ÔNG NGUYỄN DIỄN: Một đồng nghiệp hiếu học, Một ông thầy mẫu mực.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Thành & Nguyễn Cao Can
Dòng đời đưa đẩy nên chúng tôi đi vào nghề dạy học và gặp nhiều đồng nghiệp. Trong số nầy giáo sư Nguyễn Diễn là một trong số các vị rất tận tụy với nghề yêu mến, nâng đỡ học sinh và nhất là hiếu học.
Chúng tôi lần lượt trình bày sơ lược về đồng nghiệp Nguyễn Diễn với sự giúp sức của bà góa phụ Nguyễn Diễn tức cô Trần Thị Hồng Nhạn, xưa kia là nữ sinh trường Lê Khiết.
Người đầu trong 2 soạn giả bài nầy thuộc thế hệ 19 - 20 tuổi khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ trong tháng 12-1946. Sau một thời gian ngắn đi bộ đội chúng tôi được dạy tại trường Trung học Lê Khiết ở Sông Vệ, một thị trấn nhỏ cách thị xã Quảng Ngãi độ 10 km phía Nam trên Quốc lộ số 1. Lúc bấy giờ mới có Tú Tài 1 ban Cổ điển đậu năm 1945 và có đi học nhưng chưa thi Tú Tài II nên chúng tôi chỉ được dạy giờ, không có lương trong 3 tháng Hè như các đồng nghiệp khác. Đa số giáo chức trường Lê Khiết có Tú Tài II. Hai vị giáo sư Anh Văn của trường chỉ có Tú Tài I như tôi nhưng có dự lớp đào tạo ngắn nên được vào ngạch và có lương 12 tháng. Về môn Việt văn các thầy cũng có Tú Tài II. Đặc biệt có trường hợp giáo sư Nguyễn Diễn. Sau vụ đảo chánh Nhật 9-3-1945 lật đổ chính quyền thực dân Pháp, các môn học đều dạy bằng tiếng Việt và rất thiếu giáo sư Việt Văn bậc Trung học. Bộ Giáo dục dưới quyền giáo sư- học giả Hoàng Xuân Hãn cho mở lớp đào tạo cấp tốc. Điều kiện dự lớp nầy là có bằng Tú Tài I, Tú Tài II hay Cao đẳng Tiểu học (Diplôme d'études primaire Superieus). Đồng nghiệp Nguyễn Diễn thuộc hạng chỉ có bằng Cao đẳng Tiểu học nhưng anh rất giỏi Việt văn và Pháp văn và nhất là có chí.
Trong niên khóa 1947-1948 tại trường trung học Lê Khiết anh Diễn và tôi cùng dạy một số lớp và nhất là ở chung một nhà trọ ăn cơm tháng.
Anh sinh năm 1921 lớn hơn tôi 5 tuổi, tính điềm đạm ngay thẳng. Chúng tôi thường nói chuyện thực tình với nhau. Anh quê ở Thi Phổ, Mộ Đức, Quảng Ngãi xuất thân từ một gia đình Nho giáo có chút ít ruộng đất. Anh học Tiểu học và thi đâu bằng Tiểu học (Certificat d' étude primaires) thời Pháp thuộc tại Quảng Ngãi. Sau đấy anh phải nghỉ học vài năm vì nhà nghèo, toàn anh em trai và phải nhường các em đi học. Lúc bấy giờ tại Quảng Ngãi chỉ có bậc Tiểu học. Muốn học thêm phải vào Quy Nhơn, có trường công College de Qui Nhơn dạy 4 năm thi Diplôme hay ra Huế có trường công Lycée Khải Định dạy đến Tú Tài II hay các trường học tư thục. Anh ra Huế và học trường Trung-học Tư thục Phú Xuân. Anh ở trọ chung với một bạn học rất thân và sau nầy ông nầy và con đã bảo trợ gia đình anh qua Mỹ. Thời ấy Huế có vài trường Trung học Tư thục do tư nhân mở ra như Phú Xuân, Thuận Hóa và một số trường do các dòng tu Thiên Chúa giáo như trường Pellerin, Providence mà người viết phần bài nầy theo học. Anh Diễn rất chăm chỉ và học giỏi; anh đậu Diplôme bằng Thành Chung dự lớp Sư phạm đào tạo giáo viên dạy Tiểu học. Như thế nếu anh yên phận ảnh sẽ làm giáo viên suốt đời. Nhưng anh rất hiếu học và có chí. Anh tìm đường tiến thân. Anh dự thi tuyển và được vào học lớp đào tạo giáo sư Trung học Việt văn mở ra trong năm 1945-1946. Đa số học viên lớp nầy có bằng Tú Tài II dạy tại trường Lê Khiết và anh và chúng tôi bắt đầu quen nhau và ăn ở trọ cơm tháng một nhà.
