Danh Nhân Quảng Ngãi:
TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH, NGƯỜI ANH HÙNG TIÊN PHONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP.
Trương Quang Cẩm Thành
Quảng Ngãi địa linh xuất nhất hùng,
Nam thùy trượng kiếm thệ binh nhung.
Thư sinh tự quý vô thao lược,
Chấp bút thành thi biểu nhử trung.
(ĐÀO TẤN)
(1846-1906, là nhà viết tuồng nổi tiếng của Bình Định, Thượng thư sống đồng thời với Trương Công Định).
Dịch:
Đất thiêng Quảng Ngãi nảy anh hùng,
Vào Nam chống kiếm dẹp thù chung.
Tôi thẹn không tài, cầm bút viết
Lòng ông yêu nước, đấng kiên trung.
Trương Định, thường được biết với tên Trương Công Định (chữ Công là tiếng tôn quý, chỉ ngôi tột phẩm: vương, công, hầu), sinh năm 1820 tại xã Tư-Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ai đã từng đến bãi tắm Mỹ khê đều đã đi qua thôn Tư-Cung nằm kế cận với thôn Mỹ khê (nơi phát sinh các danh nhân Trương đăng Quế, Trương quang Đản...), nay đều thuộc xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi chào đời của Trương công Định có núi Thiên Ấn phía Tây, núi Thiên mã phía Nam nhìn xuống cửa Cổ Lũy là nơi hội tụ của 2 dòng sông Trà khúc và Vệ giang, phải chăng là nơi tụ linh khí.
Nguyễn Thông, nhà thơ văn, từng giữ chức Bố chánh tỉnh Quảng ngãi, có viết trong Kỳ xuyên văn sao: “Trương Định theo cha vào Nam, lúc Trương Cầm là cha của ông làm Lãnh binh tỉnh Gia định, thời Thiệu trị. Định lấy vợ là con gái một nhà giàu ở Tân-an, tỉnh Định-tường. Sau khi cha mất, ông ở luôn tại quê vợ. Trương Định trang mạo khôi ngô, thông hiểu binh thư và bắn rất giỏi. Thời Tự-đức, Trương Định xuất của nhà chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền nên được bổ chức Quản-cơ” (Bản dịch Lê Thước & Phạm khắc Khoan).
Trương Công Định sinh trưởng từ gia đình quyền quý, năm ông 25 tuổi ông theo cha là quan Lãnh binh Hữu vệ úy vào Gia-định, và ông mang theo bầu nhiệt huyết của người trai đầy hào khí nơi hun đúc nên Ông, để cứu dân giúp nước.
Từ năm 1854, Trương công Định hưởng ứng chính sách khẩn hoang kết hợp kinh tế với quốc phòng của Triều đình Huế do Nguyễn Tri Phương thi hành, ông lập nên đồn điền Gia-thuận quy tụ hàng ngàn người, được ông phân phối đất canh tác và luyện tập võ bị cho họ. Vua Tự đức biết tài năng Trương công Định, bèn bổ Quản cơ cho ông nên từ đó ông có tên là Quản Định.
Tháng 9-1858 quân xâm lược Pháp tấn công Đà Nẵng, Trương Công Định gấp rút chiêu mộ thêm trai tráng thành đạo nghĩa binh của đồn điền và ngày đêm luyện tập thế công thế thủ. Khí giới của nghĩa binh lúc đầu chỉ có gậy tầm vông vạt nhọn, giáo mác, cung kiếm và một số hỏa khí cổ sơ như súng kíp và đại bác nhồi thuốc súng.
Bị chận ở Đà Nẵng, quân Pháp bèn chuyển hướng tấn công vào vựa lúa Nam kỳ.
* Trương công Định tiên phong đánh Pháp ngay tại Gia định:
Ngày 10-2-1859, Trung Tướng Rigault de Genouilly tập trung hơn 2000 quân Pháp và Tây-ban-nha tại Vũng-tàu, tiến theo sông Cần-Giờ bắn phá pháo đài Phúc thắng ở núi Gành rái (là vị trí tiền tiêu của thành Gia định) và các đồn phòng vệ như Lương thiện, Phúc mỹ, Danh-nghĩa. Trương công Định hay tin dữ, ông tự nguyện dẫn đội nghĩa binh của mình đem phối hợp tác chiến với quân Triều đình, ra sức đánh chận quân địch. Vì bị tấn công bất ngờ, quan quân lại nhút nhát nên thành Gia định thất thủ, quan trấn thủ Võ duy Ninh tự tử, hàng ngũ binh sĩ triều đình như ong vỡ tổ.
Trương công Định không hề nao núng, ông kéo nghĩa quân ra đóng ở Thuận kiều, phá rối địch ở khắp ngoại vi thành Gia định. Vang dội nhất là trận đột kích đồn giặc ở chùa Chợ-rẫy (giặc biến các chùa thành pháo đài). Đồn Chợ rẫy có 100 lính Tây-ban-nha do đại úy Hernandez chỉ huy và 60 lính Pháp do 2 trung úy Narac và Gervais cầm đầu. Đêm 3 rạng ngày 4-7-1860, nghĩa quân của Trương công Định và một bộ phận của quân triều đình bò qua các bãi cỏ, lách mình vào bụi rậm, bất thình lình đồng loạt nhảy xổ vào đồn, giết chết nhiều giặc rồi rút lui an toàn, địch không kịp trở tay.
Trận đột kích khác trong đêm 7-12-1860, binh của Trương Công Định đốt phá đồn Pháp đóng tại chùa Khải-tường (ở góc đường Lê quý Đôn và Trần quý Cáp hiện nay), giết chết viên chỉ huy Pháp là đại úy Barbé. Liên tiếp trong tháng 11 và 12-1860, Trương công Định điều động nghĩa quân liên tục đánh vào các cứ điểm quân Pháp tại Cần giuộc, Thủ-Dầu-Một, Trảng-Bàng, Tây-Ninh. Theo Nguyễn Thông cho biết, Trương công Định thường đi tiên phong trong các trận đánh, ông chiến đấu can đảm phi thường, lập nên nhiều chiến công.
Ngay cả trung úy Paulin Vial, người từng giao chiến với Trương công Định, trong sách Những năm đầu ở xứ Nam-kỳ (Les premières années de la Cochin-chino) có kể câu chuyện: Trương công Định có người bạn là bá hộ Huy. Khi quân Pháp chiếm đóng Đông sơn gần Gò-công, Huy theo Pháp nhận chức chánh tổng và vào ở ngay nơi quân Pháp đóng để được an toàn. Làm tay sai cho giặc, Huy dò biết được chỗ ở của Trương công Định, y liền cho người đày tớ mang mật thư báo cho Pháp biết chỗ ở của Trương công Định để vây bắt. Nhưng người đày tớ đi lầm đường bị nghĩa quân bắt, nó sợ quá phải nộp mật thư ấy ra. Đọc xong thư, Trương công Định tức khắc một mình đột nhập Đông-sơn ngay nơi quân Pháp đóng, chém đầu tên Huy, rồi lại ra về vô sự. Paulin Vial viết: “Hành động can đảm đó làm ông (Trương công Định) nổi tiếng, và ông sử dụng uy tín của ông với nghị lực, xứng đáng của một đại nghĩa” (sách đã dẫn, trang 116).
Đầu năm 1861, khi chiến tranh Pháp - Trung quốc kết thúc, quân Pháp dồn cả lực lượng sang Việt-nam để mở cuộc tấn công vào đại đồn Kỳ-hòa. Trương công Định đem nghĩa quân đến phối hợp với quân đội của Nguyễn tri Phương ra sức chống giặc. Đô đốc Charner có trong tay 70 chiếc tàu và 3500 quân bộ từ Trung quốc mang về cọng với quân Pháp sở tại, quần thảo với quân ta tại đồn Kỳ hòa (Pháp gọi là dãy đồn Chí-hòa) trong 2 ngày mới chiếm được, sau khi Nguyễn tri Phương bị thương, em là Nguyễn Duy tử trận; quan tham-tán Phạm thế Hiển đưa tàn quân về tới Biên hòa cũng mất. Trận ác chiến này quân sĩ triều đình và nghĩa quân Trương công Định chết rất nhiều dưới hỏa lực áp đảo của giặc. Đổi lại quân Pháp chết hơn 300 người, Lục quân Thiếu Tướng Vassoigne, và đại tá Tây-ban-nha Palanca cùng nhiều sĩ quan nữa bị thương.
Đồn Kỳ-hòa thất thủ, quân triều đình rút lên Biên hòa, Trương công Định thu nghĩa quân về đóng giữ Tân hòa (tỉnh Gò công), xây dựng nơi đây thành căn cứ chống Pháp.
* Từ căn cứ Tân-hòa, Trương công Định điều khiển cuộc chiến tranh du kích khắp 3 tỉnh:
Rút về Tân hòa, quân của Trương công Định gồm một phần là quân đồn điền, phần khác là quân triều đình chạy theo ông sau khi thất trận ở Kỳ hòa. Căn cứ Tân hòa bấy giờ không nằm trong khu vực bị Pháp chiếm đóng, từ đó tiện việc tấn công Saigòn, cũng thuận tiện phối hợp với các cứ điểm kháng chiến ở Tân an, Mỹ tho, Gò công. Bấy giờ, giặc Pháp xem nghĩa quân là “giặc cỏ” không đáng quan ngại, thừa cơ ấy Trương công Định cùng với tri huyện Lưu tấn Thiện và thơ lại Lê quang Quyền tích trữ lương thực, rèn đúc súng đạn và phát triển quân số lên đến hơn 1000 người. Trương công Định xây dựng hệ thống đồn lũy ở căn cứ Tân hòa và các nhánh sông như Rạch lá, Xoài rạp, hoặc các ngã đường như Chợ-gạo v.v... Đồng thời ông cho các tướng đem nghĩa quân đi đánh giặc Pháp ở tỉnh Gia định và chận đường chúng tiến chiếm Vĩnh-long.
Phong trào kháng chiến dâng lên như nước thủy triều, lực lượng nghĩa quân đã lên đến 6000 người, được phiên chế thành 6 cơ. Địa bàn hoạt động của quân dân kháng Pháp chẳng những ở vùng Gia-định Chợ-lớn, Tân an Mỹ-tho mà lan rộng ra đến 2 nhánh sông Vàm-cỏ, từ biển Đông lên đến biên giới Campuchia, kể cả vùng Đồng-tháp-mười. Trong sách Lịch sử cuộc chinh phạt Nam-kỳ-1861 (Histoire de l'expédition de Cochinchine -1861) tác giả thực dân Pháp là Léopold Pallu de la Barrière đã viết: “Người Pháp vướng vào một cuộc chiến tranh chống một kẻ địch vô hình, một kẻ địch như từ dưới đất mọc lên... Thực tế đâu đâu cũng là trung tâm kháng chiến, chia nhỏ ra vô cùng, có bao nhiêu người An-nam là bấy nhiêu trung tâm kháng chiến” (trang 234).
Trương công Định bắt liên lạc chặt chẽ với hầu hết các thủ lãnh nghĩa quân và sĩ phu yêu nước, chống Pháp như Nguyễn Hữu Huân, Thiên Hộ Dương (tên đầy đủ là Võ Duy Dương), hương thân Lê Cao Dũng, cử nhân Phan Văn Trị, tri huyện Âu Dương Lân, phủ cậu Trần Xuân Hòa, cử nhân Phan Văn Đạt, Đỗ Trình Thoại, Nguyễn Đình Chiểu. Các nhà lãnh đạo phong trào Văn thân như Nguyễn Thành Ý, Phan Trung, mỗi người kéo 2000 quân của họ đến hợp tác với Trương Công Định.
Hoạt động du kích chiến của nghĩa quân Trương Công Định hầu như chỗ nào cũng có và không tìm ra ở đâu có cả (partout et nullepart) buộc quân Pháp phải lập ra nhiều đồn bót để giữ các nơi chiếm đóng, nhưng số đồn bót phân tán nầy liên tiếp bị nghĩa quân tấn công tiêu diệt. Vì vậy, đến ngày 1-3-1861, đô đốc Charner là tổng chỉ huy quân Pháp buộc phải rút bỏ các vị trí của chúng ở Gia-thạch, Chợ-gạo, Cái-bè, Gò công.
Trương công Định còn bí mật dựng lên hệ thống chính quyền kháng chiến để lo việc chính trị và quân sự trong toàn địa hạt tỉnh Gia định. Ông đã cử Hồ Huân Nghiệp giữ chức tri phủ Tân bình (là 1 trong 3 phủ của Gia định).
Đến tháng 11/1861, Hải quân Thiếu tướng Bonard (thay thế Charner) mở cuộc tấn công lên Biên hòa bằng 2 đường thủy bộ. Quân triều đình rút lui ra Bình thuận, thành Biên hòa lại rơi vào tay giặc Pháp. Cùng lúc ấy thì Trương công Định tiến quân lấy lại Gò-rùa (cách Gò công vài cây số).
Triều đình Huế thấy khí thế mạnh mẽ của nghĩa quân kháng chiến, bèn ra lệnh cho các quan trấn thủ Biên hòa là khâm phái quân vụ Nguyễn Túc Trưng và Hiệp tán quân vụ Thân Văn Nhiếp phải đến Tân hòa hội quân với Trương công Định để khôi phục lại Biên hòa. Trương Công Định muốn quan quân triều Nguyễn phải gây lại uy thế đánh ngoại xâm nên ông tự nguyện giao quyền chỉ huy liên quân cho Nguyễn Túc Trưng. Nhưng từ khi nắm quyền tổng chỉ huy, Nguyễn túc Trưng sợ địch, cứ quanh quẩn trong căn cứ Tân hòa, không dám xuất quân tìm đến trại giặc để giao chiến. Đáp ứng với cao trào ứng nghĩa khắp Lục tỉnh, Trương công Định không theo Nguyễn Túc Trưng nữa mà triển khai hoạt động của nghĩa quân ra khắp các miền Gò công, Tân an, Cần giuộc, Bến lức, Bà hom, Trảng bàng, Thuận kiều... gây tác động mạnh mẽ lòng yêu nước đến dân chúng 3 tỉnh miền đông Nam bộ là Biên hòa, Gia định và Định tường.
Triều đình Huế nhận biết quân của Trương công Định có kỷ luật, chiến đấu dũng cảm và được dân chúng nuôi dưỡng, bèn cử Trương Công Định làm Tổng chỉ huy nghĩa binh Gia định. Quân của ông đẩy giặc Pháp vào tình thế bị động tệ hại, cho nên đến đầu năm 1862, không chịu nổi sức tấn công dũng mãnh của nghĩa quân Trương Công Định, quân Pháp lại phải rút bỏ nhiều phủ huyện và thị trấn quan trọng ở 2 tỉnh Định tường và Gia định như Tân an, Chợ gạo, Gò công, Cái bè, Cai lậy, Rạch gầm, Bến lức, Phước lộc v.v...
* Hòa ước nhượng 3 tỉnh miền đông Nam kỳ, phản quốc hại dân:
Giữa lúc giặc Pháp đang lúng túng trước cuộc kháng chiến của quân dân ta, triều đình Huế muốn giảng hòa mặt Nam để rảnh tay đối phó với các cuộc nổi dậy ở Bắc hà, vua Tự-Đức sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp vào Nam thương nghị với quân Pháp. Hai ông đã ký với Bonard hòa ước Nhâm tuất (5-6-1862) cắt nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền đông Nam bộ. Thi hành hòa ước vừa ký, vua Tự đức xuống chiếu, triệu Nguyễn Túc Trưng về triều, giải tán nghĩa quân và điều Trương Công Định đi nhận chức Lãnh binh tỉnh An Giang (tức Châu đốc) ở 3 tỉnh miền tây Nam bộ. Hòa ước từ bỏ chủ quyền trên 3 tỉnh Biên hòa, Gia định và Định tường đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong đồng bào toàn quốc, nhất là nghĩa quân Trương Công Định.
Paulin Vial phản ảnh thái độ quân dân ta bất tuân hòa ước, cương quyết đánh Pháp bằng mọi phương tiện (sđd trg 162): “Tin tức hòa bình được hỏa tốc mang đến những nơi bị đe dọa nhất của lãnh thổ đã nhường cho chúng ta nhằm chấm dứt ngay cuộc xung đột. Trái với điều chúng ta mong đợi, các lãnh tụ nghĩa quân không muốn phục tùng chính phủ Pháp lập ra, mà họ cũng không đi sang đất đai của nước An-nam. Họ cứ ở lại trên đất đai đã cắt nhường cho chúng ta, họ thu thuế, cướp phá các đoàn vận tải và mỗi khi có cơ hội lại tấn công vào các người Âu riêng lẻ. Ở biên giới huyện Tân hòa, nơi Trương Định ẩn náu, họ lại bắn súng trường và súng bắn đá vào những người Pháp đi báo tin đình chỉ chiến tranh.
Như vậy là giữa lúc Đô đốc tưởng đã may mắn kết thúc cuộc chiến đẫm máu, thì ngài lại vấp phải cuộc kháng chiến tích cực và có lẽ còn đáng sợ cho các dự định của ngài hơn là cuộc chiến tranh hẳn hoi với quân đội chính quy của nhà Vua”.
* Trương công Định được suy cử là Bình tây Đại Nguyên-soái:
Dù đã tiếp nhận sắc phong Lãnh binh của vua Tự đức, nhưng trung quân là không thể bỏ dân, mất nước; ngay lúc ấy Phạm Tấn Tuất ở Tân Long và những tướng ứng nghĩa đem thư của các nghĩa hào cử ông làm chủ soái để khôi phục chủ quyền 3 tỉnh. Đúng như trong bài văn tế sau khi Trương công Định chết, nhà thơ Nguyễn đình Chiểu viết :
“Bởi lòng chúng, chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền.
Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại”.
Sau khi đảm nhận trách vụ Bình tây Đại nguyên soái do quân dân tiến cử, Trương công Định mang đại quân về Tân hòa, dựng lá cờ nghĩa có đề 8 chữ Hán lớn: “Phan Lâm mãi quốc, Triều đình khí dân” (=Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp bán nước, Triều đình bỏ dân) và truyền hịch chống Pháp.
Trương Công Định cho đắp lũy đào hào từ động Cây đa đến đập Ông-canh, đặt quân phòng vệ các nơi hiểm yếu, mở công binh xưởng đúc thêm đại bác. Ông cắt cử Trịnh Quang Nghi làm Tham tán quân vụ, phân công Phạm Tuấn Phát đóng giữ Gò-đen, Bùi Huy Đậu giữ vùng Cần- Đước, Nguyễn Văn Trung đóng giữ vùng Tân Thạnh. Ba đạo quân nầy là hệ thống bảo vệ căn cứ Tân hòa ở Gò công.
Phối hợp chiến trường với Trương công Định, nghĩa quân các nơi cũng tăng cường đánh giặc Pháp như: Thiên Hộ Dương ở Đồng tháp mười, Đốc binh Kiều trên sông Vàm cỏ, Thủ khoa Huân ở Mỹ quý, Tam bình.
Theo lời kể của Poyen trong sách “Ghi chép về pháo binh của Hải quân ở Nam kỳ” (Notice sur l'artillerie de la marine en Cochinchine) (trg 79-81) thì Bonard rất lo ngại “về tình hình hoạt động ngấm ngầm đang tiến triển trên toàn đất Nam kỳ và thư nào cũng xin tăng viện”. Trong thư ngày 13-12-1862 Bonard gởi cho Bộ trưởng Hải quân Pháp yêu cầu gởi gấp viện binh để bù đắp vào số chết trận và ốm đau, lời lẽ khẩn thiết: “Nếu ngài không gởi cho tôi số quân tăng viện mà tôi đã yêu cầu thì tôi không thể khôi phục lại tình hình”.
* Tổng công kích:
Trước tình hình sắp bùng nổ lớn, vào tháng 11/1862 Bonard và Phan Thanh Giản ra bản tuyên bố chung yêu cầu Trương công Định và nghĩa quân hạ vũ khí. Đáp lại, Trương công Định phát động cuộc tổng công kích trên khắp các mặt trận vào tháng 12/1862.
- Mở đầu là trận đánh chiếm đồn Rạch-tra, là tiền đồn cách Saigòn 15km trên đường đi Tây ninh, địch dùng làm bàn đạp tiến lên Tây ninh. Lúc 4 giờ sáng 17-12 nghĩa quân dùng thang tre vượt rào trèo tường xông vào cận chiến bằng giáo mác. Tên đại úy chỉ huy tên Thou-roude bị đâm chết cũng như nhiều binh sĩ Pháp.
- Đêm 17 rạng 18-12/1862, nghĩa quân có 1.200 tay súng chia làm 2 mũi đánh chiếm đồn Đồng môn gần Long thành (Biên hòa) bắt sống tên tri huyện tay sai cho Pháp.
- Cũng trong ngày 18-12 vào giữa trưa, nghĩa quân phóng hỏa đốt chiến thuyền số 40 của Pháp đang đậu ở Bến-lức. Đồng thời, trên đường đến phủ Phước-ti, chỉ 100 nghĩa quân tập kích tiêu diệt gọn một đội tuần tra Pháp, chỉ 1 tên chạy thoát.
- Cùng ngày 18-12/1862, vào xế chiều, 2.000 nghĩa quân có trang bị đại bác tấn công đồn Thuộc-nhiêu do tên đại úy Taboule chỉ huy có nhiệm vụ bảo vệ thị xã Mỹ tho và kiểm soát trục lộ giao thông nói trên. Chính giặc Pháp phải thừa nhận “Nghĩa quân xông vào đánh... can đảm và quyết tâm phi thường”.
- Tối ngày 18-12, một cuộc tấn công khác của 2.000 nghĩa quân có 12 súng đại bác bắn đá đánh vào đồn Rạch kiến. Đồn nầy do một đại đội bộ binh và một số lính pháo thủ sử dụng 2 khẩu sơn pháo. Cuộc công đồn diễn ra suốt 2 ngày 18 và 19 gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.
- Đồng thời với cuộc tổng công kích trên bộ, nghĩa quân ở Tân hòa tấn công pháo hạm Alarme và 2 tàu chiến số 13, số 19 đang thả neo trên rạch Gò-công. Nghĩa quân dùng 6 thuyền phóng lửa bắn nhiều mồi lửa vào tàu Pháp. Hỏa lực từ đồn chính Tân hòa và các tiền đồn của căn cứ bắn phủ đầu vào trận địa pháo binh và bộ binh Pháp do tên đại úy Marchet chỉ huy đóng trên bờ rạch Gò-công để yểm trợ cho các tàu chiến trên. Đồng thời hơn 400 nghĩa quân tấn công thẳng vào các vị trí tiền tiêu của địch đóng trước căn cứ Tân-hòa.
Sang đầu năm 1863, Trương công Định chỉ huy quân sĩ thuộc quyền tiếp tục giữ thế công.
- Ngày 01-01-1863, nghĩa quân phục kích đội tuần tra gần 50 tên địch (có 25 bộ binh + 12 pháo thủ + 13 lính kỵ binh và hiến binh) do Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Thủy quân lục chiến tên Coquet chỉ huy, giết chết 2 người Pháp và 9 con ngựa.
Để kìm chân giặc, không cho chúng tiếp ứng nhau, nghĩa quân cắt đứt các đường dây điện thoại Saigòn - Mỹ tho, Saigòn - Vũng tàu - Bà rịa - Biên hòa, phá hoại cầu đường để ngăn chận việc chuyển vận của giặc.
Trong tuần lễ đầu tháng 01-1863, Trương Công Định cho tập trung lực lượng lớn về đóng ở Gia-thạnh sắp đặt trận tập kích quy mô. Được tin tình báo cho hay, bên địch liền điều động 2 đạo quân đến càn quét điểm nghĩa quân tập kết để phá kế hoạch tấn công của ta. Mũi thứ nhất do Đại úy Hải quân Gougeard chỉ huy 45 lính vượt qua Rạch sao đánh vỗ mặt vào Gia thạnh. Mũi thứ hai do Đại úy Dol chỉ huy 40 lính Phi châu + 30 lính thủy + 10 pháo thủ có trang bị dã pháo, theo đường cái ven rạch Kẻ-lược tấn công vào Gia-thạnh.
Nắm được ý đồ của địch, Trương Công Định bố trí trận địa phục kích cánh quân 2 trên gò cao ngay sát rạch Kẻ-lược, đồng thời bố trí trận địa khác trên đường Gia-thạnh - Bến cát. Trận chiến suốt 3 ngày, quân Pháp bị đẩy lui sau khi bị thiệt hại nặng.
Dù bị tổn thất, giặc Pháp muốn giữ vững chính quyền thống trị ở 3 tỉnh đã được nhượng thì phải liều chết phá vỡ gọng kìm của nghĩa quân càng lúc càng siết chặt. Pháp bèn tập trung quân mở trận càn thứ hai từ ngày 8 đến 14-01-1863 vào căn cứ Gò-đen và Cần đước của nghĩa quân. Tên đại úy hải quân Lepès chỉ huy trận càn gồm đại đội lính Phi châu + 30 lính ngụy + 15 thủy quân lục chiến + 11 lính thủy + 5 pháo thủ, mặt sông có một pháo hạm và một số tàu đổ bộ mang theo 1 trung đội thủy quân.
Phạm Tuấn Phát bố trí nghĩa quân phục kích chận đánh địch ở nhiều chỗ, cầm chân quân Pháp sau 3 ngày chịu gian nan và thương vong mới tới được Cần Đước. Nhưng vừa đến Cần Đước, liền bị nghĩa quân do Bùi Huy Diệu chỉ huy chống trả quyết liệt, quân Pháp phải tháo chạy về Sàigòn. Trên đường tháo lui, quân địch còn bị nghĩa quân đánh cho 2 trận khiếp vía tại Gò-đen và Long-phú. Thế là cuộc càn quét 6 ngày của giặc Pháp thất bại, hao binh tổn tướng mà thôi.
- Ngày 17-01-1863, bọn lính Pháp đến quan sát địa hình Gò-công, đột nhập vào vùng Vĩnh-lợi liền bị đẩy lui, 1 hạ sĩ quan thủy quân bị giết. Sau đó các ngày 21 và 22, giặc Pháp hành quân trên tuyến đường Đông sơn, 1 trung úy giặc bị giết. Ngày 23-01, tên đồn trưởng Long-thành là đại úy Herbillon dẫn 35 lính bộ, một số đông lính mã-tà, 3 pháo thủ và một khẩu lựu pháo đánh vào vị trí Phước lợi, nghĩa quân chống trả mãnh liệt, giặc lại bỏ chạy.
Ở mặt trận Biên hòa, Bà-rịa, nghĩa quân Kinh và Thượng cùng hợp lực liên tiếp tấn công đồn Pháp. Ngày 20-01-1863, tên Tiểu đoàn trưởng Coquet bị bao vây rất nguy khốn tại Bà-rịa, đến nỗi Bonard phải vét quân Saigòn gửi đến cứu viện. Đến ngày 23-01 nghĩa quân Kinh Thượng lại tấn công thẳng vào cánh quân Pháp trên đường hành quân Bà-rịa lên Chợ-bến.
Đoàn kết với đồng bào Thượng thiểu số đứng vào trận tuyến chống Pháp là một thắng lợi của chủ tướng Trương công Định, Poyen đã viết: “Quân khởi nghĩa đã thành công trong việc lôi kéo những bộ lạc người Thượng ở ven biên giới Biên-hòa và Bà-rịa; trước đó những bộ lạc nầy vẫn đứng ngoài cuộc chiến đấu. Việc tham gia của những bộ lạc người Thượng chứng tỏ cuộc khởi nghĩa đã có một trợ lực quan trọng”.
Cuộc tổng công kích của nghĩa quân Trương công Định cuối 1862 đầu 1863 đã gây cho Pháp thiệt hại trầm trọng khiến chúng không đủ lực lượng để bảo vệ các vị trí đã chiếm được. Trong thư Bonard gởi cho Bộ trưởng Hải quân Pháp đề ngày 13-12-1862 phải nói lên sự thật: “Để bảo vệ an ninh thành phố (Saigòn) tôi bắt buộc phải đưa lên bộ tất cả lính thủy của tôi, phải cấp súng ống cho những thường dân (Pháp), cho những người đang đau ốm và cho cả y tá, cấp dưỡng, thợ... Tôi không có lấy 100 người để sử dụng” (sđd trg 81-82).
* Phan Thanh Giản chủ hòa, dụ Trương công Định bãi binh:
Bonard một mặt xin Pháp quốc viện binh, một mặt áp lực triều đình Huế phải giải giới triệt để trong 3 tỉnh thuộc địa của họ như quy định của hòa ước Nhâm tuất. Vua Tự-đức sai Phan Thanh Giản (đương giữ chức Tổng đốc tỉnh Vĩnh-long) tìm cách thuyết phục Trương công Định ngưng chiến đấu. Phan đã có 3 lần đưa thư yêu cầu Trương Công Định bãi binh. Trong 1 thư, Phan viết:
-“Triều đình đã ký hòa ước, ông nên bãi binh, không nên trái mệnh vua. Trung hiếu là điều tốt, nhưng phải có giới hạn, không thể vượt qua giới hạn mà được trung hiếu... Hiện nay đại binh của triều đình triệt hồi đã lâu, các quan chưởng binh lén lút ở nơi rừng núi đều đã giải tán. Còn một mình ông đem toán quân ấy tiến lên đánh thì có chắc thắng được không? Lui về giữ thì có chắc vững được không? Quyết không thể được...” (Nguyễn Thông, sđd)
Trương Công Định bác bỏ những lời dụ dỗ của Phan thanh Giản, ông trả lời khẳng khái với Phan trong lá thư viết đầu tháng 2-1863:
-“Nhân dân 3 tỉnh muốn trở lại tình trạng cũ, đã suy tôn tôi đứng đầu họ. Tôi không thể làm khác điều tôi đang làm. Chính vì vậy mà tôi đã chuẩn bị chiến tranh, và ở đàng đông cũng như ở đàng tây, tôi sẽ kháng cự và tôi sẽ chiến đấu, cuối cùng chúng tôi sẽ đánh bại sức mạnh của bọn kẻ cướp. Nếu ngài còn nói duy trì những điều đã ký kết với bọn kẻ cướp, thì chúng tôi sẽ chống lại mệnh lệnh của triều đình, và như vậy hẳn là giữa tôi và ngài sẽ không có hưu chiến, không có hòa bình và ngài đừng lấy làm ngạc nhiên” (Paulin Vial, sách đã dẫn. Trg 216-217).
Thấy Trương Công Định một lòng quyết chiến với Pháp, bác bỏ chủ trương cầu hòa của triều đình, vua Tự-đức ra lệnh cách chức Lãnh binh của ông. Sự thật, ông đã ly khai với triều đình từ khi có tờ hòa ước bán nước. Khi nhận chức Bình tây đại nguyên soái do dân phong, Trương công Định đã giương cao lá cờ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
* Quân Pháp đánh chiếm căn cứ Tân hòa:
Giữa lúc chính quyền Pháp ở Saigòn lo sợ, tinh thần quân viễn chinh Pháp đang nao núng thì nhận được viện binh do đô đốc Jaurès từ Thượng hải mang đến vào đầu tháng 2-1863. Số quân tiếp ứng gồm 1 tiểu đoàn lính Algérie, 1 tiểu đoàn lính tagals có 800 tên do thực dân Tây-ban-nha ở Philippines cho mượn và 200 lính Pháp, tất cả đều trang bị vũ khí hùng hậu. Bonard huy động tất cả lực lượng thủy lục đã có được ở Nam bộ, để tấn công Trương công Định ở Tân hòa.
- Ngày 13-2-1863, Pháp điều động 2 chiến hạm làm căn cứ hậu cần cho chiến trường: chiến hạm Européen đến bỏ neo ở cửa Rạch-lá, tàu này là kho chứa than kho tiếp liệu cung ứng cho 1200 quân trong 1 tháng, đồng thời cũng là bệnh viện, trên tàu có trí 8 khẩu đại bác. Chiến hạm Alarme đến đậu ở rạch Gò công với nhiều tàu nhỏ chở nước và lương thực cho quân xâm lược.
Cùng ngày này, tên Thiếu tá Piétri chỉ huy cánh quân (gồm 3 đại đội gốc Phi châu, 100 lính ngụy + 80 khinh binh Phi châu + 30 lính công binh + 1 trung đội pháo binh có 2 khẩu pháo có khương tuyến) tiến đánh ào ạt vào làng Đông sơn là nơi đặt đại bác của nghĩa quân ở tây bắc Gò công. Lưu Bảo Đường và Đặng Kim Chung chỉ huy nghĩa quân chống trả mãnh liệt, chẳng may cả 2 vị tướng này đều tử thương nên mặt trận Đông sơn tan vỡ, nghĩa quân còn lại rút về căn cứ Tân hòa.
Cùng ngày này, một toán quân Pháp khác tấn công Gò-rùa, Trương Công Định “lập kế dụ chúng đi vào chỗ lầy, giết được rất nhiều” (theo Nguyễn Thông, KXVH)
Mặt biển đông, chiến hạm Circé của Tây-ban-nha đánh vào Lãng-lộc trên sông Xoài-rạp. Ở phía tây và phía nam, một cánh quân Pháp do tên Gougeard chỉ huy chiếm giữ Chợ-gạo, và từ đây (Mỹ tho) chúng tiên quân bao vây nghĩa quân.
Để vượt qua đồng lầy và sông rạch, quân Pháp sử dụng 30 chiếc thuyền bọc sắt, tùy nhu cầu các thuyền này được khiêng đi ráp thành cầu nổi cho bính lính đi qua. Phía sau mặt trận, thông báo hạm Forbin phong tỏa sông Vàm-cỏ ở cửa Rạch-lá; tàu Avalanche, tàu Dragonne và pháo thuyền 31 tiến vào chi lưu bắc của sông Vàm cỏ, còn tàu Cosmao, pháo thuyền 20, chiến thuyền Saint Joseph thì phong tỏa phía tây.
Nguyên soái Trương Công Định biết ý đồ của giặc, ông đã cho bố trí trận địa phòng ngự rất mạnh mẽ ở Gò công, Vĩnh lợi, Đông sơn, tăng cường trấn giữ đồn lũy trên các rạch Hương-đào, Rạch-lá và xây dựng công sự kiên cố tại Trại-cá. Trương Công Định còn cho đắp đập trên rạch Lãng lộc vào Xoài rạp, có hỏa lực yểm trợ để chận đường chiến thuyền giặc. Nhằm chia lửa chiến trường, Trương Công Định ra lệnh cho các đạo nghĩa quân từ Bình dương, Bình long, Tân long đến Biên hòa đồng loạt tấn công vào căn cứ Pháp như ở Gò mai, phía tây Thuận kiều...
Phía quân Pháp sau khi bố trí xong kế hoạch tấn công, ngày 23-2-1863 một đạo quân 600 lính bộ binh + 3 đại đội thủy quân lục chiến + 100 lính thủy + 1 đại đội pháo gồm 6 khẩu do tướng Chaumont tổng chỉ huy chiến dịch tấn công vào Tân hòa, đại tá Don Carlos Palanca (Tây ban nha) đưa quân đánh thẳng vào Gò công. Trong khi đó, tàu Alarme do Guys chỉ huy chạy ngược dòng sông cũng đánh vào Gò công.
Ngày 24-2 giặc chiếm được Gò công và hội quân trước cửa Tân hòa, Trương công Định chỉ huy nghĩa quân chống trả mãnh liệt. Đến 8 giờ tối ngày 25-2-1863, từ tàu On-dine, Bonard phát hiệu tổng công đồn, lập tức cả quân giặc thủy và bộ nổ súng ào ạt vào các căn cứ của nghĩa quân. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trương Công Định, nghĩa quân chiến đấu có kỷ luật, bình tĩnh và gan dạ phi thường.
Theo Nguyễn Thông thì Trương Công Định đã cùng tướng sĩ chống cự với địch 3 ngày liền “không cởi áo giáp”. Cuối cùng trong Tân hòa hết thuốc đạn, Trương Công Định đã có kế hoạch rút lui có trật tự và an toàn. Theo Paulin Vial, Trương Công Định tuy thua, nhưng bên ông thiệt hại rất ít và quân Pháp đã phải trả giá đắt cho sự tiến chiếm mục tiêu chiến lược này. Trương Công Định đã bảo toàn được lực lượng, sau khi rút lui quân số nghĩa quân còn chừng 10.800 người.
* Căn cứ Đám lá tối trời:
Rút lui khỏi chiến trường Tân hội Gò công, Trương Công Định chuyển quân đến lập căn cứ mới ở Phước lộc là nơi có nhiều rừng cây rậm rạp thường được gọi là “đám lá tối trời”. Từ căn cứ mới, ông liên hệ chặt chẽ với Thiên hộ Dương ở Đồng tháp và qua thủ lãnh Dương ông bắt liên lạc với phong trào kháng chiến của người Khơ-me ở Châu đốc - Ta keo và cùng đoàn kết chống Pháp, là kẻ thù chung của 2 dân tộc. Vũ khí cho nghĩa quân phần lớn từ Bình thuận do đồng bào Việt và cả Hoa kiều mua gởi vào theo đường biển và đường núi.
Từ căn cứ Phước lộc, Trương công Định phái từng toán nghĩa quân đi khắp nơi, từ miền núi Tây ninh, Biên hòa, Thủ dầu một đến vùng đồng bằng Gia định, Trảng bàng, Đồng tháp mười mộ binh, thu lương để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Tài liệu quân sự của Pháp cho biết: “Từ đám lá tối trời, Trương công Định cử người đi sâu vào miền Pháp chiếm đóng để quyên tiền và lương thực và vận động quần chúng nổi lên chống Pháp. Khắp nơi, ngay cả trong thành Gia định đều có yết những bố cáo, hịch chống pháp, dưới có đóng dấu son Bình tây đại nguyên soái”.
Dù dân chúng luôn luôn gởi lương thực đến, nhưng việc nuôi dưỡng 10,000 quân giữa vòng vây của địch vô cùng khó khăn nên chuyện thiếu lương đe dọa nghĩa quân hằng ngày. Vũ khí càng thiếu hụt nghiêm trọng. Trong bài hịch viết vào tháng 8 năm Giáp tý (1864), Trương công Định đã phải tỏ với đồng bào:
-“Nhưng than ôi! Quân đội không có gì để sống, số lương thực còn lại ở Tân hòa đã phân tán đi rồi; còn vũ khí một hồi tích trữ được, vì không có người trông nom, phải đem chôn... Phải, chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tầm vông làm vũ khí. Dứt khoát là không bao giờ ngừng chiến đấu chống bọn cướp nước”. (Paulin Vial, sđd trg 313 và 314).
Tuy khó khăn mọi mặt, Trương công Định vẫn không ngừng đưa nghĩa quân đi tấn công giặc Pháp ở khắp nơi như Biên hòa, Tân an, Cần giuộc, Chợ lón, Bà hom... vừa gay bất an hoang mang cho địch, vừa nuôi dưỡng ý chí chiến đấu của nghĩa quân và gây lòng tin tưởng ở dân chúng.
Nhà viết sử của thực dân là Septans, trong sách Thời kỳ đầu của xứ Đông Pháp (Les commencements de l'Indochine francaise) ở trang 177 viết:
-“Vào lúc đô đốc La Grandière lên nắm quyền chỉ huy (5-1863, tác giả), những bọn phiến loạn và nhất là ông Quản Định vừa rút khỏi Gò công đã lại tiếp tục cuộc chiến tranh. Ông Quản Định đã cả gan đến mức cho dán ngay giữa chợ Mỹ tho tờ hịch kêu gọi nhân dân An-nam đứng lên cầm vũ khí và treo giá đầu Tây”.
Trong khi Trương công Định tích cực chuẩn bị cuộc đại tấn công tái chiếm Gò công, thì tình hình lại bất lợi cho cuộc chiến đấu của ông:
- Về quân nhu càng khó khăn hơn vì nạn đói đe dọa nghiêm trọng bởi hạn hán và nạn vơ vét lúa gạo của người Pháp để họ xuất cảng kể từ năm 1860.
- Tệ hại nhất là việc triều đình nhà Nguyễn đã phê chuẩn hòa ước 1862 vào ngày 16-4-1863, chính thức thừa nhận về pháp lý 3 tỉnh Biên hòa, Gia định và Định tường là đất của Pháp, để đổi lấy tỉnh Vĩnh long Pháp phải rút đi. Đồng thời Pháp thỏa thuận đưa một phái đoàn Việt Nam sang Pháp để điều đình với vua Napoléon III xin chuộc lại 3 tỉnh. Đây là đòn tâm lý quá nặng đã giáng xuống nghĩa quân vì đã tạo cho đồng bào ta tin tưởng vào hòa bình qua đường lối thương thuyết ngoại giao. Mọi người tưởng lầm rằng người Pháp chỉ muốn tự do giao thương, tự do truyền giáo chứ không có chủ đích xâm chiếm. Tư tưởng ấy khiến đa số đồng bào không còn quyết tâm đánh đuổi Pháp.
- Xảo quyệt hơn, Pháp tăng cường sự mua chuộc người Việt phản bội tổ quốc, chúng lấy tin tức tình báo và chui vào phá hoại hàng ngũ nghĩa quân. Chính thủy sư đô đốc La Grandière công bố:
-“...sẽ thưởng tất cả tài sản của Quản Định cho người nào bắt được ông còn sống hay giết chết cho nhà cầm quyền”. (Camille Briffant, sách Thành phố An-nam - La cité Annamite, tr 55).
* Tướng quân Trương công Định chiến đấu oanh liệt đến giây phút cuối cùng:
Do thủ đoạn dùng tay sai người Việt nên giặc Pháp dò biết được căn cứ chỉ huy của Trương công Định ở Phước lộc - Lý nhân. Ngày 25-9-1863, Pháp điều động quân ở 2 tiểu khu Gò công và Cần giuộc do 2 tên Trung úy Gougeart và Béhic được tên Việt gian dẫn đường, đột kích bất ngờ vào nơi Trương công Định đang trú đóng, buộc ông phải giáp chiến với quân địch đông gấp vài chục lần và trong tình thế hiểm nghèo. Trong lúc hỗn chiến đánh xáp lá cà, ông và nghĩa quân vẫn bình tĩnh và gan dạ mở đường máu. Một tên lính mã tà tóm được vai áo Trương công Định, định bắt sống ông, nhanh như cắt lưỡi gươm ông chặt ngã tên địch rồi ông bảo vệ số nghĩa binh còn lại rút chạy vào rừng rậm. Trong trận này, vợ Trương công Định và một số nghĩa quân bị giặc bắt.
Sau khi rút khỏi vòng vây, Trương Công Định về vùng Tân phước (hữu ngạn sông Xoài Rạp) tiếp tục xây dựng căn cứ chống Pháp và đi lại hoạt động miền hạ lưu sông Vàm-cỏ-đông, Tân an, Cần giuộc và Gò công. Đến giữa năm 1864 số nghĩa quân đã tăng nhanh, Trương công Định đặt kế hoạch tấn công tái chiếm căn cứ Tân hòa vào tháng 8 âm lịch (1864). Ngày khởi sự đã gần kề thì xảy ra cuộc đánh úp sáng sớm 20-8-1864 của tên phản bội Huỳnh Công Tấn, một con chó săn từng theo dõi dấu vết một bậc anh hùng.
Huỳnh Công Tấn vốn là nghĩa quân dưới cờ Trương công Định, có lần Tấn ăn hối lộ của viên cai tổng tại Gò công để người này đưa được gia đình lên Saigòn theo Pháp. Việc bại lộ, Tấn bị kỷ luật trừng phạt, nhưng Trương Công Định khoan hồng cho khỏi tội chết, từ đó Tấn rắp tâm làm phản. Nhân khi đi tuần tại miệt Gò công, Tấn gạt đồng đội trốn được sang hạt Tân an, y nhờ lính Pháp hộ tống lên Saigòn để gặp bạn tên Nguyễn hữu Nguôn là một tay sai cho Pháp. Được Nguôn giới thiệu, sĩ quan Pháp phong Huỳnh Công Tấn làm đội trưởng, thưởng cho 20 lạng vàng và cấp giấy khen.
Trong trận tấn công Tân hòa tháng 2-1863, đề đốc Jaurès dùng Tấn chỉ điểm và đi trước mở đường. Trong cuộc tấn công vào “đám lá tối trời” của nghĩa quân, Tấn cũng đi trước mở đường, lần này y bị thương ở đùi được Pháp chữa lành. Trương Công Định đã cho người về Gia định tìm cách trừ Tấn, nhưng không có kết quả.
Giặc Pháp thăng thưởng và hậu đãi Huỳnh Công Tấn, cho y chỉ huy một đội quân người Việt theo Pháp, cùng với Nguyễn hữu Nguôn xuống rình rập chiến khu Bình-xuân, Kiến-phước của nghĩa quân. Ngày 19-8-1864, Trương công Định cùng với 25 nghĩa quân cận vệ từ Bình xuân trở về làng Gia thuận ở bên sông Vàm láng để chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm Tân hòa. Được tin mật báo, Tấn dẫn đội binh dưới quyền đến phục tại bãi cỏ bên nhà của Trương công Định ở, đồng thời sai người đi báo với một tàu Pháp đậu gần đó để xin tiếp viện.
Trời vừa sáng tờ mờ (ngày 20-8-1864) quân của Tấn tràn vào, Trương công Định và 25 nghĩa quân chống cự mãnh liệt để mở đường thoát. Nhiều nghĩa quân vật lộn với giặc ngay trong nhà trước khi bị quân Việt gian giết chết. Dù quân địch đông gấp bội, Trương công Định cũng mở được vòng vây thì cũng vừa lúc quân Pháp tiếp viện đến, chúng nổ súng càn vào bất kể bạn hay thù.
Ra khỏi ngôi nhà, Trương Công Định sắp chạy thoát vào bụi rậm thì ông bị một viên đạn bắn nhằm xương sống, một tên chó săn đang nhảy đến định bắt sống ông, ông vung gươm đâm chết tên giặc chó săn, rồi ông quay gươm đâm vào cổ mình tự sát. Trương Công Định chết lúc mới 44 tuổi, một cái chết lẫm liệt xứng đáng với thanh danh vị tướng anh hùng.
Khi Trương công Định vừa ngã xuống, Tấn và Nguôn vội đến cướp thây ông để lãnh thưởng, nhưng 18 nghĩa quân còn sống sót và bị thương cương quyết không cho ai đụng tới thi hài ông. Viên đại úy Pháp vừa thán phục chủ tướng vừa xem trọng thái độ của 18 nghĩa quân nên bằng lòng tha cho tất cả và thi thể Trương Công Định sẽ được đưa về Gò công an táng theo nghi lễ. Nhưng 18 nghĩa quân không bằng lòng, đòi tự tay khiêng thi hài của chủ tướng xuống tàu đưa về Gò công. Viên đại úy Pháp đành chấp thuận. Về đến Gò công, 18 nghĩa sĩ cùng với người quả phụ (vợ kế thất) của Trương công Định lo việc chôn cất, với lòng thương tiếc của đồng bào.
Sau khi Trương Công Định hy sinh, Lê Quang Quyền (tham tán quân vụ của Trương công Định) và Trương Quyền (con của Trương công Định) tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân kháng Pháp [T.G: Nhiều thơ văn của Nguyễn đình Chiểu, Nguyễn Thông, Phan văn Trị, Đào Tấn viết về Trương công Định và Cuộc kháng chiến chống Pháp của Trương Quyền, người cháu nội đất Quảng Ngãi, viết ở bài sau].
Mộ phần và đền thờ của người anh hùng đất Quảng Ngãi: Trương công Định, hiện tọa lạc bên đường Lý thường Kiệt, Gò công (nơi gần nhà ông Đốc phủ Hàm). Trước đền thờ có 2 chữ: TRUNG NGHĨA. Hai trụ cột 2 bên lối bước vào có câu đối:
Sơn hà thu chính khí
Nhật nguyệt chiếu đan tâm.
(Thu chính khí của núi sông
Mặt trời, mặt trăng soi tỏ tấm lòng son)
Ngoài cửa đền có 2 câu đối theo thể phú, chữ Việt ngữ như sau:
1) TRƯƠNG khí quật cường, võ kiệt nêu cao đất Việt
ĐỊNH tâm kháng chiến, văn mô chói rạng trời Nam
2) Huyện Tân-hòa khảng khái Cần vương, tờ chiếu ngọc.
Làng Gia thuận thung dung tựu nghĩa, chiếc gươm vàng.
Giữa mộ là tấm bia đá, chữ Hán khắc câu: “Đại nam, Phấn dũng Đại tướng quân, truy tặng Ngũ quân, Gò công, TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH chi mộ”.
Và có chạm khắc ngày từ trần: “Tốt ư Giáp tý thất nguyệt thập bát nhật” nghĩa là Mất ngày 18 tháng 7 năm Giáp tý (ngày trước đều sử dụng ngày giờ theo âm lịch).
Phụ chú: 18 nghĩa sĩ của Trương công Định đã mắng chửi Huỳnh Công Tấn là phản quốc khi y tới dụ hàng. Tấn hạ lệnh cho lính bắn chết cả 18 người nghĩa sĩ trước mặt viên đại úy Pháp. Tấn được người Pháp cất nhắc lên chức Lãnh binh. Còn gì đê tiện hơn?
Người anh hùng Trương Công Định sinh trưởng từ Quảng Ngãi, đảm nhận Bình tây Đại nguyên soái đánh quân Pháp ngoại xâm liểng xiểng ở Nam phần, tuy công chưa thành mà danh thơm muôn thuở.
Connecticut, tháng 8-2003.
Viết nhân ngày giỗ Trương tiên công lần thứ 139.
TRƯƠNG QUANG CẨM THÀNH
(Trích Đặc San QUẢNG NGÃI, Xuân Giáp Thân – 2004, Hội Ái Hữu Quảng Ngãi Bắc California).