NGƯỜI VIỆT GỌI NGƯỜI HOA LÀ "BA TÀU".
Lê Chánh Thiêm.
I. Tại sao người Việt chúng ta thường gọi người Tàu (Hoa kiều) là “chú ba Tàu”?
Theo nhiều tài liệu, có ba giả thuyết về từ ngữ “ba Tàu”.
1. Giải thích theo phương tiện di chuyển.
Có một vài tài liệu giải-thích người Việt ta gọi người Trung-hoa là Ba Tàu vì người Trung-hoa ngày xưa di-cư sang Việt-nam thường đi bằng ghe, tàu. Theo ông Huỳnh Tịnh Của thì “người An-nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi nước Tàu, người Tàu”.
2. Giải thích theo từ ngữ.
Vương Duy Trinh cho rằng Tàu là biến âm từ chữ Tào tức người nước Ngụy của Tào Tháo.
Thuyết này không vững vì nước ta ngày xưa gần Đông Ngô (Tôn Quyền, trong truyện Tam Quốc chí) hơn Bắc Ngụy (Tào Tháo) nên người Việt xưa không gọi người Trung-hoa là người Tào mà thường gọi là người Ngô (Ví dụ trong câu: Vợ chàng Ngô đốt vàng cho chú khách).
Gần đây lại có người cho rằng chữ Tàu là biến âm của "tào" có nghĩa là nhà quan. Thời kỳ Bắc thuộc, người Việt ta coi người Trung-hoa đang ở nước Việt-nam ta đều là quan cả.
II. Về chữ ba đi trước chữ Tàu, có hai cách giải-thích:
1- Người Trung-hoa ngày xưa khi đến Việt-nam bằng đường biển, thường kết thuyền bè lại thành từng ba chiếc một để tránh bớt nguy-hiểm khi gặp sóng gió. Từ đó, người Tàu đi trên ba chiếc thuyền gọi tắt, trở thành “ba Tàu”.
2- Người Việt ta thường hay đặt thứ (hai, ba, tư,...) và bậc (anh, chú,...) cho các giống dân khác sống chung hay gần chúng ta, coi như thân-nhân trong gia-đình. Ví dụ: dân Việt ta gọi: anh bảy Chà, chú ba Tàu, chú Chệt,…
Cũng trong ý tưởng này, khi chúng ta ghét, khinh khi, coi thường hay không kính trọng ai, người Việt chúng ta dùng những chữ: "thằng", (thằng mọi, thằng Tây), chữ "bọn" (bọn cướp, bọn côn đồ), chữ "đồ" (đồ lưu-manh, đồ ba-que, đồ xỏ lá), chữ “quân” (quân cướp, quan gian ...).