Trong việc chọn lựa để mua những món hàng như đồ vật gia dụng, hay quần áo; chúng ta sẽ phải dùng ít nhiều thời gian, không chỉ đi tìm kiếm qua nhiều cửa hàng khác nhau, mà còn chú ý đến những gì chúng ta muốn, và những gì chúng ta phải chi tiêu.
Cho nên, trong việc chọn nghề, chúng ta cần phải dùng nhiều thời gian hơn nữa. Vì nghề nghiệp là một nhu cầu thiết yếu; ngoài việc giúp chúng ta có lợi tức để ổn định cuộc sống, nó còn phải thích hợp với khả năng, và cho chúng ta sự hài lòng thật sự; trong khi có quá nhiều loại nghề nghiệp khác nhau, sẵn sàng cho mỗi người chúng ta lựa chọn.
Có lẽ, trong chúng ta, một số đã chọn được một nghề thích hợp và vững chắc cho cá nhân mình. Một số khác chưa quyết định chọn nghề, vì còn tiếp tục theo những năm đại học. Số còn lại, sau khi ra trường trung học, đang trực tiếp bước vào việc làm sinh sống, nhưng phần đông có thể không biết loại nghề nghiệp nào tốt nhất để họ bước vào.
Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn luôn luôn đặt nặng vấn đề chọn lựa và điều chỉnh nghề nghiệp, trong một tầm nhìn quan trọng xa hơn trong cuộc sống. Do đó, theo các nhà nghiên cứu hướng nghiệp, để giúp ích trong việc chọn nghề, chúng ta nên biết phối hợp hai yếu tố căn bản như: Biết Người và Biết Việc. Biết người tức là tự biết bản chất con người của chính chúng ta. Biết việc tức là biết về bản chất việc làm của các loại nghề nghiệp.
1- TỰ HIỂU BIẾT CON NGƯỜI CHÚNG TA:
Nhu cầu tìm ra một việc làm thích hợp đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức về bản chất chính chúng ta, và bản chất của các loại nghề nghiệp. Hầu hết chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta đã tự biết khá nhiều về chính mình, nhưng hiểu biết đó thường là những loại có tính may rủi, không đủ xác định khả năng và nhu cầu nghề nghiệp của chúng ta.
Ngoài ra, một số người thường có khuynh hướng sai lầm, và phạm vào hai thái cực như: tự đánh giá cho mình quá cao, cũng như, tự đánh giá cho mình quá thấp. Để tránh hai thái cực này, người ta có thể dùng đến những cuộc trắc nghiệm năng lực hướng nghiệp, như những phương tiện có tính khách quan hơn, để khám phá những năng khiếu và khuynh hướng cho những loại việc làm nhất định nào đó.
Theo các nhà tâm lý hướng nghiệp, có rất nhiều loại trắc nghiệm năng lực khác nhau; những trắc nghiệm thường miễn phí để giúp cho học sinh tại một số trường học; hoặc có lệ phí, tại các cơ sở tìm việc tư nhân. Dĩ nhiên, những cuộc trắc nghiệm này không thể được tin cậy hoàn toàn, và cũng không thể cho chúng ta biết toàn thể sự việc. Tuy nhiên, chúng giúp chúng ta có thêm sự phối kiểm trên những gì, mà chúng ta có thể hiểu biết về chính chúng ta, xuyên qua những kinh nghiệm riêng chúng ta có.
Nói chung, việc tự biết có nghĩa là việc biết rất thành thật về chính chúng ta trong những quan tâm, và năng khiếu về thể chất lẫn tinh thần đối với việc làm. Do đó, để tự tìm hiểu, sau đây là một số câu hỏi thí dụ:
1.1- Về trang bị thể chất:
Chúng ta có sẵn sức mạnh thể lực tốt không? Chúng ta có thích làm những việc khuân vác nặng không? Chúng ta có thị giác và thính giác tốt một cách đặc biệt không? Hay giọng nói đặc biệt của chúng ta có làm vui lòng người nghe không? Chúng ta có đôi tay khéo léo không? v.v...
1.2- Về trang bị tinh thần:
Một số lãnh vực việc làm về tâm trí thường đòi hỏi người ta phải có một mức độ thông minh càng cao càng tốt. Thí dụ một số nghề về luật, dạy học, y-dược khoa, viết văn, kỹ thuật,... Do đó, chúng ta cần phải qua cuộc trắc nghiệm đo lường trí thông minh, để biết chỉ số thông minh (IQ) của chúng ta ở mức độ nào.Ngoài ra, còn có một số đặc tính về bản chất con người, như một tài sản vốn liếng tinh thần, đáng được lưu ý trong việc làm như: tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, lịch sự với mọi người, tính sốt sắng nhanh lẹ, tính hòa mình với người khác, khả năng lãnh đạo, tính sạch sẽ và ngăn nắp, tính làm việc chu đáo có hiệu quả v.v...
1.3- Những Kiến Thức Và Năng Khiếu Ở Học Đường:
Những vốn hiểu biết, trong những năm trung học, có thể giúp chúng ta thích nghi cho một số việc làm đặc biệt nào đó? Hơn nữa, trong một số nghề đặc biệt, nhu cầu thông thạo Anh ngữ đóng một vai trò rất thiết yếu. Ngoài ra, một số năng khiếu về đánh máy, tốc ký, toán pháp, công việc bán hàng, sửa xe hơi, may cắt quần áo, nấu bếp,... Tất cả những năng khiếu này đều đáng được ghi nhận.
Về nhân sự chúng ta có thích làm việc liên hệ với người khác hay thích làm việc một mình? Chúng ta là người thích làm công việc của người chỉ huy, hay của người chấp hành? Chúng ta có thích làm những việc thuộc về chi tiết không? Tất cả những việc này, và nhiều khía cạnh cá tính khác cũng nên được chú ý, trong việc quyết định chọn nghề của chúng ta.
Tóm lại, việc tự hiểu biết về năng khiếu là yếu tố rất cần thiết trong việc chọn nghề thích hợp cho chúng ta. Để đạt mục tiêu này, chúng ta có thể được giúp đỡ bởi nhiều nguồn nhận định khách quan khác nhau. Thí dụ: Qua những cuộc trắc nghiệm năng lực bởi các nhà giáo dục tâm lý, hay các cố vấn nghề nghiệp, hoặc cơ quan nhân dụng Hoa Kỳ.
Ngoài ra, các bạn trẻ có thể tham khảo ý kiến với các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các vị niên trưởng, vì kinh nghiệm của họ có thể giúp các bạn những nhận định sâu sắc mà các bạn không có. Hoặc nếu các bạn đã có nhiều lần đi làm việc bán thời gian, trong những lãnh vực khác nhau. Những kinh nghiệm này có thể góp phần giúp ích cho các bạn, để hiểu về chính mình một cách thiết thực hơn. Hơn nữa, tất cả những sự kiện hiểu biết về chính mình, nếu được viết liệt kê ra thành văn bản, chúng sẽ giúp chúng ta tự nhận định về chính chúng ta càng được nhiều chính xác, súc tích, và hữu dụng hơn.
2- VIỆC HIỂU BIẾT NGHỀ NGHIỆP:
Vào các năm cuối trung học, nhà trường thường giúp học sinh để làm quen với lãnh vực việc làm, qua việc tổ chức các buổi nói chuyện bởi những người làm nhiều loại nghề khác nhau; hoặc hướng dẫn lớp học đi thăm viếng những cơ sở thương mại, kỹ nghệ, và cố vấn nghề nghiệp. Tất cả những nguồn tin này có thể giúp học sinh rộng đường kiến thức trong một số ngành nghề khác nhau. Hơn nữa, theo các nhà nghiên cứu hướng nghiệp, người ta có bốn cách để tìm hiểu về các ngành nghề như sau:
2.1- Bằng việc đọc sách hướng nghiệp:
Các thư viện tại trường, hay địa phương công cộng, có nhiều loại sách hướng nghiệp khác nhau, từ những tập sách mỏng diễn tả rõ ràng một số nghề đặc biệt, cho đến những sách dày tự điển diễn tả đầy đủ nhiều loại ngành nghề. Thí dụ như: Sách Tự Điển Nghề Nghiệp của Bộ Lao Động Hoa Kỳ (The Dictionary of Occupational Titles, published by the U.S. Department of Labor), có hơn hai chục ngàn (20,000.) ngành nghề khác nhau được liệt kê đầy đủ.
2.2- Bằng việc nói chuyện với những người trong những nghề khác nhau:
Hầu hết những cá nhân thường vui thích để thảo luận về việc làm của họ. Những tiếp xúc như thế sẽ giúp chúng ta biết được nhiều quan điểm, và cảm giác cá nhân hơn về nghề nghiệp. Thí dụ như những gì khiến chúng ta phấn khởi, thú vị, cũng như những gì chúng ta không thích.
2.3- Bằng việc viếng thăm những cơ sở làm việc:
Những cuộc viếng thăm như thế thường không phải dễ được sắp xếp, nếu không có số đông của toàn thể lớp học tham dự. Xuyên qua những viếng thăm này, chúng ta có thể gặp những người làm tại cơ sở như: các người bán hàng trong cửa hiệu; những tiếp viên; những nhân viên bưu điện; những tài xế xe bus; những thư ký văn phòng; những thầy cô giáo; những nha sĩ; bác sĩ; y tá; . . .
2.4- Bằng việc đi làm trong dịp hè, hay bán thời gian sau giờ học:
Nhiều người trong chúng ta có lẽ đã làm qua những việc làm bán thời gian. Chúng có thể có liên hệ nhỏ đối với việc làm mà chúng ta phác họa cho cả đời mình. Tuy nhiên, chúng có thể cho chúng ta biết được về thế giới việc làm.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên chú ý đến những cơ hội học nghề do những trường huấn nghệ công lập, hoặc tư nhân tổ chức, những viện kỹ thuật, những trường cao đẳng cộng đồng, hay vừa làm vừa tập sự học nghề. Những học sinh tốt nghiệp trung học còn có thể ghi tên phục vụ trong các ngành nghề của quân đội.
Hơn nữa, còn có nhiều ngành nghề đòi hỏi người học phải có căn bản tốt nghiệp đại học bốn năm, hay cao hơn. Thí dụ: kế toán viên, kiến trúc sư, nhà hóa học, nha sĩ, dược sĩ, y sĩ, kỹ sư, luật sư, quản thủ thư viện, cán sự xã hội, nhà giáo,...Nếu chúng ta muốn chuẩn bị nghề nghiệp với căn bản đại học như trên, việc chọn lựa một đại học thích hợp là một vấn đề chúng ta cần phải tìm hiểu cẩn thận về một số vấn đề. Thí dụ như:
1) Tiền học phí (trường tư có học phí cao hơn trường công lập);
2) Điều kiện nhập học (thông thường phải có tốt nghiệp trung học, một số đại học đòi hỏi năm cuối trung học phải có điểm trung bình “C” của những môn học chính, hoặc cao hơn ở một số đại học khác);
3) Nam nữ sinh viên (phần đông đại học, nam nữ học chung; một số đại học chỉ nhận nam hay nữ sinh riêng biệt);
4) Sự chuyên môn hóa (phần đông các đại học có chương trình phổ thông, nhưng một số khác chỉ dạy chương trình chuyên môn cho một loại ngành nghề như: đào tạo giáo chức, kỹ sư, dược, y khoa,...);
5) Để có những sự kiện về các đại học (các thư viện đều có những sách hướng dẫn chi tiết về các chương trình phổ thông và ngành nghề của các đại học).
Nói tóm lại, để tìm hiểu việc làm, và các ngành nghề. chúng ta cần phải cố gắng vận dụng bằng mọi cách như nói ở trên. Việc này có nghĩa là việc thu nhận tất cả những sự kiện thật sự, liên quan đến nghề nghiệp đòi hỏi.
3- SỰ PHỐI HỢP GIỮA HAI VIỆC BIẾT NGƯỜI VÀ BIẾT VIỆC:
Hãy giả dụ rằng bây giờ chúng ta đã viết xuống một số đầy đủ về những đòi hỏi của việc làm, cùng với những diễn tả về những năng lực của chúng ta. Sau đó, chúng ta nỗ lực nghiên cứu tất cả những lãnh vực việc làm. Rồi một số việc làm không thích hợp bị loại bỏ, và chúng ta quan tâm đến một số việc khác.
Bước kế tiếp, chúng ta phối hợp hai sự hiểu biết về chính chúng ta và một số việc làm được quan tâm mà chúng ta thử lựa chọn. Để thực hiện bước này, chúng ta cần phải trả lời những đòi hỏi sau đây cho cả hai về chính chúng ta và việc làm:
3.1- Chúng Ta Có Đủ Thông Minh Để Đáp Ứng Với Việc Làm Đòi Hỏi Không?
Trên thực tế, để bảo đảm thành công và cần thiết tuyệt đối, một số ngành nghề chuyên môn đòi hỏi phải có trình độ thông minh càng cao càng tốt, trong lúc huấn luyện, cũng như khi làm việc, thí dụ: nghề kế toán, kiến trúc sư, kỹ sư, dược sĩ, y sĩ, nghề giáo, . . .
3.2- Chúng Ta Có Đủ Trình Độ Học Vấn Để Đáp Ứng Với Việc Làm Đòi Hỏi Không?
Đối với nhu cầu một số ngành nghề nhất định, người học phải trải qua những năm đại học (4, 5, hay 6 hoặc 8 năm). Nếu chúng ta chú ý đến những ngành chuyên môn như thế. Chúng ta hãy tự hỏi: -Chúng ta có đủ khả năng để tiếp tục theo những năm đại học mà nghề chuyên môn đòi hỏi không? Chúng ta có đủ sức về tài chánh để chi phí trong thời gian đại học bốn năm, hay nhiều năm hơn không? Hoặc chúng ta cần phải vừa đi học vừa làm việc ngoài giờ học, để kiếm tiền cho chi phí đại học không? Ngoài ra, một số trường huấn nghệ chỉ đòi hỏi chúng ta có bằng tốt nghiệp trung học, và chỉ theo học chương trình hai năm mà thôi.
3.3- Chúng Ta Có Đủ Điều Kiện Thể Lực Để Đáp Ứng Với Việc Làm Đòi Hỏi Không?
Trong một số việc làm đặc biệt, điều kiện sức khỏe thể lực của cá nhân rất cần thiết và quan trọng. Thí dụ: Trong nghề y tá, điều kiện sức khỏe tốt của người y tá rất cần thiết. Một số việc làm đòi hỏi người làm phải đứng suốt ngày, không được ngồi nghĩ. Một số khác cá nhân phải vận dụng những thiết bị máy móc nặng nề. Một số việc người làm cần phải du hành để chào hàng, từ nơi này đến nơi khác. Do đó, điều kiện sức khỏe thể lực nên quan tâm đến trong việc chọn lựa việc làm của chúng ta.
3.4- Chúng Ta Có Những Cá Tính Để Đáp Ứng Với Việc Làm Đòi Hỏi Không?
Giống như những điều kiện sức khỏe thể lực, những đòi hỏi về cá tính của người làm việc cũng rất cần thiết để hoàn thành việc làm được nhiều tốt đẹp hơn. Thí dụ: Công việc bán hàng đòi hỏi khả năng xoay xở hòa thuận với mọi người để luôn luôn được sự dễ dàng, và tránh ít sự căng thẳng hơn. Do đó, chúng ta nên quan tâm đến những việc làm đòi hỏi những cá tính đặc biệt chúng ta có.
3.5- Những Cơ Hội Tìm Việc Làm Như Thế Nào?
Để có một ý niệm tổng quát về những cơ hội tìm việc của những loại ngành nghề khác nhau, chúng ta có thể tham khảo những sách thống kê việc làm, do Bộ Lao Động Liên Bang hoặc Tiểu Bang xuất bản. Ngoài ra, những tài liệu của tiểu bang, tại các văn phòng tìm việc địa phương, có thể giúp chúng ta biết được lãnh vực nào cung cấp nhiều cơ hội việc làm, và việc nào hiếm có. Tất cả những sự việc này cũng giúp ích chúng ta trong việc tìm ra cơ hội của việc làm.
3.6- Những Yếu Tố Nào Khiến Chúng Ta Được Hài Lòng Trong Việc Làm?
Theo những nghiên cứu của Bộ Lao Động Hoa Kỳ, tương đối có 2/3 công nhân đạt được sự hài lòng trong việc làm; mặc dù số lớn cũng có một phần khó khăn cá nhân, hay họ thường không tìm thấy những gì họ muốn. Ngoài ra, 1/3 công nhân khác không thích công việc họ đang làm. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta nên cố gắng tìm ra việc làm thật sự thích hợp với chúng ta.
Theo Lawrence G. Thomas, tác giả sách “The Occupational Structure and Education, trang 220, đã có nhận định về sự hài lòng việc làm của nhân công dưới bốn đề mục như sau:
3.6.1- Những Yếu Tố Kinh Tế:
Chúng ta làm việc vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, có rất ít người có thể không chú ý đến sự liên quan của đồng lương. Dĩ nhiên, hầu hết chúng ta vẫn cần đến tiền bạc, vì nó sẽ mang đến sự an toàn, và sẽ mua được những gì cho việc sinh sống của chúng ta. Ngoài ra, nó còn đóng góp vào ý thức giá trị, và cảm giác thành công của chúng ta. Do đó, với bất cứ việc làm nào, người ta nên nghiên cứu các yếu tố kinh tế như: tiền lương thích đáng, sự vững bền của việc làm, tạo khả năng để tiến bộ, việc huấn luyện trên việc làm và những quyền lợi khác như: sự bảo hiểm, tiền trợ cấp hưu bổng, việc được chia phần lời, những ngày nghỉ hè trong năm,...
3.6.2- Những Mối Quan Hệ Cá Nhân:
Ở mọi tình thế, những mối quan hệ cá nhân với những đồng nghiệp có thể khiến cho công nhân gặp nhiều cay đắng, hay thú vị ngọt ngào trên việc làm của họ. Theo nghiên cứu về sự hài lòng của việc làm, có hai nguồn lớn nhất nằm trong những mối liên hệ tốt với người quản đốc, và những đồng nghiệp. Mặc dù người ta không thể nào xác định như thế nào là mối liên hệ thích hợp tốt, nhưng tùy theo ý niệm riêng của mỗi người, để có được những cảm giác tốt giữa họ với những đồng nghiệp, cũng như ban quan đốc của họ.
3.6.3- Những Điều Kiện Của Việc Làm:
Thí dụ: nơi làm sạch sẽ, và những yếu tố an toàn như: bảo hiểm sức khỏe, lương hưu bổng, và những quyền lợi nghỉ phép,... Tất cả làm cho công nhân có cảm giác an toàn và hài lòng trên việc làm. Dĩ nhiên, mọi người đều thích có những điều kiện làm việc tốt. Tuy nhiên, một số điều kiện có thể có nhiều ý nghĩa với người này, nhưng lại ít có ý nghĩa với người khác; vì không có việc làm nào là hoàn hảo. Cho nên, người ta phải luôn luôn cân nhắc về những lợi thế và những bất lợi. Thí dụ, một người có thể bằng lòng với việc làm ít tiền, vì những điều kiện làm việc thể chất quá tốt. Một người khác có thể đặt nặng hầu hết vào mối liên hệ hài lòng cá nhân. Do đó, chúng ta nên biết về những nhu cầu của chúng ta trong việc tôn trọng tất cả những yếu tố này.
3.6.4- Sự Hài Lòng Trực Tiếp Từ Chính Việc Làm:
Việc làm chính nó là một niềm vui thú chính yếu của cuộc sống. Vì vậy, bất cứ đời sống nào vắng bóng việc làm (dù có tiền công hay không) là đời sống thiếu sự thăng bằng. Nhưng việc làm, nhằm mưu cầu hạnh phúc và phát triển cá nhân, phải tạo được sự hữu dụng hầu hết khả năng, và phải thích hợp với những mối quan tâm của con người. Người công nhân phải cảm thấy rằng họ đang sử dụng khả năng của họ để đạt đến một tiến bộ tốt; rằng năng lực trở nên hoàn chỉnh hơn, xuyên qua việc làm của họ; và rằng họ đang thật sự vui thích những gì mà họ đang làm.
4- TINH TIẾN TRONG VIỆC LÀM:
Chúng ta đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc làm thích hợp mà nó thật sự làm vui lòng chúng ta. Sau khi chúng ta đã tìm ra việc đó rồi, dĩ nhiên, chúng ta sẽ làm những gì để nó được tinh tiến với chúng ta.
4.1- Việc Tạo Hòa Thuận Với Những Người Khác:
Hầu hết mọi việc làm đều có khuynh hướng liên hệ với những người khác. Kể cả vô số việc làm liên hệ trực tiếp đến máy móc và vật dụng, người thợ máy còn phải tiếp xúc với chủ nhân và những người quản đốc của họ, cũng như với những thợ máy khác. Cho nên, người công nhân nên nhận định rằng một phần sự kiện thành công, và niềm vui thích trên việc làm, sẽ tùy thuộc vào khả năng giao tiếp hài hòa với những đồng nghiệp và người quản đốc của họ.
Những cá tính tệ hại và khả năng yếu kém của công nhân không chỉ có thể làm kém hiệu quả việc làm, mà còn làm phiền lòng đến đồng nghiệp và người quản đốc của họ.Dĩ nhiên, người ta có thể yếu kém trong nhiều cách khác nhau, nhưng sau đây là một số khuyết điểm không thích hợp trong việc làm: quá tùy thuộc vào sự giúp đỡ của những người khác; tự coi mình là trung tâm và không chú ý đến những người khác; không có tinh thần trách nhiệm; tật nói nhiều ba hoa; tính hay hờn dỗi; dễ mất bình tĩnh; không vui lòng để thảo luận vấn đề với người khác; tính quá bốc đồng, không cẩn thận; thiếu sự khéo léo xã giao;... Do đó, nếu chúng ta tự nhận thấy có những khuyết điểm như trên, chúng ta nên cố gắng tự trau dồi những vấn đề này trong lúc làm việc, để đạt được sự thành công trên việc làm.
4.2- Thái Độ Hướng Vào Việc Làm:
Nếu so sánh với loại việc làm, nơi làm việc, hay tiền công; thái độ riêng của chúng ta hướng vào việc làm là một yếu tố mạnh nhất để kiếm được sự hài lòng trên công việc. Dĩ nhiên, không hẳn tất cả những vui thích này đều tùy thuộc vào cách nhìn của chúng ta, nhưng phần lớn phải chịu sự chi phối bởi thái độ riêng của chúng ta.
Nếu chỉ vì cần tiền để sinh sống, chúng ta phải làm việc với công việc mà chúng ta cảm thấy không hài lòng. Với việc làm không hấp dẫn như thế, mỗi ngày chúng ta sẽ phải trải qua những giờ buồn chán trên công việc không vừa ý mang đến. Nếu chúng ta có thể nhìn việc làm như một nguồn đầy lạc quan, việc làm sẽ mang đến cho chúng ta nhiều thích thú hơn.
Nếu chúng ta tập trung sự vẻ vào hoàn cảnh làm việc, những sự buồn tẻ trái ý dường như sẽ ít làm phiền đến chúng ta, và chúng ta sẽ có thể hưởng được sự dễ chịu hơn trên công việc, mặc dù chúng ta đã có một số quan điểm không thuận lợi.
Nếu chúng ta nhận thức rằng mỗi ngày là một mảnh đời của chúng ta, và chúng ta không thể từ bỏ nó, mà phải sống chỉ vì tương lai, chúng ta sẽ cố gắng khó nhọc hơn để tìm thấy sự tốt nhất và niềm vui thích ở ngày mai.
4.3- Việc Sử Dụng Thời Gian:
Việc sử dụng thời gian: trong giờ và ngoài giờ làm việc. Dĩ nhiên, trong giờ làm việc, chúng ta dùng thời gian để hoàn thành và điều chỉnh công việc. Ngoài ra, chúng ta nên ý thức sự kiện rằng việc làm không thể cung cấp cho chúng ta tất cả những hài lòng chúng ta ước muốn, mặc dù loại việc làm chúng ta thích để làm.
Do đó, thời gian ngoài giờ làm việc rất cần thiết, để tạo sự quân bình cho đời sống, từ những hài lòng do những nhu cầu căn bản khác mang đến.Thí dụ: sự liên hệ gia đình, tình thân hữu, nhu cầu giải trí nghỉ ngơi,... Hơn nữa, thời gian ngoài giờ làm việc bay qua rất nhanh, và rất giới hạn. Chúng ta không có đủ thời gian để làm tất cả những gì chúng ta muốn, vì đời sống có quá nhiều việc vui thích. Cho nên, chúng ta cần phải có một sự lựa chọn. Đừng để thời gian đi qua một cách hoang phí.
4.4- Việc Sử Dụng Tiền Bạc:
Chúng ta đi làm việc, nguyên nhân trước tiên, là để kiếm tiền. Vì vậy, chúng ta phải bỏ ra nhiều công lao khó nhọc và ngày giờ làm việc để có đồng tiền. Do đó, chúng ta nên thận trọng trong việc sử dụng đồng tiền của chúng ta. Sau đây là một số đề nghị tốt trong việc sử dụng tiền bạc:
4.4.1- Nên Hoạch Định Ngân Khoản Chi Tiêu Những Nhu yếu Của Chúng Ta:
Khi có đồng lương căn bản trong tay, chúng ta nên biết chi tiêu hợp lý cho sự sống của chúng ta. Việc dự thảo ngân khoản chi tiêu như thế nào cho cân xứng, để không phải mất tiền quá nhiều vào những việc không cần thiết, trong khi quá ít chi tiêu vào những nhu yếu cho sự sống. Thí dụ những chi tiêu cho những nhu yếu như: thực phẩm, sức khỏe, nhà ở, quần áo, phương tiện di chuyển, tiền tiết kiệm, thuế vụ và những nhu yếu cá nhân,...
4.4.2- Phòng Xa Và Tiết Kiệm:
Sau khi chi tiêu hợp lý cho những nhu yếu của cuộc sống, chúng ta nên tiết kiệm tiền để phòng xa khi hữu sự khẩn cấp cần đến. Khoảng tiền tiết kiệm sẽ giúp chúng ta có cảm giác an toàn, và không phải tùy thuộc vào người khác khi hữu sự.
4.4.3- Nên Có Tinh Thần Tự Chủ Trước Hấp Lực Thị Trường Quảng Cáo:
Trước áp lực quá cao của việc quảng cáo tiêu thu hàng hóa, để khích động chúng ta tiêu xài tiền bạc. Do đó, chúng ta nên tự phát triển một số đề kháng trước thị trường quảng cáo; bằng cách tự đề cao tinh thần tự chủ, để có thể mua những vật dụng nào mà chúng ta thật sự cần thiết, trong vòng ngân khoản dự chi hợp lý của chúng ta./.
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.