Công-Nghệ Phục-Vụ Chiến-Tranh: CÁC LOẠI VŨ-KHÍ TỐI-TÂN.
DẪN NHẬP:
Theo đà tiến-bộ của con người, những phát-minh, phát-kiến trong khoa-học, công-nghệ... ngày càng nhiều và được áp-dụng trong mọi lãnh-vực. Tùy theo nhu cầu, mỗi phát-minh đem lại một giá-trị. Riêng trong nhu-cầu chiến-tranh, cuộc chiến một mất một còn, các tiến-bộ khoa học được đem áp-dụng một cách triệt-để. Dĩ nhiên sẽ mang lại kết quả cho quốc-gia nào áp-dụng các kỹ-thuật công-nghệ, khoa học,... nếu có cuộc đối đầu xảy ra.
Kể từ ngày cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, nhất là sau vụ khủng-bố ngày 11-9-2001 tại Hoa-Kỳ, cuộc đối đầu ngày nay giữa Tây-phương, dẫn đầu là Hoa-Kỳ với các thế lực khủng-bố quốc-tế đang đến hồi gay-go nhất. Hơn nữa, chiến-lược, chiến-thuật, địch thủ cũng như chiến trường ngày nay khác xa lúc trước. Do vậy, con người cố gắng áp-dụng khoa-học kỹ-thuật chừng nào hay chừng nấy. Tiết kiệm sinh mạng, nhân lực, thanh-toán chiến-trường nhanh chóng... là những tiêu chuẩn được các nhà lãnh-đạo đặt lên hàng đầu mà không đặt nặng tốn kém.
Trên căn-bản nầy, Hoa Kỳ đã và đang chế-tạo, áp-dụng các loại vũ-khí, phương-tiện hiện-đại hầu áp-dụng trên các chiến-trường theo nhu-cầu. Trong phạm-vi bài viết nầy, chúng ta thử lược qua các loại phương-tiện phục-vụ cho chiến-tranh ngày nay. Vì giới hạn bài viết, người viết xin giới thiệu sơ-lược một số trang-cụ và quân-dụng mà Quân-lực Hoa-Kỳ và một số ít quốc gia đồng-minh xử dụng.
2. MÁY BAY DO-THÁM GLOBAL HAWK.
Trong thập niên 60, với thế-hệ phi-cơ do-thám U-2, Hoa-Kỳ đã thành-công trong việc do-thám Nga-sô và sẽ không đình-hoãn nếu không có biến cố chiếc U-2 do Francis Gary Powers lái đã bị rơi trên đất Nga. Ngày nay, cùng với máy bay do-thám không người lái Predator (Dã thú), máy bay trinh sát RC-135, máy bay không người lái Global Hawk là một phi-cơ do-thám hữu hiệu của Quân-lực Mỹ.
Global Hawk được các kỹ-sư và chuyên-viên thuộc Trung tâm Hàng không Ryan, thuộc tập-đoàn Grumman Northrop Corporation của Mỹ thiết kế và chế-tạo. Chi phí mỗi chiếc máy bay nầy từ 10 đến 20 triệu USD tùy theo các trang-bị phụ. Global Hawk hoạt động do thám trên một vùng diện tích rộng đến 137.000 km2, vẫy vùng liên tục trên không trung lâu đến 36 giờ đồng hồ. Với các thiết-bị sẵn có, nó có thể nghe trộm đường truyền tín hiệu, bằng radar hay sóng hồng ngoại, nó đánh dấu các mục tiêu, sau đó ghi hình các hoạt động dưới mặt đất trong khu-vực hoạt-động. Quân đội Mỹ sử dụng Global Hawk để mục đích phát giác, phân loại, theo-dõi và giám sát đối phương từ xa mà vẫn rõ ràng, các tin tức ghi nhận từ mục tiêu đang hoạt động.
Tuy không cần người lái nhưng loại phi cơ nầy hoạt động rất đắc lực. Chỉ huy phó của Osama bin Laden là Mohammed Atef cùng với hàng chục tên tay chân thân tín của Atef đã bị phi cơ không người lái Predator giết chết. Gần đây, một phi-cơ không người lái đã giết chết Qaed Salim Sinyan al-Harthi, nghi can chính trong vụ tấn công vào chiếc USS Cole, trưởng nhóm Al Qaeda tại Yemen vào ngày 11/2/2002 tại Yemen.
Được trang-bị các kỹ-thuật tối-tân nhất cho dù có tốn kém, chắc chắn Global Hawk sẽ giúp ích nhiều cho ngành tình báo của Quân lực Mỹ trong nỗ-lực dò tìm để thu-thập được những thông tin tình-báo cần thiết mà họ cần.
3. VẬN-TẢI-CƠ VŨ-TRANG AC-130.
Các chuyên gia quân sự gọi phi-cơ AC-130 gọi là Pháo-đài bay “Rồng phun lửa” vì nó được trang bị hỏa-tiễn nhẹ, các súng liên thanh hạng nặng, súng đại bác với số lượng đạn mang theo đáng kể tấn công ồ-ạt vào mục tiêu. Đây là loại máy bay áp-dụng chiến-lược “tiêu-hủy mục tiêu”.
Tuy bay thấp và chậm nhưng mục-tiêu đã được các loại máy bay phóng pháo “dọn bãi” trước nên an-toàn, nó chỉ làm nhiệm vụ “kết-thúc” chiến-trường, hũy-diệt hoàn toàn mục tiêu. Ngoài ra, AC-130 có thể hỗ-trợ cho các đơn-vị diện-địa, yểm-trợ các cuộc hành quân, tiếp-tế thả dù quân trang quân dụng theo nhu cầu của mục tiêu, chiến trường mà phi-cơ trực thăng không làm được.
Tiền thân của AC-130 là loại AC-47 gunship biến cải, gồm các loại: AC-130H mang tên “Spectre” (ma quái), AC-130U được gọi là “Spooky” và kiểu AC-130U là thế-hệ thứ ba. Loại phi-cơ nầy đã được xử dụng trên chiến-trường Việt-Nam, Panama, Somalia, Bosnia-Herzegovia, tăng-cường cho Lực-lượng Liên-Hiếp-quốc tại Iraq.
AC-130 do hãng Lockheed Martin/ Boeing Corporation chế tạo, loại AC-130 H ra đời năm 1972, AC-130 U đưa vào xử dụng năm 1995.
AC-130 trang bị 4 động cơ Allision T56A-15 turbopro với công suất 4,910 mã lực mỗi động cơ, dài 97 feet, cao 38 feet 6 inches, sãi cánh 132 feet, vận tốc 300 MPH, bay xa 1.300 dặm (có thể bay xa nếu có tiếp tế nhiên liệu trên không), trọng lượng tối đa có thể cất cánh 155 ngàn pounds (69.750 kg).
Phi hành đoàn: AC-130H: 8 người, AC-130U: 13 (1 phi công chính, 1 phụ, 1 hoa tiêu, 1 chuyên viên điện tử, 1 chuyên viên vũ khí và 8 nhân viên trong đó có 4 xạ thủ).
Giá mỗi chiếc AC-130H là 2.4 triệu Đô la, mỗi chiếc AC-130U là 190 triệu Đô la. Về vụ khí, chiếc AC-130H được trang bị hỏa-tiễn, đại bác 40 ly, 105 ly; loại AC-130U trang bị giống như AC-130H nhưng có thêm súng 25 ly.
4. PHI-CƠ ĐA NĂNG F-35 JSF.
Bộ Quốc Phòng Mỹ đã chấp-thuận dứ án thay thế các loại phi-cơ đã cũ bằng loại phi-cơ F 35 JSF (Joint Strike Fighter) cho Không quân, Hải-quân và Thủy-quân Lục-Chiến. Đồng thời, phi-cơ nầy cũng được Không quân và Hải-quân Hoàng-gia Anh quốc thay thế phi-cơ của họ. Đây là loại phản lực oanh-tạc chiến đấu cơ với khả năng cao trong nhiệm-vụ tiêu-diệt các mục-tiêu cũng như không chiến, nhiều ưu điểm hơn hẵn các loại phi-cơ cũ.
Các chuyên gia quân sự cho rằng F-35 là phi cơ “độc nhất vô nhị” vì là loại phản lực cơ nhưng có thể lên xuống thẳng đứng như phi-cơ trực-thăng. Phi-cơ do hãng Locheed Martin Aeronautics Co. tại cơ xưởng tại Fort Wort, Texas chế tạo dựa trên kỹ-thuật “lift fan design”. Kỹ-thuật nầy còn có thể tăng cường sức đẩy cho hệ thống phản-lực khi cần trong trường hợp đặc-biệt.
F-35 là loại phản lực cơ siêu thanh chỉ một người lái, trọng lượng 24,000 lbs, có thể mang theo 17.000 lbs vũ-khí, 16.000 lbs xăng. Đây là chiếc máy bay trang bị nhiều kỹ-thuật của nhiều hãng: Động cơ máy bay do hãng Pratt & Whitney chế-tạo, hệ-thống Radar điện-tử tối tân AESA do hãng Northrop Grumman chế tạo, nón đội (helmet) của phi-công có màn ảnh điều khiển do hãng Vision System International chế tạo, hệ thống đo lường điện tử do Snader Litton Amecon chế-tạo, hệ thống xác định mục tiêu do hãng Lockheed Martin chế tạo. Với hệ thống súng liên thanh được điều khiển bằng tia laser, khả năng tác chiến rất cao và chính xác.
Theo dự trù, 1.700 chiếc sẽ trang bị cho Không Quân Mỹ với giá 28 triệu Mỹ kim một chiếc. Hải-Quân Mỹ với 408 chiếc mỗi chiếc 35 triệu Mỹ kim vì khác hệ thống lên xuống, cần có hệ thống bánh đáp với dây móc, lớn hơn để được nhiều vũ-khí hơn. Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cần 480 chiếc với giá 38 triệu một chiếc vì hệ thống điều-khiển đặc-biệt hơn: cần có máy phản lực dưới thân để phi cơ có thể lên xuống thẳng đứng hay có thể đứng một chỗ hoặc xoay tròn trên không như một chiếc trực thăng.
Hoa Kỳ và Anh quốc có loại phi-cơ AV-8 Harrier có tính năng lên thẳng tương tự nhưng khác ở chỗ AV-8 Harrier không có hệ thống phản lực. AV-8 Harrier do Anh quốc chế tạo cho Hải Quân Hoàng Gia Anh sau đó được hãng Boeing của Mỹ tân trang.
Ngoài Hoa Kỳ và Anh quốc ra, các nước Canada, Ý, Hòa Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch cũng có dự định đặt mua loại F-35 tân tiến nầy để trang bị cho quân-lực của họ.
5. OANH-TẠC-CƠ B-1B.
Là loại oanh tạc cơ siêu thanh tầm xa cánh thẳng, có tên là B-1B "Lancer", trực thuộc Không quân Hoa Kỳ. B-1B là máy bay duy nhất có thể bay vòng quanh thế giới nếu được tiếp nhiên liệu trên không (do tiếp tế cơ KC-10). Mỗi chiếc B-1B trị giá khoảng 280 triệu dollars.
B-1B Lancer là kiểu máy bay đã gây nên nhiều tranh luận tại Mỹ. Dưới thời Richard Nixon, B-1B được chấp thuận chế-tạo từ năm 1970 cho nhiệm-vụ mang bom nguyên tử vì nó có thể bay xa. Cơ xưởng sản xuất B-1 đặt tại Rockwell International ở Palmdale, Nam California.
Trước những tranh cãi quanh về tính năng, kỹ thuật cũng như phí tổn quá cao, năm 1977, Jimmy Carter cho ngừng chương trình sản xuất B-1. Tổng thống Ronald Reagan cho tái tục chương trình nầy sau bốn năm gián-đoạn trước những căng thẳng của Chiến Tranh Lạnh. B-1B "Lancer" là tên của kiểu máy bay đã cải tiến kỹ thuật. Chiếc máy bay thứ 100 được hoàn thành vào năm 1988.
Chiến-tranh lạnh kết thúc mà máy bay B-1 chưa được sử dụng, việc chở bom nguyên tử không còn cần thiết và đến lúc dùng hỏa tiễn có hiệu quả hơn. Tổng thống George W. Bush cho lệnh sửa chữa B-1B để mang bom thường, dự án với kinh-phí là 3 tỷ dollars. Gần đây bộ Quốc Phòng Mỹ đưa kế hoạch giảm bớt 1/3 số máy bay này, chỉ sử dụng khoảng 60 chiếc. B-1 đóng tại các căn-cứ lớn ở quốc nội (Ellsworth, South Dakota) hay quốc ngoại (Diego Garcia, một quần đảo thuộc Anh, nơi đặt căn cứ cho phi cơ ném bom hạng nặng B-1B và B-52H).
Mỗi chiếc B-1B có thể mang 24 bom loại JDAM (bom điều khiển bằng hướng dẫn qua vệ tinh) trong khi máy bay nhỏ chỉ mang được 1 hay 2 trái hoặc chiếc B-2 chỉ mang được 16 trái. Phi-cơ B1-B được dùng trong chiến dịch oanh-tạc Afghanistan.
