Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 19, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Y học & đời sống
CHỨNG DỊ ỨNG (ALLERGY)
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

1- KHÁI NIỆM CHỨNG DỊ ỨNG (ALLERGY):

Hàng năm, khoảng giữa mùa hè, từ trẻ đến già, hàng triệu người bị khốn khổ vì những triệu chứng, đáng chú ý khác nhau như: hắt hơi nhảy mũi, ngứa mắt và chảy nước mắt, đôi khi, hơi thở khó khăn. Sau một hai tháng, các triệu chứng này trở nên giảm lần. Đây là cơn sốt “Hay Fever” (do bụi cỏ khô và hoa phấn gây nên, có tính cách định kỳ hay kinh niên), một trong những bệnh chứng chính yếu, mà giới y sĩ gọi là Chứng Dị Ứng (allergy).

Về phương diện sinh lý, khi tình trạng quân bình cơ thể bị đe dọa, bởi một nguyên động lực bên ngoài. Lập tức, cơ thể phát sinh chất kháng thể, và một chuỗi động lực đề kháng, để giữ cho cơ thể được bình thường hóa. Thí dụ: Nếu cơ thể lâm vào tình trạng quá nóng, lập tức, mồ hôi trong cơ thể được tiết ra, để tự làm dịu mát thân nhiệt. Nếu quá lạnh, cơ thể bắt đầu phát run lên, trong cố gắng tự sưởi ấm.

Tương tự như thế, chứng dị ứng cũng là một tiến trình đáp ứng của cơ thể, đối với một nguyên động lực đến từ bên ngoài. Nhưng đây là một đáp ứng quá mức độ, một phản ứng mất bình thường, ngoài tầm kiểm soát của cơ thể. Nói một cách khác, chứng dị ứng được hiểu như một điều kiện sinh ra bởi tính nhạy cảm bất thường của cơ thể, để đề kháng chống với sự xâm nhập của những chất ngoại giới, hay các điều kiện thể chất từ bên ngoài đưa đến. Các chất ngoại giới (Allergens) kích thích tính nhạy cảm của cơ thể chúng ta, bằng cách xâm nhập vào cơ thể qua nhiều đường lối khác nhau sau đây:

1.1- Hít Vào Bằng Mũi:

Những bụi bám trong nhà, bụi khói kỹ nghệ, bụi cỏ khô, hoa phấn, lông chim, thuốc trừ sâu bọ, các chất hóa học,...

1.2- Ăn Uống Vào Bằng Miệng:

Các loại thực phẩm như cá, thịt, trứng, rau, đậu; các chất kích thích như rượu, morphine, codeine và các chất thuốc trị bệnh như Aspirin, trụ sinh Penicilline,...

1.3- Châm Chích Vào Máu:

Các nọc độc do sâu bọ cắn hay chích, và các loại thuốc chích trị bệnh kháng sinh,...

1.4- Giao Tiếp Bằng Da:

Với các loại dầu và sản phẩm thảo mộc, cây cỏ lạ, gây nên sự kích thích da, các loại mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc, các chất hóa học, dầu sơn, xà bông, hàng vải, và bụi dơ,...

1.5- Môi Sinh Truyền Nhiễm:

Do mùi hôi thúi, các loại vi khuẩn, nấm, độc trùng, các loại động vật,...

1.6- Điều Kiện Thể Chất:

Về hơi nóng, hơi lạnh, ánh nắng mặt trời có các hồng ngoại tuyến, các vật chất tạo nên sự kích thích,...

Theo thống kê của The National Institue of Allergies and Infectious Diseases (N.I.A.I.D.), khoảng ba mươi lăm triệu (35 millions) người Mỹ (một trong sáu người Mỹ) bị khốn khổ về ba chứng dị ứng quan trọng như Cơn Sốt (Hay Fever), Chứng Suyễn (Asthma), và một số các dị ứng khác như chứng Chốc Lở (Eczema), Ngứa (Rashes), chứng Nổi Mày Đay (Urticaria), chứng U Mạch (Angioedema, làm sưng các mô tầng), chứng Phong Ngứa (Hives), chứng Dị Ứng thực phẩm và thuốc, Dị Ứng do ong chích,...

