NHỮNG LOẠI VŨ-KHÍ KHÔNG SÁT THƯƠNG.
Lê Chánh Thiêm
Trước đây, súng thường được dùng để sát thương, bằng cách bắn đạn vào đối phương gây ra thương tích hay giết chết. Tuy vậy, trong các cuộc chiến hay cả trong đời sống bình thường, đôi lúc cần đến loại vũ khí không sát thương. Cùng với bình xịt hơi cay mắt, súng hơi..., các vũ khí loại không sát thương này chỉ có tác dụng vô-hiệu-hóa đối tượng, tội phạm, các cuộc bạo loạn, khủng bố v.v... trong thời gian ngắn mà không gây thương tích. Trong phạm vi chủ đề nầy, xin giới thiệu một số vũ-khí đã được xử dụng trong thời gian gần đây.
1. Súng sốc điện.
Theo nhu-cầu vừa nói, một loại súng ra đời trong thời gian qua tại Mỹ mà không sát thương, chỉ làm tê liệt, làm bất tỉnh, triệt tiêu sức đối kháng của đối tượng: đó là súng điện, mang tên Tasers. Được hơn 4.000 Sở Cảnh-sát Mỹ xử-dụng, Tasers bắn ra hai phi tiêu cùng dây dẫn điện vào đối tượng cần bắn. Trong quá trình sử dụng, Tasers đã giúp các nhân viên công-lực Mỹ rất nhiều. Ngoài việc vô hiệu hóa còn làm các đối tượng nhụt chí, lại còn làm giảm sự chống đối chính quyền qua những lần lạm dụng sử dụng vũ-khí hay sơ xuất của cảnh sát.
Nhược điểm của Tasers là tầm sử dụng quá gần (trong vòng 7 mét), không dùng được cho việc vô-hiệu-hóa đám đông và không tác động tới xe cộ nếu đối tượng đang trốn chạy trên xe sau khi gây rối. Để khắc-phục những điều thiếu sót trên, sau bao nhiêu năm nghiên-cứu, thử nghiệm, các kỹ-sư và chuyên viên thuộc Cục Nghiên-Cứu của Bộ Quốc-Phòng Mỹ cũng như các nhà sản-xuất tư nhân Hoa-Kỳ đã thành công trong việc chế-tạo ra loại “súng sốc điện không dây”.
Công-ty Xtreme Alternative Defense Systems (XADS) ở Indiana (Mỹ) cho ra đời một kiểu súng thuộc loại “tự-vệ” không dây, ngoài việc cung-cấp cho nhân viên chính quyền (lực lượng cảnh-sát, an ninh,...) còn để bán cho công-chúng. Sản phẩm của XADS không dùng sợi mà bắn ra một loại khí bị ion-hóa hay huyết-tương (plasma) về hướng mục-tiêu bắn, tạo ra kênh dẫn để vô hiệu hóa mục-tiêu. Đặc điểm khác nữa là sản phẩm nầy có thể làm nhiễu hệ-thống đánh lửa điện-tử, làm xe cộ đang chạy phải dừng lại. Theo ông chủ-tịch XADS là Peter Bitar cho biết:
-“Chúng ta có thể bắn một dòng điện giống như nước ra khỏi súng vào một hay nhiều mục tiêu chỉ bằng một lần bấm cò”.
Sản phẩm nầy của XADS có giá bán là .000 US. Từ thành công nầy, XADS đang nghiên-cứu để chế-tạo sản-phẩm có tính năng cao hơn: bắn xa hơn 100m, thay vì bắn ra khí bị ion-hóa thì dùng một tia LASER (viết tắt của: Light Amplification by the Stimulated Emission of Radiation) mạnh hơn để ion-hóa chính không-khí.
Một số quốc gia Tây Âu khác cũng đang nghiên-cứu để sản-xuất loại vũ khí không gây sát thương. Công-ty Rheinmetall W&M ở Rattingen của Đức chế ra một sản phẩm có tên là Plasma-Taser, tạo ra một kênh dẫn theo cách sử dụng một viên đạn nhỏ để dẫn một dòng sợi dẫn nhỏ qua không-khí để vào cơ-thể mục-tiêu. Dòng điện 50.000 Volt truyền đi theo một luồng sol khí, đánh bất tỉnh đối tượng, làm cho họ thấy “đau và co thắt”, tạm thời ngắt hoạt động của hệ thống thần kinh..
Tại California có công ty HSV Technologies đang chế-tạo súng sốc điện gây bất tỉnh và làm dừng xe với tầm xa trên 100m. Công-ty Ionatron tại Arizona đang sản-xuất loại súng không dây gắn trên xe cho Bộ Quốc-Phòng Mỹ.
Ý tưởng làm vô hiệu hóa đối tượng đã được nhiều cơ-quan Mỹ nghĩ đến từ lâu nhưng chỉ thành hiện thực khi các tiến-bộ trong việc sử dụng tia Laser được phổ-biến và ứng dụng. Xung điện Laser dùng cho công nghệ nầy phải mạnh, cường độ thật lớn nhưng tác-động chỉ trong thời-gian thật ngắn mới không gây nguy-hiểm.
Do đó, các nhà sản xuất vũ-khí dự định dùng loại Laser tử-ngoại để bắn một xung điện 5J chỉ trong 0,4 Pico/ giây, tương-đương một nguồn điện 100 triệu Mega Watts thoáng qua. Xung điện 5J không có hại cho mắt, nó sẽ ion-hóa không-khí để tạo nên các sợi huyết-tương (plasma) dài như chỉ và phát sáng, duy-trì bằng cách lặp lại vài mili-giây mỗi lần.
Một nan đề cho các nhà sản-xuất súng điện-tử là sự chống-đối của các nhóm bảo-vệ nhân quyền và các tổ chức chống đối các hãng sản-xuất súng đạn. Ông Brian Wood thuộc Tổ-chức Ân-xá Quốc-tế cho rằng:
- “Súng tầm xa có thể gây đau-đớn cho các người khác vô tội đứng cạnh”.
Còn ông Robin Coupland thuộc hội Hồng-Thập-Tự thì:
- “E-ngại chúng có nguy-cơ trở thành các công-cụ tra-tấn”.
Ngoài ra, người ta còn lo ngại về mức-độ an-toàn của nó. Theo thống-kê, trong số 30.000 lần Cảnh-sát Mỹ xử dụng Tasers, có 40 người bất tỉnh sau đó bị tử vong. Thế nhưng những ca tử vong trên bởi nhiều lý-do khác nữa, như: dùng ma-túy hay rượu quá liều, va chạm với cảnh-sát, té ngã,... chứ không phải bị điện của súng giật. Cho dù có kết-quả điều-tra nhưng họ không tin mà chỉ muốn nghiên-cứu độc-lập về ảnh-hưởng của súng.
Ngoài loại vũ khí đã đề cập, còn một số kiểu khác nữa. Căn cứ vào nguyên lý hoạt động, người ta chia thành nhiều loại sau đây.
2. Tia laser gây tê liệt.
Nguyên lý hoạt động như sau: Từ một khẩu súng, một tia laser mỏng (mắt thường không nhìn thấy) sẽ ion hóa không khí trên đường đi của nó sẽ tạo nên một dây dẫn điện từ người bắn đến đối tượng (cũng vô hình). Sau đó, một xung điện cao áp tương đối (khoảng 500 kV) được phóng tiếp. Xung điện này có công suất rất yếu, tuy không đủ làm chết người nhưng đủ làm rối loạn hệ thống thần kinh điều khiển các bắp thịt của đối tượng tức thì.
Khi đó, đối tượng tự nhiên cảm thấy bất lực, tinh-thần dã-dượi, không thể điều khiển nổi tay chân, ngã xuống bất động trong vài giây. Nếu ngừng phóng xung điện, đối tượng cảm thấy bình thường trở lại từ thần kinh đến việc đi đứng. Ưu điểm của phương pháp dùng tia laser gây tê liệt là không để lại bất kỳ dị chứng nào cho người bị tia laser xâm nhập.
Súng bắn laser gây tê liệt hoạt động theo nguyên tắc của súng Tasers như đã nói phần trên. Theo dự trù, HSV Technology của Hoa-Kỳ sẽ bán ra thị trường một loại súng tương tự có tầm bắn xa đến 2 km. Điện tích của súng nầy được tạo bởi một chùm tia laser tử ngoại chứ không phải plasma (huyết tương).
Công dụng của loại nầy là làm tê liệt các xe hơi mà tội phạm đang bị truy đuổi sau khi gây án. Súng sẽ phát ra một dòng điện để đốt cháy mạng điện tử trên xe, trong khoảng cách khá xa. Nhược điểm của nó là kích thước của súng quá to. Các chuyên gia đang tìm cách thu nhỏ thiết bị này để có thể lắp trên các vũ khí cá nhân.
3. Laser truyền tin.
Đây là phương-tiện truyền-tin, không là vũ khí nhưng được đề-cập đến theo tiêu đề bài viết vì liên-hệ đến việc ứng dụng tia Laser. Từ thời khoa học còn phôi-thai, con người truyền tín hiệu đi bằng dây. Khi khoa học phát triển, tín hiệu truyền đi trong không gian không dùng dây mà bằng làn sóng điện từ, như sóng của radio, của truyền hình, của các hệ thống truyền tin quân đội, xa hơn nữa là dụng-cụ trên các các phi-thuyền bay trong vũ-trụ.
Được biết kỷ-lục truyền tin hiện nay là trên phi thuyền Mars Odyssey của NASA, có tốc độ truyền dữ liệu là 128.000 bit/giây. Ngày nay, khi khoa học phát triển vượt bực, vận tốc thông-tin truyền đi nhanh cỡ làn sóng radio không làm cho con người thỏa-mãn. Vì vậy, các nhà nghiên-cứu Mỹ đã ngày đêm tìm tòi phương cách truyền tin nhanh hơn, và họ đã thành-công: tín hiệu được truyền đi bằng tia laser.
Qua bao nghiên-cứu, thí nghiệm và bàn bạc, các quan chức NASA đã đồng thuận việc dự trù phóng lên Hoả tinh một thiết bị laser trong thời gian sắp tới. Thiết bị có khả năng truyền dữ liệu về Trái đất với tốc độ nhanh gấp mười lần làn sóng radio hiện nay, mở ra một kỷ nguyên mới trong liên lạc vũ trụ, với tốc độ từ 1 triệu tới 30 triệu bit/ giây, phụ thuộc vào khoảng cách giữa hai hành tinh.
Các nhà khoa học ứng dụng sự khác biệt của bước sóng ánh sáng. Theo phương pháp nầy, tia sáng Laser sử dụng ánh sáng hồng ngoại với bước sóng cức ngắn, chỉ 1,06 micron, ngắn hơn sóng radio hàng nghìn lần. Mọi ánh sáng di chuyển với tốc độ như nhau qua không gian, nếu bước sóng ngắn hơn, mang nhiều thông tin hơn.
Ông Joss Bland Hawthorn, giám đốc khoa học thuộc Đài thiên văn Anh-Australia ở Sydney cho biết:
-“Bước đột phá trên có ý nghĩa quan trọng trong việc khám phá vũ trụ. Các nhà thiên văn đang mất một số lượng dữ liệu khổng lồ do các phi thuyền thám hiểm Sao Hoả gần đây thu thập được. Lượng dữ liệu chúng ta sẽ thu được nhiều gấp một trăm lần so với lượng dữ liệu mà phi thuyền có thể truyền về Trái đất''.
Nếu so với các phương pháp liên-lạc truyền thống, phương tiện liên lạc bằng quang học có một số trở ngại chẳng hạn việc các đám mây có thể chặn photon của laser còn sóng radio thì không bị trở ngại nầy.
Theo dự án, NASA sẽ sử dụng hai địa điểm để dò laser trên Trái đất: kính thiên văn Hale ở miền Nam California (có đường kính 5m) và bốn kính thiên văn ở 4 địa điểm khác (có đường kính 0,8m). Theo dự trù, NASA sẽ đặt 12 kính thiên văn khắp trái đất. Laser sẽ được truyền từ một kính thiên văn trên một phi thuyền quay theo quỹ đạo quanh Sao Hoả để chuyển tín hiệu về địa cầu.
NASA cũng tiên đoán những trở ngại gặp phải. Một trong các trở ngậi là khi tín hiệu chuyển vào trái đất, chùm laser sẽ trải rộng, gây khó khăn cho việc nhận tín hiệu (tín hiệu nhận tương đối yếu). Biết vậy, các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu chế tạo máy dò photon nhạy hơn. Hiện nay, vài vệ tinh quay quanh trái đất đang thử nghiệm công nghệ này để nói chuyện với nhau hoặc gửi dữ liệu tới các kính thiên văn ở mặt đất. Họ hy vọng trong tương lai có thể truyền video trực tiếp từ Mộc tinh (Jupiter) về trái đất với tốc độ truyền hàng tỷ bit mỗi giây.
Thiết bị laser mới nầy trị giá 270 triệu USD. Thiết kế của nó đang được xem xét lại và sẽ bay trên phi thuyền Mars Telecommunications Orbiter trong vài năm tới. Phi thuyền này cũng mang thiết bị truyền tin như kiểu radio truyền thống.
3. Súng bắn xung năng lượng.
Nguyên lý hoạt động của loại súng nầy như sau: Xung năng lượng là tia laser hóa học Deuteri/ Fluoru, có công-dụng xua đuổi hoặc đánh ngã đối tượng. Hai hình thức phóng tia laser là dùng năng lượng lớn lắp trên phương tiện di động hoặc năng lượng nhỏ với súng bắn laser.
Khi tia laser gặp mục tiêu, nó sẽ đốt nóng tức thời một vùng da của đối tượng vốn ẩm ướt trên thân thể nơi nó tiếp xúc, tạo ra một tiếng nổ. Đối tượng thoáng thấy một chớp sáng chói kèm theo một tiếng nổ đinh tai, đồng thời cảm nhận như một cú đấm thôi sơn vào thân thể. Thí nghiệm cho thấy cú đấm mạnh hơn tác động của viên đạn bằng chất dẻo. Mission Research, cơ quan sản xuất vũ khí loại trên cho biết:
- "Phát đạn" làm cho đối tượng cảm thấy đau đớn ngoài da, tê liệt thần kinh và loạng choạng mất phương hướng trong giây lát”.
Vũ khí này đã được quân đội Mỹ sử dụng, với thiết bị nặng 250 kg nhưng các thông số kỹ thuật của nó vẫn còn được giữ bí mật. Đại tá George Felton, Giám đốc Joint Non Lethal Directorate của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết:
-"Các phiên bản đầu tiên của súng bắn xung năng-lượng sẽ được đặt trên xe bọc thép. Chúng hoạt động tốt trong khoảng ít nhất là 10 năm".
Đặc điểm của vũ khí bắn xung năng lượng là có thể điều chỉnh được cường độ ít hay nhiều của tia laser. Nếu xử dụng đến mức tối đa, nó có thể gây chết người.
4. Đạn âm thanh.
Sau một thời gian thí nghiệm, loại “đạn âm thanh” ra đời. Đây là thành quả của Hiệp hội Công nghệ Mỹ ở San Diego, California nghiên cứu và chế tạo, theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ. Thực chất, người ta tạo ra một nguồn âm thanh có công dụng như “đạn”.
Nguyên tắc hoạt động như sau: Người ta chế một ống kim loại dài 1 mét có đường kính 4 cm, bên trong ống chứa các đĩa tinh thể áp điện. Khi kích hỏa, cụm tinh thể này phóng ra một chùm sóng âm thanh cực mạnh, có tiếng kêu chói tai. Tần số của âm thanh phát ra từ 6.000 đến 10.000 Hz, cường độ có thể đạt đến 140 Cexibel.
Người bị làn sóng âm nầy tác dụng, cảm thấy đau đớn cho vùng tai trong, bị "điếc tạm thời", thần trí dao động, loạng choạng, sững sờ trong nhiều phút sau đó. Tuy nhiên, do công suất âm thanh hạn chế nên vùng tai trong không bị tổn thương kéo dài nên không gây tác hại.
Trong những năm trước 1970, trong vũ khí tấn công, người ta đã dùng hạ âm (từ 0-20Hz) và siêu âm (trên 20 kHz) để chế ra những loại vũ khí đặc biệt nhưng không được công-bố do vi-phạm quy-ước chung về chế tạo vũ-khí.
Ngoài tác dụng gây buồn nôn, nếu dùng với cường độ mạnh và liên tục, âm thanh trên còn làm cho người ta nôn thốc nôn tháo, choáng váng, nguy hiểm đến sức khỏe.
5. "Chưởng phong" xoáy cuộn.
Một loại vũ-khí không sát thương khác được sản xuất là tạo nên gió xoáy cuộn. Một tiếng nổ được phát ra từ chiếc ống kim loại, như súng M 72, súng bazoka. Người ta tạo nên một hổn hợp nổ, khi kích hỏa hổn hợp nầy, sẽ phụt ra một đám khí. Đám khí này lập tức biến thành một luồng xoáy cuộn trong nòng ống, khi phụt ra ngoài, ào ạt tiến về phía đối tượng.
Luồng gió quay rất nhanh, còn nhanh hơn cả tốc độ âm thanh và lao về phía đối tượng với vận tốc khoảng 500 km/h. Trong giai đoạn đầu, người ta mới chế ra loại nòng cố định, nghĩa là còn quá lớn, cồng-kềnh, muốn dùng đem đặt một nơi rồi mới bắn.
Nếu sử dụng một khẩu súng cố định có nòng cỡ lớn, luồng gió cuốn này có thể quật ngã đối phương trong nháy mắt, nếu dùng nòng ống lớn hơn, có thể thổi “bay”. Do hiệu ứng giảm áp đột ngột, người trúng luồng xoáy còn có cảm giác như bị dội một thùng nước lạnh buốt vào người.
Theo ông Martin Brouillette, chuyên viên thuộc Viện Đại học Sherbrooke, Quebec, Canada phát biểu:
-"Sắp tới, người ta còn có thể tạo ra một khẩu súng cầm tay phóng luồng khí xoáy để đạt mục đích trên".
Ông còn cho biết thêm:
-"Điều hạn chế là muốn có tác động mạnh, lượng không khí phóng ra phải lớn. Khẩu súng do đó cũng phải lớn theo. Để có được động năng tương đương với một viên đạn, phải phóng ra ít nhất là 500 lít không khí".
Đó là những nhược điểm của loại vũ-khí trên.
6. Đại bác điện từ.
Thông thường, súng đại bác gây sát thương trên phạm vi lớn và mục-tiêu ở xa vị trí súng. Tuy nhiên, trong nhu cầu không sát thương, để vô hiệu hóa đám người quá đông và ở xa, các chuyên gia áp dụng nguyên tắc của đại bác quy ước để tạo ra phương tiện không sát thương. Người ta tạo ra một chùm xung điện cực mạnh (thường trên vài ngàn triệu MegaHertz) tại nòng súng được gắn trên xe, trên giá súng, từ một antenna gắn bên trên, phóng chùm xung vi sóng trên vào đám đông cần giải tán, cần làm tê liệt hoạt động của họ.
Xung vi sóng sẽ tạo cho đối tượng cảm giác như bị bỏng, giật bắn người, giống như khi chạm vào một bóng đèn đang cháy sáng hay một vật dụng bằng kim loại thật nóng. Thật tế-bào, phần da của cơ thể nạn nhân không bị bỏng thật sự, cảm giác này chỉ là tác động của vi sóng vào đầu dây thần kinh cảm nhiệt mà thôi. Thoát khỏi chùm vi sóng hay ngừng phóng vi sóng, cảm giác đau đớn, nóng bỏng lập tức biến mất.
Trước những nhu-cầu của cuộc chiến tranh mới và dự trù cho những biến động trong tương-lai, vào tháng 3/2003, Ngũ Giác Đài đã công-bố sẽ sáng chế một loại vũ khí tương tự. Loại vũ khí nầy đã qua thời-gian nghiên-cứu, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người.
Một số quốc gia phương tây cũng theo chân Mỹ trong công-nghệ nầy. Theo ông Bernard Verret, một chuyên gia về Vật lý ở Bordeau (Pháp) cho biết, các doanh nghiệp Nga đang chào bán loại vũ khí này cho các nước phương Tây, với tầm hoạt động từ 500m đến 700m.
Ngoài ra, cũng theo nguyên-tắc nầy, các chuyên gia còn dự kiến dùng súng để làm các xe hơi tội phạm đang bị truy đuổi phải dừng lại khi xe bị vi sóng đốt cháy mạng điện tử trên xe.
7. Công nghệ ShockRound.
Một công-nghệ khác không gây sát thương mang tên ShockRound do tập đoàn MDM của Mỹ sản xuất. Đây là những viên đạn cao-su đặc biệt, khi bắn ra, nó gây một sốc điện làm tê-liệt thần-kinh, gây cơ thể bất động mà không tổn hại hay gây tử vong. Đặc điểm là tầm hoạt động của nó rất xa và không cần dây để nối với nơi xuất-phát.
Công-nghệ nầy áp dụng nguyên lý “hiệu ứng áp điện”, sinh ra một luồng điện áp cao từ các tinh thể gốm PZT. Tập đoàn MDM cho biết sản phẩm của họ sẽ giúp đắc lực cho các nhân viên công lực, những người thừa hành luật pháp, ngành an ninh, tuần phòng biên giới, chống biểu tình bạo động, chống khủng-bố. Sản phẩm không gây tử vong, tàn phế, thương tích mà tăng cường an ninh trên phi-cơ, các nơi công cọng.
8. Vũ-khí năng-lượng điều khiển.
Nhằm chủ trương giảm thiểu thương vong, các chuyên viên Mỹ đang nghiên-cứu một công-nghệ mới, “dùng năng lượng” để vô hiệu hóa đối tượng. Công-nghệ nầy có thể xử dụng từ xa, trên cao, trong phạm vi rộng lớn và dĩ nhiên không sát thương. Các chuyên viên trong nhóm nghiên-cứu của Peter Anthony Schlesinger được Ngũ Giác Đài tài trợ cho công-trình nầy. Họ dự trù sẽ “hóa đá” mục tiêu.
Trong thử nghiệm, họ chiếu vào đàn gà một chùm laser. Các bắp thịt chân, cánh của đàn gà bị điện tích laser làm tê liệt, cơ thể đột ngột bị hóa đá trong khi cơ thể vẫn bình thường, nội tạng không bị tổn hại. Tuy nhiên, các nhà quân-sự Mỹ không dừng lại ở nhu cầu không sát thương mà đây chỉ là bước đầu cho các ứng dụng vào hoạt động quân sự bằng công nghệ nầy vì nó được gọi là vũ-khí. Cựu Bộ-trưởng Quốc-phòng Mỹ Dolores Etter, người ủng-hộ dự án nầy cho biết:
-“Khi bạn có thể làm mọi thứ với tốc-độ của ánh-sáng mọi loại khả-năng mới đều nằm ở đó”.
Trong chiến tranh hiện tại, tỷ như cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, nếu áp dụng vũ khí kiểu nầy sẽ vô cùng có lợi cho Mỹ. Những nơi quân Mỹ phải đối phó với đám đông không có vũ khí (cuộc biểu tình chẳng hạn) hay có địch quân trà trộn trong đám đông để điều khiển, sách động, chỉ huy đám biểu tình, nếu được xử dụng từ trên trực thăng, quân Mỹ đồng đội dưới đất chỉ còn việc đến “lượm” từng khẩu súng một, “tóm” từng tên chủ mưu một mà camera đã ghi hình trước đó. Ngoài ra, vũ khí nầy còn có thể làm cháy thiết bị hỏa tiễn, bom mìn cài ven đường, làm các xe bọn tôi phạm, khủng bố đang đào tẩu phải liệt máy, đợi người đến bắt.
Các chuyên gia thuộc Không quân Mỹ đang nghiên cứu một loại vũ-khí mang tên “Airborn Laser”, họ gắn một thiết-bị Laser trên phi-cơ để bắn hạ, phá hũy hỏa tiễn địch quân.
Trong một nghiên-cứu khác tiến-hành tại Phòng Thí-nghiệm Nghiên-cứu Không-lực ở tiểu-bang New Mexico, các chuyên gia Mỹ đã chế tạo loại vũ-khí có tên “Active Denial Systems”. Công-nghệ nầy dùng năng-lượng vi sóng làm nóng các phân-tử nước dưới làn da của đối tượng, buộc phải bỏ chạy khỏi nơi bị tia sóng chiếu vào. Theo ông Rich Garcia, phát ngôn viên của Phòng thí nghiệm nói trên cho biết:
-“Kẻ thù có cảm giác như da bị thiêu đốt, song khi thoát khỏi tia vi sóng hoặc tắt nguồn sóng mọi thứ trở lại bình thường, không còn dư vị đau đớn”.
Theo dự trù, không những được dùng trên phi-cơ mà trên các xe Humvee cũng sẽ được trang bị trong những nhu-cầu cho từng khu-vực của cuộc chiến.
Dù không gây tử vong hay tàn phế cho đối tượng nhưng các loại vũ-khí không sát thương vẫn bị chống đối, gây tranh cãi từ những nhà bảo vệ nhân quyền, các tổ-chức từ thiện, các nhóm chống đối chiến tranh cũng như một số đại diện dân cử mị dân, các nhà lãnh đạo tôn-giáo bất chính. Họ lấy chiêu bài “bảo vệ con người” để che đậy âm mưu bên trong, nhất là các nhóm phản chiến. Tuy vậy, các quan chức Mỹ tin rằng các loại vũ-khí nầy không vi-phạm luật hay quy-ước quốc-tế, không có tiềm năng gây nguy-hại cho sức khỏe con người. Đại-úy Daniel McSweeney, phát-ngôn-viên của Phòng Thí-nghiệm Vũ-khí Không Sát thương Hoa-Kỳ cho biết:
-“Quý vị có thể yên tâm rằng khi Active Denial Systems được xử dụng, chúng tôi sẽ có quy-định rõ-ràng về mục-đích xử dụng, không dùng nó làm vũ-khí tra-tấn. Hành-động đó đi ngược lại ý định và tham-số thiết-kế”.
Thật ra, các thử nghiệm công-nghệ Active Denial Systems trên người bắt đầu khi các chuyên gia Mỹ quả quyết rằng không gây tác hại vĩnh-viễn. Một cuộc thí-nghiệm lớn trên cơ thể của hơn 2.000 tình nguyện viên người Mỹ đủ mọi lứa tuổi, từ dân chính đến các nhân-viên cơ-quan chính-phủ, quân-đội, mỗi người được Active Denial Systems chiếu 3 lần, kết quả không ai bị tác-hại gì. Đi lui lại một chút, vào năm 1990, tại căn-cứ Brooks City-Base của Không-quân Mỹ, các chuyên gia Mỹ đã nghiên-cứu các tác-dụng phụ (side effect) của vũ-khí do năng lượng điều khiển. Họ xem lại các nghiên-cứu về năng-lượng tần-số thu-thanh (radio) trong liên-lạc quân-sự, trong radar hay các công-nghệ viễn-thông khác, tất cả đều cho thấy không có trở ngại.
Tuy vậy, người ta -luôn cả những nhóm chống đối- vẫn còn nghi-ngờ, họ cho rằng chính phủ Mỹ dấu diếm. Ông Dominique Loye thuộc Hội Hồng Thập Tự quốc tế thì yêu cầu:
-“Cần tiết lộ thông tin nhiều hơn về nghiên-cứu năng-lượng điều khiển cũng như cần mở các cuộc điều tra độc lập về tác dụng phụ của nó”.
Ông còn cho biết thêm:
-“Năng lượng điều khiển có thể gây ra thương-tích mới mà chúng ta không biết và không có khả năng điều trị. Chúng tôi hiểu một số công-ty đang đầu tư tiền của, song thông điệp của chúng tôi là điều quan trọng, nên tiến hành điều tra càng sớm càng tốt, đừng đầu tư hàng chục triệu Đô-la rồi 10 năm sau hóa ra vũ khí đó bất hợp pháp”.
Còn ông Steve Wright, thuộc tổ chức Omega có trụ sở tại Manchester, Anh quốc, làm việc trong “Cơ quan Kiểm soát Các loại Vũ khí Không giết người” bày tỏ lo ngại:
-“Thật sự lo ngại về nguy-cơ lạm dụng các loại vũ-khí không sát thương ngày một tinh vi hơn”.
Các nhà chế tạo vũ-khí thì viện dẫn vũ khí điều khiển năng lượng không gây chết người, dùng nó có thể cứu mạng người trong các vụ bắt cóc hay đe dọa nổ bom, có thể điều khiển làm nổ bom mìn gài theo đường từ khoảng cách xa, dùng nó có lợi hơn là có hại. Ngoài ra, họ còn nói độ chính xác của đầu kim Laser, loại bỏ mọi thương vong mà hỏa tiễn thường có thể gây ra. Ông Peter Bitar, Chủ-tịch Xtreme Alternative Defense Systems, là công ty sáng chế súng điều khiển năng lượng cho Thủy-quân Lục-chiến Mỹ phát biểu:
-“Chúng ta có thể làm nổ trước đa số chất nổ tự tạo hiện đang sử dụng”.
Súng của hãng Xtreme Alternative Defense Systems hoạt động bằng cách tạo nên một điện tích qua một chùm ion hóa hoặc plasma (huyết tương). Chiến binh điều chỉnh để bắn vào khối chất nổ, vào thiết bị điện tử trên xe hay làm tê liệt cơ thể đối tượng mà nội tạng không bị ảnh hưởng gì.
9. Các loại tác nhân không sát thương khác:
Ngoài các loại “vũ-khí” nói trên, còn có nhiều loại sản phẩm khác được nghiên-cứu nhằm chống bạo loạn, bắt cóc con tin, khủng-bố... mà không gây sát thương cho cả nhóm chủ động hay người bị động. Không phải qua các cuộc khủng-hoảng con tin tại Nga (ở nhà hát và tai trường học Nga) hay các cuộc khủng-bố tại Mỹ, Iraq, Israel,... để các nhà nghiên cứu tìm cách khống chế bọn khủng-bố mà các nghiên-cứu được Mỹ âm-thầm thí nghiệm từ lâu.
Đầu tiên, các nhà khoa-học tìm chất gây những biến chứng đột ngột cho cơ-thể nhằm vô hiệu hóa hoạt-động của cơ thể như: tê liệt tạm thời, buồn nôn, ngủ... bằng hóa chất, chẳng hạn. Có tin cho rằng khoa-học gia Mỹ đã đề cập đến một dạng Aerosol có tên Fetanyl hoặc dùng một chiết-xuất từ loại cây làm nên ma-túy (nguyên-chất hay pha với một phụ chất khác). Nguồn tin cho rằng trong thí-nghiệm, họ đã thành-công nhưng chưa xử dụng. Fentanyl có công năng mạnh hơn Heroin gấp ngàn lần, nó có thể kết hợp với Droperiol, một loại thuốc chống trầm cảm để có một hợp chất mạnh hơn.
Thật ra, chất Fentanyl đã được dùng nhiều trong y học dưới dạng gây mê chứ không mới mẻ gì nhưng người Mỹ e-ngại trước các phản-ứng của dư-luận, nhất là các tổ-chức chống Mỹ cả trong lẫn ngoài nước nên không dùng. Trong cuộc chiến-tranh lạnh, người Nga đã thí nghiệm và sản xuất nhiều hợp chất để dùng trong mục đích nầy.
Một viên chức tình-báo Mỹ cho biết người Nga đã có ý định “làm thay đổi về mặt sinh học của cơ-thể” bằng cách “làm cho cả thành phố ngủ vùi trong thời gian ngắn”. Trong những năm xâm-lăng Afghanistan, quân đội Nga nhiều lần muốn sử dụng loại “vũ-khí” nầy nhưng lại thôi.
Từ khi chế- độ Cộng-sản sụp đổ đến nay, nước Nga đã bị nhiều cuộc khủng-bố. Tháng 6/1995, thủ lĩnh phiến quân Shamil Basayev dẫn đầu toán chiến binh cướp phá thị trấn biên giới Budyonnovsk, bắt hơn 1.000 người trong một bệnh viện làm con tin. Quân đội Nga tấn công họ hai lần nhưng thất bại. Hơn 100 người thiệt mạng trong các cuộc đọ súng gồm thường dân, cảnh sát và quân nhân. Tháng Giêng năm sau, một toán quân do Salman Raduyev chỉ huy tràn vào thành phố Kizlyar. Số con tin bị bắt hơn 100 người cũng ở trong bệnh viện. Quân Nga tấn công làm 78 người thiệt mạng, gồm cảnh sát, quân nhân và dân thường thiệt mạng trong vụ tấn công này.
Trong vụ giải cứu con tin tại nhà hát ở Moscow vào tháng 10-2002, chính quyền Nga đã ra lệnh dùng chất khí; nhiều người cho rằng vụ nầy được chấm dứt nhưng chính quyền Nga đã thất bại với số thương vong quá cao: 129 con tin, 41 kẻ bắt cóc bị thiệt mạng, chắc chắn một số lớn chết vì hóa chất nầy. Khi bơm chất khí qua lỗ thông gió vào nhà hát, kết quả không tức thời như các chuyên viên Nga dự tính.
Theo tin tức, người ta cho là chất khí mà Nga bơm vào nhà hát là chất Naloxon, một chất có công dụng phục hồi nhịp thở cho những người chích Heroin quá liều. Nga đã dùng một lượng quá lớn đến nỗi một nữ khủng-bố chưa kịp sửa lại mặt nạ ngừa hơi độc đã ngủ, nhân viên của toán đặc-nhiệm Alpha và Vympel tuy vào sau 30 phút mà vẫn bị ảnh hưởng nặng. Khí hóa chất mà Nga dùng có tên là “Kolokov 1” theo như tờ Komsomolskaya Pravda cho hay, vì Nga muốn giữ kín vì họ sợ bị hóa giải nên đặt tên như vậy.
Người Nga chủ quan rằng việc bơm khí Fentanyl không vi phạm hiệp ước năm 1997 về “cấm vũ-khí hóa-học gây chết người” vì họ nghĩ hiệp-ước không cấm sử-dụng các vũ-khí hóa-học không gây chết người để chống lại các cuộc bạo động.
Ông Alan P. Zelicoff, một chuyên-viên về vũ-khí không qui-ước tại Phòng Thí-nghiệm Quốc-gia Sandia cho biết:
-“Fentanyl là loại thuốc phiện tác-động nhanh và mạnh hơn Naecotic. Nó có thể dùng để trị những cơn đau kinh-niên, thường được dùng để gây mê cho thú-vật, tiêm vào cho chúng ngủ”.
Như vậy, Fentanyl không nằm trong danh sách bị cấm. Những chất bị cấm là những chất làm cho tê-liệt thần-kinh như các loại Prozac, Valium, nếu quốc gia nào xử dụng sẽ bị lên án kịch liệt. Người ta có thể bỏ các hóa chất này vào đạn để đưa đến mục tiêu, chẳng hạn bỏ vào đầu đạn cối 81 mm bắn vào mục-tiêu, khi nổ, hóa chất sẽ phát tán một khoảng rộng, gây tác động cho mục tiêu.
Trong cuộc đối đầu trước đây, người Mỹ đã bỏ tiền ra để nghiên cứu các loại vũ-khí tương-tự nhưng không thành công và đã tuyên bố chấm dứt chương-trình nghiên cứu. Trong một phổ-biến, phát-ngôn nhân quân sự Mỹ cho biết “Chúng tôi đã thôi quan-tâm đến lĩnh-vức nầy từ 1997” nhưng thực tế, họ vẫn tiếp tục nghiên cứu các hóa chất không sát thương bằng lộ-trình khác, với kinh phí lên đến ,2 triệu US so với ,6 triệu US trong thời-gian qua.
Các nghiên-cứu tập trung vào các công-cụ xịt hơi cay, các loại thuốc an-thần, thuốc làm cho vọp bẻ,...Viện Công-Nghệ Quốc-Phòng thuộc Đại học Pennsylvania được mời tham gia, và Viện nầy cho biết “Khả năng tìm ra các chất như vậy nằm trong tầm tay chúng ta và nó rất hữu ích trong trấn-áp bạo-động, bắt cóc con tin”.
Việc gây chấn động nhất là cuộc tấn công của phiên quân vào trường học tại Beslan. Với kết quả 388 người chết gồm phần đông là học sinh cùng với 30 tên khủng bố, một số phụ huynh học sinh, nhân viên đặc nhiệm giải cứu; số người ghi nhận là mất tích do tan xác vì chất nổ hay gạch đá đè lên là 100 cùng với hơn 700 người bị thương; một con số thương vong thật khủng khiếp.
Dư luận cho rằng chính phủ Nga đã phạm sai lầm khi dùng quân đội với vũ-khí lớn tấn công vào nơi bọn khủng-bố tập trung nạn nhân mà không nghiên cứu hậu quả. Nhiều chiến lược gia cho rằng thay vì dùng quân đội để tấn công, có thể dùng loại vũ-khí sát thương để tránh tổn thất nhân mạng. Chính quyền Nga đã nhiều lần từ chối sự giúp đỡ của các nước khác vì “tự ái dân-tộc” hảo huyền.
Ngay sau tin vụ tàu ngầm nguyên-tử Kursk bị chìm, vụ bắt cóc con tin ở nhà hát, ở trường học, các vụ không-tặc,...các nước đề nghị cộng-tác, giúp-đỡ nhưng chính-quyền Nga từ chối, họ đã tự giải quyết nên kết quả quá sức tồi-tệ, thiệt-hại vẫn là phía các nạn nhân.
Cho đến bây giờ, các loại vũ khí kể trên chỉ mới được sản xuất trong thế hệ thứ nhất nghĩa là mới hoàn thành theo nguyên-tắc căn-bản dầu đã qua bao nhiêu thí nghiệm. Vì vậy, Bộ Quốc Phòng Mỹ còn đòi-hỏi các chuyên-viên, các nhà sản xuất cần phải nghiên-cứu, thí nghiệm thêm nữa để hoàn thiện sản phẩm ngỏ hầu giúp nhân viên công lực, các tổ chức chống tội phạm, quân đội Mỹ hoàn thành nhiệm vụ, tránh gây tổn thất cho đối tượng để vượt qua búa rìu dư luận chống đối.
Với đội ngũ chuyên viên xuất sắc, các nhà sản xuất chuyên môn, rành nghề và nhất là ngân khoản dồi-dào mà chính phủ bỏ ra, các sản phẩm thuộc loại không sát thương đã đề cập được sản xuất trong mai hậu chắc chắn sẽ tối tân, sẽ an toàn và hiệu quả hơn nhiều.
Lê Chánh Thiêm, 6/69.
8-2004
Tài liệu tham khảo:
- NewScientist.
- L'express.fr
- NASA.
- Google.
- Ask Jeeves.
- Reuters.
- Tài liệu tổng hợp.