I. DẪN NHẬP.
Sau biến-cố trọng đại ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ và sau đó là một loạt các biến-cố khác trên toàn thế-giới, nền an-ninh của nhiều quốc-gia bị đặt vào tình-trạng nguy-hiểm. Do đó, việc bảo-vệ sự an-toàn chung đã và đang được các quốc-gia đặt nặng. Các quốc gia chú trọng một cách đặc-biệt đến tình-trạng an-ninh cả về cá-nhân lẫn công-cộng trên nhiều bình-diện. Đối với Hoa-Kỳ, đây là một trong các nhu-cầu cấp-bách và quan-yếu nhất nên đã được các cấp hữu quan lưu tâm mà họ không lo ngại, tính toán về tình trạng nhân vật lực hay tốn kém.
Từ thiệt hại của Trung-Tâm Thương-Mại Thế-Giới tại Nữu-Ước, vụ tổn-thất nhân mạng tại khu nghỉ mát Bali đến các cuộc khủng-bố tàn-sát tập thể đã gây ra nhiều thiệt hại đáng kể. Các hoạt động khủng-bố đã và đang gieo rắc không biết bao đau thương, mất mát, nhất là gây kinh-hoàng, lo-âu trong tâm tưởng mọi người khắp mọi nơi. Các cuộc thảm sát cũng đã để lại trong lòng những người lương thiện lòng căm-phẫn tột cùng. Để ngăn cản các hoạt động bất nhân nầy, các quốc-gia, đoàn thể, cơ-sở nghiên-cứu... đã dốc hết nhân, vật lực để tìm các biện-pháp ngăn-ngừa, khám-phá, chận đứng các hoạt động của chúng ngỏ hầu mang lại an-ninh chung cho mọi người.
II. CÁC CƠ-SỞ SẢN XUẤT, CÁC LOẠI THIẾT BỊ.
Tại Hoa-Kỳ, ngoài việc tăng cường tối đa các biện pháp an-ninh thông thường vốn có, chính-phủ còn cho áp-dụng nhiều biện pháp hữu-hiệu bằng nhiều công-nghệ khoa-học mới để bảo-vệ an-ninh cho dân chúng. Chính phủ đã kêu gọi sự cộng tác của tất cả các công-ty, các viện nghiên cứu quân sự lẫn dân sự, các trường học v.v...ngõ hầu tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế các thiết bị cho nhu cầu nầy. Một điều ít ai biết đến là ngoài các thành phần vừa nói, chính phủ còn kêu gọi các nhà sản xuất điện ảnh, các phim trường, các đạo diễn, các nhà viết phim truyện cùng vào cuộc.
Chắc chúng ta còn nhớ vụ các nhà làm phim Hollywood đã là nỗ lực chính trong việc đánh lừa chính phủ Iran trong việc giải thoát con tin trong biến cố Iran, một đòn ngoạn mục không ai ngờ đến nhưng đã mang lại thành công ngoài mức tưởng tượng của mọi người. Khi sự việc đã rồi, kẻ thua cuộc đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Chúng ta biết tại Hoa Kỳ, ngoài các đại công ty quốc phòng danh tiếng như IBM, Lockheed Martin, Boeing Company (McDonald Douglas) còn có Trung tâm Hàng không Ryan, Tập-đoàn Grumman Northrop Locheed Martin Aeronautics Company (cơ xưởng tại Fort Wort, Texas), hãng Pratt & Whitney chế-tạo động cơ máy bay, hãng Vision System International, hệ thống điện tử Snader Litton Amecon, phòng thí nghiệm Khoa học Los Alamos, Trung-tâm Natrik của Quân-lực Mỹ tại Massachusetts, Alliant Techsystems v.v... và còn vô số các công ty, viện nghiên cứu, hãng sản xuất ... có tên tuổi cũng như bí mật khác ít người biết đến, đã cung cấp cho chính phủ Mỹ rất nhiều trang-bị quan-trọng khó thể kể hết.
Điển hình là Alliant Techsystems Inc. (viết tắt là ATK), một công-ty sản-xuất các thiết bị dành cho ngành hàng không (chế tạo phi cơ, phi thuyền, dụng cụ do thám trên không, vệ tinh), chế tạo vũ-khí lớn của Hoa-Kỳ cũng là của thế-giới đã có nhiều sản-phẩm đáp-ứng cho nhu-cầu chiến tranh và chống chiến tranh. Ngoài các thứ vừa kể ra, công ty này còn sản xuất các dụng cụ thể thao cao cấp. Bản doanh của công-ty đặt tại thành phố Arlington, Virginia, sử dụng 16,000 nhân-viên, với lợi tức (revenues) lên đến 4,4 tỷ Đô-la (2013, Wikipedia). Alliant Techsystem còn là nguồn cung-cấp vũ-khí cho Bộ Quốc-phòng Mỹ để trang-bị cho quân-lực cũng như bán cho các nước khác nhưng phải được chính-phủ Mỹ chấp-thuận việc mua bán. Công ty có cơ sở ở 22 tiểu bang tại Mỹ, tại Puerto Rico và nhiều quốc gia khác.
Một loại rocket do ATK chế tạo cho quân đội Mỹ.
Ngoài việc sản-xuất vũ-khí, công-ty nầy còn đảm-trách việc nghiên-cứu và chế-tạo các thiết-bị cho lãnh-vực không-gian, các động cơ đẩy các phi thuyền, các máy cho các loại phi cơ, các trang-bị đặc-biệt cho các ngành an-ninh, cảnh-sát, tình-báo... Trước đây, Alliant Techsystem Inc. còn chế ra thiết-bị dò âm cho Hải-Quân (tàu ngầm hay tàu nổi) gắn trên tàu để phát-giác ra tàu ngầm, các tiếng động lạ, hướng, khoảng-cách và vị-trí phát ra tiếng động nầy để tàu trang-bị nó biết ngỏ hầu tìm cách đối-phó kịp thời nếu đó là tàu địch.
Với các sản phẩm do công-ty nầy chế tạo, các quan chức các ngành an ninh sẽ sớm tìm ra thủ-phạm sau khi ghi-nhận các dữ-kiện tại hiện-trường hay báo về ngay cho tổng-hành-dinh để kịp thời gởi các nhân-viên an-ninh, cảnh-sát, các ngành chuyên-môn liên-hệ tới ngay nơi vừa xảy ra sự-kiện để đối-phó kịp thời trong mọi tình-huống.
Đây là một hệ-thống có chứa micro và các thiết-bị vi-tính rất tinh-vi, là sản-phẩm tạo nên thế mạnh không đối-thủ của Alliant Techsystems. Hệ-thống vi-tính nằm bên trong các thiết-bị dò âm nầy cực mạnh, có thể phân-biệt tiếng động lạ nầy là tiếng của động-cơ tàu, tiếng rù-rì của sóng biển, tiếng kêu của cá heo hay các loại động-vật sống dưới biển, biết được sóng âm từ lòng đất do động đất, tiếng động do ngư-lôi di-chuyển, tiếng khua nước do mái chèo bằng tay gây ra hoặc tiếng động do người bơi tạo nên v.v... Hệ-thống nầy ghi nhận rồi phân-tích các âm nầy cùng các dữ-kiện về nguồn phát ra âm nầy, cho biết hướng, vận-tốc vật phát âm di-chuyển một cách chính-xác và rất nhanh. Do đó, tàu có trang-bị hệ-thống định-vị nầy có khả-năng tác-chiến cao, phần nào quyết-định cho chiến-thắng.
Ngày nay, theo nhu-cầu mới, Alliant Techsystems còn đảm-trách việc chế hệ-thống, thiết-bị cho nhu-cầu an-ninh, các thiết-bị giúp cảnh-sát đối-phó với bạo lực trên đường phố, cho nhu-cầu dân dụng. Một trong các nhu-cầu nầy là hệ-thống báo-động mà Alliant Techsystems bố-trí để đối-phó theo tình-hình an-ninh bị đe-dọa do bọn khủng-bố quốc-tế gây ra cũng như chống lại tình hình bạo-lực gia-tăng, nhất là ở các nơi có tỷ-lệ phạm-pháp cao.
Một hệ-thống báo-động được thiết-trí trên các cột đèn đường, các cột điện-thoại, các nơi cao trong thành-phố để ghi nhận các tiếng động, các tiếng súng, các loại âm-thanh phát ra. Hệ thống vi-tính li-ti bên trong rất tinh-vi và chính-xác: có thể phân biệt được đó là tiếng súng (cho dù bọn tội phạm có dùng bộ-phận hãm-thanh gắn trước nòng súng), tiếng bom mìn, tiếng lưu-đạn, tiếng đập cửa xe, tiếng pháo,...
Điều đặc biệt là hệ-thống nầy chỉ khởi-động hoạt-động khi có tiếng súng thật nổ mà thôi. Ngoài ra, hệ-thống nầy còn khả năng định vị được tiếng xe chạy đi sau khi súng nổ từ chiếc xe nầy rồi chiếc xe chạy khỏi hiện trường hay chiếc xe đang chạy nổ súng. Như vậy, cảnh-sát và các viên chức chống tội phạm có thể phản ứng ngay sau khi những tiếng nổ đầu tiên được phát ra hầu giảm thiểu sự thiệt hại do bọn tôi phạm gây nên.
Alliant Techsystems còn đảm-trách thiết-kế hệ-thống báo-động cho Tòa Bạch-Ốc với kinh-phí là .5 triệu được quốc hội chấp-thuận cùng các hệ-thống máy thu hình thuộc thế-hệ tinh-vi nhất, dĩ nhiên rất đắt tiền.
Một loại chiến đấu cơ do ATK chế tạo cho quân đội Mỹ
III. NHỮNG PHƯƠNG THỨC ĐỐI PHÓ.
Sau vụ các tên không tặc dùng phi cơ tấn công khủng bố Hoa Kỳ, chính phủ Mỹ đã trang bị nhiều hỏa tiễn để bảo vệ các cơ sở quan trọng trên toàn nước Mỹ. Tuy vậy, các nhà quân sự cho là làm như thế không thuận tiện, cho nên người ta đề nghị hai giải pháp khác: sử dụng phi cơ không người lái và áp dụng kỹ thuật buộc phi cơ hạ cánh và khi đó máy bay không còn phụ thuộc vào lệnh của phi-công. Trong giải pháp đầu, thời gian tính sẽ bị mất và không đáp ứng kịp thời cho tình huống xấu. Giải pháp sau có ưu thế hơn.
Cả hai trường hợp nầy, yếu điểm của nó là “Lệ thuộc vào sự điều khiển của Trung tâm Không lưu qua các tín hiệu làn sóng điện từ, và nếu kẻ địch đột nhập vào hệ thống nầy là điều rất nguy hiểm”, theo lời ông Edward Lee, giáo sư Trường Đại học California cho biết như vậy.
Trước nan đề nói trên, theo nguồn tin đăng trên NewsCientist, một sáng kiến mới đã ra đời. Bản tin cho hay giáo sư Edward Lee và các cộng sự đưa ra một giải pháp thay thế: dùng một nhu liệu điện toán đặt vào máy bay để nó tự tránh vùng cấm bay cho dù phi-công cố tình xâm phạm. Nhu liệu nầy có tên “Solf Wall” nó sẽ nhận các tín hiệu phát đi từ các vệ tinh, tự biết đâu là vùng cấm xâm phạm, tự xác định vị trí của nó trên phi trình. Ví dụ trên đường bay, nó biết vùng cấm nằm phía phải của nó. Khi đó, nếu phi công đổi hướng máy bay, bẻ cần lái sang phải, nhu liệu tự động ra lệnh cho phi cơ bẻ cần lái ngược lại (sang trái), tất nhiên khi đó máy bay sẽ bay thẳng. Trường hợp nếu có việc phá hoại các tín hiệu của vệ tinh, máy tính sẽ tự động chuyển sang các tín hiệu khác hay thay đổi tần số.
Khi thiết bị nầy qua giai đoạn thử nghiệm và đến kết quả, hãng Boeing đã yêu cầu chính phủ Mỹ hỗ trợ chương trình nầy để họ lắp đặt trên sản phẩm của họ trong tương lai.
Trở ngại của hệ thống nầy là ở các phi công, họ chống đối vì cảm thấy họ bị “tước quyền điều khiển", một niềm tự hào của phi công, người điều hành con chim sắt "đi mây về gió". Cũng theo ông Lee, có thể, rất khó thuyết phục được các phi công đổi ý.
- “Nói chung, các phi công đều phản đối kịch liệt, và điều nầy làm tôi hết sức ngạc nhiên vì trong tất cả các khả năng mà họ được chọn lựa: bị hệ thống phòng không bắn hạ, bị điều khiển từ mặt đất và mất quyền kiểm soát tạm thời thì rõ ràng giải pháp thứ ba là tốt nhất”, giáo sư Edward Lee cho biết như vậy.
Thiết bị “Solf Wall” đòi hỏi các phi cơ cũ (nếu chưa có) phải thay đổi hoàn toàn hệ thống computer trên phi cơ. Tuy nhiên, các chuyên gia Hoa Kỳ đang nghiên cứu giải pháp để gắn các thiết bị của “Solf wall” vào máy bay cũ mà không phải thay đổi toàn bộ, như vậy đỡ tốn kém hơn.
Một kỹ-thuật khác mang tên Magic Lantern (Cây đèn thần). Đây là tên một solfware được chuyên viên về computer của Hoa Kỳ "gởi" vào máy computer bằng kỹ thuật đặc-biệt để các cơ-quan an-ninh nghe trộm đàm thoại, theo-dõi E-mail, telegraph...của bất kỳ ai họ cần theo dõi. Đây là một phần trong dự án "Hiệp sĩ không gian mạng" (Cyber Knight) của FBI, một chương-trình thông tin hữu hiệu thuộc lĩnh-vực khoa-học công-nghệ của Hoa-Kỳ mà chưa có quốc gia nào làm được cho dù khả năng và kiến thức của họ không thua sút Hoa Kỳ là mấy. Các nhân viên điều tra được phép bí mật lắp đặt một solfware nghe trộm qua Internet tại các máy chủ của các cơ-quan chủ-quản internet, gọi là các servers. Solfware đặc-biệt nầy sẽ thu lại tất cả những ký tự được gõ vào máy tính cá nhân (computer) của người xử dụng máy để liên-lạc với nhau qua hệ-thống internet.
Với công nghệ này, FBI chỉ cần gửi đến người sử dụng “những đối tượng họ cần nghe trộm” một file đính kèm email, để đối tượng tự động tải "cây đèn" (đèn "ác ôn" chứ không phải cây đèn "thần" đối với kẻ xấu) xuống máy computer mà chủ nhân nó không hay biết gì. Khi đối tượng mở máy, công-nghệ nầy tự-động gởi vào máy computer của họ, trong đó có cả bọn xấu. Từ đó, mọi hoạt động của đối tượng bằng computer (xử dụng fax bằng computer, chat, e mail,...) đều bị phát giác.
Máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk
Trong quá khứ, Hoa Kỳ và bốn nước thành viên khác điều hành và xử dụng hệ thống Echelon, một hệ thống theo dõi thông tin toàn tối tân nhất, tuy ra đời rất lâu nhưng còn hoạt động mãi đến nay. Những thông tin mà Echelon mang lại vô cùng lớn lao trên mọi phương diện, giúp Mỹ thu thập nhiều tài liệu vô giá mà nếu như theo phương-pháp cũ (gởi điệp-viên đi thu-thập) phải tốn nhiều nhân, tài, vật lực và thời-gian, đôi khi không chính-xác vì bị đòn "phản tình-báo" của đối phương. Phương tiện nầy nghe lén tất cả các hoạt động cả phía địch lẫn phía ta, cả quân sự lẫn dân sự, kinh tế, tài chánh. Được ra đời và xử dụng trong suốt thời gian dài đã qua, mặc dù qua bao sóng gió, đến nay hệ thống "nhìn trộm, nghe lén" nầy vẫn con hoạt động hữu hiệu.
Một thí dụ, trong một phi vụ tại Ý, một phi công quân sự Mỹ đóng tại Tây Âu đã gây ra tai nạn tại một vùng giải trí ở Ý, làm tử vong một số dân Ý. Nhờ hệ thống nghe lén nầy, người Mỹ nghe được các cuộc đàm thoại của người Ý liên quan đến việc nầy nên biết phản ứng của họ và từ đó, người Mỹ đã có hành động thích hợp, không phải chịu “lép vế” hay làm mất đi tình cảm mà người Ý dành cho quân nhân Mỹ đóng tại xứ sở họ. {Xem thêm bài viết về đề tài nầy, click tại đây}
Hoa Kỳ còn áp-dụng Nhu liệu Carnivore, gọi nôm-na là "máy nghe lén", một nhu liệu điện toán để gắn vào các máy chủ của các công-ty Internet. Nhu liệu nầy giúp cho các cơ quan an ninh của Hoa Kỳ (NSA, FBI, CIA, cảnh-sát,...) có thể kiểm-soát E-mail, trong tất cả mọi máy computer đang xử dụng khi đang vào internet. Đây là một công-nghệ tinh-vi với tầm hoạt-động mạnh: chỉ trong 1 giây đồng hồ, nhờ software nầy, nhân viên an ninh có thể đọc hàng triệu E-mail trên internet để tìm bắt kẻ gian, theo dõi kẻ tình nghi hay muốn biết những gì họ cần hay họ trao đổi với nhau bằng computer. { Xem thêm bài nầy, click vào đây}
Sau khi xảy ra không-tặc tại New York và Washington DC., khi được phép của nhà hữu trách, nhân viên FBI đã đến các công-ty Internet (như AOL, Prodigy, MSNBC,...) tại Hoa-Kỳ để đặt các nhu-liệu này vào máy chủ của các công-ty này để FBI có thể truy tìm tông-tích, theo-dõi hoạt-động của bọn tội-phạm khi chúng dùng máy computer để liên-lạc với nhau, khi mà chúng không dùng điện thoại vì sợ bị các cơ-quan an ninh phát-giác.
Không phải chỉ có các cơ-quan an-ninh chính-phủ quan-tâm đến an-ninh mà các tổ-chức dân sự khác cũng đặt nặng vấn đề nầy. Một trong các ngành bị thiệt hại nặng sau các vụ khủng-bố là kỹ-nghệ chuyên-chở công-cộng, một hệ-thống đa quốc gia chuyên vận-chuyển hành-khách để phục-vụ nhân-loại. Điển hành, sau ngày 11-9-2001, Cục An-ninh của Bộ Chuyển vận Hoa-Kỳ (Transportation Security Administration-TSA) đã có những biện-pháp khám xét hành-khách với kỹ-thuật cao hơn.
Một trong các phương-pháp là việc "những dữ-kiện về hành-khách" được đưa qua hệ-thống để đối chiếu với các "nhân vật nguy-hiểm" đã được cài sẵn vào máy computer của các hãng hàng-không. Bất cứ một sự trùng hợp nào, nhân-viên quày vé sẽ biết và có biện-pháp đối-phó cấp-thời hay báo-cáo đến các cơ-quan an-ninh.
Theo ông Robert Johnson, phát-ngôn viên của TSA cho hay:
-"Hệ thống kiểm-soát hiện-hành không chính xác nên chúng tôi phải dùng hệ-thống mới".
Trong thời-gian tới, một phương-pháp mới hơn sẽ được áp-dụng. Theo đó, mỗi hành-khách sẽ được cấp một màu riêng: màu xanh lá cây là vô can, mầu vàng là cần xét lại, cần lưu ý và nếu là màu đỏ: hệ-thống thông-tin đánh giá người nầy thuộc hạng nguy-hiểm, cần theo-dõi sát hoặc không cho lên máy bay.
Ngoài ra, tất cả các cơ-quan liên-hệ đến an-ninh sẽ hoạt động liên-đới với nhau với nhiều kỹ-thuật tối-tân hơn. Kỹ-thuật nầy sẽ dò trong khối lượng thông-tin khổng-lồ để tìm ra các chi-tiết cần thiết: các email, fax, điện-thoại, các hóa đơn mua hàng, thuê xe, thuê phòng khách sạn, mua hóa-chất, phân bón, mua súng đạn, thuê xe tải, thuê máy bay hay các chuyến đi Trung Đông hoặc các vùng liên-hệ với bọn khủng-bố, v.v...
Được biết, TSA là một phần trong dự án lớn của Hoa-Kỳ mang tên "Dự-án "An-ninh Toàn bộ" (Total Information Awareness-TIA) của Bộ Quốc-Phòng Mỹ.
Thêm vào đó, chính-phủ Mỹ còn đề-nghị, khuyến-khích, hỗ-trợ, giúp đỡ, cộng-tác v.v... với các trường Đại-học, các viện nghiên-cứu, các trung-tâm thí-nghiệm, các học viện (dân-sự lẫn quân-sự) để các nơi nầy tìm ra các phương-pháp, thiết bị mới đáp ứng nhu cầu cho an-ninh chung hoặc an-ninh quốc-phòng. Mỗi một phát minh, phát kiến nào mới, sau khi thí nghiệm thành công được đưa ra các giới hữu trách xem xét, nghiên cứu trước khi có các giải pháp kế tục trước khi đưa ra đấu thầu để sản xuất.
Tưởng cũng nên biết, tuy là những học đường nhưng các trường Đại-học Mỹ góp phần không nhỏ cho quốc-gia trong các công trình to lớn của chính phủ Mỹ. Những phát-minh, phát-kiến, những công-trình nghiên-cứu, nhiều thí-nghiệm, các cuộc thực tập v.v... của các trường không đơn-thuần là đáp-ứng cho giáo-dục mà còn liên-hệ mật-thiết đến chương-trình "lớn", đôi khi thuộc hạng "tối mật" của chính phủ. Điển hình là Massachusetts Institute of Technology (MIT), một nơi đã đào luyện không biết bao chuyên-viên ưu-tú cùng nhiều công-trình khoa-học để phục-vụ cho đất nước Hoa-Kỳ, từ các công nghệ bí mật đến các ứng dụng cho sản xuất. Thành tích của MIT không thể nào kể cho đủ trong một cuốn sách huống hồ một bài viết ngắn ngủi, đã đem lại nhiều thành quả cho nước Mỹ để ngày nay Hoa Kỳ mang danh một siêu cường.
Riêng trường Đại học Stanford (tên đầy đủ là Leland Stanford Junior University), là một trường tư, nơi cung-cấp nhiều chuyên-viên thượng thặng về y khoa, điện-toán cho nước Mỹ và thế giới. Trường có gần 16.000 sinh viên hàng năm, với 2,043 nhân viên gồm giáo sư và nhân viên các ban ngành, với các sinh viên xuất thân từ "lò" này đã là những người sáng lập, điều hành, phát minh,.. tại các hãng xưởng danh tiếng: Google, Hewlett-Packard, Nike, Sun Mycrosystems, Yahoo,... những cái tên vừa nghe đến ai nấy đều biết tiếng ngay, chưa kể những hãng xưởng nhỏ khác tại nước Mỹ hay các quốc gia khác.
Một trong các trường đại học Mỹ góp phần trong sự phồn vinh của Mỹ, đó là trường Đại học California, đơn-vị chủ quản của "Phòng thí-nghiệm quốc gia Lawrence Livermore", một trung-tâm nghiên-cứu hạt nhân và các ngành thuộc lãnh vực khoa học, computer của Mỹ. The University of California, hay UC Berkeley, hoặc Berkeley, hay California, hoặc từ ngữ đơn giản là Cal là những tên đặt cho trường nầy. Chỉ cần nhìn vào danh sách các giải thưởng mà các cựu sinh viên và giáo sư của trường này được cấp đủ thấy đáng nể: 72 giải Nobel (trong đó riêng Nhà trường được cấp 22 giải), 9 Wolf Prizes, 7 Fields Medals, 15 Turing Awards, 45 McArthur Fellowships, 20 Academy Awards,11 Pulitzer Prizes, đến hôm nay, UC Berkeley và các nhà nghiên cứu của trường đã được đặt tên cho 6 nguyên tố hóa học (chemical elements) mới được đặt tên, đó là: californium, seaborgium, berkelium, einsteinium, fermium.
Ngân-sách cùng các phương-tiện được chính-phủ Mỹ dành cho các trường đại-học thuộc loại nầy rất lớn. Một thí dụ nhỏ dẫn chứng: để thay thế 100.000 ổ khóa lắp đặt tại 526 tòa nhà của Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore (thuộc thành-phố Livermore, Bắc California, trực thuộc Trường California), Bộ Năng-Lượng Mỹ phải tốn 1,7 triệu USD, một số tiền không nhỏ. Hai quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Quảng Đảo và Trường Kỳ của Nhật để chấm dứt thế chiến thứ hai cũng được nghiên cứu, thí nghiệm từ trường Đại học nầy.
Chúng ta cần biết thêm, ngoài việc đóng góp rất nhiều cho nước Mỹ qua các công-trình nghiên-cứu, từ năm 1901 đến nay, các trường Đại học Mỹ đã chiếm được rất nhiều giải Nobel, một giải thưởng cao quý nhất mà nhiều quốc gia, nhiều trường Đại học danh tiếng khác trên thế giới hằng mơ ước nhưng không bao giờ “rớ” tới được. Chỉ riêng trong lãnh-vực Vật-lý mà thôi, với các con số thống kê được ghi nhận như sau:
- Stanford University: 9 giải;
- Harvard University: 8 giải;
- Cambridge University 7 giải;
- California Institute Of Technology: 6 giải;
- Columbia University: 6 giải;
- Princeton University: 6 giải;
- Bell Laboratories: 5 giải;
- University Of California Beckerley: 5 giải;
- IBM: 5 giải;
- Massachusetts Institute Of Technology: 5 giải.
Đó là chưa kể các học viện Quân sự với các phát minh cho kỹ-nghệ quốc-phòng thuộc loại "mật" chưa hay không được phổ-biến.
IV. NHỮNG ỨNG DỤNG TÂN KỲ
Gần đây, để đáp-ứng với đòi hỏi việc giữ-gìn an-ninh cho quốc gia, một kỹ-thuật mới đang được Hoa-Kỳ áp-dụng mang tên "Kỹ-thuật giám-sát an-toàn giao-thông và An-ninh Quốc gia". Trong một bài báo có tựa đề "Surveillance Nation" (Quốc gia dưới sự giám-sát) do hai tác-giả Dan Farmer và Charles C. Mann viết trên Tạp chí Technology Review của Viện Kỹ-Thuật Massachusetts MIT số ra tháng 4-2003 và 5-2003 đã nói đến kỹ thuật giám-sát mới nầy.
Người Mỹ biết rằng đất nước Hoa Kỳ là nơi mà bọn khủng-bố muốn hủy-diệt cho nên phải có những biện-pháp an-toàn càng chặt chẽ chừng nào càng tốt chừng ấy. Ý thức được như vậy, các công cuộc nghiên cứu bắt nguồn từ các trường kỹ-thuật mà ra, điển hình là MIT.
Trong bài báo, tác giả nêu ra một hệ thống giám sát an-toàn giao-thông. Quốc lộ 9 bắt đầu từ phía Đông là Boston xuyên qua Massachusetts chạy đến phía Tây là Pittsfield, một con đường cũ với 2 lằn lưu thông. Đến gần một thành-phố nhỏ là Northampton, đường này băng qua sông Connecticut. Nơi đó có cầu Calvin Coolidge Memorial, cây cầu mang tên vị Tổng-thống thứ 30 của Hoa-Kỳ khi trước ông phục-vụ tại đó trong chức vụ Thị-trưởng của thành-phố Northampton, là một giao-lộ tồi-tệ, thường hay kẹt xe hàng cây số dài.
Nơi đây, Trung-tâm Vận-chuyển của Trường Đại-học Massachusetts (the University of Massachusetts Transportation Center), nằm gần Amherst, lặp đặt 8 máy quay hình dọc theo con đường dẫn đến cây cầu. Sáu máy camera được đặt trên các trụ cao và các khu thương-mại. Các máy nầy do hãng Axis Communications của Thụy-Điển chế-tạo. Qua đó, các hình ảnh được truyền liên-tục lên một mạng lưới và được đưa lên trên hệ-thống Internet để các tài-xế biết rõ các thông-tin về giao-thông. Nếu đường bị kẹt xe, tài-xế sẽ tìm đường khác mà tránh.
Theo ông Dan Dulaski, người quản-lý về kỹ-thuật của hệ-thống nầy, "lệ-phí chỉ $40 USD một tháng bao gồm điện thoại, internet phí và xử-dụng hệ-thống nầy". Ngoài 6 camera nói trên còn có hai cái khác đặt trên cầu Calvin Coolidge, mỗi cái đặt một đầu cầu. Được chế-tạo do Computer Recognition System ở Wokingham, Anh quốc, máy có khả-năng chụp hình rất nhanh.
Với vận-tốc của mảnh chắn ống kính (shutter) có độ nhạy lên tới 1/10.000 một giây, có thể chụp hình bảng số tất cả xe chạy qua dù cho xe chạy nhanh đến mấy vẫn rõ ràng. Cách đó 8 km ở cuối vùng, có đặt hai chiếc máy khác. Một chiếc xe chạy qua cầu được máy chụp hình lần thứ nhất ở máy bên nầy và lần thứ hai ở máy bên kia, khoảng thời-gian được ghi lại trong hệ-thống. Mọi hoạt động của các máy được chuyển về một trung-tâm ở Cambridge, Massachusetts cách đó 130 km rồi đưa lên hệ thống internet.
Hệ thống nầy rất hệ-trọng, chẳng hạn một chiếc xe cứu-thương, biết được tình-trạng lưu-thông để tìm đường khác chạy đến nơi cần cấp-cứu hoặc xe cảnh sát cần truy nã tội phạm. Ngoài ra, cảnh sát còn có thể kiểm-soát xe cộ đang lưu-thông, xe nào chạy nhanh, xe tội phạm trốn chạy v.v...Máy nầy có độ chiếu lớn (focus) cực đại, đến độ có thể thấy rõ có bao nhiêu người ngồi trong xe, là đàn ông, đàn bà hay trẻ con, tay có cầm giữ vật gì hay không.
Theo ông Keith Fallon, một kỹ-sư của Computer Recognition Systems cho hay:
-"Chúng tôi không cất dấu bất cứ thông-tin nào chúng tôi thu lượm được. Tất cả dữ kiện đều được hủy bỏ ngay nhưng khi cần, chúng tôi có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Không một ai trên đường có thể nhận biết việc nầy".
Khi nói về hệ thống này, bài báo còn cho biết:
-"Cây cầu nầy chỉ là một trong hàng ngàn nơi trên trái đất mà mọi người lái xe qua. Trong hầu hết mọi trường hợp, mọi người không biết cả một mạng lưới đang giám-sát bằng máy computer canh chừng họ".
Trong một bản tường trình vào tháng 1-2003 của công-ty J. P. Freeman, một công-ty ở Connecticut chuyên nghiên-cứu về thị-trường đồ trang-bị về an-ninh cho biết:
-"Trên thế-giới người ta đã thiết trí 26 triệu máy thu hình giám-sát, trong số nầy hơn 11 triệu máy là tại Hoa-Kỳ".
Luân-Đôn là thành-phố bị giám-sát chặt chẽ nhất thế giới, theo con số thống kê được phổ biến. Theo ông Clive Norris của trường Đại học Hull ước tính:
-"Một người dân Luân-Đôn trung-bình bị chụp hình 300 lần một ngày nếu họ ra đường".
Thật ra, các thiết bị kiểm soát như vậy không phải là điều mới-mẻ gì. Tại Hoa-Kỳ, vào tháng 2-1965, trên một giao-lộ của Sunset Boulevard thuộc thành-phố Los Angeles, ông Charles Katz dùng điện thoại công-cọng tại một trạm điện thoại để gọi "cá độ thể-thao" (gamble). Bất hạnh cho Katz, FBI đã đặt trên nóc trạm nầy một máy ghi âm nhỏ và ghi lại cuộc đàm thoại nầy, sau đó ông ta bị cảnh-sát bắt.
Các kỹ-sư thường chế-nhạo là "luật pháp theo đuôi kỹ-thuật". Thật vậy, luật-lệ theo sau rất xa các kỹ-thuật tinh-vi trong thời-đại ngày nay. Trước đó hàng 200 năm kể từ thời gian mà Katz bị bắt, theo luật-sư của Katz, "Tu chính án thứ tư của Mỹ cho rằng đặt máy ghi âm như vậy là sai luật. Việc FBI đặt máy ghi âm mà không có thông báo là phạm pháp".
Người ta cho rằng việc giám-sát bằng các loại máy móc điện tử thường phục vụ cho mục-đích chính trị hay đem lại lợi-ích cho các công-ty sản-xuất, công-ty điều-hành các phương-tiện này nghĩa là nghiêng về thương-mại hơn là bảo vệ an-ninh hay đem lại lợi ích cho người dân hoặc giới tiêu-thụ. Thật tế, không phải như vậy. Các kỹ-thuật tân-kỳ phục vụ cho mọi người, mọi giới. Một điều chắc chắn là nhờ các phương-tiện mới, mọi người có được sự an-toàn hay ít ra các tổ-chức, bọn tội phạm bị phát giác, các cơ-quan an-ninh có biện-pháp kịp thời để bắt giữ, ngăn chận, phòng-ngừa vẫn hay hơn.
Ngoài ra, người dân sử dụng những phương-tiện cũng cảm thấy dễ chịu. Một cặp vợ chồng có con sơ-sinh nhưng để đứa bé ngủ riêng phòng, nếu có một camera đặt ở phòng đứa bé nằm, cặp vợ chồng nầy có thể biết tình-trạng của đứa bé ra sao qua một màn hình tại phòng mình, chẳng phải vừa an tâm vừa tiện lợi hơn sao?
Bài báo con nêu trường hợp cặp vợ chồng đi làm nhưng mướn người nuôi trẻ (babysister) đến tại nhà mình chăm sóc con trẻ. Nếu có camera, họ có thể biết chắc chắn con mình có bị đánh đập, có bị bỏ không trông nom, cho ăn không đúng giờ,... hay không. Khi về nhà, họ chỉ cần vặn camera lên xem lại để kiểm-soát việc làm của người họ mướn. Có rất nhiều dụng cụ, nhiều phương-pháp khác nhau đã có sẵn, người ta chỉ chỉ cần kết hợp chúng vào nhau để xử dụng mà thôi.
Bài báo còn viết thêm:
-"Những dữ liệu giám sát thâu thập từ nhiều nguồn đang được kết hợp lại thành một nguồn lớn. Thí dụ các công-ty thương mại theo dõi việc dùng xe hơi, máy tính, điện thoại... của nhân viên của họ để lượng định khả năng của họ".
Bộ Quốc Phòng Mỹ áp dụng một dự án mang tên "Nhận dạng Tin-tức Toàn-diện" (Total Information Awareness) được áp-dụng. Qua các nguồn tin-tức tổng hợp từ nhiều nơi của hàng triệu người, nhân viên an ninh dựa vào đó tìm ra những dữ-liệu để nhận-diện ra các tên tội phạm hay quân khủng-bố hoặc thành-phần cần theo-dõi.
Trên lãnh-vực tài chánh, một tổ hợp tài chánh gồm 19 cơ-sở lớn được thành-lập năm 2002. Mỗi tổ hợp theo-dõi các khách hàng của họ, mỗi khách hàng có một hồ-sơ riêng, họ cùng bỏ vào một dữ liệu chung để cùng xử-dụng khi cần. Dựa vào những dữ kiện nầy, người ta có thể theo-dõi các đường dây hay cá nhân phạm tội liên-quan đến tài chánh: các món tiền gởi vào, lấy ra trong các trương mục, các vụ chuyển tiền, các món tiền lớn có nguồn-gốc bị nghi-ngờ, các vụ rửa tiền...
Tất cả các tin-tức nầy cũng giúp cho các quốc-gia, tổ-chức chống tội phạm, cảnh-sát quốc tế Interpol v.v... theo-dõi, nhận-định, thẩm-tra... các tiềm năng phạm tội để đề phòng, để tránh hay bắt giữ chúng ngỏ hầu truy-tố trước luật pháp.
Một phát minh mới cũng nằm trong kế hoạch ngăn ngừa khủng bố tấn công do Viện Công-Nghệ Georgia thực hiện mang tên “Hệ thống nhận dạng qua dáng đi”. Sáng kiến nầy được thiết kế tại các cửa ra vào các nơi quan yếu, giúp nhân viên an ninh kiểm soát kẻ ra vào dễ dàng và chính xác hơn. Dựa trên hoạt động của Radar, cho phép nhận dạng người qua dáng đi của họ. Theo ông Gene Greneker, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Viện Công Nghệ Georgia, cho hay:
- “Hệ thống có thể giúp nhân viên an ninh phát giác các nhân vật đáng ngờ: ngay trong bóng đêm, trong thời tiết xấu, trong trang phục kín mít từ đầu đến chân từ khoảng cách 200 m. Điều nầy máy quay Video không thể làm được”.
Tại các khu vực quan trọng, thiết bị này sẽ cho nhân viên an ninh biết kẻ lạ đang đến không phải là nhân viên quen thuộc. Các dữ liệu của các nhân viên chính quyền được ghi lại và lưu trữ trong máy. Một kẻ lạ đến, máy hoạt động, sẽ đối chiếu tức thì các chi tiết nó mới ghi nhận về người đó với các dữ liệu của nhân viên đã được ghi sẵn. Ngoài ra, hành lý kẻ lạ mang theo bên ngoài hay được dấu kín trong người là vật nặng (bom, mìn, chất nổ...) hay các vật đáng ngờ được phát giác ngay từ xa. Đặc điểm nầy giúp nhân viên an ninh có đủ thời gian đối phó hay thông báo lên giới chức hữu quan.
Theo dự định của Cục Dự Án Nghiên Cứu Quốc phòng Cao Cấp (DARPA), sáng kiến nầy có thể trở thành một phần của “Hệ thống Giám sát Toàn Diện” mà Bộ Quốc Phòng Mỹ sẽ áp dụng trên cả nước. DARPA cho các nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho chính phủ Mỹ biết:
- “Lượng dữ liệu cần lưu trữ và truy cập lớn chưa từng có, được tính bằng Petabyte”.
1 Petabyte= 1 triệu Gigabyte, 1 Petabyte có thể chứa tài liệu của 50 thư viện trên đất Mỹ, tương đương với 900 triệu cuốn sách.
Tưởng cũng cần biết thêm về “Hệ thống Giám sát Toàn Diện” của Ngũ Giác Đài, được thành lập dựa trên lý-thuyết của Đô-Đốc Mỹ John Poindexter (đã về hưu), như sau:
- “Khủng bố phải tham gia vào những giao dịch nhất định để phối hợp và thi hành việc tấn công người Mỹ. Các giao dịch nầy tạo ra các mô thức mà ta có thể phát giác được”.
Cũng theo DARPA, mục tiêu của Mỹ là rút ra những kết luận và cho biết những dự báo về các hoạt động khủng bố từ các tin tức, các dữ liệu trên các lãnh vực của các đối tượng như: các dịch vụ ngân hàng (chuyển, rút tiền), xin visa, passport, giấy phép; xin bằng (hay giấy phép tạm thời) lái xe, thuê xe, thuê máy bay, khách sạn, mua súng đạn, học lái máy bay, học lái xe, mua phân bón, hóa chất, các chuyến đi đến các nơi khả nghi... DARPA cho hay việc thu thập các dữ kiện khác như nhà ở, sức khỏe, giáo dục, thông tin sinh trắc... cũng được ghi nhận ngoài việc chụp hình, lấy dấu tay, khuôn mặt, nhận dạng dáng đi, lấy mẫu DNA.
Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu cũng công nhận rằng thiết bị nói trên có thể có khiếm khuyết, có thể cho kết quả không chính xác vì dáng đi của con người còn tùy thuộc vào giày, dép, quần áo.
Ông Greneker phát biểu:
- “Dù đi đế giày đế bằng hay giày cao gót thì dáng đi của phụ nữ không thay đổi mấy. Tuy nhiên, nếu cô ta đi giày ống thì dáng đi có thể khác trước rất nhiều”.
Nhìn chung, phát kiến nầy sẽ giúp cho việc bảo vệ an ninh rất nhiều, có thể biết trước hoặc làm giảm thiểu thiệt hại do khủng bố cố tình gây nên.
Tại các phi trường, việc kiểm soát gắt gao sau biến cố 11-9-2001. Các thiết bị cũ là những máy quét để kiểm soát hành lý chỉ hữu-hiệu đối với các vật bằng kim-loại mà thôi. Đó là những máy sử dụng tia X và máy quét C.T. Nếu bọn khủng bố dùng bom bằng chất plastic có thể qua mặt loại máy nầy.
Để bổ khuyết cho khiếm khuyết đó, vào tháng 11-2003, L-3 Communications Cop., một công-ty chuyên chế-tạo các thiết bị An-ninh ở New York cho ra đời một sản-phẩm mới. Thiết bị nầy sử dụng công nghệ “Vi sóng millimeter”, (giống như công nghệ của quân đội Mỹ có thể nhìn xuyên tường) để kiểm soát hành khách, hành lý nhằm tìm vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy một cách chính xác, nhanh chóng.
Với thiết bị cũ, nếu phát hiện một vật nghi ngờ trong túi hành lý, chủ nhân phải mở túi hành lý ra để nhân viên an ninh khám xét, như vậy phải mất thời gian có thể làm trễ chuyến bay, gây phiền phức hành khách. Để tránh trở ngại trên, các nhà nghiên cứu thuộc công ty Newark ở California sắp cho ra đời thiết bị mang tên InVision. Công nghệ InVision kết hợp các máy quét cũ nhưng sử dụng công-nghệ nhiễu xạ tia X (X Raydiffraction).
Khi một vật trong túi hành lý bị máy nghi ngờ, nó tự làm việc. Lúc đó, nó tự phân tích những thành tố của vật ấy tại chỗ để xác định chính xác là vật gì ngay trong giây lát trong gói đồ đóng kín. Tất cả các sản phẩm được giới thiệu với khách hàng (chính phủ Mỹ hay các công ty an ninh tư nhân làm việc cho chính phủ) để họ chọn lựa và mua để sử dụng. Điều mang tính cạnh tranh nầy đã giúp cho các phát minh, phát kiến ngày càng phong phú ngõ hầu bảo đảm an ninh hơn cho dân chúng.
Để ngăn ngừa việc bọn khủng bố cướp các tài sản chính phủ hay tư nhân để làm phương tiện tấn công, các công ty Mỹ đã ra sức phát triển, sáng chế các phương tiện phòng ngừa. Chúng ta biết, các xe bồn chở xăng, chở hóa chất cho các công ty, các hãng xăng dầu, nếu bị bọn khủng bố cướp rồi dùng nó để phá hủy các cơ sở của chính phủ, cầu cống, nhà máy điện, nhà máy lọc dầu v.v...tầm nguy hiểm sẽ vô cùng lớn lao. Mới đây, các kỹ sư thuộc Công-Ty An-ninh Vệ-tinh, có tên là S.3, bản doanh tại San Diego, California đã nghiên cứu thành công một thiết bị để có thể chận đứng hành động trên: có thể làm cho chiếc xe bồn nếu bị cướp phải dừng lại, không thể di chuyển được. Đây là một phát minh được cho là tối tân.
Công nghệ nầy hoạt động bằng cách gắn vào xe tải một máy phát vô tuyến dài độ 13 cm dưới đồng hồ trong xe bồn. Khi máy nầy hoạt động, nó sẽ phát tín hiệu về trạm điều khiển, có thể ở cách xa nó đến hàng ngàn dặm. Tại trạm, người ta sử dụng mạng truyền dữ liệu vệ tinh qua các trạm phát sóng tín hiệu, có thể “ra lệnh” tắt máy xe mà người tài xế không cách nào làm cho xe hoạt động được. Một chiếc xe bồn đang chạy gần biên giới với tiểu bang Oregon, chỉ cần 30 giây đồng hồ, xe phải dừng lại khi tín hiệu “off” được phát ra từ trung tâm điều khiển ở San Diego.
Chúng ta cũng cần biết thêm rằng trước đây, người Mỹ đã có một công-nghệ tương tự. Công nghệ nầy chưa được dùng trong việc bảo vệ an ninh mà chỉ dùng trong việc bắt tội phạm. Trong tình trạng mất cắp xe hơi ngày càng mạnh, các công ty hữu quan đã “gài” một thiết bị vào chiếc xe để “mồi”, chiếc xe nầy sau đó được bỏ một nơi nào đó dễ bị cắp để bọn cắp lấy xe nầy. Sau khi kẻ cắp lấy xe chạy đi, cảnh sát chỉ cần theo dấu các tín hiệu phát ra từ chiếc xe nầy và dĩ nhiên, các chiếc còng của cảnh sát sẽ được sử dụng, các tên cắp xe vào trong “nhà đá” ngồi, với câu hỏi: “làm sao cảnh sát biết chính xác và nhanh như thế?” luôn lởn vởn trong đầu chúng. Thiết bị nầy tương tự như thiết bị gài vào chân các phạm nhân tội nhẹ được thả ra khỏi nhà tù nhưng còn đang bị theo dõi, ngay cả việc không cho phép đi xa khoảng cách quy định. Nếu tù nhân vi phạm, trại giam sẽ biết ngay chúng đang ở đâu.
Trở lại với thiết bị ngăn ngừa cướp xe bồn nói trên, khuyết điểm nhỏ của hệ thống S. 3 là bọn cướp có thể “làm nhiễu sóng với một thiết bị có cùng tần số”, theo lời ông Bill Wattenburg, một kỹ sư thượng thặng của Trường Đại Học California thuộc Phòng Thí nghiệm Quốc gia Livermore, California. Ông nói:
- “Chúng sẽ tìm ra tần số nhanh như bọn trẻ tìm ra cách đột nhập vào máy tính”.
Tuy nhiên, điều nầy rất khó thực hiện vì không dễ gì làm nhiễu hệ thống S.3 vì nó hoạt động trên nhiều tần số khác nhau và thay đổi luôn và bọn cướp đâu phải thuộc loại tài ba hay có trình độ kỹ thuật cao và máy mọc sẵn có bên người. Ông Serhan, Phó Giám-đốc kinh doanh của Công-ty An-ninh Vệ-tinh cho biết:
- “Làm sao bọn chúng biết được tần số đang hoạt động”.
Thiết bị nầy đã được gắn cho một số đông xe bồn, xe tải thuộc California và Nevada, và có thể, vì lý do bảo mật an ninh, tài xế không biết xe mình đang lái có gắn máy hay không.
Trong việc ngăn ngừa hành động tương tự, Phòng Thí nghiệm Quốc gia Livermore, cơ quan trực thuộc của Trường Đại Học California cũng đã có một thiết bị nhưng không phải dùng thiết bị kiểm soát từ xa. Họ dùng một thiết bị cơ học và gắn vào thanh đỡ trước và sau đầu các loại xe nầy. Một hệ thống dây dẫn sẽ nối nó với hệ thống cơ học trong xe. Một va chạm vào thanh đỡ, hệ thống nầy hoạt động và thắng xe lại cho dù tài xế cố tình đạp mạnh cần ga hay không đạp thắng.
Dĩ nhiên, hai trung tâm nói trên có sự cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Theo ông Serhan:
- “Nếu không phải bị cướp mà do một va chạm khác (một xe cảnh sát đâm vào chẳng hạn), thiết bị gắn ở thanh đỡ sẽ rất nguy hiểm. Tốt nhất, kết hợp cả hai”.
Với những giới-thiệu sơ-lược một số công-nghệ nêu trên của Mỹ cùng với biết bao kỹ-thuật chưa được nói đến hoặc còn thuộc dạng bí-mật đã giúp các quốc gia Âu Mỹ phần nào khám-phá được, ngăn-ngừa, chận đứng kịp thời các hành động khủng-bố của bọn vô lương.
Nhân đây, xin đề cập đến lãnh vực y tế trước nguy cơ khủng-bố sinh học. Đồng thời với việc nhắc nhở dân chúng phải sẵn sàng các vật dụng sơ cứu, học các cách cấp cứu tạm thời trong khi chờ đợi nhân viên y tế đến giúp, chính phủ Mỹ cải thiện khả năng phòng thủ về mặt y tế. Để chống lại nguy cơ khủng bố sinh học, dự án BioShield, với kinh-phí 5,6 tỷ USD được chính-phủ chấp thuận và cho thi hành. Dự án nầy bảo đảm cho người dân Mỹ đủ thuốc chủng ngừa và điều trị nếu bị tấn công bằng sinh học, đủ thuốc dự phòng, cần thiết cho 10 năm sắp tới.
Dự án nầy được sự hỗ trợ của Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm FDA, ưu tiên và cho phép các thí nghiệm nhanh, không theo nguyên tắc cũ hầu đi đến kết quả nhanh hơn hầu đáp ứng cho nhu-cầu. Sau biến cố 911, các cơ quan, công ty dược Hoa Kỳ hoạt động mạnh hơn trước. Công ty DynPort trụ sở ở Frederick, Maryland thử nghiệm thuốc chủng VIG (Vacinia Immune Globulin) ở giai-đoạn 2 chống bệnh đậu mùa, công ty Anacor Pharmaceuticals ở California đang nghiên cứu về bệnh than cùng các tác nhân các bệnh khác do khủng bố sinh học gây ra. Công ty nầy thành lập năm 2001, với 2,16 triệu vốn từ Ngũ Giác Đài tài trợ, đã hoàn thành thuốc chủng bệnh than. Bệnh nhân cần phải tiêm 18 liều trong 6 tháng, sẽ sống an toàn trong môi trường ô nhiễm với bào tử bệnh than.
Phòng thí nghiệm ở Los Alamos và phòng thí nghiệm Lawrence ở Livermore, California đã nghiên cứu loại máy kiểm soát môi trường. Máy nầy phân tích không khí tại các nơi đông người như phi trường, ga xe điện ngầm, các sân bóng, trung-tâm hội họp..., máy lấy không khí nơi đó rồi phân tích, cho ngay kết quả chỉ trong thời gian ngắn để các giới chức hữu quan kịp thời đối phó nếu có biến động.
Một trong các quan ngại của chính phủ Mỹ là việc bảo vệ an ninh các hải cảng, các bến tàu, các nơi xuất nhập hàng hóa. Mỗi năm, giới chức an ninh Mỹ phải kiểm soát 7 triệu chuyến hàng, là một việc làm khó khăn vì bọn khủng bố có thể vận chuyển bom bẩn, đầu đạn hạt nhân, buôn lậu các nhu liệu hạt nhân dấu kín trong các container kiên cố. Trước nay, muốn theo dõi các tàu bè đáng ngờ nhập vào Mỹ, hải quan Mỹ phải nhờ đến hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu. Họ lần theo bước chân của các con tàu, từ nơi bến xuất, suốt trên hải trình, có bị lục lọi trên lộ trình hay không, các container hàng hóa có bị tháo dỡ hay không.
Theo ông Lester Boeh, Phó Giám-đốc Hệ thống An ninh Y tế Varian ở Palo Alto, California, hải cảng và tàu hàng là các nơi dễ bị tấn công nhất. Do vậy, họ đã nghiên cứu thành công một thiết bị sử dụng năng lượng cao xử dụng tia X có thể nhìn thấu vào các container với vỏ thép dày. Công ty NucSafe ở Oak Ridge, Tennessee cũng đang hoàn thành thiết bị tương tự, có thể biết được thứ gì đằng sau các tấm thép dày của các container bằng các máy quét phóng xạ nhạy, sau đó gởi về một trung tâm để phân tích trong chốc lát.
Các chuyên gia cho rằng đây chỉ là các thiết bị sơ khởi đáp ứng cho nhu cầu. Theo kế hoạch của chính phủ Mỹ, các chuyên gia của trường Đại học California thuộc Phòng Thí-nghiệm Quốc gia Lawrence, Livermore đang nghiên cứu các thiết bị kiểm soát nhỏ và nhanh hơn. Một trong các đề án là thiết bị có tên RadScout đã ra đời, với mục đích tìm các dấu vết tác nhân phóng xạ. Thiết bị nhỏ như một cuốn tự điển bỏ túi, chạy bằng pin, có thể kiểm soát các container mà không cần mở nắp ra, thật tiện lợi. Trong tương lai, sẽ còn có nhiều thiết bị tinh vi hơn trong nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia.
V. LỜI KẾT:
Ngày nay, theo đà tiến-bộ của thời đại tin học, bọn khủng bố cũng áp dụng trăm phương ngàn kế để qua mặt chính quyền, ngay cả các phát minh khoa học đáng kể. Do vậy, các quốc gia tiên tiến Âu Mỹ đã phải dựa vào các phát-minh khoa học kỹ thuật để đưa đất nước tiến bộ, giữ an ninh trật tự cho dân chúng. Họ không dám lơ-là hay "ngủ quên" trong niềm tự hào về những thành tựu mà họ thu đạt được, không như tập-đoàn Hà-Nội thường rêu rao về tự hào hảo-huyền vào "đỉnh cao trí-tuệ loài người" mà thực sự họ chẳng làm được tích sự gì. Chắc người Việt tỵ nạn Cộng sản chúng ta không thể quên việc “chiến sĩ tự-do” Lý Tống, chỉ với chiếc máy bay nhỏ không vũ-trang đã bay vào không phận Sài Gòn thả truyền đơn chống Cộng rồi ung-dung bay ra mà hệ thống phòng thủ “thành trì của XHCN” không hề hay biết hoặc có một phản ứng nhỏ nào. Phải chăng đó là cái tính ”ưu việt” của tập đoàn “từ vượn tiến lên người” như lý thuyết tiến hóa mà họ đã chấp nhận?
Riêng trên nước Mỹ, sau ngày 11-9-2001 đến nay, bọn khủng bố không phải không hoạt động nhưng không thấy có vụ phá hoại hay khủng bố nào "đáng kể" xảy ra. Đó là do bộ máy an ninh trên toàn nước Mỹ hoạt động nhịp nhàng và hiệu quả, là do đóng góp của biết bao nhiêu người để giữ an ninh cho mọi người. Chúng ta hãy vững tin vào những tiến bộ khoa học mà nước Mỹ có và đang được áp dụng, hãy tin vào sự hữu hiệu của ngành an ninh và an tâm rằng tiền đóng thuế của dân Mỹ được xử dụng đúng chỗ để giữ an toàn cho mọi cá nhân, mọi gia đình trong đại gia đình "hiệp chủng quốc" Hoa Kỳ. Đó cũng là ước vọng của nhân dân Mỹ vậy.
Lê Chánh Thiêm,
San Jose, 2002 (có sửa đổi và thêm)
* * *
Xem thêm bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Kiến thức, tài liệu, click vào đây
Trở về trang chính http://www.nuiansongtra.com