Về tiền thuốc cho việc điều trị dị ứng, hàng năm, người Mỹ phải tốn đến một trăm ba mươi lăm triệu Mỹ Kim (135 million Dollars) thuốc uống, và một trăm triệu Mỹ Kim (100 million Dollars) cho thuốc chích. Số bệnh nhân dị ứng đi thăm bác sĩ điều trị gia tăng gấp ba (3) lần số bệnh nhân thuộc các bệnh tật khác.

2- LƯỢC SỬ CHỨNG DỊ ỨNG:

Nhiều chứng dị ứng khác nhau đã và đang làm đau khổ cho con người, trong nhiều thời đại. Qua hàng thế kỷ, những chứng dị ứng đã núp bóng dưới nhiều hình thức của các bệnh chứng khác nhau.

Mãi đến thế kỷ 16, các y sĩ tây phương mới bắt đầu chú tâm đến chứng dị ứng đang ngấm ngầm ẩn náu phía sau các bệnh truyền nhiễm. Vào năm 1565, lần đầu tiên, một y sĩ người Pháp đã khám phá ra chứng dị ứng, trong lúc nghiên cứu để làm bảng tường trình về sự khó chịu của mũi, được gây nên bởi mùi hôi thối của loại bông hồng. Sau đó, một y sĩ người Bĩ cho biết rằng chứng Suyễn (Asthma) thường xảy ra vào mùa Hè, nhưng không có vào mùa Đông.

Vào thế kỷ 19, việc tiến triển kiến thức sinh lý học đã giúp nhiều trong việc làm sáng tỏ những sự thật của chứng dị ứng, qua những cuộc nghiên cứu đầy sáng tạo bởi những y sĩ, chính họ trước kia đã là những nạn nhân của chứng dị ứng. Hai y sĩ người Anh đã ghi nhận rằng, vào mùa Hè, dưới sức nóng thiêu đốt của mặt trời, những mùi cỏ khô và hoa là nguyên nhân gây nên tai họa cho mắt và mũi của con người. Sau đó, một y sĩ người Anh khác đã nhận định rằng những bụi phấn cỏ khô, nhởn nhơ trong không khí, chính là thủ phạm gây nên những cơn sốt “Hay Fever”, và làm ngứa da của con người.

Vào cuối thế kỷ 19, hai y sĩ Louis Pasteur và Robert Koch đã thực hiện những cuộc thí nghiệm với các vi khuẩn sống, và đã đạt được những sự kiện về các chứng bệnh truyền nhiễm và dị ứng. Sau đó, với sự kích thích bởi cuộc thí nghiệm của Pasteur và Koch, các nhà khoa học khác trên thế giới, lần lượt, thành công các cuộc thí nghiệm về chủng ngừa, chống vi khuẩn cho các bệnh như: Đậu Mùa (Smallpox), Chó Dại (Rabies), Phong Đòn Gánh hay Uốn Ván (Tetanus), và Bạch Hầu (Diphtheria). Những việc chủng ngừa được chuẩn bị, bằng cách tạo cho các động vật bị bệnh. Sau khi được bình phục, chất huyết thanh (Serum) của các động vật bình phục này được rút ra, để dùng làm thuốc chích ngừa, được gọi là Kháng Độc Tố (Antitoxin).

Bác sĩ Clemens Von Pirquet, thuộc Nhi Khoa Đại Học Johns Hopkins, tìm thấy những bệnh nhân sau khi được chích chất Kháng Độc Tố ngừa bệnh Bạch Hầu (Diphtheria Antitoxin), đôi khi phát triển những triệu chứng mới lạ khác như: cơn sốt (Fever), chứng phong ngứa, chứng sưng khớp xương và tuyến hạch. Do đó, ông nhận xét những bệnh nhân không đáp ứng với loại kháng độc tố này, nhưng lại phù hợp với chất Huyết Thanh (Serum) được lấy từ loài ngựa. Sau đó, ông đặt tên cho phản ứng này là “Serum Sickness” và được liệt vào cùng họ với gia đình Dị Ứng.

3- TRIỆU CHỨNG (SYMPTOM):

Về hình thức, những triệu chứng dị ứng trong cơ thể con người có thể được phát hiện, vào bất cứ lúc nào, từ thời thơ ấu đến tuổi cao niên. Thông thường nhất, và bằng mọi cách, những triệu chứng dị ứng được xuất hiện vào tuổi trước hai mươi (teenage). Dựa vào tính chất di truyền, nếu cha mẹ có quá trình bệnh dị ứng, người con, vì tính nhạy cảm, dễ có khuynh hướng mắc bệnh dị ứng hơn những người khác. Tuy nhiên, cũng có một số người con, thuộc gia đình dị ứng, có thể không bị dị ứng trong suốt đời. Trái lại, những người không có dấu tích về di truyền dị ứng, họ cũng có thể phát sinh bệnh dị ứng.

Những dấu hiệu của việc phồng da, sưng da, ngứa da, chốc lở,...được xuất hiện ở vùng da cố định trên thân thể, thông thường, là những triệu chứng báo hiệu của các bệnh dị ứng như sau: chứng Phong Ngứa (Hives), Chứng Chốc Lở (Eczema), Chứng Mày Đay (Urticaria), Chứng U Mạch (Angioedema làm sưng các mô tầng), Chứng Dị Ứng về thực phẩm và thuốc kháng sinh, Chứng Viêm Da (khi cơ thể giao tiếp với chất xúc tác kích thích mãnh liệt).

Ngoài ra, các trở ngại về đường hô hấp, qua các dấu hiệu như: nhảy mũi, nhức đầu, chảy nước mũi và nước mắt, nghẹt đường mũi, lỗ tai lùng bùng. Đây là những triệu chứng dị ứng của bệnh Sốt “Hay Fever”, do bụi của các loại cỏ khô và hoa phấn trong không khí gây nên, có tính định kỳ hoặc kinh niên. Trong trường hợp trầm trọng, hơi thở trở nên ngắn và khó khăn, chất đàm nơi cổ họng gây trở ngại cho việc thở, và tạo nên tiếng thở khò khè. Đây là những triệu chứng của các bệnh Bạch Hầu thanh quản (Diphtheria), và bệnh Suyễn (Asthma).

Trong tình trạng nghiêm trọng của bệnh Sốt “Hay Fever” thường đưa đến chứng cảm lạnh có tính định kỳ. Nếu không được điều trị, trong một thời gian lâu dài, cơ thể có thể phát sinh nhiều chứng bệnh kinh niên và phức tạp khác như: bệnh Suyễn (Asthma), Viêm Khớp Xương (Arthritis), Sốt Thấp Khớp (Rheumatic Fever), bệnh Thận, bệnh Cao Huyết Áp, và sự cằn cỗi con người.

Riêng về bệnh Suyễn (Asthma), một điều kiện kinh niên trầm trọng, bệnh Suyễn được đánh dấu bởi sự khó khăn trong việc thở. Các nhà chuyên môn đều đồng ý rằng bệnh Suyễn có thể mang đến sự chết người, khi nó được đi đôi với bệnh truyền nhiễm lâu dài như bệnh Viêm Cuống Phổi (Bronchitis), để tạo nên chứng Khí Thủng (Emphysema).

Trong giai đoạn tiến triển, chứng Khí thủng (Emphysema) được gây nên bởi những vết sẹo của phổi, và được định tính bằng những cơn ho, tiết ra nhiều đàm, cùng với hơi thở vô cùng yếu và ngắn. Chứng Khí Thủng (Emphysema), hiện nay, gây nên sự chết người khoảng mười bảy ngàn (17,000.) người hàng năm, tại Hoa Kỳ; và gấp bảy (7) lần gia tăng trong vòng thập niên 1990's.

4- PHÉP ĐỊNH BỆNH (DIAGNOSIS):

Đối với các y sĩ, một trong những vấn đề quan trọng là việc nhận định đúng căn bệnh dị ứng, càng sớm càng tốt, để kịp thời cho việc điều trị được hữu hiệu. Do đó, ngoài những lời khai bệnh thông thường, và các dấu hiệu phát hiện nơi bệnh nhân, các y sĩ điều trị dị ứng thường phải làm thêm một phần việc của người thám tử, để tìm hiểu thêm những chi tiết cần thiết, liên hệ đến bệnh nhân như: thời gian các triệu chứng xảy ra; môi sinh (như khu vực nhà ở, và nơi thường lui tới); các sinh hoạt hàng ngày (như giải trí, nghề nghiệp, tham gia vào việc làm vườn, nông trại, hoặc nơi rừng cây, sông núi không...); và các loại quần áo mặc vào mùa hè.

Ngoài ra, quá trình y lý đầy đủ về bệnh nhân, kể cả quá trình điều trị dị ứng của gia đình trực hệ nếu có (như ông bà, cha mẹ, anh em huyết tộc của bệnh nhân). Tất cả những yếu tố riêng biệt này là những lợi khí, giúp cho y sĩ rộng đường phán đoán, trong việc xác định đầu mối dị ứng của bệnh nhân.

Sau đó, y sĩ còn thực hiện bảng Chỉ Số Dị Ứng (Allergy Index), bằng cách theo dõi và ghi lại thành số điểm của bất cứ phản ứng cơ thể, những triệu chứng, và những yếu tố có liên quan đến các chứng dị ứng. Sau cùng, y sĩ dựa vào tổng số điểm cố định của bảng Chỉ Số Dị Ứng này, để biết được sự nặng nhẹ của chứng dị ứng. Hơn nữa, để việc chẩn đoán bệnh được hoàn hảo, y sĩ tiến hành khám nghiệm bệnh nhân, qua các vùng mũi, cổ họng, tai, mắt, phổi, da nơi cố định có dấu hiệu dị ứng, việc lắng nghe tiếng ho và hơi thở của bệnh nhân là cách cần thiết.

Ngoài ra, phương pháp thử nghiệm da “Skin Test” còn là một yếu tố quan trọng nhất, trong việc chẩn đoán bệnh dị ứng. Trong phương pháp này, sau khi vùng da được khử trùng, y sĩ dùng dụng cụ bén nhọn nhỏ, để tạo vài đường gạch nhỏ, đủ sâu làm rách mặt da; tiếp theo, bôi vào vết thương này một lượng nhỏ chất gây nên dị ứng (như phấn hoa, trứng,...) được hòa hợp trong một dung môi thuốc. Khoảng 15 - 20 phút, phản ứng trên vết thương này sẽ xuất hiện, và dần dần sẽ biến mất. Nếu vết thương bị sưng lên như muỗi cắn, dấu hiệu này biểu thị cho phản ứng “Dương” (A Positive Reaction).

Như thế, bệnh nhân có bệnh dị ứng với một trong những chất được thử nghiệm. Nếu vết thương không bị sưng, đây là chỉ dấu của phản ứng “Âm” (A Negative Reaction). Sự thiếu vắng phản ứng như thế không có nghĩa là không có chứng dị ứng hiện hữu. Tốt hơn, y sĩ nên tiếp tục một loại thử nghiệm khác, được gọi là “Bên Trong Da” (Intraderma Test).

Trong cách này, y sĩ chích sâu, trực tiếp vào bên trong da của bệnh nhân, một lượng nhỏ dung môi thuốc với chất gây nên dị ứng, thay vì được bôi vào vùng da bị rách như trước (Scratch Test). “Intraderma Test” thường xác định rõ ràng có hoặc không có dị ứng, đối với chất được chích vào. Đôi khi, cách này có thể dẫn đến phản ứng mãnh liệt, vì thế, ít khi được áp dụng.

Nếu chứng dị ứng được nghi ngờ, vì việc giao tiếp giữa da và chất xúc tác. Cách thử nghiệm bình thường “Patch Test” được áp dụng. Bằng cách đặt một ít chất xúc tác (như mỹ phẩm, sơn, dầu, xà phòng,...) lên mặt da, và băng lại trong một hoặc hai ngày. Một phản ứng “Dương” (Positive) luôn luôn xác định tính nhạy cảm dị ứng của chất xúc tác được đặt lên vùng da.

Trong một vài trường hợp, thử nghiệm máu “Radio-Allergo-Sorbent Technique” (RAST) được dùng thay cho thử nghiệm da (Skin Test). Trong thử nghiệm máu, y sĩ dùng một lượng máu của bệnh nhân để hòa hợp chung với một lượng chất gây dị ứng, trong một ống thử nghiệm. Nếu bệnh nhân có bệnh dị ứng với chất này, máu trong ống nghiệm sẽ cho ra chất hóa học “Histamines”. Sau đó, chất Histamines được xác định năng lượng phóng xạ, và cho vào chung với chất kháng thể “Anti-Histamines”, để tạo nên một phản ứng. Sau đó, bằng việc đo lường số lượng của tính phóng xạ (sau phản ứng), y sĩ sẽ xác định được mức độ chứng dị ứng của bệnh nhân.

5- PHÉP ĐIỀU TRỊ (TREATMENT):

Theo giới y khoa, chứng dị ứng cần phải được sớm nhận diện và điều trị. Càng kéo dài thời gian, chứng dị ứng càng làm hao mòn sức khỏe, và tạo nên nhiều biến chứng khác. Do đó, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Khi nguyên nhân dị ứng được xác định, một chương trình điều trị cơ thể được tiến hành. Trước tiên, bệnh nhân cần phải đặc biệt quan tâm đến việc loại bỏ những giao tiếp tương lai, với các vật chất tạo nên dị ứng. Việc này tuy dễ, nhưng thực tế, trong vài trường hợp, rất khó thực hiện.

Thí dụ: Bệnh nhân có thể tránh được sự va chạm với các loại cây độc hại, nhưng họ khó tránh khỏi sự hít phải những bụi nhà, hay những bụi phấn của các loại cỏ dại, nhởn nhơ trong không khí, vào lúc mùa hè cao độ đầy gió bụi. Thế nên, bệnh nhân rất khó thực hiện việc di chuyển thường xuyên đến những vùng không có bụi phấn. Đối với chứng dị ứng do thực phẩm, bệnh nhân nên tránh dùng những loại thực phẩm dị ứng, và thay thế bằng những loại thực phẩm an toàn khác.

Ngoài ra, phép điều trị “Hypo-Sensitization” còn được áp dụng cho các bệnh nhân dị ứng, ở vào trường hợp bất khả kháng, không thể tránh khỏi việc giao tiếp với các chất gây dị ứng. Trong phép điều trị này, cơ thể bệnh nhân phải được huấn luyện để thích nghi, quen dần với chất gây nên dị ứng.

Do đó, y sĩ áp dụng việc chích chất gây dị ứng, vào trong cơ thể bệnh nhân, trong nhiều lần. Khởi đầu, với một lượng vô cùng nhỏ, và những lần sau đó, với những số lượng lớn, được gia tăng dần dần, để cho cơ thể bệnh nhân được thích nghi, quen dần với chất gây nên dị ứng. Sau cùng, đến một số lượng lớn hơn, mà không gây nên chứng dị ứng cho cơ thể.

Trong trường hợp dị ứng định kỳ, việc chích chất gây dị ứng được ấn định một hay hai lần mỗi tuần, trong nhiều tháng, trước khi mỗi kỳ mùa bụi phấn hoa bắt đầu. Sau năm đầu tiên, bệnh nhân phải được chích một lần, cho mỗi hai hoặc ba tuần, trong suốt năm. Phương pháp này cũng được áp dụng cho việc ngăn ngừa, hoặc điều trị bệnh Sốt “Hay Fever” định kỳ. Trước khi phép điều trị “Hypo-Sensitization” được chấm dứt, điều cần thiết phải có, ít nhất, trong suốt hai năm liền, bệnh nhân không có dấu hiệu dị ứng xuất hiện.

Một phép điều trị khác “A Nasal Spray Therapy” nhằm làm giảm bớt tính nhạy cảm của hệ thống miễn nhiễm, bằng cách xịt vào trong mũi, một dung dịch thuốc chứa chất phấn hoa dị ứng, để kích thích cơ thể sinh ra các kháng thể Immuno-globulin E, và G (Ig E, và Ig G). Hai kháng thể này có nhiệm vụ chận đứng các phản ứng cơ thể đối với chất dị ứng. Cách này giúp cho bệnh nhân có thể tự điều trị, và ít tốn kém.

Trong những năm trước đây, một tiến bộ lớn về thuốc trị bệnh dị ứng như các loại thuốc “Anti-Histamine”, Steroid Hormones Cortisone, và Hydro-Cortisone, nhằm tạm thời giúp bệnh nhân được giảm nhẹ, tối thiểu hóa những cơn hành hạ, do các triệu chứng dị ứng thông thường gây nên.

Sau cùng, các nhà điều trị dị ứng hy vọng rằng, với sự tiến bộ y khoa, những loại thuốc đặc biệt điều trị dị ứng sẽ được trau dồi hoàn hảo hơn, có tính chất hữu hiệu, để giúp cho các bệnh nhân dứt hẳn những cơn khốn khổ về dị ứng./.

VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh