Trong tiếng Ả Rập, Is-lam (Hồi giáo) có nghĩa là “thần phục” hoặc “phục tùng” Thượng đế Is-lam, “người thần phục”, có xuất xứ từ cùng một ngữ căn ấy. Thần phục được người Hồi giáo tin là sự đáp ứng thích đáng của loài người đối với Thượng đế. Fazlur, học giả hiện đại nổi tiếng của Is-lam, giải thích rằng người “thần phục ý chí của Thượng đế,” nghĩa là người chấp hành mệnh lệnh của ngài một cách trọn vẹn và đầy đủ đức tin.
Người Việt thường giữ nguyên lối gọi của người Trung Hoa là Hồi giáo, ý chỉ tôn giáo được những người thuộc sắc tộc Hồi tuân giữ. Người Is-lam tại Việt Nam vẫn muốn mình thay vì được gọi theo truyền thống là tín đồ Hồi giáo, thì nay đã tới lúc nên gọi họ là tín đồ Is-lam.
Người Hồi giáo tin rằng Islam là mẹ của mọi tôn giáo. Theo Hồi giáo, vị thành lập đạo ấy, tiên tri Muhammad, là đại diện cho lời sau cùng của Thượng đế trên thế gian. Lời của Đức Muhammad là nối tiếp lời của Mô-sê (khoảng thế kỷ 13 trước C.N.), đại thủ lãnh của dân tộc Do Thái và theo truyền thuyết là tác giả năm cuốn kinh Torah, cơ sở đức tin và lề luật của Do Thái giáo. Lời của Muhammad cũng tiếp theo lời của Đức Giê-su, đấng cứu thể của Kitô giáo. Tuy nhiên, sứ mệnh của Đức Mohammad là chuyển giao cho loài người thông điệp sau cùng của Thượng đế.
Kinh Qur’an (Coran) còn thiêng liêng hơn cả bản thân Đức Muhammad. Nó là cuốn sách của trời, được vị tiên tri ấy chuyển giao cho loài người. Kinh ấy là lời nói cuối cùng của Allah, Đấng Rất Độ Lượng, Đấng Rất Mực Khoan Dung, nói với chúng ta (tín đồ Hồi giáo).
Tiên tri Mohammad
Đức Mohammad thuộc một dòng họ quí tộc đang sa sút ở Mecca. Thân phụ qua đời trên đường đi buôn trước khi Mohammad ra đời khoảng năm 570. Khi ông lên sáu, thân mẫu cũng từ trần, để lại ông sống với ông nội. Hai năm sau, người ông ấy từ trần và Muhammad sang sống với một người bác.
Thuở nhỏ, Muhammad từng chăn gia súc. Sau đó, ông theo người bác đi buôn và có dịp tiếp xúc, tìm hiểu Do Thái giáo, Kitô giáo và các tôn giáo của Ba Tư. Tới năm 25 tuổi, ông kết hôn với Khadija, một góa phụ giàu có và là chủ doanh nghiệp thuê mướn ông, lớn hơn ông 15 tuổi. Từ đó, cuộc sống của ông đi lên, thuận tiện cho những hoạt động tôn giáo sau này. Ông rất tận tụy với Khadija. Bà cũng hết lòng yểm trợ sứ mệnh tôn giáo của chồng, và là tín đồ cải giáo đầu tiên. Khi còn sống, bà là người vợ độc nhất của Muhammad.
Theo tường thuật của Is-lam, khi tới tuổi trưởng thành, Muhammad bắt đầu ngày càng xao xuyến về đức tin tôn giáo và ông tin rằng chỉ có một Thượng đế chân chính và hằng sống là Allah, chúa của Ka’bah và rằng lối sống thô bạo và áp bức trong xã hội của ông không những chỉ nhục mạ truyền thống đoàn kết của bộ tộc mà còn sỉ nhục Thượng đế.
Trong sợ hãi và run rẩy, Muhammad kết luận rằng nay đang tới lúc sự phán xét thiêng liêng và kinh hoàng sắp giáng xuống dân tộc mình. Ông thường tới chiếc hang trong vùng núi đồi bên ngoài thành Mecca, quấn khăn quanh mình cho ấm và suy tưởng hàng giờ, trong cô độc.
Từ thiên sứ Gabriel.
Năm 610, trong một buổi chiêm nghiệm Muhammad được thiên sứ Gabriel viếng thăm. Thiên sứ Gabriel mang thông điệp từ Đấng Allah và thông điệp ấy trở thành Thiên kinh Qur’an. Đức Muhammad không làm một phép lạ nào ngoại trừ lời của kinh Qur’an. Nhưng chỉ riêng cuốn sách ấy cũng đã đủ lạ lùng vì kinh Qur’an được viết với lối văn xuôi Ả Rập tao nhã nhất. Rất trác tuyệt, đầy thi vị và hoàn chỉnh về ngữ pháp tới độ được đánh giá là chỉ với khả năng của con người thôi thì không thể nào thực hiện một công trình vĩ đại đến thế. Kinh là một sưu tập các mặc khải của Đức Muhammad từ lúc sống đời tiên tri. Kinh ấy gồm những bản ghi chép, và nguyên thủy do thư ký của Đức Mohammad là Xaid Ibn Thabit kết tập.
Trong thông điệp của Gabriel có lời đòi hỏi rằng Muhammed phải loan truyền lời của kinh Qur’an. Bên trong thế giới Ả Rập, nơi thông điệp ấy được loan truyền, thời ấy không khí đầy thù nghịch và bao gồm nhiều tôn giáo khác nhau, chung đụng với những lối hành đạo thần bí. Và hầu hết các tôn giáo ấy tin vào nhiều thần linh chứ không phải một vị duy nhất.
Tuy nhiên, thông điệp của Đức Mohammad dần dần được chấp nhận và càng lúc càng có thêm tín đồ. Cho tới năm 622, các tín đồ theo vị tiên tri tới một thành phố có tên là Medina. Dưới quyền kiểm soát của Đức Mohammad, thành phố này khống chế thế giới Ả Rập. Tới năm 700 sau C.N., bằng nhiệt tình tôn giáo, luật lệ minh bạch giản dị và có phần hỗ trợ của ngựa chiến cùng gươm trận, Hồi giáo nối kết các bộ lạc du mục và thống nhất thế giới Ả Rập. Từ đó chinh phục vùng Bắc Phi của Kitô giáo và lan rộng khắp nơi. Từ Armenia tới Ấn Độ và và thậm chí Tây Ban Nha cùng nhiều vùng của nước Pháp. Sang giữa thiên niên kỷ thứ hai, Hồi giáo trở thành quốc giáo của Malaysia và Indonesia. Tới đầu thế kỷ 21, Hồi giáo có khoảng 1 tỷ tín đồ, so với Kitô giáo có khoảng 950 triệu.
Sau khi Khadija qua đời, Muhammad lập gia đình với nhiều phụ nữ khác. Năm 632, ngày 8 ông tháng Sáu, từ trần trong cánh tay người vợ cuối cùng của ông là Aisha.
Thiên kinh Qu-ran
Thiên kinh Qur’an, nghĩa là tụng đọc, đọc bản - bản dịch tiếng Việt là Kinh Qur’an (Ý nghĩa, Nội dung) của dịch giả Hassan Abdul Karim, nxb Tôn giáo, năm 2000) dày hơn 1300 trang, chứa nhiều điều được tìm thấy rõ rệt trong Kitô giáo và Do Thái giáo. Các điểm giống nhau cụ thể nhất là độc thần, nhiều lề luật của Hồi giáo có dấu vết trong lề luật của Do Thái giáo và chấp nhận Mô-sê và Giê-su là ngôn sứ (tiên tri). Kinh gồm quyển, 114 chương, hơn 5.000 tiết. Chương dài nhất có 286 tiết, chương ngắn nhất chỉ có 3 tiết.
Tiên tri hay ngôn sứ, thông thường bao hàm hai nghĩa. Theo nghĩa thế tục, là người nói cho biết điều gì sẽ xảy ra. Theo nghĩa tôn giáo, đó là người rao giảng những gì được vén lộ cho họ, đặc biệt những người rao giảng nhân danh Thượng đế. Thế nhưng Is-lam không chấp nhận ý tưởng cho rằng Giê-su là một hóa thân thiêng liêng. Đối với Hồi giáo, Thượng đế không thể hiện chính ngài trong hình thức loài người. Ngài chỉ chỉ định các ngôn sứ để rao giảng, loan truyền thông điệp của ngài.
Tuy nhiên, giống với Kinh thánh của Kitô giáo và Do Thái giáo, Kinh Qur’an dạy rằng loài người bản tính là thiện. Khi chúng ta làm điều ác, chúng ta ích kỷ, quên lãng nghĩa vụ của mình đối với Thượng đế, đấng ban cho chúng ta linh hồn. Điều ấy có nghĩa rằng không phải hết thảy mọi hành động của chúng ta đều do Thượng đế an bài, một quan điểm không được Kitô giáo chia sẻ, cho mãi tới gần đây.
Nhưng giống như Kitô giáo, tín đồ Hồi Giáo tin rằng các hành động của chúng ta đều được phán xét sau khi chúng ta từ trần. Ngày kết toán ấy, theo Hồi Giáo, sẽ quyết định con đường chúng ta đi sẽ đưa lên thiên đàng hay dẫn xuống địa ngục.
So với nhiều tôn giáo khác, Kinh Qur’an dạy chi tiết hơn các đặc điểm đạo đức trong hành động của người tín đồ, không kém các lề luật trong Do Thái giáo.
Năm trụ cột của Hồi giáo
Nền tảng cho sự phán xét bản chất hành động của chúng ta là Năm Trụ cột của Hồi giáo, cũng được gọi là Ngũ công, qui định nghĩa vụ hành đạo của tín đồ.
Chúng được trình bày trong mạc khải nền tảng và cuộc đời của đấng tiên tri Muhammad như là nghĩa vụ đầu tiên của loài người đối với Thượng đế, yếu tính của một cuộc sống qui phục. Năm cột trụ này thiết lập và nuôi dưỡng toàn bộ định hướng cuôc đời của tín đồ.
1. Niệm:
Tâm niệm rằng Allah là Thượng đế độc nhất và rằng Đức Muhammad là tiên tri chân chính và sau cùng của đấng Allah. Ngài là Đấng rất mực độ lượng, rất mực khoan dung, Đấng chủ tể của vũ trụ và là Đức vua của Ngày Phán xử.
2. Lễ:
Dâng lời cầu nguyện lên Allah năm ngày một lần, bái lạy và mặt hướng về Mecca.
“Chắc chắn Ta thấy Ngươi [Muhammad] ngước mặt lên trời. Bởi thế, Ta hướng Ngươi về phía Qiblah làm cho Ngươi hài lòng. Do đó, hãy quay mặt của Ngươi hướng về Thánh đường Linh thiêng. Và ở bất cứ nơi nào, các ngươi hãy quay mặt về phía đó” (2:144).
3. Trai:
Giữ chay tịnh; suốt tháng Ramadan, từ lúc mặt trời mọc tới lúc mặt lặn, không ăn và không uống.
“Tháng Ramadân là tháng trong đó Qur’an được ban xuống làm Chĩ Đạo cho nhân loại và mang bằng chứng rõ rệt về Chỉ Đạo và về Tiêu Chuẩn. Bởi thế, ai trong các ngươi chứng kiến tháng đó thì phải nhịn chay ‘Siyâm’ trọn tháng, và ai bị bệnh hoặc đi xa nhà thì phải nhịn bù lại số ngày đã thiếu về sau. Allah muốn điều dễ dàng cho các ngươi và không muốn gây khó khăn cho các ngươi. [Ngài muốn các ngươi] hoàn tất số ngày [nhịn chay] ấn định và muốn cho các ngươi tán dương sự Vĩ Đại của Allah về việc Ngài đã hướng dẫn các ngươi và để cho các ngươi có dịp tạ ơn Ngài” (2:185).
4. Khóa:
Nạp thuế thập phân và làm việc từ thiện.
“Họ hỏi Ngươi [Muhammad], vật gì họ phải chi dùng cho sự bố thí? Hãy bảo họ rằng ‘Bất cứ vật gì các người chi ra từ tài sản của các ngươi, thì là cho cha mẹ và bà con ruột thịt và trẻ mồ côi và người thiếu thốn và người đi đường xa. Và bất cứ vật nào các ngươi tiêu ra từ tài sản của các ngươi thì quả thật Allah biết rõ hết” (2:215).
5. Triều:
Thực hiện cuộc hành hương tới Mecca. Đây là cột trụ sau cùng và nhiêu khê nhất. Nó có tên là Haji, cuộc hành hương tới thành đô cực thánh Mecca và vùng phụ cận.
“Haji diễn ra trong những tháng được biết rõ. Bởi thế, ai thực hiện việc làm Haji trong những tháng đó thì không được dâm dục, không được hung ác, không được cải vã trong thời gian làm Haji. Allah biết điều tốt các ngươi làm. Và hãy mang theo thức ăn trong thời gian xa nhà, nhưng lương thực tốt nhất là lòng thành kính sợ Allah. Và hãy sợ Ta, hỡi những người hiểu biết” (2:197).
Sufi và chiều kích nội tâm
Bên cạnh việc hành đạo chi li nghiêm ngặt giữa đời và những hình thức có tính tập thể quần chúng, những người theo phái Sufi của Hồi giáo muốn suy nghiệm và sống với chiều kích nột tâm trong lời tiên tri. Họ tin rằng phong trào của mình bắt đầu ngay từ lúc tiên tri Muham-mad chiêm nghiệm trong chiếc hang bên ngoài thành Mecca. Ở đó, ngài hiệp làm một với Thượng đế.
Mọi tín đồ Hồi giáo sống trong niềm hy vọng sau khi chết sẽ gặp gỡ và trông thấy Thượng đế, những người Sufi tuyên bố rằng không phải chờ tới thời điểm ấy vì con người có thể nếm trải Thượng đế tại chỗ và tức khắc, ngay trong cuộc sống thế gian này.
Như thế, Sufi là một cánh thần bí của Hồi giáo. Nó được định chế hóa từ rất sớm, khi những người theo Sufi thiết lập các cộng đoàn để sống với nhau và dấn thân vào công tác giáo dục. Các trung tâm Sufi thường được dựng lên như những tổ
chức từ thiện và họ phát triển một lối sống riêng.
Người Sufi nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc tìm kiếm Thượng đế trong nôi tâm và họ phê bình giáo luật hướng ngoại của các lề luật Hồi giáo. Về mặt thực hành, họ nhấn mạnh nghi lễ dhikr, gồm có việc nhớ tưởng tới Thượng đế, hát lên các thánh danh của ngài, và thường có sự hỗ trợ của âm nhạc, chuỗi hạt, nhảy múa và hô hấp có phương pháp và hệ thống.
Các cơ sở Sufi cũng nhấn mạnh những đức hạnh bên ngoài như khiêm tốn và chăm sóc người bên cạnh. Về sau, họ thành lập các dòng tu Sufi, với danh xưng rariqahs. Dù quan tâm tới sứ vụ của mình, người Sufi xem thánh chiến (jihad) chủ yếu là cuộc chiến đấu nội tâm để khắc phục cái phi thực tại trong con người của ta, chứ không phải là cuộc chiến đấu bên ngoài chống lại những người bị xem là kẻ thù của mình.
Hồi giáo và phương Tây
Hiện tượng xuất bản cuốn “Satanic Verses” (1988, Những vần thơ quỉ tính) của Salman Rushdie, đưa vào tầm ngắm một trong các chủ đề triết học và chính trị bức xúc nhất của thể kỷ vừa qua và các thập niên đầu của thế kỷ 21 này.
Cuốn sách đó tái thông giải khuôn mặt lịch sử của Muhammad theo cách gây tổn thường sâu xa nhiều tín đồ Hồi giáo. Nó vẽ lên một bức hình của Muhammad như một doanh gia sắc sảo và hư hoại chứ không phải là một vị tiên tri chính trực hết mực.
Cuốn sách của Rusdhie gây thương tổn cho Đại trưởng lão Ayatollah Khomeni, nguyên thủ tôn giáo và chính trị của Iran tới độ ông ban hành một “fatwa”, thánh lệnh, cho hết thảy tín đồ Hồi giáo phải xử tử kẻ phạm tội hiển nhiên, chống lại tác giả và các nhà xuất bản, ở bất cứ nơi nào bắt gặp họ. Cuốn sách của Rusdhie và thánh lệnh fatwa kích động cuộc tranh cãi dữ dội về sự xung khắc giữa tự do phát biểu và bao dung tôn giáo.
Hiện nay, Hồi giáo là tôn giáo có mức tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Một số tín đồ Hồi giáo thành lập các nhóm cuồng tín. Họ đánh giá phương Tây là độc dữ một cách cố hữu và do đó đáng bị trừng trị.
Ngay sau khi vừa chấm dứt cuộc Chiến tranh lạnh, người phương Tây càng ngày càng xem Hồi giáo, và cách riêng các nhóm triệt để duy chính thống (fundamentalism) của tôn giáo ấy là hoàn toàn là mối đe dọa cho phương Tây. Nếu có những kẻ chủ trương cực đoan quá độ thì cũng có những người chủ trương ngược lại để trung hòa. Bên trong Hồi giáo đang lớn mạnh khuynh hướng cổ vũ một tiến trình hòa bình và bao dung với người của các tôn giáo khác cùng các lý thuyết triết học khác và các nền văn hóa khác.
Nguyễn Ước.
Canada.