KHỞI TỪ ĐẤT TỔ TA ĐI...
Hơn 4 ngàn năm về trước, trên vùng đất ngày nay gọi là Phú Thọ, nằm chếch về phía Tây Hà Nội không đầy 100 cây số ngàn, đã hình thành kinh đô của một tân quốc gia: đó là kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang, tên gọi đầu tiên của nước Việt Nam ta. Các vua Hùng đã kế tiếp nhau cai trị nước Văn Lang hơn 1 ngàn năm trải qua 18 thế hệ và đã được nhân dân Việt Nam tôn xưng là Quốc tổ.
Hàng năm đến ngày 10 tháng Ba âm lịch, mọi con dân đất Việt, dù sinh sống ở phương trời nào cũng đều ngưỡng vọng về Quê Cha Đất Tổ để tưởng nhớ đến công ơn của các Đức Vua Hùng:
Ai về Phú Thọ cùng ta
Vui ngày Giỗ Tổ tháng Ba, mùng mười
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười, tháng Ba.
Từ đất Tổ Phong Châu, kinh đô đầu tiên của nước Việt Văn Lang, xuôi về đông ta thăm Thăng Long, nay là Hà Nội, vùng đất non 800 năm được chọn làm kinh đô của các triều đại nhà Lý (1010-1225), nhà Trần (1225-1400) nhà Hồ (1400-1407) và nhà Hậu Lê (1428-1802). Thăng Long - Hà Nội nguyên là đất thành Đại La do quan cai trị nhà Đường là Cao Biền dựng nên vào năm 866. Đến năm 1010, Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La. Thuyền còn đậu bên bờ sông Nhị, tức sông Hồng hà, nhà vua chợt thấy một con rồng từ dưới sông bay vụt thẳng lên trời, nhà vua bèn cho đổi tên Đại La ra tên Thăng Long (con rồng bay lên). Hồ Quý Ly đổi thành Đông Đô và Lê Thái Tổ đổi thành Đông Kinh và đến và đến năm 1831, vua Minh Mang cho đổi tên là Hà Nội. Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất ngàn năn văn vật, mảnh đất của 5 cửa ô, của 36 phố phường:
Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai ...
Thăng Long - Hà Nội, vùng đất của những danh thắng nên thơ: Chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, đền Trấn Vũ, hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, của Văn Miếu lưu dấu lại tên tuổi của một số vị Tiến Sĩ của thời Nho Học hưng thịnh ...
Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gầy dựng nên non nước nầy?
Gió đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
Thăng Long, trung tâm quyền lực của quốc gia non 800 năm, và sau này, vào năm 1802, vua Gia Long đã chọn Thuận Hóa (Huế) làm kinh đô, Hà Nội vẫn còn là một trung tâm văn hóa của cả quốc gia.
Thăng Long cũng còn là mồ chôn của hàng vạn quân Thanh xâm lược với chiến thắng Đống Đa vang lừng của vị anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ và để lại dấu vết:
Đống Đa để dấu lại đây,
Bên kia Thanh miếu, bên này Bộc am
Lần về hướng đông, qua Bắc Ninh ta sẽ gặp vị anh hùng vệ quốc đầu tiên của Dân Tộc: Phù Đổng Thiên Vương mà dân gian vẫn tôn xưng là Đức Thánh Gióng vì Ngài sinh ra ở làng Gióng tức làng Phù Đổng thuộc bộ Võ Ninh nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Và không biết tự bao giờ, cứ đến ngày 9 tháng Tư âm lịch, dân chúng nhiều nơi đã kéo về làng Gióng để dự ngày lễ vinh danh tưởng niệm vị anh hùng trong truyền thuyết:
Ai ơi, mùng chín tháng Tư
Không đi Hội Gióng cũng hư một đời.
Đây là một ngày Hội thật tưng bừng diễn lại trận thư hùng giữa chàng trai làng Gióng và những quân tướng của giặc Ân:
Giáo gươm cờ xí trùng trùng
Hàng năm mở hội tưng bừng vui thay!
Nhớ xưa Thánh Gióng tích rày
Uy phong rạng rỡ đến nay còn truyền!
Cũng tại vùng đất nầy, ta sẽ bắt gặp ngôi thành cổ của vua Thục An Dương Vương cho dựng nên để ngăn ngừa sự xâm lăng của người phương Bắc. Thành xây theo hình trôn ốc đã hai ngàn năm vẫn còn lưu lại dấu tích, đó là thành Cổ Loa:
Ai về đến huyện Đông Anh
Ghé thăm phong cảnh Loa Thành Thực Vương
Cổ Loa hình ốc khác thường
Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây!
Từ Loa thành nằm sát kinh đô Thăng Long xưa, nay là Hà Nội, ta về thăm Hoa Lư kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam độc lập dưới triều đại Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành - thuở ấy gọi là nước Đại Cồ Việt, nay thuộc làng Trường Yên, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình:
Ai là con cháu Rồng Tiên
Tháng Hai mở hội Trường Yên thì về
Về thăm đô cũ Đinh Lê
Non xanh nước biếc bốn bề uy linh!
Đất Bắc, vùng đất từ chân đèo Ngang trở ra, là nơi quần tụ của toàn thể dân tộc đã ngót bốn ngàn năm. Đây là vùng lãnh thổ có lắm núi, nhiều sông:
Ai đưa em đến chốn nầy
Bên kia là núi, bên nầy là sông!
Những con sông lớn như sông Hồng, sông Đà chảy quanh co khuất khúc giữa những sườn núi cao vòi vọi với bao nhiêu là thác, bao nhiêu là ghềnh:
Đường lên Mường Lễ bao xa
Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh!
Có những con sông trên đất Bắc từng là mồ chôn của bọn giặc Tàu như sông Như Nguyệt chôn xác quân Tống dưới thời Lý Thường Kiệt, sông Bạch Đằng là mồ chôn quân Nam Hán thời Ngô Quyền, hay mồ chôn quân Nguyên thời Trần Hưng Đạo:
Bạch Đằng Giang là sông cửa ải,
Tổng Hà Nam là bãi chiến trường
Hay:
Sâu nhất là sông Bạch Đằng
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan.
Đạo Phật du nhập vào đất Bắc từ thế kỷ thứ 2 đã tạo nên một thời kỳ vẻ vang, đó là thời kỳ Lý-Trần, còn để lại bao nhiêu danh lam thắng tích như chùa Hương với hang động Hương Tích thuộc tỉnh Hà Đông được vua Lê Thánh Tông (1460-1497) khen là Nam Thiên Đệ Nhất Động, ở Sơn Tây có chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian, ở Bắc Ninh có chùa Phật Tích được xây cất đã hơn ngàn năm nay:
Bối Khê, Tiên Lữ, chùa Thầy
Đẹp thì tuyệt đẹp, chưa tày chùa Hương!
Chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Yên được xem là ”đại bản sơn” của thiền phái Phật Giáo Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông (1279-1293) làm đệ nhất tổ. Tương truyền ngay thừ thời nhà Trần trong dân gian đã truyền tụng câu ca dao:
Dù ai quyết chí tu hành
Có về Yên Tử mới đành lòng tu.
Lại có câu:
Trăm năm tích đức tu hành
Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu!
Từ cửa ải Nam Quan nhìn về phía Nam, đó là Đồng Đăng của tỉnh Lạng Sơn. Đồng Đăng - Kỳ Lừa tên gọi của một thời đô hội, một thời vàng son. Nơi đây có ngôi chùa Tam Thanh, có nàng Tô Thị trong truyện cổ tích của dân gian kể về một nàng thiếu phụ ôm con lên núi mong chồng đi chinh chiến đã hóa thành tượng đá mà dân gian gọi là núi Vọng Phu, cũng còn gọi là núi Tô Thị:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Thô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bỏ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò
Và trên vùng đất cổ của quê hương nầy còn biết bao nhiêu là thú vui quyến rũ không những chỉ là những chàng trai ”mảng vui quên hết lời em dặn dò” mà còn quyến rũ hầu như đủ mọi hạng người, đủ mọi lứa tuổi trong các ngày hội hè đình đám mà hầu như làng nào cũng có ngày Hội của làng mình, hoặc được tổ chức vào mùa Xuân, hoặc được tổ chức vào mùa Thu trong khoảng thời gian rảnh rỗi giữa hai vụ mùa:
Mồng bảy hội Khám,
Mồng tám hội Dâu
Mồng chín đâu đâu
Trở về hội Gióng
Các ngãy lễ hội tung bừng đó chính là dip để cho nam thanh nữ tú có dịp trao đổi tình cảm cho nhau:
Ăn chơi cho hết tháng hai,
Cho làng đóng đám, cho trai dọn đình,
Trong thì chiêng trống rập rình
Ngoài thì trai gái tự tình cùng nhau.
Trong các lễ hội, ngoài những trò chơi theo tập tục của từng địa phương, người ta còn thích được thưởng thức các màn trình diễn văn nghệ dân gian cổ truyền của dân tộc. Nếu ở một số tỉnh miền Trung dân chúng thích xem hát bội, dân chúng miền Nam thích xem cải lương, thì dân chúng miền Bắc lại mê hát chèo:
Bao giờ cho đến tháng Hai
Cho làng vào đám, cho ai xem chèo
Ăn no rồi lại nằm khoèo
Ở đâu có trống chèo vác bụng đi xem!
Rồi những hội hát dân ca. Miền Bắc có biết bao nhiêu là điệu hát dân ca, đặc biệt nổi tiếng là hát trống quân vào những đêm trăng mùa Thu:
Trống quân anh lập đầu đình,
Có nam, có nữ, có mình, có ta...
Tháng Tám anh đi chơi xuân
Đến đây gặp hội Trống quân anh vào ...
Và quyến rũ nhất là hát quan họ, nổi tiếng nhất là ở Bắc Ninh - quê hương của quan họ. Các làng quan họ Bắc Ninh đã phải vạch ra lịch vui Xuân cho từng làng để dân chúng có thể tham dự ở nhiều nơi mà không sợ trùng với nhau:
Mồng bốn là hội Kéo Co,
Mồng năm hội Ó chẳng cho nhau về,
Mồng sáu đi hội Bồ đề,
Mồng bảy trở về đi hội Đồng Cao ...
Đất Bắc quê hương ngày xưa vẫn ngàn năm một đời sống đạm bạc, nhưng dù có nghèo khó đến đâu, và dù đang sinh sống ở chân trời góc bể nào, người ta cũng vẫn hằng tưởng nhớ về quê hương mình:
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai một nắng hai sương
Nhớ ai tát nước bên đường năm nao!
TRÊN ĐƯỜNG THIÊN LÝ BẮC NAM
Rời đất Bắc, theo chân tiền nhân, vượt đèo Ngang ta lần về phường Nam. Ôi! Đèo Ngang! Cái đèo mà theo tương truyền, cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng khuyên Nguyễn Hoàng “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” và con đèo ấy đã phải chứng kiến bao nhiêu điều đắng cay oan nghiệt của lịch sử dân tộc:
Kìa ai tiếng khóc nỉ non
Ấy vợ lính mới trèo hòn đèo Ngang
Chém cha cái giặc chết hoang
Làm cho thiếp phải gánh lương theo chồng
Gánh từ xứ Bắc, xứ Đông
Đã gánh theo chồng lại gánh theo con!
Ấy là tiếng ta thán của đám dân miền Bắc phải phục dịch cho cuộc tranh bá đồ vương của chúa Trịnh ở phương Bắc đối với chúa Nguyễn ở phương Nam!
Bên này đèo Ngang là vùng đất Quảng Bình, cái vùng đất đã phải chứng kiến những cuộc chiến tranh tương tàn giữa hai dòng họ Trịnh và Nguyễn. Và để đối phó với chúa Trịnh ở phương Bắc, chúa Nguyễn ở phương Nam, theo đề nghị của Đào Duy Từ, Đàng Trong đã tạo ra một hệ thống đồn lũy thật kiên cố. Đó là hệ thống Lũy Thầy gồm nhiều đồn lũy nằm về phía Nam sông Gianh nhằm chận bước tiến của quân Trịnh từ miền Bắc:
Khôn ngoan qua cửa sông La
Dễ ai có cánh bay qua Lũy Thầy!
Vào Quảng Trị ta lại gặp con sông Bến Hải thay cho con sông Gianh chia đôi lãnh thổ Bắc – Nam. Quảng Trị ngày nay có những tên tuổi để đời: Khe Sanh, cổ thành Quảng Trị, đại lộ kinh hoàng, Quảng Trị có Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang và Quảng Trị của một thời xa xưa lại có những đoạn đường thiên lý Bắc Nam gặp nhiều trắc trở hiểm nguy:
Ở nhà thì sợ bạn trông
Ra đi thì sợ dốc Ông, dốc Dài
Ở nhà thì nhớ bạn hoài
Ra đi thì sợ dốc Dài, dốc Ông !
Có những trắc trở khiến cho những chàng trai đất Bắc muốn vào xứ Huế mộng mơ với người yêu nhưng chỉ ngại có đoạn đường ngang qua Quảng Trị đã có lúc phải thở than:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Yêu em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang!...
Nhưng rồi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã dẹp tan đám thổ phỉ đem lại yên lành cho con đường thiên lý Bắc Nam:
Phá Tam giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm
Và nhờ vậy ta sẽ theo chàng trai tìm về người yêu xứ Huế mà xưa kia người ta vẫn gọi là đất Thần Kinh, bởi vì sau khi Gia Long lên ngôi năm 1802, nhà vua đã chọn Thuận Hóa làm kinh đô cho mãi đến năm 1945. Non 150 năm được chọn làm kinh đô của quốc gia, Thuận Hóa - Huế, Thừa Thiên đã để lại bao nhiêu công trình xây cất quy mô từ những công trình về tôn giáo như các chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm... nhà thờ Phú Cam... các công trình hành chánh qua các kiến trúc nội thành như điện Thái Hòa, Thế Miếu, Cửu Đỉnh, Phú Văn Lâu...
Đất Thừa Thiên trai hiền, gái lịch
Non xanh nước biếc, điện ngọc, đền rồng
Tháp bảy tầng, Thánh miếu, chùa Ông
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa
Cầu Tràng Tiền mười hai nhịp bắc qua
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khách âu ca thái bình
đến các lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn, từ lăng Gia Long, lăng Minh Mệnh đến lăng Khải Định... được xây nên bởi bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và ngay cả xương máu của lê dân còn để lại tiếng oán than não nùng mãi cho đến muôn đời sau:
Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân!
Vạn Niên là nơi xây Khiêm Lăng tức lăng của vua Tự Đức đã tạo nên cuộc phản đối đẫm máu của quân dân tham gia xây lăng mà sau nầy sử nhà Nguyễn gọi là “giặc chày vôi”!
Huế với con sông Hương thơ mộng nổi tiếng với những con đò dọc chuyên chở những giọng hò lãng mạn đối với nhiều khách nhàn du cũng đã một thời vang lên những câu hò gợi lên lòng yêu nước thiết tha của con dân Việt:
Trước bến Phu Văn Lâu
Chiều chiều trước bến Phu Văn Lâu
Ai ngồi ai câu
Ai sầu, ai thảm
Ai thương ai cảm
Ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non!
Rời đất “Thừa Thiên trai hiền gái lịch” ta vượt đèo Hải Vân vào xứ Quảng. Lại một trở ngại nữa trên bước đường xuôi Nam của ông bà ta xưa:
Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Đi thuyền thì khiếp sóng thần hang Dơi!
Quảng Nam có thành phố Đà Nẵng, có phố cổ Hội An. Quảng Nam có núi Ngũ Hành, có chùa Non Nước, có những di tích của nền văn minh Chàm ở Mỹ Sơn, Đồng Dương:
Quảng Nam có núi Ngũ Hành
Có sông Chợ Củi, có thành Đồng Dương
Quê em có dải sông Hàn,
Có hòn Non Nước, có hang Sơn Trà!
Và Đà Nẵng chính là nơi mà thực dân Pháp đã cho nổ tiếng súng xâm lăng đầu tiên vào năm 1858 để bắt đầu cho một thời kỳ dài hơn 80 năm nước ta bị mất chủ quyền:
Đứng bên ni Hàn
Ngó qua bên tê Hà Thân
Nước xanh như tàu lá
Đứng bên tê Hà Thân
Ngó về Hàn, phố xá nghênh ngang
Kể từ ngày Tây lại đất Hàn
Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu
Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu
Ở nuôi phụ mẫu, sớm chiều có nhau!
Gọi là xứ Quảng, ngoài Quảng Nam còn có Quảng Ngãi. Quảng Ngãi là một trong những vùng đất nghèo nàn nhất của miền Trung. Nhắc đến Quảng Ngãi là nhắc đến những đặc sản của vùng đất nghèo nàn nầy:
Chim mía Xuân Phổ
Cá bống sông Trà
Kẹo gương Thu Xà
Mạch nha Thi Phổ.
Và đặc biệt là món ăn hết sức bình dân của người Quảng Ngãi: Don.
Cô gái lòng son
Không bằng tô don Vạn Tượng!
Và Quảng Ngãi vẫn được gọi là quê hương núi Ấn sông Trà:
Bao giờ núi Ấn hết tranh
Sông Trà hết nước anh mới đành xa em!
Quảng Ngãi nhiều mía để tạo ra những sản phẩm đặc biệt Quảng Ngãi: đường phèn, đường phổi... thì xứ Bình Định lại nhiều dưà:
Bình Định có núi Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh
Em về Bình Định cùng anh
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dưà!
Bình Định là quê hương của Quang Trung Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn, đã từng đánh tan 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh năm Mậu Thân 1788 ghi đậm một chiến công lẫy lừng trong lịch sử dân tộc. Bình Định cũng là quê hương của Bùi Thị Xuân, nữ tướng của nhà Tây Sơn, mang dòng máu thượng võ bất khuất hào hùng của người phụ nữ Bình Định:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền.
Vượt ngọn đèo Cù Mông, một ngọn đèo gây nhiều trở ngại trên con đường xuôi Nam của người dân Việt ngày xưa:
Ở nhà thì sợ cái nghèo
Ra đi thì sợ cái đèo Cù Mông!
Ta vào đất Phú Yên màu mỡ với nhiều trai thanh gái lịch:
Xoài Đá Trắng
Sắn Phương Mai
Nhất gái La Hai
Nhì trai Đồng Cọ
Con gái Phú Yên, nhất là con gái La Hai sông Cầu đẹp nổi tiếng thế nên anh con trai Bình Thuận, nơi nổi tiếng với nghề làm mắm - nước mắm Phan Thiết - đã dùng sính lễ bằng chính thổ sản của quê hương mình để cưới cho được cô con gái đẹp Phú Yên:
Tiếng đồn con gái Phú Yên
Con trai Bình Thuận đi cưới một thiên cá mòi
Không tin giở quả lên coi
Rau răm ở dưới, cá mòi ở trên.
Cá mắm là sản phẩm của “nậu biển” thì măng le, thịt rừng là đặc sản của “nậu nguồn”, tức các tỉnh của cao nguyên Trung phần. Do đó, ngày xưa có sự trao đổi giữa những đặc sản của “nậu biển” và “nậu nguồn”:
Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên!
NHÀ BÈ NƯỚC CHẢY CHIA HAI ...
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về...
Lời mời gọi thật quyến rũ, thật chân tình, biểu lộ bản sắc thực thà, mộc mạc của người dân Miền Nam mà ngày xưa gọi là đất Lục Tỉnh, có khi gọi là đất Đồng Nai:
Nồi đồng lại úp vung đồng
Con gái xứ Bắc lấy chồng Đồng Nai!
Cũng có khi gọi là đất Gia Định (Gia Định thành)
Đất Đồng Nai nguyên là vùng đất mới đối với bản đồ của Tổ Quốc - không đầy 400 năm so với hơn 4 ngàn năm lập quốc! - mà nó cũng là vùng đất mới về phương diện địa lý thiên nhiên. Vào cái thuở đầu tiên dân miền Ngũ Quảng theo chân các chúa Nguyễn vào nơi nầy lập nghiệp thì đây quả là một vùng đất đầy hoang vu:
Đồng Nai xứ sở lạ lùng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um!
Hay:
U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường
Dưới sông cá lội, trên rừng cọp đua!
Đất Đồng Nai xưa khi chưa thuần thục, quả là vùng đất đầy những lam sơn chướng khí:
Xứ đâu bằng xứ Cạnh Đền,
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh!
Đường giao thông phần lớn là bằng sông rạch chằng chịt dọc ngang qua các cánh rừng bạt ngàn: rừng mắm, rừng đước, rừng tràm:
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn
Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma!
Khi các chúa Nguyễn tìm đường hướng về đất Thủy Chân Lạp thì cũng trong thời gian nầy, tại Trung Hoa người Mãn Châu từ phương Bắc đem quân thôn tính Trung Hoa lập nên nhà Thanh. Con cháu và quan lại nhà Minh một phần chịu thần phục người Mãn Châu, một số nhỏ bỏ nước mà đi tìm về phương Nam để lập nghiệp như bọn Trần Thắng Tài đến Biên Hòa, Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho, Mạc Cửu đến Hà Tiên, rồi sau đó xin thần phục các chúa Nguyễn, thế nên các vùng đất như Hà Tiên, Bạc Liêu có nhiều người thuộc dòng Minh Hương sinh sống:
Bạc Liêu là xứ quê mùa
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu!
Triều Châu tức người Trung Hoa quê quán tỉnh Triều châu! Đồng Nai - Lục Tỉnh quả là vùng đất màu mỡ, được thiên nhiên ưu đãi, cái vùng đất mà nơi nào cũng như căng tràn nhựa sống, mời gọi con người đến sinh cơ lập nghiệp:
Rau đồng nấu với cá trê
Ai đến Lục Tỉnh thì mê không về
Bởi vì đất Lục Tỉnh giàu sụ những thực phẩm của thiên nhiên từ đồng ruộng cho đến sông hồ:
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua!
Ai ơi, về miệt Tháp Mười,
Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn!
Thiên nhiên ưu đãi tạo cho người dân có một cuộc sống sung túc, không mấy khi phải bận tâm về cái ăn cái uống, và vựa lúa Đồng Nai cũng là nguồn lương thực hy vọng của người dân miệt ngoài:
Hết gạo đã có Đồng Nai,
Hết củi đã có Tân Sài chở ra.
Nhờ bàn tay cần cù của người dân Ngũ Quảng trong những ngày đầu lập nghiệp, đất Miền Nam dần dần thuần thục, một số dân chúng lập vườn để làm kế sinh nhai do đó ta có tên Miệt Vườn để chỉ vùng đất màu mỡ nầy:
Ghe anh nhỏ mũi, trảng lườn
Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em!
Hình ảnh của cô gái Lục Tỉnh có vẻ gì chân chất thật thà, một cái đẹp hiền hòa dễ mê luyến lòng người:
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Sóc Trăng
Bước lên xe đầu đội khăn rằn,
Nói cười yểu điệu nhiều chàng phải mê.
Họ chân chất thật thà, hoà ái mà bộc trực. Họ luôn luôn mang cái “tinh thần Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiểu hay tinh thần Đơn Hùng Tín “giữa đường thấy việc bất bằng chẳng tha!”:
Anh ngó ra Phú Quốc,
Ngó lại Côn Nôn,
Gió lao xao sóng bủa hết hồn,
Bền gan sắt đá trừ phồn tà gian!
Những con người “bền gan sắt đá” đó luôn luôn tin tưởng vào tinh thần định tâm trì chí của mình. Họ có thể cũng tin vào sự sắp xếp, định đoạt của Trời, nhưng họ lại tin vào tinh thần “nhân định thắng thiên” một cách mạnh mẽ hơn:
Anh đi lên Bảy Núi
Anh chạy thẳng núi Tà Lơn
Cái nợ keo sơn thấu đến ông Trời!
Ngó lên trời thấy trời cao
Ngó xuống đất thấy đất thấp
Anh đến tam cấp
Lập Cửu trùng đài
Thời hư trời khiến, anh lập hoài cũng phải nên!
Cuộc sống mỗi ngày thêm khởi sắc, người ta đào nhiều kênh rạch để đem nước ngọt tưới ruộng, tưới vườn. Trên những con sông chằng chịt của Miền Nam người ta vẫn thường nghe những tiếng hò khoan dặt dìu trên sông nước:
Ai qua Sa Đéc, Lấp Vò
Nhớ kinh Vĩnh Thạnh, giọng hò Tân Dương!
Sống trong vùng đất mới, những lưu dân đã chọn Sài Gòn (xưa có tên là Sài Côn) làm nơi đô hội đầu tiên của mình. Rồi Sài Gòn dần dà được kiến thiết, phát triển thành thủ phủ của đất Lục Tỉnh:
Chợ Sài Gòn đèn xanh, đèn đỏ
Anh coi không rõ anh ngỡ đèn tàu.
Bên cạnh Sài Gòn, đa số người Trung Hoa từ các miệt Biên Hòa, Châu Đốc, Hà Tiên rủ nhau về lập thành một khu chợ sầm uất về sau được đặt tên là Chợ Lớn:
Đường Sài Gòn cây to bóng mát
Đường Chợ Lớn hột cát nhỏ dễ đi
Rồi Sài Gòn trở thành trung tâm văn hóa giáo dục cho cả đất Lục Tỉnh:
Tiếng anh ăn học Sài Gòn
Lại đây em hỏi trăng tròn mấy đêm?
Đất Lục Tỉnh trù phú bổng trở thành miếng mồi ngon cho mộng xâm lăng của thực dân Pháp. Đánh Đà Nẵng không xong (1858), tướng Pháp là Rigault de Genouilly đem chiến thuyền theo cửa Cần Giờ tiến chiếm thành Gia Định năm 1859, bắt đầu cuộc xâm lăng đẫm máu trên đất nước ta:
Giặc Tây đã đến Cần Giờ,
Biểu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công.
Những chàng trai trẻ đất Lục Tỉnh dặn người yêu đừng “thương nhớ đợi chờ” bởi vì họ đang mải đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tham gia các đội nghĩa binh của Trương công Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương để chống lại cuộc xâm lăng của giặc Pháp:
Gò Công anh dũng tuyệt vời,
Ông Trương “Đám lá tối trời” đánh Tây.
Nhưng rồi tầm vông vạt nhọn không chống nổi với tàu đồng súng sắt của bè lũ thực dân, đất Lục Tỉnh trở thành thuộc địa của người Pháp và từ đây người ta gọi nó là Lục Tỉnh Nam Kỳ. Sống dưới ách cai trị của người Pháp, dân ta đã phải chịu bao tầng áp bức, đã phải chịu bao điều cấm ngăn:
Cây da Bình Dông, cây da Bình Tây
Cây da Chợ Củi, cây da Chợ Đũi
Năm bảy cây da tàn
Trát quan trên gởi giấy xuống làng
Cấm điếm cấm đàng, cấm tùng tam tụ ngũ
Cấm đủ phu thê
Để cho người cũ trở về với duyên xưa.
Và Sài Gòn trở thành thủ phủ của nền đô hộ thực dân. Mọi sinh hoạt từ nay mang sắc thái “tân thời” của người Pháp: nào ở tòa Soái phủ Nam Kỳ bán các loại tín chỉ như khai sinh, giá thú..., cờ tam tài của Pháp treo ở cột cờ Thủ Ngữ, tượng của một tên thực dân được dựng lên và mỗi cuối tuần thì ban nhạc của lính Pháp lại đến vườn hoa thổi kèn đồng cho bà con hiếu kỳ đến xem (mũi di tức là musique - music):
Trên Thượng thơ bán giấy,
Dưới Thủ Ngữ treo cờ
Kìa ba hình còn đứng trơ trơ
Nào khi ngủ bụi, ngủ bờ
“Mũi di” đánh dạo bây giờ bỏ em!
Dù bị người Pháp đô hộ nhưng chúng ta không thể phủ nhận cái công của họ đã kiến thiết Sài Gòn thành một thành phố lớn vào bậc nhất vùng Đông Nam Á thời bấy giờ; và Sài Gòn đã từng được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông!
Những hình ảnh tượng trưng cho một thời bị đô hộ dần dần bị xóa mờ và thực sự chấm dứt khi quân đội viễn chinh Pháp hoàn toàn rút lui khỏi đất nước Việt Nam (1954).
Những hình ảnh quê hương một thời vang bóng đã hơn một lần khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam chúng ta. Có thể có những hình ảnh đã mai một, nhưng cũng còn rất nhiều hình ảnh thân thương vẫn tồn tại mãi với thời gian - những hình ảnh biểu tượng của một quê hương Việt Nam tràn đầy nhựa sống nhưng cũng còn lắm đau thương, dù rằng đã có nhiều thay đổi. Xin cầu nguyện cho một quê hương Việt Nam thực sự an bình.
Đào Đức Nhuận