Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 03, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
“QUYỀN LỰC KHÔNG GIAN”, CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA HOA KỲ.
LÊ CHÁNH THIÊM

 

1. Dẫn nhập:

Trong mấy chục năm qua, Hoa Kỳ chuyển hướng nhằm thực thi một chiến lược mới. Từ khi thế chiến thứ hai kết thúc, vào lúc cuộc chiến tranh lạnh vẫn còn tiếp diễn, nhất là sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp-ước chống Hỏa tiễn đạn đạo và cấm Vũ khí Không gian của Liên Hiệp quốc đề ra, Mỹ đã dốc toàn tâm toàn lực vào việc theo đuổi sách lược mới được Bộ Quốc Phòng và chính-phủ Mỹ cân nhắc kỹ. Nhìn qua những công trình nghiên-sứu, nhiều thí-nghiệm công-phu, rất tốn kém về thời gian và tiền bạc, với một đội ngũ chuyên-viên thượng thặng, nhiều khả-năng...; trong suốt thời-gian qua, chúng ta thấy rõ ý đồ nếu cần một cuộc tấn công toàn cầu khi hữu sự, Mỹ phải dựa vào chiến-lược “chiếm lĩnh không gian”, sách lược mà chính quyền Mỹ xem là cần thiết và hiệu quả nếu họ thực thi được.

Trong phạm vi bài nầy, chúng ta chỉ tìm hiểu qua vài chiến-thuật, chiến-lược và các hoạt động của Hoa Kỳ cũng như một số quốc gia khác trong tham vọng “chinh phục không-gian” trong tương lai mà họ đã dày công nghiên cứu để thực hiện.

2. Tham vọng chiếm lĩnh không gian.

Khi đã đạt được những tiến bộ đáng kể trên mặt đất, con người lại đưa mắt nhìn vào không gian với ước mơ chinh phục vũ-trụ. Trong thời gian cận đại, nhìn lại cuộc chiến trạnh lạnh, ngoài Hoa Kỳ ra, để chống lại với Mỹ, chính phủ Nga đã dốc toàn lực trong cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, trong đó có các chương trình thám hiểm để rồi đưa người vào không gian làm kinh-tế kiệt-quệ đến độ phải phá sản chế độ. Người ta không hiểu chủ nghĩa Cộng sản cho rằng muốn lên “thiên-đường Cộng-sản” cần phải có chương trình không-gian nhưng khi họ thấy “thiên-đường” quá xa vời nên bỏ cuộc hay muốn “chôn vùi” Mỹ (như tuyên-bố của Khruvchev) phải chinh phục không gian?! Về phía Hoa Kỳ, viễn kiến về không gian đến với các chuyên viên Mỹ ngay từ những năm giữa của thập kỷ trước khi họ nghiên-cứu để chế ra các chiếc U-2 mà mãi đến nay vẫn còn được xử dụng. Họ hiểu lợi thế và tầm quan-trọng của không gian rất cần cho các hoạt động, nhất là về quân-sự và kinh tế, trong thời bình cũng như thời chiến.

Trung Tá Martin France, một trong những chuyên viên ưu tú trong Không lực Mỹ, là giới chức “Phụ trách Các vấn-đề thuộc Không-gian” của Không quân Mỹ cho biết ý kiến về sách lược tiến vào không-gian như sau:


-“Quyền lực không gian không phải là khái-niệm độc nhất hay được phân biệt, cũng không là một “chiến lược không gian” mà là một trong những yếu tố cấu thành “chiến lược an ninh quốc gia”.

Ngoài việc phụ trách bộ phận Kế-hoạch và Tác chiến trong Bộ Chỉ Huy Không Gian thuộc Không lực Mỹ, ông Martin France còn làm việc trong Trung-Tâm Phân-Tích Khả-Năng Tác-Chiến Hỗn-Hợp của Bộ Quốc Phòng Mỹ. Ông cho biết thêm:


-“...Một nước nay một nhóm nước lên được không gian và sử dụng nó có lợi cho mình đều có một quyền-lực nào đó”.

Và cũng theo ông:
 

-“Với Hoa Kỳ, quyền lực không gian là một thực tế bởi vì sức mạnh trong không gian nếu đạt đến một mức độ nào đó, sẽ cho phép Mỹ sử dụng sức mạnh đó trên mọi lãnh vực, sẽ tác-động vào tất cả các sự kiện thông qua hệ thống vệ-tinh trong vũ-trụ”.

Nước Nga cũng đã sớm đi vào chương trình không gian và đã có những thành công chừng mực đáng kể nào đó. Họ cũng đã ý thức được thế thượng phong khi làm bá chủ bầu trời nên đã đưa vào không gian những phi thuyền thám hiểm vũ trụ, từ không người lái đến súc vật và sau đó chở các phi hành gia. Tuy nhiên, chương trình nầy đã đốt cháy ngân quỹ nước Nga đến độ kiệt quệ. Sau khi chính quyền Cộng sản sụp đổ vào năm 1991, Nga bị Mỹ qua mặt trong các hoạt động thám hiểm không gian. Người Nga cảm thấy là một thiệt thòi lớn vì không còn các hoạt động để có thể phần nào kiểm soát được không gian.

 

Trong năm 2003, Alexander Yakovenko, một viên chức quan trọng trong chính quyền Nga cho biết Nga sẽ thúc đẩy một hiệp ước mới tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) về việc “cấm phát triển vũ-khí và các thiết-bị trong không-gian”. Còn giám đốc Cơ-quan Vũ-Trụ của Nga là Yuri Koptev lên tiếng tố cáo “Mỹ đang quân sự hóa không-gian”. Quả là miệng lưỡi của Cộng sản có khác! Trong cuộc chiến tranh lạnh, họ thường chỉ trích Mỹ với tội danh “chạy đua vũ trang” mà không đề cập đến họ vì trong bất cứ cuộc đua nào phải có từ hai trở lên.

 

 

Máy bay trinh sát tấn công không người lái tàng hình UCAV X-47B

vừa cất cánh từ 1 hàng không mẫu hạm Mỹ


3. Chạy đua vào không gian.

Sau thế chiến thứ 2, khối Cộng sản do Nga sô dẫn đầu bành trướng thế lực với âm mưu xích-hóa thế giới. Về phía khối Tự do, dẫn đầu là Mỹ và Tây Âu cũng gia tăng ảnh hưởng đối với các nước kém phát triển. Cuộc đối đầu rất quyết liệt, dữ dội. Trước hết là cuộc chạy đua về quân sự với các loại vũ khí cổ điển rồi đến vũ-khí hạt nhân. Các loại vũ khí luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng khai hỏa, bố trí ở những vị thế thuận lợi nhất (như Nga đặt tại lãnh thổ Cuba, sát nách Mỹ). Kế đến là cuộc chạy đua vào không gian với hai siêu cường, bên nào cũng quyết tâm trở thành quốc gia đầu tiên đưa người vào vũ trụ. Tuy lúc đó phía Xô viết dẫn đầu trong công cuộc thám hiểm không gian nhưng vào ngày 25/05/1961, Tổng thống John Kennedy tuyên bố tại Đại học Rice University ở Houston, Texas rằng “Mỹ sẽ bằng mọi nỗ lực đưa người lên Mặt trăng vào cuối thập niên”. Lời tuyên bố này tuy có sớm nhưng đã đi vào lịch sử của ngành khoa học thám hiểm không gian thế giới. Lời của T.T. Kennedy xác nhận cam kết của Hoa Kỳ trong nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng, và điều đó đã thành sự thật sau này mà ông không được nhìn thấy. Tổng Thống Kennedy nói:


-“Chúng ta chọn lựa thám hiểm mặt trăng trong thập kỷ này và làm nhiều việc khác, không phải vì chúng dễ dàng, mà bởi vì chúng rất khó khăn và đầy thử thách”.

 

Trong hai thập niên 60, 70 chương trình không gian dường như chỉ là cuộc đua song mã giữa Mỹ và Nga, về sau thêm khối châu Âu và gần đây Trung Cộng nhảy vào để phá vỡ thế tam mã. Vào lúc đầu, cuộc đua chỉ bằng những phi thuyền không người lái rồi chở súc vật để rồi sau đó đưa con người lên không gian. Gần đây, Liên hiệp châu Âu đang thí nghiệm hệ thống vệ tinh mang tên Galileo. Theo họ tuyên-bố, với mục đích phi quân sự để chuẩn bị đưa vào không gian.

Nhật Bản phóng phi thuyền Hayabusa vào tháng 5-2003 thám hiểm tiểu hành tinh Itokawa. Nhật lấy tên cố Tiến sĩ Nhật là Hideo Itokawa, người tiên phong trong chương trình không gian của Nhật đặt cho tiểu hành tinh nầy. Cơ quan không gian Nhật (JASA) cho biết Hayabusa được phóng vào tháng 5/2003 với kinh phí 100 triệu đôla, sẽ bắt đầu cuộc hành trình trở về Trái đất vào đầu tháng 12-05, sẽ hạ cánh ở vùng sa mạc Australia vào tháng 6/2007.

Malaysia cũng đã phóng một vệ tinh viễn thông trên đất Mỹ (nhờ giàn phóng và tiếp liệu của Mỹ), Israel, Úc, Ấn-độ... cũng có những phi thuyền, vệ tinh bay trong quỹ đạo trái đất nhưng chuyên về kinh-tế, phục vụ thương mãi (cho các công ty hay các nước kém mở mang thuê) như liên-lạc viễn thông, tiếp vận,... mà chưa đặt nặng vào phục vụ cho quân sự.

Cũng trong chương trình thám hiểm không gian, chúng ta biết, vào ngày 20-7-1969, phi thuyền Appolo 11 chở theo ba phi hành gia Mỹ: Neil Armstrong, Buzz Aldrin, Michael Collins bay đến mặt trăng và Neil Armstrong, người trưởng toán thám hiểm đã để lại dấu chân loài người lại trên vùng đất mang tên Biển yên tĩnh (Sea of Tranquility) của hành tinh nầy.

Theo James Oberg, nhà phân tích về Không gian của NBC News cho biết từ ngày đó đến tháng 12-1972, NASA đã 9 lần đưa các toán phi hành gia thám hiểm thêm về Mặt trăng với lời tuyên bố “We'll back” (chúng ta sẽ trở lại) và “nửa đường trở lại Mặt trăng (halfway back to the moon). Tuy nhiên, vài năm sau đó, kế hoạch thám hiểm Mặt trăng bị bỏ dỡ mà chính phủ Mỹ không đưa ra bất cứ lý do gì. Mãi đến ngày 14-01-2004, trong lần thăm viếng Tổng Hành dinh của NASA, Tổng Thống George W. Bush tuyên bố “nước Mỹ sẽ trở lại chương trình thám hiểm Mặt trăng trong thời gian tới”.

Một nguồn tin không chính thức cho hay: một nhân viên của Bộ Quốc phòng Mỹ không tiết lộ danh tánh nói rằng:

 

-“Tổng Thống Bush xác định khi người Mỹ đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng và cắm quốc kỳ Mỹ trên đó cũng là lúc chủ quyền của Mỹ được xác lập ở Mặt trăng!”.

 

Nguồn tin nầy còn cho biết, kế hoạch có tên “Chiến dịch tự do tầm cao” (Operation Soaring Liberty), một kế hoạch tuyệt mật của Mỹ đã được các chiến-thuật-gia đặt ra mà đến lúc nầy chưa công bố. Theo kế hoạch nầy, Mỹ sẽ lập một căn cứ trên Mặt trăng và đưa khoảng từ 1200 đến 1500 người lên đó. Mỹ cho rằng nếu công bố Mặt Trăng là của Mỹ vào lúc nầy thì sẽ phải chịu sự phản đối kịch liệt của các nước nên cần giữ bí mật. Khi quân Mỹ đã hiện diện trên Mặt Trăng, chừng đó, cả thế giới sẽ chẳng làm gì được. Kế hoạch đổ bộ Mặt trăng không phải có từ vị đương kim Tổng Thống Mỹ mà đã được đặt ra từ các vị tiền nhiệm nhưng do tình hình thế giới có nhiều biến động mà Mỹ cần giải quyết trước nên đình hoãn kế hoạch chinh phục vũ-trụ.

Cũng theo nguồn tin vừa nói, cả Hải và Không quân Hoa Kỳ đang được huấn luyện trong một khoá đặc biệt của NASA, chuẩn bị cho cuộc đổ bộ quân Mỹ lên Mặt Trăng. Ngoài ra, nguồn tin cho biết một tổ hợp sản xuất công nghiệp quốc phòng Mỹ đang chế tạo hàng trăm động cơ giống tàu vũ trụ con thoi.

Theo các cố vấn của Tổng thống Bush, kế hoạch này có những thuận lợi sau:


- Quân đội Mỹ sẽ không gặp phải sự phản kháng nào vì Mặt Trăng là một vùng đất hoang vắng không có người ở.


- Mọi hành động sẽ dễ dàng hơn vì Mặt Trăng gần với Trái Đất.


- Nguồn dầu mỏ khổng lồ được NASA phát hiện trên Mặt Trăng sẽ đáp ứng được nhu cầu năng lượng của Mỹ trong 100 năm tới, điều nầy đã được Tờ Newsweek của đăng vào ngày 15-4-2005.

Về phần NASA, họ cũng tuyên bố “sẽ đưa người trở lại Mặt trăng vào năm 2020”. Ông Michael Griffin, Giám đốc NASA cho hay NASA sẽ thiết kế một kiểu hỏa tiễn mới dựa theo kiểu các loại Apollo cũ (ngưng hoạt động vào năm 2010) nhưng có nhiều cải tiến, sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2012. Ông nói:


-“Chúng tôi sẽ trở lại Mặt trăng không muộn hơn 2020 và mở rộng sự hiện diện của con người trong và khắp ngoài thái dương-hệ”.

Theo dự trù, trong chuyến đổ bộ Mặt trăng kế tiếp, các phi-hành-gia sẽ ở lâu hơn 1 tuần trên Mặt trăng để có đủ thời gian thi hành nhiều nhiệm vụ cấp bách mà NASA đề ra.

Ông Michael cho biết:


“...thiết bị mang tên Crew Exploration Vehicle (CEV) sẽ cho phép các phi-hành-gia (PHG) ở lâu hơn trên Mặt trăng”. CEV gồm một tàu mang hình dáng con nhộng (capsule) gọi là “tàu con” chứa phi hành đoàn từ 4 đến 6 người, và một tàu lớn gọi là “tàu mẹ” có gắn động cơ hỏa tiễn, thùng nhiên liệu, và tàu đổ bộ mặt trăng.

Ông còn nói thêm:


-“Việc trở lại Mặt trăng sẽ chứng tỏ con người có thể tồn tại trên một thế giới khác. Nó cũng thúc đẩy niềm tin rằng các nhà du hành có thể tiến xa hơn vào không trung và ở lại lâu hơn”.

Theo ước tính của NASA, chi phí cho chuyến bay trở lại Mặt trăng nầy vào khoảng 104 tỷ USD, một số tiền không nhỏ.

Qua những lời tuyên bố vừa nói, tuy NASA không nói rõ nhưng người ta biết mục đích đưa người trở lại Mặt trăng lần nầy để làm bàn đạp tiến lên Hỏa tinh. Người ta đoán rằng Mỹ sẽ dùng Mặt trăng làm căn cứ bán vĩnh viễn để chinh phục vũ trụ trong mai hậu vì mọi kế hoạch của Mỹ thường được tính trước.

Theo chương trình, NASA dự tính sẽ dùng một hỏa tiễn để phóng phi thuyền hạ cánh xuống Mặt trăng và một bệ phóng. Khoan hạ cánh và bệ phóng nằm phía đầu của hỏa tiễn. Hỏa tiễn gồm một bình nhiên liệu ngoài và 2 động cơ có thể mang đến 125 tấn hàng lên quỹ đạo, có thể ở trên quỹ đạo 30 ngày để đợi chiếc CEV chở các phi hành gia, sẽ được phóng bằng một hỏa tiễn. Khi đang bay trong quỹ đạo, CEV sẽ ghép nối với phi thuyền hạ cánh Mặt trăng và bệ phóng rồi bay tới Mặt trăng.

Sau khi phóng 3 ngày, các phi hành gia sẽ vào phi thuyền hạ cánh để chiếc CEV đợi họ trên quỹ đạo Mặt trăng. Theo dự trù, sau 7 ngày thám hiểm ở trên Mặt trăng, phi hành gia sẽ rời nơi đó bằng phi thuyền, sau đó sẽ ghép với CEV để trở về trái đất. Khi về gần khí quyển trái đất, chỉ còn khoang phi hành đoàn hạ cánh bằng dù xuống địa cầu còn các phần khác bỏ lại trong không gian. NASA dự trù sẽ dùng khoang nầy trong 10 lần phóng sau đó với các cải thiện nhỏ để tiết kiệm ngân quỹ.

Theo các nhà khoa học Mỹ do ông ben Bussey thuộc Phòng Thí-nghiệm Vật-lý Ứng-dụng thuộc trường Đại học Johns Hopkins tiên đoán, các núi và miệng hố ở hai cực của Mặt trăng luôn có ánh sáng mặt trời chiếu vào, là nơi lý tưởng để con người lập căn cứ. Khi phân tích các hình ảnh do phi thuyền Clementine chụp suốt ngày khi bay quanh, họ thấy miệng hố Peary rộng khoảng 73 km2 được chiếu sáng suốt ngày trong mùa Hè năm 1994 và có thể nhiều ngày trong năm (1 ngày trên mặt trăng = 28 ngày của trái đất). Nếu dùng năng lượng mặt trời, đây sẽ là vị trí lý tưởng. Ngoài ra, nhiệt độ ở đấy ấm hơn các chỗ khác, chỉ ở khoảng -50 độ C, còn ở các vùng khác, nhiệt độ từ -100 độ C đến -180 độ C.

 

Ta biết trục quả đất nghiêng 23 độ so với mặt phẳng quỹ-đạo quanh mặt trời nên không nơi nào trên trái đất luôn luôn có ánh mặt trời. Cực của Trái đất khi nghiêng về phía mặt trời thì có nắng suốt 24 giờ nhưng khi nghiêng về phía kia thì là tối đen suốt 24 giờ. Cực của Mặt trăng thì có ánh sáng mặt trời, ở nơi đó sẽ thấy mặt trời luôn ở đường chân trời song không bao giờ lặn. Tuy nhiên, những hình ảnh do Clementine chụp lúc đó là mùa Hè khi cực Bắc của mặt trăng chỉ nghiêng rất ít (1,5 độ) so với mặt trời. Để chắc chắn nơi nầy sẽ được chiếu sáng quanh năm hay không, các khoa học gia Mỹ sẽ phóng phi-thuyền Chandrayaan-1 vào năm 2007 để chụp ảnh nơi nầy vào mùa Đông. Chừng đó, NASA mới có những quyết định đúng đắn.

Sau Mặt trăng, mục tiêu của Mỹ là đổ bộ Hỏa tinh. Thời gian qua và những năm tới là thời gian chuẩn bị để các khoa học gia gởi người lên Hỏa tinh. Các giới chức có thẩm quyền về chương trình Không gian cũng như chính phủ Mỹ đến nay chưa đưa ra bất cứ tuyên bố chính thức nào nhưng người ta “đánh hơi” được điều nầy qua các thí nghiệm tốn kém về những vấn đề liên quan đến Hỏa tinh. Và mọi người đều hiểu rằng mục đích đổ bộ Mặt trăng và Hỏa tinh của Mỹ không ngoài chủ đề mà chúng ta đã đề cập đến bởi vì chiếm lĩnh được không gian mới thực thi được sức mạnh quân sự để hỗ-trợ cho sức mạnh kinh-tế của Mỹ theo quan điểm:

 

-“Kinh tế cả thế giới cùng tiến lên theo sau sự phát-triển của kinh tế Hoa kỳ”.

Tiện đây, cũng nên biết thêm vài chuyện liên quan đến Mặt trăng.

Chuyện thứ nhất là mối nghi ngờ về việc đổ bộ Mặt trăng của Hoa Kỳ vào thập niên 60. Chuyến đổ bộ của phi-thuyền Apollo 11 của Mỹ được truyền hình đi trên toàn thế giới. Thế nhưng mới đây, trên một website của Nga cho rằng là “trò giả tạo”: “đó chỉ là những thước phim, là sản phẩm của điện ảnh Mỹ ở Hollywood”. Website này đưa ra những hình ảnh của cuộc đổ bộ mà họ cho rằng Hollywood dàn dựng với những diễn viên của điện ảnh Mỹ thực hiện để “cứu lấy danh dự và quốc thể cho đất nước (nguyên lời website) theo lệnh của TT Mỹ Nixon”.

Trên trang web nầy, người ta đọc được vô số nghi ngờ dựa vào các hình ảnh hiện trên truyền hình thuở đó về cuộc đổ bộ. Nhiều nghi vấn được phát sinh từ các góc cạnh của các bức hình để rồi đi đến kết luận: “giả tạo”. Trong chương trình truyền hình có tên “Phía bên kia của Mặt trăng” (Dark Side of the Moon), một đài truyền hình đưa ra những hình ảnh mà họ cho là giả tạo cùng với những lời giải thích, theo họ nghĩ, “dựa theo các hình ảnh thực về cuộc đổ bộ của phi thuyền Apollo 11”.

Ngoài trang Web trên ra, trong nhiều năm qua còn có nhiều dư luận đồn đại rằng những lần hạ cánh của tàu Apollo trên Mặt trăng là giả mạo, được Mỹ dựng lên nhằm thuyết phục thế giới rằng Mỹ đã qua mặt Nga-Sô trong cuộc chạy đua vào vũ trụ. Theo họ, có sự sắp xếp trong những bức ảnh hạ cánh của các con tàu Apollo: các lá cờ tung bay trên bề mặt Mặt trăng (trong khi Mặt trăng không hề có bầu khí quyển); bóng của các vật thể nằm không đúng hướng với phương chiếu của ánh sáng; trên bầu trời không thấy ánh sao; và sự không thống nhất trong số lượng thiết bị được thả xuống Mặt trăng. Những người này cho rằng 6 lần hạ cánh của các con tàu Apollo kỳ thực là cảnh bố trí ở một nhà chứa máy bay tại một vài căn cứ quân sự bí mật của Mỹ.

Nỗi nghi ngờ của họ càng tăng lên khi vào tháng 9-2004, tại một khách sạn ở Beverly Hills, Nam California, ông Buzz Aldrin, 72 tuổi, người thứ hai đặt chân lên mặt trăng, đã giận dữ rồi thoi vào mặt một người khi người này cật vấn rồi yêu cầu Aldrin thề rằng ông đã thực sự bước chân xuống mặt trăng.

Sau nhiều năm im lặng, nay NASA đã quyết định xuất bản một cuốn sách theo đề nghị của ông Roger Launius, một cựu giám đốc của NASA, nhằm hóa giải mối nghi ngờ này. Ông Launius giải thích rằng những lá cờ bay được là do các nhà du hành đã xoay cán cờ khi họ cắm nó lên mặt trăng, còn bầu trời tối đen là do ánh sáng rực rỡ của khu vực hạ cánh và ánh sáng từ mặt đất chiếu tới, đã át đi ánh sáng của các ngôi sao, để trả lời những nghi vấn nêu ra cũng như đánh tan các dư luận trên.

Chuyện thứ nhì là “đề nghị phá hủy Mặt trăng” của người Nga. Chúng ta biết rằng Mặt trăng ảnh hưởng rất nhiều đến Trái đất. Ảnh hưởng của thủy triều, sự phản chiếu ánh sáng Mặt trời để có trăng sáng về đêm, ảnh hưởng của nó tạo ra thời tiết của trái đất, Mặt trăng tác động rất nhiều đến sinh hoạt của muôn vật... Một nhóm 5 nhà khoa học Nga - đứng đầu là nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Pheledrop Kaluin - đưa kiến nghị lên chính phủ Nga đề nghị phá hủy Mặt trăng, đã làm nhiều người sững sốt. Năm nhà khoa học Nga nầy cho rằng đó là “quyết định đứng đắn” qua những công trình nghiên cứu của họ. Theo họ, Nga nằm ở Bắc bán cầu nên nhiệt độ thấp, nước đóng băng, ảnh hưởng xấu đến nông nghiệp, sản xuất. Sau khi nghiên cứu kỹ đề tài “Ảnh hưởng của Mặt trăng với Trái đất”, nhóm người nầy cho rằng:

 

-“Muốn làm thay đổi tình trạng nước Nga và các nước khác, muốn tránh tai họa cho Trái đất, muốn biến Trái đất thành thiên đường (sic), phải tiêu hủy Mặt trăng vì Mặt trăng chỉ gây ra những nguyên nhân xấu mà thôi”.

Họ còn nói thêm:

 

-“Với những người có kiến thức vật lý thiên thể, Mặt trăng là một gông xiềng quàng vào cổ Trái đất, làm cho vận tốc Trái đất chậm lại. Mặt trăng gây ra góc nghiêng với trục quay Trái đất với mặt phẳng xích đạo, làm nên hiện tượng thủy triều”.

Pheledrop Kaluin cho biết khi Mặt trăng bị phá hủy, Trái đất sẽ không còn nạn đói, không còn thiên tai. Vì lực hút của Mặt trăng với Trái đất rất lớn làm cho chuyển động quay của trái đất thay đổi, điều này làm biến đổi khí hậu. Theo họ:


-“Khi không còn Mặt trăng, góc nghiêng của mặt xích đạo và mặt hoàng đạo của Trái đất không còn, do đó sẽ không còn 4 mùa khác nhau, các miền sẽ trở nên ấm áp quanh năm, sẽ là mùa Xuân vĩnh cữu, trái đất sẽ là thiên đường”.

Có lẽ họ họ đã bỏ cuộc khi đi tìm “thiên đường Cộng sản” nên muốn nước Nga của họ là thiên đường mới chăng? Họ còn lạc quan: “sa mạc sẽ biến thành thảm cỏ xanh, nông nghiệp thuận lợi, ruộng lúa xanh tươi, không còn thiên tai, không còn những bệnh hoạn liên quan đến mặt trăng như bệnh nhồi máu cơ tim v.v...” (sic).

