Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
TÀU CHIẾN VÀ CÁC TRANG THIẾT BỊ.
LÊ CHÁNH THIÊM
Các bài liên quan:
    KHÁI NIỆM VỀ TÀU CHIẾN TÀNG HÌNH
    KỸ-THUẬT MỚI TRONG NGÀNH ĐÓNG TÀU BIỂN
    TUẦN DƯƠNG HẠM USS HUÉ CITY CG-66

SƠ LƯỢC VÀI LOẠI TÀU CHIẾN VÀ CÁC TRANG THIẾT BỊ.
Lê Chánh Thiêm

Trên đời, tất cả mọi vật đều có một lịch-sử riêng. Ta dùng, ta thấy, ta đọc... về vật đó, nếu biết tiểu sử của nó, ta sẽ thấy thú-vị hơn, khi đọc những gì chưa biết về vật đó, sẽ tăng thêm sự hiểu biết cho những gì ta đã biết, nhất là những tin gì có tính cách "bí mật". Đối với những tin tức liên-quan đến quân-đội hay quốc phòng, dù trước kia hay ngày nay, thường được phổ biến rất hạn chế. Với những tin thuộc loại "mật" thường không được phổ biến hay chỉ phổ-biến sau một thời gian rất lâu.

Trong phần nầy, xin sơ-lược tiểu sử một số quân-dụng thuộc Hải-quân, những vật gắn liền với cuộc đời của những chàng trai ấp ủ "mộng hải-hồ".

THIẾT GIÁP HẠM:

Chiếc thiết-giáp-hạm đầu tiên trên thế-giới được xem là hai chiếc Magenta và Solferino được chế-tạo cho Hải-Quân Pháp vào năm 1859. Đây là công-trình sáng-chế của Stanislas Dupuy de Lôme, một kỹ-sư của Hải-quân Pháp.

Năm 1850 ông de Lôme đã từng chế-tạo tàu quân-sự mang tên Napoléon cho Hải-quân Pháp, sau đó là một tàu hộ-tống bọc thép tên La Gloire tặng cho vua Napoléon III năm 1857.

Là một kỹ-sư tài-năng, ông giữ vai-trò quan-trọng trong việc cải biến tàu chiến cho đất nước cũng như các thương thuyền cho công-ty Messageries Maritimes. Tên ông còn được nhắc đến khi sáng chế ra chiếc khinh-khí cầu để chuyển thư tín vào thủ-đô Paris trong cuộc vây hãm Paris vào năm 1870.

PHÁO THÁP XOAY TRÊN CHIẾN HẠM:

John Erickson, một kỹ-sư người Mỹ di dân gốc Thụy-Điển được kể là cha đẻ của phát-minh này. Ông phát-minh ra pháo đài xoay cho các thiết-giáp hạm vào năm 1854, giúp tàu có thể bắn ra bất cứ hướng nào mà không phải xoay mũi tàu về hướng đích như trước đó. Trước đó, các loại súng lớn được thiết kế cố định trên tàu. Muốn bắn về hướng nào, tàu phải xoay mũi đúng hướng của mục tiêu.

Với phát kiến này, chiến hạm trang bị thiết-bị nầy đã đóng vai trò quyết định các chiến thắng trong cuộc nội chiến 1861-1865 và trong trận hải chiến ở Hampton Roads.

Erickson là một kỹ sư chuyên nghiên cứu về các loại máy đẩy, nhất là loại máy cho tàu thuyền, cũng là người đầu tiên nghiên-cứu về năng lượng mặt trời trong ứng dụng, sau đó ông chế tạo ra loại máy này.

Ông ta cũng là thầy của "Vua thuốc nổ" Alfred Nobel -- người mang tên giải thưởng nổi tiếng Nobel hàng năm -- khi Nobel được cha mình gởi sang Mỹ để học và làm việc dưới quyền ông trong 4 năm.

TUẦN DƯƠNG HẠM:

Đây là loại tàu "trinh sát" của Hải-quân vì đặc-tính cơ-động, chạy tương đối nhanh, trang bị nhiều vũ-khí. Nhiệm vụ chính của tuần dương hạm là trinh sát, bắt đầu vào khoảng năm 1920, nhưng mãi đến sau đại chiến thế giới lần thứ nhì, tuần dương hạm mới được sử dụng hữu hiệu.

HÀNG KHÔNG MẪU HẠM:

Chiếc phi-cơ xuất phát đầu tiên trên một chiến hạm do Eugène Ely, một phi-công Hoa-Kỳ, cất cánh từ chiến-hạm Birmingham ngày 14-11-1910. Đây là chiếc phi cơ cánh đôi với động cơ có công-suất 50 mã-lực.

Ngày 18-1-1911, cũng chính Ely lái chiếc phi cơ nầy đáp xuống sàn phía sau được biến cải của chiếc thiết giáp hạm Pennsylvania. Ít phút sau đó, ông cất cánh và rời tàu. Hàng không mẫu hạm ra đời từ đó.

Tuy vậy, thời đó, việc phi-công cất cánh và hạ cánh xuống tàu là cả một vần đề vì khó khăn do nhiều lý-do khác nhau. Người ta đã tốn rất nhiều thời-gian và trí tuệ để nghiên-cứu hầu giải quyết nan đề nêu trên, nhất là các cấp chỉ huy và các kỹ sư, các nhà nghiên-cứu. Thế rồi đường băng xiên cho máy bay lên xuống trên tàu ra đời, được cải tiến để hoàn thiện như ngày nay.

Từ đó về sau, Hải-Quân Hoa-Kỳ tiến triển không ngừng, trong thế chiến thứ 2, Hoa Kỳ đã có đến 120 hàng-không mẫu hạm, thay đổi cuộc diện chiến tranh từ "hải chiến" thành "không chiến" với nhiều máy bay túc trực và sẵn sàng tham chiến ngay trên tàu, mang lại thế thượng phong, cơ-động trong chiến tranh.

Ngày nay, Mỹ có những chiếc hàng không mẫu hạm chạy bằng nguyên tử năng với khả năng tham chiến đáng kể.

Chẳng hạn chiếc HKMH USS Enterprise CVN 65 (thường được gọi tắt là Big E) nặng 93.970 tấn, dài 1,123 feet, rộng 252 ft., tàu có 4 máy chạy bằng phản ứng hạt nhân, vận tốc 33 hải lý/ giờ, thủy thủ đoàn có 6.000 người.

Chiếc HKMH USS Nimitz CVN 68 nặng 95 ngàn tấn với chiều dài 1,092 ft., 8 máy phản ứng hạt nhân có công-suất 280.000 HP, vận tốc 30 hải-lý/ giờ, thủy thủ đoàn 6.300 người, chở được 90 máy bay các loại. Chiếc USS Theodore Roosevelt CVN 71, hạ thủy ngày 25-10-1986 dài 398 mét, mang được 90 chiến đấu cơ.

Cùng kiểu với chiếc USS Nimitz có 9 chiếc khác, cùng kiểu với HKMH Kitty Hawk CV 63 có 3 chiếc khác. Người ta kể rằng có hai anh em nọ cùng phục-vụ trên chiếc Big E, người em mới đến tàu, tìm anh mình trong 2 tuần lễ, hai anh em mới gặp mặt nhau.

NGƯ LÔI:

Quả ngư lôi tự tìm mục tiêu đầu tiên trên thế giới được phát minh bởi Đại-úy Hải quân Áo Luppis vào năm 1864. Đến năm 1867, Đại úy Robert Whitehead thuộc Hải quân Hoàng-gia Anh cải tiến cho hoàn hảo hơn.

Ngày nay, ngư lôi có thể tự chạy đến mục tiêu một khoảng cách xa với vận tốc đến 50 km/ giờ. Đến 1936, loại ngư lôi điều khiển ra đời do hai sĩ-quan Ý là Tesei và Toschi sáng chế ra. Loại ngư lôi này có chở theo hai người nhái, đến mục tiêu họ sẽ gắn vào tàu địch rồi cho nổ khi tàu địch đang đậu.

Lịch sử ghi nhận người nhái tấn công tàu đầu tiên vào tháng 9-1941 cho tàu Anh tại Gibraltar, đến tháng 12-0941 lại gây thiệt hại cho các thiết giáp hạm Valiant và Queen Elizabeth của Hải-Quân Anh.

Người Nhật thì dùng loại tàu mang tên Kaiten, trong khuôn khổ "tấn công cảm tử" vào các tàu đồng-minh với 2 người tình nguyện chết theo tàu trong công tác.

TÀU PHÓNG NGƯ LÔI:

Chiếc tàu phóng ngư lôi đầu tiên hoạt động trong cuộc chiến tranh Nga - Thổ từ 1877-1878. Tuy vậy, loại tàu này đã có từ thời 1860-1865, ban đầu chỉ là những loại tàu nhỏ, trước mũi tàu là một cán dài có thuốc nổ. Khi đến gần mục tiêu, chỉ việc tách rời phần có thuốc nổ và kích hỏa để phá mục tiêu, thường là các tàu địch.

Từ khi có loại tàu phóng ngư lôi, người ta sáng chế ra loại khu trục hạm (vào năm 1893) để khắc chế loại tàu này. Sau đó, chính khu trục hạm lại đảm nhận nhiệm vụ phóng ngư lôi luôn.

TÀU NGẦM:

Cha đẻ của tàu ngầm được kể là ông Cornelis Drebbel (1572-1633), một nhà vật lý Hòa Lan làm việc trong cung điện vua Jacques Đệ nhất nước Anh, là gia sư của các con vua Anh.

Ông ta ứng dụng nguyên lý toán học của William Bourne, một người Anh nêu ra từ 1578.

Ông Drebbel dùng một trụ rỗng để tàu lấy khí trời. Đến năm 1624, ông chế một chiếc tàu bằng gỗ, hình quả trứng; ngoài thủy thủ đoàn còn có 12 người chèo để tàu chạy. Ông thử nghiệm trên sông Thames. Ông ta còn nghĩ ra phương pháp hóa học, tái sinh không khí đã thở ra trong tàu bằng một dung dịch bằng hóa chất.

Tuy được người ta nghĩ đến sớm như vậy nhưng sự thực-dụng của tàu ngầm được kể vào cuối thế kỷ 19 do Simon Lake, một người Mỹ, một thiên tài về tàu ngầm nghĩ ra dựa trên sự gợi ý trong cuốn sách "20 ngàn dặm dưới đáy biển" (Twenty thousand Leagues under the Sea) của nhà văn người Pháp Jules Verne.

Xin nói thêm, gia đình Simon là một gia đình tập họp nhiều nhân tài: ông nội Simon chế ra máy gieo hạt giống, cha phát minh ra mành cửa sổ, các người khác cải tiến, sáng chế ra ra dụng cụ in màu, máy chữ, điện thoại. Simon đã phác họa trong đầu và sau đó sáng chế ra vài loại tàu ngầm.

Khi đọc báo thấy việc Bộ Hải quân kêu gọi đấu thầu đóng tàu ngầm, Simon mò đến nhưng công việc bất thành. Sau đó, Simon bán chiếc tàu ngầm Protector của mình cho Nga vì không được chính quyền Mỹ để ý. Ông còn đóng cho Nga một chiếc tàu ngầm khác ngoài chiếc tàu ông đóng tại Mỹ.

Hãng Krupp của Đức đã thấy tầm quan trọng của tàu ngầm trong nhu cầu chiến tranh nên mời Simon ký giao kèo chế tạo tàu ngâm cho Đức nhưng rồi việc bất thành. Sau nầy, người Đức cải tiến chiếc tàu ngầm của ông thành loại tàu ngầm kiểu U lừng danh.

Ngoài ra, ông ta đã phát minh ra viễn kính toàn cảnh (periscope) cho tàu ngầm sau nầy. Đến năm 1915, tàu ngầm Đức đánh chìm chiếc tàu biển Lusitania của Anh quốc mang theo 1198 sinh mạng vào lòng đại dương (trong đó có 124 người Mỹ), người ta gán cho tàu ngầm là "tên sát nhân của đại dương".

Tai họa này khiến cho Hoa Kỳ, dưới thời Tổng Thống Woodrow Wilson từ bỏ chính-sách trung-lập để tham chiến và đã làm cán cân cuộc chiến nghiêng về phía Đồng minh, buộc Đức phải chấp nhận đầu hàng.

Những chiếc tàu ngầm nổi tiếng của Mỹ trước đây được kể:

* Chiếc Nautilus (1797) do Robert Fulton, một người Mỹ đa tài chế-tạo năm 1798. Sau này ông còn chế ra chiếc Clermont cũng nổi tiếng.

* Chiếc tàu ngầm David do Đại úy Hunley thiết kế. Đêm 17-2-1864, tàu David đã đánh đắm tàu hộ tống Housatonic của quân miền Bắc đang tham gia phong tỏa Charleston.

Ngày nay, Hải quân Hoa Kỳ có nhiều kiểu tàu ngầm tối tân, được trang bị nhiều phương-tiện, vũ-khí rất hiện đại để đáp ứng nhu cầu chiến trường trong thời đại nguyên-tử hiện nay. Dù có những loại vũ-khí mới "khắc tinh" của tàu ngầm ra đời nhưng tàu ngầm vẫn còn là một phương-tiện hữu hiệu phục vụ cho chiến-tranh.

Lê Chánh Thiêm.
2001.

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh