Sáng nay vào mạng, tình cờ đọc được bài thơ “LỜI THỈNH CẦU CỦA LINH HỒN NGƯỜI VỢ” của tác giả Phạm Xuân Trường. Một bài thơ viết theo thể thơ dân tộc, lục bát rất hay và mang nhiều uẩn khúc sâu sắc, không chỉ sâu sắc về tình cảm, mà còn mang đậm tính nhân văn thời đại.
Có lẽ, cái hay và những tiềm ẩn trong từng câu chữ tác giả dùng, lay động con tim nhân hậu bạn đồng hương Đinh Tấn Phước, một giáo sư chuyên toán, bạn đã chuyển bài thơ sang Anh ngữ một cách trọn vẹn.
Đọc thơ, nhớ lại những ngày đất nước trải qua cơn điêu linh, điêu linh vì cơn dịch bệnh hoành hành, mà cho đến nay, chưa rõ từ đâu đến, một phần khác, bởi có loài cầm thú mang hình người thản nhiên sống trên sự đau khổ và chết chóc của đồng loại.
Vào những ngày đất nước bắt đầu chuyển mùa sang Đông ấy, tuy không có mưa dầm giá rét, nhưng tất cả như phủ một màu tang tóc đến thê lương. Từng đoàn người, bằng mọi phương tiện, kể cả đôi chân đã rã rời và yếu đuối sau những ngày thiếu thốn, chen nhau bỏ thành phố tất tả về lại quê nhà.
Ai đó cảm kích, ghi lại thành film, còn lồng vào giọng hát trầm buồn như nghẹn ngào của ca sĩ Khánh Ly với những ca từ trong bài “kinh khổ” của Nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng, càng thêm xót xa không riêng cho những thân phận, mà cho cả đất nước.
Đoàn người khi thoát khỏi thành phố một quãng xa, đến đoạn vào vùng quê, lúc nầy trời đã lên cao. Trên chiếc xe máy già nua, ngồi phía trước là em bé độ hai, ba tuổi, phía sau, thùng giấy màu xám nhạt, bên trên, thẻ nhang đã khui dở.
Người thanh niên lái xe dừng trước quán ăn nhỏ bên đường, bước vào nhẹ nhàng hỏi chủ:
- Anh ơi, quán có bán cơm chay không anh?
Chủ quán cũng một người đàn ông trung niên, nhã nhặn trả lời:
- Không chú ơi, mà nay ngày gì chú lại muốn dùng cơm chay.
Người khách im lặng một lúc, mắt nhìn thùng giấy, cất tiếng buồn buồn:
- Dạ không anh ơi, không phải em mua cho em. Trong thùng giấy trên xe, có bình tro cốt của mẹ cháu, chết sau những ngày “cách ly tập trung”, nhà hỏa táng giao cách nay ba hôm. Ba ngày qua, trong khi chờ được phép về quê chôn cất, ở phòng trọ, em vẫn cúng cơm bữa vợ bằng các thức chay lạt, và nguyện tiếp tục cho đến hết năm mươi ngày. Vì cháu còn quá nhỏ, không thể chạy nhanh theo đoàn. Đến đây, cũng đến giờ mà đường về quê còn xa, em không nỡ bỏ bữa vợ, nên ghé anh; nếu có, làm thủ tục cho mẹ cháu và tiện thể cháu nghỉ ngơi một lúc.
Quán ven đường vùng quê, ngày thường khách cũng không nhiều, thời gian qua dịch bệnh, đến nay càng vắng vẻ.
Người khách trẻ nói tiếng cảm ơn và nhỏ nhẹ chào chủ quán.
Ra đến xe, thắp cây nhang cắm sau thùng giấy, xong tiếp tục lên đường. Chủ quán đứng lặng nhìn theo không giấu được nỗi ngậm ngùi xót xa.
Chuyện đến nay cũng sắp tròn năm. Nhân đọc bài thơ của Phạm Xuân Trường, nhắc lại một cảnh đời, lòng vẫn thấy nao nao.
Xuân Thới
8/2022.
.
LỜI THỈNH CẦU CỦA LINH HỒN NGƯỜI VỢ
Phạm Xuân Trường
Buông em ra thôi anh ơi!
Thả em vào nước sông trôi Sài Gòn
Từ nay một bố một con
Một thân gà trống mỏi mòn năm canh
Dúm tro thêm nặng hũ sành
Đường quê thăm thẳm người tranh bước người
Cồng kềnh tội lắm anh ơi!
Giữ cho con ấm kẻo trời đổ mưa
Nghèo thành một kiếp sống thừa
Một vuông nhà trọ rau dưa qua ngày
Bao năm rồi vẫn trắng tay
Đừng hương khói nữa gió bay lên trời
Người “về” đông lắm anh ơi!
Nại-Hà (1) lẩn thẩn sông trôi nghẹn dòng
Trần gian chốt chặn đầy đường
Có em thêm nặng dúm xương lưu đày
Ruộng đồng không cánh mà bay
Bấy nhiêu “đầy tớ” đã xây lăng rồi
Thả cho em xuống sông trôi
Quê đâu còn đất cho người nghèo chôn.
Phạm Xuân Trường
12/10/21
(1) Tên một dòng sông ở cõi âm.
.
A PETITION OF A WIFE’ SOUL.
Translate by Dinh Tan Phuoc
Hey you! Let me loose
Release me into water of Saigon river
From now then there will be a father and a child
A single parent waits in desperation all night long
A small number of bone-ash will be heavy in the jar
On the far distance way home everybody is fighting his step
Hey you! How unfortunately it’s bulky
Keep our child warm otherwise it will rain
Poverty becomes a human life good for nothing
A small boarding house with daily frugal meals
We are still cleared out for long years
Please don’t burn insense when the wind flies away
Hey you! The dead are so abundant
Nai-Ha (1) river becomes its dotage when it is choked with the death
Posts are full around the streets
So heavy I am added with a small number of exiled bone
Rice-fields are lost without any reason
That much of mandarins have built their royal tombs
Drop me down into the water current
It seems there’s no land in our village to inter the poor.
Dinh Tan Phuoc translate.
(1) The name of river in The Hades.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Thơ: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net