Thật ra, ý tưởng nầy không có gì mới lạ mà đã có ngay từ năm 1950 tại Mỹ khi giáo sư Toán Alexandro Antouni của Đại học Idaho đưa ý tưởng tương tự như vậy ra trước công luận. Trong một bài báo, sau khi phân tích các điểm lợi hại do Mặt trăng gây ra, giáo sư Antouni cho biết quan điểm của mình:


-“Hiện nay, tôi chưa dự đoán được khi nào con người sẽ tiêu hủy Mặt trăng nhưng điều này tôi nghĩ sẽ không tránh khỏi bởi điều này sẽ mang lại hạnh-phúc vĩnh-hằng cho địa cầu”.

Tờ New York Times cho hay, sau khi bài báo trên loan ra, chính phủ Mỹ thành lập ngay một ủy ban nghiên cứu tính khả thi của ý kiến nầy dưới sự lãnh đạo của nhà bác học Lionad Reginal. Sau những đánh giá kỹ lưỡng hơn, nhóm nầy cho biết kỹ thuật vào lúc đó chưa thể làm được và họ thấy vào lúc đó chưa cần thiết vì tác hại nếu có chưa đến nỗi trầm trọng.

Trở lại đề nghi của nhóm Pheledrop Kaluin, họ cho rằng:

 

-“Kế hoạch nầy có thể thực thi được nhưng vấn đề đặt ra là hiện loài người - nhất là Nga và Mỹ - có thực tâm và đồng ý thực thi hay không bởi việc phá hủy sẽ không khó nếu dùng vũ khí hạt nhân”.

Cũng theo họ, phá hủy Mặt trăng bằng phương thức như sau:

 

-“Dùng hỏa tiễn vũ trụ mang 60 triệu tấn bom hạt nhân lên Mặt trăng và cho nổ. Hiện số bom đó có sẵn trong các kho của Nga và Mỹ, thừa sức làm điều đó”.

 

Có lẽ người Cộng sản Nga cho rằng họ không giàu mạnh, chưa lên "thiên đường Cộng sản được bởi trở ngại chính là "mặt trăng" nên họ muốn hủy diệt nó. Quả là điều hoang tưởng.


Nhiều câu hỏi được đặt ra cho ý tưởng nầy là khi cho nổ Mặt trăng, sức công phá của 60 triệu tấn bom hạt nhân ảnh hưởng với trái đất như thế nào? Con người đã chuẩn bị một cuộc sống khi không còn mặt trăng nữa chưa? Các phản ứng phụ ảnh hưởng tới sinh thái của trái đất ra sao? Và còn biết bao điều chưa lường tới, bao câu hỏi chưa biết để đặt ra v.v..., tất cả là những câu hỏi chưa có lời giải. Vậy có nên phá hủy Mặt trăng hay không, chưa ai dám cả quyết.

Thứ ba là chuyện bán...trăng. Đọc đến đây, độc giả chớ cho là “nói chuyện Tề Thiên” hay nói chuyện “chơi ngông” như cụ Tú của ta ngày xưa: “Khi túng toan lên bán cả trời, Trời rằng thằng bé nó hay chơi” trong văn chương Việt hoặc theo lời ca trong một khúc hát của Trần Thiện Thanh: “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho; Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ...” mà là chuyện rao bán đất trên mặt trăng của tổ-chức ảo có tên là “Công ty Công-nghệ và Khoa học Vũ-trụ Mặt trăng Bắc Kinh”. Quả đầu óc của mấy “chú ba” siêu-quần về hài-hước thật! Sau cuộc chiến năm 1979 tại biên giới Việt Hoa, các chú đã được các đồng chí ở Hà-Nội gán cho hỗn-danh “Bọn bành-trướng bá quyền Bắc Kinh” khi mà “môi hở, răng lạnh”. Nhưng rồi hơn 20 năm sau, các chú đã được các “đồng chí” ở Bắc Bộ Phủ cắt đất dâng biển để “triều cống”, các chú vẫn chưa thỏa lòng, gio thi đòi bán luôn cả... trăng.

Một người quen của người viết cư ngụ ở Antioch, California nói rằng: theo ông, “Ai nói Cộng sản Hà Nội cắt đất dâng biển cho Trung Cộng là phản quốc, là tội đồ của dân tộc” là sai lầm. Việc tập đoàn CS Hà Nội cắt đất dâng biển cho bọn giặc phương Bắc vì vùng đất, vùng biển chúng dâng hiến cho bọn giặc “quan thầy” đâu phải là của “tổ-quốc”, của “dân-tộc” của bọn chúng. Tổ quốc của chúng là “chủ nghĩa Cộng sản”, dân tộc của chúng là “thế giới đại đồng”, tổ tiên của chúng là Karl Mark, là Lenin, là Mao, là những tên Cộng sản đồ tể khát máu. Khi nắm quyền cai trị, chúng tự cho có “quyền” làm bất cứ điều gì để củng cố quyền lực. Tổ quốc, lãnh thổ Việt Nam là do tổ tiên của dân Việt để lại, là của mọi người dân Việt không Cộng sản; chúng không phải là dân Việt, chúng đâu đếm xỉa đến việc tồn vong của lãnh thổ nên mặc cho bao người phỉ nhổ, căm hờn vì tội mãi quốc cầu vinh, bọn chúng vẫn cứ tai giả điếc, mắt làm ngơ.

Trở lại việc công ty bán trăng nói trên, họ xưng là “đại diện” của “Đại sứ quán Mặt trăng ở Trung Quốc” (1). Trên một website, họ rao bán đất trên mặt trăng với giá $37 USD/ 1 mẫu. Lời mở đầu quảng-cáo như sau:


“A great gift for friends and family or for future investment opportunity. This is the real thing, not fake!!” [một món quà tuyệt vời cho bạn bè và gia đình hay cơ hội đầu tư trong tương-lai. Đây là một chuyện thật, không phải chuyện tưởng tượng (lừa gạt)].

Nhiều điều khoản về mua, bán được họ công bố cho khách hàng biết. Họ còn cho hay, sau khi mua xong, người mua sẽ được cấp một “Giấy chứng nhận” và có “quyền” sử dụng đất trên bề mặt của Mặt trăng và các khoáng-sản sâu 3km trong lòng đất. Giám đốc Li Lie của “Đại sứ quán Mặt trăng” nầy cho biết “sau 3 ngày mở cửa, họ đã bán được 20 mẫu cho 34 khách hàng”. Ai biết có thật hay không. Quả là chuyện thiên...lôi của mấy tay thiên...tướng.

Chuyện cuối, về vấn đề trở lại thám hiểm Mặt trăng, một câu hỏi được đưa ra để thăm dò dư-luận công-chúng Mỹ. Được phổ biến bởi một Viện thăm dò tư nhân, câu hỏi:

 

-“Bạn nghĩ thế nào về ngân sách hàng tỷ Đô-la mà chính phủ (Mỹ) dành cho chương trình đưa người trở lại Mặt trăng?”,

 

với kết quả như sau:


1/ Mọi việc cứ nên tiến hành (65%),
2/ Ý kiến hay nhưng chưa phải là lúc này (8%),
3/ Hãy để cho công ty tư nhân thực hiện (10%),
4/ Ý kiến xấu, sẽ phí phạm tiền bạc (14%),
5/ Không có ý kiến gì (2%).

Từ thăm dò trên cho thấy đa số dân chúng Mỹ muốn các chuyến “du hành nguyệt điện” được tiếp nối.
 

Cũng cần biết thêm, việc đổ bộ Mặt trăng vào thập kỷ 60, theo quan điểm của người Mỹ vào lúc đó, là “phát minh quan trọng nhất” của Mỹ, thứ hai là chiếc váy ngắn “củn cởn” (miniskirt) và phong trào đốt cờ Mỹ, là hai sản phẩm “đáng kể” của phong trào phản chiến, những kẻ làm tay sai cho bọn hoạt đầu chính trị, đã gây ra không biết bao di hại cho nước Mỹ không những vào lúc đó mà còn để lại bao vết thương cho đến nay.

4. Mục tiêu tiến vào không gian.

Các cường quốc muốn tiến hành các phương thức để chinh phục không gian vì những mục tiêu then chốt, quan trọng của quốc gia họ. Các nhà lãnh đạo ý thức rằng quốc gia nào chiếm ưu thế về không gian sẽ chiếm thượng phong trong nhiều lãnh vực. Tiến sĩ Alexis Bautzmann, giám đốc Défense et Sécurité International, cố vấn nhóm Strategies, nhà nghiên-cứu hòa bình và chiến lược của Pháp nhận xét:
 

-“...Không gian là một biên-giới mới của chính sách quốc phòng toàn cầu của Mỹ”.

Tạp chí Diplomatic của Pháp cho biết:


-“Mối quan tâm chinh-phục vũ-trụ thể hiện rất rõ trong hệ tư-tưởng tập thể qua ý muốn thiết lập một trật tự mới trong không gian trên cơ sở chấp nhận những giá-trị kiến-tạo của Mỹ về dân chủ và kinh tế thị trường là nguyên nhân hàng đầu của Mỹ để chinh phục vũ-trụ”.

Quả vậy. Qua các nhận xét cũng như những chiến lược, dấu hiệu gần đây của Mỹ được củng-cố do những biến-cố mới xảy ra trong 2 cuộc chiến gần đây nhất cho thấy những ý kiến trên hoàn toàn có cơ sở: Hoa-Kỳ muốn làm bá chủ không gian. Việc chinh phục không gian với các mục-đích chính sau đây:

a. Về kinh tế:

Theo các nhà chuyên môn thông thạo, hoạt động trong không gian là nguồn thu nhập rất lớn. Theo dự đoán, từ nay đến năm 2010 sẽ có đến 2.000 vệ tinh bay trong vũ-trụ so với 600 chiếc hiện nay, trong đó hơn một nửa là của Mỹ. Mỗi chiếc vệ tinh là một món hàng đắt tiền. Hiện tại và trong tương lai, không chỉ các quốc gia tiến bộ mà các nước đang phát triển cũng cần vệ tinh cung-ứng cho nhiều nhu cầu của họ. Ngày nay, mọi hoạt động của các ngành công nghiệp phát triển đều cần hay nhờ vào các vệ tinh mới có thể phát huy hết khả năng. Nếu quốc gia họ không thể sáng chế phi thuyền thì phải thuê của nước khác hay chế được phi thuyền, vệ tinh nhưng không đủ tài chánh để làm ra những giàn phóng thì phải thuê của nước ngoài. Tuy nhiên, các nước nghèo thì bao giờ cũng chậm phát triển nên sản phẩm của họ hoạt động kém hiệu quả hơn.

Theo dự trù, từ nay đến năm 2010, Mỹ sẽ đầu-tư từ 500 đến 600 tỷ USD cho chương trình này. Cũng theo tiên đoán, từ nay đến năm 2020, công nghệ không gian sẽ đóng góp từ 15% đến 20% vào Tổng sản lượng quốc gia (Gross National Product, GNP) của Hoa Kỳ (nên nhớ GPN khác với GDP: Tổng sản lượng quốc nội, Gross Domestic Product) (2).

Theo nhận xét của nhiều giới chuyên môn, nếu Mỹ chinh phục được vũ trụ sẽ khống-chế được mọi ngành kinh tế và sẽ áp đặt được những tiêu-chuẩn kinh tế mới theo quan điểm của Mỹ nhằm khóa chặt thị trường thế giới. Đó còn là điều bí mật.

Các quốc gia khác cũng đánh mùi vào món lợi khổng lồ nầy. Ngoài Nga ra, Trung Cộng cũng đã vào cuộc với các phi thuyền mang tên Thần Châu. Thần Châu 1 được phóng lên không trung, đã hạ cánh ở vùng Nội Mông ngày 21/11/1999; Thần Châu 2 rời Trung Tâm phóng vũ trụ Cửu Tuyền ngày 10/1/2001 bay vào không gian; Thần Châu 3 được phóng lên và hạ cánh ở miền Trung vùng Nội Mông ngày 1/4/2002; Thần Châu 4 được phóng ngày 30/12/2002, hạ cánh ở vùng Nội Mông ngày 5/1/2003; Thần Châu 5, là phi thuyền đầu có người lái, được phóng tại Trung tâm Phóng vệ tinh Cửu Tuyền ngày 15/10/2003, hạ cánh ngày 16/10/2003 tại bãi đáp ở Khu tự trị Nội Mông. Ngày 12-10-2005, hỏa tiễn Trường Chinh 2F đã rời Trung tâm phóng vệ tinh Cửu Tuyền, mang Thần Châu 6 vào không gian, bay quanh trái đất cùng hai phi hành gia Phí Tuấn Long (Fei Junlong) và Nhiếp Thắng Hải (Nie Haisheng). Chuyến bay có vài trục trặc như bị lệch đường bay dự trù do sức hút của quả đất và trước khi chạm đất phi thuyền bị lệch hướng vì sức hút của địa cầu, phải hạ cánh bằng dù cách xa điểm đáp.

Tưởng cũng cần biết thêm về chương trình Thần Châu. Theo lời Chủ tịch Quốc hội TC Ngô Bang Quốc, “Sự thành công của phi vụ này sẽ cải thiện vị thế của Trung quốc (TQ) trên trường quốc tế, gia tăng tiềm lực quốc gia và giúp huy động sức mạnh dân chúng để xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (ĐCS)”, rõ ràng là họ thực hiện chương trình thiên về mục đích chính trị hơn. Còn ông Đường Hiền Minh, giám đốc “Chương trình Phi vụ Không gian có người lái” cho biết:

 

-“Chuyến bay thành công của phi thuyền Thần Châu 6 là một thành quả huy hoàng, nâng cao nhiệt tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc, gia tăng tình đoàn kết quốc gia, khích động lòng đam mê khoa học của người dân và vực dậy sức mạnh tổng thể của TQ”.

 

Ông còn cho hay:

 

-“Chính phủ ở Bắc kinh đã chi tiêu 100 triệu Đô la cho phi vụ này”.

 

Quả là món tiền lớn so với Trung Cộng!

Là quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng có một điều ít được ai biết đến là TC là nước có số người nghèo đông hàng thứ nhì thế giới tuy rằng TC cũng là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong hơn một thập niên qua. Ngoài ra, TC còn là con nợ lớn nhất của Ngân hàng Thế giới (NHTG) và tất cả các khoản nợ của họ đều là những khoản tín dụng được gọi là “nợ cứng”, có nghĩa là phải hoàn trả toàn bộ khoản tiền đã vay cộng tiền lời, không được miễn giảm dù bất cứ lý do gì.

Một điều trớ trêu là mới đây, Chủ tịch NHTG Paul Wolfowitz nói rằng NHTG cần phải tiếp tục cung cấp viện trợ phát triển cho TC vì đây là quốc gia có số người nghèo đông hàng thứ nhì thế giới. Ông lên tiếng bênh vực cho việc làm của NHTG khi bị một số quan sát viên quốc tế chất vấn. Nhiều người nêu nghi vấn mà không ai giải đáp được: 

 

-“Tại sao TC vẫn còn nhận ngoại viện trong lúc họ dành riêng hàng tỉ đô la cho chương trình không gian?”.

Không riêng người nước ngoài đưa ra những lời chỉ trích mà chính người dân TC cũng có nhiều ta thán về cung cách điều hành việc nước của giới lãnh đạo Bắc kinh. Họ đã tỏ ý bất mãn trước những tuyên bố “đao to búa lớn” của chính phủ TC về những thành quả đạt được trong lãnh vực thám hiểm không gian. Chẳng hạn một ông họ Hoàng ở Thượng Hải, khi ông ta trả lời phỏng vấn của phóng viên ngoại quốc hỏi ý kiến của thường dân TC về việc phóng phi thuyền, cho rằng:

 

-“Giả như TQ là nước có nền kinh tế phát triển, đời sống dân chúng được ấm no, thì phóng phi thuyền là một việc tốt; đàng này TQ hiện nay vẫn còn lạc hậu nghèo đói mà làm như thế thì quả là hoang đường”.

Một người khác ở tỉnh Cát Lâm thì cho biết:


-“Phi thuyền lên trời, nhân quyền xuống đất! Tôi là người từng trải qua thời kỳ TQ phóng vệ tinh lên quĩ đạo hồi thập niên 1970 và đã nghe đi nghe lại bài Đông Phương Hồng nhiều lần. Nhưng lần này tôi không hề chia xẻ sự phấn khởi của chính phủ. Điều mà dân chúng quan tâm hiện nay là gì? Họ quan tâm tới vấn đề không đủ tiền đóng học phí, không đủ tiền chữa bệnh, tìm không ra việc làm, gặp mọi thứ khó khăn, bất công, mà không thể khiếu nại với chính quyền trung ương, những người hoạt động bảo vệ dân quyền bị trù dập đàn áp, thông tin bị bưng bít. Vì thế cho nên tôi nói rằng phi thuyền lên trời, nhân quyền xuống đất”.

Một người họ Triệu ở tỉnh Sơn Đông cho rằng:

 

-“Điều quan trọng hơn cả ở TQ hiện nay là làm thế nào để mọi người đủ ăn đủ mặc” và “Các cơ quan truyền thông nhà nước đã tận lực tuyên truyền cho phi vụ của phi thuyền Thần Châu 6 và điều này cho thấy họ muốn dùng một cực đoan này để che đậy cho một cực đoan khác, dùng tiến bộ khoa học để che đậy tình trạng nghèo túng của người dân”.

 

Ông Triệu còn nói thêm:

 

-“Ở TQ hiện nay số người thiếu ăn thiếu mặc vẫn còn rất đông, và chính phủ có ra sức tuyên truyền cách mấy đi nữa thì cũng vô ích, chính phủ vẫn không thu phục được lòng dân!”.

 

Một người dân họ Ngô ở tỉnh Triết Giang thì nói rằng: 

 

-“Chính phủ nên ngừng phóng phi thuyền để dùng số tiền này mà lo cho đời sống của người dân”., và:

 

-“Có người cho rằng chính phủ phóng phi thuyền Thần Châu để gia tăng sức mạnh quốc gia và nâng cao uy tín của Đảng Cộng sản (ĐCS) nhưng với tôi, việc này hao tổn quá nhiều tiền bạc và chính phủ nên dùng ngân khoản đó để thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội, bởi vì hiện nay trong dân chúng có nhiều người không có tiền để đi khám bệnh, không có tiền để đi học”.

Một người họ Hà ở Triết Giang thì cho rằng:

 

-“Việc phóng phi thuyền Thần Châu là một việc rất tốt. Tuy nhiên, ĐCS/TQ không thể dùng việc này để giảm bớt những mâu thuẫn ngày càng tăng trong xã hội”, và:

 

-“Nếu ĐCS/TQ muốn lợi dụng thanh thế của tiến bộ trong lãnh vực thám hiểm không gian để tăng cường sự ủng hộ của quần chúng đối với đảng thì họ không thể nào đạt được mục tiêu. Lý do là vì sức mạnh do phi vụ Thần Châu mang lại quá nhỏ, không có hiệu quả gì trong việc giải quyết những mâu thuẫn chính trị xã hội quá đỗi gay gắt ở TQ hiện nay”.

Được biết tình trạng “mâu thuẫn gay gắt” trong xã hội TC hiện nay mà nước CS nầy cố tình bưng bít là lý do khiến giới lãnh đạo Bắc kinh gần đây quyết định thay đổi đường hướng phát triển. Theo tin tức báo chí của chính quyền TC cho biết:
 

-“Lý thuyết phát triển do cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình xướng xuất và được áp dụng trong hơn 20 năm qua đã mang lại những thành quả to lớn. Tuy nhiên, chủ trương gọi là “tiên phú luận” (để cho một số người và một số vùng giàu có trước) đã khiến cho xã hội TQ bị phân hóa lưỡng cực và hố chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, tạo ra nhiều bất công và mâu thuẫn cực kỳ nghiêm trọng”.

Tại kỳ họp thứ 5 của Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương khóa 16, giới lãnh đạo ĐCS/TC đã đề xướng một đường hướng mới, họ cho là công bằng hơn, gọi là “Đồng phú luận” (mọi người cùng giàu có). Ngoài ra, để thay cho cái gọi là “Kế hoạch Kinh tế ngũ niên”, hội nghị này cũng đưa ra tên gọi mới là “qui hoạch”, có tính chất trù hoạch tổng thể, linh động hơn,... để thay cho “kế hoạch ngũ niên” của chế độ “kinh tế kế hoạch hóa tập trung” trước đây của chính quyền TC.

Ngoài ra, Tàu Cộng còn mở rộng chương trình huấn luyện cũng như bỏ tiền đầu cơ vào chương trình không gian. Tân Hoa Xã cho hay TC dự tính vào năm 2017 sẽ cho phi thuyền lấy mẫu đất đá từ Mặt trăng về nghiên cứu với một kế hoạch có 3 giai đoạn. Theo ông Luan Enjie, Giám đốc chương trình nghiên cứu Mặt trăng của Tàu Cộng cho biết:


-“Nếu không có vấn đề lớn, vệ tinh không người lái của chúng tôi tới mặt trăng sẽ khởi hành năm 2007. Theo chương trình, một vệ tinh có tên Chang e-1, nặng 2 tấn, sẽ bay trong 1 năm. Giai đoạn 1, chuyến bay tạt ngang để thu thập và vẽ bản đồ 3 chiều, giai đoạn 2 sẽ đưa 1 xe tự hành lên Mặt trăng do thám (năm 2012), giai đoạn 3 (2017) sẽ gởi một thiết bị hạ cánh để lấy và mang mẫu đất đá Mặt trăng về nghiên cứu”.

Ông Luan không cho biết bao giờ TC sẽ gởi “người” lên mặt trăng song cho biết chuyến bay vào năm 2017 sẽ cung cấp dữ liệu cũng như chọn vị trí để xây dựng một căn cứ trên Mặt trăng.

Như vậy, chương trình Không gian của TC không thể hiện được sức mạnh thật sự của họ về khoa học không gian, chỉ là kế hoạch mà ĐCS/TC muốn phô trương bên ngoài để che đậy những thất bại bên trong nội bộ của đất nước họ. Trong lãnh vực chi cho các mục tiêu về quân sự, ngân khoản 90 tỷ Đô la hàng năm được chính phủ chuẩn chi nhưng theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Tào Cương Xuyên, chỉ có 30 tỷ, họ che dấu con số chính thức. Với hiện tình của một đội quân như TC, với ngân khoản như vậy, quả là con số lớn. Điều đó nói lên ý đồ hiện đại hóa quân đội của họ mà một trong các mục tiêu là tham vọng đi vào không gian và hiện nay, bành trướng thế lực trong vùng.

b. Về quân-sự.

Ngay từ cuối thế kỷ 19, người ta đã biết đến từ-ngữ “quyền lực trên biển” của Mỹ, đã giúp Mỹ kiểm soát được hầu như vòng quanh trái đất cho dù có nhiều vùng biển ở rất xa lục địa Hoa-Kỳ. Chủ thuyết này do Đô-Đốc Alfred Thayer Mahan (September 27, 1840 – December 1, 1914) của Hải Quân Mỹ đưa ra. Ngày nay, Mỹ khai sinh một chủ thuyết mới: “quyền-lực không-gian”, nhằm củng cố quyền lực, chiếm ưu thế về quân sự trên bầu trời.

 

 

Chân dung cố Đô Đốc Alfred Thayer Mohan


Trong cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan cũng như cuộc chiến tiêu diệt chế-độ đốc-tài tại Iraq, Mỹ đã gặp nhiều trở ngại. Nhiều nan đề xảy ra khi Mỹ cần xử dụng các căn-cứ của các quốc gia khác để trú quân, chuyển quân cùng tiếp vận, xử dụng đất đổ quân chuyển tiếp để tiến đánh mục tiêu... đã làm đảo lộn chiến thuật, chiến lược cũng như tạo nhiều bất đồng với các nước đồng minh, điều mà Mỹ không muốn. Để khắc phục yếu điểm nầy, Mỹ phải đặt lại vấn đề “căn cứ trên không”, điều mà họ đã nghĩ đến trước đây rất lâu, vì vậy họ đã dốc toàn lực vào xây dựng kế hoạch nầy. Theo đó, các chuyên viên Mỹ chú trọng đến việc xây dựng các vệ tinh do thám trên bầu trời, phát triển các vệ tinh nầy thành các căn cứ lúc cần khi mà họ đã xây xựng nó như một pháo đài.

 

Trước đây, trong phòng thủ, sau khi Nga phóng vệ tinh Spounik vào năm 1957, Mỹ đã có hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn Nike-Zeus và Nike-X để phòng ngừa nguy-cơ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân của khối Cộng nếu Nga sử dụng không gian vào mục đích quân sự. Sau đó, chính quyền Mỹ phát triển “hệ thống phòng thủ chiến lược”, đặt nặng việc dùng không gian để phá vỡ các cuộc tấn công. Sau khi phát giác mục tiêu, các hỏa tiễn phòng thủ của Mỹ sẽ bắn chặn, phá nổ trên không các hỏa tiễn đối phương ngay trên đường nó bay đến đất Mỹ hay các căn-cứ Mỹ hay các nước đồng minh của Mỹ hoặc các nước thành viên trong các Hiệp hội mà Mỹ có tên trong đó.

Với chương trình nầy, các vũ khí đánh chặn của Mỹ sẽ được phóng ra từ khoảng 3.000 vệ tinh bay trong quỹ đạo thấp của trái đất (gọi là hệ thống Bambi) với tổng chi phí khoảng 13,5 tỷ USD. Bởi nhiều lý do, đến năm 1964, chương trình này bị thay thế bằng “Hệ thống phòng thủ chống hệ thống đạn đạo Sentinel” rồi bằng “hệ thống SafeGuard”. Đến ngày 23-3-1983, Tổng thống Mỹ Reagan thay thế bằng chương trình “Phòng Thủ Chiến lược” (IDS), phòng thủ không gian để bảo vệ lãnh thổ Hoa-Kỳ. Đến 1993, Ngũ Giác Đài quan niệm “phải kiểm soát không gian”, và đó là mối quan tâm hàng đầu của họ mãi đến nay. Hai năm sau, Ủy ban Tư Vấn Khoa học của Quân lực Mỹ xác định mục tiêu hàng đầu vẫn là “công-nghệ mới và khoảng không” để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trong thế kỷ 21. Ủy ban nầy cho hay:


-“Kiểm soát không gian trở thành chính yếu trong 10 năm sắp tới và sau đó Mỹ phải có những vệ tinh để cung cấp những thông tin cho các lực lượng Mỹ về quân sự cùng với kinh-tế”.

Theo kế-hoạch nầy, Mỹ đồng thời chuẩn bị cho 3 chương trình:


-1/ Bảo vệ các vệ tinh Mỹ trong không gian,


-2/ Bảo vệ các hoạt động của Mỹ trong không gian và


-3/ Triệt tiêu mọi đe dọa nhằm vào không gian của đối phương.

Gần đây, chương trình IDS lại được đổi thành hệ thống “Phòng thủ Hỏa tiễn Quốc gia” (Natioal Missile Defense, NMD) với việc thành lập “Phi đoàn Kiểm soát Không gian 765” vào tháng 1-2001 với chi phí lên đến 50 tỷ USD. Chương trình nầy có nhiệm vụ thí nghiệm và chế tạo vũ khí chống vệ tinh mang tên KE-ASAT, thử nghiệm các hệ thống vũ-khí tấn công trong không gian, phát triển chương trình vệ tinh gián điệp FIA, với chi phí lên đến 25 tỷ USD trong vòng 20 năm tới.

Với hệ thống NMD, nếu muốn phóng hỏa tiễn lên phá hủy hỏa tiễn đối phương nhắm vào đất Mỹ, hỏa tiễn Mỹ phải đặt trên đất Mỹ hay các căn-cứ của Mỹ. Điều nầy bất lợi và chậm trễ, có thể không bắn kịp để phá nổ trên không trung. Nếu Mỹ có các “căn cứ trên không”, sẽ cho hỏa tiễn bắn chận hỏa tiễn địch tức khắc, vừa kịp thời và khi phá nổ, hỏa tiễn đó có thể gây thiệt hại ngay trên đất địch phóng ra, một công mà được hai việc. Điều nầy có thể làm được nếu có căn cứ trên không.

Một điều cần biết thêm, trước khi lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Donald Rumsfeld đã từng lãnh đạo 2 ủy-ban quan trọng về các vấn đề không gian quân sự của chính phủ. Ủy ban thứ nhất chuyên đánh giá mối đe dọa từ hỏa tiễn đạn đạo của địch quân, ủy ban thứ nhì có nhiệm-vụ hoạch-định kế-hoạch giúp chính phủ Mỹ tổ-chức, phát triển và bảo vệ lợi ích của Mỹ trong không gian. Trong nhiệm vụ của ủy ban thứ 2, ông Rumsfeld đã đề nghị chính phủ biến Quân lực Mỹ thành một hệ thống với khả năng ngăn chận hiệu quả trước mọi âm mưu răn-đe, tấn-công, xâm lược của đối phương. Khi xảy ra chiến-tranh, không gian sẽ giúp Mỹ chống lại mọi tấn công từ bên ngoài hay dùng không gian để tấn công đối phương một cách hữu hiệu. Trong thời bình, không gian giúp Mỹ thu thập tin tức, cảnh giới, tình báo, trinh sát để phục vụ cho mọi mục đích, nhất là nhu-cầu kinh tế. Dĩ nhiên ông còn được trợ giúp từ nhiều người.

Trong nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã đặt ra 3 mục tiêu nhằm giúp Mỹ chiếm được ưu thế về không gian, đó là:


- Lập nên những qui định quốc tế,


- Quản lý các hoạt động trong không gian, và


- Làm mọi cách để Mỹ thống lãnh không gian để kết hợp các hoạt động nhằm hoàn thành các chủ trương của chính phủ Mỹ đã hoạch định.

Quả là một nhân vật quan trọng trong sự hưng vong của Mỹ trong giai đoạn hiện nay. Bởi thế, chúng ta thấy vừa qua đã có không biết bao nhiêu thế lực chỉ trích, chống đối, nhất là các chính trị gia thuộc đảng Dân chủ và giới truyền thông vô lương tâm mệnh danh là tự-do (liberal) muốn lật đổ ông Rumsfeld khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng nhưng ông vẫn an vị trên chiếc ghế quan trọng ấy của nước Mỹ trong giai đoạn nầy. Những điều nầy được kể rõ trong cuốn “Bias: A CBS Insider Exposes How The Media Distorts The News” (Thiên kiến: Một người bên trong CBS phanh phui cách thức giới truyền-thông bóp méo tin tức) mà tác giả là ông Bernard Goldberg, một người với 28 năm làm việc trong CBS nên biết rất rõ mọi ngọn ngành, mưu toan, chủ đích của giới truyền thông thiên tả Mỹ. Người thấy được sự cần thiết để ông Rumsfeld nắm giữ chức vụ quan trọng trên không ai ngoài ông chủ Tòa Bạch ốc và dĩ nhiên có cả các “thế lực bên sau hậu trường” nước Mỹ”.

Trước khi cuộc chiến Iraq lần 2 mở màn, Không quân Mỹ phóng lên quỹ đạo một vệ tinh nặng 1 tấn trị giá 200 triệu USD để làm trạm chuyển tin cho các cấp chỉ huy từ các tổng hành dinh đến các vị chỉ huy ở mặt trận. Vệ tinh nầy hoạt động cùng với hàng chục vệ tinh nhỏ khác, cung cấp cho Liên quân những tin tức, hướng dẫn, truyền tin, tiên đoán thời tiết, cảnh giác, nhận diện mục tiêu, lượng giá thiệt hại, chụp hình trận địa, chuyển lệnh cho các phi-cơ không người lái Predator (dã thú) thám sát hay xạ kích mục tiêu trước khi tiến quân. Điều quan trọng là các vệ tinh nầy giúp cho Bộ chỉ huy có được những hình ảnh chính xác, tức thì, rõ ràng... để họ có những quyết định đúng đắn, lệnh được ban ra tức thì. Trước đây, các việc như vậy phải giải quyết bằng máy fax và các máy truyền tin cổ-lỗ-sĩ, gây ra trở ngại không ít.

Hệ thống vệ tinh đang bay trong không trung của Mỹ giúp phi-cơ của Không quân, Hải quân oanh-tạc hữu hiệu các mục tiêu, giúp bộ binh xác-định vị trí của mình một cách chính-xác để tránh hỏa lực quân bạn tác xạ lầm. Mỗi vệ tinh trong số 24 vệ tinh liên tục phát những tín-hiệu xuống đất, người dưới đất sẽ dùng phương pháp “xác định tam giác” giữa 3 vệ tinh để biết vị trí của mình rất chính xác, sai biệt nếu có sẽ rất nhỏ.

Tưởng cũng nên có một sự so sánh để biết sự hiệu nghiệm của các vệ tinh. Trong cuộc chiến Iraq năm 1991, muốn phóng một hỏa tiễn Cruise missile, radar gắn trên hỏa tiễn phải so sánh hình ảnh trận địa với một bản đồ digital đã lưu trữ để điều chỉnh đường bay, hướng đến mục tiêu. Trong cuộc chiến Iraq lần 2, hỏa tiễn Tomahawk được hướng dẫn bằng hệ thống Định vị toàn cầu GPS mà hoạt động của GPS nhờ vào các vệ tinh. Trong khi bay, hỏa tiễn có thể nhận được tín hiệu từ nhiều vệ tinh khác giúp nó điều chỉnh đường bay hay cho biết mục tiêu đã thay đổi để nó tự tìm đến theo dữ liệu nó nhận được.

Ngoài ra, các vệ tinh rất cần thiết cho loại bom thông minh (smart bomb) gọi là JDAM (The Joint Direct Attack Munition) của quân đội Mỹ (đã được giới thiệu trong bài trước). Với các loại bom thông thường, trong cuộc chiến vùng Vịnh 1991, các phi-cơ oanh kích của Hoa-Kỳ phải quay trở lại căn cứ mà không thể thả bom xuống trận địa bởi mây và khói từ các giếng dầu cháy bay lên bao phủ mục tiêu làm cho hệ thống hướng dẫn bằng tia laser không thể nhìn thấy. Từ trở ngại nầy, ý tưởng “cần phải chế tạo ra loại bom thông minh” của Tướng McPeak được các chuyên gia quân sự Mỹ nghiên cứu. Quả bom JDAM đầu tiên được sáng chế vào năm 1997 và được thí-nghiệm trong 2 năm liền với hơn 450 quả bom được phóng thử, đã mang lại kết quả hữu hiệu như mong muốn. JDAM được điều khiển qua vệ tinh, khắc-phục được những nhược điểm của các loại bom cũ cho dù gió mưa, giông bão, sương mù, băng tuyết hay địch quân ngụy trang mục tiêu.

Phi công Mỹ thích xử dụng loại bom JDAM hơn dùng bom định vị bằng tia laser. Ném bom định vị bằng laser, phi công phải hạ thấp độ cao để xác-định mục tiêu (tối thiểu là 5.000m cách mặt đất), sau đó chiếu luồng laser để hướng dẫn trái bom đến mục tiêu. Bay thấp rất nguy hiểm lớn, hơn nữa, tia laser có thể bị lệch đi do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác. Do vậy, trái bom có thể không trúng đích như mong muốn. Với bom JDAM, phi-công chỉ cần nhấn nút và ung dung bay trở về, chắc chắn rằng nhiệm-vụ đã hoàn thành bởi vì trái bom sẽ phối hợp với hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) tìm diệt mục tiêu. Bộ “não” của bom là một thiết bị nhận tín hiệu GPS và thi hành theo lệnh. Ngoài ra, còn có thiết-bị điều chỉnh hướng bay với các cánh trên đuôi quả bom, theo các dữ liệu về toạ độ mục-tiêu được vệ tinh cung cấp. Bom định vị bằng laser dễ đi lạc nếu có khói, sương mù, mưa gió hay bão, nhưng với tín hiệu GPS, bom JDAM hoạt động rất hữu-hiệu ngay cả trong thời tiết xấu (nên JDAM còn được gọi là bom thông minh).

Theo Đại Tướng Daniel Leaf thuộc Không Lực Mỹ, vào năm 1999 (là Đại Tá) ông chỉ huy một nhóm phản lực cơ chiến đấu tham dự một cuộc hành quân, mục tiêu là quân đội Serbia tại Kosovo. Ông cho biết như sau:


-“Khi tôi cảm thấy tin cậy các khả năng từ không gian thì tôi thay đổi phương cách mà tôi thường sử dụng cho loại phản lực cơ F16. Các phương tiện trên không gian đã giúp cho tôi hoạt động hữu hiệu hơn và ít gây ra những thiệt hại phụ. Nó cũng giúp tôi được dễ dàng hơn trong việc chỉ huy đội bay và bảo vệ các phi công của tôi. Tất cả đều là nhờ các phương tiện không gian. Đó quả là một sản phẩm có tính cách chiến thuật”.

Theo ông, các hệ thống được đặt trên không gian như GPS tỏ ra hữu hiệu trong việc phát giác các mục tiêu mà ông muốn tìm so với việc dùng phi cơ để đi tìm. Những hệ thống vệ tinh đó có thể hướng dẫn các phi cơ đến mục tiêu để ông được rảnh tay tìm kiếm các hỏa lực phòng không của địch và bảo vệ sự an toàn cho các chiến đấu cơ khác. Khi nào những thông tin của hệ thống này xác nhận mục tiêu và thực hiện đến các điều chỉnh cuối thì ông mới ra lệnh tấn công. Ông cho rằng một trong những trách nhiệm chính của ông là bảo vệ và cải tiến các hệ thống vệ tinh này để hỗ trợ, không những cho các phi công của chiến đấu cơ mà còn cho các chiến binh khác đang hoạt động trên đất hay trên biển. Quân nhân thuộc các quân binh chủng đang tham chiến đều cần các vệ tinh để có thể phát giác được địch quân, có thể thông-báo, bàn-bạc với nhau về các kế hoạch, để hỗ-trợ nhau nếu cần.

Một Tướng Không quân Mỹ không nêu tên cho biết:


-“Trong cuộc chiến ở A-Phú-Hãn, loại bom JDAM đã được cải tiến nên có thể dội bom xuống với sai lệch (nếu có) tối đa chỉ trong vòng 3 thước cách mục tiêu. Thậm chí nếu kẻ thù cố làm cho hệ thống định vị toàn cầu của vệ tinh giảm tác dụng đi, JDAM vẫn hoạt động chính xác”.

JDAM không đòi hỏi phi công phải xác định mục tiêu trước khi ném bom, máy bay được phép thả bom từ độ cao an toàn tuyệt đối (11.000 m) và thời gian phóng ngắn hơn. Trung Tá James Dunn thuộc Không Quân Mỹ nhận định:


-“Nếu như phi công phóng một hỏa tiễn tự điều khiển đường bay (cruise missile) anh ta cần phải mất đến 1 tiếng đồng hồ. Trong khi phóng một quả bom JDAM chỉ mất 10 phút”.

Các vệ tinh đã làm thay đổi toàn diện mọi phương thức, hình thái chiến tranh. Ông Bruce Berkowiyz, tác giả cuốn sách “Bộ mặt mới của chiến-tranh” (The New Face of War), cuốn sách nói về các vệ tinh quân sự và hệ thống liên-lạc, đã viết:


-“Cuộc cách mạng tin học đã thay đổi tận nền tảng bản chất của tác chiến”, ông nói thêm: “Để thắng những trận chiến trong ngày nay, trước tiên phải thắng cuộc chiến tin học”.

Như chúng ta đã biết, đa số quân Mỹ thương vong tại Iraq là do bị bom, mìn, khủng bố tự sát, tai nạn...chứ tỷ số thương vong trong chiến trận rất thấp. Kết quả nầy là do chiến thuật, chiến lược và dĩ nhiên là những tin tức thu thập được do các vệ tinh viễn thông, các phương tiện do thám được sự hỗ trợ đắc lực từ các phương tiện trên không cung cấp cho các bộ chỉ huy để thông tin cho quân sĩ thuộc các đơn vị chiến đấu nhỏ nhất biết.

c. Tìm tòi những điều chưa biết.

Với những khoản tiền chi phí to lớn, những đòi hỏi khó khăn, những thí nghiệm gian lao, câu hỏi đặt ra là “Tại sao con người thám hiểm không gian?”. Một trong các câu trả lời là “thỏa mãn óc tò mò” của loài người, vén bức màn bí mật của thiên nhiên, vươn đến những nơi bước chân con người có thể đến được. Khi bước ra ngoài không gian, con người sẽ có thêm nhận thức mới về thế giới chung quanh, hiểu được phần nào vũ trụ bao la. Và trong tham vọng thám hiểm không gian, con người sẽ thắt chặt thêm tình bằng hữu qua việc trao đổi nhau những kiến thức khoa học tìm được. Và để kết thúc câu hỏi lý do thám hiểm không gian, xin dẫn lời một nhà khoa học, kỹ sư của Lockheed Martin, ông Robert Zubrin, 48 tuổi, một cư dân thành phố Indian Springs, Colorado:


-“Điều khiến chúng ta tới đó (Hỏa tinh) chính là sự ham hiểu biết, muốn phá vỡ những giới hạn của một “thế giới tỉnh lẻ” (trái đất) để có thể đi tới thế giới bên ngoài cái chúng ta có. Toàn bộ hành trình đi tới tương lai đó đối với chúng ta hôm nay không khác cuộc hành trình của những người nông dân Châu Âu thời Trung cổ chỉ biết có làng-mạc và không hề biết đến bên ngoài những rặng tre làng là cả một thế giới rực rỡ muôn màu muôn vẻ”.

Khi được hỏi lý do thám hiểm Hỏa tinh, ông cho biết, theo ông có ba lý do, trong đó thứ nhất là mở mang kiến thức (knowledge) thứ hai, đó là sự thách thức (challenge) cho con người.

5. Các phương tiện chiến tranh mới của Hoa Kỳ.

Ngoài những phương tiện chiến tranh đã chính thức công bố ra, Mỹ đang sở hữu cũng như nghiên cứu các loại vũ khí mới. Tuy chính phủ Mỹ chưa thừa nhận nhưng những tin tức tiết lộ cho hay Mỹ đang chuẩn bị “chiến lược tấn công toàn cầu”, một chiến lược còn trong vòng bí mật, trang bị loại vũ khí tấn công và tự vệ trong không gian vô cùng lợi hại. Chiến lược nầy dùng một tàu không gian chở những vũ khí dẫn đường chính xác. Theo lời Tư-Lệnh Không quân Mỹ, Tướng Lance Lord tuyên bố tại Quốc hội Mỹ:

 

-“Kế hoạch tấn công toàn cầu có khả năng phá hủy các trung tâm chỉ huy và căn cứ hỏa tiễn ở khắp mọi nơi trên thế giới”.

Theo tài liệu cho biết, vũ khí của kế hoạch nầy có thể tấn công trong phạm vi nửa vòng trái đất chỉ trong vòng 45 phút bằng những loại vũ khí mới, vệ tinh mới, cách tấn công mới, chi phí vô cùng lớn. Tuy vậy, nếu thấy cần thiết, ngân sách Mỹ cũng có thể đáp ứng được đòi hỏi.

Sau hơn 20 năm xây dụng kế hoạch phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo tốn kém hàng trăm tỷ Đô la, trong một chừng mực nào đó đã có được thành công, ít nhất, nó cũng là tiền đề, là những thí nghiệm bổ ích cho các thành tựu sau nầy. Không lực Mỹ hiện đã có kho vũ khí chiến lược trong không gian. Theo tiết lộ, hỏa tiễn XSS-11 của Không lực Mỹ có thừa khả năng vô hiệu hóa hay tiêu diệt các vệ-tinh liên lạc, do thám của đối phương hiện diện trong không trung khi có lệnh.

Ngoài ra, loại vũ khí mang tên “Những cây gậy của Chúa” có thể tấn công mục tiêu địch với vận-tốc 11.500km/ giờ. Một loại vũ khí bí mật khác có khả năng làm phóng tia Laser ra từ các vệ tinh hay khí cầu, hướng các tia nầy đến các mục tiêu của địch trên toàn cầu qua hệ thống định vị toàn cầu GPS. Các loại vũ khí nầy rất đắt, vào khoảng từ 220 tỷ đến 1.000 tỷ USD.
 

-“Tuy đắt tiền nhưng đối với quan niệm thực tiễn của Mỹ, việc đầu tư để có được những loại vũ khí chiếm thế thượng phong như vậy không phải là điều khó thực hiện với Mỹ”, theo lời một viên chức cao cấp của Mỹ thố lộ trên một tạp chí khoa học.

Như vậy, rõ ràng là chiếm lĩnh được không gian cả là một vấn đề quan trọng, là mục tiêu hàng đầu của nhiều quốc gia, không riêng gì Hoa-Kỳ.

Ngoài ra, theo thông báo chính thức của NASA, họ vừa phóng một vệ tinh mới và tối tân nhất vào không gian, ngoài nhiệm riêng của nó, vệ tinh nầy còn giúp “hệ thống 28 vệ tinh hiện hữu” của Mỹ trên không trung hoạt động hữu-hiệu thêm. Vệ tinh nầy được phóng vào ngày 26-9-2005 bằng hỏa tiễn Boeing Delta II, trị giá 75 triệu USD. Khi vào quỹ đạo, nó sẽ tự mở các tấm pin mặt trời, mở antenna ra và khai hỏa một hỏa tiển nhỏ bên sau để đẩy nó vào quỹ đạo cuối cùng (khoảng 18.000 km) mà NASA ấn định. Trong hệ thống 28 vệ tinh tối tân nhất hiện hữu của Mỹ đang bay trong vũ-trụ, có 8 vệ tinh GPS-IIR do Lookheed Martin chế tạo, đảm-nhiệm nhiều nhiệm-vụ quan trọng, nhất là giúp quân đội Mỹ trên toàn cầu trong các hoạt động quân sự.

Loại vệ tinh nầy có nhiều nhiệm vụ bí mật, tín hiệu nó phát ra rất mạnh, hoạt động nhờ vào lấy điện năng từ mặt trời. Nó giải quyết tình trạng tắt nghẽn tín hiệu GPS trên mọi phương tiện cần tín hiệu từ đường bộ, máy bay, tàu thủy; cải thiện thêm độ chính xác của các loại vũ khí thông minh xử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS của quân đội Mỹ; giảm thiểu lỗi định-vị do lớp hạt tích-điện của khí quyển trái đất gây ra.

Theo dự trù, NASA sẽ phóng thêm 3 vệ tinh GPS-IIR tối tân hơn vào năm sau để hỗ trợ và tăng cường cho hệ thống đang hoạt động. Sau đó, cũng theo NASA, vệ tinh đầu tiên trong 12 vệ tinh của thế-hệ mới GPS-IIF (cũng do hãng Boeing chế tạo) sẽ được đưa vào không gian, nằm trong kế hoạch “chiến lược không gian” mới của Hoa Kỳ trong vòng vài năm tới.

 

 

Hệ thống vệ tinh phủ sóng trên các vùng của trái đất


Hình bên cho chúng ta thấy hệ thống vệ tinh phủ sóng lên nhau trong không trung để giúp các loại phương tiện (phi cơ, bộ binh, tàu thủy) biết chính xác vị trí địch quân, vị trí quân bạn, khoảng cách, địa hình địa vật hầu xử dụng loại vũ khí nào thích nghi cho chiến trường.

6. Chinh phục Hỏa tinh.

Từ lâu, nhân loại đã có tham vọng đi vào vũ-trụ và khi dấu chân của Amstrong in lên mặt trăng, một chương mới khác về chinh phục không gian được mở ra. Thế nhưng tham vọng của NASA không dừng ở mặt trăng mà muốn đến Hỏa tinh (Mars) và nhiều hành tinh khác kế cận quả đất. Năm 1965, chiếc Mariner 4, một loại tàu thăm dò, chụp được nhiều hình ảnh đầu tiên về Hỏa tinh khi nó bay ngang qua hành tinh nầy. Năm 1969, Mariner 6 và Mariner 7 bay qua xích đạo Hỏa tinh, chụp nhiều hình ảnh có giá trị về bề mặt và khí quyển của hành tinh nầy. Đầu năm 1971, Mariner 8 bị rơi sau khi phóng nhưng cuối năm đó NASA lại phóng Mariner 9 đã thành công khi bay quanh quỹ đạo sao Hỏa, được ban cho danh hiệu “tàu vũ trụ đầu tiên của nhân loại bay quanh Hỏa tinh”.

Ngày 20-7-1989, trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày Amstrong đặt bước chân đầu tiên xuống Mặt trăng, Tổng Thống George Herbert Walker Bush (Bush cha) tuyên bố:


-“Việc phi hành gia Hoa Kỳ đặt chân lên Hỏa tinh sẽ phải thực hiện tối đa là ba thập niên. Để những phi hành gia cũng như những nhà khoa học thực hiện sứ mạng trọng đại này, họ được chính thức tuyển mộ kể từ ngày tháng hôm nay”.

Lời tuyên bố nầy cho thấy chính sách của Mỹ đã có từ lâu và nước Mỹ thường có những chính sách, kế hoạch, mục tiêu lâu dài cho tương lai để vươn tới, trong đó có nhiều thách đố, lắm trở ngại. Thí dụ trong chương trình không gian, không biết bao nhiêu phương diện về khoa học phải phát triển đồng bộ, thống nhất; từ tài chánh đến chính quyền, như: các chương trình vật lý không gian, các nghiên cứu và chế tạo vật liệu mới cho nhu cầu, ngành toán học cao cấp, kỹ nghệ chế tạo máy móc, phi thuyền, lòng quả cảm, sự hy sinh và niềm say mê phục vụ cho khoa học.
 
Nhiều người biết 7 phi hành gia Mỹ bị vong mạng trong phi vụ Challenger nhưng không nhiều người biết có mấy trăm phi hành gia Mỹ (và người ngoại quốc muốn được vinh hạnh cống hiến cho các chương trình không gian của Mỹ) đang chờ đợi đến phiên mình được bay vào không gian và chẳng ai biết có bao nhiêu ngàn người đã ghi danh để mong được trở thành phi hành gia cho các chuyến bay vào vũ trụ mà họ không quản ngại gian khổ, kể cả cái chết. Điều đó nếu chẳng phải là niềm say mê khoa học, muốn học học hỏi những cái hay, điều mới lạ trong vũ-trụ và nhất là tinh thần dấn thân phục vụ là gì? Còn vấn đề tài chánh cũng đáng quan tâm vì đoạn đường dài hơn 70 triệu cây số, cuộc hành trình rất tốn kém, nếu không có mục đích cần thiết phải hoàn thành. 

Xin nói thêm về thảm họa phi thuyền con thoi Challenger (Space Shuttle Challenger). Vào ngày 28/01/1986, lúc 11:38 AM giờ miền Đông bộ Hoa Kỳ, phi thuyền con thoi Challenger rời khỏi bệ phóng tại mũi Canaveral, Florida sau thời gian dài ấn định giờ phóng đi liên tục bị đẩy lùi vì thời tiết và kỹ thuật. 73 giây sau khi dàn chuyên viên kỹ thuật bấm nút khai hỏa, hàng trăm người hiện diện tại bãi phóng cùng nhiều triệu người xem truyền hình trực tiếp chứng kiến thảm kịch đau đớn, bàng hoàng khi thấy chiếc tàu con thoi vỡ tan trong khói lửa. Không ai trong số bảy phi hành gia sống sót. Đặc biệt, trong phi hành đoàn Challenger có 2 người phụ nữ: bà Judith Resnik, Chuyên gia truyền giáo (Mission Specialist) và bà Sharon Christa McAuliffe, chuyên gia tải trọng (Payload Specialist) cùng 5 nam đồng nghiệp. 


Theo nhiều dữ kiện thu-thập được và những bằng chứng cho thấy, một thách thức lớn cho các nhà nghiên cứu, thám hiểm Hỏa tinh thì “giai đoạn vượt qua bầu khí quyển Hỏa tinh” để phi thuyền hạ cánh xuống hành tinh nầy chính là thử thách lớn nhất, khó khăn nhất. Ngoài ra, bề mặt Hỏa tinh luôn có những trận gió dữ dội (lên đến 650km/giờ), nhiệt độ có lúc xuống đến -140 độ C, đất đai Hỏa tinh hoàn toàn khô cằn, không có đấu hiệu của sự sống. Còn khí quyển Hỏa tinh rất mỏng, không có khả năng chống lại các lượng phóng xạ từ không gian đổ xuống như Địa cầu. Như vậy, nhiều khó khăn đang chờ đón con người nếu muốn đặt chân đến hành tinh đỏ nầy.

Tháng 7-1976, tàu Vikings 1 của Mỹ hạ cánh xuống bề mặt Hỏa tinh, cung cấp cho NASA nhiều thông tin hữu ích. Tháng 9 năm đó, Vikings 2 được phóng đi, lập được nhiều “kỳ tích” như các khoa học gia Mỹ mong đợi khi hạ cánh xuống bề mặt Hỏa tinh, tiến hành các thử nghiệm sinh hóa.

Năm 1988, Nga dốc toàn lực cho phi thuyền mang tên Phobos lên Hỏa tinh nhưng Phobos 1 mất liên lạc (đi lên luôn "thiên đường Cộng sản"!! chăng?), Phobos 2 cũng không hoạt động hữu hiệu như dự định khi Nga muốn đưa một robot tự hành đáp xuống Hỏa tinh để thí nghiệm, do bị nhiều trục trặc.

Các cuộc thám hiểm ngưng một thời gian dài mãi đến 1993 với phi thuyền Mars Observer của Mỹ nhưng phi thuyền này cũng bị mất liên lạc khi đi vào quỹ đạo Hỏa tinh. Năm 1996, Mỹ phóng phi thuyền Mars Global Surveyor với nhiệm vụ vẽ bản đồ Hỏa tinh, hoạt động đến nay, đã gởi gần 150 ngàn bức hình về trái đất. Từ tháng 9-1997 đến những thời gian sau, Mỹ thành công trong việc phóng các robot: Robot Spirit, Opportunity, Mars Pathfinder (Kẻ dò đường), những thành công mà các robot tự hành này mang lại không thể tả hết. Điểm đặc biệt là lần đầu tiên, công chúng được theo dõi hoạt động của Mars Pathfinder thông qua một website. Tháng 9-1999, NASA phóng thêm tàu Mars Climate Orbiter và tháng 12 phóng tàu Mars Polar Lander (giá 165 triệu USD) nhưng đã thất bại, một mất liên lạc và 1 mất liên lạc khi hạ cánh xuống Nam cực Hỏa tinh. Gần đây, thiết bị Global Surveyor của NASA đã gởi về bức hình chụp xác chiếc Mars Polar Lander bị rơi vừa nói.

Tháng 4-2001, NASA lại phóng chiếc Mars Odyssey với nhiệm vụ xác định cấu tạo của vỏ Hỏa tinh và nhiều nhiệm vụ khác. Thành công của nó khi vẽ được bản đồ có kích thước cực lớn, cung cấp cho NASA nhiều kiến thức mới về Hỏa tinh. Trước hai robot Spirit và Pathfinder, NASA từng nổi tiếng với chiếc xe tự hành mang tên Sojourne được gởi lên thám hiểm Hỏa tinh nhưng 2 chiếc sau hoạt động gấp 10 lần lâu hơn chiếc Sojourne. NASA cũng đã phóng một phi thuyền Mars Reconnessance Orbiter với nhiệm vụ chụp hình chi tiết về Hỏa tinh. Giám đốc dự-án là James Graf từ Phòng Thí nghiệm Jet Propulsion ở Pasadena (California) cho biết:


-“Đã đến lúc chúng ta bóc đi những vỏ củ hành và nhìn sâu vào Hỏa tinh từ những vị trí thuận lợi khác nhau”.

Phó Giám đốc phụ trách Khoa học của NASA, ông Orlando Figueroa nhận xét sau khi phóng đi chiếc Mars Reconnessance Orbiter và mọi việc êm xuôi:


-“Đến lúc nầy, có thể nói đây là một tuần tuyệt vời trong công cuộc thám hiểm vũ trụ”, và:


-”Các nhà du hành vũ trụ chúng ta trở về an toàn và Mars Reconnessance Orbiter đã an toàn trên đường đến Hỏa tinh”.

Theo chương trình, NASA sẽ phóng hai chiếc Phoenix Mars, Mars Science Laboratory vào năm 2007 và năm 2009, sẽ hạ cánh xuống Hỏa tinh dựa theo các dữ kiện thu thập được từ trước đến nay từ các chuyến thám hiểm trước.

Nhân nói đến chiếc xe tự hành của NASA nghiên cứu Hỏa tinh, tưởng cũng nên biết thêm có một người Mỹ gốc Việt Nam tỵ nạn CS đang làm việc cho NASA là ông Võ Đức Hùng. Ông Hùng là trưởng nhóm thiết kế “chương trình hoa-tiêu tự hành của JPL NASA”. Nhóm của ông đảm trách công việc thử chiếc xe Spirit Rover được NASA gởi lên sao Hỏa trước đây.

Trong cuộc nói chuyện với nhân viên đài BBC, khi được hỏi, ông cho biết một trong các mục-tiêu của Hoa Kỳ:

 

-“Là tìm xem trên Hỏa tinh có nước hay không và điều kiện trên hành tinh nầy có giúp cho việc lập các trạm khai thác của loài người trong tương lai hay không”.

 

Trước câu hỏi của một phóng viên ngoại quốc đặt ra: “Tại sao Hoa Kỳ vẫn muốn nghiên cứu và khai thác Hỏa tinh trong khi trên Trái đất vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như nạn nghèo đói, dịch bệnh,... rất cần ngân khoản”, ông Hùng đã trả lời:

 

-“Ngân quỹ dành cho nghiên cứu vũ-trụ của nước Mỹ không nhiều so với các chi phí khác”.

 

Ngoài ra, cũng theo ông:

 

-“Hoa Kỳ có quan điểm rằng không lẽ cứ phải đợi giải quyết xong các vấn đề của nhân loại thì mới chinh phục không gian, vũ trụ hay sao?”.

Các khoa học gia Mỹ có 3 dự án cho chương trình thám hiểm Hỏa tinh.

 

* Dự án thứ nhất, họ sẽ thiết lập một trạm không gian trên quỹ đạo Địa cầu để làm trạm chuyển tiếp rồi thiết lập các trạm không gian trên Mặt trăng. Từ các trạm nầy, các chuyến bay đến Hỏa tinh sẽ được thực hiện. Nếu dự án nầy thành công, con người sẽ đặt chân lên Hỏa tinh không chậm hơn năm 1935.

 

* Dự án thứ nhì mang tên Astro Cycler System, sẽ có các phi thuyền chuyên chở các vật dụng cần thiết lên các trạm không gian, sau đó sẽ lập các trạm không gian khác trong quỹ đạo của Hỏa tinh và từ đó mở các chuyến bay có người đáp xuống Hỏa tinh. Nếu kế hoạch nầy thực hiện suông sẻ, con người sẽ đặt chân lên Hỏa tinh vào khoảng năm 2025.

 

* Dự án thứ ba có tên Mars Direct Program, các khoa học gia Mỹ sẽ cho khởi hành liên tục khoảng 5 phi thuyền lớn, lần lượt từ Địa cầu đổ bộ trực tiếp xuống Hỏa tinh, trong đó sẽ có con người trên một số chuyến bay.

Dĩ nhiên cả ba dự án đều có nhiều trở ngại, lắm thử thách, nhiều gian nguy, rất tốn tiền và chỉ có dự án thứ ba là đỡ tốn kém và có nhiều khả năng thành công hơn hết nhưng lại cũng nguy hiểm hơn hết vì các nhà du hành vũ trụ không được giúp đỡ khi cần từ các trạm không gian ở gần mà phải từ trái đất.

Theo kết quả các nhà khoa học Mỹ thu lượm được, việc đổ bộ Hỏa tinh có ba trở ngại chính:

 

- Thứ nhất, là việc các phi hành gia có thể sẽ bị nhiều phản ứng sinh ra cho cơ thể con người, sẽ nhiễm phóng xạ đi đến chỗ mang bệnh ung thư.

 

- Thứ hai là sự khác biệt trọng lực giữa Trái đất và Hỏa tinh. Trọng lực Hỏa tinh chỉ bằng 83% của Địa cầu, họ chưa có câu hỏi và câu trả lời về “ảnh hưởng của cơ thể con người đối với sự khác biệt nầy”.

 

- Trở ngại thứ ba, tưởng là dễ dàng nhưng rất quan trọng, đó là việc “giải quyết” các chất cặn bã từ cơ thể của các phi hành gia thải ra. Các chất cặn bã thải ra sẽ là những độc tố rất nguy hiểm nếu nó tích tụ lại bởi cuộc hành trình kéo dài trong nhiều năm. Làm sao chuyển hóa các chất cặn bã đó thành các chất dinh dưỡng hữu ích, đó là công việc mà các nhà khoa học cần nghiên cứu nhiều, cần qua các thí nghiệm để giải quyết vấn nạn nầy.

Tưởng cũng cần biết thêm, ngoài ảnh hưởng tâm lý, sinh lý ra, trên phi thuyền, cuộc sống vô cùng khó khăn do môi trường làm việc. Biết bao vấn nạn mà các nhà nghiên cứu phải nát óc tìm tòi hầu tạo sự thích nghi tối thiểu cho phi hành gia. Ví dụ việc tắm rửa: trong không trung gặp tình trạng không trọng lượng, nếu tắm, nước không chịu chảy xuống mà bám chặt vào da nên rất khó khăn, do đó phải có loại xà phòng tắm đặc biệt. Sống trong tình trạng không trọng với trong thời gian dài sẽ các bắp thịt sẽ bị teo, sinh ra chứng loãng xương, nếu không được tắm rửa rất nguy hiểm cho cơ thể, việc tạo điều kiện tắm rửa cũng rất cần thiết.

 

Hiện nay, để thí nghiệm cho các nan đề nầy, tại một căn cứ ở tiểu bang Arizona, các nhà nghiên cứu của NASA đang thí nghiệm một môi trường tương tự như môi trường của phi thuyền trong đó có 4 người đàn ông và 4 người đàn bà chung sống và làm việc trong thời gian tối thiểu là 2 năm để tìm ra lời giải. Cũng trong việc thí nghiệm về cuộc sống trong không gian, NASA đã có nhiều thí nghiệm và đã có một số câu trả lời, tuy vậy, họ vẫn còn các thí nghiệm thêm nữa trước khi đựa người vào vũ trụ.

 

Tại Trung tâm Nghiên cứu Y học Vũ trụ ở bệnh viện Cleveland (Ohio), người tình nguyện nằm yên trên giường hoặc lơ lửng trong một bộ áo giáp trong 12 tuần để thí nghiệm về tình trạng mất xương và teo cơ, luôn luôn trong trạng thái đầu thấp hơn chân và chân không bao giờ chạm đất.

 

Nhưng tại Đại học Texas, chi nhánh ở Galveston thì có thí nghiệm khác. Cứ 5 ngày trong một tuần, mỗi ngày 20 phút, tình nguyện viên lơ lửng trong một thiết bị hay trong chiếc guồng quay thẳng đứng để tạo ra tình trạng không trọng lượng. Sau đó, các khoa học gia của NASA sẽ so sánh và đúc kết các kết quả thu được để tìm ra đáp số cho tình huống nào hợp với cơ thể con người.

Tiến sĩ Edwin Aldrin, phi hành gia thứ nhì đặt chân lên Hỏa tinh thì ủng hộ Dự án thứ nhì. Theo ông, nếu thực hiện dự án nầy sẽ đỡ tốn kém, an toàn và nhanh hơn hai dự án kia: thiết lập một trạm không gian trong quỹ đạo Trái đất và một trạm khác trong quỹ đạo Hỏa tinh, một phi thuyền chính tên là Cycler làm nhiệm vụ con thoi, chuyên chở các khoa học gia cùng các phương tiện cần thiết cho cuộc đổ bộ. Từ các trạm không gian nầy, sẽ có những phi thuyền “taxis” chuyên chở người và dụng cụ cần cho cuộc đổ bộ. Ông cũng là người cổ xúy cho chương trình Thám hiểm Hỏa tinh của chính phủ, và cũng theo ông:

 

-“Đó là công trình thám hiểm phụng sự cho quyền lợi nhân loại, cho nên nếu có sự cộng tác chung của Nga, Nhật... là điều hoàn toàn cần thiết”.

 

Tuy nhiên, ông không nêu lên vấn đề “tâm lý, sinh lý” của các phi hành gia trong các chuyến công tác nhiều năm và dài gần cả trăm triệu cây số; liệu sinh lý có tạo nên ảnh hưởng trong suốt cuộc hành trình hay không.

Về phía Nga sô, các phi thuyền Mars 2, Mars 3 cũng được phóng lên, xem là thành công khi bay quanh Hỏa tinh. Sau đó, với 4 lần phóng phi thuyền thăm dò trong 2 năm 1974, 1975 của Nga với Mars 4 và Mars 5 nhưng Mars 4 bị thất bại. Nga phóng Mars 6 với dự định hạ cánh hẵn nhưng đã nổ tung. Mars 7 của Nga cũng chịu chung số phận như Mars 6. Sau khi Sô-Viết Liên-bang trở thành Xô-Viết tan-hoang, mãi đến tháng 11-1996, Nga mới phóng chiếc Mars 96 tại Trung Tâm Vũ-trụ Baikonur (thuộc Kazakhtan) để thám hiểm Hỏa tinh. Thế nhưng Mars 96 cũng bắt chước một số “đồng chí phi thuyền” bất trị khác của Nga, không muốn “đến thiên đường”, thay vì đến Hỏa tinh, nó tìm đến Thái Bình Dương, đi tìm “đồng chí Lenin”, đã đi nghỉ mát dưới đáy biển. Từ đó đến nay, chưa thấy Nga động tịnh gì với các chương trình không gian mới mà chỉ là những tuyên bố suông ngoài việc phóng các vệ tinh thương mại nhỏ hay cho mướn giàn phóng để các quốc gia khác xử dụng như họ vừa cho Israel nhờ phóng một vệ tinh viễn thông gần đây.

Ở một số quốc gia châu Âu cũng đã có những tham vọng tiến vào vũ trụ nhưng họ chẳng làm được tích sự gì nhiều về khoa học không gian. Điển hình là Pháp, chỉ phóng một phi thuyền bay vòng quanh Hỏa tinh mà không thu thập được kết quả gì khả quan. Ngoài niềm tự hào với “nền văn chương” của nước họ và “kinh thành ánh sáng Ba-Lê” (3) cùng với việc a-dua cùng một số quốc gia khác lên tiếng phản đối kế hoạch không gian của Mỹ, ngành khoa học không gian của Pháp chẳng có gì, nếu không kể người đại diện cho các chú gà trống Gaulois đã từng “lên trời, xuống biển” qua các nhân-vật giả tưởng trong tiểu thuyết của Jules Verne thì chỉ là con số không to tướng mà thôi.

7. Lời kết

Nhìn qua các cuộc chiến tranh gần đây, bắt đầu từ chiến dịch Bão táp Sa mạc tháng 1/1991 tại vùng Vịnh, chúng ta thấy lợi thế của việc kiểm soát không gian trong chiến lược quân sự, thế thượng phong khi làm chủ được các khí tài trên bầu trời. Ngoài ra, không gian cũng là môi trường để các hoạt động thương mãi tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng. Không riêng gì các chính phủ, quân đội các quốc gia, các tập đoàn phục vụ cho quân đội v.v... phải cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh cùng các tập đoàn quốc tế dân sự, những tổ chức tư nhân trong việc phóng vệ tinh, duy trì hoạt động, bảo vệ chúng và thu thập thông tin từ các vệ tinh này, xử dụng các tin tức thu thập được. Quả là nguồn lợi vô tận khi quốc gia nào khai thác được và nhất là làm bá chủ không gian. Thời đại mới của con người đã mở ra khi sản phẩm trí tuệ được xử dụng để chinh phục vũ trụ, một điều mà chỉ cách đây vài thập kỷ, mỗi khi nói đến, người ta cho là “chuyện thiên... lôi”.

Riêng với Hoa Kỳ, chiến lược “chiếm lĩnh bầu trời” là mục-tiêu quan trọng nhất mà họ theo đuổi cho dù nhiều khó khăn hay tổn thất về nhân, tài, vật lực. Không gian sẽ giúp Hoa Kỳ chiếm thế thượng phong về quân sự để hỗ trợ cho kinh tế, song hành với chủ thuyết “bảo vệ nhân quyền” mà qua bao đời Tổng thống Mỹ cổ xúy, theo đuổi. Chúng ta hãy chờ đợi những tiến bộ vượt bậc của con người trên đường tiến vào không gian, gần nhất là đổ bộ Mặt trăng, Hỏa tinh cũng như các khám phá vũ-trụ với niềm tin tưởng đầy lạc quan.

Và nếu cuộc đua đến các hành tinh trong thái-dương-hệ giữa các cường quốc về khoa học không-gian có xảy ra trong tương lai, đó cũng là điều thú vị vậy. Chúng ta hãy chờ xem!

Lê Chánh Thiêm
San Jose, 11-2005

 (Có thêm và hiệu đính sau lần uploaded đầu tiên)
 
Tài liệu tham khảo:

- NASA - NewScientist.
- Discovery, Nature.
- Google, Ask Jeeves
- MSNBC, NY Times, CNN.
- BBC, Reuters, Washington Post
- National Geographic, Weekly World News
- Tân Hoa Xã - China Daily - China.com
- YourSITE.com - Tài liệu tổng hợp.

Chú thích:


(1) Ở Mỹ, tước vị “Ambassador of Exploration Space” (Đại sứ Thám hiểm không gian) được NASA ban cho Phi-hành gia John Young trong một buổi lễ tại Houston Museum of Natural Science để vinh danh các công lao mà ông đã cống hiến cho ngành khoa học không gian trong suốt thời gian ông miệt mài nghiên cứu.

(2) Khi đề cập đến tài sản của một nước, người ta căn cứ vào GDP và GNP của quốc gia đó nhiều hay ít so với dân số. GDP (Gross Domestic Product) là tổng sản-lượng quốc-nội: tổng giá-trị của tài sản, động sản, bất động sản, tài sản dự trữ, hàng-hóa, dịch-vụ sản-xuất trong nước. Khác với GDP là GNP (Gross National Product) là tổng sản-lượng quốc-gia: gồm tổng sản-lượng quốc-nội GDP cộng với tài sản của chính phủ, của công dân nước đó ở hải ngoại, cùng với vốn liếng, lợi-tức tích-lũy và đầu-tư, kinh doanh của dân chúng hay của chính-phủ nước đó đầu-tư, kinh doanh hoặc gởi tại các ngân-hàng ở ngoại-quốc.

(3) “Kinh thành ánh sáng Paris”: với hệ thống đèn đường dùng khí đốt đầu tiên có tại Âu Châu đầu thế kỷ thứ XIX nên thành phố Paris được gán cho mỹ danh nầy. Ngày nay, Paris thua xa nhiều thành phố khác, ngay cả hệ thống đèn đường mà nó được tiếng thơm trên. Tuy vậy, người Pháp vẫn tự hào với từ ngữ nầy như họ thường tự hào nền văn chương của họ với các văn hào nổi tiếng như Victor Hugo, Voltaire, J. J. Rousseau, Descartes, Montesquieu ... của thời văn học Pháp cực thịnh.

Hiện nay, CNP của Trung-Hoa và Úc Đại Lợi cộng lại chưa bằng CNP của tiểu bang California. Nếu như không tính GNP của California trong GNP của Mỹ, CNP của California đứng hạng thứ 8 trên thế giới. Khi đó (tách GNP của California ra khỏi Hoa Kỳ) GNP của nước Mỹ vẫn đứng hàng đầu thế giới.

Phụ chú:

1. Quan niệm chiến tranh của chuyên gia Mỹ.

Nếu có một cuộc chiến tranh toàn diện, theo ông Wohlstetter, một chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng “đối phương có thể sẽ hạ thủ trước”. Vì thế, ông chú trọng đến những phương án mà người lãnh đạo Mỹ phải dùng đến là vũ khí. Cụ thể, Wohlstetter đề nghị Mỹ có chính sách ngăn chận từng bậc (graduated deterrence): chấp nhận rằng Mỹ có thể có những chiến tranh hạn chế (limited wars).

Trong những cuộc chiến tranh này, Mỹ có thể dùng cả vũ khí nguyên tử chiến thuật (tactical nuclear arms) cùng với những vũ khí chính xác và khôn ngoan khi cần mà không cần được sự đồng ý hay hậu thuẩn của bất cứ tổ-chúc, quốc gia nào, chẳng hạn cuộc tấn công vào lãnh thổ Iraq tiêu diệt chế độ Saddam Hussein. 
 

2. Một số phi cơ cần biết của quân đội Mỹ.

 

Để thực thi tham vọng “bá chủ không gian”, Mỹ đã nghiên cứu và sản xuất nhiều loại phi cơ tối tân. Dưới đây là danh sách một số phi cơ đắt tiền tiêu biểu của quân đội Mỹ, thứ tự theo giá thành từng loại phi cơ, theo giá xuất xưởng. Các trang bị sau đó làm cho giá của nó tăng vọt. Ví dụ, F-35A giá xuất xưởng là 122 triệu nhưng giá thành khi hoạt động là 183,5 triệu một chiếc, không kể bom đạn, nhiên liệu, phụ tùng… nó mang theo khi hoạt động. Vài con số thống kê để biết sơ qua từng loại phi cơ đắt tiền nhất của quân lực Mỹ.

 

1. Oanh tạc cơ tàng hình Northrop Grumman B-2 Spirit được thiết kế bằng vật liệu chống phản hồi sóng radar cùng lớp sơn phản xạ hoàn hảo, giúp nó gần như biến mất trước những hệ thống radar phòng không cho dù tinh vi nhất thế giới. B-2 Spirit có đầy đủ các thiết bị tối tân nhất cho phi cơ, mang được hầu hết các loại bom, chưa có chiếc B-2 nào bị bắn hạ trong lịch sử chiến đấu của nó. Giá hơn 2,4 tỷ USD mỗi chiếc. Không quân Mỹ hiện có 21 chiếc đang hoạt động.

 

 

 

Northrop Grumman B-2 Spirit

 

 

B-2 Spirit đang bỏ bom xuống mục tiêu

 

2. Lockheed Martin F-22 Raptor (Chim ăn thịt), là chiến đấu cơ tàng hình, hiện nay, F-22 là máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới, dài 18,9 m, sải cánh rộng 13,6 m, cất cánh với tải trọng tối đa 25.000 kg, vận tốc 2.400 km/h với 2 động cơ phản lực, giá ban đầu 412 triệu USD.

 

 

 

3. C17A Globemaster III, là loại vận tải cơ quân sự đa nhiệm to nhất và đắt nhất của quân đội Mỹ, giá 328 triệu USD/ chiếc, có 4 động cơ phản lực rất mạnh, mỗi động cơ có công suất tương đương 1 máy bay chở khách Boeing 757, vận tốc 830 km/h, trọng tải tối đa 265.350 kg.

 

 

 

4. Máy bay chống ngầm P-8A Poseidon, giá ban đầu 290 triệu USD/ chiếc, có vận tốc 907 km/h, cao độ  12.400m; phạm vi hoạt động 2.200 km, có thể lượn sát mặt nước để tăng cường hiệu quả săn ngầm, có giá treo hỏa tiễn, ngư lôi, phao dò sonar ở dưới cánh.

 

 

 

5. Trực thăng VH-71 Kestrel (Chim cắt), vận tốc lên đến 300 km/h, bay cao 4.500m, giá 241 triệu USD/ chiếc, loại phi cơ gây tranh cãi trong kế hoạch sản xuất nó vì giá cả quá đắt đỏ, dành cho Tổng Thống Mỹ.

 

 

 

6. Chiến đấu & oanh tạc cơ đa năng F-35 Lightning II: chế tạo theo dự án “máy bay chiến đấu tấn công kết hợp” (JSF, Joint Strike Fighter), có 3 phiên bản: 1. F-35A là kiểu cất cánh và hạ cánh thông thường (CTOL - conventional takeoff and landing), trang bị cho Không lực Hoa Kỳ, 2. F-35B là phiên bản kiểu máy bay cất cánh đường bay ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL-short take-off vertical landing), và 3. F-35C dành cho hải quân, có cánh lớn hơn và gấp được, diện tích các cánh điều khiển lớn hơn nhằm giúp điều khiển dễ dàng ở tốc độ thấp, hệ thống hạ cánh chắc hơn để chịu tải trọng lớn khi hạ cánh trên hàng không mẫu hạm.

 

 

F-35 A

 

 

1 chiếc F-35B đang phóng hỏa tiễn đến mục tiêu

 

 

1 chiếc F-35C chuẩn bị hạ cánh xuống hàng không mẫu hạm

 

Vài thông số kỹ thuật về chiếc F-35 Lightning II:

 

- Tốc độ lớn nhất: 1,6 Mach (1.930 km/h; 1.200 mph)

- Tầm bay tối đa: 2.200 km (1.200 n.mi; 1.400 miles)

- Bán kính chiến đấu: 1.100 km (600 n.mi; 690 miles)

- Lực nâng của cánh: 526 kg/m² (91,4 lb/ft²)

- Đội bay: 01 người

- Sải cánh: 10,7 m (35 ft)

- Chiều dài: 15,67 m (50 ft 6 in)

- Chiều cao: 4,33 m (17 ft 4 in)

- Diện tích bề mặt cánh: 42,7 m² (459.6 ft²)

- Trọng lượng: 13.200 kg (26.000 lb) không trang bị & nhiên liệu

- Trọng lượng có tải: 22.470 kg (44.400 lb)

- Trọng lượng cất cánh lớn nhất: 31.800 kg (60.000 lb)

- Giá tiền: F-35A: 122 triệu đô la, F-35B: 150 triệu đô la, F-35C: 139,5 triệu đô la.

 

Các con số giá tiền nói trên là giá thành sản xuất, chưa tính chi phí các trang bị sau đó và vũ khí, nhiên liệu, phụ tùng v.v... Ví dụ, chiếc F-35A giá ban đầu là 122 triệu đô la, sau khi đầy đủ trang bị, có giá 183.5 triệu đô la mỗi chiếc.

 

Dự án sản xuất F-35 đã và đang gây nhiều tranh cãi vì nhiều lý do.  

 

*  *  *

 

Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Tài liệu: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh