Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Y học & đời sống
VUI HỌC VỚI TUỔI THÀNH NHÂN
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

VUI HỌC VỚI TUỔI THÀNH NHÂN
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

1- KHÁI NIỆM VỀ VIỆC HỌC TẬP:

Nếu chúng ta tự nhìn vào chúng ta ngày hôm nay, để so sánh với chính con người của chúng ta ở vào những năm trước đây, chắc chắn, chúng ta sẽ thấy có nhiều thay đổi. Một trong những thay đổi hiện tại, mà chúng ta nhận thấy, đó là hình dáng, với những cơ bắp, và bộ xương trở nên to lớn và nặng hơn, hoặc nhỏ ốm và nhẹ hơn,... Do đó, chúng ta có thể nói rằng với thời gian, cơ thể chúng ta đã có một quá trình thay đổi để trưởng thành.

Hơn nữa, chúng ta còn thay đổi về tinh thần. Thí dụ: chúng ta hiểu biết những sự việc nhiều hơn, không chỉ những kiến thức qua sách vở, mà còn những hiểu biết xuyên qua nhiều loại kinh nghiệm sống khác nhau, cả hai trong và ngoài trường học. Ngoài ra, có lẽ, chúng ta đã có những thói quen mới, và đánh mất những thói quen cũ. Cũng như, chúng ta đã trau dồi một số năng khiếu cũ, và thụ nhận được một số năng khiếu mới,...

Tất cả những thay đổi này đã xảy ra xuyên qua việc học tập. Mỗi khi kinh nghiệm mang đến một số thay đổi trong tâm tính, hay thái độ trên con người chúng ta. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã học tập được một số sự việc của đời người.

Những thành đạt, trong đời sống chúng ta, chính là những kết quả của những gì mà chúng ta đã học được trong những năm trước. Do đó, để hiểu rõ những gì đã tạo nên cách sống của con người, chúng ta cần phải biết chúng qua việc học tập.

Hơn nữa, chúng ta ai ai cũng đều biết “Sống là tranh đấu”, tranh đấu không chỉ trong nội tại chính chúng ta, mà còn với ngoại giới. Do đó, để mưu cầu hạnh phúc, và có lợi thế trên trường đời tranh đấu, chúng ta cần phải rèn luyện thân tâm, mà việc học tập là một nhu cầu thiết yếu, trực tiếp hay gián tiếp giúp ích cho việc rèn luyện thân tâm của chúng ta. Cho nên, Chúng ta nên quan tâm đến việc học tập của riêng chúng ta, không chỉ ngay bây giờ, mà còn tiếp tục trong tương lai, bởi vì trường đời là một tiến trình học tập không ngừng.

Nói tóm lại, việc học tập tạo ra sự thay đổi trong con người, và giúp chúng ta có một số kinh nghiệm trong đời sống. Nói cách khác, sự thay đổi trong chúng ta có thể do sự việc mà chúng ta đã học tập được, và nó làm cho chúng ta trở nên nhiều tự tin hơn.

2- NHỮNG NGUYÊN LÝ CĂN BẢN TRONG VIỆC HỌC TẬP:

Việc học tập không phải là một vấn đề đơn giản. Các nhà tâm lý giáo dục vẫn còn chưa hoàn toàn hiểu hết những khía cạnh liên quan đến việc học tập. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng tìm thấy một số nguyên lý căn bản về việc học tập như sau:

2.1- Chúng Ta Học Tập Qua Kinh Nghiệm Trong Việc Làm: Việc này có nghĩa rằng chúng ta chỉ học tập khi cá nhân chúng ta được thực sự tham gia tích cực vào bất cứ sinh hoạt nào.

2.2- Việc Học Tập Luôn Luôn Là Một Vấn Đề Thuộc Cá Nhân: Thí dụ, trong hoàn cảnh giống nhau của hai người cùng học chung một sự việc, mỗi người sẽ học tùy theo những cá biệt của mỗi người về: khả năng, nhu cầu, sự quan tâm, mục tiêu, và những kinh nghiệm quá khứ,...

2.3- Kinh Nghiệm Ít Khi Mang Đến Một Sự Thay Đổi Đơn Độc (Thường Nhiều Hơn Một):

Thông thường, bất cứ kinh nghiệm nào, được gặt hái từ việc học, đều gây ảnh hưởng (làm thay đổi) đến người học tập trong nhiều chiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, đặc biệt, có một số trường hợp, nơi nào sự thay đổi có thể bị giới hạn đối với một loại sự việc. Thông thường, có nhiều loại kết quả khác nhau theo sau một hay nhiều kinh nghiệm mới được gặt hái từ việc học.

2.4- Để Có Kinh Nghiệm Mới, Việc Học Càng Có Nhiều Vị Thế Khác Nhau Càng Tốt:

Khi chúng ta làm nhiều lần cùng một loại sự việc, từ ngày này sang ngày khác, chúng ta sẽ không thay đổi, và không học được gì mới. Như thế, chúng ta sẽ không học được kinh nghiệm mới. Do đó, để học được những kinh nghiệm mới, việc học nên được khai triển vào nhiều vị thế khác nhau, càng nhiều càng tốt, để giúp cho người học có tầm nhìn và hiểu biết thêm phần rộng rãi và sâu sắc hơn.

2.5- Tư Thế Càng Sẵn Sàng, Việc Học Xuất Hiện Càng Dễ Dàng Hơn: Trái lại, chúng ta càng ít sẵn sàng, việc học trở nên càng khó khăn hơn. Tư thế sẵn sàng ở đây có ba ý nghĩa như sau:

1) Cấu trúc thể chất và tinh thần của chúng ta đã phát triển đủ đến mức để có khả năng làm những gì được dự định.

2) Chúng ta đã có bất cứ những gì mà kiến thức và năng khiếu của chúng ta có thể đáp ứng cho việc học.

3) Ước vọng hay nhu cầu của chúng ta muốn để học.

3- SỰ KIỂM SOÁT VIỆC HỌC CỦA CHÚNG TA:

Theo các nhà tâm lý giáo dục, để việc học có ích lợi, chúng ta nên quan tâm kiểm soát việc học của chúng ta. Sau đây là một số đề nghị có thể thực hiện:

3.1- Cần Nhận Diện Những Thay Đổi Trong Con Người Chúng Ta: Trong khoảng thời gian nào đó, chúng ta thường có những thay đổi về cá tính, kiến thức và năng khiếu. Tuy nhiên, đây không phải là việc theo dõi những gì xuất hiện từ ngày này sang ngày khác, nhưng chắc chắn chúng ta có thể tự biết được rằng chúng ta đã thay đổi như thế nào trong vòng những tháng năm nào đó. Thí dụ, trong sáu tháng, một hay hai năm,...

3.2- Cần Phác Họa Trong Tâm Trí, Chúng Ta Sẽ Thay Đổi Theo Chiều Hướng Nào: Chúng ta nên có khả năng để xác định phạm vi nào chúng ta cần phải phát triển thêm. Thí dụ như: về những năng khiếu xã giao, sự thông cảm với những người khác, lòng quảng đại, tính kiên nhẫn, tính dũng cảm,...

3.3- Tránh Học Điều Gian Ác Và Nên Học Điều Lương Thiện: Trong đời sống phức tạp của con người, cả hai việc này có thể không phải là những việc dễ nhất để làm. Tuy nhiên, chúng ta giả dụ rằng hầu hết người đời không sống đơn thuần với cuộc đời dễ nhất của nó.

Theo cổ nhân đông phương, con người bẩm sinh luôn có bản chất lương thiện “-Nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng hoàn cảnh xấu trong xã hội đã ảnh hưởng, khiến con người làm điều gian ác. Cho nên, hầu hết mọi người chúng ta, bẩm sinh, luôn luôn dễ có khuynh hướng sống thiện hơn, và chống lại những điều gian ác.

Do đó, trong việc học, với những kinh nghiệm biết phân biệt thiện ác, chúng ta nên tránh những ảnh hưởng xấu do hoàn cảnh xã hội đưa đến, và nên học tập những điều lương thiện. Như thế, việc học sẽ mang đến những kinh nghiệm mới, và giúp ích cho cá nhân, gia đình, và nhân quần xã hội.

4- CỐ GẮNG TẠO CÀNG NHIỀU CƠ HỘI HỌC TẬP CÀNG TỐT:

Trong suốt cuộc đời, chúng ta không thể nào tránh khỏi sự tham dự vào một số việc học tập. Ở đây, chúng ta muốn nói đến một giới hạn tối thiểu việc học tập nào đó. Thực ra, tất cả chúng ta đều có thể học tập nhiều hơn là giới hạn tối thiểu, nếu chúng ta muốn và cố gắng.

4.1- Tại Sao Chúng Ta Cần Tiếp Tục Học Càng Nhiều Như Chúng Ta Có Thể?

