Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn học
BỐN GIAI-THOẠI TRONG MỘT CÂU ĐỐI
LÊ CHÁNH THIÊM
Các bài liên quan:
    Thơ Xướng Họa: ĐỨC TRẦN HƯNG ĐẠO
    BI KỊCH TRẦN QUỐC TUẤN (Lê Huy Vinh)
    VIỆC DỰNG TƯỢNG THÁNH TỔ HẢI QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA (Phan Lạc Tiếp)


Kho tàng văn chương Việt-nam có lưu truyền câu đối:

Bỏ gậy sắt, bỏ ngai vàng, quyết giữ nòi vàng và khoán sắt.
Vung hịch son, vung cờ đỏ, cho yên con đỏ với lòng son
”.


Nội-dung câu đối có đến bốn giai-thoại, nói về Hưng-Đạo-Vương Trần-Quốc-Tuấn, một danh tướng, một bậc khai quốc công thần của dân-tộc Việt đời nhà Trần. Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa đã chọn Đức Trần Hưng Đạo làm “Thánh Tổ”.

Nhân giai-thoại trên, tưởng cũng nên biết qua về vị anh hùng, bậc công thần dân tộc: Hưng-Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

1. Sơ lược về Trần Hưng Đạo:

Hưng-Đạo-Vương tên là Trần-Quốc-Tuấn là con của An-Sinh-Vương Trần-Liễu. Trần-Liễu bị Thái-sư Trần-Thủ-Độ dùng quyền lực buộc phải nhường vợ là Thuận Thiên Công Chúa, con gái lớn của vua Lý Huệ Tông, khi đó đã có mang 3 tháng cho vua Trần-Thái-Tông (là Trần-Cảnh, em ruột của Trần Liễu; cả hai là con của ông Trần Thừa) sau khi Trần Thái-Tông lấy Lý Chiêu Hoàng (là Chiêu-Thánh công-chúa, vua cuối cùng của nhà Lý, em ruột Thuận-Thiên công-chúa) 12 năm mà vẫn chưa có con.

Trần-Liễu nổi giận làm loạn, đem quân chống lại nhưng không nổi, suýt bị giết nhưng được Trần-Cảnh tha. Tuy vậy, trong lòng Trần Liễu vẫn còn hận thù. Vì thế Trần Liễu tìm thầy giỏi dạy cho con trai mình (là Trần Quốc Tuấn), muốn con thành bậc văn võ toàn tài và ký thác vào con mối thù sâu nặng nầy.

Tuy nhiên, khi nên người, Trần Quốc Tuấn thấu hiểu thế nào là việc nhà, đâu là bổn phận với nước nên đã có thái-độ dứt khoát giữa nợ nước tình nhà. Ông đặt nặng việc nước lên trên nên đã là niềm tin yêu của vua Trần. Ông được các vua Trần trao cho các quyền hành cao trọng, với các chức: Thái-sư, Thượng-phụ, Thượng Quốc Công, Bình Bắc Đại Nguyên Súy, Hưng-Đạo Đại Vương.

Ông hết lòng với vua, với nước tuy rằng uy-quyền lừng-lẫy nhưng vẫn giữ phận làm tôi, không chuyên quyền, không kiêu-ngạo. Các vua Thánh Tông, Nhân Tông ban cho ông được chuyên quyền phong tước: từ tước Hầu (1) trở xuống, ông được quyền phong trước rồi tấu với vua sau. Thế nhưng ông không tự tiện phong chức cho ai cả. Trong cuộc chiến chống quân phương Bắc xâm lăng, phàm những nhà giàu giúp lương thực cho quân sĩ, ông chỉ phong chức “Giả lan tướng” nghĩa là “tướng cho vay lương”, một chức vị không có thực trong ngôi bậc ở thời đó.

Giặc phương Bắc đã 3 lần đem quân sang xâm lăng nước ta, ông là người lãnh đạo quân dân đứng lên chống giặc. Năm Đinh Tỵ 1257, nhà Nguyên sai sứ sang dụ nước Nam đầu hàng nhưng vua quan nhà Trần không chịu vì biết dã tâm của chúng. Vua Nguyên sai quân sang xâm lăng nước ta lần thứ nhất, Thái Sư Trần Thủ Độ phong cho Trần Quốc Tuấn làm Tiết Chế thống lãnh quân đội chống giặc xâm lăng. Quân Nguyên bị quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đánh tan, phải bỏ chạy về Tàu.

Lần thứ hai, mùa Thu năm Quý Mão 1283, con của Hốt Tất Liệt là Thái Tử Thoát Hoan đã thống lãnh 500,000 quân sang đánh nước ta. Vua nhà Trần lại sai Trần Quốc Tuấn chỉ huy quan quân phá giặc. Trước sức mạnh của giặc, có lúc thấy dân, quân đã quá nhiều hy sinh, sợ đánh thêm lâu ngày sẽ khổ cho dân, vua Trần Nhân Tôn đã nói với Hưng Đạo Vương ý nghĩ nên đầu hàng quân giặc. Hưng Đạo Vương trả lời:

-”Lời của bệ hạ quả thật chí tình và đạo đức, nhưng đạo làm tướng, trước hết là phải giữ gìn giang sơn và Tổ Quốc, nếu bệ hạ muốn hàng thì hãy xin chém đầu thần trước đã”.

Thế rồi Trần Hưng Đạo đốc thúc tướng sĩ chiến đấu chống giặc, đánh thắng nhiều trận, buộc chúng phải rút về. Mùa Xuân năm 1287, Nguyên chúa lại sai Thoát Hoan đem 30 vạn quân sang xâm lăng nước ta lần thứ ba. Hưng Đạo Vương chỉ huy các tướng đốc thúc quân dân chống lại quân Nguyên. Trận chiến oanh liệt là trận sông Bạch Đằng, với lời thề lưu danh sử sách khi ông chỉ tay xuống sông Hóa:

-“Trận nầy không phá xong giặc Nguyên thì không về sông nầy nữa” (2).

Các tướng Tàu Ô-Mã-Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc bị quân ta bắt sống. Từ đó, quân Nguyên bạt vía kinh hồn, từ bỏ mộng xâm-lăng nước ta.

Hưng Đạo Vương làm quan đến đời Trần Anh Tông thì xin về nghỉ ở Vạn Kiếp. Khi ông sắp mất, vua Anh Tông có đến thăm, và hỏi:

-”Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có Bắc quân lại sang thì làm thế nào?”

Hưng Đạo Vương đem chút hơi tàn cho nhà vua biết những kế sách xưa nay chống giặc xâm lược. Theo Ngài, ai nấy phải hiểu nhiệm vụ của mình; từ vua, quan, tướng soái xuống binh lính, dân chúng, phải đồng tâm hiệp lực thì mới đuổi được giặc, lấy sức dân làm kế sâu gốc bền rễ để giữ nước.

Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý, Hưng Long thứ 8 (1300) “Bình Bắc Đại Nguyên Soái” Hưng Đạo Đại Vương qua đời. Theo lời dặn, thi hài ông được hỏa táng, thu vào bình đồng, chôn trong vườn An Lạc, giữa rừng An Sinh, không xây lăng mộ, đất san phẳng, trồng cây như cũ.

Trần Quốc Tuấn là một bậc danh tướng, đã soạn hai bộ binh thư: Binh thư yếu lược, và Vạn Kiếp tông bí truyền thư để dạy bảo các tướng cách cầm quân đánh giặc. Ông còn là vị tướng có đủ tứ đức:

* Tướng nhân:

Thương dân, thương quân, chỉ cho quân dân con đường sáng; Tướng nghĩa: coi việc phải hơn điều lợi;

* Tướng chí:

Biết lẽ đời sẽ dẫn đến đâu;

* Tướng dũng:

Sẵn sàng xông pha vào nơi nguy hiểm để đánh giặc, lập công;

* Tướng tín:

Bày tỏ cho quân lính biết theo ông thì sẽ được gì, trái lời ông thì sẽ ra sao.

Vì vậy, cả ba lần đánh giặc Nguyên, ông đều lập công lớn.

Khi ông mất (1300), triều đình lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp, Chí Linh, ấp phong của ông thuở sinh thời. Kiếp Bạc là một trong những nơi được xây làm nơi thờ cúng ông.

Tại đây, mặt trước đền là hai dòng chữ “Giữ thiên vô cực” (sự nghiệp sống mãi với đất trời), “Trần Hưng Đạo Vương từ” (Đền Trần Hưng Đạo); có đôi vế đối:

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bật thu thanh
”.


(Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng
Lục Đầu vang dậy tiếng quân reo).

Mặt sau có ghi:

Vạn cổ cựu giang san

dịch là:

Non nước ấy ngàn thu (Trần Quang Khải)

Bên trong là đền chính cổ kính, uy nghiêm. Phía sau tiền tế là nơi thờ các con trai của Hưng Đạo Vương và Phạm Ngũ Lão (con rể của ông).

Ông Trần Cao Vân, khi thấy cảnh đất nước lđiêu tàn, tang thương do thực dân Pháp gây ra, đã than rằng:

“Ước gì gọi được Ngài Hưng Đạo
Cùng lập công to thuở Bạch Đằng”.


Nhiều câu đối ca ngợi tài đức của Trần Hưng Đạo:

-”Trung hiếu nhất tâm, Đằng Thủy ân ba quang tư tích,
Huân danh vu cổ, Hương Giang miếu điện tráng vu kim
”.


(Trung hiếu một lòng, ơn sóng Bạch Đằng sáng ngời từ trước;
Công lao thuở ấy, miếu điện sông Hương rạng rỡ đến nay).

Thánh vương công cái Nam bang,
Kiếp Bạc thiên thu long triều hổ phục;
Thần tướng oai trừ Bắc Khấu,
Hương Giang vạn cổ lãng tịnh ba bình
”.


(Công trạng thánh vương trùm cả nước Nam,
Kiếp Bạc ngàn năm rồng chầu hổ phục;
Oai quyền danh tướng trừ hết giặc Bắc,
Sông Hương muôn thuở nước lặng sóng yên).

2. Giai-thoại của câu đối nói ở phần đầu.

Theo một số tài-liệu, tác giả câu đối trên là ông Quả-Ngôn, một nhà Nho người làng Hội-Thống, Nghi-Xuân, Hà-Tĩnh, Bắc Việt.

Câu đối chỉ có 26 chữ nhưng trong đó có tới 12 chữ lặp, đã không dư mà còn làm cho ý nghĩa dồi dào thêm, nhấn mạnh chủ ý về nhân vật được nói đến trong câu đối: giữ tấm lòng son với quốc-gia dân-tộc. Câu đối nói đến 4 giai thoại:

Giai-thoại 1: “Bỏ gậy sắt”:

Như đã nói ở trên, cha của Hưng-Đạo-Vương bị Thái-sư Trần-Thủ-Độ cưỡng-chế, buộc phải nhường vợ đã có mang cho vua Trần-Thái-Tông (là chú ruột của Ông). Cha ông có chống lại nhưng thất bại nên trong lòng vẫn ôm mối hận, muốn con mình phải trả thù nhà. Khi quân Nguyên sang xâm lăng nước ta, Trần Hưng Đạo được trao quyền cao, chức trọng. Vì thế, Trần-Hưng-Đạo có nhiều dịp được gần-gũi vua Trần. Nhiều người nghi ngờ, sợ khi thời cơ thuận-lợi, Hưng-Đạo-Vương giết vua, cướp ngôi để trả thù cho cha.

Biết nhiều người nghi-ngờ mình, Trần-Hưng-Đạo luôn luôn cố giữ lễ nghĩa thật đúng mực. Có lần ông cùng vua Trần-Nhân-Tông (là Thái tử Trần Khâm, con Trần Cảnh) đi dạo, ông liếc thấy có người nhìn vào cái gậy sắt đầu bịt nhọn ông đang cầm ở tay. Trần-Hưng-Đạo thấy vậy vội bẻ cái gậy ra làm hai, vứt đi phần có bịt sắt, chỉ giữ phần kia.

Nhìn hành-động ấy, có người đoán biết ý của ông, có người không hiểu ông ta làm gì. Qua hành-động nầy, khi hiểu ra, mọi người kính-phục và hoàn-toàn tin-tưởng vào lòng trung thành của Trần-Quốc-Tuấn.

Giai-thoại 2: “Bỏ ngai vàng”:

Cũng từ sự bất bình vì mất vợ, sống không trả được, trước khi lìa đời, Trần Liễu đã gọi con lại dặn dò: phải cướp ngôi vua để trả thù, rửa nhục cho mình. Trần-Quốc-Tuấn nghe lời trối của cha nhưng không dám cãi. Sau nầy, ông đã có chủ định, nhưng ông hỏi ý kiến nhiều người thân cận để thử lòng, đa số nói là không nên.

Ông đem việc xích mích nầy dò ý các con, Trần Quốc Tảng khuyên ông nên theo lời trối, có ý khích ông cướp ngôi vua; ông nổi giận định rút gươm toan chém chết Quốc Tảng. Nhiều người khuyên nên ông tha chết nhưng đuổi đi, không cho Quốc-Tảng được thấy mặt mình nữa.

Giai-thoại 3 & 4: “Vung hịch son”, “vung cờ đỏ”:

Hai giai thoại “vung hịch son, vung cờ đỏ” nói lên hành động vị đại Nguyên-soái của quân dân Việt đã làm trong khi được Vua Trần trao trọng trách chỉ huy quan quân đuổi quân xâm-lược phương Bắc.

* Vung hịch son:

Ám chỉ Trần-Quốc-Tuấn là tác giả bài “Hịch tướng-sĩ” làmột văn bản đã làm nức lòng tướng sĩ, để mọi người đồng tâm hiệp lực đánh đuổi ngoại xâm, văn bản đã đi vào lịch sử dân Việt.

* Vung cờ đỏ:

Nói lên việc ông là Tổng chỉ-huy, phất cờ chỉ huy ba quân đánh tan quân Nguyên xâm-lược, đem lại chiến thắng cho dân-tộc.

Câu đối trên xuất hiện trên văn đàn đã lâu nhưng chưa thấy câu đối đáp lại xuất hiện.

Nhân đây, xin nêu một việc mà ít người để ý đến tuy biết Hưng Đạo Vương là người anh hùng của dân tộc: ngày sinh của Hưng Đạo Vương. Trong các bộ Việt sử, không nói Hưng Đạo Vương sinh năm nào. Có nhiều ý kiến nhưng có 3 ý kiến về năm sinh của Ông có dẫn chứng:

a/ Ý kiến thứ nhất cho là ông sinh năm 1213. Thế nhưng ý kiến nầy không vững. Căn cứ vào ngày mất của Trần Liễu (cha của ông) mà sử ghi là: “An Sinh Vương mất năm Tân Hợi 1251 khi ông thọ 41 tuổi”, như vậy HĐV không thể sinh năm 1213 được.

b/ Ý kiến thứ hai cho rằng Hưng Đạo Vương sinh năm 1252 cũng không đúng. Theo “Đại Việt sử ký Toàn thư”, để chuẩn bị chống quân Nguyên lần đầu, Trần Thái Tông ra lệnh quân tướng phải “theo sự tiết chế của Trần Quốc Tuấn”, như vậy chưa có vị tướng nào mới có 4 tuổi cả.

c/ Ý kiến thứ ba cho là HĐV sinh khoảng từ 1226 đến 1232, có thể chấp nhận được. Căn cứ theo các biến-cố lịch sử, theo niên hiệu các vị vua Trần liên quan đến sự kiện lịch-sử và các chức vụ mà ông được vua Trần phong cùng các công trạng ông lập được đã đi vào sử sách có tương ứng nhau. Năm 1251, Trần Quốc Tuấn lấy công chúa Thiên Thành là con gái út của Trần Thừa, em vua Trần Thái Tông, cũng là cô ruột của Trần Quốc Tuấn làm vợ, như vậy, ông đã ở vào tuổi trưởng thành.

Tưởng cũng nên biết thêm, theo lệnh của Thái sư Trần Thủ Độ, người trong hoàng tộc phải lấy nhau để bảo vệ ngai vàng của nhà Trần nên có chuyện loạn luân nầy, ngay cả Trần Thủ Độ lấy Thiên Cực công chúa, hai người là hai chị em họ.

Tuy nhiên, giải thuyết về ngày tháng năm sinh của Hưng Đạo Vương, tất cả chỉ là những ý kiến, chưa có bằng chứng gì chính xác. Đây là việc của các nhà nghiên cứu lịch-sử Việt, cần làm sáng tỏ một yếu tố trong thân thế của vị anh hùng dân-tộc Việt Nam.

Lê Chánh Thiêm
Sưu tầm và biên soạn.

Chú thích:

(1) tước Hầu: 1 trong 5 tước thời đó, là: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.

(2) Nhân “Lời thề trên sông Hóa” của Trần Hưng Đạo, có vài giai-thoại vui liên quan đến lời thề nầy.

* Vào thời Đệ nhất Cộng-hòa, một tùy-viên báo-chí Nam Việt nam thuộc hạng “cà chớn chống xâm lăng”, khi được tháp tùng một phái-đoàn báo-chí ngoại-quốc đến thăm Nam VN, một người trong họ hỏi ông ta về “ý nghĩa của cái chỉ tay này và ông đó là ai?”. Vị tùy viên báo chí nầy đã giải-thích: “Ông đó là một danh tướng của Việt-Nam, ông ta chỉ tay nói đây là sông Sài-gòn, bên này là Sài-Gòn còn bên kia là Thủ-Thiêm”. Lời giải-thích này đã là đề-tài cho nhiều chê bai, chỉ trích sau đó.

* Riêng với lính Hải Quân VNCH, thường thấy tượng Thánh Tổ của họ tại bến Bạch-Đằng, cũng có “câu độ” vui vui nhưng xin miễn nêu ở đây. Ai là Hải Quân tự khắc biết.

* Sau khi Cộng-Sản xâm chiếm miền Nam, khi có phong-trào vượt biên, cái chỉ tay này lại được bà con ta đổi lại: “Ông Trần Hưng Đạo nói cứ theo hướng ông chỉ, xuôi dòng sông này mà ra, sẽ tới biển”.

* Và sau ngày miền Nam bị Cộng sản nhuộm đỏ, các chiến sĩ áo trắng thuở nào thường bảo nhỏ cùng nhau: “Thánh tổ chúng ta bảo: Ai là Hải-quân mà không chịu vượt biên thì đừng về nơi nầy nữa”.

 

Lê Chánh Thiêm

 

Bài nầy đăng lần đầu vào lúc 01:08:49 AM, Jun 19, 2009 được sửa lại sau này.

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem bài trên trang Văn học, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 



 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh