Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
MÙA XUÂN QUA TỤC NGỮ CA DAO.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Các bài liên quan:
    TỤC NGỮ CA DAO VỀ NGÀY TẾT...
    LỄ HỘI XUÂN QUA CA DAO.

Mùa Đông với những cơn mưa tầm tã, với những làn gió bấc lạnh buốt xương rồi cũng qua đi. Mùa Xuân ấm áp lại trở về theo lẽ tuần hoàn tự nhiên của đất trời, đem lại nguồn sống cho muôn loài như người xưa đã từng nhận xét: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn. (Mùa Xuân bắt đầu sinh sôi nẩy nở, mùa Hạ trưởng thành, mùa Thu tích tụ lại, mùa Đông thì úa tàn)

Mặt trời ngủ yên gần suốt mùa Đông đã thức giấc mang về cho mùa Xuân cái nắng thật nhẹ nhàng:

Tháng Giêng là nắng hơi hơi
Tháng hai là nắng giữa trời nắng ra
Thứ nhất là nắng tháng ba
Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non...


Ngày xưa, nhân dân ta đa số chuyên sống về nghề nông. Nước ta lại có một bờ biển dài nên nghề biển cũng rất quan trọng. Sự quan sát tinh tế của ông bà ta xưa đã tạo nên những kinh nghiệm về thời tiết thật tuyệt vời cho sản xuất nông nghiệp và nghề biển.

Ở miền Bắc nước ta, tháng Ba vẫn còn rét - dù chỉ là những cơn rét muộn, và mưa bụi - còn gọi là mưa phùn. Thế nhưng, dù mới có nắng nhưng lắm khi nắng tháng Ba cũng đã gay gắt, oi bức quá chừng:

Nắng tháng Ba chó già le lưỡi!

Không phải là những nhà khí tượng học chuyên nghiệp, nhưng các nhà nông học tự nhiện - tức là các nhà nông bình thường của chúng ta từ ngàn xưa đã biết nhận xét căn cứ trên thực tế canh nông qua hàng ngàn năm thực nghiệm: nắng tháng Ba dù có làm cho “chó già le lưỡi” cũng không đủ nguy hiểm làm hại đến thực vật:

Nắng tháng Ba mà hoa không héo!

Nắng Xuân nhè nhẹ, gió Xuân cũng hiu hiu. Không oan nghiệt như gió bấc mùa Đông, rin rít từng cơn đến cắt da cắt thịt, không gay gắt như gió Lào mùa Hạ, lông lốc từng hồi đến rát mặt, bỏng da, gió Xuân trở về thật êm đềm:

Tháng Giêng là tiết gió lay
Tháng hai gió mát trăng bay vào đền
Tháng ba gió đưa nước lên
Tháng tư gió đánh cho mềm ngọn cây...


Gió Xuân chắc hẳn không đem lại những cái rét “dao hàn cắt da” như gió bấc mùa Đông mà là những cơn gió “rét ngọt” mang lại mầm sống cho cây cỏ:

Tháng Giêng rét đài
Tháng hai rét lộc
Tháng ba rét nàng Bân.


Rét đài, rét lộc tức là những cơn “rét ngọt” cho thực vật đâm chồi, nẩy lộc, đơm hoa kết nụ.

Rét nàng Bân là cơn rét muộn cuối mùa Xuân. Truyện dân gian kể rằng: Ngày xưa có một người đàn bà tên là Bân - nàng Bân. Sắp đến mùa rét, tức mùa Đông, nàng đã lo may áo ngự hàn tức áo ấm để gửi cho chồng ngoài biên ải. Nàng may áo từ đầu mùa rét đến gần hết mùa Xuân mà chiếc áo vẫn chưa xong. Nàng cố may, cố may thật nhanh. Nhưng oái oăm thay, khi chiếc áo ngự hàn vừa may xong thì trời lại hết rét. Nàng buồn rầu tủi phận cầm áo khóc òa. Ngọc hoàng Thượng đế, tức ông Trời, thương nỗi lòng cùa nàng bèn làm nên một cơn rét muộn để chồng nàng được mặc chiếc áo ngự hàn do chính bàn tay của người vợ hiền đã đêm ngày may cho chàng. Thế nên, người ta mới gọi cơn rét muộn vào cuối tháng ba là rét nàng Bân. Cũng do sự tích này mà ca dao đã có câu:

Nàng Bân may áo cho chồng
May ba tháng ròng mới được cánh tay!


