Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 16, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Phiếm luận
ĐỜI SỐNG QUANH TA
TRẦN QUÁN NIỆM

Đời sống quanh ta.
Trần Quán Niệm

CHUYỆN CON CHÓ

Chó Mỹ

Trong xã hội Mỹ, chó là loài vật được quí mến và gần gụi với loài nguời nhất, chả thế mà chó được vinh danh là ‘bạn quí của người (man’s best friend).

Đã từ lâu, loài người khám phá ra nhiều khả năng của người bạn 4 chân này. Chó được huấn luyện để đi săn cùng chủ, cứu người bị vùi trong tuyết lở (avalance), bị chôn sống trong đống gạch vụn khi nhà sập, tìm dấu người mất tích, đánh giặc (quân khuyển), đi tuần, dò bom, dò thuốc phiện, dẫn dường cho người khiếm thị, thậm chí trong thời đại mới còn biết mở cửa, lấy đồ vật, lấy phone để chủ gọi (chủ tê liệt, ngồi xe lăn), bật và tắt đèn v.v.

Mới nhất đây, chó lại được huấn luyện để giúp chủ trong một công tác đặc biệt như câu chuyện sau đây.

Những người mắc bệnh đường cao, sợ nhất là khi uống thuốc nhiều quá, hoặc bụng đói chưa kịp ăn, mức đường trong người xuống thấp, nếu không điều chỉnh ngay về mức bình thường, có thể bị xỉu, hôn mê. Nếu không cứu cấp kịp thời có thể chết. Được một cái là khi đường xuống thấp quá, cơ thể có phản ứng báo nguy là bệnh nhân cảm thấy toàn thân tê tê, buồn buồn như kiến cắn, chân tay bủn rủn, toàn thân toát mồ hôi, hết hơi sức. Lúc này bệnh nhân uống một ly nước cam, ăn một cái kẹo (tất cả thứ gì có chất đường) để mức đường trong người trở lại bình thường là khỏe lại.

Tuy nhiên có nhiều người không thấy triệu chứng nói trên, cứ yếu dần và rơi vào tình trạng hôn mê, rất nguy hiểm, nếu không có người thân quan sát và giúp đỡ. Đó là trường hợp của ông Bob Maher, 64 tuổi. Khi đường xuống thấp, chân tay ông không run rẩy, mồ hôi không tóat ra đầm đìa như nguời khác, mà cứ thiếp đì. Bệnh nhân loại này luôn luôn ở trong một nỗi sợ triền miên, sợ ở một mình, sợ lái xe, ngay cả ngủ cũng sợ. Người nhà ai cũng đi làm hoặc bận công kia việc nọ, làm sao ở gần bệnh nhân suốt ngày đêm được.

Tháng 6, 2004, vợ của Bob là Jean thấy chồng nằm bất tỉnh trước TV. Khi nhân viên y tế tới, mạch Bob không còn đập, tưởng đã nguy. May sao, Bob hồi sinh kịp thời.

Sau biến cố kinh khủng đó, bà Jean luôn ở bên chồng, không rời nửa bước. Ban đêm bà thức dậy vài lần, check mức đường trong máu cho chồng. Thật vất vả, và lúc nào cũng thấp thỏm, ăn ngủ không yên, căng thẳng và mỏi mệt. Sức người có hạn, không biết bà săn sóc chồng được bao lâu. Bà cũng già rồi chứ bộ.

Bay giờ thì Bob và Jean đều yên tâm. Bob đã có người bạn mới, tận tụy, siêng năng, kề cận 24 trên 24 và hay hơn cả là người bạn trung thành này không cần dùng máy đo, mà vẫn biết khi nào đường trong máu Bob xuống thấp để báo động. Ai mà hay quá vậy?

Xin thưa đó là chú chó Chewie, 2 tuổi. Như đã nói, gần đây, người ta khám phá ra nhiều con chó có năng khiếu là cảm nhận được tình trạng sức khoẻ của chủ nhân, đặc biệt trong trường hợp Chewie, chú này biết lúc nào mức đường của Bob xuống thấp để báo động. Mỗi con chó có cách riêng khi báo cho chủ. Phản ứng của Chewie là ngồi ì trước mặt Bob, giục mấy cũng không đi.

Cơ quan Canine Partners chuyên huấn luyện chó để giúp người bệnh cho hay cứ 10 chú chó thì 3 chú có khả năng này. Tuy nhiên cần được huấn luyện để phát triển mạnh mẽ và cuối cùng chủ và chó cần được tập dượt chung, để hiểu biết nhau.

Người ta chưa biết bằng cách nào, chó biết chủ sắp đau tim, hay lượng đường xuống. Có lẽ cơ thể người bệnh phát ra mùi mồ hôi khác lạ hay cơ quan não bộ gửi ra những làn sóng điện mà chỉ có chó mới cảm nhận được (1).

Canine Partners, hoạt động đã được 16 năm, cho hay, chó phải được chọn lọc và huấn luyện trong vòng 2 năm, với phí tổn chừng $20,000 một con. Tuy nhiên đây là cơ quan bất vụ lợi nên chỉ đòi hỏi bệnh nhân đóng một món tiền nhỏ là $900. Hàng năm Canimne Partners cho ra trường khoảng 30 con, do đó ai muốn xin lãnh chó phải đợi từ 8 tới 18 tháng.

Loài người vốn tự hào là thông minh nhất trong muôn loài, nhưng nay, biến chuyển trong cơ thể mình cũng không biết được, phải nhờ người bạn 4 chân khám phá và mách hộ thì quả nhiên khả năng con người còn hạn hẹp so với loài vật.

Chó Sài Gòn, chó Hà Nội.

Chó nhà người ta thì khôn đáo để như thế, còn chó Việt thì xệ quá. Không phải nó ngu. Tại chủ nó không đủ khôn để huấn luyện nó mà thôi. Ấy thế mà còn miệt thị nó một cách oan uổng nữa chứ. Trong xã hội VN, câu mắng nhau nặng nhất giữa người và người là ‘’đồ ngu như chó’’. Còn nữa, chưa hết ‘’đồ chó đẻ’’, ‘’đồ chó ghẻ’’, ‘’đồ con chó’’, ‘’đồ chó chết’’ v.v...

Chó Việt chỉ có hai nhiệm vụ căn bản là giữ nhà, canh trộm và dọn phân trẻ em.

Gần đây hơn, phong trào ăn thịt chó tự nhiên nở rộ ở VN nên con chó có thêm nhiệm vụ thứ ba là xả thân làm đồ nhậu cho các tay bợm lưu linh. (2)

Mới đây tờ Tuổi Trẻ dẫn lời một chủ lò giết chó ở khu Bùi Phát quận 3 Sài Gòn, quả quyết phải trên 1,000 con chó mỗi ngày bị đưa vào lò giết. Dân ‘’Hà Lội’’ ăn chó cũng rất mạnh. ‘’Chó thật, ăn chó kiểu này thì chó nó sống thế chó nào được.’’ Một ông thương chó và ngán ngẩm cho tình đời đã ‘’chửi đổng’’ như thế. Sặc mùi chó, phải không.

Công nghệ buôn bán chó phát triển vượt chỉ tiêu nhưng không ai ngó ngàng đến vệ sinh thực phẩm chó. Trên hình báo TT, chó được mổ ngay trên nền đất. Chó già, chó bệnh, chó bị đánh bả (thuốc độc) chết, chó ghẻ, bị lác khô, lác ướt, đều được phù phép thành ‘’đặc sản cầy tơ’’.

Phóng viên báo TT kể lại khi xâm nhập một lò mổ chó trên đường Bành Văn Trân (Tân Bình), cửa vừa hé mở mùi tanh hôi rờn rợn đã thốc vào mũi. Tay lái chó tên Tấn đưa PV thẳng xuống nhà dưới, nơi sát cẩu. Bốn ’’sát thủ’’ cởi trần trùng trục, mồ hôi mồ kê nhễ nhại đang cạo lông chó. Bốn chú cẩu được đặt ngay trên nền nhà dơ bẩn, ướt nhẹp, nước và lông chó quyện vào nhau. Sát vách chung quanh là những chuồng chấn song sắt nhốt chừng 20 con chó đang nằm thiêm thiếp. Thấy mấy con chó già, ghẻ lở nằm im PV lấy cây bút bi chọc, nhưng chúng không buồn nhúc nhích. PV hỏi: ‘’Sao toàn chó già, chó bệnh, chó ghẻ vậy anh?’’ Y đáp: ‘’Bệnh gì mà bệnh, còn sống là tốt rồi. Những lò khác, toàn chó đánh bả, ăn vào có ngày méo cả mồm đấy.’’

Những nhà bên cạnh than ‘’nước dơ, cặn bã, nước làm chó cứ đổ ra ngập đường. Cống bị nghẹt, chúng tôi có trình báo địa phương nhưng chẳng ăn thua.’’ Công an, cán bộ đã được nhẩm xà tiết canh, lòng dồi, thịt luộc rồi thì có ngập nữa cũng mặc thây. Nhiều lò ngụy trang bằng biển hiệu đấm bóp, giác hơi, may đồ, giặt ủi... Lò mổ tập trung đông nhất ở đường Lê Văn Sĩ, cổng xe lửa số 6, Phạm Văn Hai, Bùi Thị Xuân. Khu Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu không tập trung đông đảo như khu ông Tạ nhưng mức dơ bẩn thì phải đứng hàng trên.

Lái Tấn cho hay là các chủ lò đều có phép thần thông biến chó già, chó ghẻ, chó chết thành cầy tơ mà dân trong nghề gọi là làm ‘’mông má’’ chó. Tại lò mổ của ông N ‘’béo’’ ở khu Bình Triệu, sát thủ đang thanh toán ba con chó chết. Khi thợ mổ moi bộ lòng ra, PV/TT nói: ‘’Tôi muốn nôn oẹ vì mùi hôi thối đến rợn người bốc ra’’. Tấn nói những con này bị xung điện chết hơn một ngày rồi, nhưng không sao. Sau khi cạo sạch lông, ông N ‘’béo’’ lau khô chó rồi lôi ra một cái mâm đựng một chất sền sệt, quét khắp mình chó. Chờ thuốc ngấm, ông ta lấy vòi phun ga ra ‘’khò’’ khắp mình chó, cho lớp hóa chất cháy lên. Lúc này chó chỉ còn mùi khét dễ chịu của cầy thui rơm, mùi hôi biến mất. Hỗn hợp trên là bí quyết gia truyền của lò chó.

Nếu chó già thịt dai như lốp xe hơi thì ngâm bột muối diêm, sẽ mềm như cầy sữa. Cũng có loại hóa chất khác ký hiệu HEC mua ở chợ Kim Biên, hòa trong nước, bỏ cầy già vào ngâm 30 phút. Có chủ lò cẩn thận còn lấy sy-ranh tiêm hóa chất sâu vào thớ thịt. Mềm như bún vậy. Chó ghẻ khô thì cạo sạch lông, bôi mật ong rồi đem hơ lửa. Ghẻ ướt thì vá những chỗ ghẻ bằng một loại bột như bột mì. Sau đó phết khắp mình chó một thứ hóa chất khác có mầu đồng. Khi khô, đem gas ‘’khò’’ qua một lượt. Y như trò ảo thuật, chú chó ghẻ lác, trắng bệch đã biến thành chú cầy tơ thui rơm vàng ươm, bóng mỡ.

Ở hải ngoại, bợm nào nghiện thịt chó từ năm 1975, xin mời về thăm quê hương, thử món ‘’độc sản cầy tơ xã hội chủ nghĩa’’ một lần cho biết.

Con gì như con chó thui
Chín mắt, chín mũi, chín đuôi, chín đầu.

(thai đố)

Chó Đại Hàn

Ngày 3 tháng 8, 2005 giới khoa học gia sinh vật thuộc Nam Hàn hãnh diện tiết lộ, họ vừa đúc (clone) được một con chó (giống Afghan Hound), đặt tên là Snuppy. Snuppy được tạo ra bằng cách lấy một tế bào ở tai một con chó 3 tuổi, cấy vào một trứng của một loài chó khác, sau khi đã hút hết đặc tính di truyền của trứng nguyên thủy.

Sau đó trứng được đặt vào dạ con của một chó cái khác nữa.

Chó cái mang trứng nhân tạo này đã sanh được 2 con, nhưng một bị chết sau 22 ngày. Con còn lại, khoẻ mạnh được đem trình làng (xem hình).

Cũng cần nói thêm là từ trước đến nay người ta đã tạo được một số loài vật từ phòng thí nghiệm như cừu (Dolly, năm 1997), mèo, dê bò, chuột, lợn, thỏ, ngựa, nai, lừa và bò rừng (chưa thành công với khỉ, là loài có cấu trúc cơ thể giống loài người nhất).

Nhóm khoa học gia sinh vật Đại Hàn do khoa học gia Woo Suk Hwang dẫn đầu, đã thành công việc đúc chó lần đầu tiên. Đây là một tiến trình khá khó khăn, phức tạp vì đặc tính di truyền của chó được thiên nhiên chuyển đi một cách rắc rối tinh vi. Thành công của Đại Hàn đã đánh thắng nỗ lực của một nhóm khoa học gia sinh vật người Mỹ đang nghiên cứu 7 năm nay với phí tổn nhiều triệu Mỹ Kim về cố gắng đúc chó.

Để thành công với Snuppy, nhóm khoa học gia Nam Hàn cho biết, họ đã tạo 1,400 trứng và cấy vào 123 con chó (dĩ nhiên phải giải phẫu và không biết bao nhiêu chó chết). Trong 123 con, có 3 con thụ thai và như đã nói chỉ có Snuppy sống sót sau khi ra đời. Tuy nhiên tương lai của nó cũng chập chờn lắm. Còn nhớ cừu Dolly đã lão hóa mau chóng, bị bệnh tật, không có khả năng sinh sản và chết yểu sau khi sống được 5 năm (tuổi thọ của cừu khoảng 10 đến 12 năm)

Nhân chuyện con người muốn giành quyền với thiên nhiên, người ta lại nhớ đến chuyện ‘’Lá dó’’ (một loại lá tương tự lá dâu dùng để nuôi tằm) trong Cổ Học Tinh Hoa. Chuyện kể rằng, có người thợ khéo trong ba năm tỉa được một lá dó bằng ngọc mà mầu sắc, gân lá, lông tơ không khác gì lá thật, đem trộn chung với nhau, liếc qua không ai có thể thể phân biệt được lá nào thật, lá nào giả.

Người thợ đem dâng vua. Vua thích lắm, ban thưởng rất hậu.
Có người nghe chuyện than rằng: ‘’Nếu thiên nhiên mà cứ 3 năm mới sinh được một chiếc lá thì trái đất này chẳng có bao nhiêu rừng cây.’’

Nhóm khoa học gia Đại Hàn hãnh diện vì công việc làm sau bao nhiêu năm cần cù trong phòng thí nghiệm, giết bao nhiêu là chó. Họ quên rằng, các con chó Afghan Hound chẳng cần có học vị Tiến Sĩ, chẳng cần ngày đêm cặm cụi, thế mà làm chuyện đúc giống này dễ ợt, không tốn hàng triệu Mỹ Kim mà lại còn thú vị tình thâm nữa là khác. Năm nào cũng cho ra một lũ chó con kháu khỉnh, khỏe mạnh, truyền giống từ đời này sang đời khác đã bao nhiêu triệu năm nay.

Thế mới biết đấng Tạo Hóa thật quyền năng, con người khó mà bắt chước. Cố gắng lắm, may ra mới tạo được một vài phiên bản vụng về, xấu xí.

Trần Quán Niệm

(1) Tương tự VN, Hàn quốc cũng tôn vinh thịt chó là món quốc hồn quốc túy. Năm 1996 khi Thế Vận Hội Quốc Tế được tổ chức tại Hán Thành, nhà nước Đại Hàn đã ân cần khuyên bảo cư dân: Muốn ăn thịt chó, xin mời vào các ngõ hẻm, kẻo ở ngoài đại lộ quan khách ngoại quốc ‘’nhĩ mục quan chiêm’’

(2) Ở VN trước khi có thiên tai vài ngày (động đất, bão lụt v.v.) chó đều tru lên báo hiệu. Khi Nicole bị OJ Simpson sát hại (tình nghi) con chó của Nicole tru suốt đêm ngoài đường. Nó muốn báo cho hàng xóm là chủ nó bị hãm hại, dĩ nhiên là nó biết thủ phạm. Tiếc rằng chẳng ai nghe được tiếng chó nên OJ Simpson trắng án.

Người ta nói chó còn nhìn thấy ma.

CHUYỆN MẤT BÚA.

Cũng
Cổ Học Tinh Hoa có ghi lại chuyện người kia đánh mất cái búa, nghi cho đứa con nhà hàng xóm ăn cắp. Anh ta thấy cử chỉ, hành động, lời nói, dáng đi của nó đúng là tên ăn cắp búa.

Đến chiều anh ta tìm được chiếc búa bỏ quên ngoài vườn. Kể từ lúc đó, anh nhìn đứa con nhà hàng xóm, cử chỉ, nói năng, hành động cũng giống như hồi sáng nhưng lại không có vẻ gì là tên ăn cắp búa cả.

Cảnh sát bên Anh cũng vậy. Một ngày sau vụ nổ bom trong đường hầm xe lửa ngày 21-7-2005 anh Jean Charle de Menezes, 27 tuổi người xứ Brazil (Ba Tây) là chuyên viên điện cư ngụ tại Luân Đôn rời nhà đi ra ga xe lửa. Chung cư này cảnh sát tình nghi có mấy tên khủng bố nên đặt nhân viên chìm theo dõi. Lập tức, anh Jean bị bám đuôi bén gót. Khi anh đến ga xe lửa ngầm (subway), cảnh sát bao vây và bắn chết tại chỗ. 7 viên đạn trúng đầu, 1 trúng vai và 2 bắn hụt. Biên bản sơ khởi của cảnh sát cho hay Jean khoác áo dầy mùa đông, hành động khả nghi và khi đến bến xe lửa, bị chận lại, anh bỏ chạy, nhẩy qua hàng rào soát vé và phóng vào toa xe vừa ngừng tại bến. Cảnh sát bắt buộc phải nổ súng theo chỉ thị là ‘’bắn cho chết’’ (shoot to kill) áp dụng trong trường hợp những khủng bố cảm tử ôm bom tự sát.

Nghe có lý quá chứ. Cảnh sát ở thế chẳng đặng đừng mà. Bắt buộc phải hành động thôi.

Nhưng ba tuần sau, đài truyền hình Anh Quốc phanh phui ra rằng, căn cứ trên máy quay phim ghi hình ảnh tại bến xe, anh Jean ăn mặc bình thường, áo thun, quần jean, đi đứng thong thả, lại còn ghé sạp mua tờ báo, và bình thản lên xe, ngồi xuống ghế. Đột nhiên cảnh sát bao vây và nổ súng trước con mắt khiếp đảm của hàng ngàn hành khách. Sau này cảnh sát Anh cho biết anh không có liên hệ gì đến bọn khủng bố.

Thì ra anh chỉ có một tội là da ngăm ngăm đen, dáng vẻ như những tên khủng bố, lại không may ở nhằm chung cư mà cảnh sát mai phục và theo dõi.

Vụ sát hại người lương thiện này cũng như lập biên bản láo, ém nhẹm tội lỗi, làm cơ quan cảnh sát Anh và chính phủ Anh bối rối không ít. Áp lực đang hình thành buộc Tổng Giám Đốc Nha Cảnh Sát từ chức. Dân Ăng Lê có tiếng là phớt lạnh, tỉnh bơ, bây giờ thì huyền thoại kia đã tan rã.

Dân chúng và cảnh sát Mỹ cũng không khá gì hơn. Sau vụ khủng bố bên Anh Quốc, hàng ngày cảnh sát New York nhận được vài trăm báo cáo về các túi xách, hành lý bỏ quên trên xe subway và tại khắp nơi trong thành phố hoặc nhiều kẻ khả nghi. Báo hại các toán Cảnh Sát đặc nhiệm chống khủng bố và dò bom, hộc tốc chạy từ điểm này đến điểm khác. Bù đầu, mệt nhoài nhưng về tay không. Chỉ khổ cho ngân quĩ thành phố là tốn kém cả triệu đô la mỗi ngày cho các hoạt động này.

Có một vụ bị lên báo chí, làm mất mặt cảnh sát New York không ít là ngày 25-7-2005, trên một chuyến xe bus chở du khách ngoạn cảnh New York khi đi ngang Times Square, một khu vực nổi tiếng tại NY, anh chàng hướng dẫn du lịch (tour guide) hoảng hốt báo cáo cho tài xế là có 5 hành khách da mầu, râu rậm, có vẻ tình nghi ôm bom. Thế là anh tài xế run rẩy gọi cảnh sát.

Chỉ nháy mắt hàng chục xe cảnh sát từ bốn phía hú còi inh ỏi lao đến bao vây. Cảnh sắt đặc nhiệm túa ra, áo giáp, mũ sắt, mặt nạ ngừa hơi độc, vũ khí trang bị tận răng, lên đạn lách cách, sát khí đằng đằng. Các tay súng bắn sẻ túa lên những cao ốc chung quanh, ghìm súng xuống xe bus. Nguyên khu vực Times Square bị cấm di chuyển.

Du khách trên xe, mới đầu tưởng chuyện giỡn chơi, sau thấy ghê quá, súng cảnh sát chĩa lên tua tủa (xe bus hai tầng), ngón tay hờm sẵn trên cò chỉ muốn nổ, sợ hãi dơ hai tay lên đầu theo lệnh cảnh sát ríu ríu xuống xe. Phụ nữ xanh máu mặt. Trẻ em kêu khóc như ri. Nhiều em hãi quá, túm lấy cha mẹ tìm sự che chở, nhưng cha mẹ cũng đành chịu vì hai tay bị dơ khỏi đầu, mặt xanh mét sợ hó hé buông tay xuống có chầu ăn đạn. 5 ông da mầu, râu Ả Rập bị đè nghiến xuống mặt đường, còng tay rồi bắt qui trên đại lộ. Quân khuyển sục saọ, ngửi hít các bị, túi.

Một giờ sau, mọi việc trở lại bình thường. Xe bus được tiếp tục đi.

Nhận thấy hành động của cảnh sát là quá lố (còng tay thì tạm hiểu được, bắt quì gối là một sự sỉ nhục không cần thiết), hôm sau đích thân thị trưởng New York phải đăng lời xin lỗi trên mặt báo.

Sau thảm họa 911 tình hình nước Mỹ và thế giới đã đổi khác. Mọi người lo sợ, nghi ngờ nhau. Một hành vi nhỏ cũng dẫn đến sự lạm quyền của nhân viên công lực (cảnh sát Anh nổ súng, cảnh sát NY còng tay, bắt quì), thái độ tốt nhất của mọi công dân là ‘’tránh voi chẳng xấu mặt nào’’, nhân viên công quyền nói gì mình răng rắc thi hành là chắc ăn. Đừng có dại ’’dây với hủi’’ mà có ngày thiệt thân. ‘’Chờ được mạ, thì má đã sưng’’.

Chưa hết. Hai vợ chồng nhà kia và đứa con nhỏ đáp máy bay về thăm quê ngọai. An ninh phi trường kiểm soát chặt chẽ, hai vợ chồng bị rà soát bằng máy dò kim khí cầm tay và xem giấy tờ tùy thân. Mọi việc êm xuôi, cho đến lúc an ninh kiểm soát đứa bé. Guồng máy khựng lại một chút rồi gia tăng tối đa. Người mẹ phải bồng con đứng riêng ra để bị rà soát lại nhiều lần. Thấy có bộ nghiệm trọng, bà hỏi: ‘’Có gì không? Sắp đến giờ chúng tôi phải lên máy bay’’. An ninh nghiêm sắc mặt. ‘’Tên đứa nhỏ có trong danh sách những kẻ khủng bố’’ Hai vợ chồng kêu lên: ‘’Trời đất, nó mới 11 tháng mà khủng bố nỗi gì.’’ An ninh mặt lạnh như tiền. ‘’Chúng tôi chỉ thi hành nhiệm vụ’’. Chức sắc trung cấp rồi cao cấp được vời tới. Điện thoại về trung ương để kiểm chứng và xin chỉ thị. Cuối cùng rồi cũng xong. Gia đình trễ máy bay. Chỉ nhận được lời xin lỗi đầu môi ‘’Sorry, chúng tôi phải cẩn thận tối đa.’’ Và còn nghe dặn: ‘’Ông bà nên tránh đi máy bay chừng nào tốt chừng ấy, vì cháu bé sẽ bị gặp rắc rối hoài hoài. Chúng tôi sẽ trình lên thượng cấp trung ương, nhưng khó mà loại bỏ tên nó khỏi danh sách vì lỡ ra tên khủng bố nào đó có tên trong danh sách này lọt lưới thì sao?’’

Sau 911 ai cũng làm việc mẫn cán cả. Lỡ tắc trách, xếp biết được có thể mất job, lủng nồi cơm. Cẩn thận tối đa. Đó là lý do danh sách các tên tình nghi khủng bố trước đây chỉ đếm được trên đầu ngón tay nay ‘’phình ra’’ đến cả hàng ngàn tên. Nhiều tên chỉ có họ và chữ tắt của tên, không có thêm chi tiết khác như tuổi tác, hình dáng đặc biệt v.v.

Kể cả các ‘’đại gia’’ như Thượng Nghi Sĩ Kennedy và hai dân biểu khác cũng gặp rắc rối, vì có tên tình nghi ‘’phải gió’’ nào đó mang tên Kennedy E. bị ghi trên danh sách. ‘’Pháp bất vị thân’’, mời ngài TNS đợi đây, tôi đi trình thượng cấp đã.’’ Thì ra thế. ‘’Thà bắt lầm hơn bỏ sót’’. Cấp thừa hành chả dại gì quyết định cho đi qua bậy bạ, để cho các xếp lớn lo giải quyết.

Không hiểu trong hàng ngàn tên đó đã có tên ông Nguyễn, hay cô Trần nào chưa. Nếu có thì dân VN sẽ bị rắc rối to. Trong cộng đồng VN có biết bao nhiêu là Nguyễn, là Trần. Trước 75 có một nhà báo khôi hài Mỹ đã viết: ‘’Bạn vào một công sở VN, nói muốn gặp Mr. Nguyễn. 10 phút sau sẽ có chừng vài chục ông Nguyễn lò dò ra phòng đợi, ngơ ngác tìm gặp bạn’’

CHUYỆN CHỮ NGHĨA.

Đừng tưởng dân Mỹ ít đọc sách mà lầm. Cứ thử đi ngang tiệm sách lớn Barnes & Nobles thì biết. Xe đậu đầy trong parking lot, người ra vào tiệm tấp nập, không khác gì một siêu thị bán thực phẩm. Bước vào trong mới thấy quả là rộng lớn, cơ man là sách. Đủ thể loại, đề mục, bìa cứng, bìa mềm v.v.

Người đứng chọn sách, kẻ ngồi thoải mái trong góc nghiền ngẫm đọc. Chủ tiệm không quan ngại những nguời vào đọc sách chùa nên trang bị những chiếc ghế da êm ái, tha hồ thoải mái, độc giả coi cọp không sợ bị đau lưng, hay bị nhân viên trong tiệm làm phiền, nhòm ngó vì ngồi lâu. Sở dĩ thế vì người đọc chùa cũng có, nhưng kẻ mua cũng nhiều. NgườI Mỹ đọc sách quanh năm, nhưng đặc biệt là mùa hè, họ đọc nhiều hơn. Có lẽ bắt nguồn từ thói quen nơi nhà trường, mỗi năm hè đến, cô, thầy bắt học trò đọc vài quyển được chọn trước trong những ngày hè, khi tưụ trường sẽ phải làm bài điểm sách nộp cho thầy, cô.

Khi đi nghỉ hè, quanh hồ bơi, trên bãi bể, nhiều ông, nhiều bà, nhiều cô chúi đầu trên trang giấy. Dân Mỹ xài sang, đọc xong các quyển sách loại ‘’xem qua rồi bỏ’’ (soft cover) là họ ném vào thùng rác, khỏi đem về nhà, nặng va li. Không tin cứ dạo một vòng bãi biển, check các thùng rác mà xem. Sách nằm lủ khủ. Chịu khó lượm về, mỗi mùa hè cũng được cả ngàn quyển, đem bán gara sale vài chục xu một quyển cũng thu bạc kha khá.

Mỗi năm, các nhà xuất bản lớn tuyển chọn sách để in ra bán kiếm lời. Nếu không tìm được các tên tuổi đã thành danh, họ tuyển trong danh sách các cây viết tài tử chưa nổi tiếng. May ra, trúng mối, độc giả ưa thích là kiếm bộn bạc. Đó là trường hợp hai quyển sách đang bán chạy nhất (best seller) mùa hè năm 2005. mang tên ‘’The Historian’’ và ‘’The Traveller’’. Cả hai thuộc loại tiểu thuyết giả tưởng (fiction), một kể chuyện phiêu lưu (có cả dơi hút máu người), một kể chuyện khoa học giả tưởng. Thông thường độc giả Mỹ chọn mua sách của các tác giả nổi tiếng như James Patterson, Nora Roberts v.v... Đặc biệt gần đây nhất, sách Harry Potter vừa tung ra thị trường đã được tiêu thụ hết sạch, trong vòng một tuần lễ 6 triệu quyển bán chạy như tôm tươi, thâu về cho nhà xuất bản gần một trăm triệu đô la và còn nữa, trên khắp thế giới.

Tuy nhiên lâu lâu cũng có vài quyển của các tác giả chưa nổi tiếng trúng mối như năm 2004 có ‘’The Rule of Four’’. ‘’The Da Vincy Code’’. Năm 2003 có ‘’The Lovely Bone’’ v.v… Năm nay, ‘’The Traveller’’ đã bán ra 200,000 cuốn bìa cứng và tái bản lần thứ ba. ‘’The Historian’’ bán 25,000 cuốn trong tuần lễ đầu và cho đến nay đã bán được 915,000 cuốn sau khi tái bản lần thứ sáu.

Trông người mà tủi cho ta. Sách Việt in 1,000 cuốn, tiêu thụ hoài không hết, cho bạn bè cũng không xong. Tác giả bài này in cuốn ’’Hai Thế Hệ’’ năm 2004, sau khi hý hửng tặng thân hữu vài chục cuốn, tốn bộn tiền tem, số còn lại nằm xếp xó trong garare chờ bán cân làm giấy gói xôi (nếu Mỹ có người mua đồng nát vụn như ở làng quê VN), hoặc xé ra chụm lửa sắc thuốc Bắc uống chơi.

Trần Quán Niệm.

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh