫn vào đó, nhất là dân miền Nam họ đã quen rồi (chẳng hạn 4 chữ “con ông cháu cha” người miền Nam đã dùng quen rồi, nếu sửa lại theo như Việt Cộng đề nghị, “con cha cháu ông”, nghe nó sao sao đó, khi nghe, sẽ “thấy” cái mùi Vẹm bay ra).
Thế rồi Bộ Giáo Dục Hà-Nội, trong một quyết-định ký ngày 5-4-1984 ban hành lệnh thay “Y” thành “I”, theo lối “độc tài” cố hữu của chế-độ đang bạo trị đất nước VN; giống như lệnh: “Trong các giao-dịch thương-mại hay quảng-cáo, muốn dùng chữ “thành-phố Sài-Gòn” phải xin phép chính phủ”, được ban hành vào năm 2002 nhằm cưỡng-bách dân chúng phải dùng tên “thành phố mang tên xác người” tuy rằng họ biết Leningrad ở Nga đã được trả trở về tên cũ là Saint Petersburg của nó đã lâu. Một chế độ chính trị phải dùng “pháp chế” để cưỡng bách dân chúng trong lãnh vực ngôn-ngữ như thế đủ cho thấy chế độ đó ra sao rồi!
Một tác giả thuộc hạng "đỉnh cao trí tuệ" viết trên báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật xuất-bản tại Sài Gòn năm 1990 đề nghị dấu hỏi, dấu ngã “nhập chung làm một cho tiện, hỏi ngã gì cũng được”. Thử nghĩ khi đó, chữ nghĩa sẽ ra sao với những chữ giống nhau chỉ khác dấu, dĩ nhiên nghĩa cũng trái ngược? Đề nghị nầy không khác gì anh chàng ngọng, nói vần “N” cũng như vần “L”, câu “lão lính lệ leo lên lầu lấy lưỡi lê lắp lại lâu ly lắm” thành “não nính nệ neo nên nầu nấy nưỡi nê nắp nại nâu ny nắm”. Nếu không tinh ý, sẽ không hiểu anh ta nói thứ gì. Quả đúng là thứ “đỉnh cao trí tuệ” có khác!
Một trường hợp đáng đề cập khác, trong cuốn “100 năm phát triển tiếng Việt” của Phụng Nghi (nxb. Văn Nghệ 1999, VN) dành một chương bàn chuyện nên hay không nên bỏ một trong hai dấu hỏi hay ngã, với 3 khuynh hướng được đề nghị: “một là chỉ dùng một dấu mà thôi áp-dụng trên toàn quốc, hai là dùng một dấu mà thôi áp dụng riêng cho miền Nam và ba là giữ nguyên như trước nay". Thời gian qua đi nhưng chưa thấy có gì biến chuyển, chắc đề nghị vẫn còn là đề nghị. Người dân chỉ sợ các “đỉnh cao trí tuệ” Hà Nội ra quyết định bắt mọi người phải theo, một thời gian sau thấy sai rồi bắt sửa lại, như “Chính sách sửa sai” của họ trước nay: "Sai thì sửa, sửa lại sai, sai lại sửa, sửa vẫn sai, sai tiếp tục sửa", thì có lẽ tiếng Việt đến hồi... mạt vận!
Liên quan đến ngôn-ngữ, tưởng cũng nên nói qua về cách dùng chữ của người Cộng sản "xã nghĩa". Từ ngữ “bác”, dường như họ chỉ dành riêng cho ông Hồ (sau này có ông Tôn được “ké” vào) mà thôi. Ngoài những ai cùng phe cánh, các nước, “đồng chí”... của họ ra, họ gọi đối phương là “thằng” ráo trọi: “thằng địa chủ, thằng phú nông, thằng Mỹ, thằng Anh, thằng ngụy, thằng Nixon, thằng Kennedy, thằng Diệm, thằng Thiệu, thằng Kỳ...”. Vì vậy, trong vụ đấu tố địa chủ tại miền Bắc, có người “xấu miệng” (biết đâu là sự thật) nói rằng ngay cả cha ruột của mình mà khi đem ra đấu tố, Trường Chinh còn gọi “thằng địa chủ ác-ôn kia”. Chẳng thế, tại sao có câu:
Nước tôi có Đặng Xuân Khu
Đâm chết “thằng chú” bỏ tù “thằng cha”.
Đặng Xuân Khu là tên cha mẹ đặt khi sinh, bí danh là Trường Chinh, một cán bộ nòng cốt của Việt Cộng, đã đem cha mẹ mình ra “đấu tố” đến chết để “làm gương” cho cả nươc noi theo, [hay là “tạo niềm tin để tiến thân” trong Đảng Cộng-sản]. Dù thật hay chăng, một chế độ tạo ra con người “mất dạy” như vậy, đủ thấy nó ra sao rồi.
Tại miền Nam Việt Nam trước 30-4-1975, từ một chú nhân-dân tự-vệ, một anh lính nghĩa quân đến cả những người có thân nhân bị Cộng sản sát hại, chưa thấy ai gọi ông Hồ là “thằng” bao giờ tuy rằng ông ta là một tội đồ của dân-tộc. Sau ngày 30-4-1975, những tên cán bộ Cộng sản nuôi chó (nuôi cho lớn để ăn thịt?) đặt tên chó là “chó Thiệu", "chó Kỳ"..., việc nầy tưởng không cần nói nhiều, có hay không, ai nấy tự hỏi rồi tự hiểu.
Ngoài ra, quân đội một nước khác tham chiến trong một quốc gia nào đó, nếu thuộc “phe ta” thì họ gọi làm "nghĩa vụ quốc tế” hay “chí nguyện quân”, ngược lại, họ gọi “bọn lính đánh thuê”, “bọn xâm-lược”. Ngôn từ Cộng sản, nếu bàn đến, có lẽ sẽ thành “chuyện xe cán chó, chó cán xe” nếu nói biết chừng nào cho hết.
Gần đây, có một tên khoa bảng họ Bùi của xứ “tốc cối” thuộc "giòng họ nhà sản", người có cái “bản mặt” giống Mao Xếnh Xáng, con cháu của nòi đại Hán(g), một tiến sĩ “tại chức” hay là “chuyên tu” gì gì đó của chế độ Vẹm cộng đã đề nghị sửa đổi tiếng Việt theo kiểu “Ma ze in Pác Pó” hay :Made in Ngộ tả Nị", đã bị phản đối dữ dội. Không cần bàn đến vì chuyện đó ai nấy đều biết, chỉ có điều ngạc nhiên là tại sao chế độ Việt cộng lại chỉ “giáo dục” ra những hạng người như tên Bùi Hiền; hay Nguyễn Thị Tâm, giảng viên trường Đại học Sư phạm Thái Bình và một giáo sư khác đồng nghiệp đồng trường mà không biết “Tự Lực Văn đoàn” là gì? Mới đây, câu hỏi "Quang Trung – Nguyễn Huệ là gì của nhau?" đã làm xôn xao dư luận.
Một video phỏng vấn/trả lời câu hỏi “Quang Trung, Nguyễn Huệ liên hệ gì với nhau?”, các thanh niên nói giọng Bắc trả lời đã gây thất vọng đến độ chán chường trước lối dạy lịch sử của chế độ Việt Cộng đối với những ai quan tâm đến lịch sử đất nước, tại địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?v=kXWHki7UPzA. Điều nguy hiểm hơn, trong một clip video khác, cùng ý của câu hỏi như trên, các học sinh thiếu nhi được phỏng vấn đã trả lời còn “tệ” hơn: Một cháu trả lời là “con học trường Nguyễn Du mà Nguyễn Du chính là Quang Trung”, một cháu khác nói là “Quang Trung đại phá quan Thanh trên sông Bạch Đằng” (sự thật, lịch sử Việt Nam chính thống chép là Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938),… tại địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?v=_PhCGJPjHow. Từ những câu trả lời nầy cho chúng ta thấy “quan điểm trọng tâm” của nền giáo dục Việt Cộng là không muốn dạy sự thật về lịch sử Việt Nam cho các “mầm non” của dân tộc, một nền giáo dục đáng nguyền rủa.
“Đỉnh cao trí tuệ”, “Phó Giáo sư, Tiến sĩ”, “chuyên tu, tại chức”, “bản sắc dân tộc”,… đúng là một mớ ngôn từ của Việt Cộng sặc mùi xú uế nên họ đã đưa xã hội VN đi vào thảm họa.
3. LỜI KẾT:
Đối với các đề nghị, những ý kiến hay các quyết định đã đưa ra như trên, thiển nghĩ cần phải có những biện pháp thật chính-xác, hợp lý, phải xem xét từng khía-cạnh và nhất là theo chủ-trương chung, phải thống-nhất trước khi đem thi-hành. Chẳng hạn việc đề xướng bỏ dấu hỏi mà chỉ dùng dấu ngã, nhiều người nghĩ chắc khó có thể chấp nhận được. Trong Việt ngữ, có rất nhiều chữ giống nhau chỉ khác dấu, chữ dấu hỏi sẽ có nghĩa khác với chữ mang dấu ngã, đôi khi có nghĩa trái ngược nhau, người nghe làm sao biết viết chữ nào, người đọc làm sao biết được nghĩa nào. Chữ nghĩa phải minh-bạch mới tránh việc ai viết nấy hiểu ai nói nấy nghe, tránh cảnh lời văn thiếu trong sáng, ý nghĩa không rõ ràng, đoạn văn thiếu vẻ thẩm-mỹ, làm cho tiếng Việt không những không đi đến phát triển hơn mà còn làm thêm rắc-rối, tối nghĩa, tạo nên nhiều hiểu lầm nguy-hiểm.
Cải cách là việc sửa đổi cái cũ không hợp lý thành cái mới đáp ứng với nhu-cầu hợp lý. Nếu trong cái cách lại “đẻ” ra những rắc-rối mới thì không nên. Nếu bỏ “đ” mà viết thành “d”, trong cách viết ta có thể chấp-nhận nhưng khi đọc, lại đọc lên âm “đ”, có phải “lạ” hay không? Ngoài ra, chữ “d” biến thành “gi” (“dễ dàng” sẽ thành “giễ giàng”) lại tạo thêm một “cánh rừng rậm mới” (như lời một nhà phê bình) trong chữ Việt. Và theo ý kiến ông Đặng Trần Huân sau đây đáng cho chúng ta suy ngẫm:
“Để kết luận vấn đề ngôn ngữ, chúng tôi thiết nghĩ tiếng Việt hiện nay đã sử dụng được trong bậc đại học, đã có những thuật ngữ diễn đạt được những vấn đề chuyên môn, khó khăn mà không gặp trở ngại nên có thể tự hào về ngôn ngữ hiện tại. Công việc cần của chúng ta là bảo tồn ngôn ngữ ấy sao cho tiếp tục trong sáng mà đừng chế ra những cải cách lai căng làm vẩn đục tiếng Việt như Hà Nội đã làm. Việc thay đổi chỉ nên thực hiện khi thật sự cần thiết cho việc diễn đạt tư tưởng, hay cải đổi những phi lý rõ rệt mà không nên quá dễ dãi để a dua, mô phỏng nhất thời ngôn ngữ nước ngoài với mục đích làm duyên khiến cho mất sự đơn giản nhưng phong phú và uyển chuyển của tiếng Việt chúng ta”.
Như vậy, việc sửa đổi, cải cách tiếng Việt không phải là chuyện dễ dàng như người ta tưởng, hay những người không có thực tài (cỡ VC Bùi Hiền). Thống nhất ý kiến trên căn bản hợp lý theo sau mọi bàn-bạc, thảo-luận, trao đổi cho việc sửa đổi chữ Việt là điều cần thiết, trước khi đem ra áp dụng là việc làm không phải một sớm một chiều hay do một vài cá-nhân làm mà là cả một công-trình to lớn và lâu dài. Có như vậy, việc cải-cách chữ Việt mới mang lại kết quả hữu-ích, hợp lý cho mọi người để làm giàu thêm kho tàng ngôn ngữ Việt.
Chúng ta vẫn phải chờ xem!
Lê Chánh Thiêm
Tháng 2-2002, có sửa đổi.
Bài nầy đăng lần đầu vào lúc: 03:26:09 AM, Sep 13, 2006.
* * *
Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem bài trên trang Văn học, click tại đây
Xem bài trên trang Biên khảo, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com