Nếu việc học tập mang tính chất tốt, khi chúng ta tiếp tục theo học càng nhiều, chúng ta sẽ gặt hái được những điều hữu ích như sau:

- Chúng ta sẽ biết nhiều hơn về chính con người của chúng ta.
- Chúng ta sẽ biết nhiều hơn về thế giới chúng ta sống.
- Chúng ta sẽ trở nên người có nhiều khả năng hơn.
- Chúng ta sẽ hưởng được cuộc sống nhiều thú vị hơn.

4.2-Bằng Cách Nào Để Có Việc Học Trong Cuộc Sống Chúng Ta?

Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời tốt nhất bằng việc khảo sát những khả năng của chúng ta đối với việc học. Bằng mọi cách, từ những sinh hoạt đời sống bình thường, chúng ta có thể tiến đến những kinh nghiệm mới, mà chúng sẽ tạo cho chúng ta nhiều thú vị hơn, nhiều khả năng chuyên môn hơn, và chúng ta có thể tự cảm thấy nhiều thích thú hơn.

4.2.1- Chúng Ta Có Thể Học Xuyên Qua Việc Đọc:

Một Việc đáng tiếc rất lớn vì quá nhiều người thờ ơ, không chú ý đến việc đọc. Phần đông những người này đặt nặng vào máy truyền hình (TV) là nguồn chính yếu cung cấp tin tức và giải trí cho họ. Trong khi có những quyển sách; rất thích hợp với mọi sở thích, mọi trình độ khả năng; mang đến cho người đọc nhiều thú vị, nhiều kiến thức và kinh nghiệm sống. Hơn nữa, không có một người nào với trí thông minh bình thường mà không thể tìm thấy hàng ngàn giờ vui thích trong những quyển sách, và gia tăng kiến thức của họ trong nhiều lãnh vực khác nhau. Việc dùng vài giờ khám phá sự vui thích của việc đọc sách về những chuyến du lịch tại Phi Châu, hay về đời sống của dân Eskimos, hay chuyến hải hành xuyên qua đại dương bằng tàu biển.

Đây là vài thí dụ để chứng minh cho chúng ta thấy rằng việc tiếp tục học xuyên qua những sách là việc quá tốt đẹp và hữu ích. Ngoài ra, chúng ta còn có thể xuyên qua những tạp chí và nguyệt san. Nếu chúng ta có thói quen chỉ đọc trang thể thao, chúng ta nên cố gắng đọc cẩn thận toàn trang đầu. Những cơ hội này sẽ giúp chúng ta có những kinh nghiệm và cảm giác thú vị mới từ những kiến thức mới lạ mang đến nhiều hơn.

4.2.2- Chúng Ta Có Thể Học Xuyên Qua Việc Du Lịch:

Hầu hết chúng ta không thể là người du lịch thường xuyên, vì không có thời gian và tiền bạc cho phép. Tuy nhiên, vào những kỳ nghỉ hè, hay nghỉ phép cho việc làm thường niên, chúng ta vẫn có thể đi du lịch ở những vùng mới lạ. Đây là dịp giúp chúng ta học được những kinh nghiệm mới lạ.

4.2.3- Chúng Ta Có Thể Học Xuyên Qua Những Sở Thích Riêng:

Người ta cần có một sở thich riêng (hobby) để được vui thích và có cảnh sống lành mạnh. Bên cạnh những giá trị khác của cuộc sống, những sở thích riêng có thể là phương tiện dùng để học tập. Thí dụ: sở thích của chúng ta là việc sưu tập tem thư, việc làm vườn, việc may cắt, việc vẽ tranh, việc viết văn, việc điêu khắc, . . . Tất cả những sở thích riêng cũng là những việc để chúng ta học tập đầy thú vị. Nếu chúng ta có thể tập trung vào hai sở thích riêng khác nhau, việc học của chúng ta sẽ gia tăng nhiều ích lợi hơn.

4.2.4- Chúng Ta Có Thể Học Xuyên Qua Chương Trình Giáo Dục Tráng Niên:

Bằng việc tham dự vào các lớp học cho người lớn tuổi, lớp học hàm thụ bằng thư tín, các buổi thuyết trình,... Như thế chúng ta có thể tiếp tục học để trau dồi kiến thức. Thông thường, tại nhiều thành phố, địa phương lớn nhỏ đều có tổ chức những chương trình giáo dục tương tự. Ngoài việc trau dồi kiến thức và năng khiếu, chúng ta còn có dịp kết giao với những người mới có cùng mối quan tâm giống như chúng ta.

4.2.5- Chúng Ta Có Thể Học Xuyên Qua Những Thú Vui Giải Trí:

Xuyên qua những thú vui tiêu khiển, chúng ta nên cố gắng khai thác tất cả những lợi thế, để tạo điều kiện phát huy, nhằm mở rộng việc học đầy thú vị bên cạnh những trò chơi giải trí.

5- VIỆC HỌC NÊN ĐƯỢC ÁP DỤNG THỰC HÀNH VÀO ĐỜI SỐNG:

Đễ việc học đạt nhiều hiệu quả thiết thực, những kiến thức học được nên mang ra áp dụng thực hành trong đời sống, càng rộng đường càng tốt. Do đó, chúng ta có một số đề nghị cần để làm như sau:

5.1- Hãy Cố Gắng Tạo Sự Liên Hệ Kiến Thức:

Thí dụ: Khi chúng ta đang học môn hóa học, chúng ta nên áp dụng sự hiểu biết về hóa học, để giải thích và có thể nhận diện bản chất của xà phòng (soaps), thuốc tẩy (detergents), cao su (rubber), và chất nhựa (plastics). Khi chúng ta học về kinh tế, chúng ta cố gắng phân tích kinh tế học về việc bán hàng hóa và các loại thuế lợi tức, việc mua trả góp, và cách sử dụng tiền bạc của chúng ta.

Sự áp dụng những kiến thức học được là việc giúp chúng ta tự rèn luyện để có những kinh nghiệm thiết thực, từ những thành quả của việc học mang đến.

5.2- Hãy Ứng Dụng Những Nguyên Lý Và Tổng Quát Hóa Những Đặc Trưng Cá Biệt:

Thí dụ: Một nông gia nhận thấy những hàng rào dây kẽm của nông trại thường bị căng thẳng vào mùa đông, và nới giãn ra vào mùa hè. Ông ta lấy làm ngạc nhiên và không hiểu tại sao?

Con của ông, một học sinh trung học, đã học biết được sự giãn nở và co rút của kim loại, qua môn khoa học thường thức. Người con mới thưa với cha rằng vào mùa hè nóng bức, dây kim loại trở nên giãn nở hay kéo dài ra, vì thế khiến cho hàng rào dây kẽm bị nới lỏng ra; trái lại, vào mùa đông giá lạnh, dây kim loại trở nên co rút hay thu ngắn lại, vì thế khiến cho hàng rào dây kẽm bị thắt chặt lại (căng thẳng).

Như thế, người con của nông gia này đã ứng dụng nguyên lý tổng quát về tính giãn nở và co rút của kim loại, để giải thích vào hàng rào dây kẽm, một vấn đề cá biệt của người cha.

5.3- Áp Dụng Những Phương Pháp Đã Học Vào Hoàn Cảnh Mới:

Trong khoa học, chúng ta đã học cách giải quyết một vấn đề như sau: -Trước tiên, chúng ta hãy làm sáng tỏ, hay xác định vấn đề cho được dễ hiểu. Rồi, chúng ta tìm kiếm để thu nhận những sự kiện, từ việc tham khảo nhiều nguồn tin khác nhau. Kế tiếp, chúng ta phân tích, và đánh giá những sự kiện đó. Sau cùng, dựa vào những sự kiện chọn lọc, và hoàn cảnh thỏa đáng, chúng ta quyết định áp dụng một giải pháp tốt nhất, để giải quyết vấn đề.

Từ việc học nói trên, chúng ta nên cố gắng áp dụng phương pháp giải quyết vấn đề này, trước khi chúng ta có một kết luận thích đáng cho những vấn đề cá nhân của chúng ta. Thí dụ: Nếu chúng ta xài tiền để mua một món hàng, mà chúng ta không tìm hiểu những phẩm chất của nó trước khi mua; hay khi chúng ta bắt tay vào một việc làm, mà chúng ta không biết đầy đủ những gì để làm; hoặc chúng ta tin cậy vào một người, mà chúng ta không biết nhiều về khả năng và bản chất của người đó. Do đó, chúng ta đã sai lầm trong việc áp dụng những phương pháp giải quyết vấn đề một cách khoa học nói trên.

Tương tự như thế, khi chúng ta nghe những tin tức từ truyền thanh, truyền hình, và báo chí, chúng ta không nên vội chấp nhận, cho đến khi chúng ta có những sự kiện bằng chứng thật sự. Hơn nữa, đối với mọi sự việc được kể lại, chúng ta nên phân tích, và cố gắng tìm ra căn bản sự thật về nguồn gốc sự việc, những bằng chứng sự kiện, và giá trị của người cho tin. Sau cùng, dựa vào những sự thật như thế, chúng ta sẽ đi đến kết luận về sự việc.

VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh