Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Y học & đời sống
MÔI SINH VÀ NHÂN LOẠI
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

Địa cầu, đại dương, bầu trời, thực vật, động vật, thời tiết,... Tất cả những vật thể này tạo nên môi trường sinh sống của con người. Hơn nữa, môi trường sinh sống của chúng ta còn bao gồm những gì mà chúng ảnh hưởng đến chúng ta và đời sống của chúng ta. Ngay như những người xa lạ khác cũng là một phần thuộc về môi trường sinh sống của chúng ta.

Ngoài ra, trong môi trường sinh sống, còn có những sinh vật và những vô sinh vật. Những sinh vật, đôi khi, có tác dụng ảnh hưởng làm thay đổi những vô sinh vật, và ngược lại. Những thay đổi này có thể tốt hoặc xấu. Mặt khác, những biến cố xảy ra trong môi trường sinh sống, đôi khi, làm thay đổi đời sống của những sinh vật, và ngược lại.

Những thay đổi này cũng có thể tốt hoặc xấu. Cũng như, trong những sinh vật, chúng cũng có sự ảnh hưởng hỗ tương để tạo ra sự thay đổi lẫn nhau. Vì sự phức tạp và vi tế của môi trường sinh sống, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm nhiều yếu tố khác nhau, nhằm để có một hình ảnh thực sự về nó.

1- MÔI TRƯỜNG THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI:

Nếu số người trên quả đất ít hơn sẽ có ít nguyên nhân thay đổi hơn trong môi trường sinh sống. Mặt khác, môi trường sinh sống đóng một vai trò ảnh hưởng quan trọng đến con người. Thí dụ: Những người thổ dân Da Đỏ Bắc Mỹ Châu đã có một thời sinh sống trong môi trường thiên nhiên.

Trong đời sống thiên nhiên, một số ít, họ đã sống bằng việc trồng trọt theo các vụ mùa; nhưng phần đông, họ sống bằng việc săn bắn để kiếm thịt làm thực phẩm. Tất cả những người da đỏ này đã bị ảnh hưởng bởi một lãnh vực môi sinh vĩ đại. Trong đó, thời tiết, những thực vật và thú rừng dùng làm thực phẩm, những tai nạn không may, và bệnh tật là những yếu tố liên hệ lớn, và ngoài sự kiểm soát đối với họ. Họ đã không có những dụng cụ và máy móc để giúp họ thay đổi môi sinh trong cách chuyên môn. Cách sống của họ chỉ biết thích nghi vào trong môi trường thiên nhiên, và một trong những niềm tin tôn giáo của họ là không làm tổn hại đến thiên nhiên.

Khi người Âu châu bắt đầu đến Mỹ châu vào khoảng 1500, dân số gia tăng, cũng như những dụng cụ và máy móc được phát triển; người ta bắt đầu gây ra sự thay đổi môi trường sinh sống một cách vĩ đại. Những khu rừng rậm được sang bằng, và thay vào bởi những canh tác nông trại, những thành phố được xây dựng lên, và kỹ nghệ được bắt đầu phát triển. Tất cả những sinh hoạt này đã gây ra những thay đổi môi trường sinh sống thiên nhiên.

Đời sống thiên nhiên của người Mỹ Da Đỏ dần dần không còn nữa. Con người sống ngày nay đã xây lên những hàng rào tự ngăn cách giữa chính họ, và môi trường thiên nhiên, để dựng nên một môi trường nhân tạo. Những văn hóa, cấu trúc xã hội, và cách sống của người Mỹ hiện đại đều tùy thuộc vào những hàng rào ngăn cách này.

Trong nhà, chúng ta có những tiện nghi để chống đỡ thời tiết nóng lạnh. Về nông nghiệp, chúng ta biết cách trồng trọt để tạo cho vụ mùa thêm phần phong phú, và nuôi lớn động vật có thêm thịt hơn. Đây là những tiện nghi để phòng chống sự đói của chúng ta. Trong ngành y dược, sự phát triển thuốc trị bệnh, và những phương cách tạo sự miễn dịch là những tiện nghi chống lại những bệnh tật phát sinh. Không biết còn có bao nhiêu những tiện nghi giữa con người và môi sinh mà chúng ta có thể diễn tả ra được?

2- NHỮNG THAY ĐỔI TRONG MÔI TRƯỜNG THIÊN NHIÊN:

Trong đời sống sinh vật, không Có những động vật hay thực vật nào có thể làm thay đổi môi trường sinh sống nhiều như con người đã làm. Trái đất, bầu không khí, những đại dương đã bị thay đổi trong nhiều cách, tất cả đều do hành động của con người tạo ra. Những thay đổi này khiến cho môi trường không bao giờ có thể phục hồi lại tình trạng nguyên bản của chúng.

Con người và môi trường sinh sống có tính phản ứng lẫn nhau. Chính sự sinh động trong môi trường gây nên những thay đổi trong không khí, nước, và đất đai. Khi văn minh phát triển, con người đã xây dựng những thành phố, đại lộ, và những hãng xưởng. Những cấu trúc này chắc chắn làm thay đổi môi trường sinh sống nơi chúng được xây dựng lên. Hơn nữa, để tạo ra những bê tông, thép, gỗ, và gạch để dùng vào việc kiến trúc, những vật chất phải được lấy lên từ lòng đất và được chế biến ra. Những thân cây phải được cưa cắt. Vì vậy, môi trường sinh sống đã bị thay đổi khác xa từ nguyên gốc của nó.

2.1- Không Khí:

Con người cần không khí để thở. Tuy nhiên, bằng việc xây cất những hãng xưởng và máy móc, chúng đã đưa vào không khí nhiều chất độc hại. Thí dụ: một trong những chất hơi độc như carbon monoxide, chất khói đốt được phun ra từ những ống khói của xe hơi, và các hãng xưởng. Chất khí carbon monoxide làm tổn hại đến khả năng mang dưỡng khí (oxygen) của máu trong cơ thể, nếu chúng ta hít phải nó. Với một lượng nhỏ carbon monoxide cũng có thể giết chết con người.

Sự cảnh báo này khó được quan tâm trong những thành phố, hay những vùng dân cư đông đúc, gần những đại lộ ồn ào nhiều xe hơi di chuyển. Không khí trong những thành phố lớn luôn luôn chứa đầy số lượng hơi độc nguy hiểm của carbon monoxide. Do đó, trong những vùng ô nhiễm không khí, dân cư làm thế nào có được sự an toàn trong việc hít thở không khí?

Khí Carbon monoxide chỉ là một trong nhiều chất ô nhiễm (pollutants) trong không khí, do từ những sinh hoạt của con người. Thí dụ: những khói thuốc lá, những hơi khí từ những lò đốt rát, hay những lò luyện kim khí đều có thể gây nguy hiểm cho con người. Nói chung, sự ô nhiễm không khí do bởi những sinh hoạt đã gây nên mầm độc hại trong việc hít thở của con người.

2.2- Nước:

Con người cần nước trong sạch để uống. Nước biển trong các đại dương không thể dùng làm nước uống vì dễ gây bệnh cho con người. Nếu không có người sống trên quả đất, có lẽ hầu hết những nguồn nước trong sạch có thể là nước an toàn để uống. Tuy nhiên, nước từ một số dòng suối có chứa một số vật chất hòa tan độc hại, nhưng những dòng suối độc như thế rất ít có.

Ngoài ra, một số nước tươi mát nhưng có chứa những chất mục nát của thực vật, vì thế, loại nước như thế cũng không thích hợp cho con người dùng để uống. Hơn nữa, còn có một số dòng suối là nơi tập hợp của những loại vi khuẩn mà chúng có thể gây ra bệnh cho con người.

Ngược lại, nếu có rất ít người sống trên quả đất, hầu hết những dòng nước từ sông ngòi, ao hồ, suối, tất cả đều là những nguồn nước trong sạch an toàn dùng để uống. Đây là một sự thật đối với Mỹ châu trước khi người Âu châu đến định cư.

Từ khi con người biết xây dựng những thành phố và hãng xưởng, những sinh hoạt của con người đã gây cho nhiều nguồn nước trong sạch bị biến đổi, đến nỗi nước trở nên không còn được an toàn để uống. Từ những nhà ở, khách sạn, và văn phòng làm việc, những rác bẩn và chất thải của con người thường được trực tiếp tống xuất vào trong những dòng nước lớn nhỏ. Hơn nữa, những vật chất thải bỏ từ những nông trường nuôi gia súc, và những nhà máy thịt đóng đồ hộp thường tràn ngập vào trong những dòng nước. Cũng như, những chất hóa học độc hại như sufuric-acid, đôi khi, được vận chuyển bằng ống cho chảy bỏ vào trong những dòng nước từ những hãng xưởng. Do đó, kết quả thực sự hiện nay có rất ít dòng nước, ao hồ, hay dòng suối là những nguồn nước trong sạch an toàn có thể uống được.

Hầu hết tất cả nước cần phải được điều chế để được an toàn cho con người dùng để uống. Để giữ an toàn cho dân chúng, cũng như trong việc ô nhiễm không khí, chính quyền đã nghiên cứu, và áp dụng những biện pháp thích nghi để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước.

2.3- Đất:

Con người tạo ra và dùng những vật dụng như: vỏ đồ hộp, giấy báo, và xe ô tô tự động, rồi sau đó, người ta loại bỏ không dùng chúng nữa. Những vật dụng này cũng là một phần thuộc vào môi trường sinh sống của chúng ta, trong lúc chúng còn đang được hữu dụng; cũng như, chúng đã bị loại bỏ sau khi không còn hữu dụng nữa.

Bằng cách nào để tối thiểu hóa những hậu quả độc hại của những vật dụng sau khi chúng bị phế thải? Giải pháp tốt nhất từ nhiều quan điểm là để tái chế biến những vật phế thải này, trở thành những vật hữu dụng khác. Khi chúng không thể dùng để chế biến, chúng phải được vứt bỏ, và nơi vứt bỏ phải là nơi không thuộc vào nơi người ta sinh sống, để tránh những tai hại do chúng gây ra cho con người. Bằng nhiều cách khác nhau, những vật phế thải rắn chắc được vứt bỏ đi.

Thí dụ: một số thành phố gần biển, người ta dùng sà lan hay ghe lớn mang nhưng vật phế thải rắn chắc này vứt bỏ vào đáy biển sâu. Một số thành phố khác mang chúng vào lò đốt thành tro. Ngoài ra, phương cách vứt bỏ thông thường nhất là mang chôn xuống những hố sâu được gọi là “a sanitary landfill”, tại những vùng đất rộng lớn bên ngoài thành phố thường được dùng cho việc chôn vật phế thải “landfill”. Mỗi phương cách vứt bỏ vật phế thải đều có những điểm tốt và xấu của nó.

Một số thành phố đang tiến hành chế biến những vật phế thải như là nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thí dụ: những vật chất kim loại được tái biến chế, phần có thể đốt cháy được dùng như một chất nhiên liệu, phần còn lại được dùng để tạo ra những vật dụng khác như những khối lớn dùng vào việc kiến trúc.

2.4- Sự Phóng Xạ (Radiation):

Trong môi trường sinh sống hiện đại, có nhiều chất ô nhiễm. Một số chất ô nhiễm như: khói thuốc lá hay sương khói, có thể nhận thấy được, và người ta hiểu biết về chúng. Cũng như, có những yếu tố khác trong môi trường có thể gây hại, mà con người không biết về chúng. Một trong những yếu tố này là sự phóng xạ.

Ánh sáng là một hình thức của sự phóng xạ. Ánh sáng có thể thấy được, nó có thể gây tổn hại đến đôi mắt nếu nó có cường độ quá mãnh liệt. Tia phóng xạ của máy thu thanh (radio) và máy ra-đa (radar) không thể nhìn thấy được, nhưng nó có thể gây tổn hại đến đôi mắt, và tổn thương ở bên trong con người, nếu người ta quá tiếp cận với nguồn phóng xạ. Ánh sáng với tia cực tím có thể gây ra sự sạm nắng và mối bất lợi khác đối với da và đôi mắt con người.

Những tia X rays, và Gamma rays, và những phóng xạ khác sinh ra từ những nguồn phóng xạ đều là vô hình và có thể gây tổn thương trầm trọng cho con người. Những tia phóng xạ này có thể đi xuyên qua vật dụng bằng thủy tinh, gỗ, những miếng kim loại mong manh, và mô tầng trong cơ thể con người. Những tia X rays sẵn sàng đi xuyên qua những mô tầng mềm trong cơ thể, nhưng không dễ xuyên qua xương. Bất cứ những mô tầng nào của cơ thể như: máu, thận, những tuyến, các dây thần kinh, đều có thể bị tổn hại bởi sự hiện diện lâu dài của những tia X rays.

2.5- Chất Phóng Xạ (Radioactive Substances):

Những vật chất nhất định trong vỏ trái đất đều mang tính phóng xạ. Những chất phóng xạ phát ra tính phóng xạ gamma, nó giống như những tia phóng xạ X rays. Hai chất phóng xạ nổi danh nhất là chất Radium và Uranium. Những yếu tố này được tìm thấy số lượng rất nhỏ, và rải rác trên những khu vực rộng lớn. Với một số lượng nhỏ, hai chất này gây hại rất nhỏ, hay vô hại. Trái lại, trong một hình thức tập trung, Radium và Uranium trở nên rất nguy hiểm.

2.6- Bom Nguyên Tử (Atomic Bomb):

Những chất phóng xạ đã được dùng chế tạo bom nguyên tử.

Hiệu quả trước tiên của bom nguyên tử là sự bốc cháy nhiệt, đủ để gây ra một hỏa lực bốc cháy trong một khoảng cách rộng lớn kinh khủng. Dọc theo sự bốc cháy nhiệt, có một sự bùng nổ của chất phóng xạ Gamma.

Hiệu quả thứ hai là làn sóng nổ chấn động đánh sụp đổ những tòa nhà buildings và những kiến trúc khác. Hai hiệu quả này giết chết và gây tổn thương trầm trọng cho nhiều người trong một khoảng thời gian ngắn.

Hiệu quả thứ ba là bụi phóng xạ (Radioactive Fallout). Nó gồm có những chất phóng xạ được sản sinh trong lúc tiếng nổ, và chúng lan trải rộng ra trong bầu không khí, và rơi phủ xuống một vùng mặt đất rộng lớn. Chúng có thể xuyên vào trong thực phẩm và nước và ảnh hưởng đến con người xa từ hiện trường của tiếng nổ.

Việc bảo vệ căn bản để tránh bụi phóng xạ là hầm ẩn náu. Hầm càng dày việc bao che càng tốt. Một số cơ quan bảo vệ dân sự tán thành biện pháp xây dựng những hầm ẩn náu dưới lòng đất với những thực phẩm dự trữ trong hai tuần lễ.

Một hiệu quả lâu dài của tính phóng xạ Gamma hay X rays là sự tàn phá chất tủy trong xương, gây nên sự suy sụp cơ thể trong việc tạo ra tế bào hồng huyết cầu (red blood cells). Các nhà khoa học đang nghiên cứu trên vấn đề bảo tồn chất tủy xương trong những ngân hàng tủy để dùng cho những nạn nhân về chất phóng xạ, từ bom hay những tai nạn xảy ra.

2.7- Năng Lượng Nguyên Tử (Atomic Energy):

Những chất phóng xạ được dùng trong ngành y khoa, nhằm để tìm kiếm những vùng nhiễm bệnh trong cơ thể, và dùng trong một số loại điều trị y khoa. Năng lượng nguyên tử còn được dùng để phát sinh ra điện lực trong những nhà máy điện, để cung cấp điện lực cho những tàu thủy, tàu ngầm; và trong tương lai nó có thể sẽ dùng để cung cấp điện lực cho máy bay.

Ngoài ra, những chất phóng xạ còn được sinh ra từ những bộ phận phế thải thuộc năng lượng nguyên tử. Những sản phẩm phế thải này là một vấn đề, vì nó có tính chất gây nguy hiểm cho đời sống con người. Hầu hết những chất phóng xạ thường ở vào tình trạng chậm tan rã và trở nên vô hại ít nhất 70 hay 80 năm. Ngoài ra, sự độc hại của một số khác có thể kéo dài thời gian nhiều hơn. Do đó, một giải pháp có thể an toàn là đặt những sản phẩm phế thải có chất phóng xạ vào những thùng chứa dày nặng (heavy containers), rồi đem chôn sâu dưới lòng đất, hay thả xuống dưới đáy biển.

Người ta không được biết chính xác là bao nhiêu năng lượng phóng xạ mà cơ thể con người có thể chịu đựng. Những hậu quả của nó không được rõ ràng trong nhiều năm sau khi sự xuất hiện của nó.

3- DÂN SỐ GIA TĂNG:

Chúng ta sống trong một môi trường, nơi đó đã bị ảnh hưởng bởi con người và những sự vật do con người tạo ra. Càng có nhiều người càng có tác dụng lớn hơn trên môi trường sinh sống của người ta.

3.1- Văn Hóa Thời Cổ Đại:

Vào thời thượng cổ, con người là dân du mục sống bằng việc săn bắn. Thực phẩm và quần áo của con người chỉ là những thú rừng và cây lá hoang dã. Những nơi trú ngụ là hang động, hay túp lều đơn sơ bằng những tảng đá và cành cây. Mãi về sau, con người mới bắt đầu biết định cư trồng trọt, và chăn nuôi động vật để sinh sống. Dần dần, con người học được nhiều cách mới hơn để gia tăng năng suất thực phẩm.

Vào lúc sơ khai, cả hai tỷ lệ sanh và tử rất cao. Hầu hết, tuổi đời con người trung bình ít hơn 30 năm. Một người có tuổi 40 thường được tôn trọng, vì họ đã sống trường thọ. Ngoài ra, khi sự cung cấp thực phẩm thiếu kém, hay bệnh tật tấn công, hoặc tai nạn xảy ra, đã khiến cho nhiều người bị chết. Nạn chết đói thật là kinh khủng cho con người sơ khai. Việc sống theo phép vệ sinh chưa được người ta biết đến, vì vậy, nhiều bệnh chứng được truyền nhiễm bởi nước và thực phẩm ô nhiễm. Hầu hết, con người chết với bệnh sốt thương hàn, vì không có phương cách điều trị. Cũng như, những thương tổn gây nên bởi những thú rừng, bởi những cuộc chiến đấu, hay bởi những tai nạn ngã té đã làm tàn phế, và giết hại nhiều người.

3.2- Đời Sống Tân Thời Đại:

Khi con người trở nên văn minh, người ta đã học được nhiều cách tiến bộ để gia tăng thực phẩm, phòng bệnh, và điều trị những thương tật. Do đó, con người sống được trường thọ hơn. Dân số bắt đầu gia tăng. Dân số trên thế giới đã gia tăng gấp đôi trong 45 năm qua. Hiện nay, tỷ lệ gia tăng dân số sẽ gấp đôi lần nữa trong vòng 35 năm tới. Việc này chắc chắn sẽ xảy ra vì có nhiều người đang được sinh ra, và con người đang sống trường thọ hơn. Sự kiện này dẫn đến một số chi tiêu tài lực phong phú để xây dựng, điều hành, và duy trì những thành phố, hãng xưởng, và nhà ở để thích nghi cho dân số gia tăng hiện tại.

Nếu dân số gấp đôi, chúng ta sẽ cần xây thêm một bộ mới về nhà ở, hãng xưởng, xa lộ, tiện nghi vận chuyển, ít nhất tương đương với tầm mức tiện nghi hiện tại. Nếu như thế, chỉ có một số nhỏ quốc gia có thể cố gắng vượt qua những chi tiêu khổng lồ này. Ngoài ra, nhiều quốc gia khác sẽ không thể đủ điều kiện để thực hiện việc này. Mặc dù, việc gia tăng dân số, và tuổi thọ lâu dài của con người, không chỉ dẫn đến vấn đề kinh tế, mà còn tạo nên gánh nặng cho chính phủ trong việc cấp dưỡng những người già, qua các chương trình hưu bổng, và y tế. Một số lớn người già có nghĩa là những chương trình này được đánh giá nặng hơn.

Nói chung, đời sống hiện nay của chúng ta đã có nhiều khác biệt đối với đời sống 500 năm trước đây của người Mỹ Da Đỏ. Môi trường sinh sống hiện nay là kết quả của nhiều sự việc mà con người đã tạo ra. Nó cho con người những cơ hội mà những dân tộc thời sơ khai không bao giờ mơ ước được. Thí dụ: Sự dễ dàng du hành bằng máy bay để vượt qua những khoảng cách không gian xa xôi rộng lớn.

Việc này cũng bao gồm một số nguy hiểm gây ra bởi những liên quan với nhau. Thí dụ: mối nguy hiểm gây thiệt hại gia tăng cho phổi con người từ bầu không khí ô nhiễm. Trong nhiều năm, con người đã lờ đi những mối nguy hiểm gây ra bởi môi trường bị ô nhiễm. Hơn nữa, trước đây, nhiều người đã ý thức được tình trạng nguy hiểm sức khỏe từ nhiều loại ô nhiễm khác nhau. Cho nên, người ta cũng đã áp dụng những bước hiệu quả để kiểm soát những nguồn phát sinh ô nhiễm trong môi trường sinh sống./.

VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh