Khởi đầu phong trào kháng Pháp tại Quảng Ngãi của cử nhân Lê Trung Đình (1857-1885) và Tú tài Nguyễn Tự Tân (1848-1885) với cuộc khởi nghĩa chiếm thành Quảng Ngãi ngày 13-7-1885 (1-6 Ất Dậu) tuy không thành công nhưng đã là tác nhân cho tinh thần ái quốc bất khuất của người dân miền núi Ấn sông Trà trong nhiều phong trào yêu nước về sau như phong trào Duy Tân (bắt đầu từ năm 1900), phong trào kháng thuế (năm 1908), cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân (năm 1916)...
Một nhân vật đã có nhiều liên hệ mật thiết với Duy Tân Hội và phong trào kháng thuế tại Quảng Ngãi, đồng thời với Nguyễn Bá Loan (1857-1908), Lê Khiết (1857-1908), Nguyễn Thụy (1880-1916), Phạm Cao Chẩm (? -1918), Trần Kỳ Phong (1872-1941)... đó là chí sĩ Nguyễn Đình Quản.
Theo tác giả Cao Chư trong “Các nhà khoa bảng Nho học Quảng Ngãi 1819-1918”, Nguyễn Đình Quản, tên tự là Khánh Bá, sinh năm Mậu Dần (1878) tại làng Phong Niên, xã Tịnh Phong, về sau dời về làng Đông Dương, xã Tịnh Ấn Tây đều thuộc huyện Sơn Tịnh. Thân phụ của ông là Tú tài Nguyễn Văn Quế. Ông đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1897) tại trường thi hương Bình Định.
Sau khi đỗ cử nhân, không như thế nhân thường tình tìm hạnh phúc cá nhân bằng con đường ra làm quan, Cử Quản tuy tuổi trẻ vẫn đau đáu một lòng thương đau vì nỗi nhục mất nước dưới bàn tay cai trị hà khắc của thực dân Pháp:
Nếu chẳng ra tay trừ tặc tử,
Ngàn năm ôm hận khóc non sông.
(Nguyễn Đình Quản)
Thế nên, sau khi đỗ Cử Nhân, ông về quê làm nghề cày ruộng, nhưng trong thâm tâm, ông không lấy nghề nông làm nếp sống chính, mà đây chỉ là khoảng thời gian tìm người đồng chí hướng và trau dồi thêm kiến thức và ý chí đấu tranh.
Vào thời gian nầy, tức vào những năm đầu của thế kỷ 20, những sĩ phu trẻ tuổi như Phan Bội Châu (sinh năm 1867), Phan Châu Trinh (sinh năm 1872), Huỳnh Thúc Kháng (sinh năm 1875) v.v... tuy nhiều người có học vị cao nhưng không mấy ai chịu ra làm quan, hoặc có ra làm quan thì cũng chỉ một thời gian rồi tìm cách từ quan để theo đuổi con đường vì dân cứu nước.
Họ tìm đọc những tân thư của các nhà cách mạng Trung Hoa như Khang Hữu Vi (1858-1920), Lương Khải Siêu (1873-1929), đặc biệt là của Lương Khải Siêu với Ẩm Băng Thất văn tập và 2 tờ báo Thanh Nghị báo và Tân Dân tùng báo cùng các dịch phẩm Vạn Pháp Tinh Lý (L’Esprit des Lois) của Montesquieu (1689-1755) và Xã Ước Luận (Le Contrat Social) của Jean Jacques Rousseau (1712-1778).
Hình ảnh lớn mạnh của nước Nhật Bản nhờ vào tinh thần duy tân tự cường thời Minh Trị Thiên Hoàng (1867-1912) và nhất là thái độ nhập cuộc của giới trí thức Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19 cũng đã làm cho họ nức lòng muốn làm một cái gì hữu ích cho đất nước mình.
“Trường hợp của Nhật Bản trở thành một cái gương sáng đáng noi theo: Nhật Bản đã mượn của người da trắng bí quyết của cường lực Tây phương, và nhờ vậy đã đánh bại Trung Hoa năm 1895... Năm 1905, Nhật Bản lại thắng Nga một cách vẻ vang; sự thắng trận nầy chứng tỏ là các đế quốc thực dân không phải là vô địch, và gây một tiếng vang rộng lớn ở Á châu.” (1)
Từ đây các ông đã khởi xướng và nhanh chóng trở thành những nhà lãnh đạo của Phong Trào Đông Du như Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ và Phong Trào Duy Tân như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng...
Để mô tả cái nhục mất nước nhằm nung đúc lòng yêu nước cho quốc dân, đồng thời cảnh tỉnh đám quan lại chủ hòa của triều đình Huế, Phan Bội Châu viết cuốn “Lưu cầu huyết lệ tân thư” (1903). Muốn học cái gương Nhật Bản, đồng thời hun đúc nhân tài cho tương lai của đất nước bằng cách cổ vũ cho phong trào Đông du, Phan Bội Châu đã liên tục tung ra các tác phẩm “Khuyến thanh niên du học”, “Việt Nam vong quốc sử”, “Hải ngoại huyết thư”... Năm 1906, Phan Bội Châu cho thành lập Duy Tân Hội nhằm mục đích “giải phóng quốc gia Việt Nam, phục hưng một chính thể quân chủ thoát ách đô hộ của người Pháp, công bố một hiến pháp theo gương Nhật Bản” (2).
Đồng thời với Phong Trào Đông Du của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh khởi xướng Phong Trào Duy Tân kêu gọi phát triển nền kinh tế quốc gia bằng thương nghiệp và công nghiệp, đồng thời kêu gọi mở mang dân trí bằng cách kêu gọi xóa bỏ hủ tục, loại bỏ lối học từ chương... Hưởng ứng lời kêu gọi nầy, tại đất Hà Thành có trường Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập năm 1907 do các nhà yêu nước Lương Văn Can (1854-1927), Nguyễn Quyền (1869-1941) khởi xướng với sự tham gia của nhiều nhà Nho yêu nước với “mục đích gây phong trào ái quốc, chủ trương làm cho nước giàu dân mạnh, nhiên hậu sẽ đi tới việc giành độc lập; bên trong lại ngầm đoàn kết nhân dân, khuyến khích và gởi người du học ngoại quốc, phổ biến sách vở dân chủ, cổ động một nền học mới thiết thực và khoa học”. (3).
Các phong trào yêu nước nầy đã có những ảnh hưởng tích cực đến tinh thần của giới Nho sĩ đương thời, trong đó có Nguyễn Đình Quản.
Từ quê hương nghèo nàn của mình, ông đã không quản đường sá xa xôi, cơm đùm, cơm vắt lặn lội ra đến tận chốn cựu đô Thăng Long (Hà Nội) ngàn năm văn vật để được nhìn tận mắt, nghe tận tai tinh thần yêu nước thương nòi, duy tân đổi mới nơi đám sĩ phu Bắc Hà và tìm đọc một số sách báo yêu nước như đã được nêu trên làm món ăn tinh thần.
Về điều này, chính Huỳnh Thúc Kháng trong “Vụ kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908” cũng đã xác nhận:
-“Trước cuộc cự sưu thì Quảng Ngãi cũng như Quảng Nam, sĩ phu như Cử Sụy, Cử Quản, Cử Cẩn, Bố Khiết, Ấm Loan, Tú Phạm Cao Chẩm cùng một số đã xem báo sách mới...” (4).
Ông gia nhập Duy Tân Hội và trở thành một trong những yếu nhân của phong trào yêu nước của tỉnh. Trong thời gian nầy ông sáng tác nhiều thơ ca yêu nước, rất tiếc phần lớn đã bị thất lạc (5).
Ông đã nêu bật chí hướng của mình trong bài thơ viết về tâm sự của mình:
Nghĩ càng rơi lụy, lụy càng rơi
Ở đặng thì chơi, đi cũng chơi
Sửa gánh giang sơn vai nhẹ nhẻ
Mượn đường hồ thỉ bước khoan thai
Nước nhà cân thử thân bao nặng
Sóng gió dằng dưa chí chẳng dời
Vói hỏi trăm nghìn năm trước nữa
Ai còn, ai mất đó ai ơi! (6)
Trở lại quê nhà chưa được bao lâu thì xảy ra vụ “Trung Kỳ dân biến”, còn gọi là vụ “kháng thuế ở Trung Kỳ” vào năm 1908.
Sự vụ chính thức phát khởi ở Quảng Nam về sau lan rộng ra nhiều tỉnh ở Trung Kỳ từ Nghệ An vào đến Bình Thuận.
Tại Quảng Nam phong trào phát khởi vào ngày 11-3-1908 thì tại Quảng Ngãi hơn nửa tháng sau, “Khoảng 5 giờ chiều ngày 28-3-1908, 25 lý trưởng, phó lý trưởng tổng Bình Hòa, phủ Bình Sơn kéo thẳng đến Tòa Công sứ Pháp ở Quảng Ngãi xin giảm thuế.”(7)
Ngay vào ngày đầu phong trào có tính cách tự phát nhưng chỉ mấy hôm sau, các lãnh tụ Duy Tân như Nguyễn Bá Loan, Lê Khiết, Lê Đình Cẩn, Nguyễn Đình Quản... đã tìm cách hướng dẫn phong trào. Lúc này Nguyễn Đình Quản có sáng tác một bài thơ nói lên nỗi niềm ưu thời mẫn thế và tinh thần trách nhiệm cao độ của các nhà chí sĩ đối với tinh thần quật cường của nhân dân tỉnh nhà trước bạo lực cường quyền:
Dân cực ta nay sướng được nào
Dân làm ta chịu cũng không sao
Đắng cay dặn dạ đừng năn nỉ
Non nước trêu lòng phỉ ước ao
Đi, ở chớ nề chân rã riệt
Ấp iu đâu phải mặt chao vao
Gặp cơn sóng gió còn cơn tạnh
Cầm lái dòng sâu lướt tới ào.(8)
Cuộc dân biến kéo dài non một tháng (28/3/1908 - 22/4/1908) với nhiều người bị bắn chết trong các cuộc biểu tình và cả ngàn người bị bắt trói, tra tấn. Hai thủ lãnh quan trọng của phong trào là Nguyễn Bá Loan và Lê Khiết bị Pháp đánh lừa bắt ngay vào lúc phong trào đang lên đến cao độ. Sau khi phong trào bị dập tắt, Ấm Loan và Bố Khiết thọ án tử hình vào ngày 23-4-1908 tại phía đông thành Quảng Ngãi.
Các thủ lãnh khác bị Pháp cho lùng bắt gần hết và bị tòa án Nam Triều xét xử, trong đó 5 người bị kêu án đày đi Côn Đảo. Đó là các ông Trần Kỳ Phong (Bình Sơn), Nguyễn Tuyên (Đức Phổ), Nguyễn Thụy (Tư Nghĩa), Phạm Cao Chẩm (Tư Nghĩa) và riêng Nguyễn Đình Quản với cáo trạng “can tội xúi giục dân chúng tụ họp, giả danh xin thuế, náo động tỉnh thành, án xử trảm quyết, Phủ Phụ chính thương giảm, hoãn tử, phát phối” (9).
Tháng 8-1908, Nguyễn Đình Quản cùng với Nguyễn Sụy (tức Nguyễn Thụy), Tri huyện Nguyễn Mai, Tú tài Phạm Cao Chẩm, Tú tài Nguyễn Tuyên bị dẫn giải từ Quảng Ngãi vào Bình Định xuống tàu tại Vạn Giả để từ đây đã cùng với các thân sĩ Bắc Hà như Thái Sơn Đặng Nguyên Cẩn (1866-1922) người huyện Thanh Chương (Nghệ An), Tập Xuyên Ngô Đức Kế (1878-1929) người huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) và Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng (1875-1949) người huyện Thăng Bình (Quảng Nam) bị đưa vào nhốt ở Khám Lớn Sài Gòn trước khi bị lưu đày ra Côn Đảo (10).
Trong thời gian ở Côn Đảo, các chính trị phạm người Quảng Ngãi như Nguyễn Đình Quản, Nguyễn Thụy người thôn Hổ Tiếu, Phạm Cao Chẩm người thôn Xuân Phổ luôn luôn tỏ ra là những con người đầy khí phách hiên ngang, không chịu khuất phục trước bạo quyền và do đó đã được bạn đồng tù là nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng hết lời khen ngơi:
-“Anh em đồng tội Quảng Ngãi Phong Niên, Hổ Tiếu, Xuân Phổ đều người tốt, một lòng hy sinh về việc nước, thật là người trăm bẻ không co...” (11).
Riêng đối với Nguyễn Đình Quản, Huỳnh tiên sinh dường như có biệt nhãn. Hai người vẫn thường tìm cơ hội đàm đạo với nhau về quốc sự và thơ văn. Làm được bài thơ nào thì đọc cho nhau nghe. Đọc đoạn văn sau đây của Huỳnh Thúc Kháng trong Thi Tù Tùng Thoại chúng ta mới thấy được sự tôn kính như thế nào của Huỳnh tiên sinh đối với Nguyễn tiên sinh:
-“...nhân một bữa Nguyễn quân Phong Niên đi nhà thương, trưa cùng nằm chung trong khám bồi, cùng nhau nói chuyện, Nguyễn quân thuật ở tiệm Khách có tờ Hoa báo nói người Tàu họ Đàm ở Mỹ chế máy bay được thưởng, tôi nhân được một bài thi trình Phong Niên” (12).
Sống ngoài Côn Đảo, ngoài những công việc nặng nhọc của một người tù khổ sai, Nguyễn Đình Quản và các bạn đồng tù vẫn thường dành thì giờ vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ để hàn huyên tâm sự, trao đổi chút tin tức thời sự vừa nhận được từ đâu đó hay đôi khi “trong bạn anh em tù, vô sự, hay chơi tổ tôm, xóc đĩa, có người đến bi lụy, nhất là lúc ra ngoài làm nghề buôn có tiền càng chơi nhiều, lại có người có thói ích kỷ, ngoài “tiền” ra không biết đến việc gì nữa, Phong Niên thường chánh sắc dương diện chỉ trích một cách khẳng khái, ai cũng cảm động. Trong lúc ở tiệm buôn phong lưu, ông ta có câu:
“Tự cổ thử thân do thiết cốt
Vị ưng thị xá tác tiền si”.
(Tự xét thân này còn cốt sắt
Lẽ đâu ngồi đó chịu ngây tiền) (13)
Xem cách ứng xử trên đây đủ thấy tư cách đứng đắn và thái độ cứng cỏi của một con người có ý chí vững vàng.
Sống và làm việc với Nguyễn Đình Quản lâu ngày, Huỳnh tiên sinh càng tâm phục người bạn đồng tù đầy khí phách hiên ngang của mình, nên tiên sinh đã hạ bút nhận xét về Nguyễn Đình Quản với những lời đầy trân trọng:
-“Phong Niên Nguyễn Đình Quản, người gồm cả đởm thức mà có lòng huyết thành, cảm người một cách sâu sắc, đồng nhân ai cũng cảm phục. Một điều ít có là thấy điều nghĩa thì hăng hái làm tới, thầy điều lành thì ham muốn khao khát. Mà nếu ai đem điều phi lý gia cho thì nghiêm nghị sắc mặt, phản đối cho đến cùng, nhưng gặp anh em có việc hoạn nạn đau khổ thì ra công chịu khó hết lòng giúp đỡ, dầu việc khó nhọc đến đâu cũng vui lòng cáng đáng, tuyệt không có chút gì là trở thành rụt rè. Trong anh em những kẻ hèn yếu nhờ ông ta giúp đỡ nhiều việc, rõ là người có khí hiệp sĩ như người xưa.” (14)
Như trong một phần trên chúng tôi đã nói, trong thời gian hoạt động cho Duy Tân hội và trong phong trào kháng thuế non một tháng vào năm 1908, Nguyễn Đình Quản có làm nhiều thi ca để cổ vũ cho phong trào, rất tiếc phần lớn không còn được lưu giữ, ngoại trừ vài bài đã được trích dẫn trên đây. Khi ra ngoài Côn Đảo, lúc nào có dịp, Nguyễn Đình Quản cũng có làm thơ, tuy “Phong Niên quân không hay làm thi văn, song người giàu nhiệt thành nên có làm đôi câu đều do huyết tánh lưu lộ ra” (15) như nhận xét của Huỳnh Thúc Kháng.
Trong Thi Tù Tùng Thoại, Huỳnh Thúc Kháng tiên sinh có kể lại vài giai thoại về thơ có liên quan đến Nguyễn Đình Quản, chúng tôi xin được trích dẫn sau đây, một là để cho chúng ta thấy được phần nào tâm tình của các nhà cách mạng cha anh đã thương yêu, đùm bọc nhau như thế nào trong hoàn cảnh tù tội, và thứ nữa để chúng ta thấy cái thú sinh hoạt tao nhã của con nhà Nho ngày xưa, dù trong cảnh tù đày nghiệt ngã cũng không làm sao giết được hồn thơ lai láng trong tâm hồn họ một khi hồn thơ có điều kiện phát sinh.
Giai thoại thứ nhất:
Sau khi ra ngoai Côn Đảo một thời gian, có sớm cũng phải vào đầu năm 1909, Nguyễn Đình Quản nhận được thư và quà của vợ gởi từ Quảng Ngãi ra Côn Đảo. Quà là một cái mền. Ôi! Tình của người vợ lo cho người chồng đang ngồi tù quốc sự mới chân thành và tha thiết làm sao! Các bạn đồng tù của Nguyễn Đình Quản tiên sinh đã vô cùng xúc động trước món quà thiết thực và chân thành đó của Nguyễn Đình Quản phu nhân nên đã “xúc cảnh sinh tình” làm thơ để kỷ niệm và đã để lại cho đời sau những bài thơ thật quý giá. Những bài thơ sau đây được trích từ tác phẩm Thi Tù Tùng Thoại của Huỳnh Thúc Kháng.
Hai bài của Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng:
Cảm bả si tâm lụy tráng hoài
Hàn song mộng khởi ức thiên nhai
Đặng tiền đa thiểu tương tư lệ
Tế hướng khâm trung nhận xuất lai.
(Tình riêng há dễ lụy lòng trai
Tỉnh giấc bên màn sực nhớ ai?
Nhiều ít trước đèn bao giọt lệ
Trong mền nhìn kỹ nhận ra coi.)
(Mính Viên tự dịch)
Anh hùng tâm sự nữ nhi tư
Nhất bức trùng khâm vạn lũ ty
Cùng hải túng nhiên phong vũ ác
Hộ quân nhiệt huyết đáo quy thì.
(Tình si nhi nữ dạ anh hùng
Muôn múi đường tơ tấm đệm bông
Góc biển tha hồ mưa gió lạnh
Chàng về máu nóng giữ còn nồng).
(Mính Viên tự dịch)
Hai bài của Tập Xuyên Ngô Đức Kế:
Bạch diện du năng chủng tộc mưu
Hồng nhan an cảm oán khâm trù
Sơ hàn tạc dạ xâm la hoảng
Hốt ức thiên nhai tự thử phầu
(Mặt trắng còn lo việc giống nòi
Má hồng dám tủi gối loan côi
Hôm qua hơi lạnh lò bên cửa
Nhớ kẻ thiên nhai luống ngậm ngùi).
(Mính Viên dịch)
Khâm thượng hồng tư kỷ lũ tà
Lũ đa tranh tự thiếp tình đa
Minh tri bất thị trùng khâm hoản
Ký hướng song tiền liễm tố nga.
(Chỉ đỏ mền bông lắm mối manh,
Chỉ bao nhiêu mối, thiếp bao tình,
Mền đôi biết hẳn chưa là ấm,
Nhớ chẳng? đôi mày kém nét xanh.
(Mính viên dịch)
Hai bài của Nguyễn Đình Quản:
Bảo băng tố chí khủng nan kiên,
Cảm vọng ta đà ủng bị miên,
Độc thị vị vong nhi nữ luyến,
Khả vô thủ vật đáo quân biên.
(Chỉ e ôm giá chí không bền,
Há mộng ngày đêm ngủ ấp mền
Nhi nữ chút tình quen chữa được
Tay khâu vật ấy gởi hầu bên.
(Mính Viên dịch)
Chức cẩm vô năng khả nại hà,
Phùng khâm liêu nhĩ ký thiên nha,
Na kham thiếp ý quân tâm sự,
Tương đối thu tiêu nguyệt vị tà.
(Tài thua dệt gấm biết làm sao!
Mền gởi ven trời thỏa ước ao.
Ý thiếp lòng chàng tâm sự đấy,
Đêm thu nhìn bóng lúc trăng cao.
(Mính Viên dịch) (16)
Giai thoại thứ hai:
Chuyện kể rằng, trong số tù Côn Đảo vào thập niên đầu thế kỷ 20, có một nhân vật chỉ vì bị tình nghi mà phải ngồi tù 2 lần, mỗi lần 5 năm, đó là tri huyện Nguyễn Dự Hàm người Thanh Hóa. Trước khi được tha về lần thứ 2, chúng tôi dự doán có thể là trong khoảng thời gian 1909-1910, “Cụ huyện học Hán học khá, sính làm thi, có một bài thi “thời sự cảm tác” cụ làm, sách anh em họa, thi quốc văn mà toàn ấp vận chữ Hán “duyên, thuyên, niên, quyên” (không nhớ nguyên văn), đồng nhân họa khá đông, duy có bài thi của ông Cử Nguyễn Đình Quản là hơn cả. Ký giả quên 2 câu đầu:
. . . . . .
. . . . . .
Cảnh tù ra vậy nhàn như chết,
Bệnh nước khi nào chữa đặng thuyên.
Xót kẻ hô hào thân hải ngoại,
Trêu người khai hóa cuộc đương niên.
Phần mình phần nước càng ngao ngán,
Giot lệ đêm thu máu đỗ quyên (17).
Khi ra Côn Đảo, Nguyễn Đình Quản cùng với các nhà cách mạng Thái Sơn Đặng Nguyên Cẩn, Tập Xuyên Ngô Đức Kế, Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng đều nhận án chung thân rồi về sau cả 4 người đều được giảm xuống còn 13 năm. Ở Côn Đảo chưa mãn hạn tù ông đã cảm bệnh và mất.
Theo Cao Chư trong "Các nhà khoa bảng Nho học Quảng Ngãi 1819-1918": Nguyễn Đình Quản mang bệnh mất vào năm 1910 (ĐĐN. nhấn mạnh) và được các bạn tù mai táng ngay tại Côn đảo. Sau khi ông mất, cụ Huỳnh Thúc Kháng còn làm một đôi câu đối rất cảm động để viếng ông.
“Khổ sanh ngã ư Việt Nam trấp thế kỷ chi sơ, bất khứ bất tử tức vi tù; khả liên lạc lạc chích thân, bệ nhục tọa kinh phao tuế nguyệt.
Trọng kỳ quân ư Côn Đảo thập tam niên chi hậu, tái tiếp tái lê vưu hữu tấn; hốt thử yêm yêm nhất bệnh, hung hồn tảo khứ tác phong lôi.
Mính Viên tự dịch:
Khổ sanh ta đầu thế kỷ hai mươi giữa nước Việt Nam, không đi không chết lại mang tù ; xót thay quạnh quạnh chiếc thân, thịt vế ngồi đưa ngày tháng chóng.
Trông mong ngươi sau mười ba năm lìa hòn Côn Đảo ; lại dậy lại làm càng tấn tới ; bỗng chốc yêm yêm một bịnh, hung hồn hóa lẫn gió giông đi! (18)
Trong "Quảng Ngãi: Đất nước, Con người, Văn hóa" của nhiều tác giả, riêng mục viết về tiểu sử Nguyễn Đình Quản chắc hẳn cũng của tác giả Cao Chư cũng đã viết như sau:
-“Nguyễn Đình Quản mang bệnh mất vào năm 1910 (ĐĐN nhấn mạnh) và được các bạn tù mai táng ngay tại Côn Đảo. Khi ông mất, cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng đã làm một câu đối rất cảm động để viếng ông” (19).
Tôi vẫn tin vào những niên đại ông Cao Chư đã xác định cho đến khi được đọc tác phẩm Thi Tù Tùng Thoại của cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, một câu hỏi liền được đặt ra: Nguyễn Đình Quản thực sự mất vào năm nào? Và đây là một câu hỏi cần làm sáng tỏ.
Cứ theo như ông Cao Chư trong tác phẩm Các nhà Khoa bảng Nho học Quảng Ngãi 1819-1918 nơi trang 117 và trang 242 và có lẽ cũng của Cao Chư trong tác phẩm Quảng Ngãi: Đất nước, Con người, Văn Hóa (gồm nhiều tác giả, nơi trang 82), Nguyễn Đình Quản (có lẽ) sinh năm Mậu dần 1878 tại làng Phong Niên xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh và mất vào năm 1910 tại Côn Đảo.
Thế nhưng, căn cứ theo các trích đoạn sẽ được trích dẫn sau đây trong Thi Tù Tùng Thoại của Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng thì Nguyễn Đình Quản đã không thực sự mất vào năm này.
Trước khi đi vào tìm hiểu năm mất chính xác của Nguyễn Đình Quản, chúng ta cần xác minh giá trị lịch sử của tác phẩm Thi Tù Tùng Thoại.
Thi Tù Tùng Thoại nguyên được viết bằng chữ Hán từ ngày tác giả là Huỳnh Thúc Kháng còn ngồi tù ở Côn Đảo (1908-1921). Khi được tha về đất liền (năm 1921), tác phẩm bị Pháp tịch thu và thiêu hủy. Đến khi ông đứng ra chủ trương tờ báo Tiếng Dân ở Huế, phát hành số đầu tiên vào ngày 10-8-1927 ông mới viết lại bằng chữ Hán theo ký ức và dịch ra chữ Quốc ngữ rồi cho đăng trên báo Tiếng Dân vào khoảng 3 tháng cuối năm 1929 (từ số 1106 đến 1196) và mãi đến năm 1939 tác phẩm Thi Tù Tùng Thoại mới được xuất bản tại Huế.
Chính Huỳnh Thúc Kháng đã xác nhận Thi Tù Tùng Thoại là “chuyện tù sử” và trong phần Bài Tựa Sau ở cuối sách, chính tiên sinh đã xác nhận mục đích hoàn thành tác phẩm này: “Song vào khoàng sử cận đại ta, ít kẻ ghi chép, phần thì việc kỵ húy, phần thì nghe được điều này, mất điều khác, mà những người đóng vai chính trong tấn kịch, kẻ chết người đày, người ngoài nghe mà chép cũng hay sai với sự thực. Huống là cái thế giới của đảo tù, người ngoài không mấy ai hiểu. Vì vậy nhân chuyện thi văn mà gởi một ít sử liệu ở trong. Giấy vụn bìa tan, biết đâu sau này không trở nên món tài liệu chân xác cho nhà làm sử”. (20)
Chúng tôi tin tưởng phần lớn vào những sự kiện đã được tác giả Huỳnh Thúc Kháng nêu lên trong Thi Tù Tùng Thoại vì những lý do sau đây:
* Huỳnh Thúc Kháng là một nhà chí sĩ chẳng những được dân tộc Việt Nam tôn vinh mà ngay cả thực dân Pháp cũng phải kính nể vì tư cách và đạo đức của tiên sinh, những điều được tác giả kể là những sự thực.
* Huỳnh Thúc Kháng là một người nổi tiếng thần đồng, 16 tuổi đỗ cử nhân, 27 tuổi đỗ tiến sĩ. Ông cũng nổi tiếng là người có ký tính rất tốt, ông thuộc lòng toàn bộ thi ca của các bạn tù đã qua mắt ông và tương truyền ông đã học tiếng Pháp trong quyển tự điển Larousse khi bi giam ở Côn Đảo.
Theo Thi Tù Tùng Thoại tiết 103 trang 272:
“Lúc cuộc buôn sắp đóng cửa, Nguyễn quân (Đình Quản) nhân việc vào khám, rồi sang làm xâu sở ruộng ở Cô Ông, trên một năm cảm bệnh mà mất. Ông ta cùng tôi và cụ Thai Sơn, cụ Tập Xuyên, đều án chung thân giảm xuống 13 năm (ĐĐN nhấn mạnh). Tôi có câu đối khóc”.
Điểm cần nhấn mạnh ở đây: Nguyễn Đình Quản, Huỳnh Thúc Kháng, Thai Sơn Đặng Nguyên Cẩn, Tập Xuyên Ngô Đức Kế đều được giảm án xuống còn 13 năm. Con số 13 năm này rất khớp với câu đối mà Mính Viên đã viết để khóc thương Nguyễn Đình Quản (Trông mong ngươi sau 13 năm lìa hòn Côn Đảo).
Lệnh giảm án xảy ra vào năm nào?
“Đến năm 1913 mới được giấy ân xá ở Kinh lại...” (21a)
“Sau mấy năm có được án giảm xuống 13 năm khổ sai (1913)” (21b)
“Ra đảo 5 năm thì có giấy tư ra được ân giảm xuống cải hạn 13 năm khổ sai (năm 1913)” (21c)
Lệnh ân xá cho những người có án chung thân như Nguyễn Đình Quản, Huỳnh Thúc Kháng... giảm xuống còn 13 năm khổ sai xảy ra vào năm 1913.
Như vậy, Nguyễn Đình Quản phải từ trần ngay khi hoặc sau khi có án lệnh ân xá này tức là vào năm 1913 hoăc sau năm này, không thể xảy ra vào năm 1910 như Cao Chư đã ghi như đã được dẫn thượng.
Điểm thứ 2 chúng ta cần lưu ý trong cuộc đời tù đày của Nguyễn Đình Quản ở Côn Đảo: Ông từ trần trong khoảng thời gian ông ra làm xâu ở sở ruộng Cô Ông.
Trong những năm lưu đày ở Côn Đảo, Nguyễn Đình Quản đã làm những công việc gì? Ta không rõ trong thời gian đầu ở Côn Đảo, Nguyễn Đình Quản đã làm những công việc gì. Chúng ta chỉ biết, theo như đã được mô tả trong Thi Tù Tùng Thoại, trong thời gian O.Coonell cai quản trại tù (1914-1917), ông có thời gian được ra làm việc ở một hiệu buôn ở Côn Đảo do trại tù mở và giao cho tù nhân trông coi việc giao thiệp buôn bán như trong Thi Tù Tùng Thoại, Huỳnh Thúc Kháng đã viết:
-“Tôi cùng My Sanh, Thai Sơn, Phong Niên làm chủ 2 tiệm buôn, chuyên việc buôn bán, cùng các nhà buôn Sài Gòn giao thiệp và mua hàng – do ông O.Coonell giới thiệu...” (22)
Các ông ra đứng trông coi tiệm buôn từ năm 1915 đến năm 1917 thì lại vào khám (Thi tù tùng thoại, trang 236).
Cũng theo Huỳnh Thúc Kháng, vì ông O.Coonell là một nhà cai trị khôn ngoan và nhân đạo đối với tù nhân, mở thương xá cho tù nhân quản lý cạnh tranh với tiệm buôn khách trú, lại đối xử hà khắc đối với thuộc hạ, nên “nhân đó có đơn kiện cùng thơ từ gởi vào Thống soái Saigon thế nào – đảo này thuộc dưới quyền Thống đốc Nam Kỳ - mà có lệnh ra triệt ông O.Coonell về, kể ông lị đấy gần 3 năm (1914-1917).
Ông O. Coonell xuống tàu thì chính sách khai phóng của ông cũng đi theo ông, ở đảo khôi phục lại chế độ bó buộc như ngày trước, bao nhiêu tù được ở ngoài đều lần lượt vào khám và đi làm các sở.” (23)
Như ở trên chúng ta đã được biết, sau khi rời tiệm buôn, Nguyễn Đình Quản phải trở vào khám và được phân ra làm xâu ở sở ruộng Cô Ông.
Căn cứ theo thời điểm được Huỳnh Thúc Kháng nhắc đến ở trên (Ông O.Coonell cai quản Côn Đảo từ năm 1914 đến 1917, tiệm buôn mở ra từ năm 1915 đến 1917). Vậy, Nguyễn Đình Quản ra sở ruộng Cô-Ông vào khoảng cuối năm 1917 và hơn 1 năm sau ông cảm bệnh và từ trần (24) tức vào khoảng cuối năm 1918 hay đầu năm 1919. Đây là lý luận theo các dữ kiện đã được Huỳnh Thúc Kháng ghi lại trong Thi Tù Tùng Thoại.
Trở lại với thời điểm do Cao Chư ghi trong Các Nhà Khoa Bảng Nho Học Quảng Ngãi 1819-1918.
Trong tiểu mục: “Nguyễn Đình Quản: Giọt lệ đêm thâu máu đỗ quyên”, ở phần kết luận, Cao Chư đã xác nhận:
-“Sau khi ông mất, cụ Huỳnh Thúc Kháng còn làm một đôi câu đối rất cảm động để viếng ông: “...Trông mong ngươi sau 13 năm lìa hòn Côn Đảo...”.
Như vậy, chính ông Cao Chư cũng đã mặc nhiên thừa nhận là trước khi từ trần, Nguyễn Đình Quản đã nhận được lệnh ân xá từ chung thân xuống còn 13 năm vào năm 1913. Sự kiện này cũng đã được Huỳnh Thúc Kháng nhắc đi nhắc lại nhiều lần như chúng tôi đã trích dẫn ở trên.
Vậy thì, Nguyễn Đình Quản không thể từ trần vào năm 1910 như Cao Chư đã xác định mà phải là sau khi ông nhận được lệnh ân xá tức là sau năm 1913 và theo những dẫn chứng cụ Huỳnh Thúc Kháng đã ghi trong Thi Tù Tùng Thoại, Nguyễn Đình Quản bị bệnh và từ trần vào khoảng cuối năm 1918 hay muộn lắm là vào đầu năm 1919.
Để hoàn thành bài viết này, tôi đã căn cứ một phần vào tài liệu của ông Cao Chư (phần tiểu sử trước khi ông bị đày đi Côn Đảo) và phần bị lưu đày ở Côn Đảo, tôi đã căn cứ theo tài liệu của Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng trong Thi Tù Tùng Thoại.
Thi Tù Tùng Thoại của cụ Huỳnh Thúc Kháng đăng trên nhật báo Tiếng Dân tại cố đô Huế suốt 90 số báo kéo dài 3 tháng cuối năm 1928. Đây là mốc thời gian tất cả các chính trị phạm được nhắc đến trong Thi Tù Tùng Thoại đều đã được phóng thích khỏi nhà tù Côn Đảo. Những nhà chính trị phạm nầy hẳn đã được đọc Thi Tù Tùng Thoại trên báo Tiếng Dân và hẳn họ không thể thờ ơ với một tác phẩm có giá trị như một quyển “tù sử” mà các nhân vật trong tác phẩm lại là chính họ giữ những vai quan trọng.
Vì vậy, nếu có gì sai sót hẳn họ đã có cơ hội góp ý với tác giả là Huỳnh Thúc Kháng và tiên sinh đã đính chính trước khi cho in thành sách sau thời gian in trên báo là 10 năm, đó là vào năm 1939 như lời xác nhận của ông Lê Nhiếp, nghĩa tế của Huỳnh Thúc Kháng “bản chép tay khi cho sắp chữ, lúc sửa morasse tự tay cụ Huỳnh đã sửa lại lần cuối rất nhiều” (25). Như vậy, theo tôi, những sự kiện có liên quan đến nhà chí sĩ Nguyễn Đình Quản được ghi trong Thi Tù Tùng Thoại là đáng tin cậy.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN.
Tham khảo:
1. Các nhà khoa bảng Nho học Quảng Ngãi – Cao Chư, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2001.
2. Quảng Ngãi Đất nước Con người Văn hóa – Nhiều tác giả, Sở TTVHQN, 2001.
3. Thi tù tùng thoại – Mính viên Huỳnh Thúc Kháng, VHTT, Hà Nội, 2001.
4. Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ - Nguyễn Thế Anh, Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1970.
5. Từ Điển Việt Nam I – Lê Văn Đức, nhà sách Khai Trí, Sài Gòn,1970.
6. Thi văn quốc cấm thời Pháp thuộc, nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1968.
7. Dân biến tại Quảng Ngãi năm 1908 – Trần Gia Phụng, Đặc san Quảng Ngãi Canada, 2006.
Chú thích:
1. Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ, tr. 294.
2. Sđd. – tr. 299
3. Từ điển Việt Nam, quyển I, phần 3, tr. 61
4. Thi văn quốc cấm thời Pháp thuộc, tr. 379
5. Cách nhà khoa bảng Nho học Quảng Ngãi, tr. 240
6. Sđd., tr. 296
7. Dân biến tại Quảng Ngãi... tr. 9
8. Các nhà khoa bảng... tr. 296
9. Dân biến tại Quảng Ngãi... tr. 10
10. Thi tù tùng thoại, tr. 38
11. Sđd. tr. 223
12. Sđd. tr. 188
13. Sđd. tr. 273
14. Sđd. tr. 272
15. Sđd. tr. 273
16. Sđd. tr. 168-172
17. Sđd. tr. 195
18. Các nhà khoa bảng... tr. 242
19. Quảng Ngãi Đất Nước...tr. 82
20. Thi tù tùng thoại – tr. 359
21a.Sđd., tr. 195
21b.Sđd., tr. 236
21c.Sđd., tr. 300
22. Sđd., tr. 221
23. Sđd., tr. 249
24. Sđd., tr. 273
25. Sđd., tr. VIII.
* * *
Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang QN, Đất nước, con người: click vào đây
Trở về trang chính http://www.nuiansongtra.net