Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 16, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Phiếm luận
PHIẾM LUẬN CON CHUỘT.
TRẦN ĐỖ CẨM

CHUỘT KÊU RÚC RÍCH TRONG RƯƠNG...
Trần Đỗ Cẩm.

Chuột tuy là con vật nhỏ con nhất, nhưng lại được sắp đứng đầu trong mười hai con giáp của Âm lịch. Như vậy, chắc họ hàng nhà Tý phải có cá tính rất đặc biệt hoặc tài nghệ phi thường mới được Thượng Đế cho dẫn đầu tiểu đội súc vật đi xuống dương trần.

Trong bài phiếm luận năm nay, mời qúi vị nhâm nhi vài chung rượu, hoặc nhấp nháp đôi miếng mứt gừng, mứt bí… rồi từ từ đào tận hang ổ loài chuột để tìm tòi những bí ẩn khiến các con giáp khác, dù to lớn hay dữ dằn hơn cũng vẫn phải ngoan ngoãn “vào hàng phắc” ắc ê theo chân chú chuột con.

Cổ nhân đã dạy “tiên lễ, hậu binh”, nên trước khi bàn về chuyện giữa chuột và người, thành thực cầu chúc quí vị nữ nhi một năm con Chuột vạn sự như ý, phúc lộc song toàn, tiền bạc rủng rỉnh để tha hồ “múa răng, gặm nhấm”.

Riêng đối với các bạn đồng hội đồng thuyền phe ta, vì thân phận hẩm hiu sinh ra đã bị phái nữ "chơi" sát ván, xất bất xang bang như “mèo vờn chuột”, càng đánh càng thua nên dù có chúc chiếc hay ho đến đâu đi nữa cũng chẳng qua khỏi số mệnh đã an bài. Do đó không chúc tụng gì hết cho đỡ tủi và cũng khỏi tốn hao giấy mực trong thời buổi “xăng châu, dầu quế” này.

Theo đúng thông lệ, bài phiếm luận đầu năm chỉ nhằm mục đích mua vui trong lúc năm hết Tết đến, để độc giả tạm quên đi những chuyện phiền muộn con Heo trên cõi đời ô trọc trong năm qua. Tác giả thiệt tình chẳng giám chỉ trích, bôi nhọ cá nhân, đoàn thể hay hội đoàn nào - nhất là phái quần bận yếm mang - nên nếu chẳng may có điều gì không nên không phải khiến người đọc chẳng hài lòng, cũng chỉ là những sơ sót kỹ thuật ngoài ý muốn, lỗi tại ấn công, kính mong quí độc giả thân mến của bổn báo mở lượng hải hà, đánh chữ “đại xá”, bỏ quá đi cho.

Chuột tuy nhỏ nhất, nhưng lại là xếp sòng, chắc cũng phải có lý do chính đáng. Thật vậy, từ con chuột nhắt bé tí teo chỉ bằng móng chân con trâu (Sửu), ngựa (Ngọ) hay dê (Mùi) đến trự chuột cống to nhất cũng không so sánh được với cọp (Dần), Rồng (Thìn) hay khỉ (Thân). Các cụ ta thường nói "to đầu mà dại, bé dái lại khôn", luật tạo hóa bù trừ, điều này rất đúng trong trường hợp con chuột. Giống vật này tuy nhỏ nhưng không bị các loài khác ăn hiếp đến tuyệt chủng vì có đầu óc rất khôn lanh.

Người ta kể rằng voi tuy to xác, nhưng lại rất sợ chuột. Các tay nài voi trong gánh xiếc ngày nay hay quản tượng của đội tượng binh thời xưa thường phải đề phòng chuột vì voi khi thấy con vật nhỏ nhưng lanh lẹ này lại sợ hãi lồng lên chạy lung tung gây ra nạn voi dày. Voi sợ vì chuột thường chơi khăm, leo lên mình, chui vào lỗ tai cào cấu cắn nhá làm voi ngứa ngáy chịu không nổi đến phát điên.

Nhân câu chuyện “bé hạt tiêu” này, tưởng cũng nên có đôi lời nhắn nhủ đối với giới quần hồng. Tại Hoa Kỳ, nơi được mọi người công nhận là "âm thịnh dương suy", các vị nữ lưu “phái yếu” được Trời thương nên thường phát triển đẫy đà to lớn, phốp-pháp hơn các đấng tùng quân ít ra một bậc. Vì vậy, vai trò chủ gia đình cầm cân nẩy mực đương nhiên được truyền qua "phái mạnh mới" này, đúng theo quan niệm tân thời “phụ xướng phu tùy”… “mạnh được yếu thua” "lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng" mà! Các bậc trượng phu đâm ra lép vế!

Tuy nhiên, đừng vì vậy mà coi-thường, khi-dễ mấy con chàng-hiu ôm cột đèn hay “đuôi chuột ngoáy lọ mỡ" này. Thật là "ghét của nào, trời trao của đó”! Các bà các cô cứ thấy chuột là sợ dúm cả người, dáo da dáo dác chỉ chực...chui xuống gầm bàn hay trùm mền trốn. Nhưng thử hỏi vào lúc canh khuya thanh vắng - nhất là đêm Đông lạnh-lẽo, nếu không có màn đuôi chuột quấy phá, rúc-ra rúc-rích trong nệm ấm chăn êm, chắc cuộc đời sẽ "hết ham”, mất hẵn ý nghĩa đến nỗi phải “chổng mông mà gào" phải không quí vị?

Sau mục giáo đầu tuồng “nôm na là cha mách qué”, thiết tưởng đã tới lúc đề cập tới những chuyện đứng đắn "nói có sách, mách có chứng,” kẻo đầu năm đầu tháng có thể bị chê là ăn tục nói phét, giông suốt năm. Nghiêm túc, phổ quát, chính xác khiến mọi người bất luận nam phụ lão ấu, người giàu kẻ nghèo đều phải công nhận, không gì hơn căn cứ vào những tìm tòi, khảo cứu khoa học.

I. CHUỘT TRONG SÁCH VỞ.

Theo các nhà khảo cổ, Chuột đã xuất hiện trên trái đất từ thuở hoang sơ cùng với loài người. Trong giới khoa học, Chuột được phân loại rõ ràng thành hai giống: nhỏ (Mouse) và lớn (Rat), nhưng dân cổ La Mã gọi chung chuột là “Mus”, với “Mus Maximus” là chuột lớn và “Mus Minimus” là chuột nhỏ, tương tự như người Việt. Danh từ “Mouse” trong Anh ngữ bắt nguồn từ tiếng Latin “Mus” này.

Tưởng cũng cần nói thêm tiếng Anh “Muscle” nghĩa là bắp thịt cũng bắt nguồn từ chữ “Mus” hay “Musculus”, có lẽ vì bắp thịt có hình dạng giống con chuột. Điều này cũng trùng hợp với người Việt dùng danh từ “chuột rút” (vọp bẻ) để chỉ hiện tượng bắp thịt trong người bị co thắt cứng lại. Chuột rút, hay vọp bẻ, là cảm giác đau gây ra bởi sự co rút, của bắp thịt có thể do lạnh hay hoạt động quá sức. Việc sức khỏe giảm sút hoặc bị ngộ độc cũng có thể gây ra chuột rút, đặc biệt ở dạ dày.

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến chuột rút. Nguyên nhân thứ nhất là thiếu dưỡng khí (oxygen) đến bắp thịt, nguyên nhân thứ hai là thiếu nước và muối ăn, chẳng hạn như khi ra mồ hôi quá nhiều mà không được bù đắp. Ở phụ nữ, sự hành kinh cũng gây ra chuột rút ở mức độ nhất định tại vùng bụng gây đau lan tỏa ra thắt lưng và đùi. Lý do là máu phải chảy qua cổ tử cung nhiều hơn. Một số phụ nữ mang thai cũng hay bị chuột rút, nhiều khi vào ban đêm.

Chuột rút do thiếu dưỡng khí có thể được chữa bằng việc hít thở sâu, và làm giãn bắp thịt. Chuột rút do thiếu nước và muối ăn có thể chữa bằng việc giãn bắp thịt, uống thêm nước và ăn thêm muối. Chuột rút bắp thịt cũng được chữa bằng cách xoa bóp nhẹ lên chỗ bị đau, giãn bắp thịt và chườm nóng hoặc chườm lạnh.

Có người còn đi xa hơn, cho rằng chữ “Mus” hay chữ “Mys” của người cổ Hy Lạp bắt nguồn từ tiếng “Mush” của chữ Phạn (Sanskrit) có nghĩa là “trộm cắp” vì ăn vụng là bản tính bẩm sinh của loài chuột. Cũng vì mang tiếng xấu như vậy nên sau này Anh ngữ còn dùng danh từ “Rat” để chỉ những kẻ lưu manh, cặn bã trong xã hội. Hiện nay, người thuộc đảo Isle of Man thuộc quyền bảo hộ của Anh quốc còn kiêng cử không nói “Rat” mà dùng chữ “đuôi dài” (Long Tail) để chỉ chuột.

Thật ra, chuột được xếp vào loài có vú và gặm nhấm. Theo định nghĩa tân thời: "loài có vú, gồm những động vật có bộ lông mềm và nuôi con bằng sữa...tươi lấy từ cặp song bình đựng sữa xinh đẹp, hấp dẫn trời ban mà giới đực rựa rất khoái mó tay vào”. Còn mục gặm nhấm là bạ đâu xực nấy, cứng thì gặm, còn mềm thì nhấm cho đến hết tỷ mới thôi. Đây là những đặc điểm khá giống “nữ tính”.

Chuột thích “múa răng” không hẳn vì đói, nhưng là một nhu cầu cần thiết để sống còn cũng như liên quan đến thẩm mỹ. Răng của con người lúc nhỏ gọi là răng sữa, khi lớn lên sẽ thay bằng răng vĩnh viễn. Răng của loài chuột lại khác, thường trực mọc dài như móng tay nên lúc nào cũng phải nhóp nha nhóp nhép để răng mòn bớt, đừng mọc ra quá dài. Có thể nói "gặm nhấm" là một phương pháp mài răng cho ngắn lại, giống như các bà các cô thường đi tiệm “nails" mài mài, giũa giũa thành mèo móng đỏ vậy. Vì vậy, có nhiều loại chuột hay họ hàng của chúng như những con hampster, gerbil... nuôi trong lồng làm kiểng hay trong phòng thí nghiệm, chỉ ăn thức ăn thông thường, ít có cơ hội gặm nhấm nên răng dài ra như nanh heo rừng, chẳng những mất thẩm mỹ, mà còn có thể làm chết... chuột vì chúng không ngậm miệng lại để nhai thức ăn được nữa!

Rất có thể phái nữ đa số sợ chuột chính vì bản tính thích gặm, thích nhai, thích tha này! Bằng chứng ca dao có câu:

“Con gái mười bảy mười ba
Đêm nằm với mẹ chuột tha mất …
Nó tha lên núi, lên non
Nó về lót tổ cho con nó nằm".


Giời ơi là giời, chả trách các bà, nhất là các cô sợ chuột là phải. Có mỗi một cái đồ nghề làm của hồi môn mà bị con chuột chết tiệt nó tha đi mất thì sống làm sao nổi hả giời! Nhất định cái "đêm nằm với mẹ..." đó phải là một "đêm sáng trăng em tưởng tối trời, em buồn em giở...". Có tơ hơ tô hô thì chuột mới bò vào mà tha đi được chứ. Ngoài ra, vụ “tha về làm tổ" này cũng một lần nữa hùng hồn chứng tỏ đầu óc thông minh và mũi thính của loài chuột, ít ra cũng ngang với con người.

Quí vị hãy tưởng tượng, khi chú chuột du kích xâm nhập địa đạo, bò vào mục tiêu, nơi hai mẹ con đang tênh hênh ra đó. Dù có trăng nhưng hang động vẫn tối thui như đêm ba mươi, một bên là bãi cỏ non lún phún mềm mại thơm tho của cô gái "mười bảy, mười ba", còn bên cạnh là cái "ổ chuột chù" của “khứa lão”, vậy mà con chuột đen đầu này đã tinh khôn và thính mũi kiếm ngay ra được bãi cỏ non tha về cho con nó nằm. Tài thật!

Về hình dáng, Chuột là loài vật tương đối nhỏ, mặc dù đôi khi nghe nói có những con chuột cống trong thành phố to lớn có thể vật lộn với mèo. Tai chuột nhỏ vểnh lên để dễ nghe ngóng động tịnh. Thân mình chuột thon thon với đặc điểm đuôi dài tương đương với thân và đầu gộp lại, không có hoặc rất ít lông. Mỏ chuột nhọn mọc nhiều ria mép khá dài giống như mõm bác Hồ để có thể cảm nhận những vật chung quanh.

Người Tây Phương cho rằng chuột thích ăn "phó mát" (cheese) nên thường dùng thức ăn này để bẫy chuột, nhưng thực ra chuột lại không thích món này vì có nhiều chất béo. Điều khá lạ là khi chuột đói có lúc gặm luôn cả đuôi của mình! Lông chuột có nhiều loại và màu sắc khác nhau tùy theo môi trường sinh sống, nhưng thường mịn, màu nâu nhạt.

Về nơi ăn chốn ở, chuột không ưa nhà cao cửa rộng mà chỉ thích chỗ lụp xụp dơ dáy. Những nơi trú ngụ ưng ý nhất của chuột là đống rác, ống cống hoặc nơi có nhiều cặn bã như chợ búa, bến tầu. Vì vậy, những nơi có nhà cửa xập xệ thiếu vệ sinh bị gọi là khu nhà ổ chuột. Các tầu bè, ghe thuyền cũng là nơi chuột rất ưa vì có nhiều hang hốc, hẻm kẹt người không thể nào rớ tới được.

Vì chuột hay chui rúc nên trong cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua, Hoa Kỳ đã tuyển lựa một đội quân gồm toàn những binh sĩ nhỏ con để chui vào các địa đạo trong mật khu Việt Cộng. Những binh sĩ trong đội quân này được đặt tên là "Chuột Địa Đạo" (Tunnel Rats), chuyên mặc quần xà lỏn, đeo dao găm, mang lựu đạn và chất nổ để dễ bề cận chiến và phá hoại các cơ sở ngầm dưới đất của địch.

Thời Đệ Nhị Thế Chiến, quân đội Anh tại Phi Châu cũng thành lập những toán nhỏ chuyên hoạt động trên sa mạc gọi là “Chuột Sa Mạc” (Desert Rats) để đánh phá hậu tuyến quân Đức. Gần đây nhất, trong cuộc chiến Việt Nam, các binh lính Hải Quân hoạt động trong sông rạch được mệnh danh là “Chuột Sông” (River Rats) vì họ thường phải sinh sống trên những giang đĩnh nhỏ bé, chật hẹp thiếu tiện nghi.

Chuột sống thành đàn tại những môi trường rất khác biệt, từ đồng cỏ, rừng rú, núi non sỏi đá đến ruộng nương, nhà cửa trong thành phố… có thể nói nơi nào cũng là đất dung thân. Chuột làm tổ để ẩn nấp, sinh sản và tránh thời tiết nóng lạnh khắc nghiệt, khi thì trốn sâu trong hang hốc, xó kẹt lúc thì sinh sống trên cây cao, nhưng các tổ chuột đều có nệm làm bằng cây cỏ khô hay giấy vải mềm để giữ hơi ấm.

Về mặt sinh sản, chuột lớn rất mau, ra đời được 50 ngày đã có thể mang bầu sản xuất chuột con. Thời kỳ thai nghén của chuột chỉ chừng 20 ngày rồi đẻ một lứa chừng một tá chuột con. Như vậy, mỗi năm chuột đẻ chừng 12 đến 14 lứa. Với thời gian trưởng thành dưới hai tháng, một cặp vợ chồng chuột và con cháu chút chít có thể sinh sôi nẩy nở thành hàng ngàn chuột chí mỗi năm! Rất may, chuột là mồi ngon của các loài vật khác như mèo, rắn, kỳ nhông, kỳ đà, chim muông… và ngay cả người nữa nên thế giới mới tránh được nạn "chuột mãn" hay chuột ăn hết thực phẩm của nhân loại. Để tránh bị săn bắt, chuột thường chỉ rời tổ kiếm ăn vào ban đêm, nên các cô gái ngoan thường mượn chuột để báo động ngầm cho người tình:

"Chuột kêu rúc rích trong rương,
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay"


hoặc lả-lơi bỡn-cợt, ngỏ ý:

"Chuột kêu chút chít trong lò,
Lòng anh có muốn thì mò lại đây".


Còn các cô dậy-thì hơ-hớ cũng phải coi chừng nơi ăn chốn ngủ, vì chuột đen đầu chuyên mò-mẫm, hớ-hênh quá thế nào cũng sẽ có ngày bị chúng tha mất đồ… nghề!

Kể về chủng loại, chuột chia làm nhiều giống: nhỏ nhất là chuột nhắt hay chuột lắt. Loại trung bình là chuột nhà hay chuột đồng. Lớn hơn có chuột cống hay cống lang. Loại lớn nhất là chuột đen, lông cứng, to như con mèo. Ngoài ra còn có chuột chù mỏ nhọn trông rất dễ ghét như những tên cán ngố "hăng rô" răng đen mã tấu. Chuột chũi chuyên sống dưới đất, dùng mỏ ủi đất xây thành những địa đạo... Củ Chi dùng làm hang hốc cho các đồng chí.

Chuột xạ tuy nhỏ con nhưng đi tới đâu, mùi xú uế xông nồng nặc tới đó, đúng như câu "hữu xạ tự nhiên hương". Mấy con chuột chù, chuột chũi và chuột xạ bần tiện và dơ dáy, ai cũng ghê tởm, chắc là tổ sư của những tên Việt Cộng chuyên nghề chui rúc ngày nay. Do đó, con cháu bác Hồ đứa nào cũng mang hàm răng cải mả như chuột chù, quen sống chui rúc trong địa đạo như chuột chũi và có mùi thơm chịu không nổi như chuột xạ.

Bà con gần xa với chuột có loại “kangaroo", người Việt gọi là “chuột lớn" (đại thử). Con vật này sống ở Úc Châu, chân trước ngắn, chân sau dài, nuôi con trong bọc ở bụng, không đi hay chạy mà lại nhẩy chồm chồm rất nhanh như đàn bà con gái vồ anh đàn ông xấu số nào vậy. Ngoài ra, còn có một loại nai rừng, nhỏ con gọi là "mouse deer". Đặc điểm của loài nai này là nhỏ và lanh lẹ như chuột, có răng nanh mọc dài ló ra khỏi miệng, có lẽ vì làm biếng gặm nhấm.

Ngoài sở trường lanh lẹ, chuột cũng rất khéo léo, có thể leo dây cột từ bờ lên tầu. Để ngăn ngừa nạn chuột xâm lăng, tầu bè thường dùng "nón chặn chuột" làm bằng kim loại, hình nón lồng vào dây cột tầu khiến chuột không leo qua được. Chuột nếu lọt được vào tầu bè thường cắn phá dây nhợ và nguy hiểm hơn, có thể còn truyền bệnh sang người.

Theo luật hàng hải quốc tế, khi một chiến hạm hay thương thuyền bị chuột xâm lăng mang theo bệnh dịch truyền nhiễm, phải treo một lá cờ màu vàng (Quebec) trên cột buồm cao để báo hiệu đang trong tình trạng "kiểm dịch" (quarantine) hầu các tàu bè khác biết mà đừng lại gần, có thể bị lây.

Nói về tài nghệ, chuột nổi tiếng là đồ báo hại và ăn cắp cũng tài tình như cán bộ của bác và đảng. Chuột thường chui rúc nơi xó xỉnh, ăn vụng cơm thừa canh cặn nên khoái món hột gà “la coóc". Khi tìm được quả trứng, một con chuột nằm ngửa tênh hênh, bốn chân ôm chặt quả trứng vào bụng, còn mấy con khác hè nhau cắn đuôi con ôm trứng lôi về tổ.

Còn tài gặm nhẩm phá hại thì khỏi chê, bạ cái gì cũng nhai, cũng nhấm, cũng tha chẳng khác gì mấy tên cán ngố con cháu bác nhấm nháp chấm mút, cả khố cùn, váy đụp của dân đen cũng không chừa. Đến cả mảnh đất Việt Nam do ông cha để lại cũng bị bọn chuột đầu đen mặt đỏ ở Bắc Bộ Phủ này nhai cho đến nát bét.

Người ta thường nói “đầu thử kỵ khí” tức là ném con chuột, sợ bể đồ qúi, nhưng hiện nay lũ chuột cống lang lông đỏ tam vô đang quá lộng hành, cần phải đập cho chúng bể đầu bằng mọi giá!

II. GIỮA CHUỘT VÀ NGƯỜI.

Như trên đã nói, chuột tuy là con vật nhỏ nhất trong mười hai con giáp, nhưng lại được sắp đứng hàng đầu đứng đầu thập nhị chi, được những con giáp bự xác khác đội trên đầu, một phần nhờ tài thông minh lanh lẹ, mà cũng vì chuột rất gần gũi với con người, có thể nói như hình với bóng, chỗ nào có người là có chuột.

Trong nhà, chuột là một quái khách không bao giờ được mời nhưng lúc nào cũng có mặt. Bản tình "lì lợm" đáng ghét này cũng là một đặc điềm của những tên tư bản đỏ hay chính khứa hòa hợp hòa giải lúc nào cũng cho rằng chỉ có ta là đủ tài đức đoàn kết đất nước, xây dựng quốc gia. Nói theo kiểu “con cầu tự Phó râu” với chiếc khăn quàng màu tím, chuột không những là một thực tế mà còn là một thực thể có chánh nghĩa. Vì vậy, dù thương hay ghét, dân ta vẫn có rất nhiều câu ca dao ngạn ngữ so sánh, ví von cũng như nhiều tác phẩm văn chương đề cập tới mối tương quan giữa người và chuột.

Trưóc hết, các vị thầy bói, thầy tướng được coi là đệ tử chân truyền của Quý Cốc Tiên Sinh thường khuyên các bà mẹ vợ tương lai đừng chọn con rể “mặt chuột kẹp" hay "đầu dơi mỏ chuột". Đây là tướng của những tên lưu manh bần tiện, xảo trá, chuyên lừa thầy phản bạn. Mặt chuột đã nhỏ, nay lại bị kẹp nữa thì làm sao có thể thành "tai to mặt lớn" được. Thêm vào đó, lại có cái đầu dơi trán ngắn như con khỉ, mỏ dài với vài sợi lông mồm loe hoe như Hồ chủ tiệm, mặt mũi lúc nào cũng quắt queo nhăn nhó như bị táo bón, hãm tài không khá được.

Đối với những tên đồ tể Cộng Sản hay chính khách lòng lang dạ thú, chuyên hứa hão, miệng hô hào tái thiết đất nước với những bài diễn văn đao to búa lớn, nhưng chỉ lo "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi", người ta gọi bọn này chuyên nói chuyện “đầu voi đuôi chuột". Hô hào, kêu gọi thì lớn như đầu con voi, nhưng kết quả lại nhỏ xíu như đuôi con chuột.

Những con chuột báo hại này lúc nào cũng chui rúc, ẩn nấp nơi hang hốc hay trong "quần" chúng, lúc có chuyện không thấy bộ mặt chuột kẹp, và cái mỏ chuột chù của chúng đâu, nhưng khi ngửi thấy hơi lợi lộc lại thò đầu ra trước tiên.

Trước đây, toàn dân Việt Nam đã bị bầy chuột họ Hồ chui rúc trong hang Pắc Pó lừa bịp, nay sau mấy chục năm làm chủ toàn nước Việt Nam, chúng còn lộng hành hơn. “Cháy nhà ra mặt chuột", đến nay toàn dân Việt Nam, từ đứa con nít miệng còn hơi sữa đến kẻ cùng đinh khố rách áo ôm, ai ai cũng đều biết rõ bộ mặt chuột trơ tráo, đểu cáng và dơ dáy của chúng.

Để chỉ sự hiềm khích, khác biệt vô phương hàn gắn, các cụ ta có câu “ghét nhau như mèo với chuột". Anh chàng hay cô nàng tốt nào số, kiếm được người bạn đường gia đình giàu có, không cần phải làm ăn vất vả mà vẫn có miếng ăn miệng để, người ta thường ví như "chuột sa hũ nếp".

Ca dao cũng có bài "Con mèo mà trèo cây cau" để diễn tả giao tình kém thân thiện giữa mèo và chuột:

"Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đầu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo".


Giữa mèo và chuột còn thù hận nhau hơn cả chó với mèo, vậy mà trong bài ca dao kể trên, mèo còn giả bộ "nhân nghĩa bà Tú Đễ" mất công leo tuốt lên cây cau để hỏi thăm sức khỏe của chuột. Chú chuột cũng chẳng vừa gì, vừa lánh mặt mèo cho an toàn xa lộ, vừa chửi cha mèo bằng cách ra vẻ đau lòng, đang bận sửa soạn đám giỗ cho cha của kẻ thù. Hòa khí giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng được ví như mối liên hệ giữa mèo và chuột:

"Mẹ chồng đối với nàng dâu
Như mèo với chuột thương nhau bao giờ".


Hồi xưa ở Việt Nam, mẹ chồng chắc là con mèo; nay thời đại tại Hoa Kỳ đã đổi khác khiến nhiều mẹ chồng mèo đã biến thành chuột!

Đối với những kẻ hay "kén cá chọn canh" rốt cục "xôi hỏng bỏng không", ca dao có câu:

"Chuột chê xó bếp chẳng ăn,
Chó chê nhà dột ra nằm bụi tre".


Người đời thường chê bai kẻ khác, trong khi chính mình cũng chẳng tốt lành gì nên giới bình dân đã đưa ra nhận xét rất sâu sắc và hóm hỉnh:

"Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ lại trả lời: cả họ mày thơm".


Thời "Nam Kỳ Khởi Nghĩa" năm 1945, bọn Việt Cộng mị dân lập đội Thanh Niên Tiền Phong do Bác Sĩ Phạm Ngọc Thạch, Kiến Trúc Sư Huỳnh Tấn Phát cầm đầu, lấy tre vạt nhọn để làm vũ khí chống lại súng ống, tầu chiến của Tây. Nhóm thanh niên này bị Cộng Sản dùng chiêu bài yêu nước lừa bịp nên nhiều người bị bỏ mạng. Các tên còn lại trong đám sau này đều trở thành Việt Cộng ác ôn như Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm… Dân chúng biết rõ xảo thuật "trái núi đẻ ra con chuột" bịp bợm của Việt Cộng nên có câu:

"Thanh Niên Tiền Phong tầm vông vạt nhọn
Phụ Nữ Tiền Phong bè bọn chuột mèo".


Vì được Bác và Đảng cho thực tập huấn luyện chuyện "mèo chuột" ngay từ khi mới ra lò còn ở trong bưng nên đám phụ nữ tiền phong cứu quốc như Thị Bình, Thị Định sau này trở thành các chuyên viên rành nghề hộ lý "hôi như chuột chù".

Ngoài những câu ví von, tục ngữ, ca dao, văn chương bình dân Việt Nam còn có cuốn truyện thơ "Trinh Thử" thể lục bát gồm 848 câu nói về chuột, có người cho là của Trần Triều Xử Sĩ Hồ Huyền Qui Tiên Sinh, kẻ nói rằng tác giả vô danh. Truyện này được viết vào thời nhà Trần, khi Hồ Quí Ly đang lấn lướt muốn cướp ngôi vua. Truyện kể một con chuột cái góa bụa, muốn bước thêm bước nữa. Hồ sinh, một nhân vật trong truyện gặp được con chuột cái và ngỏ lời khuyên nên ở vậy thờ chồng nuôi con cho tròn chữ "trinh". Ngụ ý của tác giả chê bai Hồ Quí Ly không chịu giữ vai thần tử, mưu đoạt ngôi vua, chẳng vẹn chữ "trung". Sau đây là đoạn kể chuột cái bị chó đuổi chạy lầm vào hang chuột đực:

"Bỗng nghe bên cỗi bích đào,
Tiếng con muông sủa bào hao dậy dàng.
Chẳng là chuột bạch bên tường,
Cong đuôi mà chạy vội vàng hãi kinh?"


Gần đây, trong thời gian xảy ra vụ án Nhân Văn Giai Phẩm vào năm 1956 tại miền Bắc, cụ Phan Khôi cũng viết một câu chuyện ngắn, nội dung rất vu vơ, nhan đề "Ông Năm Chuột". Truyện kể về một anh cùng đinh, nhà cũng không có để ở, tuy làm nghề thợ bạc rất khéo nhưng lại chuyên lường gạt tráo vàng giả lấy vàng thật. Người làng ai cũng khinh rẻ anh ta, gọi là “Thằng” Năm Chuột. Cụ Phan Khôi có dịp gặp và nói chuyện với anh ta, thấy Năm Chuột tuy bất lương nhưng ít ra cũng giám thảng thắn nhìn nhận những hành động không tốt của mình cũng như dám công khai chê cha, chú của Phan Khôi là keo kiệt, cha chết vì chống Tây mà con hợp tác với Tây, ghiền thuốc phiện, ăn hối lộ...

Trong khi đó, giới quan lại cầm quyền tuy lúc nào cũng hống hách, thối nát, tham nhũng, ăn cắp của công còn nhiều hơn Năm Chuột, nhưng lại tìm cách chối cãi, che đậy. Vì vậy, cụ Phan Khôi cảm phục và gọi Năm Chuột bằng ông. Với ngụ ý chỉ trích, chê bai các cán bộ trong chính quyền Cộng Sản như trên, khi truyện "Ông Năm Chuột" xuất hiện trên báo Văn đã làm cho bọn Cộng Sản rất căm tức, khiến tờ báo này bị đóng cửa lập tức.

Nhà văn Tô Hoài thời tiền chiến cũng viết một truyện ngắn khá nổi tiếng, tựa đề là "O Chuột" kể chuyện một con mèo mướp khi bắt được chuột lại không ăn, cứ vần mãi cho đến khi chuột chết. Nhưng dù có bắt mãi cũng không hết chuột như tác giả đã viết trong đoạn kết "Cơ chừng gã mèo mướp phải dành tất cả cái hoa niên của mình để mà chỉ luẩn quẩn đi o chuột".

Về mặt phong tục tập quán, dân ta cũng không quên chuột trong dịp Tết. Một trong những phong tục rất đáng yêu của dân quê miền Bắc thời xưa là việc chơi tranh Tết. Đây là những bức tranh mộc bản (bản in khắc vào gỗ) in trên giấy bản, nhiều màu sắc vui mắt, sặc sỡ rất được trẻ con ưa thích. Những bức tranh này thường vẽ cảnh "vinh qui bái tổ" hay "lý ngư" (cá vượt vũ môn) để khuyến khích việc học hành thi đỗ làm quan, hoặc tranh "kê cúc" (gà trống đứng cạnh bụi cúc) để khuyến khích nghề võ... và nhất là bức tranh đám cưới chuột vẽ cảnh những con chuột thổi kèn, khiêng kiệu cô dâu nhộn nhịp như hội hè đình đám ngày xưa.

Những bức tranh này tỏ sự vui mừng như đám cưới trong dịp đầu năm. Ngoài ra, "pháo chuột" là những chiếc pháo nhỏ trẻ con rất thích, như trong câu thơ "Đì đẹt trong sân tràng pháo chuột, om sòm trên vách bức tranh gà".

Cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến có bài thơ “Chuột Đói” gồm những câu như sau:

“Bọn mi nương xó tường ta
Bấy lâu êm ả trong nhà không sao.
Phải khi gạo kém thóc cao,
Bọn mi lục đục cắn nhau bao lần”.


Nhà thơ Đoàn Văn Cừ trong bài thơ “Tết” cũng đề cập tới pháo chuột:

“Giờ lâu tràng pháo chuột,
Đì đẹt nổ trên hè”.


Thi sĩ Bàng Bá Lân hoài niệm quá khứ của làng quê khi vào dịp tết, ông viết câu thơ:

“Tết về nhớ bánh chưng xanh,
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh Lợn, Gà”.


Qua nền văn học Tây Phương, Hoa Kỳ có nhà văn John Steinbeck từng đoạt giải văn chương Pulitzer, rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm giá trị được quay thành phim ảnh như “East of Eden”, “The Grapes of Wrath” ... và nhất là cuôn tiểu thuyết trứ danh “Of Mice and Men” (Chuột và Người) được viết dưới dạng kịch bản. Nội dung cuốn sách kể lại thảm kịch và nghịch cảnh của hai nông dân tên George và Lennie khi họ cố gắng làm lụng kiếm tiền mua đất riêng của mình.

Trong tập “Thơ Ngụ Ngôn Của La Fontaine” (Fables De la Fontaine) của tác giả Jean De La Fontaine người Pháp được cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Việt có nhiều bài rất hay liên quan đến chuột như: “Le Rat de ville et le Rat des champs” (Chuột nhà và chuột đồng), “Le Lion et le Rat” (Con sư tử và con chuột), “Le Chat et un vieux Rat” (Con mèo và con chuột già), “La Grenouille et le Rat” (Con nhái và con chuột), “Le Rat et l’Éléphant” (Con chuột và con voi) v.v…

Trong số này có bài thơ “Hội Đồng Chuột” (Conseil tenu par les Rats) rất dí dỏm ngụ ý chê bai những quan viên, chính khách chính khứa loại "cháy nhà ra mặt chuột" kiểu ông Con Cầu Tự hay con ranh, con lộn, chuyên bàn chuyện trên trời dưới đất, "đầu voi đuôi chuột" để lòe thiên hạ, chỉ “nổ”, miệng hôm trước đòi ăn cà pháo mắm tôm đánh giặc đến cùng, bữa sau đã bỏ đồng đội, an toàn ngồi trên hàng không mẫu hạm. Nội dung bài thơ đại khái như sau: tại một nhà kia, có một con mèo rất sát chuột, chuyên phục kích, xuất kỳ bất ý nhào ra giết hại không biết bao nhiêu tý lớn, tý bé.

Trước sự đe dọa tuyệt chủng này, họ hàng nhà chuột bèn triệu tập một hội đồng khẩn cấp để tìm cách báo động. Sau một hồi bàn thảo chán chê, hội đồng chuột đồng ý sẽ mang một cái chuông cột vô cổ mèo để mèo đi tới đâu, chuông sẽ kêu leng keng báo động tới đó khiến chuột biết mà lánh nạn. Kế hoạch rất hay nhưng khi mang ra thi hành, không có mạng chuột nào giám hy sinh để mang chuông cột vào cổ mèo, vì anh nào anh nấy đều rét, sợ mèo ăn thịt. Cuối cùng, sau khi bàn tán ỏm tỏi, chuyện chẳng đi tới đâu!

Sau đây là nguyên văn bài thơ:

"Một con mèo tên là Trạng Mỡ,
Bắt chuột nhiều long-lở hầm hang.
Mèo đâu dữ dội lạ dường!
Để cho đến nỗi sạch quang trong ngoài.
Họa còn sót một hai chú lỏi,
Đố dám thò ra khỏi cửa hang.
Chú nào cũng đói họng gang,
Trông thấy Trạng Mỡ coi dường yêu tinh.
May được buổi tiên sinh chạy gái,
Chốn cao xa trên mái nhà người.
Chuột thừa đương lúc thảnh-thơi,
Họp nhau bàn việc kim thời nguy nan.
Chú chuột già ra bàn ngay trước:
Liệu mau mau trong nước hiểm nghèo,
Đem chuông mà buộc cổ mèo,
Để cho khi hắn leo trèo tìm ta,
Leng keng nghe hiệu là ta chạy.
Ai cũng khen mà lạy Cụ Trùm.
Duy còn một việc đeo chuông,
Nghe như hơi khó tìm phương thi hành.
Hỏi lũ chuột, thì anh từ cáo.
Anh lại rằng: - Đây lão dại gì?
Đã đành nơi chết ai đi,
Ngẩn-ngơ một lát rồi thì hội tan.
Té ra cuộc luận bàn thực hão,
Có lạ gì bàn láo xưa nay
Chẳng là việc chuột thế này,
Việc dân việc nước cũng hay bàn xằng.
Thơ rằng:
Nghị luận còn dở-dang,
Triều đình đông nhan-nhản.
Thi hành lâm cục trung,
Bá quan đà tận tán".


Ngoài thơ "Hội Đồng Chuột" còn có bài "Con Chuột Nhắt, Con Mèo và Con Gà Trống Non” (Le Cochet, le Chat et le Souriceau) kể chuyện chú chuột nhắt lần đầu tiên rời khỏi tổ nên thấy con gà trống mào đỏ, đập cách phành phạch vươn cổ gáy lớn tiếng thì sợ, còn khi thấy con mèo lim dim ngủ coi bộ hiền lành lại có cảm tình. Vì chuột con thiếu kinh nghiệm, chỉ xét được hình dáng bên ngoài, không biết những nguy hiểm, cạm bẫy của cuộc đời nên mẹ chuột phải khuyên:

"Chết con ạ! Chớ trông ngoài mã,
Bộ hiền lành chính gã miêu nhi
Xưa nay độc ác gian phi,
Cùng nòi nhà chuột chúng thì hại luôn!”


“Dịch hạch” (La peste) là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Albert Camus người Pháp xuất bản năm 1947. Ông đoạt giải Nobel về văn chương vào năm 1957, và là văn sĩ trẻ thứ nhì sau Rudyard Kipling được lãnh giải.

Truyện kể về bịnh dịch hạch xảy ra tại thành phố biển Oran nằm ở phía bắc Algérie vào thập niên 1940, khởi đầu bằng một xác chuột trên đường phố. Những nhân vật chính gồm Bác sĩ Bernard Rieux đã cùng với bạn bè và đồng nghiệp lao vào cuộc chiến đấu với bệnh dịch để cứu thành phố Oran; Jean Tarrou là một trí thức xuất thân danh giá, đáng lẽ đứng ngoài cuộc, nhưng anh đã tình nguyện cùng Rieux chống lại bệnh dịch; Raymond Rambert phóng viên của một tờ báo ở Paris đến Oran điều tra về cuộc sống ở đây; Cha Paneloux ban đầu ông coi bệnh dịch là sự trừng phạt của Chúa, và những con chiên phải yên lòng đón nhận.

Tưởng cũng cần nói thêm dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính và nghiêm trọng do do vi khuẩn “Yersinia pestis” từ chuột bọ gây ra. Dịch hạch thể hạch (Bubonic plague) là dạng thông thường nhất của bệnh dịch hạch (75 đến 90 phần trăm), do các tuyến bạch huyết viêm sưng và đau (nổi hạch); các thể khác là dịch hạch thể nhiễm khuẩn huyết (Septicemic plague) xảy ra khi vi khuẩn tăng sinh trong máu và dịch hạch thể phổi (Pneumonic plague) xảy ra khi phổi bị nhiễm vi khuẩn. Bệnh lây truyền nhanh chóng từ chuột bọ sang người qua những vết cắn, cào hay tiếp xúc với xác thú vật bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn dịch hạch có thể được dùng làm vũ khí vi trùng sát hại hàng loạt để tiêu diệt đối phương. Dịch hạch có thể điều trị được bằng thuốc trụ sinh, nhưng phải cấp tốc trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi các triêu chứng xuất hiện.

Dịch hạch rất tai hại giết chết nhiều người, như vào thế kỷ 14, trận dịch “Black Death” hay “Black Plague” đã lan tràn hầu như toàn thế giới trong 3 đợt dịch lớn sát hại một phần ba dân số trong những vùng bị dịch. Trận dịch này bắt nguồn từ Trung Á rối lan sang Âu Châu vào cuối thập nên 1340. Tổng cộng có khoảng 75 triệu người bị nhiễm dịch và khoảng 20 triệu tới 30 triệu người bị chết; như vậy khoảng một phần ba dân số Âu Châu thời bấy giờ đã bị tiêu diệt.

Vào năm 1866, bịnh dịch hạch phát hiện ở Côn Minh, thủ đô tỉnh Vân Nam. Năm sau lan đến Quảng Đông, suốt 28 năm dịch hạch tiềm tàng ở Vân Nam và Quảng Đông đe doạ Bắc Việt, Bác sĩ Alexandre Yersin lúc đó đang phục vụ tại Việt Nam là người đầu tiên phát hiện ra vi trùng gây nên bệnh dịch hạch do đó được mang tên “Yersinia pestis” (tên cũ “Pasteurella pestis”). Sau này, ông lập một phòng thí nghiệm tại bờ bể Nha Trang, và cất tại Khánh Hoà một trại nuôi trâu bò, lừa ngựa, cùng thỏ, chuột, dùng cho việc thí nghiệm để chế tạo huyết thanh trừ bệnh. Bác sĩ Yersin mất ngày 1-3-1943, thọ 80 tuổi. Ngôi mộ của ông nằm trên một ngọn đồi nhỏ, cây cối xanh tươi giữa trại chăn nuôi Suối Dầu do ông xây dựng, cách thành phố Nha Trang khoảng 20km về phía Nam, ngay gần Quốc lộ I. Mộ được xây bằng xi măng phía trên có hàng chữ nổi giản dị ALEXANDRE YERSIN (1863 - 1943).

Nhìn chung, chuột bị coi như "đồ ăn hại", chẳng giúp ích được gì cho loài người. Không những chỉ biết phá phách, chuột còn là môi trường gây ra bệnh dịch hạch làm chết nhiều người. Nhưng nếu chỉ "trăm dâu đổ đầu tầm", chuyện gì xấu cũng đổ tội cho chuột, kể ra cũng hơi oan, vì ngoài sở trường làm trò báo hại, chuột còn là loài vật hữu dụng đã hy sinh mạng sống của mình để cứu người.

Thật vậy, trong phòng thí nghiệm chuột là loài vật được dùng để thử nghiệm thuốc men và phương cách trị liệu nhiều nhất trước khi được thực sự áp dụng trên các bệnh nhân. Lý do vì chuột có những tế bào nhiễm thể tương đương với loài người. Ngoài ra, chuột cũng tương đối rẻ tiền, dễ nuôi lại sinh sản nhanh nên nhiều thế hệ chuột có thể được dùng để thí nghiệm và quan sát đồng loạt. Loại chuột dùng trong phòng thí nghiệm nguyên thuộc giống chuột "gerbil" sinh sống tại vùng sa mạc Gobi, Mông Cổ, được bác sĩ Victor Schwentker, một nhà sinh vật học đưa vào Hoa Kỳ. Giống chuột này dễ nuôi, cơ thế khá giống với con người nên được dùng để thử về phương diện bệnh lý cũng như trị liệu.

Giống chuột "gerbil" này đã được các khoa học gia người Nhật dùng trong phòng thí nghiệm từ lâu vì có thể cấy vào thân thể chúng những vi trùng lao, vi trùng bệnh dại... để dễ bề nghiên cứu.
Sau này, khi nghành hàng không và không gian còn phôi thai, chuột cùng với khỉ và chó cũng được dùng làm các "phi hành... vật" để thí nghiệm phản ứng của cơ thể sinh vật trong ngoại tầng không gian, trước khi các phi hành gia được thực sự phóng lên qũy đạo cùng với phi thuyền.

Đối với trẻ con Hoa Kỳ, chuột không phải là con vật đáng ghét, ngược lại, các giống chuột nhỏ như "hampster", "gerbil"... được nuôi nấng trong nhà như những bạn chơi cho trẻ nhỏ. Người ta cũng làm lồng, xây nhà cất cửa tiện nghi với sân chơi, lồng cầu... để những con "pet" tốt số này hưởng thụ.

Ngoài ra, còn có con chuột tưởng tượng nổi tiếng được trẻ em trên toàn thế giời ưa thích, đó là chú chuột Mickey Mouse và bạn gái là Minnie. Chú chuột dễ thương này do họa sĩ Ub Iwerks và nhà làm phim hoạt họa Walt Disney tạo ra. Thọat đầu, Walt Disney giả tiếng nói rất đặc biệt của Mickey, nhưng sau này truyền lại cho Jim Macdonald và Wyane Allwine thừa kế. Thế giới thần tiên của Walt Disney ngoài nàng "Bạch Tuyết và bảy chú lùn", “Peter Pan”… còn có những con vật huyền thoại như vịt Donald với cái mỏ bự bất hủ, voi Dumbo trông rât ngộ nghĩnh, chó Pluto tai dài khôn lanh... nhưng nổi tiếng nhất là chuột Mickey có hai tai vểnh, lớn như cái quạt và cái mũi tròn xoe, được chính thức chào đời vào ngày 18 tháng 11 năm 1928 nhân dịp ra mắt cuốn phim "Steamboat Willie".

Chuột Mickey nổi tiếng và được trẻ con ưa thích đến nỗi những trung tâm giải trí lớn của công ty Walt Disney như Epcot Center, Disneyland trên toàn thế giới đều dùng con chuột dễ thương này làm biểu tượng. Những đồ chơi, sách vở, bài hát... liên quan tới chuột Mickey đều là các món hàng được ưa chuộng, bán rất chạy trong các dịp lễ lạc.

Hiện nay tại Hoa Kỳ cũng có ban nhạc Ratdog chuyên trình diễn cùng ca sĩ Bob Dylan và Chuck Berry rất nổi tiếng. Ban nhạc Ratdog đã thu âm trên 150 bài hát nhạc kích động rất được giới trẻ ái mộ. Ratdog thật ra là tên gọi chung cho các loại chó nhỏ như… chuột, thí dụ Rat Terrier, Chihuahua...

Trong làng "hi-tech personal computer", có con chuột "điện tử" liền với CPU (Central Processing Unit) bằng một sợi giây nhỏ và dài như đuôi chuột. Tối tân hơn còn có loại "Chuột không đuôi" (Wireless mouse) liên lạc với "computer" bằng tia hồng ngoại hay vô tuyến. Các con “mouse" này rất thông dụng, được dùng để điều khiển và di chuyển những dữ kiện trên màn ảnh thị hiệu.

Người xử dụng "computer" rất ưa thích con chuột điện tử này; có lẽ đây là loại chuột duy nhất được phái nữ âu yếm ôm ấp hàng ngày.

Sang lãnh vực tôn giáo, tuy không được nhiều sắc dân trên thế giới coi trọng, chắc vì chuột là con vật đã nhỏ lại bị đa số coi là xui xẻo, ti tiện, nhưng bên Ấn Độ, Chuột lại có đền thờ riêng như bò và khỉ. Chuột được thờ ở đền Karni Mata xây dựng đã được trên 600 năm tại thị trấn Deshnoke, vùng Rajasthan. Trong đền này có chừng 20,000 chuột lông nâu tự do đi lại và được thiện nam tín nữ sùng bái cung cấp thực phẩm. Karni Mata được coi là hóa thân của nữ thần sức mạnh và chiến thắng Durga, chuyên cưỡi cọp và voi, có mười tay cầm cung tên vũ khí trừ ác qủi. Dân Ấn tin rằng linh hồn những đệ tử của thần Karni ẩn náu trong loài chuột nên phải săn sóc cẩn thận. Tín đồ Ấn cho rằng khi vào đền, nếu gặp con chuột bạch hay được chuột bò qua chân là điềm rất may mắn.

Về giờ giấc trong thiên văn, giờ Tý hay canh ba là lúc nửa đêm, đối nghịch với giờ Ngọ là vào giữa trưa khi mặt trời qua thiên đỉnh. Do đó tục ngữ ta có câu chỉ các danh từ đồng nghĩa trùng điệp như sau:

“Nửa đêm, giờ Tý canh ba,
Vợ tôi, con gái, đàn bà, nữ nhi”.


Vì trái đất tự quay trên trục Nam - Bắc từ Tây sang Đông nên ta thấy sự di chuyển biểu kiến (trông giống như) của mặt trời như mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây. Ngoài ra trái đất được chia thành 24 múi giờ (time zone) tương tự như 24 múi của một trái cam, được đặt tên theo 24 mẫu tự từ A (Alpha) tới Z (Zulu); mỗi múi có một giờ khác nhau. Múi giờ chứa kinh tuyến gốc (zêrô độ) gọi là múi giờ gốc hay giờ quốc tế Zulu hoặc GMT (Greenwich Mean Time).

Việt Nam nằm trong múi giờ H (Hotel) là múi thứ bảy về hướng Đông của múi giờ Zulu nên giờ của VN là giờ quốc tế Zulu hay GMT +7. Ngược lại, Hoa Kỳ đất rộng, trải dài trên ba múi giờ R (Romeo), S (Sierra) và T (Tango) là các múi thứ 5, 6 và 7 về hướng Tây của múi giờ Zulu nên giờ Hoa Kỳ là giờ Zulu (hay GMT) -5, -6 hay -7 tùy theo múi giờ R, S hay T. Như vậy, Hoa Kỳ đối xứng với Việt Nam qua kinh tuyến gốc. Người ở điểm cực Đông, thí dụ như bên Việt Nam thấy mặt trời trước 12 giờ so với người bên cực Tây như bên Hoa Kỳ. Nói khác đi, lúc 12 giờ trưa (giờ Ngọ) bên Việt Nam lại là nửa đêm (giờ Tý) tại Hoa Kỳ.

Trong truyện Tam Quốc, có lần tướng Ngụy Diên hiến kế dùng đường tắt qua hang Tý Ngọ để tập kích vào Tràng An đánh quân Ngụy chứ không đi theo đường chính diện Kỳ Sơn sẽ lâu và lộ liễu, nhưng Gia Cát Lượng không nghe theo vì nếu bị chận đường, quân Hán sẽ dễ dàng bị tiêu diệt nơi hiểm lộ.

III. CHUỘT VÀ ẨM THỰC.

Nãy giờ bàn vượn tán hươu đủ mọi thứ truyện, thế nào cũng bị chê rằng nhạt như nước ốc, và có lẽ ai nấy đều đói bụng do đó, đã tới lúc bàn tới mục “đệ nhất khoái" tức là mục ăn, để làm vừa bụng mọi người và cũng để lấy điểm với quí vị “thực như miêu”.
Chúng ta có thể nói không ngoa rằng chuột là ăn, ăn là chuột hay văn hoa hơn, chuột với ăn đồng nghĩa. Vì thuộc loài gặm nhấm nên chuột ăn bất cứ gì, bất cứ lúc nào và bất cứ tại đâu.

Do đó, nhà nào bị chuột xâm lăng cũng nguy hiểm như có kẻ trộm trong nhà. "Ngọa thực sơn băng", ăn hoài đến núi cũng lở mà. Không những thức ăn như lúa gạo, thịt cá mà cả đồ dùng như tủ bàn, giựờng, ghế cũng bị chuột "nhai" luôn. Bản năng trời cho của chuột là “nhóp nhép"- đây cũng là một điều tương đồng với phái nữ có năng khiếu thiên phú đặc biệt "đi cũng nhai..." - nên bạ gì cũng cắn, cũng xé. Trong ổ chuột, chúng ta thường thấy chuột cha, chuột mẹ lót nệm bằng giấy vụn, giẻ rách và cả vỏ trấu hay vỏ các loại hạt giẻ, hạt mè...

Nhiều khi, ban đêm chuột còn giám cả gan leo lên giường gặm chân người đang ngủ nữa! Tuy ăn tạp nhưng chuột cũng biết lựa chọn, thích nhất là loại đồ ăn có mùi thơm ngon như thịt nướng, cá chiên... Đó là loại chuột Giao Chỉ, còn chuột bên xứ Hoa Kỳ văn minh này lại khoái bơ sữa, ưa sực "phó mách'' nên người ta thường lấy "cheese” để móc vào bẫy chuột. Thói thường mật ngọt chết ruồi, “cheese” ngon thơm chết chuột. Con người cũng vậy, hay bỏ mạng sa tràng vì miếng đỉnh chung.

Vì chuột lúc nào cũng xục xạo kiếm đồ ăn, cũng gặm nhấm phá phách nên không ai ưa giống vật dù nhỏ con nhưng báo hại này. Tuy ghét, nhưng con người không thể nào xa lìa được chuột, tương tự như chẳng anh “liền ông” nào tránh khỏi "oan gia" là cái xương sườn của mình! Nhưng nếu chỉ phá phách, ăn vụng thôi cũng có thể tha thứ được, điều tai hại là nhiều khi chuột còn ăn hết thực phẩm dành cho người nữa. Chuột là giống ăn tạp, từ thịt cá đến cây củ, thóc lúa, bạ cái gì cũng gặm và nhấm nên ngoài nạn ăn phá hạt giống chứa trong lẫm, trong bồ, nhà nông hay người làm vườn thường rất lo ngại nạn chuột phá hại mùa màng. Tại vùng quê miền Bắc trước đây, có năm chuột kéo nhau từng bầy ra đồng cắn lúa lúc mới trổ đòng đòng làm mất mùa khiến nông dân than thở:

"Chuột kia xưa ở nơi nao?
Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này?”.


Để trừ nạn chuột, con người đã nghĩ ra nhiều cách, nhưng dù khoa học tiến bộ, vẫn chưa hoàn toàn thành công. Trước hết là bẫy chuột, đại khái gồm loại kẹp và loại lồng. Loại bẫy kẹp dùng mồi móc đễ dụ chuột, con nào tham ăn mon men tới gần đụng vào miếng mồi là bẫy sập kẹp chết ngay.

Loại bẫy lồng cũng dùng mồi nhử treo trong lồng thường làm bằng lưới mắt cáo. Chuột ham mồi, chui vào lồng kiếm ăn, khi đụng vào mồi làm cửa lồng sập xuống, thế là chuột bị nhốt; người ta chỉ việc đem cả lồng và bẫy trấn nước là xong chuyện.

Ngoài các kiểu bẫy, còn có nhiều loại thuốc độc khiến chuột ăn vào sẽ bị lủng ruột hay bao tử mà chết. Loại thuốc chuột này có lúc đã trở thành lá bùa hộ mệnh cho các thiếu nữ tuổi dậy thì sẵn sàng chết sống vì tình yêu để dọa cha mẹ. Trong trường hợp bị ông bô bà bô phản đối mối tình đầu nồng cháy, các nàng này chỉ cần để lại lá “tuyệt tình thư”, trong đó đề cập xa gần tới thuốc chuột, đại loại như “mua chai thuốc chuột uống vô cho rồi!”, thế nào ông bà già cũng phải tá hỏa tam tinh mà nhượng bộ.

Thuốc chuột rất hiệu nghiệm, chú tý nào nhẩm xà phải sẽ chết đứ đừ. Nhưng cái kẹt là chuột bị thuốc không chết ngay, thường “đê đầu qui cố hương" rồi mới chịu ngỏm, mà họ hàng hang hốc nhà chuột lại ẩn núp trong xó kẹt, chuột chết mất xác lâu ngày gây ra mùi hôi thối rất khó chịu và còn mất vệ sinh nữa. Vì vậy, mới đây có thêm một loại bẫy chuột nữa đó là loại bẫy dính. Bẫy này là một vỉ keo rất dính, chú chuột nào vô phúc vướng vào, càng vùng vẫy lông càng bị dính vào keo, không thể nào chạy thoát được.

Có người cho rằng vì “chuột số" quá đông, lại sinh sản mau lẹ như dân số Hoa Lục, nên dùng bẫy, dùng bả dù có hiệu nghiệm nhưng vẫn không trừ chúng được. Cách hay nhất là dùng chuột trừ chuột. Chỉ cần bắt sống một con chuột rồi dùng kim chỉ may đít nó lại rồi thả ra. Con chuột này vẫn sinh sống, gặm nhấm như thường. Nhưng ăn vào rồi mà không cho ra được vì đít đã bị may kín, chuột bị bí, lâu ngày đâm ra tức tối, nổi khùng, râu ria dựng đứng như râu Trương Phi, mắt lồi ra như mắt mấy tên cán ngố công an, hải quan thò lõ rình rập dân lành. Con chuột khùng này bạ đâu cắn đó, xơi cả bà con giòng họ khiến những con chuột khác sợ hãi phải bỏ nhà di tản hết.

Hiện nay trong đảng Cộng Sản Việt Nam cũng có nhiều con chuột khùng bị may đít đang cắn xé đồng bọn, chắc chẳng còn bao lâu nữa, đảng cướp này cũng sẽ bị phá sản, tan nát.

Còn một loại "bả" nữa cũng rất hiệu nghiệm đối với loại chuột răng hô, mặt đỏ, đang ẩn núp trong hang hốc Củ Chi, Xuyên Mộc…rình gặm nhấm khố rách dân Việt Nam. Những con chuột Cộng Sản này quen chui rúc trong địa đạo nên rất khôn lanh, giảo quyệt.

Ngoài miệng, chúng ra rả bài ca yêu nước thương nòi, nịnh nọt “khúc ruột ngoài ngàn dặm” để kiếm đô la, nhưng con nào cũng như con nấy chuyên nghề buôn dân bán nước, làm bồi bếp cho ngoại bang. Trước đây, những con chuột cống lang này đã từng cam tâm gọi Mác, Lê là ông tổ, Stalin là ông Mao Xếnh Xáng là cha, nay chúng lại quay đầu bái lạy Hoa Kỳ làm thầy.

Nhưng con cháu chú Sam cũng chẳng phải tay vừa, đang dùng “bả xanh” để giết dần mòn bọn chuột vong bản này. Với đô la đầy túi, từ vô sản chuyên chính, bầy chuột Cộng Sản Việt Nam trở thành chuột tư bản đỏ, sống phè phỡn trên xương máu của dân lành, chịu làm bất cứ điều gì mà ông chủ chi tiền Hoa Kỳ muốn. Kết quả chỉ dân lành Việt Nam bị thiệt thòi hy sinh xương máu. Nhưng chỉ vài ba năm nữa, khi bả "đô la" Mẽo như sinh tử phù đã thấm vào tim óc, chắc chúng sẽ chết mất xác.

Chúng ta đã bàn qua những chuyện chuột gây phiền phức cho người bằng cách bạ gì cũng nhai, cũng nhấm. Bây giờ nói đến chuyện chuột bị người nhậu cho có luân hồi nhân quả, có qua có lại, mới toại lòng nhau.

Khi nói tới vụ ăn thịt chuột, nhiều vị thuộc phái đẹp sẽ cố nhăn cái mũi dọc dừa độn cục sụn tổ bố hay nhíu đôi mày đã được xâm xia cẩn thận để khỏi phải mất công vẽ thành “mày ngài”, rồi chu chéo lên rằng: "Eo ơi, sợ quá! Giám đớp cả chuột cơ à?”. Đúng vậy, thưa quí vị “liền bà con gái”. Trời sinh ra, cái gì biết nhúc nhích cục cựa hay được gọi là “con”, đều ăn được, đôi khi cả “cái” cũng “eat” luôn, mà lại ăn rất ngon và khoái khẩu nữa là khác.

Riêng chuột là một món mồi được dân nhậu ưa thích không thua gì mục “cờ tây”. Dân sành ăn kháo nhau rằng nếu chưa nếm mùi thịt chuột, kể như thần khẩu chưa được phục vụ đúng mức.
Những sách vở viết về tù binh chiến tranh Mỹ kể rằng trong các trại Việt Cộng giam tù chiến tranh nổi tiếng như “Hanoi Hilton” (Hỏa Lò Hà Nội), “The Zoo” (Vườn Bách Thú) thường có rất nhiều chuột. Nhiều đến nỗi chuột chạy ngờ ngờ, leo lên cả người nằm ngủ gặm ngón chân. Đây là những con chuột cống lang dơ dáy chui ra từ ống cống hay lỗ hầm cầu.

Bọn Cộng Sản rất tàn ác, hành hạ tù binh bằng đủ mọi cách, kể cả kế hoạch “đói ăn” khiến thể xác và tinh thần kiệt quệ phải nghe lời chúng vô điều kiện. Vì quá đói, lại ăn thiếu chất tươi nên chuột và dán là những món ăn phụ trội rất được tù binh Hoa Kỳ ưa thích. Những tù binh này chế ra nhiều loại bẫy chuột thần sầu khiến con nào ló ra là chỉ còn một đường duy nhất là chạy vào bao tử của họ! Trong các trại giam tù cải tạo sau này, chuột cũng là một món ăn thông dụng của đám tù nhân đói ăn, thiếu dinh dưỡng.

Tuy nhiên, phải kiếm những con chuột cống lang lở để ăn trong tù chỉ là điều bất đắc dĩ vì quá đói. Thật ra, chuột cùng với rùa, rắn, lươn, ếch và chim là những món ăn rất thông dụng của dân miền Nam vùng Hậu Giang, Lục Tỉnh. Vào mùa lúa hay lúc nước nổi, tại các chợ vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ, Cao Lãnh… thường có bán rất nhiều chuột đã được lột da, làm sẵn. Đây không phải là loại chuột cống nhà to con, mà là những con chuột đồng sống bằng lúa gạo, nhỏ chỉ bằng nửa cườm tay, thịt trắng như thịt gà.

Dân miền Nam thường dùng ký để cân cá, tôm, rùa, rắn, nhưng chuột lại được bán từng chục... mười hai. Dạo trước năm 1975, chúng tôi có nhiều dịp qua lại vùng An Long, Phước Xuyên thuộc tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh) và vùng Cái Sắn (Long Xuyên), thấy dân quê mua bán hàng rổ chuột đồng cùng với rắn bông súng và chim mỏ nhác ngoài chợ. Vào mùa nước nổi, hang bị nước ngập nên chuột và rắn phải leo lên những cây tràm thấp trong vùng Đồng Tháp Mười. Dân quê chống xuồng vào những vùng nước ngập, dùng gậy đập chuột hay rắn rơi xuống xuồng.

Chuột mua ở chợ về được ướp sả ớt rồi chiên rất thơm hoặc bầm nhỏ cũng xào sả ớt xúc với bánh tráng nướng. Đây là những món nhậu rất thông dụng và rẻ tiền của dân quê. Vùng Long Xuyên, Vĩnh Long, Cần Thơ có nhiều ruộng lúa, nông dân hay đốt rơm hun khói hoặc đổ nước vào hang chuột ngoài đồng. Chuột mẹ chuột con bị ngợp khói, ngợp nước theo nhau bò ra bị bắt từng bầy. Ngoài ra, chó cũng được dùng để săn bắt chuột. Giống chó Phú Quốc của Việt Nam tuy nhỏ con nhưng nổi tiếng trên thế giới vì can đảm và mũi thính, săn chuột rất tài.

Nói tới thịt chuột, xin được phép tản mạn dài dòng thêm về món nhậu khoái khẩu này cho đã thèm. Tương tự như trước đây, “cờ tây” là món ăn đặc thù của dân quê miền Bắc, khoản “chuột đồng” là mồi nhậu không thể thiếu trong các buổi thù tạc của đồng bào miền Nam. Nhưng từ khi có cuộc di cư năm 1954, “cờ tây” đã được người Bắc nhập cảng vào miền Nam trở thành mồi nhậu thông dụng; cũng như sau này, món thịt chuột từ trong Nam lại được xuất cảng ra ngoài Bắc nên hiện nay, “cờ tây” và chuột chung sống đề huề trên toàn cõi Viêt Nam cũng như giá sống và rau muống. Chuột An Giang và Đồng Tháp, khỏi phải nói, ai cũng biết là nổi tiếng ngon nhất miền Nam nước Việt

Nhiều người gọi chuột đồng là “đặc sản của miền Tây” quả thật không ngoa. Trên khắp miệt ruộng vườn sông rạch ở miền này, chuột đồng chiếm tỷ lệ cao nhất và nhiều nhất so với các loại chuột khác. Nguồn thức ăn chính của chuột là lúa, gạo cùng hoa màu theo các mùa sản xuất của bà con nông dân. Chuột đồng ở miền Tây có 2 loại: chuột cơm và chuột cống nhum. Chuột cơm nhỏ con trọng lượng chừng 4 tới 5 con một ký, có lông màu vàng, đượm màu lúa chín. Chuột cống nhum, lớn con lông đen trọng lượng gấp 3- 4 lần chuột cơm đồng.

Hằng năm, từ tháng 10 đến sa mưa (tháng 3 âm lịch) là mùa chuột đồng kiếm được nguồn thức ăn dồi dào nhất nên con nào cũng ú tròn, lông mượt vàng, cũng là mùa dân ruộng săn chuột đồng. Tháng chạp vào thu hoạch lúa mùa thường niên, dân gặt dùng cách cắt lúa xoay cù, rồi bao lưới ví bắt chuột. Khi đồng khô, dẫn chó đi đào hang săn bắt. Những đêm trăng sáng, trai tráng trong xóm rủ nhau ra bưng, lung, đìa (nơi có nhiều cỏ rậm rạp) giậm cù, đặt xà-di bắt chuột. Thời bây giờ, khi đồng ruộng tăng vụ sản xuất, ngoài cách đơn giản là làm rập đất, rập lồng để bẫy chuột, người ta còn chế ra cách chất chà, đấp ụ đất để nhử bắt chuột.

Chuột nướng là món ăn dễ làm và thông dụng nhất. Người ta chọn chuột phải còn sống, mập (nhiều mỡ). Sau khi giết, phủ rơm lên thui lông chuột (rơm vừa đủ thui trụi lông và phải là rơm khô, thịt mới giữ mùi); sau đó cời than ra và cắt đầu, lột da, bóc bỏ bộ lòng (chỉ chừa gan). Móc bỏ bộ phận bài tiết và hạch ở bẹn của hai đùi sau và rửa sạch (phải làm thật kỹ, nếu không thịt sẽ khai và hôi mùi chuột). Dùng tre hoặc trúc chẻ que làm gắp nướng. Dưới sức nóng của than củi, thớ thịt chuột sẽ tươm mỡ, cháy xèo xèo bay mùi thơm khắp xóm!

Thịt chuột là món ăn “khoái khẩu” của người miền Tây Nam Phần hay bất cứ ai khác nếu có dịp thưởng thức một lần. Mùa chuột bà con nông dân thường xuyên tổ chức những buổi đi săn bắt chuột, trước là cải thiện bữa cơm gia đình sau “chiêu đãi bạn hiền” nhằm giới thiệu món ngon miệt đồng, cũng là cách làm giảm bớt chuột nhằm bảo vệ mùa màng. Bà con ta thường tổ chức những cuộc săn chuột theo mùa, khởi đầu mùa săn bắt chuột là giữa vụ lúa đông xuân, cây lúa làm đòng, rồi đến lúa ngậm sữa và đến khi lúa trổ đều, chín vàng, thu hoạch…

Những thời điểm này chuột tăng trưởng nhanh vì có nhiều thức ăn như cua ốc, tép, cá, cây lúa non rồi hạt lúa già rơi vãi trên đồng nên con nào con nấy béo mập, no tròn, thịt mềm và nhiều mỡ. Nhưng có lẽ thú vị nhất trong mùa săn bắt chuột đồng phải kể đến thời điểm bà con nông dân cắt lúa trên ruộng, người cắt lúa sẽ cắt “bao cù” tạo thành những vòng tròn rồi đào những hang sâu nhỏ, bên trên tạo thành những đống lúa sập giả mà thực tế đây là những “chiếc bẫy hữu hiệu” để người bắt cứ thò tay tóm hết con này đến con khác, có khi đến vài chục hay vài trăm con. Ngoài ra để “ăn trọn” người ta còn dùng lưới bao trùm bên ngoài để chuột không chạy thoát, sau đó 1 hoặc 2 người chui vào bên trong bắt chuột.

Xin kể thêm vài món ăn chế biến từ chuột: Món thứ nhất là chuột nướng chao, chuột săn về đem thui lột da, bỏ hết xạ quanh cổ, bên nách háng, bộ lòng (chừa gan), răng và 4 bàn chân. Dùng ngũ vị hương, tiêu, ớt, sả, đường, bột ngọt ướp cho ngấm vào thịt. Độ 10 phút nướng chuột trên lửa than hồng. Chao bóp nhuyễn trộn ít mỡ heo phết từ từ lên mình chuột, trở đi trở lại khi chuột chín vàng, giòn rụm là được. Món kế tiếp là món thịt chuột xào lăn. Sau khi làm sạch, chuột sẽ được chặt thành 4 hay 6 miếng (chuột lớn hay nhỏ). Ướp cà ri, ngũ vị hương, sả, ớt. Bắc chảo mỡ, phi hành tỏi rồi đổ thịt vào xào. Thịt vừa chín tới, rưới nước cốt dừa, gạt bớt lửa cho nước dừa rút đều vào thịt. Ăn nóng kèm với rau thơm chuối cây xắt mỏng.

Món thứ ba không kém phần đặc sắc và hấp dẫn, đó là món thịt chuột bằm nhuyễn xào khô trộn lá cách, dùng với bánh đa (bánh tráng nướng). Chuột làm xong để ráo đem bằm nhuyễn, ướp cà ri, tỏi, sả, đậu phộng rang vàng đâm nhỏ, gia vị vừa ăn. Khử mỡ hành, tỏi, cho thịt chuột vào xào khô, khi chín cho lá cách xắt nhuyễn vào trộn đều nhắc xuống bày ra dĩa ăn nóng, dùng bánh tráng nướng xúc, cho vào miệng nhai từ từ để tất cả hòa quyện với nhau.

Ngày nay, thịt chuột “lên đời” tại Việt Nam, điển hình "xóm chuột" Xẻo Vông nằm trên giải đất hẹp, kẹp giữa quốc lộ 1 và sông Phụng Hiệp, lúc nào cũng đông đúc, huyên náo. Xẻo Vông chỉ có 14 nhà chuyên nghề thịt chuột nhưng thu hút nhiều lao động ở quanh vùng tham gia. Từ sáng sớm đã những người chuyên đi gom chuột trở dậy, đón xe đò về Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Ở dưới đó, các đầu nậu đã đợi sẵn với những chiếc lồng kẽm đầy ắp họ hàng nhà tý mỗi lồng chứa 400- 500 con chuột. Sau khi vét qua một lượt, chuột được đưa lên xe chuyển về đến “lò sát sinh” Xẻo Vông khoảng buổi chiều.

Theo giới chuyên môn, làm thịt chuột cứ theo từng giai đoạn: chặt đầu, lột da, mổ bụng, ướp nước đá, phần việc của ai người nấy lo. Người chặt đầu, chân, đuôi phải cần có dao lớn, bén và người có sức khoẻ kẻ lột da thì chỉ cần đôi tay khéo léo, riêng giai đoạn mổ bụng thì phải dùng dao nhọn mũi. Trung bình, nếu một người làm từ đầu đến cuối thì mất khoảng 1 phút xong một con chuột. Nhưng làm theo “dây chuyền", cứ 1 người chặt đầu thì có 3 người lột da, 3 người mổ bụng, trong vòng 1 phút cho ra được 10 con chuột đúng tiêu chuẩn.

Một chủ lò chuyên nghề thịt chuột cho biết, vào mùa cao điểm, có thể sản xuất được vài ngàn con chuột mỗi ngày. Thông thường, chuột sống được thu gom với giá từ 2.500 đồng đến 5.500 đồng/kg tùy thời điểm, chuột thành phẩm bán ra với giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg tùy loại. Ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng mỗi đêm, một người có thể kiếm được 200 - 300 ký chuột sống.

Thông thường các loài động vật “hoang dã” như con dông, thằn lằn núi, chim hay chuột thì người chế biến không dùng nước để rửa; nếu có thì chỉ rửa con vật trước khi làm thịt, cạo lông. Ban đầu thui cho sạch lông, cạo và mổ loại bỏ toàn bộ lòng, đầu, những bộ phận nhỏ, rồi ướp. Do vậy người chế biến phải thật khéo tay, nhất là ở toán… mổ. Thịt chuột đồng có thể chế biến thành 4 món khác nhau: nướng, rô ti, xào với củ hành và bằm xúc bánh tráng. Riêng món nướng, có nơi nướng ngũ vị, có nơi chỉ thuần ướp với muối ớt rồi đem nướng; mùi thơm khi nướng xông lên, chẳng thua kém gì các loại thịt khác.

Tại Việt Nam hiện nay, có những quán trương bảng “Chuột đồng Đồng Tháp”, phía dưới là cái lò than lớn, những vỉ kẹp hoặc cái xiên xâu thịt chuột, quay trên ngọn lửa hồng trông thật hấp dẫn và bắt mắt. Thịt chuột có thể ăn với sà lách xoong, cà chua hay hành tây, hành lá với giá từ 10.000 - 20.000 đồng một con, tùy món.
Chuột xương mềm, thịt trắng, thơm như thịt gà nên được văn hoa gọi là “gà đồng”. Thịt chuột được chế biến thành nhiều món khác nhau, nhưng phổ cập nhất vẫn là… “thử” luộc. Thịt luộc xong phải ướp bằng lá chanh khoảng vài tiếng đồng hồ. Khi ăn thì chặt bỏ thủ, bỏ cẳng rồi chấm với muối tiêu, chanh ớt. Muốn cầu kỳ và ngon hơn nữa thì có thể đặt lá chuối lên tấm ván cho “thử” vào ép chặt (giống như ép bánh chưng) khoảng một buổi. Lúc đó thịt sẽ chắc lại và ăn ngon hơn.

Món chuột nấu giả cầy cũng rất hay, được nhiều người thưởng thức, vì nó dễ làm, dễ ăn. Công đoạn chế biến chẳng khác gì so với làm bằng thịt lợn, thịt cầy. Chả chuột là món mà giới bợm nhậu cũng rất thích. Thịt chuột được làm sạch và nhúng qua nước sôi, sau đó băm nhỏ cả xương (vì xương “thử” rất mềm). Trước khi cho vào vỉ nướng hoặc rán, thịt phải được ướp đẫm gia vị, chanh, răm, ớt, nghệ, mì chính.

Bên cạnh đó, còn có mấy món thịt chuột có thể làm để ăn dần. Thứ nhất là món “giò chuột”. Thịt được làm sạch, bỏ thủ, cẳng, ướp gia vị, lá chanh, tiêu muối, rồi thái hạt lựu trộn với mộc nhĩ, nấm hương bó chặt vào ống tre luộc lên và để ăn dần. Thứ hai là món “chuột nấu đông”. Do thịt chuột béo nên nấu đông rất nhanh đặc, lúc ăn lại giòn. Thịt thái miếng vừa phải, nên thêm gia vị và nấu kỹ cùng với bì lợn, mộc nhĩ, nấm hương… Ngoài ra còn món chuột ưóp tiêu ớt phơi khô.

Muốn ăn chuột nướng, cần có rau răm để xoá mùi tanh, làm đậm mùi thơm của thịt. Có thể thêm chuối chát, khế và các loại rau mùi khác. Tuy nhiên, không thể thiếu xoài sống: xoài cắt lát để ăn kèm với thịt. Bằm nhuyễn một ít xoài cho vào nước mắm trong, loại ngon, thêm một chút ớt cay để làm nước chấm.

Đặc biệt còn có món Chuột đồng quay lu tương tự “bò nuớng ngói”. Chuột vặt lông, để lại da (quay mới ngon), ướp gia vị (bí mật), sau đó đem quay trong lu khạp. Lu này dân miền quê còn gọi là mái đầm hay lu “ba vú”. Gần miệng lu nòng vành sắt; các móc sắt có hai đầu, một đầu để móc vào miệng lu, đầu còn lại để móc chuột đã làm sạch; dưới đáy lu khoét một lỗ khoảng cái bát, thông ra ngoài nền đất âm để bỏ than đước vào nướng. Mỗi lu có thể quay một mẻ khoảng 15 con chuột. Sau nửa giờ, giở nắp lu ra trở bề con chuột và đậy nắp lu lại, khoảng 20 phút thì lấy chuột ra, thoa mỡ lên cho da chuột bóng mướt, vàng ươm.

Chuột quay ăn rất béo, chấm muối tiêu chanh ăn cùng với rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo mới đúng điệu… Ăn thịt chuột quay mà đưa cay với vài ly đế thì tuyệt vời!

Trên đây là món thịt chuột của giới bình dân Việt Nam, nhưng nếu cho rằng chỉ dân nghèo mới ăn thịt chuột, sợ rằng không đúng. Trong lịch sử sách vở ghi lại đàng hoàng, có một bữa tiệc thịt chuột vô tiền khoáng hậu của các bậc vua chúa rất nổi tiếng. Đó là bữa tiệc của Từ Hi Thái Hậu đời nhà Thanh bên Tàu khoản đãi sứ thần bát quốc Tây Phương.

Sử nhà Thanh chép rằng trong cuộc Nha Phiến Chiến Tranh vào thế kỷ thứ 19, có tám quốc gia Tây Phương tranh nhau xâu xé Trung Hoa, chiếm đất lập thành tô giới có luật lệ riêng như lãnh thổ của quốc gia mình. Đã chiếm được đất, "bát quốc" còn cậy thế mạnh, ức hiếp, đòi hỏi người Tầu nhượng bộ đủ điều. Tuy bị áp bức, nhưng vì quá yếu kém, lại bị thuốc phiện đầu độc nên triều đình nhà Thanh chẳng những không giám chống lại mà còn phải chiều chuộng kẻ xâm lăng để cho yên chuyện.

Có lần, Từ Hi Thái Hậu tổ chức một bữa tệc có một không hai trong lịch sử để khoản đãi sứ thần tám nước. Bữa tiệc kéo dài nhiều ngày, ăn không ngưng nghỉ. Thực đơn ngoài sơn hào hải vị thông thường, còn có những món ăn đặc biệt như óc khỉ và chuột bao tử. Chuột dùng làm món ăn độc đáo này được nuôi toàn bằng nhân sâm từ đời cha, con, cháu chắt... qua hàng chục thế hệ. Đến đời chót chút chít chụt chịt vừa mới đẻ ra, chuột mất hết lông, chỉ còn là một cục thịt đỏ hỏn như củ nhân sâm nhỏ bằng ngón tay cái biết ngọ nguậy, gọi là chuột bao tử. Khi dọn lên đãi thực khách, chuột được để trên mâm vàng, mỗi người nhón một con. Lúc ăn, khách cho chuột vào miệng, dùng móng tay bấm vào đuôi khiến chuột đau, chui tọt vào dạ dầy!

Nghe nói sau bữa tiệc độc đáo gồm toàn món cầu kỳ, bổ dưỡng con tì con vị này, bà sứ thần Hòa Lan tuy đã gần lục tuần nhưng lúc đó vẫn chưa có con, đã hứng chí lên tinh thần, chăm chỉ cùng chồng làm ăn cầy sâu cuốc bẫm nên thụ thai sinh đôi.

Ngoài món thịt chuột, trong số thực phẩm rau quả thường dùng hàng ngày, còn có trái dưa chuột, tương tự như dưa leo nhưng nhỏ hơn với cái cuống nhỏ, dài như đuôi chuột. Dưa chuột là một món ăn thông dụng cùng với rau sống. Dưa chuột non có thể dùng làm chua hay nộm. Ngoài lợi ích dinh dưỡng, dưa chuột còn có khả năng chữa bệnh hay làm đẹp cho các bà các cô. Dưa chuột tính hàn, vị ngọt, ít độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, mát da thịt, lợi tiểu, chữa phù thũng, sưng trướng, kiết lỵ do nhiệt, đau bụng do ruột bị kích thích và dưỡng da.

Dưa chuột có lượng calcium cao nên có tác dụng tốt đối với trẻ em chậm lớn. Tuy nhiên, người huyết áp cao không nên dùng vì nó rất lợi tiểu. Dưa chuột cũng không thích hợp với những người tỳ vị hư hàn (nhất là trẻ em), thận hư yếu. Dưa chuột có thể dùng để:

- Chữa Phỏng Lửa: Để da không bị rát và rộp, có thể lấy hai quả dưa chuột, thái nhỏ, giã nhuyễn, vắt lấy nước rồi đắp vào chỗ bỏng, đợi khô lại đắp tiếp bã dưa chuột vào.

- Chữa phù thũng, bụng trướng: Dưa chuột 150-200 g, thái nhỏ, cho một bát dấm nuôi vào nấu vừa sôi, ăn điểm tâm cả nước lẫn cái, có tác dụng lợi tiểu.

- Chữa trẻ đi lỵ mùa nắng: Dưa chuột non 1 kg, rửa sạch, thái nhỏ, đổ mật mía vào xâm xấp, nấu sôi trong 10 phút, ăn nhiều lần trong 1- 2 ngày.

- Chữa ngộ độc thức ăn: Lá dưa chuột 100 g, giã nhuyễn, vắt lấy nước uống, có tác dụng gây nôn để tống chất độc ra ngoài.

- Chữa chứng nấm ngoài da: Dưa chuột 1 quả, thái nhỏ, giã nhuyễn, đắp cả nước lẫn cái lên chỗ da bị nấm 20 phút, mỗi ngày làm 1 lần, liên tục cho đến khi khỏi (rửa sạch và lau khô chỗ da bị nấm trước khi đắp).

- Bổ tỳ vị, kích thích tiêu hóa: Dưa chuột xào chua ngọt với thịt lợn, tôm tươi, cà chua, hành tây. Món ăn này có tác dụng bổ tỳ vị, kích thích tiêu hóa, ăn biết ngon.

- Thanh nhiệt, lợi tiểu, trị mắt đỏ: Dùng dưa chuột trộn gỏi, làm nộm với cà rốt, tôm tươi, thịt nạc, vừng rang, lạc.

- Hỗ trợ chữa sốt: Khi dùng thuốc chữa sốt, nên lấy nước ép từ trái dưa chuột làm nước giải khát, có tác dụng hỗ trợ trong việc làm hạ thân nhiệt.

Sau đây là một số phương cách làm đẹp bằng dưa chuột:

- Trị da nhờn: Dưa chuột 1 quả thái lát, nấu với 0,5 lít nước trong 10 phút. Dùng nước này rửa mặt hằng ngày khi còn ấm.

- Trị nếp nhăn trên da: Dưa chuột cắt từng khoanh mỏng, đắp lên vùng da nhăn mỗi ngày khoảng 20 phút, vào buổi tối trước khi đi ngủ.

- Trị tàn hương: Dưa chuột thái mỏng, ngâm trong sữa bò tươi khoảng 20 phút rồi lấy nước cốt bôi lên vùng tàn hương, sau 30 phút rửa sạch bằng nước ấm.

- Dưỡng da mặt: Dưa chuột 200 g, rửa sạch, băm nhỏ, hạnh nhân 50 g, rửa sạch, giã nhỏ. Hai thứ trộn lẫn, đun sôi trong 5 phút, để nguội rồi dùng vải mỏng lọc lấy nước, thêm vào 200 ml cồn 90 độ và 1g tinh dầu hoa hồng. Bôi dung dịch này lên mặt trong khoảng 10 phút rồi rửa lại bằng nước ấm.

IV. SỐ MẠNG TRONG NĂM.

Sau khi chè chén món thịt chuột no say, theo đúng truyền thống cao đẹp của năm mới, kính mời qúi vị cùng đi xin xăm, hái lộc hay xem bói tại những đền chùa linh thiêng như Chùa Quán Sứ, Lăng Ông Bà Chiểu, Tháp Bà tại cầu Hà Ra Nha Trang... để biết vận số hên xui trong năm sắp tới. Theo sách vở bí truyền chưa bao giờ được viết hay xuất bản của các sư tổ chuyên sờ mu... rùa, vận số con người gắn liền với đặc tính của con giáp làm chủ trong năm.

Chẳng hạn như trong triều đại vua Heo ngự trì dương trần vừa qua, các bà các cô đã được ăn no ngủ kỹ nên phốp pháp, thỗn thệnh, tròn trĩnh, mát mẻ, dễ thương như chị heo... nái. Còn các bậc yêng hùng đực rựa cũng được dịp trổ tài "heo nọc" và sắm tuồng con heo bằng thích. Vậy năm con chuột tý này, vận mạng của chúng ta ra sao?

Trước hết, phải nói tới các bà, các cô như theo đúng truyền thống "lady and children first" cao đẹp của dân Hai... Quần. Chúng ta đã biết trong động vật học, chuột được xếp vào loài có vú với bộ lông mềm. Cổ nhân ta lại có câu phương ngôn “Đàn ông không râu bất nghì, đàn bà "vu khống" lấy gì nuôi con?". Chỉ riêng hai chỉ dấu “vu khống" và lông mềm này đã cho ta thấy các bà các cô tuy sợ chuột, nhưng lại cầm tinh con vật rất khôn lanh này. Đến kỹ thuật gặm nhấm như tầm ăn dâu cũng tương đương khiến sự so sánh trên lại càng hợp lý.

Đọc tới đây, có thể một số những con mèo móng đỏ sẽ xắn váy quai cồng, nhẩy lên đong đỏng, xỉa xói, phản đối rằng thì là so sánh chuột với đờn bà là không đúng, là trật sách vở vì cái thực thế phũ phàng: chuột có râu, còn phái nữ nhiều lắm cũng chỉ có lông... mép thôi. Ngược lại, chỉ có đờn ông mới bị xếp vào hàng có "râu cùng ria nó chìa ra mép"? Chuột cống, chuột chít, chuột nhắt... dù to hay nhỏ, con nào cũng có râu, vậy phải so sánh chuột với phái đực rựa mới đúng. Nói như vậy cũng có lý vì hợp với câu “nam tu, nữ nhũ”. Nhưng nếu xét cho kỹ, đàn bà cũng thuộc loại có... râu, có điều là râu mọc lộn ở chỗ hơi khác.

Bằng chứng là sách vở “Tư Bản Luận" của tổ sư Cộng Sản Karl Marx có ghi chép cẩn thận, đàng hoàng rằng râu đàn ông mọc ở chỗ phe ta trìu mến gọi là cụ Hồ, thường được thân ái lôi đầu ra hỏi thăm sức khỏe mỗi tối trước khi đi ngủ hay buổi sáng khi mắt nhắm mắt mở, vừa bước xuống giường. Về phần phái nữ, Tư Bản Luận mô tả là “mặt Fidel Castro”, mỗi khi anh đần ông tốt số nào trông thấy đều phải gật đầu quì gối "kính cụ” tới nơi tới chốn mới được thông qua.

Vậy trong năm con chuột... chí này, vận mệnh các bà các cô sẽ may rủi ra sao? Năm nay, quí vị liền bà con gái sẽ được shopping thả giàn, ăn xài phủ phê, sung sướng như "chuột sa hũ nếp" tha hồ phè phỡn. Hậu quả không lành được dành cả cho các đấng phu quân có quyền được cầy thả ga, đầu tắt mặt tối để phục vụ quí phu nhân.

Đối với các con mèo móng đỏ cao số mãi đến bây giờ vẫn chưa thèm vồ kẻ "đồng hội đồng sàng", năm nay là cơ hội số một để chơi trò “mèo vờn chuột", tha hồ lựa chọn và hành hạ bằng thích bọn đàn ông khốn khổ như con mèo mướp trong “O Chuột”. Tuy nhiên, các bà các cô còn phòng không chiếc bóng này cũng nên coi chừng, vì chơi dao có ngày gặp dao. Vờn mãi, chơi mãi nếu chẳng may vớ phải con chuột cống... lang dữ dằn, có thể sẽ bị nó chơi lại, đến mèo cũng phải chạy.

Còn đối với mấy anh đực rựa thì sao? Chẳng cần phải nói nhiều, cứ nhìn qua những cái "hên” của phái đối nghịch thì rõ. Không khá được. "Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” năm con Heo vừa qua, quí cụ đã tha hồ ủn ỉn làm trò con Heo thả giàn rồi, đến năm con chuột này sẽ phải trả quả.

Nhưng nhìn chung, năm chuột lại đưa đến khá nhiều vận may cho mọi người. Các cụ ta thường nói, những điểm báo hiệu may mắn được xếp hạng như sau: "Thứ nhất đom đóm vào nhà, thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn". Chuột rúc được coi là điềm hên cũng như các vị đệ tử thần đổ bác hay ngao du Las Vegas, Reno, Atlantic City hoặc các sòng bài nổi, thường cố tìm cho được cái mật chuột lận lưng khi lâm trận. Mật chuột còn quí hơn nhau mèo vì nhau mèo chỉ giúp cho hên bài.

Theo bí kíp cờ bịch của thần đổ bác, nếu lấy được mật chuột bôi vào mắt, mắt sẽ sáng rỡ như máy rọi quang tuyến XYZ hay MRI, khiến coi được cả bài tẩy của đối thủ. Tuy nhiên, cũng như nhau mèo, mật chuột rất khó kiếm. Mèo thường ăn mất nhau khi đẻ, còn chuột khi bị bắt, sợ hãi đến nỗi tiêu cả mật nên còn đâu để cho các vị ham cờ bịch lấy để bôi vào mắt?

Các vị thầy bói sáng mắt cho biết về mặt số mạng tổng quát, người tuổi Tý bộc trực, thành thật, song cách ứng xử, lời nói làm mọi người xung quanh luôn có cảm giác đó là người cẩn thận, chặt chẽ. Người sinh tuổi Tý nỗ lực làm việc, sống tiết kiệm, trầm mặc ít lời, nhưng cũng dễ bị chọc tức, song họ thích kết bạn, hội hè, giao thiệp.

Phụ nữ tuổi này luôn chi ly, tiết kiệm, đôi lúc là hà tiện, không ưa những kẻ lười biếng và hoang phí. Đương nhiên là với những gì thật sự cần thiết thì họ cũng không tiếc tiền để mua. Họ luôn giữ gìn những bí mật của mình, nhưng nếu là bí mật của người khác thì họ không tiếc công tìm tòi.

Người tuổi Tý cũng hết sức kiềm chế, không biểu lộ tình cảm ra ngoài. Họ thích phê phán, châm biếm, khi mua bán thì thích mặc cả. Trí nhớ tốt, cộng với khả năng tìm tòi, sáng tạo, tuỳ cơ ứng biến cao, trực giác bén nhạy, tầm nhìn tốt, kèm thêm năng khiếu kinh doanh giúp họ dễ gặt hái nhiều thành công. Đồng thời, họ chỉ coi khó khăn như một nhân tố giúp họ truởng thành hơn. Điểm yếu là quá tham công tiếc việc. Tuy nhiên, vì là người thận trọng, họ thường chọn những dự án ít mạo hiểm nhất.

Riêng trong năm nay, nhờ một số kiết tinh chiếu Mệnh, vận khí của người tuổi Tý rất hanh thông, gặp nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp, nếu biết nắm thời cơ và nỗ lực tối đa thì thành quả rất lớn. Công việc và chuyện làm ăn năm nay tuy có rắc rối, tranh chấp nhân sự, nhưng nếu quan tâm giàn xếp thì không đáng ngại. Mặt khác, trong công việc, cần xác đĩnh rõ mục tiêu rồi hãy hành động để khỏi tốn thời giờ, công sức. Tài vận sáng sủa, thu nhập khá, lại có hoạnh tài, hy vọng gặp mối lợi bất ngờ.

Tuy nhiên, khoảng giữa mùa hè coi chừng bị trộm cướp. Hùn hạp, đầu tư cũng thuận lợi, nhưng chỉ nên ở mức vừa phải, tránh tham lam. Sức khỏe xấu tốt lẫn lộn, cần chú ý chăm sóc sức khỏe và cách ăn uống kẻo bệnh tòng khẩu nhập. Tình cảm vợ chồng tốt đẹp, độc thân có bạn thì được hưởng hạnh phúc tình yêu. Trong xã giao cũng thâu được thiện cảm của mọi người, nên mở rộng giao tế, có lợi cho công việc.

Về mặt sự nghiệp, kiết tinh Tướng Tinh trấn ở Mệnh cung, cho thấy năm nay là thời cơ để phát triển sự nghiệp, dù có gặp khó khăn trở ngại cũng vượt qua được dễ dàng, chẳng đáng lo. Tuy nhiên lại cũng có hung tinh Quan Phù chiếu Mệnh, nhắc nhở đề phòng gặp chuyện rắc rối với pháp luật, vì vậy chỉ nên làm ăn lương thiện, không nên dính dấp vô chuyện phi pháp.

Những tháng công việc và chuyện làm ăn thuận lợi nhất là Hai, Ba, Bảy, Mười, Chạp, lợi dụng vận tốt, nỗ lực hơn để có thành quả lớn hơn. Những tháng Tư, Năm, Tám, Mười Một, sự nghiệp bất lợi, thận trọng giải quyết những khó khăn.

Qua phần tài vận, năm nay Tài tinh cao chiếu, khiến tài vận hanh thông, thích hợp hùn hạp, đầu tư, mua bán món lớn (nhà, xe) sang nhượng mua bán cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên phải thận trọng giữ gìn của cải, tiền bạc, đừng để lộ ra ngoài. Những tháng tài vận hưng vượng là Hai, Ba, Bảy, Mười, Chạp. Những tháng Giêng, Năm, Tám, Mười Một, tài vận sa sút. Riêng tháng Tám đề phòng trộm cướp, thất thoát tiền bạc.

Sức khỏe người tuổi Tý năm nay không ổn định, lên xuống thất thường, cần chăm sóc tốt, dinh dưỡng đầy đủ, ngủ nhiều hơn, tránh để yếu trong mình, bệnh dễ xâm nhập. Ðặc biệt thân trọng chú ý việc ăn uống kẻo bệnh tòng khẩu nhập. Những tháng hay có bệnh lặt vặt là Giêng, Chín, Mười Một, Chạp. Riêng những tháng Ba và Sáu đặc biệt chú ý an toàn nhà cửa, ra ngoài đề phòng tai nạn giao thông.

Năm nay tuổi Tý có duyên với người khác phái, có gia đình thì hưởng hạnh phúc vợ chồng, có người tình thì như cá gặp nước, chưa có bạn cũng dễ gặp người hạp ý. Tuy nhiên, trong chuyện tình cảm cần tránh những lờn đồn đại thị phi bất lợi. Những tháng tình cảm thuận lợi là Hai, Ba, Sáu, Mười Chạp, nên vun bồi cho tình cảm càng thắm thiết hơn. Những tháng Tư, Năm, Tám, tình cảm dễ gặp chuyện rắc rối, cần bình tâm giải quyết.

Thanh niên tuổi Tý năm nay tinh thần minh mẫn, có óc sáng tạo, khiến việc học việc làm tiến triển khả quan, nên cố gắng hơn để có thành quả tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đừng quá ỷ y vào thành công mà lơ là công việc. Năm nay sức khỏe không tốt lắm, cần giữ gìn và chú ý việc ăn uống, vì dễ bị bệnh về đường tiêu hóa. Phụ nữ đã lập gia đình tình cảm rất tốt, được hưởng hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên cần chú ý đề phòng gặp chuyện rắc rối về mặt luật pháp. Tài vận khá, tiền bạc dồi dào, nhưng cần thận trọng đề phòng trộm cướp hoặc tiền bạc thất thoát. Phụ nữ độc thân năm nay bận rộn xã giao, giành được thiện cảm của người khác phái, có bạn thì được hưởng hạnh phúc tình yêu.

Tuổi Tý thường bị tuổi Sửu hấp dẫn - họ cho rằng đây là những người đáng tin cậy. Họ thấy người tuổi Thìn hoà nhã, hợp tác tốt với nguời tuổi Tỵ (dù tuổi Tỵ đa nghi hơn tuổi Tý. Người tuổi Tý có xung khắc với người tuổi Ngọ vì tuổi Ngọ có tính cô độc. Họ cũng không ưa tuổi Dậu vì tính thiếu thực tế. Sau đây là vận mạng cá biệt của từng tuổi Tý trong năm nay:

- Giáp Tý (sanh năm 1984): Năm nay tinh thần minh mẫn, giúp dễ thành công trong mọi việc, tuy nhiên đừng quá ỷ vào thành công mà lơ là sự nghiệp. Sinh hoạt tình cảm rất tốt đẹp, như cá gặp nước, được hưởng tình yêu nồng nàn dịu ngọt.

- Nhâm Tý (sanh năm 1972): Sự nghiệp phát triển rất thuận lợi, nên nắm thời cơ để cố gắng thêm, đạt thành quả lớn hơn. Tài vận cũng hanh thông, thích hợp hùn hạp, đầu tư, phát triển kinh doanh.

- Canh Tý (sanh năm 1960): Tài vận là lãnh vực tốt nhất năm nay. Tiền bạc dồi dào, hùn hạp, đầu tư có lợi, kinh doanh có lời. Tuy nhiên, nếu muốn thu lợi trong việc đầu tư thì nên xác định rõ mục tiêu đầu tư để khỏi mất thời giờ, lại hư việc.

- Mậu Tý (sanh năm 1948): Ðiều cần chú ý nhất trong năm nay là phải chú ý cải tiến quan hệ nhân sự, giải quyết tranh chấp trong công việc và chuyện làm ăn, chẳng nên gây thêm rắc rối bất lợi. Tài vận sáng sủa, hy vọng có hoạnh tài, gặp món lợi bất ngờ.

- Bính Tý (sanh năm 1936): Năm nay sức khỏe lên xuống bất thường, cần chú ý chăm sóc sức khỏe và cách ăn uống, kẻo yếu trong người, bệnh dễ xâm nhập. Mùa hè thận trọng coi chừng an toàn nhà cửa, đề phòng trộm cướp.

Tới đây, chúng ta đã lần luợt tìm hiểu tông tích họ hàng nhà chuột, điểm qua vai trò của chuột trong văn chương, cũng như về vùng Hậu Giang để mổ xẻ món thịt chuột rồi cuối cùng khi bụng đã no “trà dư tửu hậu” lại bàn ra tán vào về số mạng trong năm mới. Chuyến du xuân tưởng đã đủ dài, xin gửi qúi vị bài thơ “Xuân” của thi sĩ Trần Tế Xương coi như lời tạm biệt và cùng cám cảnh Tết tha hương nơi xứ lạ quê người. Thành thật kính chào và cám ơn qúi vị đã bớt thì giờ qúi báu duyệt qua bài phiếm luận dở (hay ngon) như thịt chuột quay sả ớt này.

“Xuân từ trong ấy mới ban ra,
Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà.
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột,
Om sòm trên vách, bức tranh gà.
Chí cha chí chát khua giầy dép,
Đen thủi đen thui cũng lượt là.
Dám hỏi những ai nơi cố quận,
Rằng Xuân Xuân mãi thế ru mà?”.


Kính chúc qúi vị năm mới Sức Khỏe Dồi Dào, An Khang Thịnh Vượng, Mọi Sự Như Ý và gia đình lúc nào cũng thuận hòa vui vẻ, rúc ra rúc rích như nhà chuột chí.

Cung Chúc Tân Xuân.
Trần Đỗ Cẩm.
Austin, Texas 12/2007.



Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh