Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 19, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Y học & đời sống
THUỐC LÁ
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

THUỐC LÁ(TOBACCO)
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.

1- KHÁI NIỆM THUỐC LÁ:

Thuốc lá (Tobacco) là loại cây thảo mộc. Theo các nhà khoa học, cây thuốc lá (Tobacco Plants) có hơn sáu mươi (60) loại khác nhau. Những loại cây thuốc lá thường được dùng trên thị trường có tên gọi là “NICOTIANA TABACUM”, thuộc vào gia đình họ “Cây Cà SOLANACEAE” (Nightshade, Tomatoes, Eggplants). Cây thuốc lá chỉ được trồng và sống một mùa trong năm. Thân cây hình trụ cao khoảng từ 4 đến 8 feet (1.2m - 2.4m), với đỉnh cây là những chùm bông màu hồng lợt. Mỗi cây có khoảng 20 lá, màu lục lợt hoặc đậm. Mỗi lá lớn khoảng 1 foot (30 cm) chiều ngang, và khoảng 3 feet (90 cm) chiều dài. Một cây lớn mạnh có thể sản xuất khoảng một triệu hạt giống, hàng năm, vừa đủ trồng trên 100 Mẫu Anh (Acre = 4,046 mét vuông) vườn thuốc lá.

Lá của nó được dùng chính yếu trong việc chế tạo thuốc hút, dưới nhiều hình thức khác nhau như: Các lá thuốc cuốn tròn lại với nhau, dùng làm thuốc hút Xì-Gà (Cigars); và các lá được cắt thành nhiều miến sợi nhỏ, dùng làm thuốc điếu (Cigarrettes), hoặc được đốt lên và hút qua ống điếu (Smoking Pipes). Nó còn là một sản phẩm phụ dùng để nhai trong miệng, hoặc hít bằng mũi khi được biến chế thành bột. Ngoài ra, ở mức độ thấp hơn, lá của nó còn được dùng để chế tạo thuốc sát côn trùng (Insecticides), và thuốc tẩy uế (Disinfectants). Thân cây và cuống lá còn được góp phần vào việc chế tạo trở nên một số loại phân bón.

Khởi đầu, thuốc lá là loại cây thổ sản tại Châu-Mỹ La-Tinh, do thổ dân người da Đỏ (Indians) trồng lên. Về sau, hạt giống thuốc lá được mang trồng trên các quốc gia khác. Hiện nay, trên thế giới, hơn bảy mươi (70) quốc gia sản xuất thuốc lá, với tổng sản lượng, hàng năm, khoảng hơn bảy (7) triệu tấn thuốc lá. Trong đó, một số các quốc gia dẫn đầu sản xuất phải kể thứ tự như sau:

1- Trung Hoa,
2- Hoa Kỳ,
3- Ấn Độ,
4- Ba Tây (Bazil thuộc Nam Mỹ),
5- Nga Sô,
6- Zimbabwe (thủ đô Salisbury, thuộc Trung Bộ Nam Phi Châu),
7- Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), và
8- Ý Đại Lợi (Italy).

Tại Hoa Kỳ, có sáu (6) tiểu bang dẫn đầu sản xuất thuốc lá:

1- North Carolina,
2- Kentucky,
3- Tennessee,
4- South Carolina,
5- Virginia, và
6- Georgia.

Việc dùng thuốc lá là một thói quen, có từ lâu trong đời sống con người. Thuở xưa, thuốc lá được nghĩ là một chất liệu vô hại, và một số người hút thuốc lá còn xác nhận rằng thuốc lá mang đến sự êm dịu cho con người. Trong thời gian gần đây, việc hút thuốc lá đang trên đà bị loại bỏ, đối với hầu hết mọi người. Vì có những bằng chứng xác đáng, qua nhiều cuộc nghiên cứu, cho thấy rằng việc hút thuốc lá tạo nên những hậu quả tai hại cho sức khỏe con người. Hút thuốc lá gây nên việc kích thích nơi cuống họng, và đường hô hấp. Đôi khi, nó tạo nên chứng mất ăn, mất ngủ, chóng mặt, ói mửa, hơi thở khó khăn, và nhịp tim đập bất thường.

Theo thống kê, vô số bằng chứng cho thấy rằng những người hút thuốc lá dễ phát sinh những bệnh chứng ung thư về phổi, cổ họng, lưỡi, và quai hàm, hơn những người không hút thuốc. Ngoài ra, những người hút thuốc còn dễ phát sinh các bệnh chứng khác như: Khí thũng (Emphysema), Viêm cuống phổi (Bronchitis), và một số bệnh về đường hô hấp.

Tại Hoa Kỳ, luật pháp liên bang bắt buộc các nhà sản xuất thuốc lá phải ghi chú trên tất cả những gói thuốc với câu: “-The Surgeon General has determined that cigarette smoking is dangerous to your health.” nhằm để nhắc nhở quần chúng về mối nguy hiểm cho sức khỏe trong việc hút thuốc lá. Ngoài ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã cam kết với nhau, trong việc vận động giáo dục quần chúng, để cảnh cáo mọi người về sự nguy hiểm của tật hút thuốc lá.

2- LƯỢC SỬ THUỐC LÁ:

Khởi đầu, cây thuốc lá (Tobacco Plant) là một thổ sản thuộc vùng Bắc Nam Mỹ. Sau đó, nó được mang trồng trong nhiều phần đất khác nhau, tại Châu-Mỹ La-Tinh, trước khi ông Columbus đặt chân lên phần đất tân thế giới vào 1492. Danh từ “Tobacco” được bắt nguồn từ chữ của người Da Đỏ (Indians) là “TABACO” có nghĩa là cây thuốc lá, hoặc là cái ống điếu dùng để hút thuốc.

Trước tiên, thuốc lá được dùng trong những nghi lễ tôn giáo của người Da Đỏ (Indians), tại Châu-Mỹ La-Tinh, vào khoảng thế kỷ thứ nhất. Đến cuối thế kỷ 15, việc hút thuốc lá trở nên một tập tục bình dân của người Da Đỏ (Indians). Theo truyền thuyết, Ông Columbus, có lần từ Cuba, đã mang một số lượng nhỏ thuốc lá đến Tây Ban Nha (Spain).

Người ta còn ghi nhận, vào những ngày tháng đầu tiên của tân thế giới Mỹ Châu, nơi đây cây thuốc lá đã được xuất cảng sang xứ Portugal (thuộc Tây Nam Âu Châu). Nơi đó, cây thuốc lá đã được sự chú ý của vị Đại Sứ Pháp Jean Nicot. Sau đó, ông ta đã cho gởi một số hạt giống thuốc lá về Pháp, vào khoảng năm 1560. Do đó, Jean Nicot đã đặt tên “Nicotianna” cho giống cây thuốc lá này, và cũng như đối với chất được tìm thấy trong cây thuốc lá như “Nicotine” và “Alkaloid” (chất kiềm thực vật).

Vào năm 1585, từ tân thế giới Mỹ Châu, Sir Francis Drake đã mang một số thuốc lá về Anh Quốc. Ông đã kể lại cho Sir Walter Raleigh về việc ông ta đã thấy những người thổ dân Da Đỏ (Indians) hút và thở ra những làn khói từ những lá thuốc được đốt cháy.

Tại Anh Quốc, Sir Walter là người sáng tạo ra chiếc ống điếu dùng để hút thuốc lá phổ thông trong quần chúng Anh Quốc. Dần dần, việc hút thuốc lá đã trở nên thói quen bình thường cho nhiều người trên thế giới, nhất là đối với nam giới. Mãi đến thế kỷ 20, phụ nữ mới bắt đầu việc hút thuốc lá. Ngày nay, việc hút thuốc được áp dụng rộng rãi cho cả hai phái nam nữ.

Việc sản xuất thuốc lá cho thị trường thương mại được bắt đầu tại Bắc Mỹ (North America) vào năm 1612, sau khi người Anh John Rolfe mang một số hạt giống thuốc lá đến tiểu bang Virginia, từ Nam Mỹ (South America). Đất và khí hậu Virginia rất thích hợp cho cây thuốc lá. Cho nên, hàng năm, nơi đây các vụ mùa thuốc lá được thu hoạch rất lớn. Cũng như, những phần đất khác thuộc vùng Nam của Bắc Mỹ. Hầu hết việc sản xuất thuốc lá tại vùng đất châu Mỹ đã được xuất cảng sang Anh Quốc. Cho đến cuộc chiến cách mạng bắt đầu 1775, các nhà sản xuất tại Hoa Kỳ mới bắt đầu cho ra các sản phẩm thuốc lá dùng để hút, nhai, và hít, để cung cấp cho nhu cầu nội địa Hoa Kỳ. Trước tiên, thuốc hút Xì-Gà (Cigars) được sản xuất tại Hoa Kỳ, vào đầu thập niên 1800's.

Việc dùng những sản phẩm thuốc lá đã tạo nên nhiều vấn đề cho dư luận trong nhiều năm. Vào thập niên 1500's, giới y sĩ Âu Châu đã minh xác rằng thuốc lá chỉ được dùng vào những mục đích y dược. Ngoài ra, các nhà tôn giáo Hoa Kỳ đã lên tiếng lưu ý thuốc lá như là loại thuốc nghiện nguy hiểm. Trong thập niên 1960's, các nhà khoa học đã chứng minh rằng các sản phẩm thuốc hút, đặc biệt là thuốc điếu (Cigarettes), có thể gây nên chứng bệnh ung thư phổi, bệnh tim, và các chứng khác.

Một số nhà sản xuất thuốc điếu đã lưu ý đến những khám phá y khoa, về sự nguy hại của thuốc lá. Cho nên, trong việc chế tạo thuốc điếu, họ đã cho giảm bớt độ kích thích của chất nhựa (Tar) và Nicotine có chứa trong các điếu thuốc. Tuy nhiên, theo giới y sĩ, việc này cũng không loại bỏ được sự nguy hiểm của tật hút thuốc lá.

Hơn nữa, Liên bang Hoa Kỳ, nhằm bảo vệ sức khỏe quần chúng Mỹ, đã ban hành nhiều luật qui định về việc bán những sản phẩm thuốc lá. Thí dụ: Từ năm 1966, các nhà sản xuất phải ghi chú rõ lời cảnh cáo về sự nguy hiểm của thuốc lá, đối với sức khỏe con người, trên những bao thuốc lá. Từ 1971, luật cấm các quảng cáo thuốc lá trên các truyền thanh và truyền hình.

3- ĐỘC TÍNH “NICOTINE” TRONG THUỐC LÁ:

“Nicotine” là chất hóa học ở thể lỏng trong suốt, và trở nên hơi nâu khi tiếp xúc với không khí. Chất Nicotine được tìm thấy trong thuốc lá (Tobacco) còn tươi nguyên thủy, hoặc bị khô héo dần dần. Trong thuốc lá, Nicotine kết hợp với các Acids Hữu Cơ (Organic Acids), và đóng một vai trò rất quan trọng, vì mức độ tác hại của thuốc lá, phần lớn, tùy thuộc vào độc tính Nicotine.

Chất Nicotine có thể được đưa vào bên trong cơ thể con người bằng hai cách:

- Trực Tiếp: Một lượng Nocotine được chích thẳng vào thịt, hoặc được thấm thấu xuyên qua làn da.

- Gián Tiếp: Bởi việc dùng thuốc lá (Tobacco), qua những tiến trình nhai bằng miệng một số thuốc lá tươi hay khô héo, hoặc hút bằng miệng, và hít bằng mũi khi thuốc lá được châm đốt với lửa.

Riêng về khói thuốc lá, ngoài chất Nicotine, khói thuốc lá còn chứa đựng các hợp chất khác như: Carbon Monoxide, Thán khí (Carbon Dioxide), Pyridine (thuốc dùng trị suyễn), hóa chất Ammonia, các Organic Acids, Ketones, Aldehydes, và chất Tar (nhựa thuốc lá). Tất cả những hóa chất này đều có tính chất tạo nên những kích thích cho cơ thể, trong nhiều mức độ khác nhau; nhất là đối với những màng chất nhờn nơi miệng, và đường hô hấp.

Chất Nicotine khi được đưa vào bên trong cơ thể, nó đi thẳng vào não bộ, cột tủy sống, và các mô tầng (tissues) khác nhau, nhằm sinh ra những tác động ảnh hưởng trên những tiến trình sinh lý khác nhau của cơ thể. Thí dụ: Với bộ máy tuần hoàn, tác động của tim bị chậm lại; các động mạch bị co thắt lại; áp huyết bị ảnh hưởng, có lúc lên cao, đôi khi xuống thấp, rồi gia tăng bất thường; lượng máu tuần hoàn trong cơ thể bị giảm. Bộ máy hô hấp bị suy yếu.

Hai hệ thống thần kinh giao cảm (Symathetic) và đối giao cảm (Para-Sympathetic) trở nên bị rối loạn. Qua bộ máy tiêu hóa, nếu Nicotine được hòa lẫn với nước miếng (bọt) trong lúc hút, hít, hay nhai, rồi được nuốt vào bụng; nó có thể làm gia tăng sự tiết ra chất Hydrochloric Acid trong bao tử, có thể làm lở loét đường tiêu hóa. Ngoài ra, chất Nicotine còn tham dự vào sự cấu tạo nước tiểu, bằng việc tác động ảnh hưởng trên tuyến điều hòa nội tiết (Pituitary Gland), để sinh ra kích thích tố chống lợi tiểu (Anti-Diuretic Hormone), nhằm cản trở sự cấu tạo nước tiểu. Cũng như, có từ 5% đến 15% chất Nicotine trong cơ thể bị thải ra ngoài qua đường nước tiểu.

Những trường hợp nhiễm độc Nicotine không ít, khi sự pha chế thuốc lá có chứa lượng cao Nicotine được dùng như loại thuốc giết côn trùng, không may chất Nicotine của thuốc giết côn trùng này thấm thấu vào da của con người, và gây nên tình trạng nhiễm độc. Lúc đó, cơ thể người bị nhiễm độc tiết ra mồ hôi lạnh, và miệng tiết ra nhiều nước miếng (bọt), rồi đưa đến tình trạng nôn mửa. Trong khi đó, áp huyết cơ thể tăng cao, nhịp tim đập chậm và bất thường. Sau cùng, áp huyết trở nên giảm, nhịp đập của các mạch máu trở nên yếu dần, rồi chứng co rút bắp thịt, và tay chân phát khởi rung động, để đưa đến tình trạng động kinh toàn thân. Sự hít thở trở nên yếu dần. Rồi nạn nhân bị tắt thở mà chết.

Việc điều trị cho những trường hợp nhiễm độc nói trên thật là khó khăn, vì không có thuốc giải độc thích nghi, để chống lại những hậu quả của nó. Tuy nhiên, một số thuốc có thể dùng làm giảm nhẹ bớt những hậu quả của nó, khi nạn nhân bị nhiễm độc tính Nicotine ở mức độ nhẹ. Thí dụ: chứng co rút bắp thịt và chấn động toàn thân, do hậu quả của Nicotine, có thể được trị dứt bởi một số loại thuốc thích nghi. Ngoài ra, trong vài trường hợp khẩn cấp, mạng sống nạn nhân có thể được cứu chữa bằng phương pháp hô hấp nhân tạo, hoặc bằng việc chích loại thuốc vào trong tĩnh mạch, nhằm kích thích áp huyết được nâng cao.

Đặc biệt, một thiểu số người đau thương về chứng suy yếu tuần hoàn máu, khi dùng thuốc lá, họ rất dễ bị mẫn cảm với chất Nicotine, ngay như trong số lượng nhỏ tương đối có trong khói thuốc lá. Thí dụ: Bệnh Buerger's Disease tạo cho những mạch máu ở tay và chân bị co thắt nhỏ lại. Cho nên, việc hút thuốc lá là nguyên nhân làm cho bệnh này thêm phần trầm trọng, vì hậu quả của thuốc lá nhằm tạo cho các mạch máu bị co nhỏ hẹp lại. Do đó, phần đông, những bệnh nhân Buerger's Disease thường là những người hút thuốc lá kinh niên. Nếu họ không ngưng hút thuốc lá, sự tuần hoàn máu yếu kém dần, và gây nên tình trạng chết các mô tầng của bệnh thối hoại (Gangrene); vi vậy, phần ảnh hưởng ở tay hoặc chân phải bị cưa bỏ.

Theo thống kê y khoa, việc hút thuốc lá có liên hệ đến các chứng bệnh tim mạch, được thể hiện qua sự ghi nhận giữa những người nghiện thuốc có số tử vong về các bệnh này, cao gấp đôi hơn những người không hút thuốc. Ngoài ra, theo nghiên cứu năm 1986, tại University of Birmingham, những thành phần trong khói thuốc lá có thể ảnh hưởng gây nên khử hoạt tính, làm đảo nghịch các nhiệm vụ của các Sinh tố (Vitamins).

Hầu hết với những người tập sự hút thuốc lá, lúc đầu, chất Nicotine làm họ dễ chóng mặt, buồn nôn. Vẻ mặt của họ trở nên tái nhạt, giống như người bị đau ốm. Sau vài lần hút thử đầu tiên, những triệu chứng khó chịu sẽ không còn xuất hiện, vì sự chịu đựng quen dần với chất Nicotine. Dần dần, việc hút thuốc lá trở thành một thói quen, rất khó khăn để từ bỏ.

Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác đóng góp vào việc hình thành thói quen này, mà một số người nghiện thuốc đã gán cho như: “-Điều thú vị của việc hút thuốc lá, một phần do nơi sự tác dụng êm dịu của chất Nicotine lên trên trung tâm thần kinh. Một phần khác, do nơi mùi vị thuốc lá tác dụng lên khứu giác; cũng như, những nghi thức hút thuốc hòa lẫn với việc thắp sáng điếu thuốc, đã tạo nên những giây phút thú vị cho người nghiện thuốc không thể quên được,...“

Theo các nhà nghiên cứu, chất Nicotine là một hóa chất làm ghiền người hút. Thực vậy, năm 1988, Bác sĩ C. Everett Koop, US. Surgeon General, đã đưa ra lời cảnh cáo rằng chất Nicotine trong thuốc lá chắc chắn là một chất gây nên sự ghiền, tạo ra sự tùy thuộc thể chất, không khác hậu quả của các chất Heroin, và Cocaine.Điều này cũng được những người từ bỏ thuốc lá báo cáo, trong lúc thiếu vắng chất Nicotine, họ cảm thấy những triệu chứng khó chịu của cơ thể xuất hiện như: tánh khí nóng nảy vì thần kinh dễ bị kích thích vô cớ, nhức đầu, mệt mỏi uể oải, lo âu, chứng bất thường nơi đường ruột, đổ mồ hôi, chứng co rút bắp thịt,...

4- HẬU QUẢ CỦA KHÓI THUỐC LÁ:

Việc hút thuốc lá sinh ra những làn khói thuốc làm ô nhiễm không khí, trong vùng môi sinh, do hai nguồn khói chính và phụ: Nguồn Khói Chính (Mainstream Smoke) được thải ra khi người hút thuốc thở ra khỏi miệng. Nguồn khói hụ (Sidestream Smoke) được đi trực tiếp từ điếu thuốc đang cháy vào không khí. Trong khói thuốc lá, nó chứa đựng hàng trăm hóa chất độc hại khác nhau. Vô số hóa chất này từ khói thuốc được kết tụ lại thành một hợp chất nhầy, dễ dính như hồ, có màu nâu, được gọi là nhựa thuốc lá (Cigarette Tar).

Nguồn khói phụ (Sidestream Smoke) có tính chất độc hại hơn nguồn khói chính (Mainstream Smoke), và làm cho những người chung quanh hít phải nhiều hơn. Vài thí dụ sau đây để so sánh với nguồn khói chính, nguồn khói phụ có chứa số lượng nhiều hơn như:

- Gấp đôi chất Nicotine, và chất nhựa thuốc lá (Cigarette Tar).

- Gấp ba lần chất Benzopyrene, một độc chất gây nên ung thư.

- Gấp ba lần chất Carbon Monoxide, mà chất này sẽ làm mất khí Oxygen trong những tế bào máu đỏ; và sinh ra Carboxyhemoglobin, một hợp chất nguy hiểm gây giới hạn khả năng hấp thụ Oxygen của cơ thể.

- Gấp bốn lần chất Ammonia.

Do đó, bạn là một người không hút thuốc (Non-Smoker), khi hít phải khói thuốc lá, từ một điếu thuốc đang cháy, hoặc khói thuốc do một người khác hút và thở ra; tức là bạn đã hít phải hầu hết những chất độc hại, nguy hiểm cho sức khỏe giống như người nghiện thuốc.

Thông thường, hậu quả tai hại của thuốc lá có thể gây cho người hút thuốc, và những người chung quanh; nhất là những người trong gia đình, các chứng bệnh như: Bệnh Phổi (Khí thủng), Bệnh Tim Mạch, Ung Thư, Loét Bao Tử, các trẻ sơ sinh bị khuyết tật do các bà mẹ hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai.

Theo thống kê của Hội Ung Thư Hoa Kỳ (The American Cancer Society), việc hút thuốc điếu (Cigarette Smoking) đã góp phần vào khoảng 83% của tất cả trường hợp ung thư phổi; và 50% đến 70% của những trường hợp ung thư miệng. Vào năm 1987, mặc dù với đà giảm thiểu khoảng 27% số người Mỹ hút thuốc lá, nhưng số tử vong về nạn hút thuốc lá lại gia tăng.

Theo một số nghiên cứu vào giữa thập niên 1980's, những người không hút (Non-Smokers) được đặt vào trong vùng khói thuốc thụ động, do việc gần gũi với những người hút thuốc, đã gia tăng sinh ra những chứng bệnh giống như những người đang hút thuốc lá. Do đó, một số thành phố đã cấm chỉ việc hút thuốc bên trong tất cả những nơi công cộng như: các công sở, phi cảng, các nhà hàng,...

Ngoài ra, những cuộc nghiên cứu còn cho biết: các bà mẹ hút thuốc lá có nhiều cơ hội hư thai, hoặc khi sanh con, trẻ sơ sinh thường nhỏ bé, có nhiều nguy hiểm ở mức độ tử vong trong vòng một tuổi đời; hoặc những trẻ sơ sinh thường có các khuyết tật bẩm sinh. Theo ước tính của Sở Bảo Vệ Môi Sinh Hoa Kỳ (The US. Environmental Protection Agency), hàng năm, khói thuốc lá đã gây thương tổn cho các trẻ em, khoảng 300,000. trường hợp các bệnh Viêm Cuống Phổi (Bronchitis), Viêm Phổi (Pneumonia), và các bệnh về đường hô hấp khác.

Những cuộc nghiên cứu nhi đồng có những bà mẹ hút thuốc lá trong lúc mang thai đã cho thấy rằng: Các trẻ này có nhiều cơ hội phát sinh các bệnh ung thư, tim, và bệnh thần kinh, hơn những trẻ em khác. Do đó, Hội Y Khoa Hoa Kỳ (The Ameican Medical Association) đã đưa ra danh từ “Fetal Tobacco Syndrome” (Hội Chứng Thuốc Lá Thai Nhi), để nhận diện những bé sơ sinh ốm yếu, sinh thiếu cân lượng, có thể do việc hút thuốc lá của các bà mẹ, trong lúc mang thai.

Theo những nghiên cứu gần đây, số tử vong của trẻ sơ sinh đã tăng gấp ba (3) lần với chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome), mà những trẻ này có những bà mẹ hút thuốc lá trong lúc mang thai, và sau khi mang thai. Cũng như, số tử vong trẻ sơ sinh tăng gấp đôi, với hội chứng này (Sudden Infant Death Syndrome), khi có những bà mẹ ngưng hút thuốc trong lúc mang thai, nhưng lại tiếp tục hút thuốc sau khi sanh con./.

VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.



Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh