Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Y học & đời sống
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

Theo y học đông tây, những nguyên nhân gây ra bệnh tật cho con người đến từ những nguyên nhân: nội tại, ngoại giới, và một số đặc biệt khác.

1- NHỮNG NGUYÊN NHÂN NỘI TẠI:

Trong y học đông phương, giữa sức khỏe thể chất và đời sống cảm xúc, có một sự liên hệ trực tiếp với nhau. Mỗi cơ quan bên trong cơ thể có một mối liên quan hỗ tương với những cảm xúc liên hệ. Việc này có nghĩa là những cơ quan nội tạng có sự chi phối trên sự biểu lộ những cảm xúc đặc biệt, và trái lại, những cảm xúc này tạo sự ảnh hưởng tác động vào chức năng sinh lý của những cơ quan đã chi phối chúng. Thí dụ, sự không hòa hợp của hai buồng phổi sẽ dẫn đến sự buồn bã sầu thảm; trái lại, cảm giác buồn thảm luôn luôn làm cho phổi bị suy yếu. Do đó, chúng ta có thể hiểu rằng những xúc cảm có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc sinh ra bệnh tật.

Sau đây là bảy cảm xúc căn bản được xếp vào nhóm nguyên nhân nội tại sinh ra bệnh tật con người: Sợ hãi (fear), tức giận (anger), vui mừng (joy), sự khích động hay hoảng sợ (shock or fright), lo lắng (worry), suy nghĩ quá đáng (pensiveness), sự buồn rầu (sadness). Trong những hoàn cảnh bình thường, những xúc cảm này đóng một vai trò tích cực thông thường. Tuy nhiên, chúng chỉ tác động tiêu cực khi chúng trở nên quá mãnh liệt hay chi phối tâm hồn trong một thời kỳ lâu dài.

1.1- Sự Sợ Hãi (Fear):

Một ý thức thích nghi về bản năng sợ hãi là điều quan trọng cho sự sinh tồn. Tuy nhiên, sự sợ hãi kéo dài hay quá đáng sẽ tạo ra tình trạng suy giảm khí lực, và làm suy yếu chức năng của thận; cũng như, gây ra sức nóng (hỏa nhiệt) trong tim và sự biểu lộ những mối xúc cảm liên hệ như lo âu và bất an trong tâm trí.

1.2- Sự Tức Giận (Anger):

Sự tức giận đôi khi là sự cần thiết để thể hiện uy quyền của người ta. Tuy nhiên, cơn tức giận quá mức và không thích đáng sẽ tạo ra tình trạng dâng cao khí lực, hỏa nhiệt trong gan, và khiến cho chức năng gan bị đình trệ. Đồng thời, chứng nhức đầu, chứng khó tiêu hóa, và những vấn đề khác là hậu quả của những cơn tức giận. Sự tức giận có thể bao gồm một số cảm xúc liên hệ như thất vọng (frustration), dễ bị kích thích (irritability), và cau có phẫn uất (resentment).

1.3- Sự Vui Mừng (Joy):

Nói chung, sự vui mừng là một cảm xúc hữu ích tự nhiên cho đời sống khỏe của con người. Tuy nhiên, những kích thích tinh thần do sự vui mừng quá độ cũng có thể làm suy giảm khí lực của người ta.

1.4- Sự Khích Động hay Hoảng Sợ (Shock or Fright):

Những khích động tinh thần gây cho khí lực bị phân tán, và ảnh hưởng bất lợi cho cả hai bộ phận thận và tim. Vì khi khí lực của tim bị suy yếu; lập tức thận phải cung cấp khí lực cho tim. Do đó, thận phải chịu một áp lực nặng trên việc này.

1.5- Sự Lo Lắng (Worry) và Suy Nghĩ Quá Độ (Pensiveness):

Lo lắng và suy nghĩ quá độ có thể được nói là một vấn đề khó khăn đối với khí lực, và làm gián đoạn sự lưu thông nguồn khí trong lá lách (spleen) và phổi. Vì lá lách (spleen) có mối liên quan đến sự suy nghĩ. Do đó, lá lách sẽ bị suy yếu, khi chịu áp lực quá nặng bởi những lo lắng và suy nghĩ quá độ. Đồng thời, vai trò chính của lá lách trong việc tiêu hóa cũng bị đình trệ. Trong khi phổi bị ảnh hưởng liên hệ, và tạo ra những khó khăn trong chức năng hô hấp; hậu quả là chứng khó thở hay hơi thở mất bình thường.

1.6- Sự Buồn Rầu (Sadness):

Trong tình trạng điều hòa, phổi là nguồn mang đến sự sống và tính lạc quan. Tuy nhiên, khi chúng ta lâm vào tình trạng quá buồn rầu và đau thương, phổi sẽ bị suy yếu. Vì phổi bảo quản nguồn khí lực, sự buồn rầu làm phân tán nguồn khí lực và đưa đến hậu quả của sự mệt mỏi cơ thể. Hơn nữa, sự buồn rầu kéo dài sẽ làm suy yếu hệ thống miễn nhiễm cơ thể. Vì phổi là trung tâm phát xuất nguồn vệ khí (defensive Ki).

2- NHỮNG NGUYÊN NHÂN NGOẠI GIỚI:

Những nguyên nhân nội tại gây ra bệnh tật là những nguyên nhân có tính chất tế nhị, và xuất hiện từ bên trong cơ thể. Tuy nhiên, những nguyên nhân ngoại giới là do những thành tố thiên nhiên trong vũ trụ, và môi trường sinh sống từ bên ngoài cơ thể con người. Đây là những yếu tố gây bệnh từ bên ngoài. Thí dụ: Gió (wind), hơi lạnh (cold), hơi nóng-lửa (heat-fire), mùa hè-nóng (summer-heat), sự khô ráo (dryness), sự ẩm ướt (dampness).

Ngoài ra, tính nhạy cảm sinh bệnh còn tùy thuộc vào cả hai sức tác động ngoại giới và sức đề kháng cơ thể. Vì vậy, những điều kiện thời tiết thái quá thường là những nguyên nhân ngoại giới dễ sinh ra những chứng bệnh cho những người có cơ thể yếu kém.

2.1- Gió (Wind):

Khởi đầu, gió xâm nhập cơ thể bằng cách xuyên qua lớp da thịt bao phủ cơ thể, trong đó có sự tuần hoàn của vệ khí (defensive Ki) do phổi kiểm soát. Ngoài ra, phổi là cơ quan của cơ thể có sự tiếp xúc ngoại biên qua không khí; cho nên, phổi là cơ quan đầu tiên dễ bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập của gió. Gió ảnh hưởng vào chức năng điều hòa của phổi, để gây ra các chứng hắt hơi/nhảy mũi, chứng nghẹt đường mũi, chứng đau bắp thịt, chứng nhức đầu, và chứng sợ lạnh.

Gió được tiêu biểu bởi những triệu chứng cấp tính (ngắn hạn), mà những triệu chứng này phản ảnh cho hành động của gió trong thiên nhiên: nó xuất hiện một cách nhanh nhẹn, thay đổi nhanh chóng, và thổi một cách mãnh liệt và không thường xuyên. Gió khí hậu tạo cho cây cối bị rung chuyển. Gió sinh bệnh tạo cho cơ thể bị lạnh và rung rẩy. Gió trong thiên nhiên thuộc về Dương (Yang); vì vậy, nó có khuynh hướng gây tổn hại cho Âm (Yin) khí của cơ thể. Có hai loại gió ngoại biên: Gió lạnh/hàn (Wind-Cold) và Gió nóng/nhiệt (Wind-Heat).

- Gió Lạnh/Hàn (Wind-Cold):

Được biểu lộ bởi các chứng hắt hơi /nhảy mũi, chứng lạnh rùng mình, chứng sợ lạnh, chứng ho, và chứng chảy nước mũi với chất nhờn lỏng trong trắng. Ngoài ra, còn có chứng đau nhức và tê cứng (nhất là các nơi trong cổ, và phía sau đầu), chứng sốt nhẹ. Gió lạnh/hàn tạo cho nhịp mạch có cả hai tính di động (floating) và đình trệ (tight).

- Gió Nóng/ Nhiệt (Wind-Heat):

Được biểu lộ bởi tình trạng lên cơn sốt và toát ra mồ hôi, khát nước, ho hen, và nghẹt đường mũi với chất nhờn đậm đặc màu vàng. Chứng đau cổ họng và nhức đầu cũng được xuất hiện. Trong việc so sánh với gió lạnh/hàn (Wind-Cold), chứng đau nhức bắp thịt và chứng sợ lạnh có phần nhẹ hơn; trong khi chứng phát sốt trở nên nặng hơn. Gió nóng/nhiệt (Wind-Heat) tạo cho nhịp mạch có cả hai tính di động (floating) và nhanh (rapid).

2.2- Hơi Lạnh (Cold):

Hơi lạnh ngoại biên có thể đi xuyên vào trong cơ thể của những người sinh sống, hay làm việc trong những điều kiện lạnh lẽo. Cũng như, những người không có quần áo thích nghi để chống lạnh. Hơi lạnh gây nên sự đình trệ khí lực, chứng đau nhức bắp thịt, và chứng viêm khớp xương. Hơi lạnh tạo cho nhịp mạch bị đình trệ (tight pulse), và lưỡi trở nên trắng nhợt.

2.3- Hơi Nóng/ Nhiệt - Hỏa (Heat-Fire):

Hơi nóng ngoại biên có thể đi xuyên vào trong cơ thể của những người sinh sống, hay làm việc trong những môi trường quá nóng bức. Thí dụ, trong nhà bếp, hay lò nướng bánh quá nóng. Tuy nhiên, nhiệt-hỏa (Heat-Fire) phát sinh thường nhất từ nội tại. Chúng phối hợp với những yếu tố ngoại biên sinh bệnh như: gió hay sự ẩm ướt để sinh thêm những triệu chứng của sự nóng tự nhiên.

Vì tính mãnh liệt tự nhiên của Dương (Yang), nhiệt-hỏa làm tổn hại đến Âm (Yin) của cơ thể. Ngoài việc tạo cho người ta cảm thấy nóng, nhiệt còn làm khô ráo chất lỏng trong cơ thể, và gây ra tình trạng khát nước và khô miệng. Nó còn gây ra sự đau đớn nóng bỏng.

Hỏa biểu lộ giống như những tính chất vừa nói trên, nhưng nó có tính chất mạnh và vững chắc hơn nhiệt. Hỏa thường làm cho chất phân trong ruột già bị khô đặc lại, và gây nên chứng táo bón. Ngoài ra, Hỏa còn có thể làm cho máu trở nên nóng lên, và gây ra chứng chảy máu. Nó có một ảnh hưởng lớn đối với tâm trí, gây cho tinh thần bối rối bất an, và tạo ra chứng mất ngũ. Nó có khuynh hướng sinh ra chứng lở loét miệng, và tạo ra vị đắng trong miệng. Cả hai nhiệt và hỏa (Heat-Fire) tạo cho nhịp mạch nhanh (rapid pulse) và lưỡi đỏ.

2.4- Mùa Hạ - Nhiệt (Summer-Heat):

Trường hợp bị say nắng (sunstroke) là một điển hình đặc biệt về sự tràn ngập của nhiệt trong mùa hè nóng bức. Giống như nhiệt-hỏa (Heat-Fire), nó gây hại cho tính Âm (Yin) của cơ thể, gây cho con người bị khát nước, toát đổ mồ hôi, nhức đầu, nước tiểu trở nên đậm màu và khan hiếm. Mùa hè nóng nhiệt có thể gây cho người ta lâm vào tình trạng mê sảng, và bất tỉnh nhân sự. Nó tạo cho nhịp mạch nhanh (rapid pulse) và lưỡi đỏ.

2.5- Sự Khô Ráo (Dryness):

Sự khô ráo là một yếu tố gây bệnh ngoại giới khác, nó tấn công vào phần ẩm ướt, Âm (Yin) tính của cơ thể. Sự khô ráo thái quá của những môi sinh thiên nhiên hay nhân tạo đều có thể khiến cho cơ thể lâm vào tình trạng khô héo, nhất là môi, miệng, lưỡi, và cuống họng. Ngoài ra, chất phân trong ruột già có thể trở nên khô đặc và nước tiểu trở nên đậm màu, khan hiếm.

2.6- Sự Ẩm Ướt (Dampness):

Sự ẩm ướt gây nên tình trạng nặng nề và ngao ngán cho môi sinh. Vì thế, nó gây trở ngại cho tính Dương (Yang) của cơ thể; đặc biệt đối với chức năng chuyển hóa của lá lách. Vào thời tiết ẩm ướt, việc mặc quần áo ẩm ướt, và sống trong vùng ẩm thấp có thể dễ bị sinh bệnh. Sự ẩm ướt ngoại giới thường xâm nhập vào cơ thể và gây ra những triệu chứng của bệnh viêm thấp khớp (rheumatoid arthritis). Thí dụ: đau nhức, tê cứng, và sưng phồng những khớp xương.

Ngoài ra, sự ẩm ướt có thể kết hợp với nhiệt nóng để sinh ra chứng lên cơn sốt cho con người. Sự ẩm ướt ngoại giới có thể gây cho lưỡi bị đóng dày bợn nhơ.

Sự ẩm ướt cũng có thể được sinh ra từ bên trong sự yếu kém của chức năng lá lách (spleen), vì sự yếu kém này khiến cho sự di chuyển chất lỏng của cơ thể bị đình trệ. Sự ẩm ướt nội giới được thể hiện bởi sự xuất hiện những triệu chứng chậm hơn, đối với những triệu chứng của sự ẩm ướt từ ngoại giới đưa vào. Nó thường gây ra sự mệt mỏi cơ thể và cảm giác nặng nề nơi tứ chi. Sự ẩm ướt nội tại còn tập tung trong lồng ngực để sinh ra cảm giác khó thở, và thường làm cho người ta cảm thấy bị nặng đầu khó chịu.

3- NHỮNG NGUYÊN NHÂN ĐẶC BIỆT KHÁC:

Sau đây là những nguyên nhân đặc biệt khác không nằm trong hai loại nguyên nhân gây bệnh nội tại và ngoại giới: thể tạng yếu kém, thói quen ăn uống thiếu dinh dưỡng, sự cố gắng quá sức lực, tình dục quá độ, cơ thể bị chấn thương, ký sinh trùng và chất độc.

3.1- Thể Tạng Yếu Kém (Poor Constitution):

Sức mạnh thể tạng của một cá nhân tùy thuộc vào sức khỏe của cha mẹ họ, đặc biệt vào lúc còn là bào thai. Đây là thời gian “Bản chất tiên thiên” (Pre-Heaven Essence) được hình thành từ sự liên hợp với bản chất của cha mẹ. Bản chất bào thai trở nên tùy thuộc vào sự nuôi dưỡng từ bà mẹ. Cho nên, sức khỏe của bà mẹ trong thời kỳ thai nghén là một yếu tố khác, để xác định sức mạnh thể tạng của đứa bé. Do đó, bản chất tiên thiên, một phần lớn, đã được xác định trước.

Nếu thể tạng bẩm sinh yếu kém (Tiên thiên bất túc), người ta có thể tự trau dồi khí lực để nâng cao sức khỏe của mình (Hậu thiên bồi bổ) bằng những phương cách đặc biệt như dinh dưỡng tốt, ngủ nghỉ đầy đủ, thường xuyên vận động thể dục, . . .

3.2- Thói Quen Ăn uống Thiếu Dinh Dưỡng (Poor Dietary Habits):

Việc ăn uống thiếu dinh dưỡng thường xuyên là một nguyên nhân chính gây nên sức khỏe yếu kém, và đóng một vai trò trong việc phát khởi hầu hết những bệnh tật. Vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe nằm trong lãnh vực rộng lớn, nhưng sau đây chúng ta chỉ đề cập đến cái nhìn tổng quát ngắn gọn của một vài quan điểm quan trọng nhất của nó sau đây:

Việc ăn uống của người phương tây, phần lớn, có hai vấn đề chính: việc tiêu thụ quá độ những thực phẩm thịt động vật, và sự ảnh hưởng thái quá về kỹ thuật học nông nghiệp, cũng như sự sản xuất thực phẩm. Việc tín nhiệm nặng nề trên những sản phẩm thuộc về sữa và thịt dẫn đến thực phẩm quá dồi dào chất béo. Hơn nữa, việc nuôi động vật với những kích thích tố và thuốc kháng sinh nhằm kích thích cho động vật mau lớn, để nâng cao tính sinh lợi.

Ngoài ra, việc ngự trị kỹ thuật học trên những thực phẩm tân thời đã thể hiện quá rõ ràng trong việc dùng nặng về những phân bón hóa học, và những thuốc trừ sâu, cũng như những chất biến chế hóa học trong thực phẩm. Tất cả những ảnh hưởng này đã nâng cao khả năng những chứng bệnh làm thoái hóa cơ thể con người.

Việc thiếu dinh dưỡng là một vấn đề khác, trong cả hai thế giới thứ ba và những vùng nghèo đói tây phương. Nó gây cho khí lực và máu bị suy yếu trầm trọng, và gây hậu quả khiếm khuyết chức năng của tỳ/lá lách (spleen), trong việc thấm thấu và chuyển hóa chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Việc ăn uống quá độ lượng cũng làm suy yếu tỳ/lá lách (spleen), dạ dày (stomach), và dẫn đến sự đình trệ tiêu hóa thực phẩm được thể hiện bởi các chứng đầy hơi, chứng khó tiêu, chứng ợ chua, chứng nôn mửa.

Việc ăn uống một cách đều đặn những thực phẩm nóng lạnh thái quá cũng có hại cho sức khỏe. Những thực phẩm quá nguội lạnh (như rau cải sa-lách, trái cây, nước ép trái cây, và cà rem) có thể gây tổn hại cho Dương tính của lá lách, và gây cho chức năng chuyển hóa của lá lách bị suy yếu (chức năng này cần có sự nòng ấm).

Những thực phẩm có tính nóng tự nhiên như: thịt bò, thịt heo, rượu, và những gia vị cay nòng. Việc ăn quá lượng những thực phẩm này có thể phát sinh những triệu chứng nóng (nhiệt) trong bộ phận gan và dạ dày. Những triệu chứng này được thể hiện bởi chứng đau nóng trong dạ dày, và chứng tiết ra mùi vị đắng trong miệng. Những thực phẩm có dầu mỡ và chiên xào sẽ dẫn đến chứng đờm dãi (Phlegm) và chứng ẩm ướt, vì chúng gây suy yếu chức năng của tỳ/ lá lách (spleen). Chứng đờm dãi (Phlegm) thể hiện qua việc nghẹt xoang mũi, và lưỡi đóng dày màng bợn nhơ.

Nói chung, việc quan tâm đến những thực phẩm lành mạnh nên kể đến như: hạt ngũ cốc và những sản phẩm từ chúng, rau cải, trái cây, đậu, trứng, cá, thịt trắng, tránh ăn thịt đỏ như heo, bò, nai, dê. Ngoài ra, việc ăn uống nên giữ trong tình trạng ổn định yên tịnh, tránh nơi có nhiều ồn ào náo nhiệt. Hơn nữa, trong lúc tinh thần đang bị buồn rầu lo lắng, hay ăn uống một cách vội vã, hoặc vừa ăn vừa làm việc trong một lúc; tất cả đều sẽ làm suy yếu cho dạ dày/vị (stomach) và lá lách/tỳ (spleen), cũng như sự tiêu hóa sẽ bị trở ngại.

3.3- Sự Cố Gắng Quá Sức Lực (Over-Exertion):

Việc vận dụng quá sức về thể chất và tinh thần thường là nguyên nhân gây ra những vấn đề bất lợi cho sức khỏe con người. Việc nghỉ ngủ luôn luôn là thiết yếu để bổ sung cho sự bảo tồn khí lực của người ta. Việc thiếu ngủ nghỉ trên một số tháng năm sẽ gây cho cơ thể bị hao mất khí lực, nó sẽ dẫn đến tình trạng suy yếu thể tạng.

Việc làm quá sức về thể chất sẽ tạo nên tình trạng căng thẳng, chịu đựng quá độ trên bộ phận lá lách, vì lá lách có chức năng ảnh hưởng đến các cơ bắp trong cơ thể. Cho nên, việc vận dụng quá sức một số bắp thịt nhất định, lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể gây ra khí lực bị giới hạn một nơi hay sự đình trệ của máu, và có hại cho cơ thể. Trái lại, việc thiếu vận động thân thể cũng sẽ dẫn đến sự đình trệ của máu và khí lực.

Tương tự như thể chất, việc làm quá sức về tinh thần cũng có khuynh hướng tiêu hao tính Âm (Yin) của cơ thể, vì vậy nó làm suy yếu dạ dày (stomach) và thận (kidneys).

3.4- Sinh Hoạt Tình Dục Thái Quá (Excessive Sexual Activity):

Sinh hoạt tình dục thái quá sẽ dẫn đến khô cạn nguồn sinh lực của người ta. Tiềm năng tình dục của cả hai nam nữ đều được bắt nguồn từ bản chất của thận (Kidney-Essence). Vì vậy, những người lạm dụng tình dục thái quá, và không có đủ thời gian để bồi dưỡng cơ thể, bộ phận thận sẽ trở nên suy yếu.

Đặc biệt với phái nam, khi thận bị suy yếu, chứng sớm xuất tinh (premature ejaculation) sẽ xuất hiện trong lúc làm tình. Rồi dẫn đến tình trạng bất lực (impotence) nơi phái nam nếu không được điều trị thích đáng. Khi cơ thể bị cạn nguồn sinh lực, hệ miễn nhiễm cũng bị suy yếu, và là nguyên nhân dễ phát sinh những bệnh chứng.

3.5- Cơ Thể Bị Chấn Thương (Trauma of Body):

Những tai nạn rủi ro (như: xe cộ, trong việc làm, sự trượt té,...) thường gây cho con người bị chấn thương như gãy xương, sưng bầm, tổn thương nội tạng,... Thông thường, tình trạng chấn thương sẽ gây ra sự đình trệ khí lực và sự ứ đọng máu trong cơ thể. Đôi khi trầm trọng, tình trạng suy yếu khí lực trở nên dài hạn, và là cơ hội giúp cho những yếu tố ngoại giới dễ xâm nhập vào cơ thể, để sinh ra các bệnh chứng.

3.6- Những Ký Sinh Trùng Và Chất Độc (Parasites and Poisons):

Những ký sinh trùng trong hình thức của những loại sán (parasitical worms), thường xảy ra với trẻ con. Những ký sinh trùng này và những loại chất độc là những nguyên nhân gây bệnh tật cho con người.

VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh