Cơ-thể con người lông mọc hầu như ở mọi nơi. Tùy theo vị-trí xuất-phát, có nhiều tên gọi khác nhau tuy rằng tên “cúng cơm” của nó vẫn là “lông”.
Phần trên cao nhất của cơ thể là đầu, gọi là tóc. Khi mọc ở trên con mắt được gọi là lông mày, mọc ở hai mí mắt thì gọi là lông mi. Lông mọc trên trán, trên da mặt thì gọi là lông mặt, mọc ở nách thì gọi là lông nách. Tương-tự, ta có lông tay, lông chân v.v...nghĩa là lông mọc chỗ nào nó cũng giữ tên chính của nó là lông và sau chữ lông là nơi nó mọc ra. Hầu-hết, lông có ít nhiều hữu-dụng cho cơ-thể. Riêng ở nam giới, lông mọc ở mép trên của miệng thì được gọi là “ria” và lông mọc ở cằm được gọi là “râu”. Ta hãy dành chút thì-giờ bàn các chuyện liên-quan đến "râu ria".
Điều trước tiên, thông thường, chuyện “râu ria” dành riêng cho nam giới. Câu “nam tu, nữ nhũ” cho ta thấy cái gì của giới nào và cần có cho từng giới, nếu thiếu sẽ thấy “hơi bất thường”. Nếu nam giới mà thiếu “tu” thì còn du-di nhưng phái nữ mà thiếu “nhũ” thì thật là lôi-thôi, rắc rối, phải tốn tiền đi thẩm mỹ viện chứ chẳng chơi.
Râu chữ Hán gọi là “tu”, thuộc bộ tiêu. Ngoài chữ tu ra, chữ Hán còn các chữ “nhiêm, tì, liệp, hồ” cũng chỉ các loại râu.
Ngôn-ngữ Việt-Nam ta phân chia râu ra nhiều loại: râu cá trê, râu cá chốt, râu dê, râu cá mè, râu quặp,... Râu mọc dày, đen ngòm, che hết cả miệng thì ta gọi là “râu xồm”, râu mọc từ mai tóc bên này vòng xuống cằm lên mai tóc bên kia thì gọi là “râu quai nón”. Những người đàn ông nào dù ít hay nhiều nghe lời vợ, sợ vợ và nếu nặng hơn là “tuyệt-đối” phục-tùng “lệnh của bà” thì được thiên-hạ xếp chung vào một hạng, gọi là “râu quặp”.
Trong văn-chương, trong lịch-sử và dã-sử, trong giai-thoại từ Đông sang Tây có khá nhiều chuyện về râu.
Chuyện bên Tàu, có bộ râu của Quan Vân Trường, nếu ai đã đọc truyện Tam Quốc chắc đã biết, bộ râu dài và đẹp, bộ râu được gọi là “mỹ nhiễm công”, được Tào Tháo ban cho cái túi gấm để đựng râu để lấy lòng Quan Vũ trong ý đồ chiêu dụ Quan Vân Trường bỏ Lưu Bị để về với Tào.
Thi-hào Tô Đông Pha cũng có hàm râu đặc-biệt, bộ râu dài, đen và rậm-rạp. Người em gái thân yêu của ông là Tô Tiểu Muội vẫn thường cười nhạo bộ râu của ông anh mình; có lần bà nói:
-”Khẩu giốc kỷ hồi vô mịch xứ,
Hốt văn mao lý hữu thanh truyền”.
(mồm mép bao hồi trông chẳng thấy,
trong râu bỗng vẳng tiếng truyền ra).
Khi nhắc đến Tô Đông Pha người ta nhớ đến ba việc, đó là tài làm thơ, việc ông sửa thơ của xếp mình là Vương An Thạch nên bị đày và bộ râu của ông. Hai vị này rất tự-hào về bộ râu của mình.
Các lãnh-tụ Công-sản, các Ông Trùm Đỏ, hầu hết đều có râu. Kark Mark với bộ râu xồm. Engel, người cùng với Mark dựng nên “duy-vật biện-chứng pháp” cũng bắt chước để bộ râu xồm. Đến Lenin, kẻ làm nên cái gọi là “cuộc cách-mạng tháng 10” và lập nên nền “chuyên-chính vô-sản” cũng để hàm râu cá chốt. Trostky, kẻ đã giúp Lenin về quân-sự trong “cuộc cách-mạng tháng 10” và lập nên Đệ-tứ Quốc-tế (còn gọi là Menchevik) cũng để hàm râu cá trê. Rồi tới tên đồ-tể khát máu điên cuồng nhất tại điện Cẩm-Linh là Staline cũng có hàm ria cá chốt. Sau khi Staline chết, các lãnh-tụ Nga-sô sau này như Malenkov, Khrouchtchev, Brezhnev, Andropop, Gorbachev, Yeltsin, không tên nào có râu cả nên nước Công-sản đầu sỏ này mới tiêu-tùng, “Xô-viết liên-bang” trở thành “Xô-viết tan hoang”.
Nghe đâu Mác đang ở dưới tầng địa-ngục thứ 19 nghe các hậu-duệ bất tài làm tiêu tan chủ-thuyết của mình, y nghĩ chắc tại vì chúng nó không có râu thành thử không làm được việc nên muốn đem bộ râu của y lên cho các đệ-tử trên dương-thế mượn nhưng quỷ sứ canh cửa ngục không cho y đi.
Vào cuối thập niên 1960, ở Pháp có phong-trào Occident (Tây-phương) chống lại phong-trào Cộng-sản quốc-tế. Phong-trào này cho xuất-bản Livre Vert (sách xanh lá mạ), chửi Công-sản rất dí-dõm. Họ nói bọn Brezhnev, Mao Trạch Đông đều là bọn “xét lại chủ-nghĩa” vì không “đứa nào” (nguyên văn lời của tờ báo này) để râu như các ông tổ của chúng. Hồ Chí Minh cũng để râu cho giống sư tổ mình nên đã làm cho nước Việt-Nam điêu-tàn.
Một câu chuyện vui liên-quan đến bộ râu của "Bák" như sau:
-“Một hôm, có một toán thiếu-nhi được phép vào thăm “Bác” (sic) theo chủ-trương mị dân của Cộng-Sản. Toán nhi-đồng này do một “cô giáo tiên-tiến” hướng-dẫn. Khi các em nhỏ này vào gặp họ Hồ, được Hồ ẳm bồng, vuốt-ve, một em bé vuốt hàm râu và một sợi râu của Hồ rớt vào tay em bé này. Em bé này mới lấy bỏ vào túi áo.
Khi trở về lại trường học, em bé này lấy sợi râu bạc ra khoe cô giáo cùng các bạn học. Các em khác xem xong chuyền đến cô giáo. Lát sau, cô giáo quên chuyện sợi râu bạc này, đến khi em bé đòi lại thì sợi râu đã mất. Không có cái gì để đền cho em bé, cô giáo nghĩ ra một cách. Cô bứt một sợi “lông chim” của mình trả lại cho em bé nọ. Em bé thấy sợi lông không giống trước đó bèn nói với cô giáo:
-“Đây không phải là râu Bác, râu Bác trắng kia mà”.
Cô giáo ôn-tồn giải-thích:
-“Đây chính là râu của Bác, lúc Bác còn trẻ nên râu đen như thế đó. Sợi râu đen này còn quí hơn sợi râu trắng, em ạ!”
Về chuyện râu của người Việt ta cũng có khá nhiều giai-thoại. Chuyện xưa kể rằng có một ông già nọ có một hàm râu quay nón dữ-dằn, hàm râu mép cũng dày cộm. Đã nhiều mà ông ta không cắt, tỉa cho thứ-tự nên người ngoài chỉ nhìn thấy cái mũi và một chòm râu, không thấy cái miệng đâu cả. Xóm làng quen nhìn và biết ông ta rồi nên không có chuyện gì để nói. Một hôm có việc phải đi qua làng bên, trên đường đi, ông gặp một đám trẻ con chơi ở ngoài đường. Chúng thấy hàm râu ông ta quá lạ, một đứa trong bọn nói với đám bạn:
-“Tụi bay ơi! ông già kia có cái gì ghê quá, ông ấy không có cái miệng”.
Bực tức vì lũ trẻ đã chê hàm râu quí giá của mình lại còn nói mình không có miệng, ông đứng lại, vạch hàm râu cho ló cái miệng mình ra, sừng-sộ với bọn trẻ:
-“Cái gì đây không phải là cái miệng? cái lồn mẹ mầy đây phải không?”.
Ông già nọ vì quá giận-dữ thành lở miệng, hóa ra nói dại.
Chuyện “mất của cũng vì bộ râu” kể lại như sau:
Thuở nọ, có một cụ già nhà quê có hàm râu khá đẹp. Cụ ta tốn rất nhiều thì-giờ để cắt, tỉa, uốn bộ râu của mình, dĩ-nhiên cụ rất quí nó. Nhân ngày giáp Tết, gia-đình chuẩn bị một ít nông-sản để cụ mang ra phiên chợ Tết bán kiếm chút tiền sắm Tết và cũng là dịp để cụ đi ra ngoài sau những ngày tháng miệt-mài với ruộng nương và xem cảnh chợ Tết luôn. Cụ gánh hàng đem đi bán bằng đôi “nừng”, một loại dụng-cụ để gánh đồ-đạc ngày xưa ở nhà quê, vùng quê phía Nam Quảng-Ngãi gọi như thế.
May-mắn nên cụ bán đắt, hàng mang theo bán hết sớm. Khi bán hàng và mua một ít hàng Tết xong, cụ phải chờ vài người cùng đi chợ với cụ ban sáng để cùng về cho vui nên cụ ngồi nghỉ. Vì có tiền trong tay, cụ sợ bị bọn trộm cướp lấy, cụ bèn bỏ tiền vào trong một chiếc nừng, úp nó lại rồi cụ ngồi lên trên chiếc nừng đó. Làm như thế, cụ cho là “chắc ăn” rồi, không còn sợ mất tiền nữa.
Trong khi đó, có bọn trộm đã theo-dõi cụ từ lâu. Chúng biết cụ bán hàng xong có tiền và biết nơi cụ để tiền, chúng bèn họp nhau để tìm kế cướp lấy. Một tên bước lại gần cụ, làm bộ khen bộ râu đẹp, lân-la hỏi cụ đủ điều, nào là cụ để râu từ bao giờ? cắt, tỉa ra sao? miệng hỏi tay vuốt râu cụ. Cụ già thực tình, đâu hay ý đồ của bọn cướp, say mê kể-lể cho chúng nghe. Tên trộm bắt đầu vào việc: hắn ta vuốt râu cụ già, sau đó nắm râu cụ già, rồi từ từ giở cao râu cụ lên. Cụ già phải nhỏm dậy từ từ theo đà kéo của hắn mà cụ không hay, đít cụ rời chiếc nừng úp dưới đất.
Tên đồng bọn của hắn chỉ chờ có thế, hắn thò tay vào chiếc nừng cuỗm sạch tiền cụ đã bán hàng được dấu trong đó. Chờ cho đồng bọn làm xong, tên kia mới hạ tay, cụ già ngồi xuống lại trên chiếc nừng. Dược tiền xong, bọn chúng kéo nhau đi nơi khác. Đến khi đứng dậy để đi về, cụ già “nhà quê” mới hay tiền mình đã bị bọn “ở chợ” lấy mất sạch.
Câu chuyện “bàn của các cụ râu dài” như sau:
Bữa nọ, có một cụ phú-hộ ở một làng nọ nãy ra ý làm một bữa tiệc mời các cụ chức-sắc trong làng cùng các lão làng đến dự, gọi là: “bữa tiệc của những người sống lâu trong làng” nhưng mục đích là tạo cơ-hội để lão ta khoe giàu, khoe của. Hôm đó, ai nấy đều áo quần tử tế, mọi người đều tóc bạc râu dài, cùng đến nhà vị phú-hộ nọ. Sau phần trà nước, đến giờ nhập tiệc, ai nấy ngồi vào bàn. Cậu con trai cưng độc-nhất của ông phú-hộ vào lứa tuổi 8 -10, thường ngày quen được ngồi ăn cơm cùng ông phú-hộ, hôm đó cũng leo lên ngồi cạnh cha. Ông Lý trưởng trong làng thấy cậu bé lên “chỗ người lớn” ngồi, bèn bảo cậu bé:
-“Thằng bé này hỗn, đây là chỗ người có râu cả, mầy chưa có râu hãy xuống nhà dưới mà ngồi. Khi nào mầy có râu thì chúng ông cho mầy được ngồi chung”.
Thằng bé buộc lòng phải xuống nhà dưới để ăn cơm. Bà phú-hộ thương cậu con cưng, lấy cơm và đồ ăn cho nó, bảo nó bưng lại góc bộ ván ngồi ăn. Cậu con cưng vừa ngồi ăn thì con mèo nuôi trong nhà nhảy lên chỗ cậu bé ngồi, con mèo tưởng cho nó ăn vì thường ngày cho nó ăn ở chỗ đó, nó thò mõm vào đĩa thịt. Đang bực bội vì bị đuổi xuống nhà bếp, cậu ấm ta bèn lấy chiếc guốc phang vào đầu con mèo, miệng mắng:
-“Con mèo này hỗn. Đây là chỗ người không có râu. Mầy râu dài thế kia sao không lên bàn các cụ ở nhà trên mà ngồi cùng các cụ cho xứng?”.
Một chuyện nữa liên-quan về râu, đó là bộ râu cá chốt của Tướng “Chỉnh-lý” Nguyễn Khánh. Vào năm 1964, vì bất-bình trước các việc làm của “Ngài Đại-tướng” như việc chỉnh-lý, việc đưa ra bản Hiến-chương Vũng-Tàu, v.v... có một tờ báo ở Sài-gòn lúc đó mới lấy bộ râu của ông ra làm đề tài để châm biếm. Họ mượn bài thơ “Thằng Bờm”:
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng: ”Bờm chẳng lấy trâu”
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy mè”
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy lim”
Phú ông xin đổi đôi chim đồi-mồi
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy mồi”
Phú ông xin đổi “nắm xôi”. Bờm cười!
đem đổi lời khác, thành ra bài "Thằng Bờm tân thời”:
Thằng Bờm có cái bộ râu
Phú ông xin đổi một chầu “la-ve”
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy ve”
Phú ông xin đổi chiếc xe Huê-kỳ
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy kỳ”
Phú ông xin đổi bột mì, sữa bơ
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy bơ”
Phú ông xin đổi phi-cơ, tàu bè
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy bè”
Phú ông xin đổi một ghè Đô-la
Bờm rằng : “Bờm chẳng lấy la”
Phú ông đổi “Chủ-tịch”, A-ha! Bờm cười.
Thằng Bờm ở bài thơ trên không cần ba bò chín trâu, không cần gỗ lim hay chim đồi mồi mà Bờm chỉ thích nắm xôi, vì nắm xôi cần-thiết cho cái dạ-dày đang đói hơn. Còn bài dưới, phú ông đây không ai khác hơn là người Mỹ, kẻ đã đạo-diễn các trò “đảo-chánh, chỉnh-lý,...”, đòi đổi cho Bờm nhiều thứ mà Bờm chỉ thích cái chức “chủ-tịch” mà thôi nên Bờm cười một cách “khoái chí tử”.
Sau này vì áp-lực, ông “chủ-tịch” đành phải tuyên-bố hũy bỏ bản Hiến-chương Vũng-Tàu vào 26-8-1964, ông cũng cạo luôn bộ râu của mình đề thề “hy-sinh cho đất nước đến giọt máu cuối cùng”. Thảm thay! bộ râu của mình đã làm hại “ông chủ-tịt” khi những người chống đối lấy nó làm trò cười cho bàng dân thiên-hạ. Sau khi ra ngoại-quốc ông ta đã để râu trở lại. Ông ta qua đời trong một trại dưỡng lão ở San Jose, California năm 2013.
Bộ râu kẽm của ông “Tướng tàu bay” một thời làm mưa làm gió tại miền Nam cũng được nhiều người nhớ và nhắc đến (đáng lý ra gọi là “ria kẽm” mới phải nhưng thời đó người ta gọi là “Tướng râu kẽm”). Khi còn quyền cao chức lớn, ông lại có bộ râu “ác liệt” và lúc nào cũng có khẩu P 38 đeo xệ bên hông ai mà chả ớn. Ông cũng từng tuyên-bố vung-vít trước ngày đất nước đổi cờ, nào là "ở lại ăn mắm tôm chống cộng..." nhưng ông ta dọt lẹ lên máy bay rồi xuống tàu Mỹ ra ngoại-quốc trước hơn những chiến-hữu của ông.
Qua đến xứ Cờ Hoa, cái tật ba-hoa chích-chòe, tuyên-bố vung-vít vẫn không bỏ nên ông ta bị không ít người phản-đối, chê bai. Sau nầy, ông lại trở về Việt Nam “bợ đỡ, nâng bi” các “quan Việt Cộng, đã là trò cười, cho những khinh khi; không những cho những người Việt Quốc-gia mà cả những người Cộng Sản nữa. Người ta gọi ông ta Nguyễn Cao Kỳ...cục { chữ cục, nếu đi chung với chữ kỳ (kỳ cục) thì chữ cục không có nghĩa nhưng đứng riêng thì lại có nghĩa, cục nầy cục kia!}
Vài chuyện râu ở nước ta thời cận đại. Câu chuyện xảy ra sau cái ngày “danh-dự của khoai lang, khoai mì, bắp, bo-bo...được phục-hồi” (30-4-1975).
Một “tên Ngụy ác-ôn” bị đưa ra trại “địa-ngục trần-gian” ở Nam Hà. Ông là một sĩ-quan, quê ở Bình-Định, ngày trước ông cũng đã có làm thơ đăng trên báo. Ở trong tù không có tiền, không dao cạo, thiếu ăn nên con người tàn-tạ, râu ria ra không được chăm-sóc nên “thiếu trật-tự”. Một hôm, soi mặt dưới nước, nhìn thấy “dung-nhan tàn-tạ” của mình, tuy đói nhưng râu vẫn mọc, ông tức cảnh bài thơ:
Vịnh râu.
Tù mãi không ra, chán bỏ đời
Phen này ông quyết để râu chơi.
Chòm, dê, ngạnh, chốt, trê, vễnh, quặp,
Râu “Bác” càng oai, khối kẻ mời.
“Bất nghĩa không râu” câu Thánh dạy,
Đàn-bà thiếu vú, thiếu ”mê tơi”!
Thế sự vần xoay trò lục sở,
Thong-dong ngày tháng vuốt râu cười!
Ông ta bèn nghĩ: “tại sao ta không để râu lại?”. Thế là vài tháng sau ông ta đã có bộ râu “ra phết” vì được chăm-sóc. Nhưng đây là nguyên-nhân để bọn cán-bộ trại giam ghét ông ta, chúng gọi ông lên văn-phòng, sau khi xài-xuể ông, bọn chúng hỏi ông ta:
-“Anh có ý đồ gì mà dám để râu giống Bác?”.
Nghe đến chữ “bác”, phần vừa ghét phần lại sợ, ông ta muốn cạo râu đi cho yên thân nhưng lại tiếc công mình đã chăm sóc nên chần-chừ. Thế rồi vài hôm sau, chúng lại gọi ông lên văn-phòng, và lần này, chính tay tên quản-giáo của ông dùng kéo cắt sạch bộ râu ông ta.
Trở về phòng giam, ông ta được anh em bạn tù “tặng” cho một “trận cười nên thân”. Lúc đầu, ông ta có giận thật nhưng sau đó, ông xem đó như là một chuyện thường tình của thân-phận tù. Thế là bạn tù lại được nghe bài thơ khác của ông:
Xởn râu
Năm Thân, tháng Hợi, số No Hair,
Quản giáo lệnh truyền bảo phải nghe.
Úy kỵ ba chòm râu giống Bác,
Bụng sình mặc cảm ngợm làm le.
Hủ mắm Ba-Đình lông kín mít,
L. C. Bình-Định nhẵn lỳ ...ghe.
Thiếu vú chớ lo: còn sữa hộp,
Không râu: trẻ mã, dễ ... ăn chè!
(Được biết L. C. là một địa-danh thuộc Bình-Định, nghe đâu nơi này “bộ-phận sinh-dục” phụ-nữ đa-số là “không chịu già”). Ý tứ bài thơ thế nào, chắc độc-giả đọc xong đã biết.
Ngày xưa, cụ Nguyễn-Khuyến lấy “cái đầu” của thực-dân Pháp đối với “cái đít” của người dân Việt-Nam trong một bài văn-tế, ngày nay vị sĩ quan “có nợ máu với nhân-dân” này lại lấy “miệng Bác” để đối với “cái l...” cuả đàn-bà, thật là tuyệt-diệu; có điều hơi không công bằng một chút vì “cái kia” là một báu vật còn “miệng Bác” thì còn thua xa cái đó nhiều. Bài thơ này làm trong trại tù nên có lẽ tác-giả không nêu đích danh “miệng Bác” mà nói trại đi là “hủ mắm Ba-đình”.
Nghe qua giai-thoại và đọc qua bài thơ trên, ông Đồng Tu Huyền (có lẽ là ông Đồng, cũng ở tù) có bài họa:
Vịnh râu.
Cám cảnh ai kia lúc chán đời,
Râu dài chẳng cạo để dành chơi.
Râu trê giống “Bác” bao thằng ghét,
Râu quặp nòi dê lắm đứa mời.
Râu vễnh đại đồng mang hệ lụy,
Râu xồm vô-sản hết mê tơi.
Ngàn năm khí phách gương Bình-Định,
Đa nhục, đa tu, vẫn cứ cười.
Nói sang đến vùng Trung-Đông, đa-số các “tai to mặt lớn” râu ria đầy đủ. Sadam Hussein hách xì-xằng, người dám chọc giận chú Sam nhiều lần, cũng có một bộ râu đáng giá. Hàm râu quai nón của kẻ mà FBI treo giải-thưởng tới 5 triệu Đô-la là Osama bin Laden cũng tạo cho gương mặt của “kẻ chủ mưu khủng bố” thêm ghê-gớm hơn. Rồi ông đạo Ayatollah Khomeini của Iran cũng có bộ râu đen mun, dài quá rún. Đây là những nhân vật coi chú Sam như "pha". Hai nhân vật đầu, trực tiếp hay gián tiếp chết dưới tay Mỹ, còn nhân vật nói đến sau cùng, Ayatollah Khomeini thì tháng 4-1989 về hầu thánh Allah của ông ta.
Nói đến chữ Iran làm ta nhớ đến lắm chuyện cười về đám đàn em của họ Hồ. Sau khi vào miền Nam, ngoài chủ-trương sửa chữ, chẳng hạn “máy bay trực-thăng” sửa là “máy bay lên thẳng”, “bảo sanh viện” sửa là “xưởng đẻ”, "cầu tiêu" sửa thành "nhà ỉa"...chúng còn sửa luôn cách đọc chữ ngoại-quốc. Khi đọc chữ Iran, chúng đọc là “Một Răng”, chữ “I” của người ta chúng đọc là con số 1, sau con số 1 là Răng, còn Iraq thì chúng đọc là “Một Rắc” cũng theo lối suy-diễn như trên.
Nếu nói đến chuyện Vẹm đọc chữ ngoại-quốc thì làm sao kể hết được chuyện cười. Ngay cả chữ Việt, nếu máy đánh chữ mà không có dấu, chúng mà đọc thì chỉ có quỷ-sứ mới hiểu được, huống gì chữ ngoại quốc. Câu văn: “Hôm nay là ngày Phật đản, chúng ta nói về đạo. Đạo Phật và đạo Cao đài, đạo nào cũng là đạo”, máy đánh chữ không có bỏ dấu, không hiểu chúng dốt hay muốn biểu-dương cái tính “ưu-việt xã-hội chủ-nghĩa” của chúng nó mà chúng đọc thành “Hôm nay là ngày phát đạn, chúng ta nói về dao. Dao phát và dao cạo dái, dao nào cũng là dao” thì làm sao hiểu được!
Trở lại chuyện ông đạo Khomeini, năm 1978, ông ta “phất râu khởi-nghĩa”, ông ta hô-hào chống Mỹ, bắt nhốt hết nhân-viên sứ-quán Mỹ ở Teheran, xé và đốt cờ Mỹ. Sau đó, ông cũng phất râu đánh anh bạn láng-giềng “Một Rắc”, bị anh láng-giềng này quất cho một trận tơi-bời. Tháng 2-1989 ông ta ra bản án tử hình nhà văn Anh sinh tại Ấn-độ là Salman Rushdie khi ông này xuất-bản cuốn The Satanic Verses vào năm 1988 thì tháng 2 Khomeini "ngủm cù đeo"..
Còn Fidel Castro cũng muốn làm cho giống Mác, Lê nên để bộ râu xồm không mấy giống ai. Có phải chủ-tịch muôn-năm phải để râu hay sao? Hay là ông thấy các lãnh-tụ Nga-sô sau này không có râu nên khối Cộng-sản tan rã, Castro cần phải để râu để cứu-vãn thiên-đường “xả-hơi chủ-nghĩa” chăng? Theo tài-liệu, ngày chưa “chạy núi” y không để râu nhưng rồi muốn “giống tổ-sư” nên y để râu và còn giữ mãi đến nay.
Giờ ta hãy nói đến chuyện chính phủ trả lương cho Cảnh sát Ấn Độ để nuôi ria mép. Lực lượng an ninh tại quận Jhabua thuộc bang Madhya Pradesh sẽ được nhận lương nuôi ria mép vì thượng cấp cho rằng bộ ria sẽ giúp mệnh lệnh của họ được tôn trọng hơn. Một số cảnh sát có ria mép đẹp đã nhận 30 rupee mỗi tháng để làm công việc lạ đời nầy. Cảnh sát trưởng quận Jhabua là ông Mayank Jain cho biết:
-"Ngày càng nhiều người làm như vậy và trong những tháng tới, chúng tôi hy vọng sẽ thấy ngày một nhiều cảnh sát để ria".
Ông còn nói thêm:
-"Ria mép làm tăng cá tính của các nhân viên an ninh. Họ đang tạo ra ấn tượng tích cực với người dân địa phương và được tôn trọng".
Vị Cảnh sát trưởng nầy ban hành lệnh trả lương để nuôi ria mép sau một hội thảo giữa lực lượng an ninh quận và dân địa phương. Ông còn cho hay:
-"Có 2-3 cảnh sát để ria và tôi thấy người ta nhìn họ với ánh mắt tôn trọng, trìu mến. Thế là tôi nghĩ phải có nhiều cảnh sát để ria".
Ông Jain còn nói:
-“Quyết định trả tiền theo tháng để nuôi ria chỉ là một hình thức khuyến khích nhỏ. Tôi sẽ theo dõi hình dáng các bộ ria, sao cho chúng trông không quá đáng sợ, để tránh gây phản tác dụng với người dân".
Theo truyền thống của dân tốc Ấn, đàn ông Ấn Độ thường để ria để khẳng định nam tính.
Ta nói đến việc tại sao nam giới có râu mà nữ giới thì không có râu. Có người kể chuyên vui về việc "phân phát lông" này như sau:
Ngày xưa, khi “Đấng tạo hóa” nặn ra hình-dáng và truyền sự sống cho con người, lúc đó con người chưa có đầy đủ như ngày nay. Một hôm, Đấng tạo hóa kêu con người đến để ban phát “đồ linh-tinh” thêm. Khi đến mục ban lông tóc, nữ giới được nhận trước. Vì thấy “lạ” và ham nên đàn-bà hốt thật nhiều lông bỏ lên đầu nên ngày nay tóc đàn bà dài và nhiều. Đến phiên đàn ông, vì thấy đàn bà lấy nhiều lông bỏ lên đầu, đàn ông cũng hốt một nhúm bỏ lên mặt nhưng vụng-về nên lông chảy xuống cằm, thành ra giới đàn ông giống như ngày nay: ít tóc mà có râu là vậy. Tuy ít tóc nhưng nam giới ta lại có râu, lúc buồn buồn có cái mà vuốt, mà vê, mà mân-mê, thôi thì cũng đành vậy!
Còn người vùng Trung Đông thường có hai chòm ria mép hai bên môi trên cong ngược lên là do họ vê, họ vuốt hàng ngày nó mới vễnh lên được như vậy. Việc họ để tóc dài nên quấn khăn giữ tóc là vì lý-do tôn-giáo chứ không phải họ quấn khăn trên đầu để mua bảo hiểm xe hơi rẻ đâu (quấn đầu, nếu có tai-nạn xe-cộ, đầu sẽ được bảo-vệ an-toàn, khỏi bị đập vào kiếng xe, khỏi bể đầu).
Về giới phụ-nữ đã có mi, có mao, nếu có đủ “tu” như nam giới nữa thì ...đẹp, thì cảm-động biết mấy! Quí vị thử hình-dung xem, nếu phụ-nữ mà có râu có “ngộ” không? Tuy thế, trong cuốn Guiness Book of World Records cũng có ghi kỷ-lục râu của phụ-nữ thuộc về bà Janice Deveree ở Quận hạt Bracken, Kentucky, Hoa Kỳ; có bộ râu dài 14 inches vào năm 1884, là hàm râu dài nhất của những người “phụ-nữ có râu”. Phụ-nữ mà có râu, mới nghe qua khỏi cần thấy cũng buồn cười rồi.
Xin nói thêm một chuyện “nghe qua đã buồn cười”. Ngày xưa, người ta thường nói người có nhân trung dài một tấc thì sống tới trăm tuổi. Có người kể chuyện ông Bành Tổ sống tới 800 tuổi, một người ngồi nghe kể như thế ngã lăn ra cười. Mọi người hỏi tại sao cười, người này trả lời:
-“Tôi cười là cười cái mặt ông Bành Tổ. Ông ta sống 800 tuổi, nhân trung ông ta dài 8 tấc, nếu nhìn mặt ông ta làm sao không cười được!”.
Về công-dụng của râu, người viết chưa biết cái thực dụng của râu cho thân thể mà chỉ biết là râu tạo cho giới đàn ông có cái khác hơn đàn bà (cũng như chưa biết công dụng của lổ rốn ngoài việc lổ rốn là nơi để xức dầu cù-là), quí vị nào có cao kiến bổ-túc thêm, rất cám ơn. Các thống-kê cho biết trong đời một người đàn ông có từ 9 đến 10 mét tóc bị cắt bỏ - gấp 6 lần chiều cao con người - chứ không nói có bao nhiêu râu ria bị cắt bỏ.
Xin nói tới lệnh “cấm để râu cằm” xảy ra ở Vương quốc Bhutan. Đây là quốc-gia nằm ở triền Đông của dãy Hy-mã Lạp-sơn, có diện-tích hơn 18 ngàn dặm vuông với gần hai triệu dân. Quốc-gia này có lệnh kỳ-quặc: cấm nam giới để râu cằm. Đàn ông nước này được phép để ria nhưng không được để râu cằm. Vì thế, nam giới nước này thường có miếng kim-loại phản-chiếu bỏ thường-xuyên trong túi dùng làm gương soi để nhổ râu cằm. Đây là quốc-gia duy-nhất trên thế-giới có lệnh cấm đặc-biệt này.
Bây giờ xin nêu một số kỷ-lục về râu ria trên thế-giới. Trong sách Guiness Book of World Records có ghi một cụ già 65 tuổi tên là Kalyan Ram Sain, cư-ngụ tại một làng nằm cách thành-phố Calcutta 285 dặm về phía Nam, thuộc Ấn-Độ, có bộ ria đạt kỷ-lục thế-giới. Vào tháng 7-1993, bộ ria của ông ta một bên dài 5 ft 9, bên kia dài 6 ft 2, nếu cộng chung lại dài đến 11 ft 11.
Kỷ-lục của cụ Kalyan đã đánh bại kỷ-lục cũ của một người Thụy-Điển là Birger Pellas giữ là 9 ft 8. Cụ già này là một người thợ hớt tóc. Nguyên vào năm 1976, cụ bị bệnh nằm liệt giường không cạo tỉa râu ria được nên đến khi cụ ngồi dậy được thì “râu ria ra rậm-rạp, rối-rắm rồi”. Ông cụ để vậy luôn, cạo râu chứ không cạo ria. Vì ria quá dài, cụ phải quấn nó quanh vành tai. Mỗi ngày, cụ phải mất hai giờ để săn-sóc nó như tỉa, rửa sạch, xức dầu và chải cho khỏi rối. Bà cụ (vợ ông ta) than-phiền:
-“Vì bộ ria mà mặt ông ấy lúc nào cũng sạch và luôn có mùi dầu”.
Tuy ông cụ mất thì-giờ nhưng bà cụ hãnh-diện vì ông cụ được cái “bảng kỷ-lục Guiness Books of Word Records” treo trong nhà “oai ra phết”, và điều quan-trọng là ông cụ là người đứng đầu thế-giới, dù chỉ với...bộ ria.
Kỷ-lục về râu thuộc về ông Hans Langseth với hàm râu dài 17 1/2 foot vào ngày ông ta chết tại Kensett, Iowa vào năm 1927. Hàm râu ông ta được trưng-bày tại Smithsonian Institute tại Washington DC vào năm 1967.
Còn kỷ-lục về tóc dài thuộc về ông Hu Saelao, một cụ già 85 tuổi ở tỉnh Chang Mai, Thái-Lan. Ông ta không cắt tóc hơn 70 năm nên mái tóc của ông dài đến 16 ft 10 inches. Theo ông Wallace Pinfold ghi trong cuốn “A closer Shave” chuyên nói về chuyện râu ria thì một người Áo ở Braunau tên là Hans Steininger chết vì râu vào thế-kỷ 16 khi ông đang bước xuống bậc cấp thì bị vấp ngã do hàm râu của ông bất thần bung ra. Ông ta có hàm râu dài 3 m nên ông phải quấn vòng quanh ngực thường xuyên để dễ bề sinh-hoạt thường nhật.
Chuyện cuối cùng liên quan đến lông, đó là việc “tại sao lông của bộ-phận sinh-dục lại xoắn mà lông các chỗ khác thì thẳng?”. Các nhà khoa học giải-thích như sau:
"Nếu ta cắt ngang một cộng lông của bộ phận sinh-dục bỏ vào kính hiển-vi ta sẽ thấy lông này có cấu-trúc dẹt vì thế chúng có xu-hướng xoắn khi mọc ra dài. Lông ở các vùng khác có cấu-trúc tròn nên nó mọc thẳng".
Nếu còn thắc-mắc cũng là lông mà sao có sự khác nhau về cấu-trúc, xin quí vị hỏi các nhà khoa-học chuyên-môn cho chắc ăn.
Để chấm dứt đề-tài này, chuyện về mấy sợi “lông” nhưng lắm nhiêu-khê, xin được có vài lời: Mong những ai có nhiều râu, ria thì hãy ráng cắt tỉa, chăm-sóc nó cho gọn-gàng, đẹp-đẽ, đừng để râu ria ra mất trật tự mà bị những người không có râu chê cười. Còn ai không râu ria cũng đừng lấy làm...buồn bởi vì mình không râu cũng có cái lợi là ít tốn tiền mua dao cạo, và khi gặp chuyện phiền-muộn, bực bội, rắc-rối, mình không phải gặp cái cảnh “rờ râu ... râu rụng, rờ rún ... rún rung-rinh”!.
Lê Chánh Thiêm.
San Jose 2004, có sửa đổi sau này.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trang Phiếm luận: click vào đây
Trở về trang chính www.nuiansongtra.com