Chúng tôi làm việc với nhau tại trường Lê Khiết cho đến khi trường bị phi cơ Pháp ném bom giết hại một đồng nghiệp và trên 10 học sinh lớp Đệ Lục B6 và dời về An Ba. Chính trong thời gian dạy tại Sông Vệ chuyện vui trong đại đã đến với anh. Chúng tôi dạy lớp B1 có nhiều nữ sinh lớn tuổi nghĩa là độ 16, 17 tuổi đi học lại và khá xinh đẹp. Trong số nầy cô T.T.H.N. là hoa khôi của trường và có lẽ của Quảng Ngãi nữa. Anh Diễn yêu cô T.T.H.N. và cưới được cô làm vợ.
Đời sống gia đình hạnh phúc nhưng công việc làm trở nên khó khăn. Chính quyền Hồ Chí Minh lòi dần ra bộ mặt Cộng sản và bắt đầu thực thi chính sách kiểm soát tư tưởng trong giáo dục. Người viết bài nầy từ Lê Khiết An Ba bị đổi đi Mộ Đức, rồi Rừng Xanh, Sơn Tịnh, Đức Phổ và cuối cùng niên khóa 1954-1955 về lại Lê Khiết, An Ba còn về phần anh Diễn, họ nhận xét là anh tư tưởng quốc gia tiểu tư sản nên năm 1952 đổi anh về Mộ Đức rồi thải hồi anh. Vợ chồng anh Diễn về Thi Phổ làm nông, sống cực nhọc và thiếu thốn dù rất hạnh phúc. Sau khi hiệp định Genève được ký kết trong tháng 7-1954 anh tìm cách lẩn trốn ra thị xã, qua quê nhà Thi Phổ vì sợ bị bắt đưa đi ra Bắc. Rồi chính quyền Quốc Gia tiếp thu dần các tỉnh Quảng-Ngãi, Bình Định anh Diễn ra Huế làm thông tin một thời gian rồi được bổ dụng về dạy Việt Văn tại trường Trần Quốc Tuấn thị xã Quảng Ngãi.
Anh Diễn cho thấy anh là nhà giáo tận tụy với nghề và nhất là có chí cầu tiến. Anh vừa làm việc nuôi gia đình đông con, đến 13 cháu, và tự học. Anh ra Huế thi đậu Tú Tài I rồi Tú Tài II năm 1960. Anh ghi tên học Đại học Văn Khoa và 4 năm sau hoàn tất bằng Cử nhân Giáo khoa Pháp văn. Anh được chuyển qua làm giáo sư Đệ Nhị cấp Việt văn và Pháp văn. Nhưng anh không dừng việc học vấn tại đây. Anh ghi tên học Cao học Văn học sử Pháp tại Đại học Văn khoa Sài Gòn và hoàn tất bằng Cao học 1972. Anh Diễn thật là một gương hiếu học và tự học hiếm có. Anh được mời ra Huế là phụ khảo đại học nhưng phần vì đông con, phần vì thiết tha với tỉnh nhà Quảng Ngãi nên anh vẫn tiếp tục dạy tại trường Trung học Trần Quốc Tuấn. Trong khoảng thời gian nầy anh có tham gia Quốc Dân Đảng vì anh là người có lý tưởng quốc gia tích cực và triệt để chống lại bọn vô thần.
Vận gia đình anh gắn liền với vận nước. Năm 1975 Công sản dần chiếm lấy miền Trung. Thị xã Quảng Ngãi bị chiếm ngày 25-3-1975 và đã 10 ngày sau anh Diễn bị bắt giam. Bọn Cộng sản nằm vùng tại Quảng Ngãi đã lập danh sách những người mà họ gọi là “phản động” nhất là đảng viên các đảng phái Quốc Dân Đảng, Đại Việt hay đảng Dân Chủ của Nguyễn Văn Thiệu. Anh Diễn bị giam cầm tại nhà tù Quảng Ngãi độ dưới 2 tháng rồi sau đấy bị đi đày tại xã Hành Tín, huyện Nghĩa Hành độ 2 năm. Trong thời gian nầy chính quyền Cộng sản cho gia đình mỗi tháng thăm nuôi 1 lần, độ 15 - 18 kg nhưng sau lại giảm xuống, 3 tháng mới được thăm nuôi 1 lần.
Sau Hành Tín, anh Diễn bị đày vào Kim Sơn thuộc vùng núi huyện Bồng-Sơn trong 4 năm rưỡi, dù không đưa ra tòa truy tố và kết án tội gì cả. Thật ra anh chẳng phạm tội gì với chính quyền Cộng sản cả anh chỉ hoạt động đảng phái thời VNCH mà thôi.
Trong những năm anh được đi “cải tạo học tập” gia đình gặp phải nhiều việc khó khăn. Công an xồng xộc khám nhà bất kỳ ngày đêm. Chị Diễn bị bắt buộc đem con đi kinh tế mới, công an Cộng sản chìa giấy bắt chị ký và chị phải ký. Tuy nhiên chị không chịu đi đâu cả. Khi nào họ thúc đẩy đi kinh tế mới, chị trả lời rằng với cả bầy con trên 10 đứa, đi kinh tế mới làm sao sống được, và sống bằng gì?
Trong tháng 5-1987 sau trên 6 năm tù đày anh Diễn được trả tự do nhưng phải về quản chế tại quê là Thi Phổ, Mộ Đức. Muốn ra tỉnh thăm vợ con phải lên ủy ban xã xin phép ra tỉnh khám bệnh. Cuộc sống trở nên thật là cực nhọc và căng thẳng.
Soạn giả đầu xin tiếp tục tường thuật về anh Diễn.
Sau thời gian quản chế một năm rưỡi tại Thi Phổ, Mộ Đức anh Diễn được về nhà tại thị xã Quảng Ngãi. Chính quyền Cộng sản vẫn làm khó dễ. Anh chị Diễn đi vào khu kinh tế mới tại Sông Bé được trên 1 tháng nhưng không thấy có thể làm ăn sinh sống tại đây nên trở về lại Sài Gòn, trú ngụ tại nhà người con trai lớn và đi lại đến nhà các em trai.
Trong những tuần ở Sài Gòn anh Diễn không biết rằng công an Cộng sản theo dõi anh chặt chẽ. Lúc bấy giờ một nhóm đảng viên Quốc Đảng do ông Phạm Quang Cảnh, cựu ty trưởng Cảnh sát Quy Nhơn cầm đầu, tổ chức đối kháng chính quyền. Họ nhờ anh Diễn viết tài liệu bằng Pháp và Anh ngữ để tố giác vi phạm nhân quyền của Cộng sản. Hôm anh bị bắt tại Sài Gòn Cộng sản tịch thu được trong túi anh dàn bài của tài liệu mà anh Diễn dự định viết. Anh bị giam tại nhà tù Phan Đăng Lưu rồi bị đưa ra xét xử trong vụ án Phạm Quang Cảnh. Anh bị kết án 4 năm tù, còn ông Phạm Quang Cảnh bị kết án tử hình. Anh bị đưa về khám Chí Hòa Sài Gòn, rồi Cộng sản thi hành bản án 4 năm bằng cách “giam ô” anh Diễn. Trước các báo chí Tây phương nhất là loa Mỹ phản chiến cứ tố cáo VNCH sau 1963 giam giử tù nhân Cộng sản trong các “chuồng cọp” ở Côn Sơn. Đâu có thấy nhà báo Tây phương nào tìm hiểu các biệt giam dã man độc ác của Cộng sản.
“Giam ô” tại khám Chí Hòa nghĩa là nhốt tù nhân trong một phòng hay “ô” rất nhỏ hẹp bề ngang độ 8 tấc, dưới đất có cái lỗ là vòi nước để làm vệ sinh và cửa gỗ có một cái lỗ có nắp đậy gài kín từ bên ngoài để mỗi ngày mở ra đưa vào một chén cơm với khoai sắn hai lần một khác ngày.
Tù nhân bị “giam ô” như thế không được ra ngoài tiếp xúc với tù nhân khác. Dụng ý của Cộng sản là làm cho sức khỏe và tinh thần của tù nhân bị sa sút dần, một cách giết khéo làm hao mòn dần. Sau khi bị “nhốt ô” như thế được hai năm anh Diễn được “khoan hồng” tha về có một con trai bị động viên tử trận tại Campuchia. Xin nhắc lại là việc Cộng sản Hà Nội xâm lăng Campuchia đã làm thiệt hại vô số tài nguyên của xứ sở là từ 40.000 đến trên 80.000 tính mạng của thanh niên Việt nam.
Sau khi ra tù anh Diễn trở về Quảng Ngãi nhưng các năm tù đày vì “ô giam” đã làm sức khỏe anh suy kiệt. Anh bắt đầu đau yếu thường xuyên rồi phải vào Sài Gòn mổ thận tại bệnh viện Bình Dân. Rồi anh bị tai biến mạch máu não. Từ 1990 đến 1991 anh và gia đình bắt đầu làm giấy tờ đi tỵ nạn tại Hoa kỳ. Khi anh được phỏng vấn anh ngồi trên xe lăn mất trí nhớ và không còn nói được nữa. Anh không còn được đi Hoa Kỳ như mong muốn vì qua đời ngày 29-11-1995.
Đám tang của anh được tổ chức rất trọng thể tại Sài Gòn. Rất nhiều cựu học sinh của anh tại miền Nam hay từ Bắc về tự động mặc đồng phục, sơ mi cà vạt đi tiễn đưa đến nơi hỏa thiêu anh tại Bình Hương Hòa và sau nầy tro được về an táng tại Đá bàng, Mộ Đức, Quảng Ngãi.
Một năm sau vợ anh và ba con, 2 trai một gái được qua Hoa Kỳ tị nạn tại Abbculle, Louisiana.
Đến đây chúng tôi xin nhường lời lại cho đồng nghiệp Nguyễn Cao Can, một trong những đồng nghiệp trẻ hơn bị tù đày tại Kim Sơn cùng thời gian với anh Diễn.
Với thầy nguyễn Diễn, chúng tôi là học trò, một thời là đồng nghiệp tại trường Nữ Trung học Quảng Ngãi và sau năm 1975 cùng bị tù đày tại lao xá Quảng Ngãi, rồi trại cải tạo Hành Tín và Kim Sơn. Thầy trò chúng tôi có duyên trong nhiều trường hợp.
Khi chúng tôi dược chuyển về dạy tại trường Nữ Trung học Quảng Ngãi một thời gian thì thầy Diễn cũng từ Trần Quốc Tuấn chuyển qua. Thầy trò hợp ý nhau trong các vấn đề thuộc lãnh vực giáo dục nên chúng tôi hay thảo luận hay cô Loan, hiệu trưởng thời bấy giờ về công việc trường lớp. Cho đến khi có chương trình hướng dẫn khải đạo, nhà trường đề nghị thầy làm trưởng ban, Nguyễn Văn Đồng và chúng tôi làm phụ tá thầy, đi dự khoá tu nghiệp về hướng dẫn khải đạo tại Đà Nẵng cùng với các trường Trung học khác trong phạm vi vùng I. Sau đó trường Nữ đã kịp thời dành một phòng để 3 giáo sư chia giờ thay phiên trực giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn về vấn đề học hành do nhiều ảnh hưởng từ gia đình đến học đường. Không hay nói nhiều, thầy thâm trầm nhưng nhiệt tình giúp đỡ học sinh những lúc gặp khó khăn, mời phụ huynh đến để cùng thảo luận, tìm cách giúp các em vượt qua những trở ngại để chăm chỉ học hành đạt được kết quả tốt. Tỉ mỉ, từ tốn, nhỏ nhẹ giúp học trò tháo gỡ từng khó khăn như tằm ăn dâu, rỉ rả mà kết quả vô cùng. Đặc biệt là lúc nào thầy cũng hay kè kè theo tập sách như sẵn sàng để học và để thi bất cứ lúc nào có thể được. Thầy là một gương sáng tận tụy với nghề và luôn luôn cầu học. Trong cuộc sống, thầy không hay tỏ vẻ lòe loẹt hay lớn tiếng ồn ào đến nỗi chỉ cốt làm mập mạp lời nói mà ốm o nghĩa lý.
Nhưng nói đến giáo sư Nguyễn Diễn là phải nói đến Trần Quốc Tuấn vì thầy dạy ở đây lâu nhất. Và với chúng tôi, Trung học Trần Quốc Tuấn là ngôi trường mẹ của nhiều thế hệ học trò ở Quảng Ngãi. Thầy có nhiều niềm vui ở Trần Quốc Tuấn nhưng cũng không thể thiếu vắng nỗi buồn... vì đám học trò nghịch ngợm của thầy và vì những lý do tế nhị nào đó.
Vâng, đáng nhớ nhất là tuổi học trò ở Trần Quốc Tuấn với thầy. Vừa từ giã “giấy rơm, đèn thẩu miệt mài” của thời kháng chiến chống Tây, phải một năm sau đó tôi mới gặp được thầy ở Trần Quốc Tuấn trong giờ Pháp văn ở lớp Đệ thất. Cậu học trò nhà quê ra tỉnh học, thấy cái gì lạ cũng nhìn. Chú ý nhất là vài thầy đi giày da lộp cộp trên hành lang. Nhưng ngược lại, thầy Diễn thì lúc nào cũng đi nhẹ nhàng và nói cười nhỏ nhẹ. Học trò hay nhớ giờ Pháp văn thầy Diễn. Ở kháng chiến chúng tôi thường nghe bọn giặc Pháp, thường thấy máy bay Pháp bắn phá lung tung chứ làm gì có học tiếng Pháp. Có lẽ ở lớp 5 thời Việt Minh chưa có học Pháp văn nên môn Pháp văn thấy mới lạ và phương pháp đọc của thầy Diễn cũng rất tận tụy. Cả lớp chúng tôi im phăng phắc nhìn chăm chăm vào thầy để cố gắng phát âm cho đúng. Lưỡi phải uốn cong để đọc kéo dài các chữ có vần R như cor... beau chẳng hạn “cor... beau” đã trở thành “một điển tích” để chỉ thầy Nguyễn Diễn. Thỉnh thoảng cũng có một số học sinh tinh nghịch trêu chọc thầy, kêu “điển tích” “cor...beau” khi thầy đi ngang qua nhà chơi vào giờ nghỉ.
Càng lên lớp cao thầy dạy Pháp văn càng hay. Vì có hồn thơ nên thầy giảng những bài thơ của ông già Ronsard gởi cho Hélène thật tuyệt vời. Rồi Le Cid của Corneille... Tuổi học trò ai mà không ưa thích Le Cid. Họa hoằn thi sĩ Phan Thùy Diên (bút hiệu của thầy Diễn) cũng ngâm vài câu thơ trích trong tập Vào Đường Làng Thi của thầy đã xuất bản.
Có một lần, có lẽ vào cuối niên học Đệ Tứ, thầy nhờ chúng tôi chở một số ít sách vở về nhà thầy ở đường Trần Hưng Đạo. Lần đầu tiên chúng tôi gặp cô Nhạn. Trần Thị Hồng Nhạn - vợ thầy. Cô Nhạn là hoa khôi Lê Khiết một thời. Chúng tôi lại có dịp chuyện trò chốc lác với thầy cô. Người ta nói đúng. Cô Nhạn đẹp. Tuổi học trò thường thì nhìn thầy mình như mẫu mực lý tưởng. Phần tôi, trên đường về chợt lại nhớ đến ba mẹ và bấy giờ thế hệ của thầy tôi. Nếu trong vườn thầy có thêm vài liếp rau cải để mùa Xuân có hoa vàng vài rãnh rau muống và một giậu mồng tơi xanh rì từ thân đến lá phủ kín cả hàng rào, chắc cô cũng sẽ hái mồng tơi nấu canh từng bữa như Mẹ tôi. Cứ ngắt ngọn mồng tơi nầy lại đâm lên nhiều ngọn hơn và cuối cùng không còn nhìn thấy cái hàng rào tre đâu nữa. Bao thế hệ qua,, Vẫn là bà mẹ mẹ Việt nam ông chồng che khuất bà vợ như mồng tơi cố che khuất hàng rào. Việc nước, việc áo cơm dành cho đàn ông và việc nhà dành cho quý bà. Cái vòng kim cô “tan tòng” tròng vào cổ mẹ Việt Nam, dù hoa hậu, hoa khôi. Từ khai thiên lập địa cứ vẫn “Man born to conquer, woman born to serve”. Thấy thương mẹ, thương cô Nhạn và thương cho mẹ Việt Nam mình.
Mới ngày nào đây, nhưng đã cách xa gần nửa thế kỷ. Một thuở là học trò, là đồng nghiệp và sau 1975 cùng ở tù chung qua nhiều trại tập trung cải tạo. Thế hệ thầy và thế hệ chúng tôi nhà tù khắp ba miền đất nước. Vợ con ở nhà nhịn ăn để đùm túm nuôi chồng nuôi cha. Có lần “đột xuất” ngày Chúa nhật chúng tôi đi lấy cây thuốc Nam ngang qua lò gạch gặp thầy vừa được thăm nuôi vào đang nhìn dõi theo Cô Nhạn. Ở rất xa, cô Nhạn cũng ngoái nhìn lại. Bịn rịn! Bất chợt thầy nhìn quanh, môi run run, ngâm nhè nhẹ 2 câu thơ mãi đến sau nầy cô Nhạn còn nhắc:
Em lên trang trải nỗi sầu
Em về anh rũ mái đầu bạc phơ.
Có một dạo thầy ở trong toán vệ sinh của trại I Kim Sơn, tôi ở phân bộ thuốc Nam nên hay gặp thầy mỗi lần mang thuốc vào trại cho anh em. Xuyên tâm liên trị bá bệnh thì đắng quá. Anh em lại thích thuốc Nam: Hà thủ ô, lồng đèn, cam thảo đất... Tối tối chúng tôi hay đi cấp cứu ở các phòng, có khi mang đèn qua đến trại Nữ, vì ăn vỏ củ mì cho đỡ đói nên bị say. Đêm nào cũng có nhiều ca cấp cứu.
Thỉnh thoảng được ra ngoài dân, chúng tôi biếu thầy vài trái ớt, 1 nắm rau má hay cải trời... Được 1 gô canh thầy cũng vui. Những loại cây lá gì có thể ăn được, chung quanh trại không còn nữa, vì chung quanh khu trại I Kim Sơn, trại II và lò gạch có lúc trên ngàn người. Ngay cả con nhái con trên bờ ruộng cũng không thể sống được.
Thường khoảng 10 giờ sáng chúng tôi mang thuốc Nam vào trại. Thầy hay đón chúng tôi để sau đó hai thầy trò tìm một chỗ thích hợp để xả hơi... Trại I khoảng ấy rất vắng người vì tất cả đều đi lao động. Như thường lệ, một buổi sáng mùa đông có lẽ khoảng 1980, đúng phiên trực chúng tôi mang thùng thuốc Nam vào phòng y tá. Vừa để thùng thuốc xuống là thầy chạy lại ôm chúng tôi ngay. Vì thầy nghe chúng tôi bị đánh ngày hôm qua ở cầu Dợi - gần trại I Kim Sơn, trên đường hướng về Bồng Sơn. Mặt và trong người còn bầm sưng. Người còn yếu nhưng vẫn phải đi làm. Như ôm đứa em út vào lòng. Thầy thoa cù là những vết bầm cho tôi mà không cầm được nước mắt. Phần tôi thì không khóc được hay không có chỗ để khóc. Chúng tôi thật xúc động trước sự yêu thương của thầy. Số là chuyến xe đi công tác Tam Quan, trên xe có Trương Quang Lành, tôi và 4 anh em nữa. Tài xế là cán bộ công an tên Thiên. Trên đường về, xe tấp vào một sườn đồi vắng. Tên Thiên gọi xuống xe từng anh em và đánh từng người một theo những thế võ Thái cực Đạo mà chúng vừa được huấn luyện tuần qua trên trại. Anh em chúng tôi như những bao cát để tên Thiên thực tập. Tên tài xế công an của trại Kim Sơn tên Thiên, đánh rất nhiều anh em nhưng nếu hở môi báo cáo thì nó đánh nữa. Đây là hình thức một trại cải tạo mà thầy Diễn cũng như phần đông anh em đã nếm mùi.
Thế hệ của thầy, thế hệ chúng tôi không có tuổi trẻ. Thế hệ của bom đạn tàn phá quê hương, thế hệ của hận thù, nồi da xáo thịt. Thế hệ của những người giữ tù và của những người ở tù, nhưng không có kẻ thắng người thua. Cuối cùng, “người mẹ Bắc lên non tìm xác. Người mẹ Nam xuống biển tìm thấy kẻ thắng chỉ là thần chết!
Thế hệ đồng nghiệp của thầy, thế hệ học trò chúng tôi đều kính phục thầy về khả năng tự học. Thâm trầm, điềm đạm, rỉ rả như tằm ăn dâu mà kết quả tốt đẹp vô cùng. Thầy đã lo cho cô, cho các anh chị đi định cư tị nạn an toàn, mỹ mãn. Phần thầy dứt khoát không chịu đi. Thầy ở lại với tổ tiên sông núi.
Phần chúng tôi đi tỵ nạn như những cây kiểng bị khô nước quá lâu ngày ở quê nhà, lại nhổ gốc mang qua dâm ở đất lạ, nứt mầm được là duyên may. Xin mượn câu thơ Tản Đà đốt nén hương lòng để nhớ thầy:
“Nghìn xưa đã mấy ai nào trăm năm”
Chúng tôi, những đồng nghiệp may mắn hơn giáo sư Nguyễn Diễn là sống còn vì tiếp nối đường đời tại Hoa Kỳ xin ghi vài dòng trên để tưởng nhớ một gương hiếu học hiếm có cùng với tinh thần quốc gia bất khuất dưới sự đày đọa và khủng bố của chính quyền vô thần.
Hoàng Ngọc Thành
Nguyễn Cao Can.