Tuy là cơn rét muộn nhưng là cơn rét đủ cho chồng của “nàng Bân” phải mặc áo ngự hàn nên lắm khi cũng là cơn rét đậm:

Rét tháng ba bà già chết cóng!

Kể cũng lạ cho cái tháng ba: nắng thì làm cho “chó già le lưỡi”, mà rét thì cũng làm cho “bà già chết cóng”!

Nắng Xuân dìu dịu. Gió Xuân hiu hiu. Và mưa Xuân, nhất là những cơn mưa đầu mùa Xuân cũng là những cơn mưa nhè nhẹ, sương sương:

Tháng Giêng là tiết mưa Xuân
Tháng Hai mưa nụ ái ân ngọt ngào...


Những cơn mưa phùn lất phất của của tháng giêng, tháng hai sao mà tình tứ làm vậy!

Tiết mưa rào tháng ba - Tháng ba là tiết mưa rào - quả là những cơn mưa cứu hộ, mang lại sự sống cho cây cỏ:

Mưa tháng Ba hoa đất!

Gặp những năm “nắng tháng ba chó già le lưỡi”, đất đai khô nẻ thì “mưa tháng ba” quả có làm cho cây cỏ đang héo hắt lại hồi sinh, và đất lại nở hoa!

Những cơn mưa mùa Xuân thật êm đềm, không ồn ào như những cơn mưa mùa Hạ, không ray rứt lê thê như những cơn mưa mùa Đông. Tuy nhiên, cơn mưa lất phất mùa Xuân cũng đủ buồn, cũng đủ thê thiết để sánh với thân phận hẩm hiu của người đàn bà trong xã hội ta thời xưa:

Tháng Một là tiết mưa Xuân
Tháng Hai mưa bụi dần dần mưa ra
Đàn bà như hạt mưa sa
Mưa đâu mát đấy biết là đâu hơn!


Mưa Xuân tạo nên nỗi buồn cho thân phận, nhưng mưa Xuân cũng tạo nên niềm hy vọng, nỗi ước mơ - ước mơ về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Thế nhưng rồi niềm hy vọng vội tan, nỗi ước mơ không thành:

Mưa Xuân lác đác vườn đào
Công anh đắp đất, ngăn rào trồng hoa
Ai làm gió táp mưa sa
Cho cây anh đổ, cho hoa anh tàn!


Mùa Xuân làm gì có “gió táp mưa sa”như mùa Đông để có thể làm cho “cây anh đổ”, cho “hoa anh tàn”, nhưng ai đó đã tạo cho hồn anh những cơn mưa gió bão bùng và “cây hoa” anh cố công vun xới đã không còn nằm trong tay anh nữa và giấc mộng “thưởng hoa” của anh cũng tàn theo cơn mưa của đất trời!

Mưa Xuân cũng có thể tạo cho con người một niềm tự tin mãnh liệt vào cuộc sống tự lập và an nhiên tự tại, không màng đến cảnh giàu sang phú quý:

Mưa Xuân phơi phới vườn hồng
Ta về đắp đất mà trồng lấy cây
Trồng lấy cây mong ngày có quả
Can chi mà vất vả ai ơi
Long đong nay ngược mai xuôi
Đỉnh chung là cạm trên đời hay chi.


Ôi! Thì ra thời tiết mùa Xuân, có nắng nhè nhẹ, có gió hiu hiu, có “mưa nụ ái ân ngọt ngào”, có đôi khi tạo nên nỗi buồn cho thân phận hẩm hiu, có đôi khi tạo nên nỗi ước mơ, niềm tự tin mãnh liệt cũng không sao xóa tan đi được nỗi lo lắng của bao con người sống trong một xã hội còn nhiều bất công, ngang trái của thời xưa:

Buồn vì một nỗi tháng Giêng
Con chim, cái cú nằm nghiêng thở dài
Buồn vì một nỗi tháng Hai
Đêm ngắn, ngày dài thua thiệt người ta
Buồn vì một nỗi tháng Ba
Mưa dầu, nắng lửa, người ta lừ đừ...


Nói đến mùa Xuân là nói đến hoa:

Trăm hoa đua nở mùa Xuân
Cớ sao cúc lại muộn mằn về Thu?

Hay:

Trăm thức hoa đua nở về tiết tháng Giêng
Cớ sao hoa cải nở riêng tháng Mười?


“Trăm hoa đua nở mùa Xuân” bởi lẽ khí hậu mùa Xuân là khí hậu lý tưởng cho nhiều thức hoa: vừa đủ ấm cho những loại hoa này cũng vừa đủ lạnh cho những loại cây kia:

Xuân noãn nhất gia: đào, lý, hạnh
Tuế hàn tam hữu: trúc, tùng, mai
Sử kinh anh rán dùi mài
Lòng em chí quyết đợi hoài duyên anh!


(Mùa Xuân ấm áp một nhà: hoa đào, hoa mơ, hoa mận.

Mùa Xuân lạnh lẽo thích hợp cho ba bạn: cây trúc, cây tùng, cây mai).

Hoa và Xuân như một cặp tình nhân khăng khít - một bên vô hình, một bên hữu ảnh nhưng cứ quấn quýt mãi bên nhau, không nỡ rời nhau ra: Xuân thì phải có hoa - hoa nở phải chờ đến tiết Xuân:

Trót đà hẹn với vua Xuân
Một năm hoa nở mấy lần son tô
Xuân chưa đến hoa thập thò mãi
Hoa đến rồi Xuân ngấp ngoái theo
Chiều Xuân hoa khéo bày điều
Chiều hoa Xuân lại lắm điều ong ve!


Đến đây Xuân không còn là Xuân của đất trời nữa. Và hoa cũng không còn là hoa của đất trời nữa. Xuân là Chàng và Hoa là Nàng. Chàng và Nàng quấn quýt, chiều chuộng nhau nhưng xin đừng “lắm điều ong ve” mà tội nghiệp cho Nàng, bởi lẽ:

Vườn Xuân hoa nở đầy giàn
Ngăn con bướm lại kẻo tàn nhị hoa!


Hoa là biểu tượng cuả sắc đẹp. Hoa là biểu trưng của Tình yêu. Vườn Xuân cũng là vườn Tình. Tặng hoa là dâng hiến Tình yêu cho người mình yêu:

Vườn Xuân im ỉm còn gài
Em mong khiến bẻ cho ai một cành
Đã yêu anh bẻ cả cho anh
Giấu cha, giấu mẹ rằng cành hoa rơi!


Cô gái trên đây vì tình yêu nên hóa ra liều lĩnh. Nhưng cũng có những cô gái thật kín đáo, thật khôn ngoan. Dù biết rằng lòng mình đang phơi phới tình yêu, nàng vẫn muốn ướm thử lòng tình nhân:

Em ngồi tựa chốn lầu hồng
Vườn Xuân rực rỡ cam lòng tốt tươi
Làm giàn cho bí leo chơi
Hát dăm ba chuyện thử lời nam nhi.


Mùa Xuân đẹp quá. Trăm hoa đua nở. Muôn chim đua hót. Nên mùa Xuân được ví với tuổi trẻ. Mùa Xuân là mùa của tuổi trẻ. Và tuổi trẻ là tuổi của mùa Xuân. Người xưa vẫn quan niệm đời người ngắn ngủi quá – “bóng câu qua cửa sổ” – tuổi trẻ chóng qua – “một năm một tuổi một đuổi Xuân đi” – nên người ta đã vội vã thụ hưởng cuộc sống thời son trẻ. Họ phân bì với người xưa “cổ nhân bỉnh chúc” (người xưa đốt đuốc đi chơi vào ban đêm - vì ban ngày không đủ thì giờ để chơi!). Họ sợ tuổi già mau đến rồi không còn chơi được nữa:

Ai ơi chơi lấy kẻo già
Măng non có lứa, người ta có thì
Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi
Cái già sồng sộc nó thì theo sau.


Hay:

Một năm dễ có mấy Xuân
Một ngày dễ mấy giờ Dần sớm mai!


Mấy cụ nhà ta ngày xưa cũng ghê gớm lắm! Các cụ thật khéo đánh đòn tâm lý, vừa thuyếùt phục, vừa hăm dọa làm cho phái yếu đành chịu ngả lòng mới buông tha:

Ngày Xuân tháng hãy còn dài
Nguyệt hoa còn đó, trúc mai vội gì
Chơi Xuân kẻo lỡ quá thì
Xuân qua ngoảnh lại còn gì là Xuân
Chị em ơi, trong cõi hồng trần
Chữ Xuân chỉ có một lần mà thôi!


Mà họ ngả lòng thật! Các chàng kêu gọi:

Chị em ơi, trong cõi hồng trần
Chữ Xuân chỉ có một lần mà thôi!


Các nàng đáp lại ngay:

...Em đây là gái năm con
Chồng em rộng lương, em còn chơi Xuân!


Mùa Xuân của đất trời thì vô tận theo đúng chu kỳ Xuân-Hạ-Thu-Đông, nhưng mùa Xân của đời người mới ngắn ngủi làm sao! Mùa Xuân của đời người đã ra đi là ra đi biền biệt:

Năm năm, tháng tháng, ngày ngày
Lần lần, lữa lữa, rày rày, mai mai.
Xuân rằng Xuân chẳng tái lai
Người già người chẳng trẻ dai được nào!


Có người tiếc rẻ tuổi Xuân, đến tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn còn tự thán:

Bảy mươi chống gậy ra đi
Than thân rằng thuở đang thì không chơi
Bảy mươi chống gậy ra ngồi
Xuân ơi! Xuân có tái hồi nữa chăng?


Đến tuổi bảy, tám mươi rồi mà còn muốn “Xuân tái hồi” thì quả là một điều vừa khôi hài, vừa tội nghiệp:

Tám mươi ngả gậy ra ngồi
Hỏi rằng Xuân có tái hồi nữa thôi?
Xuân rằng: Xuân chẳng tái hồi
Bốn dài, hai ngắn mà lôi Xuân vào!


Bốn dài hai ngắn là sáu tấm ván thiên của chiếc quan tài!

Nỗi tiếc nuối tuổi trẻ thật là quay quắt! Họ muốn tận hưởng tuổi xuân. Và họ đã thực sự tận hưởng tuổi xuân. Thế nhưng, trong mỗi niềm vui đều đã nẩy mầm lo lắng, hối hận. Nỗi ưu tư làm họ quay quắt tâm hồn. Sự mâu thuẫn đến cùng cực không cách nào giải quyết được giữa sự tận hưởng dục lạc của tuổi trẻ và sự giữ gìn thân xác khi tuổi đã về già!

Chơi Xuân quá lứa đi rồi
Vắt tay thử ngẫm cõi đời mà lo
Trông gương luống những thẹn thò
Một mai tóc bạc, lưng gù mới dơ!
Thương thay Xuân chả đợi chờ
Tiếc thay Xuân những hững hờ với Xuân!


Nhiều người trong chúng ta đã thuộc nằm lòng câu ca dao sau đây:

Tháng Giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bac, tháng ba hội hè...


Và đã có một số người ngỡ rằng ngày xưa ông bà chúng ta “thưởng Xuân” kỹ quá. Sự thực không phải hoàn toàn như vậy. Đây chỉ là một cách diễn đạt bằng lời thơ để chứng minh rằng, mùa Xuân là mùa tương đối rảnh rỗi đối với nhà nông - nhất là nhà nông đất Bắc, vì vụ lúa chiêm đã cấy, vụ lúa mùa chưa bắt đầu, khí hậu lại ôn hòa dễ chịu và đây chính là thời gian lý tưởng để thưởng Xuân. Thực ra, chỉ 3 ngày Tết mọi người mới thực sự rảnh rỗi, hay nói đúng hơn là tạm quên đi mọi công việc kiếm sống hằng ngày, để gọi là “ăn Tết”, kỳ dư khoảng thời gian sau đó thì tùy từng địa phương, từng vùng, tùy công việc đồng áng của mỗi nơi mà tổ chức hội hè đình đám trải dài suốt mấy tháng Xuân, nhiều chỗ còn ăn lấn sang tháng Tư, chẳng hạn:

* Lễ Phật quanh năm
Không bằng hội Rằm tháng Giêng.


Ở đất Bắc, hầu như chùa nào cũng tổ chức hội chùa vào ngày rằm tháng Giêng. Vào ngày này thiện nam tín nữ nô nức đua nhau trẩy hội chùa để lấy lộc đầu năm!

* Ai là con cháu Rồng Tiên,
Tháng Hai mở hội Trường Yên thì về.


Làng Trường Yên thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, hàng năm thường mở hội từ ngày Rằm đến ngày 20 tháng Hai.

* Tình cờ ta lại gặp ta
Vui bằng mở hội tháng Ba đền Sòng.


Đền Sòng thuộc tỉnh Thanh Hóa là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thường mở Hội vào ngày 8 tháng Ba hằng năm.

* Ai ơi, mồng chín tháng Tư
Không đi hội Gióng cũng hư một đời!


Hội Gióng tức ngày hội được tổ chức tại làng Gióng tức làng Phù Đổng thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để tưởng nhớ đức Phù Đổng Thiên Vương – dân gian thường gọi là Thánh Gióng, vị anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh thắng cuộc xâm lăng của giặc Ân vào đời vua Hùng Vương thứ 6.

Những ngày lễ hội tưng bừng thường được tổ chức vào mùa Xuân trước là để “tạ ơn thần linh, cầu xin sự phù hộ”, sau là để vui chơi trong các hội Xuân.

Ăn chơi cho hết tháng Hai
Để làng vào đám cho trai dọn đình
Trong thời trống đánh rập rình
Ngoài thời trai gái tự tình cùng nhau.


Hoặc như:

Quan viên tháng Giêng
Tuần phiên tháng Mười.


Ý nói rằng, vào tháng giêng nhiều nơi tổ chức hội hè đình đám nên các quan viên lúc nào cũng được mời dự đám, và đến tháng mười, sau khi thu hoạch vụ mùa sẽ có nhiều trộm đạo nên bọn tuần phiên phải tuần tra hằng đêm và được dân chúng đãi đằng hậu hĩ.

Dù hội hè đình đám có được tổ chức suốt cả mùa Xuân, người nông dân của ta cũng không khi nào quên công việc làm ăn của mình.

Ở miền Bắc nước ta có những vùng trũng, phải đợi đến tháng Giêng, tháng Hai mới có thể cày bừa để trồng lúa chiêm muộn:

Tháng Giêng chân bước đi cày
Tháng Hai vãi lúa ngày ngày siêng năng
Thuận mưa lúa tốt đằng đằng...


Đối với dân ta, nghề nông là nghề chân truyền, mọi người cần phải biết giữ gìn:

Tháng Xuân là tiết cày bừa
Chăm lo lúa thóc để hòa làm ăn
Nông tang việc gốc cho cần...


Ngoài việc cấy lúa chiêm muộn là nông sản chính vào đầu mùa Xuân, mùa Xuân còn là mùa trồng các loại hoa màu phụ cần thiết cho đời sống hằng ngày:

Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng Ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô...


Tùy theo từng địa phương mà lịch trồng trọt có kác nhau:

Khó thay công việc nhà quê
Quanh năm khó nhọc, dám bề khoan thai
Tháng Chạp thì mắc trồng khoai
Tháng Giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà
Tháng Ba cày vỡ ruộng ra
Tháng Tư bắt mạ thuận hòa mọi nơi...


Hay:

Tháng Hai trồng cà,
Tháng Ba trồng đỗ.


Sự chiêm nghiệm qua nhiều thế hệ đã cho người nông dân ta biết cách quan sát sự vận hành của tinh tú để định đoạt công việc làm ăn. Chẳng hạn họ đã biết quan sát hướng xoay của sao Thần nông mà nông dân của ta vẫn gọi là sao Cày hay sao Lưỡi Cày để ấn định thời gian và loại hoa màu để trồng:

Trên trời có ông sao Thần
Bốn mùa chỉ lối cho dân ăn làm
Sang Xuân, Thần cúi lom khom
Là mùa trồng đậu dân làng biết chăng?...


Công việc nhà nông tuy có vất vả, nhưng trong công việc đồng áng vất vả đó cũng đã để lại những hình ảnh thật sống động, thật nên thơ tình tứ:

Bao giờ cho đến tháng Hai
Con gái làm cỏ, con trai be bờ
Gái thì kể phú ngâm thơ
Trai thì be bờ kể chuyện bài bây!


Nghe đến câu “trai thì be bờ kể chuyện bài bây” ta tưởng tượng như đâu đó ngoài đồng ruộng mênh mông đang vang lên những chuỗi cười ròn rã yêu đời!

Công việc nhà nông tuy có nhiều vất vả thật đấy, nhưng khi nhìn tấy thành quả của sức lao động bỏ ra, cái hình ảnh của đồng ruộng quê ta mới đẹp làm sao, mới quyến rũ làm sao:

Tháng Giêng lúa mới chín vè
Tháng Năm lúa đã vàng hoe đầy đồng...


Tuy sung sướng khi nhìm thấy “lúa đã vàng hoe đầy đồng” nhưng họ cũng đủ khôn ngoan mà căn dặn nhau:

Đói thì ăn củ ăn khoai
Chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng!


Bởi lẽ mùa lúa chiêm gặt vào tháng năm thì trổ vào cuối tháng Ba đầu tháng Tư mới đúng. Nếu lúa chiêm mà trổ vào tháng Hai là nghịch thời tiết và dĩ nhiên mùa lúa đó coi như mất!

Ngoài công việc trồng trọt các loại hoa màu phụ, trong những khoảng thời gian rảnh rỗi, người nông dân của ta còn có thể làm nhiều nghề phụ khác nữa để kiếm thêm tiền, đặc biệt là nghề trồng dâu nuôi tằm và nghề buôn bán:

Một năm có mười hai kỳ
Thiếp ngồi thiếp tính khó gì chẳng ra:
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà
Tháng Hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm
Tháng Ba đi bán vải thâm...


Hoặc đan thuyền để đánh bắt cá vào mùa mưa lũ:

Tháng Ba mua nứa đan thuyền
Tháng Năm, tháng Sáu gặt liền ruộng chiêm...


Ở vùng bờ biển cực Nam của nước ta, đặc biệt là vùng biển Hà Tiên, ngoài nghề biển và nghề nông, người dân còn làm nghề bắt đồi mồi:

Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Anh đi nằm bãi hòn Khơi một mình.


Hòn Khơi là một đảo nhỏ thuộc biển Hà Tiên. Chung quanh vùng đảo này có nhiều đồi mồi - là một loại rùa biển lớn, trên mu có nhiều vân hoa thật đẹp. Tháng Giêng là tháng đồi mồi từ dưới biển lũ lượt kéo nhau lên bãi cát để làm ổ đẻ trứng. Đồi mồi là một loại hải sản quý, thịt đồi mồi dùng làm nhiều món ăn thích khẩu, mu đồi mồi được chạm khắc thành nhiều đồ dùng và đồ trang trí thật đẹp.

Cũng nằm trong vùng biển Hà Tiên còn có chùa Hang ở hòn Chông có nhiều chim nhạn làm tổ. Và những tháng mùa Xuân, dân chúng quanh vùng hòn Chông thường rủ nhau ra hòn để lấy trứng nhạn, và trứng nhạn quả là một món ăn quyến rũ nên dù có phải vượt qua nhiều khó khăn, người ta cũng cố vượt qua:

Tháng Hai cơm gói ra hòn
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang Mai
Trăm tình ai dễ ép ai
Muốn ăn trứng nhạn hang Mai phải lòn.


* * *

Ngày nay chúng ta đã có thể tìm đọc nhiều câu tục ngữ ca dao nói về bốn mùa, nhiều nhất vẫn là những câu tục ngữ ca dao nói về mùa Xuân, do công bảo lưu của quảng đại quần chúng nhân dân và công sưu tập của các nhà làm văn học tên tuổi như Ôn như Nguyễn Văn Ngọc với Phong Dao Tục Ngữ (2 tập), Trọng Toàn với Hương Hoa Đất Nước (2 tập), Phan Canh và Nguyễn Tấn Long với Thi ca Bình Dân Việt Nam (4 tập)...

Trong những câu nói về mùa Xuân, chúng ta có thể tìm đọc những câu nói riêng về ngày Tết Nguyên đán. Chúng ta cũng có thể tìm đọc những câu nói về những ngày lễ hội mùa Xuân trong truyền thống văn hóa nông nghiệp của dân tộc. Các câu tục ngữ ca dao về bốn mùa, một phần chính là kinh nghiệm về thời vụ (nông nghiệp cũng như ngư nghiệp) mà một số trong những câu tục ngữ ca dao được trích dẫn trên đây vẫn được xem là những câu tục ngữ ca dao về nông lịch của nền nông nghiệp Việt Nam cổ xưa.

ĐÀO ĐỨC NHUẬN.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh