SAO HÔM, SAO MAI
Hành tinh có tên: sao Hôm, sao Mai, sao Kim hay cái tên thơ mộng hơn: “Vệ nữ”, các tên nầy là chỉ danh cho Venus (Kim tinh), một hành tinh trong Thái Dương Hệ. Hành tinh là một thiên thể “di chuyển” (như Trái Đất, sao Hôm…), khác với “định tinh”, một thiên thể không di chuyển (như Mặt Trời). Bàn đến “sao Mai…”, là bàn chuyện thuộc loại "trên Trời", trong giáo dục gọi là “thiên văn học”, trong Hải-quân có một môn học, một phần liên-quan đến chuyện các sao trên trời, gọi là "Hàng hải Thiên văn".
Trước hết, "sao Hôm, sao Mai", trong văn-chương Việt-Nam là thành-ngữ chỉ sự chia cách, kẻ trời Tây, người hướng Đông, nói lên sự xa xôi cách trở, khó có thể gặp nhau.
Thứ đến, người Việt ta thường dùng 2 tên sao Hôm, sao Mai, có nhiều người tưởng lầm là 2 sao, thực sự chỉ là một.
Vào chiều tối, nhìn ở hướng Tây, ta thấy một ngôi sao mọc rất sớm (sớm hơn các sao khác), rất sáng: người ta gọi đó là sao Hôm. Sáng sớm, ta lại thấy một ngôi sao sáng khác lặn rất muộn (lặn sau các sao khác): đó là sao Mai. Kim tinh có vòng quay nhỏ hơn nên quay nhanh hơn Trái đất, nên ban sáng ta thấy nó ở bên Đông, khi Mặt trời sắp mọc, khi các sao khác đã và đang lặn, ta thấy nó lặn muộn hơn. Buổi chiều, khi Mặt trời gần lặn, khi các vì sao khác chưa mọc, ta thấy nó đã mọc ở hướng Tây.
Chúng ta không thể thấy Kim tinh sau khi mặt trời lặn 2 giờ đồng hồ. Khi Kim tinh nằm bên này Mặt Trời, ta có "sao Hôm". Sau vài tháng thì nó biến mất, vì quỹ đạo của nó bị Mặt Trời che khuất, Kim Tinh lại xuất hiện bên kia, ta có "sao Mai". Kim tinh nằm gần Trái Đất nên phản chiếu ánh Mặt Trời rất sáng. Khi Kim tinh quay ra xa mặt trời nhất nó chỉ phản chiếu có 1 nửa (giống như Mặt Trăng ngày mùng 7 mùng 8 Âm lịch) nhưng nó vẫn sáng hơn Mộc tinh, Thổ tinh… Vào những lúc Kim tinh sáng nhất, ta có thể nhìn thấy nó bằng mắt thường vào ban ngày. Do bề mặt phản chiếu ánh sáng từ Mặt Trời nên từ Trái Đất nhìn lên trời, độ sáng của Kim tinh chỉ thua Mặt Trăng mà thôi, do cấu tạo của nó, sẽ đề cập trong phần sau.
So sánh giữa Sao Hôm và Quả Đất.
Giữa trái đất và mặt trời có 2 hành tinh là Venus (Vệ tinh hay sao Hôm) và Mercury (Thủy tinh). Thủy tinh gần Mặt Trời hơn nên chúng ta khó thấy. Kim tinh dễ thấy hơn vì nó nằm giữa trái đất và Mặt Trời. Bởi vậy, chúng ta thấy Kim tinh và Mặt Trời ở cùng một phía.
Kim-tinh, giống như quả đất, là một hành-tinh quay quanh Mặt trời, cũng không phát ra ánh sáng mà nhờ ánh sáng Mặt trời chiếu vào. Kim tinh nhỏ hơn quả đất.
Chúng ta biết, Mặt trời là một định tinh, các hành tinh thuộc Thái dương hệ quay quanh Mặt trời. Mỗi hành tinh có một chu-kỳ quay khác nhau nên có hành tinh quay nhanh, có hành tinh quay chậm hơn, mỗi hành tinh còn tự xoay quanh nó, theo chu kỳ riêng biệt. Một ngày của sao Kim bằng 500 ngày của Trái Đất.
Mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây. Ngược lại, trái đất tự quay từ Tây sang Đông, một vòng quay là khoảng 24 giờ. Trái đất quay quanh Mặt trời thời gian là một năm.
Như vậy, sao Hôm sao Mai chỉ là một, ngôi sao đã đi vào văn-học Việt-Nam, chỉ sự chia cách. Người ta không hiểu tại sao ngày xưa lại đặt "tới" hai tên cho một ngôi sao trong ngôn-ngữ Việt để thành giai thoại.
Ngày nay, chúng ta biết sao Hôm sao Mai chỉ là một ngôi sao nhưng mọi người vẫn dùng thành ngữ liên quan đến ngôi sao nầy, đã ăn sâu vào tâm thức dân Việt như một sự chia xa. Ngoài ra, còn có thành ngữ "Như Mặt Trăng với Mặt trời", mang ý nghĩa hơi khác hơn: vẫn nói về sự chia cách nhưng còn thêm ý xung khắc, đối nghịch khác biệt, không hòa thuận.
Tưởng cũng cần biết thêm, trong Thái dương hệ gần Quả Đất còn có Hỏa tinh, Mộc tinh, Thổ tinh,… là những hành tinh nằm xa hơn trái đất. Khi trời quang, ta có thể thấy Hỏa tinh vào nửa đêm khi nó nằm đối diện với mặt trời.
Sao Kim còn được gọi một cái tên rất “thơ mộng” là “Vệ Nữ”. Thật sự, nó không hề thơ mộng chút nào mà là một địa ngục. Sao Kim nằm trong tầng khí quyển dày từ 20 cây số đến 35 ký lô mét, bao bọc bởi làn “thán khí” dày đặc, nặng gấp 90 lần so với khí quyển trái đất, chịu một áp-suất lên đến 92 bar, một đơn vị đo lường trong ngành thiên văn học. Áp suất nầy tương đương với áp suất của nước biển ở độ sâu 9.000 mét, mà với áp suất đó, đủ sức “bóp dẹp” bất cứ loại tàu ngầm bình thường nào, như ta bóp một bao diêm.
Sao Kim gần Trái Đất, có độ lớn và khối lượng gần như Trái Đất, được xếp vào các hành tinh giống trái đất về cấu tạo thổ-nhưỡng. Tuy nhiên, các chi tiết khác thì khác rất xa. Điển hình, nhiệt độ trung bình là 470 độ C, không một giọt nước nào tồn tại ở đó. Các núi lửa của Venus phun ra những bãi nham thạch như thiếc, chì…, nồng độ lưu huỳnh, acid dày đặc.
Chính nhiệt độ quá cao của Venus đã phá hủy hệ cảm ứng định vị của phi thuyền Venera 1 của Nga sô vào ngày 12-2-1961 khi nó bay “gần” sao Kim 100.000 km, khi người Nga có ý muốn quan sát nó. Nga phóng Venera nhưng bị bốc cháy trước khi lại gần nó. Venera 3 phóng đi năm 1966, đến gần hơn nhưng vẫn bị thiêu cháy. Sau đó, Venera 5 & 6 bị áp suất của khí quyển bóp nát ở độ gần là 18.000 mét. Venera 7 (phóng đi năm 1970) thành công hơn, kế đó là Venera 8 (1972) nhưng mãi đến Venera 16 (1982) thì bản đồ địa lý của sao Kim mới được coi là thành công. Tuy vậy, chương trình nầy - cùng với các thất bại khác của Nga - đã làm cho Nga kiệt quệ về kinh tế, làm cho “Xô Viết liên bang” trở thành “Xô Viết tan hoang”, làm cho “con đường đi đến Xã hội chủ nghĩa” trở thành bất tận, hoang tưởng. Kế hoạch thám hiểm Kim tinh của Nga đã sụp đổ theo “chủ nghĩa Cộng sản”, một chủ nghĩa tàn ác, đã “chết” ngay tại nơi khai sinh ra nó.
Kể từ năm 1960, với các phương pháp thám hiểm từ xa về hành tinh nầy của người Mỹ, các khoa học gia đã “chấm dứt những lãng mạn và thi vị” về ngôi sao nầy. Dựa vào phương pháp “đo gián tiếp bằng Radar sóng điện”, từ trạm Magellan, trong dự án mang tên Magellan Mission to Venus, NASA đã tiến hành việc thám hiểm và đo lường Venus, thể hiện các vật thể với độ lớn rất cao để dễ nhận.
Các cơ quan tình báo của Mỹ - nhất là NSA (National Security Agency), Cục An-Ninh Quốc-Gia, còn gọi là Central Security Service (CSS) - đã “nghe lén” được hầu hết các hoạt động và từ đó biết được nguyên nhân thất bại của Nga trong chương trình thám hiểm Venus, do vậy, họ đã “tránh” được vết xe đổ của Nga. Trong chương trình thám hiểm sao Kim, phi thuyền Mariner 2 vào năm 1962 đã thành công trong việc “đo được sóng điện từ gây nhiết” của Kim tinh, từ đó kết luận “Venus không có từ trường”, sau đó với nhiều chuyến bay khác đã gần như biết khá nhiều về hành tinh nầy. Trong kế hoạch thám hiểm không gian, NASA phóng đi các phi thuyền mang tên Messenger để khám phá Mộc tinh (Jupiter). Trên đường đi đến Mộc tinh, Messenger bay ngang Venus trong những năm 2006 và 2007, cũng gởi về trung tâm những tin tức, hình ảnh của Venus để NASA hoàn thiện tài liệu họ đã có hầu các chuyến bay sau mang lại thành công hơn. Lộ trình bay từ Trái Đất đến Kim tinh là 41 triệu cây số.
Ngoài Mỹ và Nga ra, trong kế hoạch thám hiểm Kim tinh, Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng phóng tàu thám hiểm Venus Express vào tháng 4-2006. Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ của Nhật (JAXA) cũng phóng vệ tinh Planet C vào năm 2008 để quan sát sao Kim. Gần đây, Trung Cộng cũng đã phát triển nghiên cứu vũ trụ với các chương trình Thần Châu và các kế hoạch khác được phổ biến hay còn trong bí mật.
Trong kế hoạch khám phá vũ-trụ, Hiệp hội Hành tinh (Planetary Society) - được thành lập năm 1980 bởi Carl Sagan (sinh ngày 9-11-1934 tại Brooklyn, New York - cư ngụ tại Ithaca, New York - chết 2012-1996 tại Seattle, Washington, Mỹ), Bruce Murray (Tiến sĩ Địa chất học (Geology) của MIT năm 1955, sinh ngày 30-11-1931 tại New York, NY. Là giáo sư đại học rồi làm Giám đốc Jet Propulsion Laboratory của NASA từ 1-4-1976 đến 30-6-1982) và Louis Friedman (một người Mỹ, đậu bằng Tiến sĩ không gian tại MIT năm 1971) - với hơn 100 ngàn hội viên, mang 125 quốc-tịch riêng, có trụ sở tại Pasadena, California, website: planetary.org, một tổ chức khuyến khích nghiên cứu vũ trụ “phi chính phủ” lớn nhất thế giới, đã phát động một cuộc thi vẽ lớn nhất thế giới với tựa đề “postcards from Venus” dành cho mọi người trên hoàn vũ.
Nội dung cuộc thi vẽ: Thí sinh cần tưởng tượng để vẽ nên những “bức tranh phong cảnh” của Kim tinh từ trên cao nhìn xuống bề mặt hành tinh nầy. Có nhiều giải thường mà Giải Nhất là “một chuyên đi thăm “Trung Tâm Giám sát Vũ trụ châu Âu” tại Darstadt, Đức quốc để chính mắt theo dõi chuyến bay của Venus Express. Nhiều người cho là chương trình nầy “lạc hậu mất 4 thập niên” (do họ cho là các tin tức của Kim tinh được Mariner của Mỹ cho biết ngay từ thập niên 60 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, có thành ngữ “Càng nhiều càng tốt”, càng nhiều quốc gia tham gia vào nhiều chương trình nghiên cứu vũ trụ, càng giúp cho con người biết nhiều hơn những gì về bên ngoài quả đất chúng ta đang sống. Tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, phát minh… là những gì đã thu hút nhiều người tham gia, sẽ làm cho ý nghĩa của cuộc sống phong phú hơn, đó cũng là điều thú vị vậy.
Lê Chánh Thiêm.
San Jose, 3-1995
(Có hiệu đính)