Những Chiếc Xe hơi An-Toàn: Xe Bọc Thép.
Lê Chánh Thiêm
Từ thời thượng-cổ, con người đã có ý-tưởng làm nên chiếc xe tự chạy tới trước mà không cần sức người. Tuy vậy, mãi đến thời Phục-hưng mới được Leonard de Vince nêu ra. Và sau khi chiếc xe-hơi đầu tiên của nhân-loại ra đời, theo đà tiến-hóa của loài người, chiếc xe hơi đã được hoàn-thiện như ngày nay chúng ta thấy.
Thế rồi đến lúc những người có quyền cao chức trọng, những kẻ lắm tiền... thấy cần phải có phương-tiện bảo vệ tính-mạng của họ khi ra đường, những chiếc xe “an-toàn” xuất-hiện, đó là những chiếc xe bọc thép.
Nếu kể đến xe hơi an-toàn ngày nay, người ta nghĩ ngay đến chiếc Cadillac One, chiếc xe hơi dành riêng cho vị nguyên thủ Hoa Kỳ, chiếc xe có một lịch sử đáng chú ý, được kể trong bài liên-hệ bên trên.
Ban đầu, các nhà sản-xuất xe an-toàn đã chế nên những chiếc xe to lớn, nặng-nề do kỹ-thuật còn phôi-thai và dĩ-nhiên mắc tiền. Thời đó, loại xe nầy chỉ dành cho các vị nguyên-thủ quốc-gia, các yếu-nhân, các nhà tài-phiệt, mỗi lần chiếc xe nầy lăn bánh, người ta có thể nhận ra nó dễ-dàng.
Thời-gian trôi qua, với những tiến-bộ, các chiếc xe an-toàn ngày nay không giống như xưa: các kỹ-thuật tân-tiến được áp-dụng, chiếc xe an-toàn không khác gì chiếc xe bình thường nếu không có kiến-thức về xe-cộ hay có đọc tài-liệu về xe an-toàn. Hơn nữa, người xử-dụng ngày nay không muốn bị người khác để ý khi họ đi trên chiếc xe quá đặc-biệt để dễ bị nhận diện, vì vậy các nhà sản-xuất phải chạy theo thị-hiếu của khách hàng.
Các chiếc xe an-toàn ngày nay giá thành thấp hơn nên có đông khách hàng hơn, việc mua bán dễ-dàng, không có giới-hạn nào dành cho người xử-dụng. Ngoài các hãng sản-xuất xe an-toàn còn có các cơ-sở đảm nhiệm việc bọc thép các xe đã sản xuất trước, do vậy, số xe an-toàn ngày nay rất nhiều.
Trước kia, những nhà sản-xuất dấu kín kỹ-thuật sản xuất nhưng dần dần họ bị nhiều luật-lệ ràng buộc nên phải tiết-lộ phương-pháp chế-tạo, phải làm thế nào để được khách hàng tin-tưởng họ. Hơn nữa, sự cạnh-tranh là một lý do buộc các nhà sản-xuất phải trình-bày sản-phẩm của mình có đặc-điểm gì để người mua chọn lựa.
Từ việc bành-trướng sản-xuất đến việc phổ-thông hóa xe an-toàn, người ta thành-lập các ủy-ban giám-định, phân-loại xe an-toàn, ấn-định mức an-toàn thế nào và có các biện-pháp đối với các nhà sản-xuất nếu không đáp-ứng đúng theo tiêu-chuẩn chung đã được chấp-thuận.
Phân loại xe chống đạn theo sức công phá.
Khi số lượng xe an-toàn sản xuất nhiều, để bảo vệ khách hàng, người ta phân loại xe chống đạn. Các chuyên gia về xe an-toàn, xe chống đạn dựa trên cường-độ, tính-chất của cuộc tấn-công vào xe, họ chia mức bảo vệ (phân hạng) của xe chống đạn ra làm 7 cấp. Trong 4 cấp đầu, xe chỉ chống đỡ các cuộc tấn công của khủng bố thường, không chuyên nghiệp. Ba loại sau khá hơn, dành cho các yếu nhân hay dùng tại các nơi thường xuyên khủng bố. Để được xếp vào các hạng nầy, xe phải được qua các cuộc test tại các trung-tâm kiểm chứng vũ-khí.
Có 7 hạng của xe an-toàn như sau:
Loại VR 1: Xe thường, không trang bị phương tiện bảo vệ nào.
Loại VR 2: Có thể chống đạn ở mức tối thiểu: có thể đỡ 5 viên đạn cỡ 9 mm bắn từ súng ngắn cách 5 m nhắm vào một điểm trên vỏ xe. Từ loại 2 nầy đến loại 4 phải chịu đựng được các loại súng lục và súng ngắn bắn vào xe.
Loại VR 3: Ngoài khả năng như loại VR 2, còn có thể chống được các đầu đạn có lõi bằng thép.
Loại VR 4: Có thể chống được 3 viên đạn chuẫn nặng nhất thế giới cỡ nòng 45 của Mỹ, cách xa 3 m vào cùng một điểm.
Loại VR 5: Có thể chống lại 3 loạt súng M 16 cỡ nòng 5.56 mm của Mỹ, khoảng cách 10m. Từ loại nầy đến loại 7 phải chịu đựng được các loại súng trường với cường độ nhanh.
Loại VR 6: Có thể chịu được 3 loạt tiểu liên AK 47 nòng cỡ 7.62 mm, bắn chụm từ khoảng cách 10m. đây là loại bán chạy nhất.
Loại VR 7: Là loại có mức bảo vệ cao nhất: Vỏ xe và kính có thể cản các đầu đạn cỡ 7.62 mm, bắn chụm từ khoảng cách 10 m. Đây là loại xe các nguyên thủ quốc gia, yếu nhân và các nơi thường có khủng bố.
Người ta chế-tạo loại xe bọc thép theo nguyên-tắc “làm một tấm giáp sắt”. Giống như một miếng bột làm bánh, người ta chế các tấm thép dày, được uốn dẽo dưới các đầu đục hình nêm của các giàn máy ép thủy-lực. Dưới lực ép mạnh đến 100 tấn lên tấm thép, người ta sẽ tạo được các bộ-phận chính-xác. Nhiều bộ-phận như thế sẽ tạo nên “một tấm áo thép” cho chiếc xe hơi. Người ta cần một thời-gian dài mới bọc kín hoàn-toàn chiếc xe, bao bọc tất cả các cơ-phận, kể cả các lỗ khoan để nâng kính xe lên chẳng hạn. Các mối hàn này phải làm bằng tay nên cần thời-gian lâu, hoàn-toàn do tay con người không có người máy (robot) làm việc trong các dây chuyền lắp ráp này.
Ngày trước, các hãng chế-tạo xe an-toàn thường không cho phép du-khách vào thăm các nơi làm việc của ho, nơi được xem là cơ-sở tuyệt mật, được giử-gìn kỹ nhất để bảo-vệ kỹ-thuật chế-tạo xe hơi của họ. Ngày nay, vì sự cạnh-tranh nên buộc các hãng sản-xuất phải cung-cấp thông-tin về kỹ-thuật mà trước kia họ dấu để giới-thiệu tính ưu-thế của xe mình.
Một trong các chiếc xe an-toàn đầu tiên do hãng Daimler Benz sáng-chế. Chiếc xe bọc thép đầu tiên ra đời cách nay 70 năm. Khách hàng của họ là các nguyên-thủ quốc gia Tây phương, Nhật Hoàng Hirohito. Từ năm 1928 đến nay, hãng này bán được 4,000 xe hơi bọc thép. Thời-gian gần đây, họ đã có đơn đặt hàng từ các khách hàng thuộc các nước Trung Mỹ, Nam Mỹ, Đông Âu, Nga và Nam Phi. Theo ông Josef Schumacher, trưởng bộ-phận xe bọc thép của Daimler-Chrysler, khách hàng tăng từ vài trăm xe lên 10,000 xe. Họ phải cạnh-tranh với các hãng khác như BMW, Audi cùng các cơ-sở độc-lập chuyên bọc thép cho xe do các hãng xe khác sản-xuất ra. Tháng 8-1999, hãng Trasco xứ Bremen khai-trương một xưởng mới với 200 nhân-viên làm việc, chuyên bọc thép xe hơi.
Người ta ghép các miếng lá chống đạn lại trước khi các mãnh vỏ xe hơi được ghép lại với nhau. Giữa cánh cửa và khuông cửa là một cấu trúc bậc thang, nếu viên đạn đi lọt qua kẻ cánh cửa sẽ đi hình zic-zac và như thế, nó sẽ mất dần động-năng cần-thiết, viên đạn sẽ yếu đi. Ở các mép cửa xe, người ta chú-ý thật kỹ để bọc kín phần không-gian phía trong xe trước sức của các mãnh sắt, thép sẽ văng vào xe nếu có. Khe cửa của xe là nơi quan-yếu buộc các nhà kỹ-thuật cùng các nhà sản-xuất quan-tâm nhiều nhất.
Tưởng cũng nên biết qua vài vài trường-hợp xảy-ra liên-quan đến các cuộc tấn-công vào xe hơi bọc thép. Chiếc xe bọc thép Mercedes 380 SEL của Đại-sứ Đức tại thủ-đô Beyrouth (Liban) bị bọn khủng-bố tấn-công vào ngày 16-8-1985. Một trong số 20 viên đạn bắn vào xe đã xuyên qua thanh đỡ nóc xe và giết chết viên tài-xế.
Trong cuộc tấn-công khác vào tháng 6-1995, chiếc xe Mercedes của Tổng-thống Ai-cập Husni Mubarak đã ngăn được một cơn mưa đạn. Một chiếc Mercedes khác cũng đã che cho ông Eduard Schewardnadse, người cầm đầu chính-phủ Georgia trước họng súng của bọn khủng-bố khi xe bị tấn-công. Hai ông nầy không hề hấn gì.
Tại Đức, văn-phòng vũ-khí ở thành-phố Ulm có nhiệm-vụ kiểm-chứng các loại xe bọc thép khi sản-xuất. Văn-phòng này phân loại chiếc xe sau 3 giai-đoạn điều-tra. Đầu tiên, quan-sát cấu-tạo xe, kiểm-soát các khung cửa, các mối hàn, chỗ bắt các ốc vít. Thứ đến là phân-tích các chất liệu trong phòng thí-nghiêm và sau cùng là trên trường bắn thử của văn-phòng, nơi các xạ-thủ chủ tâm nhả đạn vào các chỗ họ nghi-ngờ trên chiếc xe để xem chiếc xe có chịu nỗi trước tầm đạn giới-hạn của họ bao nhiêu.
Việc xếp hạng xe căn-cứ trên sức chịu đựng trước sức công phá. Loại xe từ VR1 đến VR 4 phải chịu-đựng các loại đạn súng lục và súng ngắn. Loại xe từ VR 5 đến VR 7 phải chịu được đạn súng trường với tốc-độ nhanh và cường-độ mạnh. Loại xe Merdes E-Klasse loại VR 4 giá tiền vào khoảng 180 ngàn Đức-mã (Mark); chiếc Mercedes S-Klasse loại VR 7 khoảng 500 ngàn Mark.
Văn-phòng Ulm cho khách hàng biết “những chiếc xe bọc thép không có khả-năng che đạn tuyệt-đối”. Họ tránh dùng các từ-ngữ như “chống đạn chắc-chắn” hay “đạn bắn không qua” mà chỉ đề-cập đến khái-niệm “ngăn-chặn khả-năng xuyên qua”, thứ mà văn-phòng này có thể cấp giấy chứng-nhận. Và trong mỗi loại giấy chứng-nhận của họ chỉ đúng cho từng loại đạn của súng được đề-cập tới mà thôi.
Theo Rudolrf Friess, giám-đốc văn-phòng vũ-khí tại Ulm, đạn trung-liên “chỉ còn là vấn-đề thời-gian cho tới khi đạn xuyên được vào trong xe”. Điều này có nghĩa xe bọc thép không có nghĩa là chiếc xe được bảo vệ an-toàn, chắc-chắn cho những người xử-dụng nó.
Xe bọc thép rất nặng. Ví dụ một chiếc Mercedes S-Klasse bọc thép loại VR 7 chưa chở gì cả đã nặng đến 3,4 tấn tức hơn loại Mercedes S-Klasse thường đến 1,5 tấn.
Những tấm kính xe rất dày gần bằng bàn đánh bóng-bàn, nặng đến vài trăm ký. Người ta cần phải dùng đến các phương-tiện trợ lực để mở các cửa xe quá nặng nầy.
Riêng bình xăng, các nhà thiết-kế đã phủ một lớp nhựa đặc-biệt, lớp nhựa này khép lại nhanh chóng nếu có viên đạn xuyên qua làm thủng bình xăng.
Đối với bánh xe, nếu đạn làm nổ lốp xe, chiếc xe vẫn chạy được trên những lớp đệm bọc bằng cao-su đặc một quãng đường vừa đủ để xe vượt qua chỗ nguy-hiểm.
Tuy xe bọc thép có khả-năng đỡ được đạn nhưng nó không hoàn-toàn an-toàn khi gặp phải những lực công phá mạnh như bom, mìn hay chất nổ vì “nó vẫn là chiếc xe hơi chạy trên bánh xe có chứa không-khí”.
Theo một nhà quản-trị hãng Trasco thì “Việc giải-thích để khách hàng hiểu rằng hiệu-quả việc bảo-vệ cũng chỉ có giới-hạn là một trong những mục-đích cao của chúng tôi, nhất là nhũng cú ám-sát bằng chất nổ, kỹ-thuật bọc thép hầu như không giúp gì cho nạn-nhân cả”.
Điển-hình là vụ ông Alfred Herrhausen, phát-ngôn-viên của ban quản-trị Ngân-hàng Deutsche bị giết chết vào ngày 30-11-1989 khi một quả bom được đặt ở vệ đường tại Bad Homburd đã xé tan xác chiếc Mercedes S-Klasse được bọc thép hạng nặng chở ông ta.
Theo dự đoán của các nhà chế-tạo máy thuộc hãng Mercedes thì đây là quả bom “có thể phá hũy cả một chiếc xe tăng” nên việc ông Alfred Herrhausen bị giết chết không phải là việc khó hiểu.
Hãng Mercedes Benz sản xuất các xe bọc thép, được gọi là “công-cụ giao-thông được bảo-vệ đặc-biệt” tại một cơ-xưởng ở thành-phố Sindelfingen, Đức quốc. Chiếc Mercedes Benz Guard (vệ sĩ), là một xe bọc thép với kính chống đạn, bình xăng làm bằng thép cứng, cho dù vỏ xe bị rách hay bị bắn nát vẫn có thể chạy thoát, với composite quang học giữ được các mãnh vỡ.
Hai kiểu G và S của Mercedes Benz được đưa ra thị trường: kiểu G Guard chạy theo để bảo vệ cho loại S Guard, xe chở nguyên thủ quốc gia. Đây là loại xe nhìn qua có cảm giác lạnh lùng, không mỹ thuật. Trang bị động cơ V-8 với 306 mã lực hay V-12 với 367 mã lực tùy khách hàng chọn, độ bảo vệ xếp vào hạng VR 4, VR 6 hoặc VR 7. Vận tốc tối đa chỉ 210 km/ giờ do vỏ xe được phủ một lớp đặc biệt để chống đạn nên không chạy nhanh được. Hai kiểu xe này được các nguyên thủ quốc gia, các yếu nhân, các chính trị gia, các nhà tài phiệt, các ngôi sao mọi ngành xử dụng.
Hãng BMW cho ra đời kiểu xe BMW 540i Protection, một loại xe có khả-năng chống đạn. Giàn kính cũng như vỏ bọc của loại xe này có khả-năng chống lại sự xuyên-phá của các loại súng nhỏ. Kính xe được tráng thêm lớp bọc Polycarbonate nên có đủ sức chịu đựng sức đập mạnh bằng búa. Bên trong thân xe được bảo-bọc thêm bằng các tấm đệm bằng sợi Aramid-fiber, có công-dụng như một áo giáp. Bánh xe loại nầy cũng được chế-tạo đặc-biệt, có thể chạy được lên tới 50 MPH khi bánh xe trúng đạn bị xẹp. Tất cả các thiết-bị này làm xe nặng thêm 287 lbs. Loại xe này bán rộng-rãi ngoài thị-trường, ai cũng mua được dễ-dàng, không chỉ giới-hạn cho chính-phủ hay yếu-nhân như trước kia.
Ngoài chiếc BMW 540i Protection, hãng BMW còn tung ra thị trường Hoa-Kỳ hai kiểu xe 740iL Protection và 750iL Protection, là các loại xe bốn chỗ ngồi có bọc giáp, được xếp vào hạng VR 7. Xe 740iL Protection được bán với giá ,400 USD và 750iL Protection giá là 4,000 USD, cao hơn các xe tương tự không có bọc thép là .000 USD. Đây lác các kiểu xe bọc thép nhưng trông giống như xe thông-thường.
Hãng Mercedes bán xe bọc giáp các kiểu E-Class, S-Class và kiểu G Wagon dưới tên Mercedes Benz Guard. Các xe của hãng Mercedes được bán kèm với những bảo đảm của họ để tạo uy-tín với khách hàng. Đa số các vị nguyên-thủ quốc-gia dùng xe bọc thép Limousine của Mỹ và xe của hãng Mercedes.
Công ty Mỹ O’Gara-Hess & Eisenhardt, sáng lập vào năm 1876, cơ sở tại Ohio đã cung cấp các xe bọc thép cho cho Tổng thống Hoa kỳ (kể từ T.T. Harry Truman), các yếu nhân và cho cả quân đội lẫn dân sự. Hãng nầy đã cung cấp xe cho khách hàng trên 80 nước. Hiện nay, công ty có nhiều văn phòng đại diện tại hải ngoại. Kroll-O’Gara là công ty “cha” của O’Gara-Hess & Eisenhardt đang liên hiệp với công ty Blackstone Capital Partners để cùng kinh doanh trong ngành xe bọc thép.
Gần đây, một số cơ-sở đảm-nhận việc thiết kế các biện-pháp an-toàn cho các loại xe đã sản xuất. Họ gắn thêm những bộ phận khác, thay kính xe bằng loại kính thật dày chống đạn, kính polycarbonate, thêm lớp lót trong thân xe, dùng các chất liệu tổng hợp, chất Kevlar và các loại chống đạn khác vào bên ngoài chiếc xe, dùng vỏ xe không bị xẹp hay bị xẹp nhưng có thể chạy được 50 miles/giờ, đủ sức thoát khỏi nơi bị khủng bố.
Về giá cả, ngày nay giá hạ rất nhiều so với thời-kỳ xe bọc giáp mới có do kỹ-nghệ tân tiến giúp cho phí tổn ít hơn, phát minh ra nhiều vật liệu chế-tạo nên gia vật liệu nhẹ hơn, hạ giá do cạnh tranh và nhất là hạ giá để nhiều người có thể mua nỗi.
Công ty Volvo của Thụy Điển cũng đưa ra thị trường chiếc S80, một chiếc xe chống đạn. S80 có sức chịu đựng trước các tấn cộng bằng lựu đạn và súng lớn, vào hạng VR 7, vỏ xe bằng các tấm thép cứng và composite, kính xe dày đến 4,6 cm, xe có nhiều kỹ thuật mới như: có thể tự động vá lốp khi bị bắn thủng, có thể tự dập lửa nếu xảy ra hỏa hoạn, có nhiều tiện nghi (có máy Fax, DVD,...). Trước nay, Volvo là hãng xe nổi tiếng về khả năng thiết kế các chức năng an toàn cho xe hơi, vì thế, chiếc S80 là thành công lớn của hãng này.
Theo chân các hãng khác, Audi cũng cho ra thị trường chiếc A8 Audi Security, một chiếc xe chống đạn. Với mức an toàn VR 6, VR 7, Audi Security mang danh “Áo giáp của lãnh chúa”. Xe Audi A8 tập trung mức bảo vệ chủ xe ở ghế sau (có tài xế) nên chung quanh ghế sau và thùng xe được bọc thép dày hơn. Ngoài ra, Audi còn có chiếc Audi A6 Security, một xe bọc thép hạng nhẹ, chủ xe tự lái lấy, mức chịu đựng vào hạng VR 4 nên bán rất chạy.
Dù được bảo vệ đến mức nào đi nữa, chủ xe cũng chỉ thoát khỏi những vụ tấn công nhẹ hay không chuyên nghiệp. Đối với các vụ mưu sát lớn, với vũ-khí hạng nặng, cố tình hay các vụ khủng-bố, chắc chắn không tránh khỏi thương vong cho chủ xe, cho dù đó là một chiếc xe tăng.
Lê Chánh Thiêm.
San Jose, 2004