6. BOM ÁP NHIỆT BLU-118/B.
Với các mục-tiêu là hang động, núi non hiểm-trở, hầm hố (như trong cuộc chiến tại Afghanistan) để tránh tổn thất về nhân mạng, Hoa Kỳ dùng loại bom áp nhiệt BLU-118B. Đây là một phát-minh của một di-dân Mỹ gốc Việt: bà Dương Nguyệt Ánh.
Sau khi được thả xuống mục-tiêu, bom chui lọt qua cửa hầm và nổ tung. Sau khi nổ, nó phóng ra hàng ngàn mảnh thép, phá bung những bờ thành, sàn hầm, biến tất cả thành tro bụi chỉ trong nháy mắt, hang động bị hủy diệt một cách kinh khiếp, tạo ra nhiệt lượng cao và sức ép luồn vào các địa đạo để tiêu diệt sự sống bên trong hang. Điều đặc-biệt là sau khi nổ một thời-gian lâu mà nhiệt độ cao và sức ép vẫn còn duy trì.
Thông thường, sức công phá của các loại bom khác bị núi non, hầm hố, hang động cản trở, nhưng khi bom BLU-118/B nổ, sức ép và nhiệt đã len lỏi qua các khe của hang, xuyên ra thật xa mà vẫn đủ sức để tiêu diệt sự sống, xa đến cả 1,100 feet.
7. BOM E.
Đây là một loại bom ứng-dụng nguyên-tắc của tia X, không gây tác hại cho nhân mạng mà chỉ phá hũy hay làm tê-liệt các hệ-thống điện, các đường khí đốt (gas), các loại vũ khí sinh hóa trong các kho chứa, tấn công các cơ-sở sản-xuất vũ-khí, phá sóng hệ thống vô tuyến,... Sau khi nổ, bom tạo nên sóng cao tần (giống như sóng xung-động của bom A, bom H), sóng nầy có thể xuyên đến các kho hầm theo các lỗ thông hơi hay các đường dây cáp để vô hiệu hóa các loại vũ-khí tổn trữ hay đang sản-xuất. Khi đối phương mang các loại vũ khí bị bom gây nên sẽ không còn hiệu quả như lúc ban đầu. Bom được trang-bị trên phi-cơ oanh-tạc, máy bay không người lái hay được phóng đi bằng hỏa-tiễn.
Đây là sản phẩm của Anh quốc, sản-xuất trong một sơ-sở ở Tây Nam nức Anh, được Hoa Kỳ đặt mua để trang bị cho quân-đội.
8. BOM MININUKE B 61-11.
Đây là một loại bom nhỏ (đường kính 34 cm, dài 3,59 m; nặng 315 kg), B 61-11 dùng để công phá các hầm hố, các công-sự phòng-thủ, các căn-cứ, các kho tàng, nhà máy nằm sâu trong lòng đất...có sức công phá tương đương 400 tấn thuốc nổ TNT (trinitrotoluent). Với biệt danh Mininuke (bom hạt nhân nhỏ), sức công phá nhỏ (tương đương 400 tấn TNT nếu so với 13.000 tấn TNT của quả bom đã thả xuống Hiroshima) nhưng nhờ có thể xuyên sâu đến 6 m dưới lòng đất mới nổ và khi nổ, sức công-phá có xu hướng theo chiều sâu nên vô cùng lợi hại.
Ý nghĩ sản xuất một loại bom với những tính năng nói ở trên xảy ra trong biến cố Libya. Mỹ nghi Libya có các cơ sở sản xuất vũ khí nằm sâu dưới lòng đất ở Tarhunah cần phải hũy diệt. Là một loại bom bí mật, mới sản xuất, B61-11 chứa chất plutonium, dự án sản xuất bắt đầu từ năm 1989.
Trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, để chuẩn bị cho chiến tranh, việc phá hủy các công trình ngầm dưới đất của Iraq là một nhu cầu của Mỹ. Các loại bom của Quân đội Mỹ lúc đó chưa đủ sức phá những hầm hố, kho tàng, sở chỉ huy nằm dưới đất của Iraq. Vì vậy, họ có chương trình phát triển loại bom có thể “nổ trong lòng đất”, và vào tháng 2/1991, bom GBU 28 ra đời. GBU 28 chỉ là bom cải tiến từ các loại bom cũ, là một thứ vũ khí sử dụng chất nổ truyền thống tritonal, dài 5,72 m, đường kính 37 cm, nặng 2 tấn. Hai bom GBU 28 đã được thả từ máy bay F-111 xuống Iraq.
B 61-11 được phòng thí nghiệm Khoa học Los Alamos nghiên-cứu. Các thông tin về kỹ thuật cho biết sức công phá: bom GBU 28 với 306 kg chất nổ tritonal, tương đương khoảng 385kg TNT, sức nổ của B61-11 tương đương với 300 tấn TNT.
Theo nhu-cầu chiến trường, Viện Chính sách Công chúng Quốc gia Mỹ tuyên-bố về sự cần thiết phải sử dụng vũ khí hạt nhân hạng nhẹ:
- “Trong tương lai, nước Mỹ có thể cần sử dụng loại vũ khí hạt nhân đơn giản, có sức công phá yếu, được điều khiển, để chống lại các mục tiêu cụ thể và kiên cố như các nhà máy sản xuất vũ khí sinh học dưới lòng đất”.
9. SÚNG LASER CHỐNG HỎA-TIỄN GẮN TRÊN PHI-CƠ
Danh từ khoa học “Laser” có nghĩa là một loại máy có khả năng tạo một luồng ánh sáng với cường độ mạnh. Trước kia, với kỹ-thuật còn phôi-thai, các hỏa-tiễn phóng ra thường không chính xác. Khi phát minh ra laser, người Mỹ áp-dụng trong sản-xuất các loại vũ-khí. Các loại hỏa tiễn của Mỹ phóng ra (trên phi-cơ hay giàn phóng) đều được tia sáng laser hướng dẫn tới mục tiêu nên rất chính xác.
Trong kế hoạch “Chiến tranh các vì sao” với nhiệm vụ phòng thủ lãnh thổ khi bị tấn công, Hoa-Kỳ sẽ áp dụng nhiều thành tựu khoa học mới. Mỹ đã thí nghiệm thành công việc dùng hỏa tiển bắn hạ một hỏa tiễn khác đang bay. Ngoài ra, ngành công nghiệp và quốc phòng đã thí nghiệm một kiểu máy bay phản lực Jumbo có trang bị súng laser để bắn hạ hỏa tiển. Với thành tựu nầy sẽ là yếu tố then chốt giúp hệ thống phòng thủ dể dàng bắn hạ hỏa tiển đối phương nhắm vào đất Hoa Kỳ.
Với kế hoạch nầy, các máy bay sẽ bay tuần tiểu tại các vùng quan trọng với cao độ trên 12 ngàn thước (quân đội Mỹ dùng Boeing 747-400). Các hệ thống quan sát sử dụng tia laser sẽ theo dõi tất cả mọi hoạt động trong phạm vi giới hạn, sẽ thông báo mọi diễn tiến của hoạt động khả nghi (hỏa tiễn địch) về máy bay. Khi đã phát giác, nó sẽ theo sát hỏa tiễn trong lúc các hệ thống trên máy bay sẽ tính toán phương hướng, vận-tốc, và các dữ liệu khác của hỏa tiễn để ước tính các chi tiết cần thiết đối phó. Sau một thời gian rất ngắn ước tính, một chùm tia laser sẽ được phóng từ phi-cơ đến hỏa tiễn đang bay trong khoảng từ 3 đến 5 giây đủ sức xuyên thủng lớp vỏ hỏa tiễn để kích nổ để phá hủy nó trên không trung trước khi đến mục tiêu đối phương đã nhắm đến.
Riêng về loại “vũ khí laser” hyperboloid còn kinh khủng hơn nhiều. Nó có thể cắt đứt, phá hũy cả một con tàu, một nhà máy, hệ thống phòng thủ kiên cố, các cơ sở sản-xuất, đường sá, gây xáo trộn môi trường ngoài việc dả thương sinh vật. Trong tương lai, nếu không có đạo luật hạn chế thử nghiệm, sản xuất, xử dụng sẽ gây những nguy hại to lớn không thể kể xiết.
10. LASER DÒ MÌN
Ngoài áp dụng laser cho chiến lược phòng thủ nói trên, các nhà khoa học Mỹ tại căn cứ quân sự Waynesville, Missouri vừa sáng chế ra hệ thống dò mìn mới. Hệ thống này sử dụng kỹ thuật laser để phát giác và phá hủy mìn bẫy, bom đạn... nằm rải rác trên chiến trường. Những thứ nầy là mối đe dọa cho mọi người vì có thể nổ bất cứ lúc nào.
Hệ thống dò mìn Zeus của Mỹ gồm một máy phóng laser cực mạnh đặt trên một chiếc xe bọc thép (để giữ an toàn cho quân nhân xử dụng). Người lính ngồi trong xe dùng một cần điều khiển để phóng của chùm laser ra vùng cần dò mìn bẫy. Một chùm laser có công suất từ 500 đến 2.000 Watt có thể xuyên thủng vỏ thép của mìn bẫy, bom đạnlàm cho chúng bùng nổ.
Theo các chuyên gia Mỹ, Zeus có thể phát giác tất cả các bom đạn, mìn bẫy (vỏ nhựa, kim loại) ở khoảng cách từ 25 đến 250 mét. Yếu điểm của Zeus là chùm laser không thể xuyên sâu xuống đất nên Zeus thích hợp cho việc dò bom mìn ở chiến trường chứ chưa thể dò mìn chôn sâu dưới đất được.
11. VŨ-KHÍ THỜI-TIẾT HAARP
Chương trình mang tên HAARP có khả năng chế ngự khí hậu: có thể tạo ra những thay đổi thời tiết tại địa phương được chọn làm mục tiêu, có thể gây ra lũ lụt, bão và động đất.
Chương trình nầy ra đời tại Gokoma, tiểu-bang Alaska, với sự bảo trợ của Không quân và Hải quân Mỹ, HAARP là một trong những loại vũ khí tinh vi mới của Chiến lược phòng thủ của Mỹ. HAARP gồm một hệ thống antena cực mạnh có thể “tạo ra những thay đổi có thể kiểm soát được trong tầng điện ly”. Hệ thống nầy tạo một sự thay đổi thời tiết theo ý muốn, là một tiến bộ của nhân loại có thể làm thay đổi thiên-nhiên. Theo tờ Times của Anh cho biết: “các phương pháp được sử dụng bao gồm kích hoạt những cơn giông bão, khiến nước của các dòng sông bốc hơi để từ đó xuất hiện mưa, gây ngập lụt ở các mục tiêu trên trái đất mà Mỹ muốn”.
Được biết sóng điện từ tần số thấp, khi dội về trái đất ở cường độ cao cũng có thể tác động đến não bộ con người, đến điện từ trường của trái đất, làm xáo trộn các hệ thống sinh thái, ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu, nông nghiệp. HAARP là một thứ “vũ khí” hết sức nguy hiểm, có thể thay đổi bộ mặt trái đất.
Chương trình nầy bị các tổ-chức bảo vệ môi-trường ở Mỹ phản đối. Tiến sĩ Nicholas Begich, một trong những người đi đầu trong chiến dịch chống HAARP gọi nó như “một công nghệ phát sóng radio siêu mạnh có thể tập trung các tia sóng và làm thủng tầng điện ly” (ozone) (tầng nằm trên cao trong bầu khí quyển, có nhiệm vụ bảo vệ trái đất). Tiến sĩ Rosalie Bertell, một khoa học gia cho rằng "Các chuyên gia quân đội Mỹ đang làm việc trong những hệ thống thời tiết được xem là vũ khí tiềm năng".
12. PACKBOT, ROBOT CHIẾN-TRƯỜNG
Trên mặt trận Afghanistan, Quân đội Mỹ đưa robot có tên Packbot vào chiến trường, đảm nhiệm những sứ mệnh nguy hiểm thay con người. Packbot được giao cho Đại úy Robert Merritt, người chỉ-huy đơn vị lục quân tại căn cứ Bagram, Afghanistan điều khiển. Nó chuyên thám thính, đánh hơi những khu vực nguy hiểm và gửi về căn cứ các bức ảnh, tin tức. Ngoài ra, robot còn có nhiệm vụ kiểm soát các bãi chiến trường sau trận chiến, thám sát các tòa nhà, hang động. Mỗi chiếc xe robot Packbot trị giá 45.000 Mỹ-kim.
Các nhà khoa học Mỹ dự trù sẽ cải cách robot Packbot này bằng cách lắp thêm camera, súng, ống và lựu đạn cho nó để có thể được sử dụng vào nhiều việc khác: nhiệm vụ của một binh sĩ hoặc như một chuyên viên để thám sát địa thế, theo dõi, báo cáo chất độc tại chiến trường.
13. ROBOT TÌM ĐỊCH QUÂN
Cũng trên mặt trận Afghanistan, lần đầu tiên trong quân sử, Quân lực Mỹ đưa rô bô vào chiến trường. Ngày 29-7-2002, Sư Đòan 82 Không Kỵ Mỹ, căn cứ tại Fort Bragg, đã sử dụng robot Hermes để len-lỏi vào các hang động ở Afghanistan để lục soát tìm người, khí tài của quân khủng bố al Qaeda. Robot Hermes dài 3 feet, nặng 43 lbs, di chuyển nhờ hai bánh kéo bằng dây xích như bánh xe tăng màu xanh lục.
Trên thân robot Hermes được đặt hai máy camera. Những hình ảnh quay được sẽ được truyền bằng sóng điện từ cho người điều khiển ở ngoài hang. Bánh xích của robot có thể vượt qua mọi chướng ngại, có thể len lỏi qua những hóc kẹt rất nhỏ mà quân nhân hay quân khuyển không lọt qua được, tránh được hơi độc, chất độc có thể gây thương vong cho binh sĩ. Robot Hermes còn dùng để tiền sát hay rà mìn bẫy, giúp cho binh sĩ tránh khỏi những cuộc phục kích hay bị mìn bẫy sát thương. Với mìn bẫy gài trên cao, robot cũng phát giác được nhờ máy camera.
Mỗi robot Hermes có thể mang theo 12 camera, nhiều súng tự động hay phóng lựu, được điều khiển từ xa. Robot Hermes có giá 40.000 Mỹ kim mỗi chiếc.
14. SÚNG LASER, BOM VI-BA
Đây là loại vũ-khí chưa được xử dụng, là súng hay bom khi nổ không có miểng, đả thương con người bằng tia laser và các sóng vi-ba, không làm chết người mà chỉ gây thương tật suốt đời. Tia laser sẽ làm mù mắt, sóng vi-ba sẽ làm phỏng da trầm-trọng, nước trong cơ thể con người sẽ bị nung sôi, địch quân sẽ cảm thấy nóng nảy, khó chịu tột độ cho dù núp, trốn bất cứ nơi đâu. Đây là loại vũ-khí nguy hiểm vì nó không làm chết ngay địch quân mà gây thương tật vĩnh viễn, tạo một gánh nặng tài chánh (phải nuôi nấng thương binh suốt đời) và tâm-lý (sợ sệt) cho quốc gia địch. Trước đây, loại mìn “con cóc” cũng không làm chết người (khi đạp phải, nó nhày lên ngang gối mới nổ làm cho địch quân gãy chân, phải cưa chân, thành phế nhân) nhưng để lại cho xã hội gánh nặng từ các thương binh nầy.
Bom súng laser nầy bị các tổ chức nhân quyền khắp nơi phản đối kịch liệt nên các chuyên gia quân sự Anh Mỹ e ngại chưa cho mang ra xử dụng. Trước đó, các nhà bảo vệ nhân quyền đã nhờ đến luật-pháp quốc-tế để có biện pháp chế tài loại vũ khí nầy. Tuy vậy, nhờ kẻ hở của luật pháp: “trong một quyết-định quốc tế vào ngày 30-10-2000 cho phép ứng-dụng tia sáng laser để chế tạo loại vũ khí “không giết người” (non-lethal)” nên các chuyên gia Anh Mỹ lợi-dụng kẻ hở của luật trên để chế tạo loại vũ-khí đặc-biệt nầy.
15. QUÂN PHỤC AN-TOÀN, QUÂN PHỤC CHỐNG ĐỘC
Trong cuộc chiến Afghanistan, binh sĩ Mỹ được trang bị loại quân phục đặc-biệt để thích-nghi với khí-hậu khắc nghiệt tại đó, khác hẵn với quân phục cũ. Ngoài màu sắc phù hợp với màu đất, bộ quân phục nầy giúp quân nhân chịu được cái nóng nung người ban ngày nhưng đêm vừa xuống cái lạnh buốt da kéo đến. Các phát minh mới cũng được ứng-dụng, binh sĩ được trang bị máy liên-lạc cá nhân với ống liên hợp gắn vào mũ sắt, ống nhắm hồng ngoại tuyến, mặt nạ phòng hơi độc v.v...
Trong cuộc chiến chống khủng bố hiện tại và tương lai, Hoa Kỳ e ngại binh sĩ của mình sẽ phải đối đầu với trận chiến mà địch quân sẽ dùng vũ-khí hóa-học, sinh học. Để bảo-vệ quân sĩ trong chiến trận sinh-hóa-học, các chuyên gia Mỹ đã nghiên cứu và chế tạo quân phục chống độc. Ứng dụng công nghệ mang tên Nano, quân phục được dệt từ các sợi rất mảnh, cho phép không-khí qua được nhưng ngăn được độc chất. Ông Tom Tassinari thuộc Trung-tâm Natrik của Quân-lực Mỹ tại Massachusetts cho biết:
-“Với việc ứng dụng công nghệ Nano, người ta đã thay đổi tính chất của các sợi này, khiến chúng tăng độ chịu nhiệt, độ cứng và độ đàn hồi”.
Vải dệt quân phục nầy là loại sợi đặc-biệt, công nghệ Nano thay đổi tính chất của sợi để chúng có thể chịu đựng được nhiệt-độ (nóng, lạnh), độ cứng, độ đàn-hồi vì thế quân phục có thể chống lạnh, ngăn nóng.
16. PHI-CƠ SIÊU-THANH HYPER-X
Với các kỹ thuật tân kỳ, các chuyên viên hàng không của NASA nghiên-cứu và sắp sản-xuất các loại siêu-thanh mang tên Hyper-X, bay nhanh gấp nhiều lần vận-tốc âm-thanh. Thế-hệ siêu thanh cơ tương-lai mang tên X-43 gồm có:
- X-43A: Động cơ nổ chạy bằng hydro lỏng, lấy ôxy từ không khí. Tốc-độ của X-43A lên đến Mach 7, có thể lên tới Mach 10.
- X-43B: Là phi cơ siêu thanh lớn nhất của NASA. X-43B là tổng hợp tất cả lợi thế của hai loại Hyper X-43A và X-43C.
- X-43C: Động-cơ nổ theo nguyên-lý của động cơ máy bay siêu thanh thường của Không lực Hoa Kỳ. Tốc độ tối đa của X-43C sẽ từ Mach 5 đến Mach 7.
Đây là những phát-minh tân kỳ của loài người. Máy bay có thể bay với cao độ 33 km, tốc-độ là trên 6.000 km/ giờ trở lên (hơn Mach 5: gấp 5 lần vận-tốc âm-thanh), động-cơ nổ là sự kết-hợp nguyên-lý của động-cơ máy bay phản-lực và hỏa-tiễn, lấy oxy trực-tiếp từ không-khí nên hiệu suất gấp nhiều lần động-cơ phản-lực thường.
17. LỜI KẾT:
Chúng ta vừa đọc qua những loại khí tài quân-sự tân-kỳ của quân-đội Mỹ với những tài-liệu được công-bố hay được tiết-lộ trong giới hạn mà chính quyền Mỹ cho phép. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu loại khác đang trong thời-kỳ còn được giữ bí mật, đang được chế tạo hay con đang trong thời-kỳ thí-nghiệm.
Nhiều người đặt câu hỏi: "Tại sao chỉ có các tài liệu về quân sự của Mỹ được công-bố trong khi các cường quốc quân sự khác cũng có khí tài tiến bộ sao không thấy phổ-biến?". Câu trả lời cũng dễ. Chúng ta thấy ở Mỹ, mọi việc đều phải công-khai hóa hay cho phép du-khách (cả công dân Mỹ hay ngoại kiều) vào xem cơ-sở làm việc, trong khi đó các nước khác thì không.
Chính-phủ Mỹ có bổn-phận phải báo cáo cho quốc dân mọi chuyện, thông qua các đại diện của họ là các dân-biểu. Ngoài ra, trên các phương-tiện truyền thông (báo-chí, internet,...) các tài-liệu nào có thể phổ biến, mọi người có thể vào xem hay vào tận cơ-sở làm việc chứng-kiến tận mắt, ngay cả các cơ-sở tối quan trọng, chẳng hạn như: Tòa Bạch Ốc, Quốc-hội, Bộ Quốc-phòng, CIA, FBI, Sở In tiền, v.v...
Tại hầu hết các quốc gia khác, điều nầy khó xảy ra, nhất là các nước Cộng-sản. Nhiều điều đã xảy ra nhưng đã được dấu nhẹm, chỉ được tiết lộ sau đó rất lâu hay vẫn còn được giữ kín.
Trong tương lai, với đà tiến-bộ hiện tại và nhu-cầu cho chiến cuộc, chắc chắn sẽ có nhiều phát-minh, phát kiến mới lạ ứng-dụng trong công-nghệ sản-xuất, nhất là tại Hoa-Kỳ. Chúng ta hãy chờ xem!!
San Jose, 2002
Lê Chánh Thiêm